VIII
Những người đương sàng gạo đồng thanh cất tiếng chào Nga, sau đó len lén ngắm Hạnh vì trước nay chưa từng thấy mợ Phán dắt người đàn bà đẹp nào theo như thế. Mà Hạnh, một người đàn bà đẹp chẳng hề thạo việc, cứ lẽo đẽo đi sau nàng như cái bóng, say sưa nhìn nàng kiểm tra từng hạt gạo, chốc chốc lại dặn người làm đãi mạnh tay hơn. Trầm tư mặc tưởng rằng nếu không phải do mình, chắc hẳn mợ ấy đã ngồi ngay xuống để làm cùng bọn họ vì không yên lòng.
Ít lâu sau, Hạnh chợt ngước mắt trông thẳng về phía góc sân. Anh con trai thấy thế liền chột dạ, cúi gằm mặt, hùng hục xoay cái cối như thể trách cô xoi mói, đa nghi.
Cô tự nhủ: "Rõ là hắn vừa ngắm mợ Nga," và nhìn sang nàng. Bấy giờ Nga đương thò tay nắm một nắm gạo trong bao, sau đó cười bảo người đàn bà đứng tuổi ở gần đấy rằng:
- Hạt nào cũng mẩy, cũng tròn trịa thật, bác ạ.
Có lẽ nàng thực không biết ánh mắt của tên kia, cũng có thể nàng cố lờ đi hoặc cũng có khi nàng đương giả vờ. Những ngờ vực, suy tưởng đua nhau cuồn cuộn trong óc Hạnh, một sự khó chịu chẳng biết xuất hiện từ đâu chợt len lỏi khắp người, khiến cô hơi cau mày, thi thoảng lại che miệng húng hắng ho.
Hạnh ho tới lần thứ ba thì Nga quay sang, lo lắng hỏi:
- Cô mệt chăng? Hay là ta về nhé?
- Không không. Mợ cứ lo việc mợ, mặc tôi.
Nàng trầm ngâm một chốc, sau đó nhìn cô đăm đăm bằng cặp mắt sáng khiến cô không khỏi mường tượng rằng mình đương bị người ta trói lên cột và lột sạch quần áo. Sự ví von xuất hiện trong óc một cách đường đột làm Hạnh khiếp sợ, từ bao giờ cô dám suy nghĩ táo tợn và liều lĩnh như vậy? Thầy cô sẽ quở trách cô nếu biết những đứa con gái của mình dám để tư tưởng hư thân trong đầu bằng lời răn: "Dưỡng nữ bất giáo, bất như dưỡng trư" (Nuôi con gái mà không dạy, chẳng thà nuôi lấy con lợn" (1).
Ông Đốc rất đồng tình việc cho con gái học hành, cũng luôn khuyến khích các con hãy chăm lo đèn sách đến nơi đến chốn. Song tuyệt nhiên cấm các cô chơi bời giai gái, nhất là có những cử chỉ ve vãn, tán tỉnh nhau. Ông đã rõ lắm việc mấy anh con giai, mấy chị con gái quấn quít nhau vì xác thịt mà vẫn cố ý gán cho nó một cách gọi đầy lãng mạn, hoa mỹ rằng: Tình yêu. Đồng thời rủ rỉ những điều như: "Nếu đã yêu nhau thì hai ta không nên giữ gìn kín đáo cả về tâm tưởng lẫn thân thể." Hay: "Ta phải chia sẻ hết với nhau; phải thật gần gụi, thân mật, khăng khít thì mới là yêu."
Ấy thế nên mấy chị mới chửa hoang, mới thiệt thòi, mới quẫn trí vì đi đâu cũng nghe những điều tiếng và mới chọn cái chết. Ông thường dặn các con gái phải biết nghĩ đến mình, sống cho mình trước chứ chớ dại sống cho bất cứ ai. Ái tình xuất phát từ quả tim, từ sự tôn trọng, kính mến nhau mới là ái tình. Đừng để đàn ông coi thường các con, cho rằng các con chỉ như dòng đĩ điếm vì chưa cưới hỏi đã ăn nằm với nhau. Do đó, những đứa con của ông đều ngoan ngoãn, chưa bao giờ nhen nhóm ý đồ hư thân vì sợ bị thầy ví như "trư", sợ vẻ nghiêm nghị của thầy và tiếng thở dài thườn thượt của mẹ.
Đoạn, Hạnh đưa mắt nhìn Nga, mỉm cười nói:
- Tôi không sao thật, mợ cứ làm việc mợ, tôi đi thăm thú đây đó rồi lại về ngay.
Nàng lo lắng tới cuống lên rằng:
- Không, không. Tôi phải đi với cô.
- Kìa, mợ. Tôi nào phải trẻ con mà đi một bước cần có người theo một bước? Mợ hãy cứ ở đây làm cho xong hết việc, nếu muốn tìm tôi thì đi ra ngoài khắc thấy.
Dẫu vậy, Nga vẫn chẳng yên tâm.
- Nhỡ cô không biết đường...
- Tôi không biết đường mà tìm được vào tận nhà mợ đấy.
- Nhà của u tôi.
- Thì u mợ.
Hạnh mỉm cười, nhìn về phía người đàn ông trong góc lần nữa. Bấy giờ anh ta đã miệt mài làm việc, không còn lén lút nhìn về phía này, có lẽ vì cảm nhận được sự băn khoăn và dè chừng kẻ lạ là cô.
Hạnh rời khỏi kho gạo, ngửa đầu nhìn bầu trời âm u rồi đi thẳng tới quán nước gần đó do không muốn ra chợ một mình. Dẫu sao cô cũng chỉ là một người khách đến từ nơi khác, chưa quen đường quen nẻo và chưa biết người chung quanh tốt xấu ra sao.
Cô hàng nước thoạt trông rất trẻ, chỉ trạc tuổi cô và Nga hoặc lớn hơn một chút. Cô ta hãy để răng đen, không cạo trắng như một số cô gái trẻ trong vùng hay vài người đàn bà cô tình cờ gặp trên đường. Cô ta duyên dáng và tươi tắn, chốc chốc lại pha trò với khách rồi mủm mỉm cười, sau đó rướn cổ hô lên rằng: "Các ông bà có khát thì vào đây uống nước mấy em."
Hạnh gọi một cốc nước vối rồi thong thả nhâm nhi, vờ không thấy những ánh mắt dò xét từ phía đối diện và kế bên. Song cô hàng nước bỗng xùy một tiếng, bĩu môi chê rằng:
- Các ông cứ nhìn chòng chọc thế này thì mất khách em.
Một tay già miệng đáp:
- Nhìn một tí thì chết ai?
- Không được. Các ông còn bày trò chòng ghẹo chúng em nữa thì xin mời các ông về ngay cho.
Người đàn bà vẫn cười, nhưng Hạnh thấy đôi mắt của cô ta không còn lấp lánh như lúc nói câu đầu tiên. Vẻ bỡn cợt tưởng chừng thoát ly khỏi gương mặt tròn trịa và dịu dàng, giọng nói của cô ta cũng đanh lại:
- Thế các ông có ngồi ngay ngắn được không?
- Con mẹ này gớm thật. Thế mày có biết ông là ai không?
- Là ai? Ông ngự ở trên giời may ra đây còn sợ, chứ dưới đất thì đây tế cả mả tổ lên cho mà nghe. Làm sao? Ông trợn ngược mắt lên làm gì? Ồ, ông là ai? Ông đuổi đây đi khỏi chỗ này được hả? Hay ông định thuê người đến quấy phá đây bán nước? Đây đếch sợ, ông đi ra đầu làng hỏi tên con Liên rồi hãy quay lại hỏi đây có cần biết ông là ai không nhé?
Liên vừa phủi cái quần đụp vừa mắng sa sả. Gã đàn ông ăn vận bảnh bao thẹn quá, buột miệng chửi: "Con đĩ" rồi đứng dậy. Ấy thế nhưng cô ta vẫn chẳng sợ và chẳng tha, cố ý gọi ông ta lại, sẵng giọng đề nghị:
- Trả tiền xong thì mới được đi chứ? Nước vối đây nấu chứ có phải múc ở giếng làng đâu?
- Mày cầm cả lấy, ông bố thí cho mày.
- Em xin nhé! Khi khác ông lại ghé chơi.
- Con đĩ.
Những người đàn ông còn lại không dám liếc nhìn vì sợ Liên sẽ chửi lây sang mình. Mà thị chẳng đoái hoài gì tới lời tục tĩu, vui vẻ cất tiền vào cái túi vải may liền với cạp quần rồi quay sang bảo Hạnh:
- Ngữ ấy nói nhẹ không ăn thua, cô ạ. Ta phải cho nó biết ta không dễ bắt nạt.
Hạnh gật gù vẻ đồng tình.
- Mà này, tôi chưa gặp cô bao giờ. Cô là người nơi khác chăng?
- Thưa vâng, tôi là... bạn của mợ Phán, mợ Phán Tâm.
- À, cô Nga...
Liên nói xong và im lặng hẳn, dường như cũng nghĩ ngợi đến điều gì sâu xa. Một chốc, thị mới thở dài rồi tiếp lời:
- Cô Nga đẹp người đẹp nết mà vất vả. Tôi nghe mấy mụ già đi gánh nước về qua đây nói chuyện với nhau rằng cô ấy khiến chồng các mụ nhung nhớ, không muốn ngủ với các mụ ấy nữa. Tôi thấy tức cười nên đã chửi mấy mụ ấy vài lần, cô thấy tôi làm đúng không? Đúng chứ, nhỉ? Cô Nga đã làm gì nên tội? Chính chồng các mụ ấy mới đáng trách, phải không? Mấy con mụ chỉ chực đổ lỗi và đối xử cay nghiệt với người đàn bà khác cho thỏa bản tính nhỏ nhen.
Hạnh sợ Liên cứ ông ổng ở hàng nước, lại còn trước mặt khách nên vội xua tay. Thị chưa kịp nói thêm thì cái Dịu đi gánh nước qua, nó "ô" một tiếng rồi gọi:
- Cô Hạnh.
Liên đáp thay Hạnh:
- Ngoài giếng cạn nước hay sao mà hôm nay mày về sớm thế?
Nghe tiếng thị, con bé liếc sang hướng khác, sau đó mới trả lời:
- Không, sáng nay mợ Nga dặn em về sớm lau đồ đạc thay mợ nên em chỉ gánh ba lần thôi.
Thấy con bé chuẩn bị đi tiếp, Liên vội rót cho nó cốc nước rồi đứng dậy lại gần. Do thị rủ rỉ với cái Dịu nên Hạnh không nghe được tiếng, chỉ thấy nó lắc đầu nguầy nguậy, còn thị trông nó lắc đầu liền thất vọng rõ. Chốc chốc lại đánh mắt về hướng cái Dịu vừa đi tới, Hạnh đoán đó là hướng ra giếng làng.
Cái Dịu ngửa cổ tu hết cốc nước thì chào cô rồi nhanh chóng rời đi. Hạnh im lặng dõi theo nó mãi đến khi Liên than dạo này ế khách mới quay sang mỉm cười tiếp chuyện. Cả hai thong thả tâm sự, thị cũng kể về gia đình Nga và người chồng chết oan của nàng, rằng xưa kia cậu Phán đã làm tất cả để thuyết phục mẹ cho cưới cô Nga, một người không hề xứng với của cải lẫn danh tiếng của cậu.
Cuối cùng, thị chép miệng mà rằng:
- Rõ là cậu ta cũng chỉ yêu cô ấy vì cô ấy đẹp. Nhưng như vậy cũng được, chí ít thì cậu ta cũng không đánh mắng cô ấy và cô ấy được ăn ngon hơn khi ở nhà đẻ. Có điều tôi nghe láng giềng chung quanh nhà bà Phán kể thời gian đầu cô Nga về làm dâu, cô ấy còn phải ngồi mâm dưới với đám con sen chứ chẳng được ngồi mâm trên với bà ta. Mãi sau này cậu Phán phát hiện ra, quyết tâm đưa cô ấy lên tỉnh, bà ta mới chịu ngừng.
Hạnh băn khoăn:
- Nghĩa là cậu Phán từng đưa mợ ấy lên tỉnh rồi ư?
- Lên rồi, mà được mỗi lần ấy thôi. Về sau bà Phán ốm rũ ra, cô Nga phải quay về chăm nom đến khi tai họa ập tới. Tội nghiệp.
Hai người đàn bà cùng nhắc đến chuyện của một người đàn bà khác, sau đó lại cùng im lặng. Hạnh buồn rầu khi nghĩ đến việc Nga không thể hưởng những thú vui trong đời, do thuở nhỏ nàng cần mẫn làm việc để thầy u và em có thêm thức ăn, lớn lên lại tất bật hầu hạ, phục vụ nhà chồng. Thế rồi cặp mắt cô dại đi, Liên phải lay cô mấy lần mới thảng thốt mà rằng: "Vâng?"
Thị cười khúc khích, nói bông:
- Vâng? Cô buồn cười lắm. Mợ Phán đã đứng đây chờ hồn cô nhập thể tới rã cả hai chân đây này.
Bấy giờ Hạnh mới ngửng đầu nhìn Nga. Nàng bỗng mỉm cười, dịu dàng hỏi:
- Ta về được chưa?
- À, vâng, vâng. Tất nhiên là được rồi.
Liên hỏi Nga:
- Chị tìm được người bạn này ở đâu mà vui đáo để.
- Không, cô ấy...
Nàng toan cắt nghĩa để Liên không hiểu lầm rằng mình là bạn của Hạnh như mọi bận thì cô đã vội kéo tay, cố ngăn cản nàng như thể nàng sắp làm một điều hết mực nguy hiểm.
- Kìa, ta đi nhanh thôi mợ.
Hạnh kéo tay nàng, vừa tiến về phía trước vừa ngoảnh lại chào Liên. Bấy giờ quán nước lại có khách ghé đến nên thị không tiếp tục nhìn theo, mà điều đó khiến lòng cô nhẹ nhõm hẳn.
Một chốc, Nga se sẽ bảo Hạnh:
- Kìa, cô vội gì mà cầm tay tôi chặt thế?
---
(1) Trình Di, Minh đạo gia huấn
---
25.6.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top