XIX
Nga bước lầm lũi về nhà, sực nhớ ra túi tiền hãy còn giắt bên hông bèn bảo cái Sửu và đám người ở rằng chốc nữa mình ăn sau. Con bé thấy nàng muốn đi đâu đó bèn vội vàng bước ra sân, ngoảnh lại nhìn để chắc chắn xem có bị nghe lén không rồi mới hỏi nàng rằng:
- Mợ định đi đâu chăng?
Nàng đáp:
- Mợ sang nhà cái Dịu. Nếu bà về mà hỏi mợ, mày cứ bảo mợ ghé qua nhà thăm đứa em gái ốm, nhớ chửa?
Sửu lo lắng tiếp lời:
- Nhưng bà đa nghi như thế... con e bà sẽ mắng mợ.
Nga cau mày tư lự rồi quyết tâm rằng:
- Kệ. Bà mắng thì mợ nghe. Nhưng đã mấy hôm rồi chẳng có tin tức gì của cái Dịu, cô Liên thì bỏ làng và bặt vô âm tín. Mợ lo lắm.
- Hay mợ để con ra ngoài nghe ngóng?
- Mày cứ ở yên đây.
Sửu cũng cau chặt mày. Cái Dịu bị đuổi khỏi nhà, thành thử bây giờ chỉ có nó và chị Đoan thường đứng về phía mợ Nga. Cách đây ít lâu, chị Đoan rủ rỉ với nó rằng chị sắp trả hết nợ cho bà phán, bao giờ xong thì chị sẽ lên phố huyện kiếm lấy cái nghề để buôn bán. Dẫu rằng không dư dả, nhưng chị chẳng cần phải nơm nớp lo sợ hay dè chừng bà.
Hễ nghĩ đến việc này, Sửu lại rùng mình sợ hãi. Chị Đoan lớn hơn mợ Nga, lắm khi mợ ấy cư xử không phải phép, chị sẽ lựa lời khuyên ngay để bà không được cớ đay nghiến mợ ấy. Cho nên nếu chị đi rồi, hai mợ con nó sẽ phải nương tựa và đỡ đần nhau, bởi chung quanh rặt "mật thám" của bà. Nguyên do vì bà luôn canh cánh trong lòng rằng con dâu mình không giữ gìn tiết hạnh, dễ thường sẽ đi lại nhăng nhít, tằng tịu với đàn ông.
Lại là tằng tịu.
Dường như cái ghen của đàn bà làng Điềm lớn hơn những ngôi làng kế bên. Chẳng những ghen với chồng hay một người đàn bà hạnh phúc hơn mình, mà còn ghen thay con giai đã chết và đã quá thời đoạn tang. Cái ghen ấy lấn sâu vào tâm tưởng, đâm khiến đàn bà tự ganh ghét đàn bà; tuy sợ bản thân mang danh lẳng lơ nhưng miệng lại sẵn sàng đổ tiếng đĩ thõa cho một người khác, cốt để thỏa cơn ghen.
Đương khi Sửu còn đăm chiêu thì Nga đã đi khuất. Nó ngoảnh lại nhìn Đoan, khẽ lắc đầu tỏ ý mình không khuyên được mợ ấy. Thị cũng chóng hiểu sự tình nên vội trở vào buồng, lúi húi phần cơm cho nàng.
***
Nga đi một mạch đến nhà cái Dịu. Căn nhà mái gianh lụp xụp, cách bên trái mấy thước là một chuồng trâu, mà trong nơi ẩm thấp đó chỉ còn con trâu già không thể cày bừa hay chở đồ đạc. Thầy cái Dịu đương tính bán nó cho lò mổ để lấy thêm tiền mua một con nghé, nhưng vợ chồng gã đồ tể trả giá thấp quá nên hẵng lần lữa, đắn đo. Lại thêm sự tình ầm ĩ của đứa con gái nên đành cắn răng dắt con trâu ngon đi nộp phạt, tạm gác lại chuyện mua bán bất thành.
Mặc dù trước khi tự tử, Lường đã nói với cụ lý cùng bà con rằng Dịu là nạn nhân của hắn. Nó vô tội, nó không nên chịu hình phạt là cả một con trâu. Ấy vậy nhưng cụ ta vẫn nhất mực cho rằng sự việc này đã gây ra tai hại rất lớn đến làng, các cụ phạt như thế để lấy đó làm gương, tránh xảy ra lần nữa.
Nàng chưa kịp cất tiếng gọi thì tiếng bác Bần gái, u cái Dịu, đã chửi con sa sả:
- Mày thầy mày ngu chửa? Đáng lẽ mày phải trình cụ lý ngay từ đầu rằng thằng Lường quấy rầy mày. Chứ để chính mồm nó nói ra sau khi rùm beng lên thì ai tin nổi mày nữa? Khốn lắm! Nhà còn mỗi con trâu để thầy mày làm lụng, giờ chẳng những không có trâu, mà con trâu già kia chưa chắc đã bán được giá như mong đợi. Cũng bởi mày chần chừ, đem lòng thương hại một kẻ bần cùng chẳng khác gì mày nên cơ sự mới thành ra thế này. Nhục nhã lắm, Dịu ạ. Mày làm ở nhà bà Phán chưa bị quỵt một đồng nào, nhưng mày không biết đường giữ. Bây giờ bà ấy đuổi mày, tiếng xấu của mày đã vang khắp cái làng này thì mày định xin việc ở đâu?
Cái Dịu nín thinh, đứa em thương chị nên cứ nấp đằng sau bám rịt vào cái quần vải đã chắp vá khắp cả. Nga im lặng một chốc rồi đánh tiếng rằng:
- Chị Bần.
Vừa nghe động, ngôi nhà đương rặt tiếng chửi mắng liền trở nên yên ắng hẳn. Ít lâu sau, bác Bần gái mở cánh cửa liếp rồi híp mắt nhìn người đàn bà đứng lấp ló ngoài cổng, vì xưa nay nơi này rất hiếm khách ghé thăm.
Đương lúc bác ta còn tự hỏi đằng ấy là ai, thì cái Dịu đã vội xông ra, nghẹn ngào gọi:
- Kìa, mợ...
Bác Bần gái lẩm bẩm: "Ra là con dâu bà Phán," rồi vừa sải bước tới mở cổng cho nàng vừa nói:
- Mợ ghé chơi.
Nga đáp:
- Vâng. Tôi có vài lời muốn nói với cái Dịu, chị cho phép nó ra ngoài gặp tôi một lát.
- Ồ, vâng.
Bác ta sửng sốt, sau đó quay vào, sẵng giọng bảo con:
- Mợ Phán tìm mày.
Cái Dịu vội chạy về phía nàng như con thú bị dính bẫy được một người tốt bụng cưu mang.
Thương hại, Nga vươn tay nắm cổ tay nó rồi quay sang mỉm cười với bác Bần gái:
- Tôi xin phép.
- Vâng, mợ đừng khách sáo.
Bác ta lườm con, sau đó xoay người trở vào mắng đứa con út đương lấy hòn đá viết nguệch ngoạc trên nền đất. Nó đã học lỏm được mấy chữ này ở lớp của ông giáo Chương, tức thầy đẻ của mợ Phán. Ông giáo cũng sẵn lòng giúp đỡ nó nhưng thầy u nó không đồng tình với việc học tập, ép nó phải ở nhà bắt cá săn chim, vừa kiếm thêm cái bỏ vào mồm vừa chờ thêm mấy tuổi nữa thì thầy đưa đi làm phu khuân vác ở làng bên.
- Chữ nghĩa gì, thằng kia? Mày nghĩ cái nhà này là dòng dõi thư hương chăng?
Nga vội đưa cái Dịu đến nơi kín đáo hơn nên chẳng còn tâm trí để nghe cuộc trò chuyện liên quan đến học tập của mẹ con bác Bần.
Hai mợ con trốn vào sau một cánh đồng ngô, bấy giờ nàng mới trông thấy mấy vết bầm tím trên má, cổ và cánh tay nó. Nàng biết nó bị thầy u đánh đập, nhiếc móc, nàng ứa nước mắt lấy gói tiền giắt bên hông ra rồi dặn nó rằng:
- Đây là tiền cô Hạnh gửi cho mày. Mày hãy giữ nó để phòng thân, ngộ nhỡ... có làm sao thì còn tiền mà xoay xở.
Cái Dịu ngạc nhiên, sau đó vội từ chối:
- Con không lấy được, mợ ạ. Sao con có thể lấy tiền của cô Hạnh được?
- Chính cô Hạnh đã phó thác việc này cho mợ. Mày phải cầm lấy thì mợ và cô mới có thể yên lòng. Dịu ơi, sao cơ sự lại thành như vậy hả Dịu? Mợ... mợ thương mày quá.
Thấy Nga khóc, cái Dịu cũng chẳng kìm nổi xúc động mà cúi đầu sụt sùi. Bốn bàn tay vẫn chồng lên nhau, ở giữa là gói tiền "phòng thân" cho thân thể đã mang tiếng nhơ nhuốc do bị dân làng đặt điều. Lòng Nga tê dại mỗi khi nghĩ đến hàm oan nó phải gánh chịu. Nó còn trẻ quá, quãng đời phía trước còn rất dài, làm sao người ta nỡ đối xử với nó như vậy?
Rồi nàng hỏi nó rằng:
- Mấy hôm nay mày có gặp cô Liên không?
Nhắc tới Liên, Dịu lập tức ngồi sụp xuống, bưng mặt khóc nức nở. Tiếng nấc nghẹn ngào như thông báo cho Nga biết rằng nó có can hệ mật thiết đến sự biến mất của thị.
Nga im lặng nhìn nó rồi cất lời:
- Nghĩa là thị đã bỏ làng đi thật ư, Dịu?
Dịu chùi bớt nước mắt, nghẹn ngào thưa vâng. Nghĩ ngần một chốc bèn quyết tâm thuật lại sự tình:
- Vâng. Chị Liên biết chuyện của con với anh Lường từ lâu rồi. Có đôi lần chị ấy cũng ngỏ lời giúp đỡ con để dẹp sự lôi thôi, nhưng con sợ mang ơn chị ấy nên từ chối. Con nào có ngờ... nào có ngờ rạng sáng hôm ấy, anh ta lại dám đến tận cổng gọi con... Con biết là do cái Thêm yếu quá, anh ta buộc phải làm vậy, nhưng chính con cũng chẳng còn đồng nào trong người mà giúp đỡ anh ta.
Nga hỏi ngay rằng:
- Nghĩa là những đêm mày rơi xuống ao cũng là vì anh ta ư?
Dịu vùi mặt vào cánh tay và im bặt. Nàng thấy vậy liền ngồi thụp xuống giữ hai vai nó, giục:
- Mày nói nhanh đi chứ? Tóm lại cớ gì mày lại thường xuyên rơi xuống ao? Đáng lẽ mợ chẳng cần phải bận lòng nhiều thế làm gì, nhưng... việc ấy rất đáng nghi, Dịu ạ.
Thốt nhiên, tiếng nức nở trở nên to hơn kèm tiếng nấc nghẹn ngào:
- Con... con đi gặp cậu Thỉnh.
Nga buông tay khỏi hai vai Dịu, ngồi bệt xuống đất.
- Mày bảo mày gặp ai?
- Cậu... cậu Thỉnh, chồng sắp cưới của cô Mơ, mợ ạ.
Nàng rên lên rằng: "Dịu ơi," rồi như sợ những lời nó nói tiếp theo sẽ là một sự việc vô vùng hệ trọng, bèn vội hỏi nó ngay trước khi bản thân ngã ngửa vì quá bất ngờ.
- Mày ngủ với cậu ta chưa?
Cái Dịu vừa khóc vừa gật đầu trả lời:
- Một lần con... con nhảy xuống ao tắm cho khỏi dính mùi cậu ấy. Lần sau thì... chúng con trượt chân rơi xuống mương do chạy trốn gã lính tuần... Có điều mợ ơi, cậu ấy... cậu ấy luôn hứa mai kia sẽ cưới con về làm lẽ.
Dẫu đã giành hỏi trước, song Nga vẫn cảm tưởng đầu óc mình choáng váng, quả tim thắt chặt lại, và một cơn rét lạ lùng chạy dọc sau lưng.
Nàng hiểu rằng cái Dịu còn bé dại, chưa từng biết đến ái tình, thành thử tâm trí rất non nớt, ngây thơ. Và những thiếu nữ như nó cũng thường chóng tin vào lời ngon tiếng ngọt của một kẻ lừa phỉnh. Cậu Thỉnh là ai? Là con cụ lý trưởng, mặt mũi khôi ngô, lại có học thức, mai kia dễ thường sẽ được dân làng cử lên kế nghiệp cha. Cho nên ngoài người vợ được thầy u sắp đặt, thì chung quanh cậu chưa từng thiếu đàn bà. Nga rõ lắm việc cái Dịu chỉ là một trong số các cô trẻ tuổi trong ngôi làng này đem lòng thương mến cậu ta, hay được cậu ta tán tỉnh bằng bao lời đường mật, hoa bướm.
Nàng không nỡ trách nó, đành dúi túi vải vào tay nó lần nữa rồi dặn:
- Cầm lấy đi, đừng tin ai ngoài bản thân mình.
Lần này nó thôi giằng co để từ chối, chỉ chùi vội nước mắt và ngửng đầu bảo nàng:
- Mợ không nghe con nói về chuyện của chị Liên nữa sao?
Nga mím môi, chưa trả lời ngay mà hỏi nó rằng:
- Chẳng phải tự nhiên tối hôm mày với cậu Lường bị xử ở sân đình, chị ta lại đứng ra bênh mày chằm chặp dẫu biết bản thân có thể bị liên lụy đâu, Dịu ạ. Mày đã bao giờ nghĩ lý do gì chị ta lại làm thế chưa?
Cái Dịu cúi gằm mặt, rất lâu sau mới se sẽ thưa rằng:
- Con... con biết chị ấy thương mến con. Nhưng... nhưng con nào biết... tình thương mến ấy là gì? Con... con sợ lắm... làm sao hai người đàn bà có thể ở bên nhau giống như một người đàn ông và một người đàn bà được, phải không mợ?
Nga muốn ừ cho phải phép, nhưng cổ họng chẳng tài nào phát ra âm thanh. Bởi từ xưa đến nay, chung quanh nàng, hay chính nàng vẫn đinh ninh rằng hai người đàn bà không thể ở bên nhau giống như một người đàn ông chung sống với một người đàn bà.
Nhưng kể từ khi yêu Hạnh, nàng mới vỡ lẽ rằng hai người đàn bà cũng có trái tim; cũng biết rung động, bồi hồi và lưu luyến. Vậy cớ gì đàn ông, đàn bà thổn thức vì nhau thì được coi là lẽ thường. Còn đàn bà thổn thức vì nhau lại bị coi là trái luân thường đạo lí?
Dĩ nhiên, Nga chẳng dám nhờ ai gỡ những nút thắt ấy giúp mình. Bởi nàng chỉ cần há miệng, chắc chắn cụ lý và mẹ chồng nàng sẽ khiến nàng bỏ mạng ngay tức khắc.
Cuối cùng, nàng dặn cái Dịu đừng tin vào lời hứa của cậu Thỉnh. Tốt nhất là chớ lại gần cậu ta nếu không muốn cả nhà phải mất thêm một con trâu phạt hoặc nhiều hơn thế. Nàng thấy rõ sự tiếc nuối trong đôi mắt của thiếu nữ lần đầu biết yêu, tin tưởng tuyệt đối vào người mình yêu và hoàn toàn đánh mất trí khôn trong tình yêu này.
- Ấy là do mày lựa chọn, Dịu ạ. Mợ mong số tiền cô Hạnh cho mày để phòng thân hôm nay sẽ giúp mày tai qua nạn khỏi, chứ không phải để mày làm những chuyện phí hoài cả của cải lẫn tình thương cô ấy dành cho mày. Thôi, bây giờ mợ phải về đây, còn mày hãy mua thuốc mà bôi vào mấy vết thương kẻo mai nó sưng lên thì khổ.
- Kìa mợ...
Cái Dịu cố gọi thêm vài lần nhưng Nga chẳng buồn thưa. Nàng sải bước thật nhanh về nhà, vừa đi vừa cầu cho cuộc gặp gỡ vụng trộm hôm nay không bị mẹ chồng phát hiện ra.
Lời khấn vái thành tâm của nàng đã ứng nghiệm. Bà Phán hãy đi vắng, nhưng tiếng khóc của vợ cụ phó lại vang khắp không gian vốn đã u ám, tĩnh mịch sau sự việc lúa, rượu và ba mạng người.
Nga cố nghển cổ sang nhà bên ấy, nhưng không thấy bóng dáng người đàn bà đương gào thét thảm thương kia đâu. Tuy nhiên khi vừa đặt chân qua cổng, thị Đoan đã hớt hải chạy đến hỏi nàng rằng:
- Mợ hay tin gì chưa?
Nàng đáp, lòng đầy dự cảm chẳng lành:
- Tin gì, chị?
- Cô Mơ tự tử!
---
01.11.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top