XII
"...Người bạn tặng tôi cuốn sách, người tôi từng kể với mợ rằng đã qua đời trong lúc sinh con. Chính là một người đàn bà trót đem lòng yêu một người đàn bà khác."
Nga gấp bức thư cho tới khi tờ giấy trở nên cứng ngắc, chẳng thể gấp nổi nữa. Sau đó mới vùi mặt vào hai bàn tay và nức nở gọi tên Hạnh, dẫu trí óc không ngừng nhắc nhở rằng cô đã rời đi, đã quay về Hà Nội.
Cách đây vài tiếng, Hạnh chỉ ăn mấy thìa cháo rồi nhờ cái Dịu qua buồng gọi nàng. Đó là lần đầu tiên trong thời gian xa cách, cô kiên quyết muốn gặp nàng và phải gặp cho bằng được.
Hạnh nhắc Nga ngồi xuống ghế, húng hắng ho vài tiếng rồi lấy bức thư cất dưới gối đưa cho nàng, ôn tồn dặn:
- Khi nào tôi đi mợ hẵng mở nó ra. Cảm ơn mợ đã săn sóc tôi suốt thời gian qua, tôi rất mừng vì có thêm người chị em nhiệt tình, tốt bụng như mợ.
Nga nhận bức thư từ tay Hạnh, lòng rối như tơ vò. Những băn khoăn, trăn trở suốt mấy đêm đã khiến nàng lỡ mất ánh mắt như ẩn chứa bao dịu dàng, tình tứ nhưng buộc phải chôn thật sâu. Ánh mắt ấy dành cho nàng, và chừng như không dám dành cho nàng vì chỉ diễn ra trong chốc lát.
Thốt nhiên, Nga liều lĩnh hỏi Hạnh:
- Tôi đã lánh mặt cô mà cô vẫn coi tôi là một người chị em nhiệt tình, tốt bụng ư?
- Vâng, cho dù mợ căm ghét tôi thì tôi cũng không thể oán trách mợ được. Vì tôi... luôn coi mợ là bạn.
Hạnh se sẽ đáp, rồi tiếp tục thu dọn hành trang. Khoảng trời trong tim cô đã tối hẳn sau những tháng ngày cả hai cư xử với nhau hết mực lãnh đạm, mà cô thì chẳng đủ sức để thắp đèn chiếu sáng.
Cô đã mặc cho màn đêm bao phủ thâm tâm mình, nuốt chửng những xáo động về mặt tình cảm vừa mới nhen nhóm ít lâu. Để rồi quả tim nằm lặng thinh trong lồng ngực như một người rất đỗi nhọc mệt, vừa đặt lưng xuống giường đã ngủ thiếp đi.
Lần ngủ này sẽ là mãi mãi. Hạnh nghĩ vậy. Nga cũng mãi là niềm rung động lạ lùng của riêng cô.
Ông Đốc hay tin con ốm liền tức tốc thuê xe về làng, sau đó hai cha con tạm biệt mẹ con bà Phán rồi lên đường ngay. Hạnh hãy còn yếu, phải đưa tay nải cho con sen cầm và dựa hẳn vào cha, bước từng bước tập tễnh.
Xe đã chờ sẵn ở đường vào vì người lái rất thạo việc. Anh ta nghe ông Đốc dặn phải đỗ thật gần bởi cô Hạnh không thể đi xa, cho nên cố gắng đánh lái, nhích từng chút vào con đường hẹp mặc dù mất nhiều thời gian. Thoáng thấy ông và cô xuất hiện, anh ta đã mở cửa chạy tới, vừa cất đồ đạc vừa hỏi han rằng:
- Thưa ông, bây giờ ta về thẳng nhà thương chứ ạ?
Ông Đốc Khiêm đáp: "Phải," rồi quay sang bảo con:
- Thầy đã đồng ý cho con tới đây tĩnh dưỡng theo ý nguyện của con. Nhưng chưa được bao lâu lại phải tới đón con và làm phiền u con chị Phán. Con đã thấy tai hại chưa?
Hạnh nghiêng đầu, bịt chặt khăn vào mồm và ho sù sụ, giọng khàn khàn:
- Thưa thầy, con nào muốn thế?
- Me con đương lo sốt vó ở nhà, trách thầy không bảo ban con, cứ chiều chuộng con nên cơ sự mới thành ra như vậy. Thôi, từ rày trở đi con hãy ở yên trong nhà, mọi sự thăm khám, thuốc thang phải do thầy me lo liệu thì thầy me mới yên lòng được.
Cô vừa bước vào xe vừa đáp:
- Thầy me đâu thể chăm bẵm con suốt đời?
Ông Đốc ngồi xuống cạnh con, dẫu đã nghe thấy nhưng lại làm thinh. Ông muốn khuyên nó lấy chồng và hứa sẽ tìm cho nó một mối tốt. Song Hạnh cứ bệnh tật liên miên nên lúc nào cũng mượn cớ đó để cự tuyệt, bảo rằng con không nỡ làm người khác đau khổ. Vợ chồng không có ân cũng phải có nghĩa, nếu con chết trong vài tháng đầu nên duyên, thì chồng con sẽ thật tội nghiệp. Chưa kể anh ta quên bẵng đi con, chỉ ít lâu sau đó là tiến thêm bước nữa, không ai trên đời này đau xót con như thầy me được.
Hạnh chưa từng quay đầu lại suốt quãng đường dài. Lồng ngực cứ âm ỉ nhức mãi và trí óc cũng nhắc nhở rằng cơn đau ấy không phải do bệnh tật gây nên.
Cô nhắm mắt, buộc lòng quên mọi sự vui buồn trong mấy ngày qua. Quên cả người đàn bà luôn né tránh mình sau khi thấy mình tỏ thái độ thản nhiên trước sự thân mật của hai người đàn bà khác. Cô tự nhủ phải quên. Quên hẳn. Nếu không chắc chắn còn đau đớn hơn.
Chiếc xe rời khỏi vùng quê tốt cho lá phổi nhưng không tốt cho quả tim. Hạnh cũng bỏ lại sau lưng một con người đờ đẫn như vừa bị bắt mất hồn vía.
Nga đã chạy ra con đường từng đón đưa, tiếp rước Hạnh, nhưng quá muộn. Chiếc xe xa dần và cuối cùng hoàn toàn biến mất giữa hai bên cánh đồng bát ngát. Thốt nhiên, tiếng ngâm nga: "Kẻ về người ở; Nghĩ, bồi hồi thay lúc phân kỳ; Khéo quấy người hai chữ tình si; Bằng bằng lửa biệt ly không chút nguội..." của cô văng vẳng bên tai nàng. Âm thanh êm ái cùng buổi chiều êm ả lần lượt kéo đến khiến nỗi ân hận càng thêm mãnh liệt, tựa hồ cắn xé vào tận nơi sâu kín nhất trong tâm hồn Nga.
Chợt, nhóm đàn bà đi cắt dọc mùng cất tiếng gọi nàng:
- Kìa, mợ Phán.
- Sao chị Nga lại đứng giữa đường giữa lối thế này?
- Sao trông chị tiều tụy thế?
- Ồ, mợ ốm chăng? Mợ Phán, mợ Phán...
Đây là lần đầu tiên Nga cảm thấy không thoải mái vì cách gọi ấy, cũng chính cảm giác này càng làm nàng thêm hổ thẹn với người chồng đã khuất, càng thêm trách bản thân vì đã không chung thủy, không biết giữ gìn khuôn phép, tiết hạnh.
Nghĩ thế, nàng gượng cười, trả lời những người đàn bà đương đua nhau réo tên mình rằng:
- Tôi vừa tiễn bạn về Hà Nội.
Một người nhớ ra Hạnh và thắc mắc ngay:
- À, có phải bạn của u mợ không? Nhỉ? Cái cô trông xinh xắn nhưng da dẻ lại xanh xao, nhợt nhạt ấy?
Nàng đáp:
- Không, cô ấy là bạn tôi.
- Ôi dào, bạn ai thì bạn chứ. Chính mợ giới thiệu với chúng tôi cô ấy là bạn của bà Phán thì chúng tôi biết vậy thôi. Nhưng làm sao cô ấy lại bỏ về? Hình như mới ghé chơi được ít hôm? Hay là... cô ấy cũng không chịu được bà Phán? Hở mợ?
Nga chẳng muốn đôi co nên chỉ xua tay và rảo bước trở về, mặc những tiếng rì rầm và những ánh mắt ngỡ ngàng, dò xét.
- Chết chửa, chị Thêm. Sao bỗng dưng chị lại ngứa tay chọc tổ ong vò vẽ? May cho chị là nó không đốt nhé.
- Chắc là cô ấy đương nhọc mệt, chứ mọi khi cô ấy có mặt nặng mày nhẹ như thế đâu? Thực ra lắm lúc chúng ta cũng sưng sỉa lên cả với con cái, bạn hữu...
Một người đàn bà tiếp lời:
- Cả chồng nữa chứ? Như lão Định, chồng em, thì buộc phải quát tháo suốt ngày bởi lão chỉ nằm chực lúc em sao nhãng để lỉnh đi uống rượu, chẳng đỡ đần gì cho em.
- Chính ra cậu Định hiền lành đấy, cô ạ. Cậu ấy không đánh vợ con, cũng cứ nín thinh mà nghe cô chửi mắng.
Vợ cậu Định nhếch mép cười, nói giọng mỉa mai:
- Hiền lành? Hắn tỏ ra hiền lành vì sợ em quyết không trả số tiền hắn đã quỵt của người ta. Khốn nạn thân em lắm! Chồng người đánh Bắc dẹp Đông, chồng em rúc xó trông vợ từng đồng (1).
- Ấy chết, cô nặng lời quá...
Đoạn, những người đàn bà vội tìm cách lảng sang chuyện khác do sợ cuộc trò chuyện này sẽ đến tai chồng mình; sẽ khiến hắn nghĩ mình đi hái rau nhưng lại chúm dụm vào bêu riếu chồng và sẽ thành duyên cớ cho vài cái tát vào mặt, vài cú thúc thẳng vào ngực, bụng giữa tiếng khóc nức nở của bầy con thơ.
Mà bấy giờ Nga đã về gần tới nhà, dáng điệu lử khử như con ma ốm. Trên đường đi nàng còn gặp Liên, nhưng chẳng thể tươi cười chào hỏi cô ấy, còn cô ấy cũng "ơ kìa" một tiếng và bảo nàng:
- Này, cô Nga. Cô phải tìm thầy lang khám đi thôi. Hôm nay tôi trông cô bạc nhược lắm.
Nga trả lời:
- Chắc là do gần đây mưa nắng thất thường.
- Tôi nghe đám con sen nhà cô bảo cô Hạnh cũng ốm một trận nặng và thầy cô ấy phải đón về gấp.
Nhắc đến Hạnh là nhắc đến một nỗi buồn thương kín đáo, chẳng thể bộc lộ với chính cô và cũng chẳng thể giãi bày với bất cứ người nào.
Nga muốn cho qua chuyện ngay nên đành gật đầu thưa vâng. Còn Liên khẽ thở dài rồi lẩm bẩm: "Thật là tội nghiệp, thật là tội nghiệp."
Bệnh tật là địa ngục sống của con người, nhất là với những người bị chúng hành hạ tới mức phải rít lên rằng: "Ta thà chết quách đi còn hơn." Mặc dù chẳng biết sau khi chết có bớt đau đớn, khổ sở hơn không? Nhưng bây giờ thì thảm hại quá.
Liên nghe mấy đứa con ở nhà bà Phán kể rằng cô Hạnh thường xuyên đau ốm; rằng các thầy thuốc ở Hà Nội không thể cứu chữa được nên cô ấy mới phải về đây tĩnh dưỡng. Thị lấy làm xót thương cho người con gái xinh xắn và luôn có vẻ nho nhã, dịu dàng. Do vậy, từ lúc hay tin Hạnh phát bệnh tới giờ, thị cứ thở dài thườn thượt, lo cho mợ Nga vắng đi một người bạn hữu mới quen ít lâu, sẽ lại lâm vào cảnh buồn rầu, u ám.
Dân làng Điềm rủ rỉ rất nhiều về Nga, gồm cả chuyện bà Phán thường mỉa mai, bóng gió nàng nếu chẳng may trông thấy nàng giao du với chúng bạn, mặc dầu họ đều là người tốt. Lâu dần, Nga trở nên lầm lì, cố tình lìa xa các buổi hò hẹn. Lúc đi hội thì đi cùng em gái, và chưa được bao lâu đã đòi về.
Các bạn lần lượt lấy chồng, có mấy đám Nga chỉ hối hả chạy tới lúc gần đưa dâu bởi bà Phán cố ý giao thật nhiều việc cho nàng. Thành thử bạn vừa đi khuất thì mọi người cũng chẳng thấy bóng nàng đâu. Thế là mọi người dần bảo nhau thôi í ới gọi nàng đi hội, đi chợ.
Mỗi lần nghe ai nhắc tới chuyện này, Liên đều vỗ đùi mắng bà Phán:
- Con mụ già độc ác. Bà ta ở vậy nuôi con, không tái giá thì mặc bà ta. Nhưng cô Nga còn trẻ, năm nay mới hăm mốt, hăm hai lại chưa có con. Bà ta định bắt cô ấy thành tiết phụ? Muốn cô ấy được ban danh Tiết hạnh khả phong hay muốn ít lâu nữa chôn sống cô ấy để cậu Phán dưới địa ngục được yên lòng?
Người kể chuyện nghe Liên mắng chửi bà Phán thay mình thì vui mừng lắm, song vẫn ra điều mẫu mực và ôn tồn khuyên ngăn:
- Kìa, cô Liên. Cô không nên đả động tới người chết...
Liên cười phá lên như vừa nghe một câu chuyện tiếu lâm.
- Ma men và những con ma bủng beo vì hút xách tôi đều gặp phải, thì con ma từ dưới mả lên có là gì? Chưa kể cậu Phán nhân hậu, giỏi giang, chẳng lẽ cậu ta cũng mong vợ mình ở góa tới già ư? Người ta đương có vợ chồng còn làm chuyện xằng bậy được, đằng này cậu ta đã chết mấy năm, mấy năm qua cô Nga chỉ yên phận để tang chồng, chẳng giao du với ai chứ đừng nói tới gần đàn ông.
Liên nghĩ mình là người duy nhất ở cái làng này căm ghét việc bà Phán đối xử hà khắc với cô Nga. Tuy nhiên trong mắt dân làng, thị chỉ là một con đĩ đến từ chốn xô bồ, nhơ nhuốc. Nên người ta thường mặc hẳn những lời thị nói. Người ta coi lời của một con đĩ thì cũng dơ bẩn, rẻ mạt như cuộc đời nó.
Nhưng Liên chẳng quan tâm. Liên vẫn mỉa mai bà Phán, vẫn chế nhạo sự thèm khát cái danh Tiết hạnh khả phong của bà ta.
Càng chửi bà Phán, Liên càng thấy tội nghiệp Nga.
***
Nga sụt sùi suốt buổi chiều rồi đi nấu cơm. Bà Phán thấy con dâu tiều tụy hẳn đi, còn tưởng nàng phải gió giống Hạnh bèn giục nàng xuống bếp sắc lấy một thang thuốc còn thừa vì Hạnh không mang theo.
Nàng xếp gọn bát vào mâm, se sẽ đáp:
- Thưa u, con không ốm.
- Con không ốm thì sao lại thành ra thế kia? Chẳng nhẽ...
Tiếng bà Phán nhỏ dần bởi những suy tưởng về việc Nga đương chim chuột, yêu đương với đàn ông ngày một lớn. Phải lắm. Phải yêu thì mới khổ, phải nhớ thì mới héo rũ ra thế kia.
Bà nhìn con chòng chọc, mà Nga chỉ cúi đầu dọn dẹp, trước mắt đều là bát đũa, mấy cọng rau thừa hai u con nàng để lại. Thốt nhiên, bà Phán gằn giọng nhắc:
- Ta còn chưa sang cát cậu ấy, mợ Phán ạ.
"Cậu ấy" ý chỉ chồng nàng, người chồng đã chết oan và biến đời nàng thành cảnh góa bụa. Hai bàn tay Nga run lên vì chẳng biết cớ gì bà ta lại nói vậy? Bà ta lại muốn kiếm chuyện gì để chì chiết, đay nghiến mình? Còn trong mắt bà Phán, Nga đương chột dạ, đương hoảng hốt và lo sợ rằng bà đã phát hiện ra mối lương duyên không đúng đắn, cũng như thấy hổ thẹn trước bài vị của chồng.
Nghĩ thế, bà Phán lại bực dọc. Cố tình thở dài thật to rồi nói: "Mợ phải giữ danh giá cho cái nhà này và cho tôi mới được," để nhắc nhở Nga, răn đe Nga, buộc Nga phải dứt ngay những tình cảm mà bà chẳng biết là vừa chớm nở hay đã bén rễ.
Nếu đã bén rễ thì bà sẽ khiến cả nhà ông giáo Chương nhục mặt!
---
Chú thích:
(1) Cải biên từ bài ca dao:
"Chồng người đánh Bắc dẹp Đông
Chồng em ngồi bếp giương cung bắn mèo
Chồng người bế Sở sông Ngô
Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần
Chồng người vác giáo săn beo
Chồng em vác đũa đuổi mèo khắp mâm"
Bài ca dao này châm biếm những người đàn ông lười biếng, vô dụng và có nhiều dị bản.
---
02.8.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top