XX
Nga sững sờ trước câu nói của Đoan. Bần thần rất lâu mới hỏi thị rằng:
- Cô ấy tự tử bao giờ, chị?
- Từ trưa nay, nhưng vừa nãy mới phát hiện ra. Tôi nghe cái Mão bên ấy kể rằng đêm qua hai mẹ con bà tư cãi cự ỏm tỏi lắm, hình như cô Mơ nằng nặc xin từ hôn cậu Thỉnh. Nhưng đời nào bà ta đồng ý, đúng không?
Nga chẳng thể trả lời thị bởi tâm trí mải dồn vào cái Sửu. Nàng đưa mắt nhìn chung quanh nhưng không thấy nó đâu, chỉ thấy đám cái Mười đương bảo nhau trông nồi cám và hì hục quét tước. Bốn bề vô cùng yên ắng, khiến tiếng gào khóc thảm thiết của bà tư vang tận sang sân.
Bà tư chỉ có mình cô Mơ, bởi sau một lần đẻ non thì bà không thể thai nghén thêm lần nữa. Cụ phó đem lòng thương xót nên yêu chiều mẹ con bà hết mực, sau khi nghe cụ lý trưởng ngỏ ý muốn kết thông gia bèn đồng ý gả cô Mơ cho nhà bên ấy ngay, chứ không chọn các cô con gái đủ tuổi cập kê của ba bà lớn. Dẫu việc này khiến các cô nhen nhóm nỗi tị hiềm, trong khi ba bà mẹ chỉ biết động viên con rằng: "Nay mai thầy u khắc tìm mối tốt hơn cho con. Biết đâu lại là con của quan huyện, hay một ông tham tá làm việc tại công sở thì sao?"
Nếu không xảy ra sự việc khiến cả làng thất kinh, thì chỉ độ nhăm hôm nữa là cụ lý sẽ sang nhà cụ phó thưa chuyện, dẫu thường ngày các cụ vẫn đi lại với nhau.
Đêm qua cô Mơ bỗng làm ầm lên với vợ chồng cụ phó, nhất mực đòi thôi cưới cậu Thỉnh. Cụ phó khuyên mãi chẳng được bèn điên tiết, vung tay giáng lên thân mình con mấy gậy đau điếng. Còn bà tư thì bưng mặt khóc nức nở, sau đó lả đi khi cô mợ đe rằng cô sẽ thắt cổ nếu cha mẹ cứ ép phải lấy cậu ta.
Rồi cô tự tử thật.
Nga biết cô Mơ rất thương mẹ, không đời nào cô từ bỏ mạng sống của bản thân một cách dễ dàng như thế. Cho nên nàng vội vàng xuống bếp để tìm cái Sửu, quả nhiên chẳng thấy nó đâu.
Nàng đưa mắt nhìn quanh lần nữa rồi hỏi cái Mười:
- Cái Sửu đâu rồi? Ban nãy nó còn ở nhà kia mà?
Con bé đáp:
- Sáng sớm nay bà dặn chị Sửu nhớ sang làng bên gánh ít đồ bà gửi mua từ trên tỉnh về, nên ăn cơm xong chị ấy lên đường rồi ạ.
- Nó đi từ bao giờ?
- Thưa mợ, chừng một giờ trước.
Nghĩa là cái Sửu chưa nhận được tin dữ. Nàng tự nhủ làm sao nó có thể chịu nổi chuyện này?
Nỗi xót xa, thương hại dần dâng lên rồi lấp đầy lòng Nga. Khiến nàng muốn biên ngay một bức thư dài cho Hạnh, người đàn bà nàng vừa từ biệt để giãi bày rằng vùng đất vốn yên bình giờ đã hóa điêu linh. Từng người sống sờ sờ cứ đua nhau nằm xuống, tiếng khóc than ai oán còn nhiều hơn tiếng chim chóc ca vang.
Xế tà, cái Sửu mới trở lại cùng đòn gánh nặng những món đồ mà bà phán mua. Vừa trông thấy Nga quanh quẩn ở cổng, mắt đăm đăm hướng về phía mình liền mỉm cười giải thích rằng: "Dẫu con đã xưng danh bà nhưng vẫn phải chờ họ xếp đồ lâu quá mợ ạ."
Nga se sẽ gọi:
- Sửu ơi.
Sửu vẫn cười đầy ngây thơ:
- Vâng, con nghe thưa mợ.
Nga nghẹn ngào gọi thêm một tiếng: "Sửu ơi," rồi mới run run tiếp lời:
- Làng ta vừa có thêm người chết. Ấy là... ấy là cô Mơ.
Cảm xúc trên gương mặt Sửu như bị rét cóng lại, môi chẳng còn mỉm cười mà hơi hé ra, hồi lâu vẫn không thể mấp máy để mà thốt thành tiếng. Cặp mắt nó dại hẳn đi, thi thoảng đảo con ngươi vì mải nghĩ xem những điều mình vừa nghe thấy là thật hay giả.
Một chốc, cơn thất kinh ấy lan xuống tứ chi. Nó muốn cất bước, nhưng hai chân không sao nhấc lên được. Đôi đòn gánh chất đầy đồ quý ban nãy nó còn thấy mừng vì nhẹ hơn mình tưởng, giờ bỗng trở thành thứ đồ gây nặng trĩu bờ vai.
- Từ bao giờ, mợ?
Thình lình, Sửu cất tiếng hỏi Nga, giọng trầm và đục như một kẻ đã uống rượu lâu năm, khiến nàng sửng sốt rất lâu mới có thể trả lời:
- Tôi nghe chị Đoan bảo là trưa nay.
Nó chẳng nói chẳng rằng, cẩn thận chỉnh lại đôi gánh cho khỏi lệch rồi bước một mạch vào sân. Nàng muốn nói thêm vài điều để an ủi nó, nhưng chợt nhận ra mình là người vô can, vì vốn dĩ nó chưa từng cho nàng biết mối lương duyên tréo ngoe giữa nó và thiếu nữ vừa tự tử.
Mấy đứa người ở tò mò hỏi cái Sửu những thứ đồ nó vừa gánh về là gì? Song nó chỉ cúi gằm mặt bước vào buồng khách. Thị Đoan nhìn Nga, tựa hồ muốn hỏi nàng rằng: "Nó làm sao thế?" Tuy nhiên nàng chỉ lắc đầu, mãi đến khi tiến tới gần thị mới lẩm bẩm thưa: "Chắc là nó mệt."
Tiếng khóc của bà tư hãy còn văng vẳng trong không gian.
Cái Sửu trở ra, mặt tái mét, dáng điệu lử khử cùng cặp mắt thất hồn. Cái Mười thấy vậy bèn buông cây chổi sang một bên, hấp tấp chạy đến bên nó, đỡ cánh tay nó rồi nói:
- Chết chửa! Chị làm sao thế hở chị?
Đoan tiếp lời:
- Khổ lắm, hay là phải gió? Thôi, mày mau đỡ nó vào buồng để tao đánh cảm cho.
Sửu lắc đầu từ chối.
- Không. Tôi không ốm.
- Ô kìa, thế làm sao mà trông ra nông nỗi này? Ban nãy mày hãy còn cười với mợ Nga kia mà?
Nó vẫn xua tay, se sẽ nói: "Tôi đi vớt bèo."
Đoan cau mày gạt phắt đi:
- Bèo ở đâu nữa mà vớt? Với lại mày mò mẫm rồi chẳng may cắm cổ xuống đấy thì chúng tao làm sao yên giấc được?
Nga bỗng cất lời:
- Chị Đoan nói phải lắm. Mợ thấy... nếu mày mệt thì cứ vào buồng nghỉ đi. Chốc nữa mợ sẽ lựa lời nói với bà. Mày đã làm cả ngày hôm nay rồi, có phải biếng nhác gì đâu.
Đám người ở lập tức hưởng ứng:
- Mợ nói đích xác lắm.
- Mợ đã bảo vậy thì mày nghe đi.
- Việc gì chưa xong thì chúng tao làm nốt cho. Chúng tao có vòi tiền công của mày đâu mà sợ?
- Nhỉ?
- Chính thế, Sửu ạ. Mày cứ về giường nằm cho khỏi mệt. Nếu vẫn không đỡ thì gọi chị Đoan vào đánh cảm cho.
Cái Sửu khẽ tiếng cảm ơn rồi lững thững rời khỏi khoảng sân rộng. Đám người ở lặng lẽ nhìn nhau, việc phải gió hay đau ốm có thể coi là lẽ thường, nhưng vì sao trông nó cứ rưng rưng như sắp khóc?
Nga nhắc nhở:
- Thôi, chúng mày vào làm việc tiếp đi. Mợ chạy sang nhà cụ phó xem có việc gì cần giúp không, để còn về báo với bà.
Đám người ríu rít ở thưa vâng.
***
Cái Mão đỡ người đàn bà vừa gào khóc mệt lả lên, nhưng chưa kịp cất bước thì bà ta đã tiếp tục chồm mình về phía giường, nơi thiếu nữ đã được đắp khăn trắng lên mặt, gào khóc nức nở:
- Con ơi... Mơ ơi... Hỡi con ơi là con ơi...
Mà lúc bấy giờ, cụ phó hãy còn ngồi trầm mặc trên chiếc phản gỗ ở nhà chính, bên cạnh là bà cả chẳng biết đương nghĩ ngần điều gì và bà ba thì liên tục chép miệng than: "Giời ạ. Rõ khổ."
Chỉ có bà hai im lặng đứng trước gian nhà cô Mơ ở, sau đó trừng mắt nạt hai đứa con bé nhất của bà ba rằng:
- Chúng mày có thích dòm ngó không? Tao cho mỗi đứa mấy roi bây giờ. Cút ra ngoài sân ngay.
Hai đứa trẻ sợ mợ hai như phường trộm cắp sợ viên sở cẩm. Chúng rối rít xin lỗi rồi co giò chạy, một chốc lại ấm ức rủ rỉ với nhau rằng:
- Chị Mơ chết chứ có phải anh Kính, anh Tính hay chị Hồng chết đâu mà... mà mợ hai gắt lên với chúng mình, nhỉ?
Đứa lớn hơn vội bịt miệng em, thì thầm:
- Khe khẽ chứ? Mợ nghe thấy thì ốm đòn.
- A, chị Nga.
Đứa bé vội reo lên khi trông thấy Nga bước vào cổng. Nàng mỉm cười xoa đầu nó, se sẽ gọi: "Em Chí," rồi mới tiếp tục giãi bày:
- Chị nghe tiếng khóc, lại ở gần nên sang xem sao.
Thằng Chí nghe vậy liền liên liến kể lể:
- Chị Mơ thắt cổ chết, chị ạ. Bây giờ thầy em thì sợ trong nhà đương bị ma quỷ ám, còn mợ tư...
Đứa lớn vội bịt miệng em, trừng mắt gằn: "Mày câm ngay," và ngửng lên bảo Nga:
- Chị vào nhà xơi nước. Thầy và các mợ em đều ngồi trong đấy cả, chị có cần em vào báo thầy mợ không?
Nga lịch sự đồng ý, nên chẳng mấy chốc hai bóng dáng nhỏ bé đã chạy biến khỏi tầm mắt nàng. Người nhà cụ phó thấy vậy cũng chẳng dám chuyện trò lôi thôi, chỉ có cái Mão đánh liều lại gần, se sẽ gọi: "Mợ phán," và dặn nàng hãy chờ một lát.
Ít lâu sau, thằng Chí lon ton chạy lại, nói:
- Chị Nga vào đi.
Lúc nàng được dẫn vào buồng khách, cụ phó và bà ba đã vắng mặt. Chỉ còn bà cả đương nhắc con sen rót nước chè mời nàng, sau đó đẩy cơi trầu têm sẵn và nói:
- Mợ xơi trầu.
- Thưa vâng.
Nga ngồi xuống đối diện, thấy người đàn bà không nói năng gì bèn cất tiếng thưa:
- Tôi nghe tiếng gào khóc thống thiết quá nên... nên sang xem thế nào. Có chuyện gì vậy bà?
Bà cả nhổ bả trầu rồi lấy khăn lau quanh mép, lạnh lùng đáp:
- Con Mơ tự tử. Khốn lắm! Tôi nghe nói chiều nay quan huyện ghé làng, đáng lẽ chồng tôi sẽ ra đình tiếp rước nhưng giờ lại phải ở nhà lo cho đứa con tự tử chỉ vì chuyện cưới xin. Sáng nay mợ nó gặng hỏi nó yêu kẻ nào mà lại kiên quyết từ hôn cậu Thỉnh thì nó im thít, buổi trưa nó vẫn cơm nước xong xuôi rồi mới về buồng thắt cổ chết.
Đoạn, bà ta nhìn nàng rồi tiếp lời:
- Chốc nữa u cô về thì chuyển nhời giúp tôi rằng cho nhà tôi mượn sân kê tạm ít đồ vì nay mai sẽ đông người đến viếng. Vả lại tôi muốn mua gạo để thổi xôi, gạo ngon nhất nhé.
Nga mím chặt môi, hai bàn tay đan siết lấy nhau, cuối cùng se sẽ thưa vâng. Nàng toan hỏi thêm về cái chết đầy bất ngờ của thiếu nữ tội nghiệp thì bà cả ngoảnh mặt nhìn ra sân, thoáng thấy bà hai bước lên bậc tam cấp đã cất lời:
- Mợ còn dây vào cái ngữ ấy được hử? Con gái bằng đấy tuổi đầu mà không biết suy nghĩ. Chỉ tại ông ta chiều chuộng nó...
Bà hai thình lình chen ngang:
- Chị cả, người chết cũng đã chết rồi. Chị đừng chì chiết nó nữa kẻo phải tội.
- Con này láo!
Đôi mắt vốn sắc của bà hai lóe lên. Rồi bà nghiêng đầu nhìn về phía gian nhà hẵng văng vẳng tiếng khóc và thờ ơ đáp:
- Tôi đã láo với chị câu nào mà chị bảo tôi láo? Chuyện đã ra nông nỗi này, ông thì đã sợ nhà mình bị thằng Lường và cái Xoan ám, thế mà chị chẳng biết giữ mồm giữ miệng để nhà được yên. Đằng này cứ nhiếc móc từ lúc phát hiện ra xác nó đến giờ. Ai chịu đựng nổi?
Bà cả gằn giọng đe: "Mợ hai!" Nhưng bà hai đã gật đầu tỏ ý chào Nga, cố ý phớt lờ cơn giận đương nhắm vào mình bằng câu nói:
- Mợ sang hỏi thăm đấy chăng?
Nga dịu dàng đáp:
- Thưa vâng. Tôi sang xem có việc gì cần giúp đỡ để về nói với u tôi.
Ba ta ừ hử một tiếng rồi đi vòng ra sau, ngồi xuống bên trái nàng. Ung dung lấy miếng trầu bỏ vào miệng nhai, thi thoảng liếc bà cả vẻ lúng liếng. Mà người đàn bà kia chỉ biết ngoảnh mặt đi, lầu bầu rằng: "Không có tôn ti trật tự gì sất," và đứng dậy vào thẳng buồng trong.
Bấy giờ bà hai mới khẽ tiếng mở lời:
- Chốc nữa tôi tiễn mợ ra cổng nhé?
Nga nghĩ người ta đương đuổi khéo mình bèn đáp rằng:
- Ồ, vâng. Tôi cũng xong chuyện rồi, bây giờ tôi xin phép về ngay đây bà ạ.
Quả nhiên bà hai không giữ nàng. Chỉ quay sang nhổ bã trầu vào cái ống đặt gần đó, tiếp theo vỗ nhẹ cánh tay nàng trong khi tiếp tục đảo mắt nhìn quanh.
- Ta đi thôi mợ.
- Vâng.
Người đàn bà đẹp bước bên nàng đến tận cổng. Dẫu đã qua ba lần sinh nở nhưng bà hai vẫn giữ được vẻ đằm thắm, xuân sắc như thuở một con. Bà ta im lặng rất lâu, mãi tới khi nàng chuẩn bị rẽ về nhà mới cất tiếng gọi:
- Mợ phán.
Nga nghiêng đầu nhìn bằng vẻ chờ đợi. Người đàn bà ấy mím môi, chợt thốt ra một câu mà nàng chẳng hề nghĩ tới:
- Tôi mong mợ đừng nghĩ xấu về cái Mơ. Tôi không dám nói thẳng điều ấy trong nhà vì chồng tôi và bà cả... lúc nãy mợ đã thấy rồi. Thực tình nó thương đẻ nó lắm, nhưng sáng nay hai mẹ con nó lại cãi cự lần nữa, câu chuyện thì vẫn xoay quanh đám cưới với cậu Thỉnh. Tôi nói với mợ chuyện này không phải để vạch áo cho người xem lưng, mà mong mợ nếu có thể, hãy nhắc đám con ở nhà mợ đừng đổ tiếng bất hiếu cho nó. Đẻ nó nghe được thì càng thêm phiền lòng.
Nàng buột miệng tiếp lời:
- Nhưng cãi cọ làm sao mà đến mức phải tự tử hở bà?
- Sáng nay đẻ nó giận quá nên mất hẳn trí khôn, bảo nó muốn chết thì hãy chết ngay tức khắc. Thành thử...
Tiếng người đàn bà nhỏ dần và thay bằng tiếng thở dài. Đây có lẽ là người vợ duy nhất của cụ phó không tin vào chuyện bị vợ chồng Lường - Xoan ám, cũng là người duy nhất đánh tiếng bênh vực cái chết của cô Mơ.
Thôn quê yên bình bỗng chìm vào cảnh ảm đạm, tang thương. Dọc đường yên ắng tới mức Nga có thể nghe rõ tiếng tim mình đập rất mạnh. Song chẳng bao lâu lại nghe được tiếng bà hai mắng bà ba té tát, khác hẳn lúc thỏ thẻ dịu dàng khi trò chuyện với nàng:
- Mày câm mồm ngay, con kia. Mày thử nói một câu nữa xem tao có tát lệch mặt mày và mấy đứa con của mày không?
Cụ phó quát:
- Im hết đi! Nhà chưa đủ khổ hay sao?
***
Lúc Nga bước vào sân thì bà phán đã ngồi lau chùi những món đồ vừa gửi mua. Thoáng thấy nàng, bà liền ngước lên hỏi:
- U nghe cái Đoan bảo con sang nhà cụ phó.
- Thưa vâng. Bà cả nhờ sân nhà ta và sẽ mua gạo để thổi xôi, u ạ.
Bà phán gật đầu, ngước mắt nhìn bàn thờ rồi tiếp tục cúi xuống lau chùi. Song miệng đã than rằng:
- Có những đứa con muốn dốc lòng báo hiếu cha mẹ thì bị chết oan, lại có những đứa hiếu thì chưa báo nhưng đã tự tử vì tình. Khốn nạn chưa.
Nga cãi:
- Cô ấy khốn nạn ở đâu, hử u? Cô ấy khốn nạn ở đâu ạ?
Bà phán ngừng tay trước sự phản kháng của con dâu, lạnh lùng nói:
- Ồ, nghĩa là chị đương bênh một đứa con bất hiếu đấy chăng?
Nàng chẳng rõ mình lấy gan ở đâu để tiếp tục đôi co với mẹ chồng:
- U con ta đều chỉ được nghe kể, nào có được tận mắt chứng kiến? Cô Mơ chết đã đủ khổ sở cho bà tư và chính cô ấy rồi, ta không thể đồn đoán hay nhiếc móc như vậy được, thưa u.
- Ôi chà, mợ phán Tâm, chị Nga. Chị đã giỏi bằng ngần này rồi đấy! Chị biết trả treo tôi ngay trước mặt bố chồng và chồng chị rồi đấy!
Nàng cúi đầu, dáng vẻ tưởng chừng chịu đựng nhưng thực chất chẳng hề ăn năn. Nàng thấy cơn giận cuồn cuộn trong lòng một cách mãnh liệt, và chưa bao giờ nàng nghĩ mình lại có thể tức giận như thế.
Cuối cùng, nàng mím chặt môi, cố kìm nén những lời hỗn xược đương muốn bật ra. Mà bà phán đã bắt đầu quở trách, xỉ vả nàng bằng câu từ độc địa nhất.
Vào đúng thời khắc bà ta mỉa mai rằng: "Thầy cô có nhiều chữ bằng mấy thì cũng thuộc hạng bần cùng. Mà đã bần cùng thì phải cố gắng làm lụng. Mà đã cố gắng làm lụng thì thời gian đâu mà dạy dỗ các con? Nhất là u cô. Cả ngày cắm mặt xuống đất làm thuê làm mướn. Muôn đời không thể ngóc lên, và không thể giúp các anh chị em cô tốt lên được." Nga lập tức ngửng đầu, nhìn chằm chằm vào mặt bà ta, lạnh lùng nói:
- Bà đụng đến tôi thì được. Nhưng đừng đụng đến thầy u tôi!
---
Dạo này mình lu xu bu quá, lại còn bị cạn chữ nên chỉ ngoi lên viết mấy dòng linh tinh chứ không tập trung được vào chương mới. Mà tác phẩm lấy bối cảnh này phải lựa ngôn từ để sử dụng, chứ không thể dùng vô tư như bối cảnh hiện đại nên càng thêm tàn canh gió lạnh.
Cảm ơn mọi người đã chờ đợi và xin lỗi vì đã để mọi người phải chờ đợi. Mình sẽ hoàn thành bộ này sớm thôi 🫶🏻
---
19.11.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top