XVIII
Nga rời khỏi nụ hôn và ôm chầm lấy Hạnh. Nàng biết người đàn bà này đau yếu quanh năm, nhưng khi vòng tay siết ngang eo cô, nàng mới thực sự cảm nhận được thân thể ấy mảnh mai hệt như một bông hoa đẹp, chỉ chực lụi tàn mỗi lần xuân đi.
Tình yêu thương dâng đầy lên tim khiến nàng lại bật khóc vì nghĩ đến việc Hạnh cũng phải chịu đựng bao nỗi nhọc nhằn trong đời. Bệnh tật bòn rút sinh lực cô từng chút một, để lại tàn dư là một thân thể bạc nhược, gầy hao.
Hạnh đứng yên cho Nga gục đầu vào vai mình. Chậm rãi hít thở giữa mùi hương, hơi ấm của người đàn bà mình đã lưu luyến từ khi còn ở đây, đến những ngày phải trở về Hà Nội. Chốc chốc, cô lại vuốt ve lưng nàng một cách dịu dàng. Cặp mắt buồn rầu nhìn chằm chằm phía trước, bởi những tiếng nấc rất khẽ của nàng đã dệt thành một nỗi xót xa dài dằng dặc, phủ quanh linh hồn cùng tâm trí cô.
Họ âm thầm âu yếm nhau ở nơi vắng vẻ, tại một góc tối, giữa không gian tĩnh lặng. Nhưng trong cái yên ắng tưởng chừng giết chết mối tình không đứng đắn ấy. Hạnh lại nghe thấy tiếng trống ngực mình đập rộn lên, cảm nhận rõ từng hơi thở của Nga, mà với cô chính là nguồn sống duy nhất giữa cuộc đời đã nhiều lần nhẫn nhịn và cắn răng chịu đựng đau đớn.
Cô muốn nói vài lời động viên nàng, song chợt minh bạch rằng hiện tại cả hai chẳng có điều gì để hứa hẹn. Nga đã trốn tránh cô và chắc chắn đây sẽ là lần cuối cùng nàng quyết tâm dùng môi hôn thay lời từ biệt. Cho nên cô đành tiếp tục để nàng dựa vào mình; để cuộc đời của người đàn bà ấy có chút bình yên, trước khi lại bị thực tại kéo trở về với những bổn phận chẳng thể thoát ly.
Tiếng gọi "mợ ơi" của đám người ở buộc cả hai phải kết thúc cái ôm và dứt hẳn sự lưu luyến. Hạnh cố nén nỗi buồn, vuốt ve khuôn mặt Nga rồi nói:
- Cảm ơn em, Nga.
Một giọt nước lăn dài trên má Nga. Nàng vươn tay lau đi thật nhanh và se sẽ đáp:
- Chị hãy chóng khỏe để về thăm em.
Lòng Hạnh chợt xao động, hai mắt dần lấp lánh niềm hy vọng, để rồi đôi môi liều lĩnh nói:
- Hay là em đi với...
Nàng vội ngắt lời:
- Không, Hạnh ạ. Em không thể.
Trong thoáng chốc, sự im lặng lại bao trùm lên hai người đàn bà. Chung quanh chỉ còn tiếng lá tre va vào nhau xào xạc. Cả hai đều hiểu rằng có những con đường không thể bước cùng nhau, có những giấc mơ chỉ tồn tại trong khoảnh khắc ngắn ngủi, và có những mối tình buộc phải chấp nhận để nó tan đi như làn khói.
Hạnh rời khỏi cái ôm, se sẽ nói: "Vậy tôi xin phép," và xoay người tiến về phía ánh sáng. Từng bước chân cô đều tựa lưỡi dao cắt đứt những kỷ niệm ngắn ngủi nhưng đầy vui sướng ở làng Điềm.
Mặc dù đời sống đã cho cô được quen Nga, đã rung động với người gái quê luôn cư xử e lệ mà đầy tình tứ, đã nhớ khôn nguôi nụ cười cùng cặp mắt long lanh mỗi khi nàng trò chuyện với mình. Tuy nhiên đời sống không cho phép mối duyên này được tiếp diễn hay tồn tại. Chúng sẽ gây ra nỗi nguy hại rất lớn cho cả hai, nhất là với Nga, người đàn bà làm dâu trong một ngôi nhà có truyền thống gìn giữ tiết hạnh.
Cô và nàng đều thầm hiểu rằng cuộc gặp gỡ hôm nay không chỉ là sự chia ly, mà rất có thể còn là đoạn kết cho một mối tình chưa kịp nở đã chóng tàn. Hạnh rời xa làng Điềm, nhưng lòng cô vẫn sẽ ở lại nơi đây, hay chính cô cũng biết mình sẽ mãi ngụ lại nỗi nhớ của người gái quê lương thiện ấy.
Hạnh không cố khuyên Nga bỏ làng theo mình vì có lẽ chỉ ít nữa thôi, lá phổi yếu ớt của cô chẳng còn hoạt động được nữa. Càng ngày, cô càng cảm nhận được cái chết đương cận kề mình một cách rõ ràng. Thậm chí sáng nay thức dậy, cô lại ho ra máu, lúc vừa rời giường thì lăn đùng ra đất vì đột nhiên xây xẩm mặt mày. Thế nhưng cô chẳng nói với ai, chỉ lặng lẽ chống tay ngồi dậy với mong muốn có thể về đây gặp Nga lần cuối.
Nàng đã ôm hôn, âu yếm cô. Nghĩa là trong lòng nàng có cô. Nghĩa là cô nên thấy mãn nguyện. Nghĩa là cô hãy yên trí ra đi hoặc cố gắng sống tiếp.
Đương nhiên Hạnh muốn sống tiếp để được thường xuyên về đây thăm Nga, dẫu chỉ với tư cách một người bạn gái thân thiết. Cô khát khao có nàng sát bên, nghe giọng nói tràn đầy thích thú và ánh mắt sáng ngời của nàng mỗi khi cô kể mấy chuyện vui hay chuyện dạy lớp vỡ lòng ở Hà Nội.
Mọi thứ cũ với cô nhưng mới với Nga, tầm thường với cô nhưng đặc biệt với Nga. Nàng luôn thấy lạ lẫm trước tất cả những điều đã trở nên thân quen trong đời cô. Cho nên nàng nghe rất chăm chú.
Chừng như nhận ra Hạnh không thoải mái, Nga lập tức sải bước lại gần và bắt lấy cổ tay cô, khẽ hỏi:
- Chị không sao chứ? Từ hôm về nhà đến giờ... chị đã đỡ nhiều chưa?
Hạnh cười, nói bông:
- Chị phải đỡ hơn nhiều thì bây giờ mới đứng trước mặt em được chứ?
- Thật vậy chăng?
- Chính thế. Cho nên em hãy giúp chị đưa tiền cho cái Dịu, chị nghĩ chắc là các cụ lớn bận chuyện vợ chồng người đàn ông kia nên chưa đòi nó.
Nga gật đầu vì Hạnh nói đúng. Việc cậu Lường giết vợ con đã trở thành nỗi kinh hoàng cho cả làng, chỉ khác rằng các cụ lớn đương bày mưu giấu giếm trước khi quan huyện đến bằng cách cho thằng mõ đi truyền tin khắp nơi, rao đúng một câu: "Đứa nào ba hoa, cả nhà ắt gặp họa."
Nga rõ hơn ai hết rằng cái "họa" đó sẽ do các cụ gây ra, chứ chẳng có "họa" nào do đời sống gây ra với người dân quê như họ cả. Nghèo khó đến mấy vẫn có thể cúi mình làm lụng, nhưng đã nghèo mà còn bị đe dọa, nhẫn tâm cưỡng ép thì chỉ còn nước chết quách đi cho yên thân.
Nàng tự nhủ có lẽ chính thế nên cậu Lường mới giết vợ con rồi tự cứa cổ mình. Chính những kẻ có uy trong làng đã dồn ép cậu ta vào đường cùng; đã gieo tai ương, rắc tai họa cho cậu ta cùng cái Dịu và thị Liên.
Giờ đây, Nga e ngoài hai chị em cái Lý, cái Gái đã lớn và biết việc, thì thằng Sinh dễ thường sẽ chết đói. Vì chẳng ai đứng ra thuê mướn lại đồng ý để người làm công cho mình dắt díu trẻ con theo.
Hễ nghĩ tới điều này, Nga lại càng thêm buồn rầu. Sau hôm xảy ra sự việc, nàng đã định lẻn khỏi nhà để cho cái Lý ít tiền lo tang sự cho ba người tội nghiệp. Tuy nhiên mẹ chồng nàng đã mặt nặng mày nhẹ từ sáng sớm, chỉ chực lúc ăn uống xong là gọi nàng vào buồng khuyên răn.
Nga tiễn Hạnh ra cổng, nỗi buồn dần trở thành sóng nước dập dềnh khắp cõi lòng. Cuộc gặp mặt hôm nay quá chóng vánh, và một lần nữa, nàng lại chẳng biết rằng khi nào mới tới lần gặp tiếp theo.
Nàng quay sang nhìn con sen rồi đánh bạo thưa:
- Chị sẽ về chơi nữa, đúng không chị Hạnh?
Hạnh cười đầy dịu dàng.
- Vâng, chị sẽ.
- Em tiễn...
- Không, đừng tiễn chị. Em hãy vào ăn cơm đi kẻo mọi người đợi lâu. Cho chị gửi lời hỏi thăm bác Phán nhé.
Cô nói xong liền quay sang bảo con sen:
- Em ra đầu làng gọi giúp tôi một chiếc xe.
Nó ngần ngừ:
- Nhưng chốc nữa cô phải đi bộ ra một mình.
Nga tiếp ngay:
- Chính thế nên em mới bảo để em tiễn chị. Cô cứ ra đầu làng gọi xe trước, tôi sẽ đưa cô Hạnh theo sau.
Con sen nghe vậy, chưa vội cất bước mà đưa mắt thăm dò Hạnh, ý chờ chủ quyết định. Mà cô thấy thế bèn gật đầu đáp:
- Em đi đi.
Bấy giờ nó mới thưa rằng: "Con xin vâng," và xoay người rời khỏi. Chỉ riêng thái độ cung kính đó đã đủ cho Nga thấy suốt đời mình sẽ chẳng thể sánh ngang với người đã khiến quả tim mình rung động. Hạnh là con nhà danh giá, Hạnh được người hầu kẻ hạ. Còn nàng là ai? Nàng là cô con thứ của ông giáo nghèo nhất làng, bữa nay ăn uống chẳng đủ no đã phải cố mà kiếm thêm mấy hào, thêm mấy con tôm con tép mà lo bữa tiếp.
Nàng đã yêu mến Hạnh, nhưng tấm chân tình đơn sơ này không thể để lộ ra, gây phiền hà đến đời sống của cô và của chính nàng. Bởi người bạn gái cô từng kể đã phải ngậm ngùi lấy chồng rồi chết trong cuộc sinh nở đầu tiên. Hay cái Sửu và cô Mơ, dạo gần đây cũng yên ắng hẳn vì cô ấy sắp sửa bị gả cho cậu Thỉnh, con giai cụ lý.
- Nga.
Tiếng gọi dịu dàng đưa Nga rời xa những ưu tư, phiền muộn. Nàng nhìn sâu vào mắt Hạnh, lòng dịu xuống trước sự trìu mến bên trong. Cuối cùng quyết tâm nắm tay cô rồi thủ thỉ: "Ta đi thôi."
Trên đường ra cổng làng, cô tình cờ hỏi thăm về Liên và sửng sốt khi biết thị cũng là một trong những người liên can đến sự việc. Tuy nhiên thị đã trả xong tiền trước cả khi cậu Lường giết vợ con, sau đó bỏ làng lần nữa.
Hạnh ngạc nhiên, khẽ hỏi:
- Cô ta bỏ làng lần nữa ư?
Nga se sẽ đáp:
- Vâng. Chị ấy không còn bày hàng nước ra bán, và cũng chẳng xuất hiện ở quanh đây. Chắc là chị chưa nghe trước khi anh Lường tự cứa cổ mình, anh ta đã thét lên với cụ lý rằng cái Dịu bị oan. Anh ta... đã tìm nó và cả chị Liên để vay tiền chữa bệnh cho đứa con sắp chết. Nhưng nó sợ bị thầy mắng nên đã cự tuyệt, làm anh ta phải trơ mặt đeo bám, nằn nì và khiến người vợ nổi máu ghen tuông. Nên cơ sự mới thành ra như thế.
Nói đoạn, Nga đưa mắt nhìn về phía xa, bên trong chan chứa nỗi buồn khó tả.
- Nhưng cô vợ có biết anh ta vay tiền để chữa bệnh cho con không?
- Biết, chị ạ. Có điều chị ta là một người rất đa nghi, xưa kia đã thế. Em không muốn bàn luận về người đã khuất, nhưng...
- Không sao, do chị hỏi em kia mà.
Chẳng mấy chốc, cả hai đã đi được nửa đường. Nga cảm tưởng thời gian trôi nhanh hơn hẳn so với mọi lần tiễn cô, và chung quanh cũng yên ắng hơn hẳn mọi ngày. Có lẽ là do sự việc kinh hoàng vừa giáng xuống làng, mọi người không dám nói cười rôm rả với nhau vì sợ hợp vía, sợ vợ chồng cậu Lường và đứa con không siêu thoát được, cứ ở đây mãi rồi quấy phá đến mình.
Hạnh im lặng một chốc rồi bảo Nga rằng:
- Chị biết cái Dịu không qua đêm với gã cai lệ thì chị yên lòng lắm. Từ lúc hay tin và trên đường đến đây chị cứ trăn trở mãi về nó. Nếu quả đúng vậy thì thật đáng tội nghiệp. Vả lại, chị cũng lo cho em.
Nàng dịu dàng đáp:
- Chị lo cho em?
- Ừ, chị lo em sẽ buồn rầu vì nó. Nhất là khi chị hãy còn nghĩ rằng nó thực sự tằng tịu với người đàn ông đã khuất kia.
Bàn luận một chốc, câu chuyện vẫn quay về gia đình người đàn ông tội nghiệp. Nga cúi đầu thở dài. Làm gì có ai ngờ tới cơ sự này? Song cũng nhờ nó nên Hạnh mới trở về đây gặp nàng, mới khiến nàng liều lĩnh bày tỏ tình cảm rồi cố gắng hưởng chút hơi ấm của cô.
Một sự trái ngược rất đỗi đau lòng.
Chính vậy nên bất hạnh mới muôn đời là kẻ thù của hạnh phúc. Người ta thường sinh lòng đố kỵ chỉ vì tự cảm thấy bản thân nhiều phiền lụy, đau khổ; trong khi người khác lại được sống êm đềm, sung sướng hơn.
Nga rõ điều này hơn ai hết vì ngày chồng nàng chết, mấy người đàn bà từng lườm nguýt, ghé môi xì xầm mỗi lần gặp nàng trên đường bỗng quay ngoắt sang nói cười đon đả với nàng. Bởi nàng đã góa chồng, còn họ hẵng có chồng nên họ lấy làm mãn nguyện, mọi sự ganh ghét thuở trước bỗng chốc đều tiêu tan.
Nhưng giờ thì sao? Nàng đương yêu mến Hạnh. Nàng được cô đối xử dịu dàng và đắm chìm trong cặp mắt chan chứa thiết tha. Liệu ông giời có đoạt mất niềm hạnh phúc này của nàng giống như với người chồng tội nghiệp không?
- Chị cứ ngỡ mình thường xuyên tư lự cho tới khi gặp em.
Nghe vậy, Nga lập tức sững sờ bởi cả hai đã gần đến đầu làng. Con sen cũng chờ Hạnh cùng anh phu xe, nghĩa là thời gian ở bên cô chẳng còn nhiều nữa.
Nàng vội bắt lấy cổ tay cô, ngửng đầu gọi bằng sự lưu luyến:
- Chị Hạnh. Em... em có thể biên thư cho chị không?
Hạnh mủm mỉm cười:
- Đương nhiên là được. Chị chỉ sợ nó sẽ gây phiền hà cho em.
- Không đâu.
Cô vừa nói vừa vuốt ve mu bàn tay nàng, thủ thỉ rằng:
- Nếu nhận được thư của em, chị sẽ trả lời ngay, Nga ạ. Một thời gian nữa bệnh tật của chị đỡ hơn, chị sẽ lại về đây thăm em. Chị từng nghĩ rằng đến lúc đó, ruộng lúa đều đã vàng ươm, trời chẳng còn se lạnh và u con em cũng chẳng cần lo chị phải gió.
Giờ khắc ấy, trí óc Nga như quên hẳn những sợ hãi, áy náy với người chồng đã khuất. Nàng nhìn thẳng vào mắt Hạnh, thổ lộ bằng tất cả sự chân thành:
- Em luôn trông ngóng chị. Xin chị hãy nhớ em dẫu chỉ một chút thôi, chị nhé?
Cô gật đầu, im lặng ngẫm nghĩ rồi nhẹ nhàng đáp:
- Duyên cho mình gặp làm chi?
Để khi xa cách sầu bi ngập lòng
Trách thời khiến mình long đong
Thương người day dứt, mỏi mong tháng ngày.
Một giọt nước mắt lăn xuống má Nga. Hạnh thấy thế bèn quay đi, cố nói thật mau trước khi nghẹn ngào:
- Chị đi đây.
Rồi cô sải bước thật nhanh về phía con sen. Nàng chẳng còn tha thiết níu kéo hay cương quyết phải tiễn đưa cho bằng được. Chỉ đứng ở chỗ cũ dõi theo cô, sau đó cúi gằm mặt, để những giọt lệ lần lượt biến mất dưới chân.
Con sen ngạc nhiên hỏi: "Cô khóc chăng?" Thế nhưng Hạnh vội xua tay rồi ngồi lên xe, khẽ trả lời:
- Gió thổi bụi vào mắt tôi.
Và thổi một nỗi đau rất lớn vào quả tim lần đầu biết đập mạnh vì tình yêu trong đời.
---
18.10.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top