XVI

Cậu Lường trải chiếu ngồi giữa sân, tay kéo chiếc đàn nhị cũ. Tuy phần cần và ống đều đã trầy xước, bong tróc hết cả. Nhưng âm thanh phát ra lại réo rắt hơn hẳn mấy chiếc đàn mới tinh, đắt tiền của nhóm hát xẩm thi thoảng lại kéo nhau tới chợ kiếm cơm.

Khuôn mặt hắn sưng vù, cặp môi dày tều lên, chỗ tím chỗ đỏ bởi cụ lý vừa hạ lệnh cho đám đầy tớ đánh đập hắn. Nguyên do vì hắn đã nằn nì xin khất một gánh lúa, cố trơ ra để van lạy cụ hãy cho phép hắn được trả từ từ.

Lúc ấy, hắn liên tục dập đầu ở ngoài sân. Còn cụ lý ngồi trên chiếc sập gỗ quý trong nhà, trước những câu đối thếp vàng và chung trà sứ hãy còn nghi ngút khói, chốc chốc lại than một tiếng: "Phiền hà!"

Thế rồi, chướng tai, cụ ngoắc tay gọi người nện cho hắn một trận nên thân, để hắn thôi quấy nhiễu sự bình yên của cụ và các vợ cụ. Nhất là bà lớn, một người đàn bà phốp pháp, ló đầu nhìn hắn rồi quay sang bảo chồng: "Lúc hú hí thì chả thấy xin xỏ ai, nhỉ?"

Cụ lý ừ hử với vợ rồi nói vọng ra:

- Chúng mày cảm thấy phạt đủ rồi thì đuổi nó đi. Đừng để nó lảng vảng trước nhà ông nữa, nghe chửa?

Đám đầy tớ rối rít thưa vâng. Lòng sung sướng vì bỗng kiếm được một bao cát người để mặc sức trút giận.

Chúng đánh Lường như đánh quân thù, cứ co chân thật cao và dốc sức đạp xuống khắp mình mẩy hắn. Chúng túm rách cả chiếc áo nhàu nhĩ, in những vết cào cấu dài ngoẵng lên da thịt, mặc hắn rên rỉ xin tha.

Chịu đòn xong, Lường bị chúng nó khiêng lên, ném ra khỏi cổng như người ta ném một con chó già và sắp chết. Sau khi lồm cồm bò dậy, hắn còn ngoảnh lại nhìn căn nhà quyền quý, nơi vợ chồng lý trưởng dửng dưng với một mạng người, thờ ơ cho rằng đứa con ốm sắp lìa đời của hắn chẳng can hệ gì đến vò rượu ngon.

Hắn cố lết tấm thân tàn tạ về căn nhà mái gianh, lúc bấy giờ vẫn đương vọng ra tiếng khóc i ỉ của lũ trẻ đã đói ăn nhiều ngày. Đứa bé nhất thì im thít vì mệt nặng. Nó nằm trong lòng vợ hắn, mắt nhắm nghiền, toàn thân vàng vọt, xanh xao.

Hắn đứng lặng trước cửa, hít một hơi dài dẫu lồng ngực đau nhói, cổ họng lợn cợn, tanh tưởi do nuốt phải máu mồm.

Cuối cùng, hắn nhắm mắt lại. Cố xua đi những hình ảnh sang trọng, êm ấm nhà cụ lý rồi đẩy cửa bước vào.

Thấy chồng trở về và xoa đầu, âu yếm dỗ dành các con, thị Xoan lập tức cười gằn:

- Cứ để chúng chết bớt đi cho đỡ khổ.

Lường phớt lờ vợ, nói với thằng con tư đương ngoạc mồm khóc to rằng:

- Sinh ngoan, Sinh không khóc nữa kẻo ốm. Ngày mai thầy đi đánh cá cho Sinh ăn nhé?

Đứa con thứ đứng bên cạnh, dè dặt nói:

- Thầy bị thương.

Thằng Sinh nghe chị nói vậy liền nín thinh, ngửng mặt hỏi:

- Sao thầy lại bị thương? Thầy có đau lắm không, thầy?

Lường đã trầy da tróc vẩy nhiều lần nên dần quen, những vết thương này chẳng là gì với hắn. Nhưng nhìn đứa con thơ dại vội nín khóc để quan tâm mình, quả tim hắn nhói lên, cơn đau từ thể xác lan vào tận xương tủy.

Hắn ứa nước mắt, vội quay mặt đi để bình tĩnh rồi mới bảo con rằng:

- Thầy không hề gì.

Mấy đứa con thơ nhìn hắn chăm chú bằng cặp mắt lờ đờ vì đói. Chúng đã háo hức chờ đến cuối tuần để thầy u xát bó lúa kia và thổi cơm. Ngày nào cũng thập thò ở gian nhà ấy rồi bảo nhau rằng: "Ta sắp được ăn cơm, các em ạ."

Thị Xoan thấy giọt nước long lanh trên mi chồng. Nỗi tiếc rẻ, bực tức vì mất sạch miếng ăn càng lấn sâu vào tâm trí. Thị vỗ về đứa con sắp chết, chửi chồng ngay trước mặt đám con sớm muộn gì cũng đi đời.

- Nhục mặt chửa? Nếu ông không tằng tịu với con Dịu hay con Liên thì chừng này cái miệng cũng chẳng khổ sở như bây giờ? Những ngày tới ông định tính sao? Chỉ sáng mai thôi, cụ lý sẽ lại cho người đến đòi một gánh lúa. Ông sáng mắt chửa?

Lường lau vết bẩn trên khuôn mặt xám xịt, hốc hác của đứa con thứ ba, se sẽ đáp:

- Tao vay tiền cái Dịu để chữa bệnh cho con Thêm. Tao đã nói đến thế rồi còn gì.

- Ai tin? Ông nghĩ ai cũng có tính cả tin để mà tình nguyện sái cổ với mấy lời của phường lừa lọc, dối trá như ông ư?

Đứa con thứ thấy thầy u sắp sửa cãi chửi nhau, bèn vội vàng nắm tay Lường và nói:

- Thầy đi ra giếng với con, con rửa mấy vết thương cho thầy.

Hắn im lặng một chốc rồi khẽ gật đầu, đi sau đứa con gầy như que củi, lúc nào cũng cắm cúi làm lụng chẳng khác nào con trâu. Nó vất vả. Thật thế. Nó vất vả hơn đứa đầu vì dẫu sao chị nó đi làm trên phố huyện được người ta nuôi cơm, ít nhất cũng bớt sợ cảnh bữa no bữa đói.

Tiếng gió rít qua tán cây sau vườn nghe như tiếng đất trời thở than. Đứa con thứ bơm nước, hứng vào cái thau và tẩn mẩn lau chùi những vết rách trên tay hắn. Từng hành động của nó diễn ra rất khẽ khàng, chắc là sợ làm thầy đau, mặc dù thầy nó lúc nào cũng có chỗ đau, cả ngoài thể xác lẫn trong tinh thần.

Lường cúi xuống, âu yếm nhìn con. Lòng xót xa vì đã khiến đời nó khổ. Năm nay nó mười bốn, chẳng biết đọc biết viết, bởi thời gian các bạn cắp sách vở đi tìm con chữ thì nó bận kiếm ăn. Lúc các bạn ngâm thơ thì nó đương ngâm chân tay dưới nước để mót từng con ốc, con cáy mà có khi mò mẫm cả ngày cũng chẳng nổi lưng giỏ.

Hắn dừng trước đôi bàn tay thô ráp và chai sần vì bao năm làm lụng để san sẻ gánh nặng cho vợ chồng hắn. Mãi lâu sau, tiếng gọi nghẹn ngào mới thoát ra từ cổ họng khô khốc:

- Gái.

Nghe thầy gọi, cái Gái ngửng đầu nhìn hắn bằng cặp mắt chan chứa mỏi mệt và trĩu nặng buồn thương. Một thiếu nữ mới mười bốn tuổi, thế mà diện mạo lại giống hệt một người đàn bà đã đi qua bao cuộc dâu bể, bước thẳng chân trên trăm mối nhọc nhằn.

Nó rụt tay về, nắm chặt chiếc khăn vừa xấp nước và se sẽ đáp:

- Vâng?

Lường mấp máy môi, cố nén cơn đau từ những vết thương quanh miệng, hỏi giọng khàn khàn:

- Con có tin thầy không?

Cái Gái đứng im, cúi gằm mặt như muốn lẩn tránh. Gió lạnh vẫn thổi vào tấm áo rách rưới của người cha và chắp vá chằng chịt của đứa con. Cuối cùng, nó lại ngước nhìn hắn, tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng đủ rõ ràng:

- Con tin thầy. Chị Dịu chỉ hơn chị Lý hai tuổi và hơn con ba tuổi, làm sao thầy ngủ với chị ấy được.

Lường biết cái Gái sợ. Chính hắn cũng bồn chồn vì đã khiến nó phải mang nỗi oan khuất chung với mình. Càng ngắm đứa con tội nghiệp, ruột gan hắn càng quặn lên. Hắn muốn cắt cho thật rõ nghĩa về câu chuyện giữa mình và cô gái trạc tuổi con, song cổ họng nghẹn lại, giam cầm tất cả từ ngữ hắn định dùng để giãi bày với nó.

Cho nên hắn chỉ bảo nó rằng:

- Người ta chẳng tin thầy, Gái ạ.

Cái Gái mím môi, bần thần rất lâu mới đánh liều thưa:

- Sao thầy không giải thích ngay với các cụ nhớn? Con thấy lúc chị Liên đứng ra thanh minh, thầy còn hùa theo chị ấy kia mà?

- U con chưa kịp nghe thầy bày tỏ đã lồng lộn lên, thầy với cái Dịu lại đương bị coi là hai kẻ thông dâm thì thanh minh bằng cách nào? Lúc nãy con cũng chứng kiến cả rồi đấy. U con tuyệt không nghe thầy phân bua. Lần này mất hết rồi, Gái ơi, em Thêm con sẽ chết mất...

Cái Gái sụt sùi khóc làm Lường cũng khóc theo. Quả thực, hắn chơi với cái Dịu từ lúc nó còn bé dại, nhưng cốt yếu là gặp qua em giai hắn. Tiếc rằng cậu ta đã chết đuối cách đây nhiều năm và hắn thì đi xây dựng gia đình, thế là hắn thôi cái mối bạn hữu kém nhiều tuổi ấy.

Ít lâu trước, hắn mới chuyện trò lại với Dịu vì nghe phong thanh rằng thầy nó mới bán được đàn lợn cho làng bên, chính nó cũng được bà Phán trả công vô cùng đều đặn. Cho nên hắn chẳng có ý gì khác ngoài vay tiền cứu mấy miệng ăn và cứu sống đứa con út tội nghiệp.

Lường rất rõ danh dự của bản thân rất phản đối việc vay mượn một người đáng tuổi con cái, nhất là khi người ta chẳng còn can hệ gì đến mình. Chỉ là tình thế bức bách, tiền nong sắp cạn sạch. Đứa con út không thể uống nước đường cầm hơi mãi bởi sinh mạng yếu ớt đó đương mắc thêm bệnh kiết lị.

Thế là hắn phải bỏ danh dự lẫn sĩ diện đi.

Hắn đã quỳ gối trước mặt nhiều kẻ có tiền, dập đầu xuống sân nhà người ta để van xin lòng thương hại từ sáng đến chiều. Song tuyệt nhiên chẳng ai đáp lời hắn. Đứa con cả thương thầy u và các em bèn ngỏ lời xin chủ ứng trước tiền thì suýt bị đuổi việc, nó sợ quá nên cũng đành thôi.

Vì vậy Lường nghĩ đến Dịu, nghĩ đến những kỷ niệm tươi vui thời quá vãng. Hắn ôm hy vọng rằng trong lòng Dịu vẫn tồn tại chút tình cảm xưa cũ, để có thể giúp hắn vượt qua cơn ngặt nghèo này.

Chỉ là vợ hắn không tin. Dẫn tới quan lớn không tin và cả làng không tin.

Hơn nữa hắn còn làm hại đến sự trinh bạch của cái Dịu.

***

Tiếng đàn hát của Lường vang lên trong bầu không khí ngột ngạt, hòa cùng tiếng chửi rủa ác nghiệt của thị Xoan: "Khốn nạn! Con sắp chết mà vẫn ung dung ngồi đó"; "Giời ơi, giai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng (1)"; "Thầy chúng mày đấy"; "Thế này thì chết quách đi, ông giết quách mẹ con tôi đi cho xong"...

Mỗi lần kéo đàn, là một lần Lường đưa âm thanh thống thiết như ở cõi u minh; như mang cả những ngày tháng đê hèn, cơ cực đến và ám lấy hiện thực tàn khốc. Tiếng ca chẳng tròn chữ vì miệng bị thương tựa tiếng vọng âm thầm của một kiếp nô lệ bị số phận lãng quên. Vừa ngân lên đã bị cuộc đời dìm xuống.

"Hỡi mấy người thục nữ kia ơi!

Muốn nghe lại đây anh kể

Bài "Ngược đời" cho mà nghe

Ốc lồi cắn cổ vịt le

Cỏ non lại cắn cho què mõm trâu

...

Người nằm xuống để cho lợn nó cạo lông

Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi

Nắm xôi chim nuốt mấy thằng bé lên mười

Con gà, chai rượu để nuốt người lao đao... (2)"

Trong những lúc trầm lắng. Tiếng ngâm nga ấy như khắc sâu vào không gian vốn đã u ám, nặng nề. Chúng vọng lại từ lòng đất, từ những con đường quanh quất mà Lường đã đi qua với gánh nặng trên vai. Có lúc, giọng hắn vút lên, run rẩy như tiếng oán than đầy bất lực trước kiếp sống thê thảm hơn thú vật.

Lường gượng nhếch môi, ứa nước mắt trước lời ca đầy vẻ mỉa mai cõi đời. Nơi những nghịch lý lại trở thành luân lý, các bất công lại trở thành lẽ công minh.

Cường hào nuốt chửng dân đen. Hỡi ôi! Nếu ba, bốn con người đó chịu nghe hắn hay cái Dịu giải thích thì có lẽ sự tình đã khác. Nhưng không. Chúng quyết dụm lại với nhau, ra sức hà hiếp đôi giai gái vô tội chỉ bởi làng đương cần gấp một con trâu, hai gánh lúa và một vò rượu để thết đãi quan trên. Hắn nghe tin này từ chính mồm bà vợ tư nhà phó lý, lúc thấy hắn xua thằng Sinh về để đi nộp phạt.

Bấy giờ, thằng Sinh hẵng đứng khóc ở cửa. Thằng Dư, anh nó, thi thoảng phải bấu vào vai nó và nạt rằng: "Mày khôn hồn thì câm mồm ngay kẻo u lại mắng thầy thêm bây giờ."

Cái Gái quỳ xuống trước mặt mẹ, vừa lạy vừa nghẹn ngào thưa:

- U ơi, con van u, con lậy u. Ngày mai con đến nhà ông Định xem ông ấy có tìm thêm người làm công không. U đừng mắng thầy con nữa, phải tội...

Thị Xoan đặt đứa con út đã thở hắt ra sang bên cạnh, tru tréo rằng:

- Phải tội? Phải tội à? Thầy mày bảo tao đi vay tiền con Dịu, ai lại vay tiền lúc giời còn chưa sáng? Còn con đĩ Liên nữa. Thầy mày đã ngủ với bao nhiêu người, chị em chúng mày làm sao mà biết được?

Nói đoạn, thị mở tung cửa liếp, thét lên:

- Cái Thêm chết rồi! Hát nữa đi, rên la tiếp đi. Khốn nạn chưa? Chữa bệnh cho con, lý do chính đáng lắm!

"Thớt kia mày chực nghiến con dao.

Một đàn con cóc chực đớp ông sao trên giời..."

Tiếng đàn hát nhỏ dần, tựa làn khói mỏng dễ tan vào hư không. Chỉ còn dư âm bén rễ ở lời thông báo: "Cái Thêm chết rồi." Thế là con bé đã lìa đời, gục trong cơn đói khát cùng cuộc chửi bới chẳng ngơi mồm của thầy u.

Cái Gái lết hai đầu gối lại gần em, một ngọn đèn vừa cạn dầu, tàn lụi trong sự bất lực của người chủ nghèo, thiếu tiền mua dầu hỏa về duy trì sự cháy.

Em nó chết. Chỉ có nó và mấy đứa bé thơ bu lại khóc thương. Bởi u nó đương ra giữa sân rủa xả thầy nó.

Nỗi xót xa của người mẹ vừa mất con đã chồng lên nỗi ghen tuông, hủy hoại toàn bộ trí khôn của thị Xoan. Thị lại gần, rít từng tiếng uất hận qua kẽ răng. Mỗi câu từ như lưỡi dao cắt vào không gian, giày vò ruột gan người nghe rồi xắt chúng thành từng miếng nhỏ.

- Con Thêm chết rồi. Nhà cũng chẳng còn gì ăn nữa rồi. Cứu con hay giết con. Muốn con sống hay muốn cả nhà chết?

Lường không nói năng gì, cũng chẳng buồn đáp lại những lời oán than ra rả bên tai mình. Mặt hắn xám ngắt, hai con mắt tối sầm đi vì bị nỗi đau đớn, tuyệt vọng bào mòn. Hắn đặt chiếc đàn sang bên cạnh, lết tấm thân tàn tạ tới thẳng gian bếp. Từng bước chân nặng nề kéo theo cả cuộc đời chưa được nổi một lần ấm no.

Gian bếp lạnh lẽo, dưới mặt đất rặt những tro. Hắn bần thần nghĩ ngợi, sau đó mở đáy chạn lấy con dao chặt xương nằm tít trong góc. Hơi ấm từ bàn tay không thể sưởi nổi cán dao.

Hắn cảm tưởng chung quanh vô cùng im ắng. Không một tiếng động, không một âm thanh thở dài, chỉ còn sự lặng lẽ của một kiếp đàn ông đã chạm đáy khổ đau.

Lường biết rõ mình chẳng thể cứu vãn được điều gì. Sự trống rỗng cứ thế len lỏi và dần bao trùm cả quả tim đầy mỏi mệt. Hắn đứng khuất trong bóng tối của gian bếp, tưởng nhớ từng nhịp đập cuối cùng trong cuộc đời. Cặp mắt đờ đẫn hướng về nơi xa xăm, như đành thoái chí rồi đầu hàng số phận.

Một chốc, Lường lững thững bước ra ngoài. Buổi chiều cô liêu khiến gió ngừng thổi, cây cối ngừng đung đưa, tựa hồ nín thở chờ xem hắn sẽ làm gì.

Sẽ làm gì?

Thị Xoan, vợ hắn, hẵng trừng mắt nhìn hắn như kẻ thù. Thị không nhận ra sự trống rỗng, vô hồn trong mắt chồng; không nhận ra cái chết đương đến gần mình hơn bao giờ hết. Giọng thị khàn đặc, lời lẽ cay nghiệt vẫn liên tục tuôn khỏi môi lưỡi, đẩy chồng xuống vực thẳm:

- Đã bất tài thì phải đứng đắn. Đằng này vừa vô dụng vừa không đường hoàng. Đức cho con thì chửa thấy, đã thấy thất đức hết phần mẹ cha.

Rồi thấy chồng lăm lăm con dao, thị bỗng cười rú lên, chỉ vào cổ mình:

- Đây, cứa đi. Cứa đi thằng ăn hại. Gái đâu? Dư đâu? Sinh đâu? Chúng mày ra đây nhìn thầy chúng mày chuẩn bị cứa cổ tao đây này.

Lường bước tới gần vợ, lặp lại lần nữa:

- Tao không đi lại với cái Dịu, cũng chẳng lang chạ với cô Liên. Thứ tao cần là tiền, tao đã phải cúi rạp lưng xuống vay mượn tiền của đàn bà, thậm chí người ta cũng chẳng khấm khá hơn tao là bao. Tao biết thế, nhưng con tao yếu ớt quá, tao muốn cứu con tao.

Thị Xoan cười nhạt. Tiếng cười khô khốc, đầy khinh bỉ:

- Thôi, đừng thanh minh nữa. Tôi đã rình ông ngần ấy thời gian mới bắt được tận tay. Vả nếu con Dịu không tằng tịu với ông, thì nó đã gào mồm kêu oan lâu rồi.

- Giời ơi, nó ngậm mồm vì sợ, vì mày có cho nó nói đâu hở Xoan?

Cơn giận dữ trong Lường sôi lên, song không phải cơn giận thông thường, mà là cơn thịnh nộ của một người đàn ông đã bị dồn đến đường cùng, bị chính sự coi khinh của vợ và thiên hạ bức ép.

- Còn già mồm được à? Gặp oan thì phải kêu oan. Đằng này cứ câm như hến, mang hết thóc gạo và của cải trong nhà ra nộp phạt, để đứa con chết trong đói khát, chết trong uất ức, bệnh hoạn. Thôi, giờ còn gì nữa? Chẳng ai thuê mướn hay cho vay, không lẽ năm cái miệng ăn há ra trông chờ cái Lý ư? Ông giết hết đi, chết cả đi cho đỡ khổ. Giết đi!

Lường không giải thích nữa. Chậm rãi nâng con dao lạnh lẽo lên, sau đó vung mạnh xuống trong một khoảnh khắc tĩnh lặng đến nghẹt thở.

Cái Gái gào thét thê thảm rồi lăn đùng ra đất. Thằng Dư vội buông đứa em mới chết, xác chưa kịp cứng để lao lên cứu mẹ. Thằng Sinh hãi quá đâm bất tỉnh, sùi cả bọt mép.

Giữa khung cảnh hỗn loạn, tiếng đàn nhị và lời ca ngược đời dường như vẫn rền rĩ trong không gian:

"Hỡi mấy người thục nữ kia ơi!
Muốn nghe lại đây anh kể

Bài "Ngược đời" cho mà nghe..."

***

Lúc Nga hay tin thì ba mạng người đã nằm xuống.

Sau hôm xảy ra chuyện, mẹ chồng nàng đã tống cổ cái Dịu khỏi nhà vì cho rằng nó làm nhơ nhuốc thanh danh của mình. Nàng chỉ biết nó về lại nhà đẻ, toan tìm đến hỏi han thì bị Đoan can ngăn. Thị ôn tồn giảng giải rằng bây giờ nàng đừng nên gặp nó, cứ đợi sự việc im bớt rồi hẵng sang.

Nhưng chuyện cũ chưa kịp im thì chuyện mới đã rầm rộ khắp làng.

Nga suýt ngất trước khoảng sân đầm đìa máu me cùng ba cái xác nằm cạnh nhau, ai nấy đều chết trong tư thế vặn vẹo đầy đau đớn. Bên cạnh Lường là con dao đã ấm những huyết người. Và ngay giữa cổ hắn, một vết cắt sâu do chính tay hắn ngửa lên rồi chặt ngang, khuôn mặt nhăn nhó bởi cái chết vừa tìm đến mình trong sự tuyệt vọng, không lối thoát. Thị Xoan nằm gần đó, cặp mắt chưa ai vuốt nên vẫn mở trừng trừng, như thể thị đã tận mắt chứng kiến bầu trời sụp đổ trước khi trút hơi thở cuối cùng. Còn thằng Dư, thân hình bé nhỏ nằm co quắp bên cạnh mẹ, nước mắt hòa cùng dòng máu, dính cả đất cát do nó giãy giụa vì đau.

Láng giềng bảo cái Gái đã kịp cắp thằng Sinh chạy trốn trước khi bị Lường truy lùng. Thi thoảng họ lại tặc lưỡi, ra điều trách cứ cậu Lường cư xử ngu si, cuồng loạn. Cũng có người trách thị Xoan làm vợ mà không biết suy nghĩ cho chồng, cứ mặc cái ghen thiêu rụi lý trí. Anh đơm một câu, tôi tiếp mấy lời, sự việc này sẽ còn bị đem ra mổ xẻ, đàm tiếu rất lâu.

Ráng chiều đổ xuống lưng Nga, kéo vệt bóng đen đến gần ba cái xác. Bên tai nàng văng vẳng tiếng cụ lý chép miệng thở than, tiếng cụ phó quay ngoắt sang rủ rỉ với cụ chánh hội rằng: "Lỡ vào tai quan lớn thì toi công."

Chừng ấy kẻ nắm quyền sợ toi công hơn là toi mạng. Chừng ấy kẻ giàu sang thờ ơ, lãnh đạm trước thảm cảnh của một gia đình vừa sụp đổ trong sự phẫn uất và cùng quẫn.

Một giọt nước mắt chảy dọc xuống má Nga. Nàng là người đầu tiên tiếc thương cho bốn kiếp cơ hàn, bao gồm đứa con út mới được phát hiện.

Trời dần tối, dân làng hóng chuyện cũng bảo nhau rời đi vì sợ oán khí. Giữa không gian nồng tanh mùi máu, nỗi đau của Nga là thứ duy nhất còn sống, còn tồn tại, như một ngọn lửa nhỏ giữa bi kịch chết chóc, tan hoang, và ngần ấy quả tim vô cảm.
























---

Chú thích:

(1) Tục ngữ Việt Nam

(2) Nghệ nhân Hà Thị Cầu, Xẩm Ngược Đời (?)

→ Hiện tại mình chưa tìm được nguồn tài liệu chính thống về hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm này. Mình rất hy vọng nếu hữu duyên thì mình sẽ được khai sáng thêm kiến thức. Chân thành cảm ơn mọi người 🫶🏻🫶🏻

---

01.10.2024

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top