XI
Sau đêm rình "bắt ma" nhưng lại thành bắt được một cuộc thân mật của hai người đàn bà. Nga chẳng tài nào giữ cho lòng bình tĩnh, còn Hạnh thì trúng gió ốm liền mấy hôm.
Sau khi tiễn thầy lang ra cổng, bà Phán trở lại bảo con dâu đang lúi húi nhóm bếp để sắc thuốc rằng:
- Đà này dễ thường ta phải khuyên cô Hạnh về Hà Nội, con ạ.
Nga sững sờ, ngửng đầu lên nhìn mẹ.
- Thầy lang bảo cô ấy ốm nặng lắm ư u?
- Không, tự u sợ bệnh tình của cô ấy trở nặng. Cô ấy đã uống mấy thang thuốc liền mà có đỡ đâu? U nghe bảo bệnh phổi phải chữa bằng thuốc Tây, phải gặp đốc tờ thì mới mong khỏi. Cháu của bà Ngải, bạn u, tưởng chết từ mấy năm trước mà nay lại chữa dứt bệnh bằng thuốc Tây đấy.
Nàng se sẽ đáp:
- Cô Hạnh ở Hà Nội, nếu chữa được thì đã... đã chẳng phải về đây tĩnh dưỡng, u ạ.
Bà Phán lẩm bẩm: "Cũng đúng. Thôi, u phải vào xem cô ấy," và lững thững rời đi. Nga nghĩ ngần một lát rồi nói với theo:
- U có cần con biên thư cho ông Đốc không ạ?
- Ừ, phải lắm. Dẫu sao ông ấy cũng cần biết bệnh tình của con cái. Để bây giờ u hỏi cô ấy đương cảm thấy thế nào rồi bảo lại con. Mà thôi, con cứ viết rằng bệnh tình của cô ấy bỗng trở nặng, đã mời hai lượt thầy lang nhưng vẫn chẳng thấy khá hơn.
- Vâng.
Mẹ chồng ghé qua chỗ cô Hạnh, đám con ở tất bật với công việc thường ngày nên chỉ còn mình Nga ngồi bần thần trong bếp. Dạo gần đây trời đã ngớt mưa và ấm dần, khiến hơi nóng từ bếp củi phả ra chung quanh, làm mặt mũi nàng lấm tấm mồ hôi ngay tức khắc.
Ít lâu sau, Nga đặt ấm thuốc lên bếp rồi lấy tay thấm bớt sự nhớp nháp trên trán và cổ. Cử chỉ vốn rất bình thường, trong sáng, song nàng bỗng dừng phắt lại vì nhớ tới sự tăm tối diễn ra ngay đêm thứ hai sau khi chứng kiến cảnh tượng hãi hùng kia.
Nàng đã nằm mộng. Một giấc mộng khiến nàng vừa thẹn với bản thân, vừa khẩn khoản xin chồng tha thứ và vừa không dám nhìn thẳng vào mắt Hạnh.
Cho nên nàng đã cố tình tránh mặt cô ấy bằng cách giao mọi việc mang cơm, mang thuốc, lau chùi dọn dẹp cho đám con ở. Còn mình thì tới kho gạo hoặc đi lo liệu vườn tược, đồng áng. Cái ý tưởng nhơ nhuốc và phản ứng đáng xấu hổ ấy khiến nàng buồn rầu. Nàng tự thấy mình hư thân, không xứng được hưởng tình cảm chân thành, thuần khiết của cô Hạnh. Chẳng may cô ấy biết mình đã nảy sinh ý tưởng bất chính với cô ấy, thì câu hỏi: "Hai người đàn bà thì làm sao?" Cũng chẳng đủ cứu vãn mối quan hệ này, và chính nàng cũng chẳng biết giấu mặt vào đâu.
Đoạn, Nga chớp cặp mắt đen láy, mặc hẳn những giọt mồ hôi đương đua nhau lăn từ thái dương xuống thay vì vươn tay thấm bớt. Nàng ân hận bởi mình đã tò mò, cố chấp nên mới phải chứng kiến cảnh tượng mà suốt đời chưa từng nghĩ đến, sau đó phải xấu hổ như hôm nay.
Đương lúc Nga cân nhắc tới việc chốc nữa sẽ tự bưng thuốc lên thăm Hạnh, hỏi han sức khỏe của người ta; thì bà Phán đã đứng ở hiên hô hoán thất thanh rằng:
- Nga, Nga ơi! Con vào đây ngay.
Nga sửng sốt, vội rút bớt củi để lửa cháy liu riu rồi sải bước thật nhanh đến gian nhà Hạnh đương ở. Vừa đi, nàng vừa mê man nghĩ tới sự phân ly mà lúc nãy u nàng từng đề cập đến. Thế rồi ruột gan nàng cồn cào, nàng lắng lo, ân hận vì những ngày qua đã né tránh cô Hạnh, thay vì ở bên bầu bạn với cô ấy, làm tròn trách nhiệm của một người bạn hữu duy nhất mà cô ấy có thể gần gũi trên mảnh đất này.
Quả đúng như những gì Nga sợ hãi. Bà Phán tru tréo lên bởi chiếc khăn mùi soa đầy máu mà Hạnh vừa buông khỏi miệng. Thứ màu chói mắt như gai khiến nàng rùng mình, nhưng chẳng hề sợ hãi mà lại gần nắm lấy tay cô.
Hạnh đã yếu nên chỉ hé mắt nhìn nàng, cơn ho tới độ thổ cả huyết khiến khắp mình mẩy cô đau đớn, nôn nao; thần trí thì mơ hồ, chẳng tài nào cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay của người đàn bà mình đã từng dúi mấy viên kẹo vào.
- Cô Hạnh, cô Hạnh.
Nga se sẽ gọi Hạnh trong khi bà Phán ôm mặt rên rỉ:
- Thế mà thầy lang bảo bệnh tình không quá nghiêm trọng. Giời ơi, lang băm. Ta tốn gần một đồng bạc chỉ để trả cho một thằng lang băm. Khốn lắm! Ngày mai u quyết phải ra chợ loan tin ngay để dân chúng biết đường mà tránh.
Nàng vội thưa vâng, sau đó lại nhìn Hạnh. Mà cô khẽ lắc đầu ra điều không sao. Cử chỉ ấy khiến nàng siết bàn tay vốn đã nắm chặt, ân cần hỏi:
- Thế tôi lấy nước nhé? Tôi lấy nước cho cô uống nhé?
Hạnh lại lắc đầu, vì vị tanh hãy còn lắng ở cổ họng nên cô nghĩ bây giờ mà uống thêm nước, chắc chắn sẽ phải rướn cổ mà nôn mửa ra.
Bà Phán thấy Hạnh yếu quá đâm sợ, sau khi rền rĩ xong liền bảo cô rằng:
- Bây giờ tôi sẽ liên hệ với thầy cô ngay để ông ấy tới đón cô. Chứ tôi thấy... thầy lang ở quê bắt bệnh không khuẩn, mặc dù hắn là người có tiếng tăm gần nhất làng.
Hai tai cô ù đi, rất lâu sau mới trả lời trong ánh mắt kinh ngạc của Nga:
- Thưa vâng, phiền bác quá.
Nghe Hạnh đồng ý, bà Phán khẽ thở dài như trút được gánh nặng. Bà những tưởng rằng Hạnh sẽ cự tuyệt bà, sẽ kiên quyết nán lại nơi này để chờ dứt bệnh trong tình trạng khó lòng khá lên. Nếu cô mà xảy ra mệnh hệ gì, u con bà chẳng biết phải ăn nói thế nào với ông Đốc.
Hay là Hạnh cũng biết vậy nên mới chấp nhận đề nghị của ta?
Ý nghĩ thoáng qua óc bà Phán, song bà cảm thấy chẳng đủ thì giờ để bận tâm điều này. Bà vội bảo con dâu biên thư gửi cho ông Đốc, chậm nhất là chiều nay ông ấy phải có mặt ở đây để hộ tống cô Hạnh về. Mà Nga, người đáng lẽ nên về buồng ngay, lại ngẩn ngơ nhìn Hạnh đương nằm trên giường và nhìn khuôn mặt khó đăm đăm của mẹ già.
Bà Phán chau mày, giục:
- Con còn nhìn cái gì? Mau đi đi chứ?
Nghe thế, Nga khẽ thưa vâng, sau đó rút tay mình khỏi bàn tay lành lạnh. Người đàn bà đau yếu đưa mắt trông khuôn mặt nàng rất nhanh rồi chợt buông thõng tay, mặc nó nằm ngoài chăn ấm, mặc nó đơn côi như cái nhếch mép đầy ý tứ mà chủ nó dành cho nàng.
Nga cúi đầu, lầm lũi bước ra khỏi buồng. Bà Phán thì liên tục căn dặn Hạnh:
- Tôi để nước đây, cô khó chịu phải uống ngay nhé. Bây giờ tôi bảo con sen vào trông cô, cô cần gì cứ sai nó, đừng giấu bệnh, đừng cố chịu đựng, cô nghe chửa?
Hạnh đáp, giọng yếu ớt:
- Tôi xin vâng.
***
Nga vẫn cúi gằm mặt, bấy giờ trên án thư đã bày đầy đủ giấy, bút. Đáng lẽ nàng nên cặm cụi viết thư thông báo tình hình sức khỏe của cô Hạnh cho ông Đốc - cha cô ấy ngay, thay vì cứ ngồi thẫn thờ, bồn chồn bởi một nỗi niềm sâu kín.
"Làm sao bây giờ?" Nàng tự hỏi. Làm sao để gỡ nút thắt trong lòng nàng và để cư xử gần gụi với cô ấy giống như trước đây? Cô ấy mới đến chơi mấy hôm, nàng còn chưa kịp dẫn cô ấy đi thăm thú chung quanh, chưa kịp tâm sự với cô ấy hay nghe cô ấy kể thêm nhiều điều về bản thân, ngoại trừ câu chuyện liên quan tới cuốn sách đã sờn gáy.
Nỗi hổ thẹn về thứ tình cảm lạ lùng sau khi chứng kiến hai người đàn bà ôm hôn và làm những điều ngoài sức tưởng tượng đã khiến tinh thần Nga suy sụp. Nàng sợ, sợ nếu ở bên Hạnh thì nàng sẽ để lộ ra tâm tư xấu hổ đó rồi khiến cô ấy kinh tởm; khiến cô ấy cho rằng nàng là một người đàn bà dâm dật, phóng đãng.
Thế rồi tay Nga run tới nỗi chẳng tài nào cầm chắc bút. Mãi đến khi bà Phán đứng ở cửa, hỏi: "Xong chưa, con?" Nàng mới giật bắn mình, lắp bắp bảo bà hãy chờ một lát.
Bà Phán không biết chữ nên cần con dâu viết và đọc cho nghe, sau đó bà mới có thể đồng ý để nàng mang đi gửi. Nghe thế, bà chỉ giục: "Nhanh lên đấy," và sai thằng đầy tớ duy nhất trong nhà chạy ra cổng làng thuê ngay một phu xe lên Hà Nội.
Ít lâu sau, Nga se sẽ gọi: "U ơi," rồi đến bên hiên đọc thư cho bà. Bà Phán gật gù trước câu từ mùi mẫn, đủ cho ông bà Đốc cảm nhận được rằng u con bà đã chăm nom con gái họ hết mực, nhưng bệnh tật của con gái họ vẫn sa sút do đây là căn bệnh đã có từ thuở mới sinh.
Nhưng bà nào hiểu nỗi lòng Nga, con dâu bà, một người đàn bà đương hoang mang giữa những xúc cảm lạ lùng dành cho một người đàn bà khác?
Thấy giọng Nga nghèn nghẹn, bà vội hỏi:
- Chết chửa! Hay là con cũng lây ốm rồi?
Nàng vội sửa lại giọng, trả lời:
- Thưa u, không ạ. Chắc là con... con đọc mau quá nên hơi khan cổ.
- Thôi, nội dung thư như vậy cũng được, con ạ. Con ở đây chờ thằng Tô dẫn phu xe về rồi giao thư cho người ta. Chậc! Chỉ một phong thư cỏn con mà phải thuê đứt một xe kéo cho kịp giờ.
Bà Phán vừa lầu bầu tiếc của vừa quay về buồng. Nga cũng quay sang nhìn mẹ rồi bất ngờ ngồi bệt xuống hiên nhà chờ đầy tớ trở lại.
Chưa bao giờ nàng nhọc mệt như thế. Sự nhọc mệt bắt nguồn từ bên trong mà chẳng phải nhức mỏi, đau buốt ở bên ngoài. Tim nàng đập mạnh mỗi lúc mường tượng đến cảnh Hạnh phải đi, đi Hà Nội, đi về nơi mà có lẽ nàng không bao giờ có cơ hội gặp lại.
Nga nhìn chằm chằm dòng chữ ghi ngoài phong thư, cố học thuộc nó như đứa học trò bé bỏng mà thầy nàng dạy ghép vần. Nhận ra thằng Tô về, nàng lững thững lại gần đưa thư và tiền cho nó, mặc nó ngạc nhiên hỏi: "Sao trông mợ xanh xao thế?"
Thằng Tô nom chủ cứ đờ đẫn mãi cũng chẳng dám nói thêm điều gì. Đành hếch cằm tỏ ý giục anh phu kéo hãy mau rời đi rồi lủi vào kho chẻ củi. Còn Nga, người vốn đã thân quen với căn nhà này, lại đứng giữa sân một cách thẫn thờ, lạc lõng. Nàng trông về phía gian nhà Hạnh ở, chân phải nhấc lên nhưng cuối cùng vẫn đặt xuống. Sau đó hơi cúi đầu, thở dài đầy ưu tư.
Nga không phát hiện Hạnh đương nhìn mình qua cửa sổ. Lặng lẽ thu hết vẻ buồn phiền, ủ dột của mình vào mắt rồi mới tiếp tục dọn cuốn sách ngụ ngôn hẵng đọc dở trên án thư, chẳng dám cất tiếng làm phiền.
Dạo gần đây Nga cố tình lánh mặt. Hạnh biết rõ điều này hơn ai hết. Cô chắc chắn rằng nàng đương khiếp đảm, đương kinh hoàng trước sự việc mà đó là lần đầu tiên được chứng kiến; hoặc cũng có thể nàng ghê rợn câu nói của cô, nàng muốn tách biệt khỏi một người đàn bà thấy bình thường trước thứ tình cảm lạ lùng giữa hai người đàn bà khác.
Hạnh bấu chặt vào cạnh bàn, một tay giơ lên bịt mồm ngăn tiếng ho. Cô đã đuổi cái Dịu đi từ ban nãy, quyết không cho phép nó trông nom, hầu hạ mình.
Nó không thể lay chuyển cô bèn ngỏ lời:
- Thưa cô, hay là con bảo mợ con vào ngồi với cô nhé?
Hạnh lắc đầu cự tuyệt:
- Không, tôi cũng sắp về rồi. Em cứ làm việc của em đi, mặc tôi.
- Thưa... việc của con là chăm sóc cô ạ.
- Vậy em xuống bếp nấu cho tôi một ấm nước sôi. Nếu bà hay mợ hỏi thì cứ bảo tôi sai em làm vậy.
- Vâng.
Dịu nhanh chân rời khỏi buồng, để lại Hạnh cùng trăm nỗi ngổn ngang. Con bé này chính là nguồn cơn của mọi chuyện, ấy thế nhưng nó vẫn bình thản, trong khi cái Sửu mới là đứa bị phát hiện làm chuyện tày đình.
Chính cô cũng phải tự hỏi nó lấy sự gan dạ ở đâu để ngủ với con cụ phó lý? Nếu là cô, cô sẽ co cẳng chạy về ngay trước khi sự tình trở nên trầm trọng.
Cơn đau phổi chợt ập đến buộc Hạnh phải ngừng suy nghĩ. Vội vàng ngồi xuống ghế và hít thở một cách nặng nhọc.
"Chắc là ta không còn nhiều thời gian."
Nghĩ đoạn, Hạnh cố nén đau rồi dằn vị tanh ở cổ họng xuống. Chậm rãi lấy giấy bút ra viết mấy dòng gửi người đàn bà mình sắp sửa từ biệt.
"Mợ Nga,
Tôi mong mợ hãy rộng lòng tha thứ cho tôi vì tôi đã tỏ thái độ dửng dưng trước sự việc khiến mợ thất kinh.
Thú thực, trí óc tôi cũng quẩn quanh câu chuyện đêm đó rất nhiều lần. Song vì không đủ can đảm để giãi bày với mợ, nên tôi đành nhân dịp chúng ta sắp sửa từ biệt nhau, một lần từ biệt mà chẳng biết ngày tái ngộ, để hạ quyết tâm giải thích cho mợ nghe về thái độ của tôi khi ấy, cũng như nguyên do khiến tôi nói với mợ những điều lạ lùng..."
---
28.7.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top