V
Nga bất ngờ vì Hạnh sẽ ở lại nơi này một thời gian. Nguyên do vì lần trước tới thắp hương cho cha con cậu Phán, cô cảm thấy bầu không khí ở đây rất thích hợp với lá phổi của mình. Cho nên sau khi về Hà Nội, cô đã quyết tâm thưa chuyện với thầy, mà ông Đốc thương con nên gật đầu đồng ý ngay.
Bà Phán ân cần dặn con sen dọn dẹp cho Hạnh một buồng trống nằm ở hướng tốt nhất, gần với buồng ngủ của vợ chồng con trai. Xong xuôi mới mỉm cười, đon đả hỏi Hạnh:
- Cô xem đã vừa ý chưa? Còn thiếu thứ gì thì cứ bảo tôi hoặc Nga để mợ ấy đi mua.
Hạnh đưa mắt nhìn chung quanh rồi đáp:
- Đã đầy đủ hết cả rồi thưa bác, cảm ơn bác nhiều lắm.
Ông Đốc cũng gật đầu nói thêm:
- Cảm ơn chị, cháu nó ở với chị thì tôi rất yên lòng. Lại có cô Nga trạc tuổi, hai chị em dễ tâm sự với nhau hơn.
Thình lình được nhắc đến khiến Nga thẹn thùng cúi đầu, thi thoảng mới dám đưa mắt nhìn cô. Nàng chưa dám tin ấy thế mà Hạnh về đây thật, người đàn bà nàng chỉ biết tên và nhét vào tay nàng mấy viên kẹo nay lại xuất hiện trước mắt nàng lần nữa. Thậm chí cô ấy sẽ nán lại nghỉ ngơi, sẽ không vội vã rời đi giống như lần trước.
Nga cảm tưởng Hà Nội đã gần mình hơn hẳn. Một niềm háo hức, mừng vui dần len lỏi khắp thâm tâm nàng.
Ông Đốc ở lại dùng cơm trưa rồi phải lên đường về Hà Nội. Bà Phán dẫn đầu nhóm người tiễn ông ra tận cổng làng, dẫu ông liên tục từ chối rằng: "Chị không cần làm thế"; "Chị cứ như vậy thì tôi ngại vô cùng"; "Tôi chỉ là bạn hữu của anh Tám, không phải một người hết mực trang trọng"; "Chị đã giúp đỡ cháu Hạnh nên chị lại có ơn với tôi"...
Ông Đốc liên tục nói lời khách sáo nhưng chẳng tài nào ngăn được bước chân của bà Phán. Mãi đến khi ôm chào Hạnh, dặn dò con gái mấy câu và lên xe, bà Phán mới cười nói:
- Xin cậu cứ yên lòng, tôi sẽ chăm sóc cháu Hạnh như con cái trong nhà. Nếu cần thiết... tôi sẽ mời thầy lang tốt nhất vùng để khám xét cho cô ấy ngay.
- Được vậy thì tôi mừng lắm. Tôi đi đây.
- Cậu lên đường bình an.
- Con chào thầy.
Lần này Nga vẫn đứng ở vị trí cũ, nhưng người nàng từng đưa tiễn đã trở thành người đi bên nàng. Chiếc áo tơi ngấm nước rỏ tí tách xuống đất, nhưng người ấy vẫn chẳng hề tỏ ra phiền hà, làn môi cứ tủm tỉm làm duyên.
Trên đường quay lại nhà, chốc chốc bà Phán sẽ hỏi Hạnh vài sự tình liên quan đến lá phổi, đến chuyện dạy dỗ đám trẻ ở lớp vỡ lòng. Song chẳng bao lâu Hạnh đã tụt xuống cạnh Nga, nhân lúc bà Phán không chú ý liền ghé sát tai nàng, thì thầm:
- Ít lâu không gặp, hình như mợ lại đẹp lên.
Hai má Nga dần trở nên nóng bừng, lí nhí thưa:
- Cô chỉ trêu tôi.
- Không, sao tôi phải trêu mợ?
Bà Phán nghe tiếng hai người đùa giỡn liền quay đầu nói:
- Cô đã thân với mợ ấy từ hôm trước rồi chăng?
Hạnh gật đầu, nói một cách chân thành:
- Vâng, mợ Nga là người rất chu đáo.
Đây là lần đầu tiên cô gọi tên nàng, gọi là "mợ Nga" mà không phải là "mợ Phán". Âm thanh ấy khiến quả tim Nga đập nhanh, hai má nóng bừng như phải bỏng. Nàng thấy lạ lẫm khi người đàn bà mới gặp đôi lần xướng tên mình một cách âu yếm, dịu dàng.
Rồi nàng nghĩ tới việc Hạnh sẽ ở trong ngôi nhà này một thời gian, không biết là bao lâu, nhưng cũng có thể là lâu lắm. Nghĩa là nàng sẽ được đụng mặt người ấy sớm chiều, được nghe người ấy chuyện trò và được nhìn vào cặp mắt đen láy mỗi khi cả hai đứng bên nhau.
Khi gần đến cổng, bà Phán bỗng nghiêng đầu hỏi Hạnh:
- Cô muốn ra ngoài thăm thú thì cứ nói với mợ Nga một tiếng để mợ ấy dẫn cô đi.
Hạnh mỉm cười đáp ngay:
- Vâng, bao giờ tạnh mưa thì tôi sẽ dạo quanh làng cùng mợ ấy.
Sau đó quay sang bảo nàng:
- Phải không mợ?
Nga khẽ tiếng thưa vâng. Mặc dù biết nếu đi chung thì cả hai sẽ chỉ nói được với nhau vài lời vì xấu hổ, nên nàng nghĩ hẳn là mình nên ngỏ ý mời Hạnh ngâm thơ, vừa để cô thực hiện đúng niềm yêu thích vừa để bản thân được nghe giọng nói êm tai.
Từng người trở về buồng riêng, song Hạnh chưa vào ngay mà đứng trước hiên cởi chiếc áo tơi hẵng rỏ nước. Cô rất thích không khí ở đây, chúng mang đến cho cô cảm giác khoan khoái kỳ lạ, khác hẳn Hà Nội hay bất cứ vùng đất nào cô từng đặt chân tới. Chính vì vậy, cô đã ôn tồn dỗ dành và cuối cùng mặc hẳn cơn giận giận của me về việc không lấy chồng để trở lại ngôi làng này.
Hạnh tự nhủ chắc là me hẵng giận mình lắm, có khi còn giận lây sang cả thầy. Me lo những đứa con khác đều đã dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, chỉ còn cái Hạnh, đứa chăm ngoan, sáng dạ nhất trong số anh chị em nhưng lại chẳng ưng mối nào và xưa nay cũng chẳng yêu mến ai. Me từng rủ rỉ tâm sự với cô rằng nếu bây giờ đương có bạn trai thì cứ dẫn về cho thầy me ngắm, thầy me sẽ tự liệu để con được nên duyên với người ta. Tuy nhiên Hạnh từ chối, quả thực bên cạnh cô chẳng có người đàn ông nào cả, dẫu trên đường đi dạy luôn xuất hiện vài cậu thậm thụt theo sau. Đôi khi còn đánh liều nhờ lũ trẻ trong lớp tặng cô quà bánh với lý do "để cô chia cho các cháu và để cô ăn lấy sức dạy các cháu".
Vài lần học trò của thầy cô đến thăm nhà, thấy cô đương ngồi đọc sách trước sân thì lén lút liếc mãi. Sự tình ấy tái diễn vài lần thì bị Hạnh chấm dứt bằng việc hễ thấy đàn ông xuất hiện là cô lại tìm chỗ lánh mình ngay. Cô không thích ánh mắt của họ, kể cả một người được thầy hết mực khen ngợi hoặc một người hễ nói vài câu lại thẹn đỏ bừng mặt.
Chính bởi lẽ này nên bạn cô từng suy luận một cách liều lĩnh rằng:
- Chẳng lẽ chị yêu đàn bà?
Hạnh ngạc nhiên:
- Không, sao tôi có thể yêu đàn bà được? Chị nói lung tung đến tai thầy me tôi thì dở lắm.
- Lạ lùng nhỉ? Chị không yêu đàn ông, cũng chẳng thương mến đàn bà. Nghĩa là chị sẽ lủi thủi suốt đời ư?
- Tôi e là vậy.
- Chị e? Chị e cái này đến tai thầy me chị mới là dở. Chị đương lẩn thẩn lắm chị Hạnh ạ. Sao chị lại có ý định lủi thủi suốt đời? Chị thử nghĩ tới khi chị sắp chết, chung quanh chẳng có nấy một họ hàng thân thích thì chị sẽ thế nào đây?
Hạnh mím môi im lặng, người bạn chép miệng thở dài và lắc đầu nói thêm:
- Chị phải nghĩ cho thật kỹ. Chị xinh đẹp, biết nhiều chữ nghĩa lại có tài viết văn. Chị có khối thứ mà đàn bà mơ ước, còn đàn ông phải lấy làm hãnh diện vì cưới được chị.
Cô chau mày, hỏi ngay:
- Lấy nhau chỉ vì hãnh diện, để khoe mẽ với thiên hạ thì lấy làm gì?
Người bạn phát bực, sẵng giọng đáp:
- Thôi thôi. Đời chị thì chị tự liệu lấy, bây giờ tôi câm mồm cho đúng ý chị. Khỉ lắm! Sướng hay khổ là do chị chọn nhé!
Hạnh nhếch mép cười. Sướng hay khổ không do người chọn mà do đời chọn. Vì đã là người thì ai chẳng muốn sướng? Nhiều khi người ta khát khao được sướng nhưng đời lại vùi dập tới tận khi nhắm mắt xuôi tay, khổ hết một kiếp mà chẳng tài nào êm ấm nổi.
Đoạn, cô lắc đầu thoát khỏi những câu chuyện cũ và khom lưng đặt chiếc áo ướt lên cái sào phơi nhỏ. Sau đó ngẩng lên đúng lúc Nga mở cửa sổ buồng mình.
Hai cặp mắt chạm nhau, cánh tay đương vươn ra ngoài khung cũng ngưng hẳn lại mà không hề rụt về. Ít lâu sau, nàng đành mở lời:
- Để tôi đi nấu nước gừng cô uống cho ấm người.
Hạnh cười nói ngay:
- Tôi sẽ phụ mợ.
Dứt lời, cô giơ hai tay che đỉnh đầu và chạy thẳng sang buồng nàng. Nga thấy thế cũng vừa bước nhanh ra ngoài vừa nói:
- Cô đâu cần phải vội vàng thế?
- Tôi sợ mợ từ chối tôi.
Đúng là nàng định từ chối Hạnh thật. Nào ai mời trà nhưng lại để khách xuống phụ bao giờ? Hơn nữa mẹ chồng mà biết, chắc chắn sẽ trách móc nàng không biết cư xử phải phép.
Như hiểu được ý Nga, Hạnnh cam đoan:
- Xin mợ hãy yên trí, nếu bà Phán hỏi tôi sẽ bảo tự tôi muốn xuống bếp với mợ. Chính bà ấy cũng muốn hai ta trò chuyện nhiều hơn đấy thôi.
Niềm băn khoăn trong lòng nàng dần dịu xuống, nàng không biết cớ gì những lời Hạnh nói lọt vào tai lại trở nên rất đáng tin. Có lẽ cô sẽ thuyết phục được mẹ chồng nàng, có lẽ hôm nay nàng đưa cô xuống bếp cũng chẳng sao.
Hai người bảo nhau xuống bếp, sau đó Nga dặn Hạnh ngồi chờ, còn mình đội nón và cầm chiếc ấm rỗng ra ngoài lấy nước. Hôm nay mưa nhiều, dòng nước trong vắt đã dâng đầy các chum, nàng đoán hẳn sẽ rất mát và ngọt.
Khi nàng trở lại, cô đương hí hoáy nhóm lửa. Đầu ngón tay xinh xắn bị tro bụi làm bẩn, song cô chẳng mấy bận tâm.
Nga nhanh chân bước đến, ngăn cản:
- Ấy chết, cô cứ để tôi. Cô ngồi xa ra kẻo bẩn quần áo.
Hạnh đáp:
- Bẩn thì giặt.
- Không được... ai lại để cô làm việc này bao giờ?
- Nghĩa là mợ không tin tưởng tôi?
- Ý tôi không phải thế?
- Thế thì là gì?
Nga quẫn trí:
- Tóm lại cô cứ để tôi.
- Vâng, thì để.
Hạnh buông nắm rơm đã bén vào củi rồi vòng tay ôm hai đầu gối, ngước mắt nhìn nàng. Cặp mắt long lanh như đương trách cứ khiến Nga vội cắt nghĩa:
- Cô đừng hiểu nhầm tôi. Chỉ là... chỉ là cô là con quan... sao tôi nỡ để cô làm những việc này?
Cô gật gù ra điều đã hiểu.
- Ra là vậy. Mợ chỉ khéo lo, tôi là con quan chứ có phải mù lòa hay chân tay bị tật đâu mà không làm được kia chứ?
- Nhưng mà...
- Lửa cháy lớn rồi, mợ hãy đặt ấm xuống đi.
Nga nghe vậy cũng đặt ấm nước lên bếp, sau đó không tiếp lời Hạnh mà xoay người đi lấy dao và gừng. Nàng ngồi cách cô một khoảng, chỉ cúi đầu gọt sạch vỏ chứ chẳng nói năng gì.
Một chốc, âm thanh dễ nghe của Hạnh vờn quanh tai nàng:
- Mợ đương giận tôi chăng?
Nga đáp:
- Sao tôi phải giận cô?
- Thế sao mợ chẳng trò chuyện gì nữa?
- Cô muốn tôi kể chuyện gì?
- Tôi chỉ lo mợ giận tôi, hơn nữa mợ đương ngồi cách tôi rất xa.
Nàng lập tức kéo ván lót sát vào cô, hỏi:
- Như vậy được chưa?
Hạnh mủm mỉm cười.
- Được rồi.
Nga tiếp tục gọt sạch vỏ gừng, sợ cô vẫn nghĩ mình giận dỗi nên cố tìm chuyện để dỗ dành:
- Trong vườn có bụi gừng rất to, hôm trước cô đã trông thấy chưa?
Hạnh đáp:
- Tôi chưa thấy, lúc ấy tôi chỉ ngắm những cây gần cổng. À, có vài khóm hoa nở đẹp lắm, là mợ giồng hay ai?
- Vâng, tôi giồng.
- Tôi đoán ra ngay vì chủ nào vật nấy.
Nga thoáng sững sờ, cặp má lại nóng bừng lên:
- Cô chỉ khéo lời.
- Tôi không khéo, trà mợ pha ngon và hoa mợ chăm đều rất đẹp, mợ xứng đáng nghe những lời khen.
---
8.6.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top