Chương 21: Tuyệt vọng
"Thi à, má thiết nghĩ con nên tìm một người đàn ông để dựa vào, bây giờ con cũng lớn quá rồi. Không có kén cá chọn canh được nữa đâu con." Bà Nguyệt cùng ông Chí ngồi cạnh nhau, nghiêm túc nói với Thi.
"Ba thấy cậu Mến được đó con, hay là..." Ông Chí chen vào.
"Ba, má, con không thích cậu Mến." Thi ôn tồn mà nói: "Con cũng không định lấy chồng nữa, con cũng đã suy nghĩ lâu rồi mới quyết định được cái này. Con biết ba má lo cho con, nhưng mà..."
"Con nói cái gì? Mình là con gái, không lấy chồng làm sao được hả con." Bà Nguyệt trợn mắt: "Ba với má chiều con, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn thôi."
"Trời ơi con, con ở giá thì huyện này đánh giá con chết, sao mà mình chịu nổi hả con..." Ông Chí hoảng hốt mà nói.
"Con quyết định rồi." Thi cúi đầu, không dám nhìn thẳng vào ba má của mình. Bàn tay nàng hơi nắm chặt lấy mép áo, sau đó thở dài: "Ba má hiểu cho con."
"Con ơi con đừng có dại nữa, đầu ba má muốn bạc hết vì lo tính chuyện hôn sự cho con rồi. Giờ con nói không lấy chồng là sao?" Ông Chí tức giận, cái mặt đỏ lên: "Có phải vì cái cậu Gia Định kia làm tổn thương con hay không? Con gửi địa chỉ nó đây, ba phải tới đập nó một trận mới được, dám làm con gái ba đau khổ!"
"Dạ thôi ba, chia tay cậu ta là ý muốn của con, ở giá cũng là ý muốn của con. Con thấy cuộc sống bên mấy đứa nhỏ đã là tốt rồi." Tất nhiên, Thi không đưa ra được một lí do hợp lí cho ba má nàng nghe được.
"Má không cần biết gì cả, không thể chiều con thêm chút nào nữa." Bà Nguyệt căng thẳng mà nói: "Ngày mai má dẫn con đi xem mắt nhà thằng Nguyên, con của chú Tính bán vàng."
"Má à, con không..." Thi hơi run run mà nói.
"Không nhưng nhị cái gì nữa cả!" Bà Nguyệt đứng dậy, lại nói: "Má hẹn với người ta rồi, lo mà biểu hiện cho tốt."
Thi nghe vậy, nàng hơi cắn môi, khiến nó trở nên trắng bệch, nhưng cuối cùng nàng vẫn cúi đầu: "...Dạ. Đêm khuya rồi, thôi ba má nhớ ngủ sớm, con vào buồng trước."
Trông thấy bóng lưng của Thi, bà Nguyệt cằn nhằn: "Thiệt tình, chiều quá sinh hư, cái gì mà không lấy chồng chẳng biết."
"Bà ơi, tôi thấy hơi quá rồi đó..." Ông Chí chen vào.
"Ông im! Tại ông mà con mới hư như vậy!" Bà Nguyệt quát.
"Ơ kìa bà..." Ông Chí ngậm ngùi.
Thi lúc này đã ở trong buồn, trong lòng vẫn không khỏi rầu rĩ.
Từ hôm đi chơi về đã là một tháng, Trâm Anh vẫn chưa hề đến đây một lần nào, nàng biết nàng đã khiến cho cô út tổn thương thật sâu, và cho đến bây giờ cô vẫn chưa hề hết giận nàng dù chỉ là một chút.
Một tháng nay, cũng là ba mươi đêm Thi gác tay lên trán mà trằn trọc nghĩ suy. Nàng biết rằng nàng đã thương cô út rồi.
Liệu có phải chỉ vì cái hình tượng cậu trai Gia Định kia được cô út tạo ra quá hoàn hảo hay không?
Không phải.
Thi đã trải qua một cú sốc thật lớn, và nếu như có một đứa con trai dối gạt mình một chuyện như vậy, nàng nhất định sẽ không thể nào bỏ qua. Nhưng đối với cô út, đối với cái đứa nhỏ mà ngày xưa vẫn luôn dính lấy nàng như sam, nàng không nỡ làm bất cứ cái gì.
Cái tát ở bến Trần Hầu đêm ấy làm cho gương mặt Trâm Anh như bỏng rát, và hình như cũng khiến cho tim nàng trở nên đau xót. Có lẽ nàng thật sự để ý cô út từ lâu, nhưng vì tuổi tác, vì cả hai đều cùng phận con gái, nên nàng không thể nào nhận ra được tình cảm của mình.
Cuộc sống của Thi từ nhỏ đến lớn luôn là nhàm chán như vậy, nhưng rồi một Trâm Anh xuất hiện, tựa như một thú vui xuất hiện trong đời nàng, khiến cho nàng khởi tâm muốn giữ lấy nó, chẳng rời.
Bắt đầu từ khi nào nhỉ?
...
"Này, này, Thi ơi!"
"Dạ, cậu kêu em?"
"Em gái cậu này, xem có dễ thương không?" Cậu Phiệt lúc này chỉ là đứa trẻ lên chín, trên người vác theo một đứa bé nhỏ xíu.
Thi nhìn cậu Phiệt, có chút ganh tị, vì nàng vẫn luôn mong muốn mình có chị em ruột, nhưng ba và má lại không có ý định thêm đứa thứ hai, khiến cho nàng luôn buồn bực. Thi ghét sát đầu vào trong cái khăn quấn đứa nhỏ, nhìn kĩ xem rốt cuộc "em gái" là cái thứ gì.
"Khịt, he he." Đứa nhỏ trong khăn đưa cái bàn tay nhỏ nhắn ôm lấy gương mặt Thi, và hình như nó thích thú lắm.
Nghe tiếng cười giòn tan của đứa nhỏ, Thế Phiệt cũng bật cười. Còn Thi thì ngơ ngác ở đó.
Nàng chưa từng thấy qua một vật mềm mại như vậy. Đôi mắt của đứa nhỏ to tròn như hạt nhãn, mà cái mũi cũng nhìn ra được cái nét cao cao giống cậu Phiệt.
"Cậu, em bế được không?" Đây là lần đầu tiên Thi đưa ra một yêu cầu với Thế Phiệt.
"Được được, em của cậu cũng là em của em." Thế Phiệt cười hề hề nghiêng đầu qua chỗ khác, lời này nói ra hoàn toàn có suy tính riêng. Sau đó cậu không ngần ngại đưa Trâm Anh cho Thi.
Trâm Anh được Thi ôm vào lòng, Thi nhẹ nhàng đung đưa bàn tay, giống như cái cách mà dì Hồng vẫn thường bế con của dì mà ru ngủ.
Đứa nhỏ nhắm mắt lại, nằm êm đềm, đẹp tựa như một thiên sứ.
Năm dài tháng rộng, cây phượng trước nhà thầy giáo chẳng biết đã thay bao nhiêu đợt lá. Thi vừa lên mười, là đứa học trò giỏi nhất cái lớp vỡ lòng khi ấy. Cậu Phiệt nhân lúc Thi lên đọc bài thơ, len lén kẹp một tờ Đông Dương vào vở của nàng. Đám bạn học thấy vậy, đứa nào cũng phải đỏ mắt ghen tị, thế là tờ tiền chưa kịp rơi vào cặp Thi đã bị đứa khác giành lấy.
Thế Phiệt trợn mắt, giật lại. Một tờ tiền mà có quá nhiều đứa nhỏ muốn tranh, cuối cùng "rẹt" một tiếng, xé đôi.
Thế Phiệt cầm tờ tiền, tay run run.
Thi vẫn đọc mấy dòng thơ của Nguyễn Du trên bục, thầy thì chăm chú nghe, chẳng để ý đến mấy tiếng ồn ào dưới này.
"Thi đọc hay lắm, con về chỗ ngồi đi. Các con mỗi đứa ghi vào vở một câu miêu tả vẻ đẹp của người con gái, sau đó phân tích kĩ cho thầy xem." Thầy ho khụ khụ, vuốt vuốt hàm râu dài.
"Anh hai ơi!" Ngoài cửa, một bóng dáng nhanh nhẹn chạy tới: "Con thưa thầy, con rước anh hai về!"
Trâm Anh cúi đầu với thầy, cái cúi bất chợt khiến cho nhỏ không đứng vững, chút nữa muốn ngã nhào ra đất. Cả lớp thấy vậy đều cười nghiêng ngả.
"Chà, sớm hen." Thầy nhìn đứa nhỏ, híp đôi mắt già nua lại: "Thôi trò Phiệt về sớm chút cũng được, mắc công cô út nhỏ này đợi lâu."
"Dạ, con cảm ơn thầy." Thế Phiệt xách cái cặp táp đứng dậy, nắm tay Trâm Anh mà chạy về nhà. Cuối cùng cũng được về sớm, nhỏ em này tới đúng giờ thiệt, đúng là có đứa em đáng đồng tiền bát gạo ghê!
Thi nhìn theo bóng lưng của cô út, tóc hơi dài dài, cái miệng chúm chím đỏ hồng, và cả đôi mắt trong như ngọc ấy nữa. Tất cả đều làm nàng phải thấy lạ, có một đứa nhỏ đẹp như vậy sao?
Nếu như nàng có em gái, em nàng có đẹp như vậy không.
Thi ghi vào vở hai hàng:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
...
Cho đến tận bây giờ, cô út vẫn đẹp như vậy, và nàng vẫn không thể nào ngừng chú ý đến người nọ.
Nhưng rồi thì sao?
Cuộc đời của nàng khi sinh ra đã được định sẵn rồi, rằng nàng phải đi học, sau đó là lấy chồng, sinh con, học cách trông trên trông dưới chuyện nhà cửa. Sứ mệnh của một người đàn bà là phải giúp đỡ chồng, nuôi dạy con cái cho thật nên người. Đó là lối mòn của tất cả những người phụ nữ ở lục tỉnh, ai cũng chẳng phải là ngoại lệ.
Và Thi thì không dám trở thành ngoại lệ.
Nàng yêu Trâm Anh, cũng như cô yêu nàng, nàng biết rõ điều đó. Nhưng nàng không thể nào vượt ra khỏi nỗi sợ của mình, sợ xã hội dị nghị, sợ rằng ba má không thể nào chấp nhận.
Nên việc ở cùng Trâm Anh là chuyện không thể nào. Nàng nhất định phải chôn chặt chuyện tình cảm này, nhất định không được để ai biết về chuyện đó nữa.
Nhưng nàng có chịu nổi hay không?
Nàng sẽ lấy chồng, ở chung nửa đời sau với một kẻ mà nàng chẳng yêu. Rồi Trâm Anh cũng sẽ như bao người con gái khác thôi, nàng ấy cũng sẽ lấy chồng.
Và nàng thì ngậm ngùi nhìn người con gái nàng thương trong tay kẻ khác, chỉ biết bất lực mà chẳng thể làm gì.
Nàng hận bản thân mình, rằng vì sao lại không phải là kẻ khác, nhất định phải thương một người con gái? Nhưng rõ ràng Thi biết mình chẳng hề có tình cảm với bất kì người cùng giới nào trước đây, nàng chỉ có cảm giác với một mình Trâm Anh mà thôi.
Rốt cuộc kiếp trước nàng đã phạm phải tội tày trời gì mà phải đối diện với cái khổ đau nhất của đời người: rằng yêu mà chẳng được yêu, rằng cả hai yêu nhau mà chẳng thể đến được với nhau.
Sống ở cái xã hội trọng nam khinh nữ này, đây là lần đầu tiên Thi gục ngã. Nàng đối đầu với xã hội này để được đi học đàng hoàng, để được trở thành một cô giáo, và rồi cũng bất lực vì những định kiến về tình yêu.
Lần đầu tiên Thi mong mình đừng sinh ra với thân phận người con gái, vì nếu như là một đứa con trai, nàng có thể tự nhiên mà đem sính lễ sang hỏi cưới cô út.
Còn cô út, cô nhìn nàng, gương mặt lúc nào cũng đo đỏ. Cô e lẹ nhìn nàng mà cười. Trong ngày cưới, đầu của cô đội chiếc nón cụ quai thao, thân mật khoác lấy tay của nàng, để nàng dẫn cô về nhà mình.
Rồi cô và nàng sẽ có một ngôi nhà nhỏ, nàng sẽ dạy học, cô sẽ làm kinh tế. Rồi có con, rồi cùng sống với nhau đến răng long đầu bạc...
Ngập chìm trong những miền miên viễn, Thi thiếp đi vì mệt mỏi quá độ. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên hàng mi, và đã ướt lên chiếc gối tự khi nào.
Làm gì có những tương lai tươi đẹp ấy cho cô và nàng đâu?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top