VII

Mặc dù thức giấc vì tiếng ồn ào ngoài sân, song Hạnh vẫn vươn vai đầy khoan khoái do đã lâu lắm rồi không được ngủ một mạch đến sáng như vậy. Cô thường giật mình khi mới vào giấc được ít lâu, sau đó thức trắng đêm cùng những trận ho dữ dội và những lần hít thở rất đỗi nhọc nhằn.

Hạnh thốt nghĩ cái chết đương tiến đến ngày xuân của mình ngày một gần, chính đốc tờ cũng lựa lời khuyên cô rằng chớ nên buồn rầu, ủ dột thì mới có thể mong thoát khỏi cảnh bệnh hoạn. Nhưng làm sao mà được? Toàn thân cô luôn rệu rã, hai lá phổi đau ê ẩm sau mỗi lần ho tới mức oằn mình, rỏ cả nước mắt.

Thi thoảng cô còn ho ra máu, mấy đốm đỏ thấm vào khăn tay như đục khoét vào lòng tin khỏi bệnh của cô. Quãng đời đau yếu rất biết cách bông đùa con bệnh bằng vòng tròn khỏe lên và lại sắp chết. Hạnh đã chán ngán cảnh ấy nên lắm lúc muốn chết quách đi cho yên thân. Dẫu vậy, hễ cô hạ quyết tâm nhảy xuống hồ thì bên tai sẽ văng vẳng lời dặn từ trí óc rằng: "Chết mà chưa báo hiếu thầy me là phải tội, là bất hiếu, là khốn nạn."

Hạnh đã sống lay lắt như thế từ lúc đẻ ra. Thân thể hư nhược cũng ngăn cô đến với người khác. Cô sợ mình làm khổ đời họ, nhất là sau khi nghe thầy kể chuyện vợ chồng cậu Phán, một cặp vợ chồng son, chưa con cái, nhưng người chồng bỗng chết một cách rất oan uổng. Chẳng ai nghĩ cái chết của cậu Phán sẽ xảy ra trong đời, ấy là đương đi đứng rất bình thường thì bị người ta cầm dao đâm nhầm. Người ta lỡ lấy mạng cậu và khiến vợ cậu lâm vào cảnh góa bụa mãi mãi.

Cho nên đương sống yên lành bỗng dưng còn phải chết, huống chi cô đã lâm bệnh ngần ấy năm.

Hạnh se sẽ thở dài, sau đó rời giường mặc thêm áo. Trời chưa sáng hẳn và độ này hãy còn lạnh, chốc chốc cô lại che miệng ho sù sụ. Chẳng rõ tiếng ho quá lớn hay Nga đứng sát bên cửa buồng mà vừa dứt cơn, nàng đã dịu dàng hỏi:

- Cô dậy rồi đấy chăng?

- Vâng, tôi dậy rồi.

Hạnh lấy vật dụng để chuẩn bị ra chỗ mấy chum nước làm vệ sinh. Bấy giờ Nga vẫn đứng chờ cô ngoài cửa, thưa rằng:

- Tôi nấu cháo thịt để cô ăn sáng. Đêm qua cô ngủ được không? Có cần thêm chăn không mà sao cô dậy sớm thế?

Hạnh sửng sốt:

- Ấy chết, tối qua cô đã thưa ngay với bác Phán về việc ăn uống. Tôi còn ở đây nhiều ngày, làm sao phải thết đãi tôi thịnh soạn như vậy? Hãy coi tôi như bậc con cháu trong nhà, mọi khi bác và mợ ăn uống thế nào thì cứ phần tôi thế ấy.

Nga lí nhí khuyên cô, vẻ khó xử:

- Cô nên tự bảo lại u tôi.

Tiếng nói mang theo nỗi e dè làm cô sực nhớ ra rằng nàng chẳng thể thuật lại lời này với mẹ chồng. Mợ Phán rất sợ bà ấy, cô biết điều đó và bắt đầu ân hận vì mình không suy nghĩ chu toàn.

- Vâng. Thế mợ đã ăn sáng chưa?

Nga gật đầu.

- U con tôi ăn cả rồi. Lúc nãy u tôi phải ra bến sớm để kiểm gạo cho một người Tàu.

Hạnh thưa vâng và cất bước, thấy Nga lẽo đẽo theo sau bèn mủm mỉm cười, nói bông:

- Tôi quên chưa trả lời mợ. Chăn gối đều đủ ấm cả, tôi dậy sớm vì thường ngày tôi cũng không ngủ được nhiều. Còn bây giờ tôi đi rửa ráy, hay là mợ đi cùng tôi cho vui?

Đôi tai xinh xắn của người đàn bà trở nên đỏ bừng, nàng cuống quít xua tay:

- Cô chớ đùa tôi như thế.

- Không, tôi có đùa đâu?

Nga bĩu môi, sau đó rẽ vào chuồng lợn kiểm tra máng ăn của chúng. Hạnh cũng chẳng nán lại chòng ghẹo nàng mà tiến về phía giếng rửa mặt. Lúc ngẩng đầu lên chợt thấy một bóng người lấp ló sau gian nhà của đám người ở, mà phía ấy là vườn rau, đàng xa trồng thêm rặng tre và có một thân cây bắc sang phía bên kia con mương nhỏ.

Cô nhổ toẹt nước trong miệng sang bên cạnh, đằng hắng một tiếng và hô:

- Ai?

Nghe động, cái bóng bỗng lao vụt đi rồi biến mất hẳn sau rặng tre. Cảnh tượng thần bí diễn ra rất nhanh, khiến một người không tin vào ma quỷ như Hạnh cũng sởn cả gai ốc.

Cô lẩm bẩm: "Hay là cậu Phán?" Rồi tự trấn an: "Vớ vẩn, nói như thế khác nào bảo cậu ta là ma quỷ? Ồ, không, cậu ta đúng là ma quỷ đấy thôi."

Nghĩ đoạn, Hạnh về buồng cất đồ đạc rồi xuống bếp tìm Nga. Bấy giờ nàng đương đun lại nồi cháo, bên cạnh là nắm hành chuẩn bị thái nhỏ. Cô thấy thế liền ngồi xổm xuống giúp đỡ, mặc nàng cuống quít nói không cần.

Hạnh bảo Nga:

- Thật ra tôi đương có chuyện muốn hỏi mợ.

Nàng ngạc nhiên, đáp:

- Chuyện gì hở cô?

- Mợ ghé sát lại đây.

Nàng nghe thế cũng đưa tai đến gần Hạnh. Hai người đàn bà chụm đầu vào nhau, thân mật, gần gũi. Nàng ngửi được mùi hương dìu dịu trên áo Hạnh và âm thanh dịu dàng luẩn quẩn bên tai mình:

- Từ ngày về đây tới giờ, mợ đã gặp sự gì kỳ lạ chưa?

Nga mê man tiếp lời:

- Kỳ lạ thế nào thưa cô?

- Thì... mợ trông thấy một cái bóng vụt qua trước mắt mà chẳng rõ thứ ấy là người hay quỷ.

Kinh hoàng, nàng há hốc miệng rồi đáp:

- Lẽ nào cô gặp chúng ư?

- Vâng. Lúc nãy tôi gặp ở gần giếng, chỗ sau gian nhà của đám người ở. Tôi hô lên một tiếng thì nó vụt đi ngay, mợ bảo có lạ không?

Cô nói xong liền dịch sang bên cạnh. Mà Nga chẳng nói chẳng rằng vì còn mải nghĩ ngợi về điều ấy, nàng đã quên khuấy điều này do mấy hôm mẹ chồng nhọc mệt, phải mời thầy lang và sắc thuốc liên miên.

Giờ đây nàng mới ngẫm lại buổi trò chuyện dưới bếp với Đoan về việc con Dịu ngã xuống ao hai đêm liên tiếp, nghĩa là không phải riêng Hạnh thấy lạ lùng. Nhưng u nàng siêng đi lễ chùa và năng cúng bái từ thuở chồng nàng còn đỏ hỏn, nghĩa là đã làm được nhiều việc thiện thì cớ gì ma quỷ lại tìm đến quấy phá?

Đoạn, nàng chép miệng, dặn lòng không nên sa đà vào những suy tưởng kỳ bí ấy kẻo lại hóa lẩn thẩn rồi múc cháo cho Hạnh. Cô tự rắc ít hành vào trong bát và nói:

- Hay là đêm nay tôi với mợ ra đó rình xem.

Nga rú lên một tiếng:

- Rình? Nghĩa là ta đi bắt ma?

- Nào đã phải ma mà mợ đòi bắt. Bên kia con mương có ngôi nhà nào không hở mợ?

Nàng lắc đầu.

- Không, bên ấy là vườn của nhà cụ phó, tôi nhớ cụ đã cho người rào kín từ hồi mới làm vườn. Còn gian ở thì cách hẳn một đoạn.

Hạnh nuốt xong thìa cháo, lẩm bẩm: "Thế thì gay go lắm."

- Cô đừng có dọa tôi.

- Làm sao tôi phải dọa mợ? Thế này đi, sẩm tối mợ vặt cho tôi hai cành dâu. Nhưng...

Nga băn khoăn:

- Nhưng gì thưa cô?

- Nhưng nếu thực là ma quỷ thì sao con chó mực xích chỗ cây bưởi không sủa? Không lồng lộn lên?

Hai người nhìn nhau đăm đăm, tiếng băn khoăn ấy như một ngọn đuốc tỏ khắp lối quanh co, mịt mù. Nga tự nhủ chính thế. Con chó tinh khôn và có huyền đề, nàng còn nghe bảo bọn chó mực biết trông thấy ma, xưa kia mẹ chồng nàng đồng ý nuôi cũng vì chồng nàng cắt nghĩa rằng nuôi chó đen sẽ tránh được nhiều thứ dữ. Vậy cớ gì bây giờ nó không sủa inh ỏi vào mỗi đêm trong nhà xảy ra sự tình kỳ bí, lạ lùng?

Nàng gật gù nói với Hạnh:

- Tối nay ta phải đi xem sao.

- Nếu đúng là ma thì mợ tính thế nào?

- Còn tính thế nào nữa, hở cô? Dĩ nhiên tôi phải báo u mời thầy về làm lễ.

Hạnh tinh nghịch đe rằng:

- Biết đâu nó theo mợ trước lúc thầy đến thì sao?

- Gớm lắm! Cô không nên trêu tôi như thế biết chửa?

Cặp môi xinh xắn bặm chặt lại. Nga giận tới hồng cả hai má rồi đứng dậy cất bước. Hạnh ồ lên và hỏi ngay:

- Mợ đi đâu?

- Tôi đi đâu cô cứ mặc xác tôi.

- Mặc làm sao được? Ngoài bác Phán, tôi chỉ quen độc mợ.

- Thế mà cô vẫn sinh sự với tôi.

- Tôi quý mến mợ nên mới đùa giỡn. Vả lại lúc mợ sợ run người... trông buồn cười lắm.

Nga quay đầu lại, trợn mắt lườm Hạnh. Mà cô vẫn mủm mỉm cười duyên; cặp mắt dịu dàng như biết cách xoa dịu sự bực tức trong con người nàng. Nàng không giận nữa, chỉ bảo cô:

- Bây giờ tôi phải đi kiểm tra người ta sàng gạo để u tôi còn bán. Cô ở nhà nhé, xong việc tôi sẽ về ngay.

Hạnh khuấy bát cháo sắp vữa, cúi đầu vẻ ủ ê.

- Thế thì buồn lắm nhỉ?

- Có gì mà buồn?

- Không có bạn.

Thoáng nghe tiếng Nga cười, Hạnh biết nàng đã bỏ qua trò đùa tai quái của mình và sẽ đồng ý dẫn mình đến kho gạo. Niềm hân hoan khiến cô liểng nốt bát cháo rồi tranh nói ngay vì sợ nàng đổi ý:

- Mợ chờ tôi sửa soạn.

- Cô đã đẹp lắm rồi, còn sửa soạn thêm không khéo thành tiên mất.

- Chẳng có tiên nào mắc bệnh phổi cả, mợ Phán ạ.

Hai người đàn bà nhìn nhau và cùng phì cười, thốt quên đi căn bệnh được nhắc tới là một căn bệnh hết sức đáng gờm, có thể lấy mạng Hạnh trong nay mai. Thi thoảng, người ta pha trò với nhau bởi nhiều lẽ, để làm nhau cười khoái chí, để quên hẳn đi sự tình buồn rầu, để làm trí óc thoát ly khỏi tấm thân nhọc mệt; cũng có khi để ngắm mãi cái vẻ diễm lệ, e ấp.

Hạnh lẩm bẩm: "Tôi phải đi rửa bát cháo," rồi rảo bước ra phía mấy cái chum thật nhanh. Thế quái nào cô lại thấy thân mình râm ran ngứa như nằm trên đống rạ. Nga xinh xắn quá, từ lúc cô về chơi tới giờ chẳng mấy khi thấy nàng cười, ấy thế nhưng cứ cười là lòng cô lại rạo rực, bâng khuâng. Hạnh tự nhủ chắc là do cơm ốm chưa khỏi hẳn nên thân mình hãy còn lạ lẫm, vài buổi nữa ắt sẽ đỡ hơn.

- Cô... cô...

Tiếng ấp úng bỗng vang lên khiến Hạnh tưởng như gặp ma lần nữa. Cô vuốt ngực mấy lần, ngẩng đầu nhìn thiếu nữ độ mười sáu, mười bảy. Cô chưa gặp nó bao giờ nên hỏi ngay:

- Em ở đâu đến?

Con bé hoảng hốt thưa:

- Không, không ạ. Con là người ở chứ ở đâu đến được thưa cô? Con tên Sửu. Mợ... mợ Phán bảo con ra đây rửa bát cho cô.

- Thôi, có mỗi một cái, tôi rửa xong rồi. Mà này.

- Thưa vâng.

- Em sợ mợ ấy lắm ư? Sao nhắc đến mợ ấy là em run bần bật thế?

- Thưa không. Mợ rất tốt với chúng con ạ.

Hạnh đứng dậy, mặc dù "à" một tiếng ra điều đã hiểu, tuy nhiên lòng bắt đầu mường tượng ra nhiều lý do mà lý do lớn nhất chính là: "Hay là con bé cũng gặp ma như ta?"

Vì Nga hãy còn đứng ngoài cổng chờ nên Hạnh không dám nghĩ nhiều, sợ càng làm chậm trễ công việc của nàng. Cô vội thay chiếc áo nhung mới và khoác thêm chiếc áo bông, chốc nữa mà nóng thì cởi ra nhưng vẫn giữ ấm được. Xong xuôi, cô rảo bước về phía người đàn bà đương bần thần chỗ cây bưởi, nơi xích con chó mực, chốc chốc lại tặc lưỡi gọi nó.

- Con chó này nuôi lâu chưa, mợ?

Nghe hỏi, Nga thoáng nhìn cô rồi trả lời:

- Độ bốn năm. Chồng tôi bế nó từ tỉnh về. Nghe đâu con chó cái nhà bạn cậu ấy đẻ một lứa tám con, anh ta không thể nuôi hết nên đành mang đi biếu bớt. Nhưng mấy con trong đàn đều có người đón rước, chỉ có con này bị bỏ lại vì đen tuyền, người ta không muốn dính líu đến.

- Thế mà cậu Phán lại nuôi.

Nhắc tới chồng, nàng se sẽ thở dài rồi gật đầu bảo:

- Vâng, cậu ấy rất lương thiện. Người bạn bảo cậu ấy có thể lấy con khác, nhưng cậu ấy quyết chọn nó vì sợ nếu mình không chọn thì nay mai người ta cũng đem đi thui.

Hạnh ậm ừ rồi len lén nhìn Nga. Cặp mắt long lanh của nàng vẫn ẩn chứa cơ man niềm u uẩn. Phải rồi. Con chó cứ già đi mà chồng nàng thì chết trẻ, chẳng già được nữa. Cậu ấy đã cứu mạng một con chó nhưng cũng mất mạng vì một loài ác thú mang lốt người. Nếu cắt nghĩa sẽ hiểu ngay rằng kể cả khi ta làm điều tốt, thì điều xấu vẫn sẽ ập đến đời ta.

Tuy nhiên, ta cũng không nên để những sự bất công ấy làm thay đổi tâm trí mình. Ta vẫn nên là một người tốt, một người có lòng trắc ẩn và vị tha. Bởi người mà ăn ở bạc bẽo với người, ắt sẽ trở thành nỗi nguy hại rất lớn cho xã hội.

Nghĩ thế, Hạnh nắm cổ tay mềm mại của Nga, nói với nàng bằng giọng âu yếm như mọi bận:

- Ta đi thôi, mợ.















---

18.6.2024

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top