IX
Tiếng Nga hỏi làm Hạnh giật nảy mình, vội giãy khỏi nàng như phải bỏng.
- Không, không, tôi...
Nga che miệng cười, đáp:
- Tôi chỉ hỏi cô vậy thôi, cớ gì cô phải cuống hết cả lên như thế?
Nghe vậy, cô bỗng nghiêng đầu nhìn nàng, giữa lúc nàng chưa đoán ra cô sẽ nói điều gì tiếp, thì cô đã thỏ thẻ rằng:
- Tôi sợ mợ ghét tôi.
Một tấm rung động đơn sơ chợt nảy nở trong thâm tâm nàng. Nga ngửng đầu, se sẽ bảo Hạnh:
- Không, cô tốt như thế, làm sao tôi đành lòng ghét cô cho được?
- Thế thì ta lại nắm tay nhau.
Nga ngần ngừ, nhưng rồi quyết nắm tay Hạnh lần nữa. Bàn tay mềm mại và ấm áp như đương dìu dắt nàng khỏi những mối bận tâm trong đời. Giấc mộng đơn sơ về sự yêu và được yêu dần nhen nhóm trở lại, nhưng nàng không để ý, nàng miên man với bàn tay của người đàn bà xa lạ đương siết lấy mình, rất nhẹ, và cũng rất thân mật, khăng khít.
Hạnh yêu chiều nói:
- Nghĩa là ta đã trở thành bạn.
- Vâng.
- Mợ không được vội vàng cắt nghĩa cho người khác rằng tôi không phải bạn mợ khi họ hỏi tôi có phải bạn mợ nữa đâu đấy, mợ biết chưa?
- Vâng.
Hạnh nói gì Nga cũng chỉ thưa vâng. Cô biết nàng lơ đễnh liền bày trò đùa ngay rằng:
- Thế thì mợ theo tôi lên tỉnh nhé?
- Vâng... Ấy chết, cô nói vớ vẩn gì vậy?
Nga sửng sốt nhìn Hạnh, như trách khéo rằng lời cô vừa thốt ra rất không đúng mực. Nàng đã tỉnh táo lại, hai con mắt sáng lên khiến vẻ xinh xắn thêm phần lanh lợi. Mà cô nghiêng đầu sang bên cạnh ho vài tiếng và đáp:
- Tôi thấy mợ cứ ngẩn ngơ mãi còn tưởng mợ cũng mất hồn mất vía giống tôi. Chính thế nên tôi mới thử đùa mợ, nào ngờ mợ vẫn tỉnh táo lắm.
Một cơn gió lùa đến làm cả hai buốt tới xương. Nga nắm tay Hạnh chặt hơn, vừa rảo bước thật nhanh vừa trả lời cô rằng:
- Ta phải về ngay kẻo chết rét mất. Kìa, áo khoác của cô đâu? Sao cô lại treo ở cánh tay thế kia? Cô khoác vào ngay đi.
- Tôi không sao. Mợ cứ nắm tay tôi là được.
Nghe thế, Nga thẹn đỏ bừng mặt. Làm sao người đàn bà này có thể ngang nhiên nói những lời giống như một đôi giai gái đương tán tỉnh nhau, trong khi nàng cũng là đàn bà cơ chứ?
Đi ngang qua nhà cụ Phó, Hạnh bỗng kéo nàng lại và hỏi:
- Đây là nhà cụ Phó ư, mợ?
- Chính thế.
- Ta nán lại để tôi xem.
- Cô xem cái gì?
Hạnh không trả lời mà đi dọc bức tường cao gần bằng đầu. Cô hơi kiễng chân, nghển cổ quan sát bên trong. Nga lo cả hai sẽ bị phát hiện bèn kéo cô đi thẳng, vừa đi vừa khuyên rằng:
- Cô chớ nên rình mò như thế kẻo... kẻo thầy cô biết sẽ nói tôi dạy thói xấu cho cô.
- Sao lại là mợ mà không phải ai khác?
- Vì cô chơi với mình tôi đấy thôi.
Tiếng Hạnh cười khúc khích càng làm Nga thêm ngượng. Nhưng chẳng bao lâu, cô đã thôi bỡn cợt mà tập trung vào sự việc khiến cả hai bận tâm suốt cả buổi sáng.
- Chốc nữa tôi vòng ra sau nhà kiểm tra. Ai hỏi thì mợ cứ bảo tôi tò mò, muốn thăm thú chung quanh nhé?
- Cô đã phát hiện ra điều gì chăng?
- Không. Tôi nào phải người của sở mật thám? Nhưng tôi sẽ cố xem xét thật kỹ, biết đâu lại tìm được thứ quan trọng.
Cho nên nhân lúc Hạnh đi loanh quanh sau vườn, Nga lặng lẽ kéo cái Dịu vào buồng rồi hỏi nó rằng:
- Mấy hôm mày ngã xuống ao... không, làm sao mà mấy hôm trước mày cứ ngã xuống ao liên tục thế Dịu?
- Thưa, con chẳng may trượt chân.
- Mày liệu hồn nói thật với mợ. Mợ đã ra ao nhìn rồi, làm gì có vết trượt chân nào như mày bảo? Dẫu mấy ngày nay mưa thật, nhưng nếu mày trượt ngã thì đám cỏ phải bị dập chứ? Đúng không?
Con bé vẫn khăng khăng đáp:
- Thưa không, con vấp ở bụi cây gần đó rồi mới chúi dụi xuống, chứ không phải mon men bên bờ ao. Mợ tin con, mợ thương con, xưa nay có gì con cũng kể hết với mợ, con có dám giấu giếm cái gì đâu?
Nga trầm ngâm một chốc rồi hỏi:
- Mợ đưa mày lên chùa nhé?
- Lên chùa... tự nhiên mợ đưa con lên chùa làm gì ạ?
- Để cho mày nghe sư thầy tụng kinh kẻo mày quẫn trí chứ còn làm gì? Mày cứ nhìn lại mày xem, bây giờ mày còn ra hồn người không? Lúc thì mày bảo mợ rằng mày đi giải rồi trượt ngã, khi thì mày lại nhận mày vấp chân nên mới chúi dụi xuống ao. Mợ không biết mày đã gặp sự gì, nhưng mợ lo cho mày, Dịu ạ. Lỡ mày đau yếu ra đấy thì khổ lắm. Mày chết chứ mợ có chết đâu?
Mặt thiếu nữ tái mét, rồi bỗng nghẹn ngào rên rỉ: "Mợ ơi..."
Nga thở dài, khẽ xua tay và bảo nó rằng:
- Chẳng riêng mợ nghi ngờ việc mày ngã xuống ao. Tới chị Đoan còn... thôi, mày không muốn kể thì mặc mày. Bây giờ ra lau buồng khách kẻo bà về lại mắng cả mợ lẫn con.
Nàng cất tiếng đuổi cái Dịu rồi chống cằm, bần thần suy nghĩ. Nàng biết con bé này là một người thật thà, nên nếu nó đã quyết che giấu thì đây hẳn phải là một chuyện can hệ mật thiết đến đời nó. Song chẳng may đó là một chuyện sai trái, chẳng may nó có mệnh hệ gì trong khi nàng lớn hơn nó mà lại không can ngăn, chắc chắn nàng sẽ áy náy suốt đời.
Nàng tặc lưỡi, lẩm bẩm: "Thôi, đời mày ra sao là do mày chọn." Và đứng dậy xuống bếp nấu cơm.
***
Dẫu Hạnh đã quan sát rất kỹ nhưng chẳng phát hiện điều bất thường gì. Chính bởi lẽ đó nên lưng cô ngày càng đổ nhiều mồ hôi, trí óc cứ khơi gợi mãi cảnh cái bóng vụt qua ngay trước mắt.
Hay nhà này có người chết oan?
Nghĩ vậy, Hạnh trở lại chỗ mấy chum nước và rửa ráy chân tay. Đứa con ở thấy cô đi đi lại lại sau vườn rất lâu mới trở về liền chạy tới hỏi cô rằng:
- Cô có cần con giúp gì không ạ?
- Không cần. Em cứ làm việc em đi, mặc tôi. À, mợ Phán đâu rồi?
- Thưa, mợ con đương nấu cơm.
Hạnh gật đầu, sau đó đi thật nhanh tới gian bếp. Bấy giờ Nga đương giã lạc để nấu canh bầu, nghe tiếng bước chân thì ngửng lên nhìn và nói:
- Cô lên nhà trên bảo cái Dịu rót nước ấm cho cô, tôi trông mặt cô trắng bệch hết cả.
- Không có gì hết.
- Hả?
- Không có gì đáng ngờ hết, mợ ạ. Nhưng mà... nhưng mà tôi thấy rõ cái bóng lấp ló ở đằng sau. Trước nay tôi không phải người mê tín, nhưng...
- Kìa, cô Hạnh.
Nga dịu dàng gọi cô và vỗ nhẹ cái mo cau bên cạnh, ý bảo cô hãy ngồi xuống. Hạnh lững thững lại gần, sau đó nghe tiếng nàng động viên:
- Cô chớ lo. Ta chẳng đắc tội gì với ma quỷ thì làm sao phải sợ ma quỷ? Tôi đã nghĩ thông rồi, tối nay chúng ta cứ ra đó rình xem, nếu đúng là... có ma, tôi sẽ bảo u tôi mời thầy về cúng bái cho người ta được siêu thoát.
Hạnh hỏi nàng:
- Sao tự dưng mợ gan dạ thế?
- Vì chồng tôi sẽ phù hộ cho nhà này. Chốc nữa tôi sẽ lại thắp cho cậu ấy nén hương.
Nga bỗng mỉm cười, nghiêng đầu nhìn cô. Cặp mắt đen long lanh như chực khóc, nhưng chỉ là chực, vì sau khi dứt lời nàng lại tiếp tục giã thật đều tay. Nàng để Hạnh ngồi bên với cảm giác buồn bực chẳng biết từ đâu đến.
***
Bà Phán về đúng lúc Nga vừa thắp hương xong. Bà thấy lạ nên hỏi con rằng:
- Sao tự nhiên con lại thắp hương?
- Thưa u, hôm nay con nghĩ đến nhà con nên không yên lòng.
- Rõ khổ lắm...
Nhắc tới người đã khuất, bà Phán lại đâm buồn rầu. Bà cố trò chuyện với Hạnh mấy câu cho phải phép rồi cuối cùng chẳng thể gượng nổi nữa. Bà cúi đầu, yên lặng suốt bữa cơm. Hạnh thầm nghĩ hẳn là nỗi đau ấy sẽ canh cánh mãi trong lòng hai mẹ con bà, dằn vặt những người đương sống chẳng khác nào chứng đau phổi đương hành hạ quãng đời xuân của mình. Và Nga, một góa phụ trẻ, sẽ mãi nhớ nhung cái thời ái ân nay đã trở thành quá vãng.
Nàng yêu chồng. Thật vậy. Làm sao mà không yêu một người đã chở che nàng, khăng khăng xin cưới và quyết cãi lời mẹ để đưa nàng lên tỉnh?
Hạnh hiểu hết cả, nhưng lòng vẫn khó chịu. Chính bởi lẽ đó nên cô đã tự giam mình trong buồng và đọc sách suốt buổi chiều, khi không muốn đọc nữa sẽ ngồi vào bàn, lấy cuốn sổ cất trong túi ra rồi cặm cụi ghi chép lại khung cảnh thôn quê, những cuộc gặp gỡ hay những câu chuyện mà cô hàng nước từng kể. Để trốn tránh những suy nghĩ về Nga.
Lúc bầu trời rút cạn ánh sáng Hạnh mới ngừng bút, vươn tay chong đèn. Ánh sáng hắt lên mặt cô, khuôn mặt với nước da hơi tái vì chốc chốc lại ôm ngực ho sù sụ.
- Cô Hạnh ơi.
Tiếng Nga gọi làm Hạnh đứng phắt dậy, rảo bước ra mở cửa. Nàng im lặng nhìn cô ít lâu rồi mới dịu dàng thưa:
- Đến giờ cơm rồi.
Cô sửng sốt:
- Đã đến giờ cơm rồi ư?
- Thưa vâng. U con tôi đoán cô bận nên buổi chiều nay không làm phiền cô. Bây giờ cơm nước đã xong, ta mau lên nhà dùng bữa kẻo nguội.
- Này, mợ Phán.
- Vâng?
- Đêm nay...
Hạnh nói một cách lấp lửng. Nếu đây là lời của đàn ông dành cho đàn bà thì người ta sẽ thẹn thùng ngay. Nhưng cả hai đều là đàn bà, cho nên Nga se sẽ cười, nói bông:
- Đêm nay làm sao, hở cô?
Cô biết nàng đang trêu mình, nàng đã cho phép mình trở thành một người bạn gái trong đời nàng. Vì vậy, Hạnh nhanh chóng gạt những mối phiền muộn khiến mình ủ dột suốt buổi chiều, ung dung đáp:
- Làm cái tôi đã hứa với mợ.
Đoạn, cả hai cười rinh rích như hai đứa trẻ mới khám phá ra điều lý thú. Sau đó Nga lại dắt tay cô, dẫn cô lên nhà một cách ân cần, chu đáo.
***
Bà Phán về buồng nghỉ ngay sau bữa cơm tối. Nga thấy thế bèn dặn cái Dịu đi nấu nước, đổ đầy vào phích kẻo ban đêm bà dậy lại không có nước để dùng.
Hạnh khều tay nàng, thủ thỉ:
- Ta chia nhau đi tắm rồi chốc nữa mợ sang phòng tôi. Nhỡ u mợ hỏi thì tôi sẽ lấy cớ đọc sách với mợ. Chờ đêm xuống hẳn... thì ta đi xem.
Nga đồng ý.
Cho nên lúc nàng tắm xong thì cô đã chờ sẵn ở buồng. Nàng cài then cẩn thận rồi quay sang hỏi:
- Mấy giờ rồi, cô Hạnh?
- Chín giờ.
- Còn lâu lắm nhỉ? Ta... ta lấy cái gì giết thời gian đây?
Hạnh vỗ vào chăn, ra điều nàng hãy đến ngồi, sau đó bảo nàng rằng:
- Mợ tranh thủ chợp mắt một chút cũng được. Khi nào tôi thấy đèn quanh nhà tắt hết, tôi sẽ gọi mợ.
Nga nhìn chằm chằm chỗ trống bên cạnh Hạnh, bỗng thấy ngại ngùng. Nhưng sự ngại ngùng ấy chưa kéo dài bao lâu thì cô đã nói thêm:
- Mợ hãy còn đứng ngây ra đó làm gì? Mợ mau ngồi xuống đây kẻo cảm lạnh mất.
Nàng ấp úng:
- Cũng... cũng không lạnh lắm.
- Mợ sợ tôi chăng?
- Cô... cô có làm gì tôi đâu mà tôi phải sợ?
Hạnh bỗng cười toe toét:
- Chính thế. Tôi là bạn của mợ kia mà. Cho nên mợ hãy ngồi đây với tôi, chờ tới giờ thì chúng ta đi ngay chứ nào có ở mãi?
Nga bẽn lẽn tiến về phía giường. Cảm giác bồi hồi tưởng chừng đã ngủ yên bỗng thức dậy, trở về với nàng lần nữa. Quả tim nàng đập mạnh chẳng rõ vì sao, hẳn rồi, nàng chẳng rõ vì sao mình phải thẹn thùng với Hạnh - một người bạn mới, một người nhiệt tình rủ nàng đắp chung chăn cho khỏi rét vì rất yêu mến, quan tâm nàng.
Tấm chăn ấm nhanh chóng bọc lấy thân Nga, và mùi hương thoang thoảng của người đàn bà ngồi bên cũng đùa vui khắp cánh mũi nàng.
Hạnh ân cần hỏi:
- Mợ buồn không? Mợ muốn đọc tiểu thuyết không?
- Tiểu thuyết gì, cô?
Hạnh lật tấm chăn bên phải, cầm cuốn tiểu thuyết lãng mạn đã sờn cả gáy đưa cho nàng. Nga ngắm nghía một chốc rồi bảo cô:
- Chắc là cô rất thích cuốn sách này.
- Không, tôi được một người bạn tặng trước khi lấy chồng.
Nàng ngạc nhiên đáp:
- Cô ấy lấy chồng ở xa lắm chăng?
Hạnh im lặng nhìn Nga bằng cặp mắt long lanh và buồn man mác, khiến nàng ngẫm ra ngay câu trả lời.
- Tội nghiệp...
- Vâng, cô ấy chết lúc đẻ đứa con đầu lòng. Khi tôi biết tin thì sự việc đã qua ba tháng.
- Thế còn đứa con?
- Nó vẫn sống khỏe, nhưng thiếu hơi mẹ. Tôi nghe người ta bảo thầy nó đã đi bước nữa.
Hai người cùng thở dài. Nga toan cất tiếng an ủi rằng đứa trẻ sẽ sống tốt thì một đốm sáng chợt vụt qua khe cửa sổ, đúng lúc nàng quay mặt sang.
- Cô Hạnh, cô có thấy gì không?
Hạnh ngửng lên đáp:
- Cái gì?
- Ngoài cửa sổ.
Cô lẩm bẩm: "Tôi không để ý," sau đó đứng dậy ngó qua khe cửa. Bên ngoài tối đen như mực vì đèn đã tắt hết cả, khiến cô đâm nghi vừa nãy Nga bị hoa mắt, song lại nghĩ ngay đến sự việc kỳ lạ diễn ra trong căn nhà này nên đành quay về giường hỏi nàng:
- Mợ thấy cái gì?
Nga tái mét mặt, đáp:
- Tôi thấy đốm sáng vụt qua.
- Ta đi thôi.
---
02.7.2024
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top