XV
Những cơn ho của Hạnh làm lòng bà Đốc nóng như lửa đốt. Chốc chốc, bà lại ngó vào buồng xem con đương nằm nghỉ hay lại đọc sách? Tới lần thứ tư, bà chẳng đành lòng nhìn thêm, bèn cất tiếng bảo con rằng:
- Hạnh, con. Con đã ra nông nỗi này còn bận lòng sách vở gì nữa? Con muốn me phải lo phát ốm theo con thì con mới chịu yên thân dưỡng bệnh chăng?
Hạnh gấp cuốn sách lại, đặt xuống bên cạnh và ngửng đầu thưa:
- Con đỡ hơn nhiều rồi, me ạ.
- Đỡ hơn chỗ nào? Con ho sù sụ cả đêm qua, me nghe cái Hĩm nói con còn... khạc ra cả máu. Thôi, con ạ, bây giờ con hãy bỏ sách xuống rồi nằm nghỉ ngay cho me. Me đã dặn thầy con bao giờ về thì đưa con đến nhà thương khám thêm lần nữa để me đỡ lo.
Bà Đốc than thở về bệnh tình của Hạnh, cũng như việc cô ham mê tìm chữ nghĩa rất lâu. Mãi tới khi tiếng guốc xa dần vì bà đã xuống tầng, đôi tai cô mới tạm được nghỉ ngơi.
Nhưng sự yên tĩnh này chẳng kéo dài lâu, bởi một người chị em đã đến thăm cô và rú lên rằng:
- Chị Hạnh ơi, tôi phải kể cho chị nghe chuyện này ngay tắp lự thì tôi mới bớt sợ được.
- Chuyện gì thế, cô?
- Lần trước chị bảo tôi rằng chị sẽ đến làng Điềm dưỡng bệnh nhỉ?
Làng Điềm.
Hạnh cố dằn nỗi nhung nhớ, buồn thương về nơi ấy xuống để gật đầu thưa:
- Đúng vậy. Không khí ở đó rất trong lành, cảnh vật chung quanh cũng vô cùng tươi tốt. Nếu có dịp cô hãy rủ chồng đến đó...
Người bạn gái "ối giời" một tiếng đầy kinh hãi và tiếp ngay rằng:
- Chị ơi, nghĩa là chị chưa nghe sự việc mới xảy ra ở ngôi làng ấy rồi. Cũng bởi một quyết định sai lầm mà dẫn tới mấy mạng người nằm xuống.
Nghe thế, Hạnh vội thốt lên bằng chất giọng yếu ớt của một con ma ốm vừa trải qua nhiều trận ho dữ dội:
- Cái gì?
Người bạn gái lắc đầu thở dài, sau đó thầm thì như sắp sửa kể một câu chuyện hết sức kỳ bí.
- Là như vậy, chị Hạnh ạ...
Cô ta thuật lại rằng một đôi nam nữ làng Điềm bị tố dan díu, vụng trộm với nhau. Tuy nhiên trong cái đêm trình lên các cụ lớn, các ông này thay vì xử phạt bằng cách cạo đầu bôi vôi hay bêu riếu cho cả làng biết, thì lại bảo nhau bắt họ nộp trâu, nộp rượu, nộp lúa, nộp tiền để lấy đi thết đãi quan trên.
Cô bạn gái bĩu môi nói nhưng tiền đâu, hở chị? Nhà nào cũng chẳng đủ ăn thì lấy những thứ quý giá ấy ở đâu? Cho nên sau khi vét sạch của cải để đi mua vò rượu ngon, mang một gánh lúa đến nhà cụ lý nộp phạt vì chẳng thể gom đủ hai gánh theo yêu cầu. Anh ta đã ngồi giữa sân nhà hát một bài xẩm rồi đứng dậy xuống bếp lấy một con dao.
Hạnh rùng mình, đáp:
- Anh ta tự tử ư?
Cô bạn gái lắc đầu.
- Không. Nếu tự tử thì đã chẳng nên chuyện.
Rồi cô kể tiếp rằng anh ta kề con dao sắc vào cổ vợ, nhưng lúc ấy cô vợ chẳng tin anh ta dám giết mình. Thành thử thay vì ngừng chửi bới, thì cô ta lại dốc sức tru tréo lên, cố gom tất cả những từ ngữ bẩn thỉu nhất kể từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ để gán cho chồng. Thế là anh ta chém. Mấy người láng giềng sang can cũng đành lực bất tòng tâm, chẳng tài nào dứt đôi vợ chồng ấy ra được vì anh ta chém liên tay, chém như người ta chém chuối, chặt cây, phát cỏ về cho trâu bò.
Vừa chém, anh ta vừa đe rằng ai dám cản thì anh ta dám giết bằng hết. Sau đó, anh ta bắt hàng xóm phải đi gọi lý trưởng đến tận nhà để chứng kiến cảnh mình chém vợ, giết con. Để cụ lý biết rằng chính thân cụ đã gây ra sự việc tang thương này. Bởi ít lâu trước, cụ vừa hạ lệnh đánh anh ta bầm dập mặt mũi vì anh ta xin khất một gánh lúa, và khi anh ta quỳ rạp ở ngoài sân, cố nằn nì rằng đứa con bé nhất của anh ta chưa dứt sữa, hơn nữa còn đương ốm sắp lìa đời.
Hạnh khẽ nói: "Cô ngưng đã," và hỏi thêm rằng:
- Anh ta biết vậy mà vẫn làm xằng bậy ư? Thế anh ta đi lại với ai?
Cô bạn gái trả lời:
- Một đứa con ở của nhà bà Phán, cái bà có cậu con giai chết oan ấy. Ô kìa, chị Hạnh, hình như chị... đúng không? Tôi nhớ chị từng biên thư về cho tôi mà nhỉ?
Lòng Hạnh run lên như người ăn mặc phong phanh bộ hành giữa ngày đông rét mướt. Thốt nhiên, cô nghĩ đến cái Dịu. Nguồn cơn khiến cô và mợ Nga phải đi rình mò lúc đêm hôm khuya khoắt, và cuối cùng thành ra xa cách, lánh hẳn mặt nhau.
Thấy cô trầm tư, cô bạn gái vội tiếp lời:
- Chị hãy bình tĩnh nghe cho hết. Tôi đã kể xong đâu?
Hạnh trả lời:
- Vâng, vậy cô kể tiếp đi.
Thế là cô bạn gái lại liên liến rằng lúc cụ lý đến, anh ta đã giết xong đứa con ba và đứa con út. Vì đứa cả đi ở đợ chưa về, đứa thứ thì kịp cắp nách em tư chạy khỏi nhà trước khi bị người cha đương mất sạch lý trí truy lùng.
Nói đến đây, cô ta bỗng dừng lại, sửa giọng điệu thành hùng hồn:
- Anh ta trỏ con dao hẵng rỏ máu tí tách về phía cụ lý trưởng, bấy giờ đã sợ tái mét mặt, bảo rằng cụ hãy xát lúa ra mà thổi cơm ngon, lấy vò rượu đứng từ xa đã ngửi thấy mùi ra mà nốc ừng ực. Mong cho lúc cụ và miếng cơm vào miệng sẽ thấy ngay vị mặn của nước mắt, vì đám con nhỏ của tôi từng cố níu chân tay tôi khi thấy tôi gánh mấy bó lúa cuối cùng ra khỏi kho. Mong cho lúc cụ ngửa cổ uống chén rượu thơm lừng mà tôi phải vét sạch của cải trong nhà để mua, sẽ ngửi được cả thứ mùi tanh tưởi như bây giờ... Ấy chết, chị Hạnh, chị định đi đâu?
Cô bạn gái vội đứng dậy đuổi theo khi thấy Hạnh tiến thẳng tới bàn giấy. Mà khi ấy chân tay cô đã lạnh buốt, phổi đau mà quả tim cũng nhói lên như bị người ta thúc từng nhát rất mạnh vào.
- Tôi phải biên thư ngay về cho bà Phán để hỏi thăm tình hình.
Hạnh vừa nói vừa lấy giấy bút, cắm mặt xuống viết, mặc người bạn gái đứng bên cạnh liên tục hỏi han: "Làm sao chị phải cuống lên thế? Chị có phải người làng đó đâu? Chị Hạnh, chị Hạnh, thế chị có muốn nghe đoạn sau không? Tôi còn đương dở chuyện đấy..."
Hạnh bỗng quay ngoắt lại nhìn bạn. Cô ta thấy cặp mắt cô đầy sự buồn rầu, mỏi mệt. Những tia máu cong lượn chung quanh như những sợi chỉ đỏ nằm rải rác trên mảnh vải trắng. Cô ta chẳng hiểu tại sao bạn lại lấy làm khổ tâm về sự việc đó? Dẫu bạn chỉ sống ở nhà bà Phán ít lâu.
Hạnh bảo cô ta rằng:
- Cô tiếp tục đi.
Lần này người bạn kể về cô gái trong sự việc thông dâm. Ấy là cô ta bị phạt một con trâu. Nhưng lẽ dĩ nhiên, thầy u cô ta kiên quyết không đồng ý giao con trâu duy nhất trong nhà ra để nộp phạt cho con gái, hơn nữa còn bị phạt vì tội lăng loàn và rõ ràng đã khiến cả nhà phải sống trong cảnh nhục nhã với bà con láng giềng.
- Tôi nghe phong thanh rằng cô ta đã cầu xin và thậm chí chấp nhận ngủ với gã cai lệ... suốt... suốt đêm để... để được anh ta mắt nhắm mắt mở thả cho trốn khỏi làng...
Cô nắm cổ tay bạn, nghẹn ngào hỏi:
- Cái gì cơ, cô Tứ? Cô vừa nói gì cơ?
- Cậu em chồng tôi mới chỉ nghe đến đấy, nên tôi không rõ cô ta đã đi khỏi làng được chưa.
Cô Tứ dứt lời liền thở dài, tỏ vẻ tiếc thương: "Ôi chao, có vợ thì phải ra lẽ có vợ, đằng này... Tôi thấy rất đáng trách, chị Hạnh ạ."
- Làm sao cô lại nói chắc chắn thế? Cô cũng chỉ nghe từ miệng người ta...
- Ô hay? Cả làng nhắc đến chuyện này chứ nào phải đôi ba người xì xầm đâu hả chị? Nếu chị không tin thì cứ biên thư hỏi bà Phán để bà ấy thuật lại một cách đầy đủ cho chị nghe, bà ấy là chủ của con bé cơ mà.
Ruột gan Hạnh cồn cào như lửa đốt. Thế rồi cả buổi chiều và buổi tối hôm ấy, cô đều ngẩn ngơ như người bị bắt mất hồn. Lúc được thầy đến nhà thương, người ta hỏi gì cô cũng chỉ trả lời rất khẽ, thậm chí còn nói năng chẳng đâu vào đâu, làm ai nấy đều kinh ngạc.
Trước khi về buồng ngủ, ông Đốc ngần ngừ, song cũng vào tận giường hỏi con rằng:
- Hạnh, con. Con đương phiền lòng điều gì chăng?
Hạnh không muốn làm thầy lo bèn trả lời:
- Con không ạ. Tại con ho nhiều quá đâm nhọc mệt, thở cũng chẳng ra hơi.
- Chắc là gần đây mưa nắng thất thường. Để thầy bảo cái Hĩm kiểm tra cửa nẻo kỹ hơn kẻo gió lọt vào làm con sinh bệnh thêm.
- Con xin vâng.
Ông Đốc vỗ về mu bàn tay con gái, toan đứng dậy thì con ông lại cất lời:
- Thưa thầy. Con... ngày kia con có thể về làng Điềm được không ạ?
Ông sửng sốt.
- Tại sao con còn muốn về đấy? Con hãy còn ốm, Hạnh ạ. Thầy rất sợ khi phải nghe người ta đưa tin xấu về bệnh tình của con.
- Không, con chỉ về trong ngày thôi.
Hạnh khẩn khoản cầu xin một chốc, ông Đốc đành thở dài và quay sang bảo cô rằng:
- Thầy không hứa trước, nhưng cứ để từ nay đến ngày kia xem sao. Con có việc gì chăng?
Cô cau mày nghĩ ngợi rồi đáp:
- Lúc về con yếu quá nên chưa cảm ơn mợ Nga đã chăm sóc con suốt mấy ngày con ở chơi. Mợ ấy rất tốt bụng và nhiệt tình, con cũng... quý mến mợ ấy, muốn kết bạn với mợ ấy.
Ông Đốc gật đầu, tuy nhiên vẫn không đồng ý ngay mà chỉ dặn cô nếu đêm ho quá phải gọi cái Hĩm xuống bếp lấy thuốc cho.
Nhưng Hạnh cảm tưởng bây giờ cơn đau ốm của mình chẳng ở riêng gì hai lá phổi, mà còn ở nỗi nhớ thương, bồn chồn trước tai họa vừa ập xuống ngôi làng có phong cảnh rất đỗi yên bình, và những con người nhà quê tưởng chừng đều thật thà, chân chất.
---
22.9.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top