XVII
Nga bật dậy lúc canh khuya.
Ngoài cửa sổ, màn đêm như tấm lụa đen phủ quanh trần thế. Ánh trăng bàng bạc lẩn khuất sau gợn mây xám xịt, rũ màu sắc nhạt nhòa xuống những khóm hoa do chính tay nàng giồng. Tiếng côn trùng rủ rỉ với nhau, hòa cùng tiếng cây cối xào xạc rất khẽ, tựa hồ sẽ tâm sự đủ chuyện trên đời.
Trong buồng ngủ, chiếc bóng nhỏ bé của Nga hắt lên bức tường lạnh lẽo. Gió lùa vào khe cửa làm nàng run lên bần bật. Cõi lòng tuôn tràn nỗi sợ rất đỗi mãnh liệt, bởi nàng vừa mơ thấy cảnh chồng nàng bị người ta đâm chết trên đường. Dòng máu đỏ tươi của hắn thấm qua áo, rỏ xuống và lan ra bên cạnh thân xác vừa giãy giụa vì đau đớn.
Hẳn là chồng nàng cũng tuyệt vọng như thị Xoan và thằng Dư.
Đoạn, Nga đứng dậy bước về phía cửa sổ. Bầu trời u ám dần ôm trọn linh hồn nàng, làm nỗi buồn thương loang đến cả tâm trí. Nàng khẽ thở dài, vươn tay đẩy hé cửa, đưa mắt nhìn vầng sáng yếu ớt phản chiếu lên những giọt sương còn đọng trên cành lá. Khiến chúng lấp lánh như châu báu, ngọc ngà. Cuối cùng, nàng đặt tay lên ngực, lẩm bẩm rằng: "Ta chớ nên nhớ lại điều đó," để trấn tĩnh bản thân sau khi bị cơn ác mộng quấy phá.
Nàng uống mấy hớp nước rồi quay về giường, tự nhủ mình phải mau ngủ lại. Đừng lưu luyến chi một người đã chết hay một người chẳng biết bao giờ mới trở về đây.
Đêm vẫn tiếp tục trôi, mang theo âm thanh và hình ảnh ảm đạm giữa không gian tăm tối. Nơi mấy đứa con còn sống của Lường và Xoan ôm nhau khóc dữ dội. Nơi lũy tre đầu làng vẫn đứng sừng sững, hiên ngang chờ bình minh tới. Giống như chính nàng, cũng đương hằng mong đợi ngày mới với khát khao được hưởng những niềm vui có thật trên đời.
Thốt nhiên, trí óc Nga xuất hiện cảnh người đàn bà trẻ ung dung ngắm cây bưởi; cảnh cô ta mủm mỉm cười, dịu dàng gọi: "Mợ Phán." Hay gật gù khen nàng biết cách nấu nướng, pha chè ngon.
Những hình ảnh giản dị ấy khiến Nga thấy lòng mình ấm lại. Song nhanh chóng tê dại đi vì nỗi sợ tiếp tục kéo đến và bao vây tâm trí. Tình cảm này là gì? Nỗi nhớ này là gì? Hạnh là gì trong cuộc đời nàng?
Hạnh chỉ là một vị khách vãng lai. Thật vậy. Cô ấy không thuộc về làng Điềm, không thuộc về chốn thôn quê dân dã và không thuộc về nàng.
Nhịp sống chậm rãi của vùng đất thênh thang đồng ruộng, bát ngát hương hoa này đã hòa vào nhịp thở của nàng. Nhưng Hạnh thì khác. Cô chỉ thích thú nhất thời và sẽ chóng quên ngay nếu gặp được nơi mới mẻ, thu hút hơn. Làng Điềm tốt cho lá phổi của cô, còn cô không có ý định gắn bó lâu dài với làng Điềm.
Ngoài cửa sổ, vầng trăng đã lẩn hẳn sau mây, chỉ còn chút ánh sáng nhạt nhòa, lấp lánh trên những giọt sương cố chấp đọng ở đầu lá. Nga vẫn nằm im, đôi mắt nhắm lại, lồng ngực nhói lên như bị mở phanh ra cho trăm bàn tay thọc vào xâu xé.
Nàng phải quên Hạnh, vì nhiều lẽ, nhưng chắc chắn phải tiễn người con gái ấy khỏi ký ức thật nhanh.
***
Bà Phán đưa mắt nhìn con dâu đương ngồi trước hiên vấn tóc. Mái tóc đen nhánh đã dài đến thắt lưng, giúp Nga càng thêm mềm mại và duyên dáng vô ngần.
Sau hôm Nga bỏ nhà ra đình xem các cụ lớn xử tội thông dâm. Bà đã quở trách con một hồi, tiện răn con về việc giữ gìn đạo đức và tiết hạnh của một người đàn bà. Bởi lẽ, bà cũng góa chồng khi trạc tuổi Nga, nhưng bà vẫn một mình nuôi con cho đến ngày con chết và tới tận hôm nay, khi trong nhà chỉ còn một nàng dâu trẻ.
Bà Phán cho rằng mất chồng, vắng vẻ đàn ông thì cuộc sống vẫn có thể trôi qua. Còn đã mất phẩm hạnh thì tốt nhất nên trẫm mình ngay xuống khúc sông nào đó cho bản thân bớt nhơ nhuốc, và không làm phiền lụy đến danh dự của cha mẹ.
Bà đã nhắc khéo điều ấy với Nga, sau mấy hôm dặn con Mười đi do thám nàng nhưng chẳng có kết quả gì. Nó nói mợ Nga làm lụng luôn tay, hết việc này đến việc khác, nó chưa từng thấy mợ ấy lại gần bất cứ đàn ông nào trong kho gạo, ngoài đồng và ở những con đường quen. Người ta trêu ghẹo mợ, mợ mặc kệ. Chỉ khi người ta cố ý áp sát, mợ mới nói với họ bằng vẻ lãnh đạm rằng: "Tôi không muốn bổ đầu ông bằng cái liềm này. Xin ông hãy cách xa tôi ngay cho."
Điều đó khiến bà Phán vô cùng yên trí. Nhưng sự vô tư lự này chẳng kéo dài lâu thì nỗi bất an mới đã nhanh chóng xuất hiện. Ấy là bà nghĩ không sớm thì muộn, Nga sẽ đem lòng yêu một người đàn ông khác. Bởi nàng còn trẻ, lại chưa được hưởng trọn vẹn cái đời sống ngọt ngào, êm ấm của vợ chồng, nhất là niềm hạnh phúc khi có chồng ở bên. Cho nên nàng rất dễ ngã vào sự quan tâm, săn sóc mà đàn ông dành cho mình.
Thế là bà quyết đánh tiếng trước với Nga. Phải cho nàng hiểu và khắc ghi việc làm một người đàn bà chính chuyên, không tái giá ngay cả khi đã đoạn tang chồng. Nhất là con giai bà đã chết. Bà tự nhủ nếu nàng đương sống với một người mẹ chồng hà khắc hơn, cổ hủ hơn, e rằng nàng đã bị đưa đi tuẫn táng từ lâu rồi.
Càng ngồi suy tư, bà Phán càng gật gù cho rằng mình hãy còn cao thượng lắm.
Vấn tóc xong, Nga đưa mắt nhìn mẹ chồng rồi gọi cái Sửu chuẩn bị đi thái chuối. Đã mấy hôm từ khi cái Dịu bị đuổi khỏi nhà, bà Phán cũng lấy cớ nó làm mất mặt bà để thôi trả tiền công. Bà ta mặc nó dập đầu, lết tới ôm chân mình rồi khẩn khoản cầu xin. Sau đó cũng chẳng tìm thêm người ở, cứ để con dâu tự xoay sở công việc và gánh vác thêm phần của nó.
Chăm đàn lợn cùng mấy đàn gà, vịt, sau đó lo liệu cơm nước cũng đủ hết một buổi sáng. Đương lúc nàng bảo cái Sửu ra đồng gọi đám người ở về ăn trưa thì nó bỗng nhìn về phía cổng, hô lên rằng:
- Kìa, cô Hạnh?
Tiếng kêu lớn làm Nga giật mình, vội ngửng đầu lên trông về phía cổng. Cảnh người đàn bà trẻ mỉm cười đáp lại tiếng gọi của cái Sửu làm quả tim nàng đập nhanh, lòng dập dềnh như thuyền gặp sóng. Bao cảm xúc lẫn lộn đua nhau trào lên khiến nàng đứng chết trân ở bếp. Ngỡ ngàng, vui mừng, dè chừng... Nàng không dám tin mới đêm qua vừa mơ Hạnh, thế mà sáng nay cô đã ghé lại nơi đây.
Cái Mười nhanh chân chạy ra mở cổng. Hôm nay Hạnh đến cùng một con sen, tay nó xách theo túi đựng ô mai và mấy chiếc oản xinh xắn, chẳng hề lỉnh kỉnh đồ đạc như lần trước. Nga giật mình, tự hỏi mình đương mong đợi điều gì? Tại sao mình lại có cảm giác trống trải khi thấy Hạnh đến mà không mang quần áo theo?
Có lẽ nàng đã hy vọng rằng Hạnh sẽ ở lại đây với mình lâu hơn, rằng cuộc gặp hôm nay sẽ khác. Chúng không còn là những ngày tháng lãnh đạm, xa cách, mà sẽ mang lại cho nàng chút hơi ấm thân quen trong đời sống vốn đã quá cô độc và mỏi mệt. Nhưng nhìn hai cánh tay buông thõng xuống hông, Nga chợt nhận ra rằng lần gặp gỡ này chỉ là một cuộc viếng thăm chốc lát. Hạnh gửi cho nàng ít niềm vui ngắn ngủi, rồi chóng quay về Hà Nội sống với gia đình, bạn bè thương yêu.
Đoạn, nàng nở nụ cười gượng gạo để giấu đi sự hụt hẫng trong lòng. Chậm rãi bước về phía cô và nói:
- Cô ghé chơi.
Hạnh khẽ tiếng thưa vâng, trong cặp mắt đen nàng từng cho rằng ẩn chứa nhiều điều huyền bí lại thoáng qua vẻ dịu dàng.
Nga và Hạnh im lặng nhìn nhau, bao câu chuyện cũ lần lượt ùa về nhưng khoảng cách vô hình vẫn sừng sững trước mặt, khiến cả hai chẳng dám vượt qua để bày tỏ tâm tình. Nàng lờ mờ đoán cuộc gặp gỡ này sẽ mang đến sự thay đổi cho cả hai, song chẳng thể đoán ra nó là niềm vui hay vẫn là lo lắng.
Nàng dẫn cô vào buồng khách. Cô vừa đi vừa nhìn chung quanh rồi cất tiếng hỏi:
- Bác Phán đâu, mợ?
Nga đáp:
- Mẹ tôi sang làng bên có việc.
- Mợ ăn cơm chưa?
- Tôi vừa bảo cái Sửu ra đồng gọi mọi người về rồi ăn cùng cho vui thì cô đến. Thế hai cô đã ăn chưa? Nếu không chê cơm canh đạm bạc...
Hạnh lập tức tiếp lời:
- Không, chúng tôi tiện đường nên ghé qua thăm u con mợ. Tôi thắp hương xong... sẽ về Hà Nội ngay.
Nga nhìn ra cổng, lúc bấy giờ cái Sửu đã đi khuất, chỉ còn cái Mười cầm bát ngô đứng ở vườn, vừa gọi "tục tục tục" vừa ném xuống đất cho đám gà háu ăn tranh nhau tới mổ.
Nàng đặt mấy thức quà cô tặng lên bàn thờ, sau đó châm lửa đốt hương rồi đưa cho cô. Mùi hương khói nồng quanh mũi như nhắc nhở nàng về những suy nghĩ, tình cảm lạ lùng dành cho người đàn bà đứng bên. Thứ tình cảm mà chính nàng cũng đương thấy mù mờ, lo lắng.
Khấn vái xong, Hạnh dặn con sen ra hiên chờ mình. Sau đó sẽ tiếng nói với Nga rằng:
- Tôi đã nghe kể sự việc của cái Dịu, cũng như của người đàn ông kia.
Nghe cô nhắc đến chuyện cái Dịu và cậu Lường, lòng nàng bỗng chùng xuống. Những ký ức dần ùa về như một vết thương vừa kín miệng lại bị cứa ra. Nàng cúi đầu trầm mặc, đôi tay vô thức vân vê vạt áo. Chẳng ai biết phía sau tấm áo ấy, trong thân thể ấy, là một quả tim bị đè nặng bởi nỗi chua xót không biết phải giãi bày bằng cách nào.
Thốt nhiên, trí óc Nga xuất hiện cảnh tượng hãi hùng ở nhà Lường. Chúng ép nàng phải nhớ đến khoảng sân đầy máu với mấy cái xác nằm cong queo, mắt trợn ngược lên vì oan ức. Trong lúc nàng hãy còn tưởng mình không thể thoát khỏi nơi tối tăm, man rợ đó, thì một bàn tay mềm mại chợt nắm lấy tay nàng, kéo nàng về nơi có vầng dương chiếu sáng và dễ chịu hơn.
Nga ngửng lên nhìn Hạnh, tâm hồn dần dịu lại, những hình ảnh kinh hoàng dần phai nhạt trước ánh mắt lo lắng xen lẫn cảm thông. Thời khắc ấy, hơi ấm từ bàn tay cô trở thành lời nhắc rằng nàng đương có một người bạn đồng hành, và người ấy luôn sẵn lòng kề cạnh để san sẻ nỗi buồn với nàng.
Nga gượng cười nói: "Cảm ơn cô." Tuy nhiên Hạnh không trả lời, chỉ lấy chiếc mùi soa màu trắng ra chấm vào má nàng, bởi vì nàng đã khóc.
Hành động ân cần đó khiến Nga bừng tỉnh, cũng khiến mũi nàng ngửi rõ mùi nhang khói chưa tản bớt trong không gian ảm đạm. Nàng tự hỏi sao mình dám làm điều ấy trước mặt bố chồng và người chồng đã khuất? Sao lại đứng đây ủy mị với một người đàn bà?
Nàng giật tay ra khỏi Hạnh, miệng lẩm bẩm xin lỗi rồi xoay người bỏ chạy. Tiếng bước chân dồn dập làm con sen giật mình, cái Mười đứng cho gà ăn ngoài vườn cũng tròn mắt trông theo.
Nga chạy thẳng xuống nhà dưới, hai chân lảo đảo vì hoảng loạn như con chim vừa sập bẫy, cố tìm cách vùng vẫy để thoát khỏi sự bủa vây của con người. Nàng muốn tránh ánh mắt của Hạnh, tránh hẳn nỗi ám ảnh về thứ tình cảm kỳ lạ luôn túc trực trong đầu. Những cơn gió thốc qua, táp vào mặt khiến đầu tóc nàng rối tung, nhưng nàng không dừng lại. Nàng cảm thấy mình phải tránh né tất cả, nếu không sẽ bị nuốt chửng bởi những tội lỗi liên quan đến sự đoan chính mà bà Phán đã liên miệng răn đe.
Đoạn, Nga run rẩy mở nắp chum, sau đó múc từng vốc lớn và vỗ mạnh vào mặt. Nàng cố tìm kiếm sự tỉnh táo nhưng cuối cùng lại khuỵu xuống một bên, bưng mặt khóc nức nở. Song tiếng đám con ở ríu rít chào Hạnh làm nàng phải kìm lòng lại. Nàng sợ chúng nó bắt gặp và sẽ đưa chuyện tới tai mẹ chồng.
Làm sao nàng không hiểu bà Phán đương cảnh giác nàng? Bà ta luôn sợ nàng giở thói lẳng lơ, trắc nết. Bỏ mặc việc cúng bái người chồng đã chết nhiều năm, cũng như thôi hẳn việc phụng dưỡng, nhẫn nhịn mẹ chồng. Những nỗi sợ ấy thường lẩn quẩn trong tâm trí và cuối cùng trở thành nỗi ám ảnh, khiến bà ta luôn đau đáu vì chúng, sau đó tìm cách bóng gió, nhắc nhở, có những khi còn nói dọa đến cả thầy u nàng.
- Mợ Nga.
Tiếng Hạnh gọi làm Nga giật mình, vội kéo áo lau khô nước trên mặt và cả nước mắt, chẳng buồn quan tâm cử chỉ thiếu nhã nhặn ấy có làm Hạnh lấy làm khó chịu hay không. Thế nhưng cô đã bước lại gần, ngoảnh đầu xác nhận không có ai rồi mới cất lời:
- Tôi xin phép mợ ra về.
Nga đáp, giọng nghẹn ngào:
- Để tôi tiễn cô.
- Thôi, mợ. Vả lại mợ hãy giúp tôi đưa ít tiền cho cái Dịu, mợ cứ bảo có một người quen từng được nó giúp đỡ trả ơn. Tôi nghe nói... nó... nó ngủ với một gã lính tuần để được thả khỏi làng phải không?
Cặp mắt đỏ bừng vì khóc lộ rõ vẻ ngạc nhiên.
- Không. Ai kể cho cô nghe điều ấy?
Hạnh "ồ" lên một tiếng rồi cười hiền.
- Thế thì tốt quá. Nghĩa là người làng đã đặt điều cho nó.
Nga nhìn sang hướng khác, cố tránh đôi mắt long lanh của người đàn bà trước mặt. Gió từ mảnh vườn sau nhà thổi đến làm nàng rùng mình. Một phần do cơn gió se lạnh, một phần bởi nỗi cô đơn, trống trải đương ngấm sâu vào lòng. Nàng thấy những cánh hoa rụng đầy trong vườn, lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt, gợi lên cảm giác mong manh, dễ vỡ giống như mối quan hệ giữa nàng và Hạnh.
Hạnh đưa túi vải nhỏ, bên trong đựng tiền cho Nga. Đợi nàng giắt vào hông thật cẩn thận xong mới tiếp lời:
- Chắc là tôi sẽ không về đây thêm lần nữa. Độ này sức khỏe tôi yếu quá, tôi cũng chẳng rõ mình sẽ gắng gượng được bao lâu.
Sau đó, như dốc toàn bộ quyết tâm, cô vươn tay lau vệt nước chưa khô hẳn trên mặt nàng và nói:
- Tôi luôn mong cho mợ được yên vui.
Câu nói ấy như một hồi chuông dài gióng thẳng vào tim Nga. Thế nào là yên vui? Óc nàng hỏi nhưng tay nàng đã kéo người đàn bà nho nhã ấy ra phía sau, ngửa đầu hôn lên cặp môi mềm.
Hạnh sững sờ, quả tim suýt ngừng đập trong khoảnh khắc đó. Nụ hôn bất ngờ khiến cô chẳng kịp phản ứng, cũng chẳng thể thốt lên lời. Những cảm xúc đã chôn giấu bấy lâu bỗng ào đến như con sóng dữ, xô vào những góc sâu thẳm nhất trong tâm hồn cô. Nhắc cô về sự vụng trộm giống hệt cái đêm định mệnh ấy.
Cái đêm cô và nàng chứng kiến cuộc thân mật của hai người đàn bà.
Thế rồi Hạnh ôm lấy Nga, bàn tay dịu dàng vuốt ve lưng nàng như muốn khen ngợi hành động quyết đoán. Cả hai đều không biết làm sao để thân mật, thành thử môi trúc trắc tìm môi, cứ nhấm nháp mãi một chỗ mà không rõ phải làm gì tiếp. Chỉ là nụ hôn đó chứa chan sự chân thành, dâng hiến của hai số phận bị cuộc đời ép phải rời xa. Nên Hạnh đành tự nhủ thôi, ngần ấy hạnh phúc cũng đủ xoa dịu lòng ta, bởi đây là điều duy nhất Nga có thể dành tặng ta trong lần gặp cuối.
Cô và nàng bị mắc kẹt trong những ràng buộc của cuộc đời, của lề thói lạc hậu cùng những lý lẽ răn dạy về phận đàn bà. Do đó, dẫu tình cảm này có sâu đậm đến đâu, cũng sẽ chỉ là một giấc mộng phù du, vĩnh viễn không thể thành hiện thực.
Cho nên Hạnh cảm thấy khi ở đây, trong vòng tay nhau, ít nhất thì cả hai đã có thể là chính mình, đã chạm đến niềm hạnh phúc thật sự, dù chỉ là một khoảnh khắc.
---
7.10.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top