Chương 2: Anh em nhà địa chủ
Dạ Thi ngồi ở phòng khách uống trà, đồ đạc đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ đợi cái người con gái đáng ghét kia đến rước đi mà thôi.
"Con đi nhớ nói với thằng Từ để nó trông nhà, ba má đi lên xóm trên chơi với gia đình dì Hà nghen. Tính đi chừng nào mới về?" Mẹ của Dạ Thi hôm nay mặc áo bà ba trắng, bới tóc hình bánh lái.
Ba của nàng chống gậy, mặc áo sơ mi xanh cùng cái dây nịt bảng to, đầu đội nón beret trắng, khẽ cười nói: "Đi nhờ xe người ta thì đừng có cãi lộn nha con, nó bỏ giữa đường thì ba má không biết kiếm ở đâu đâu."
"Không phải tại ba má đẩy con đi hả, con có muốn đi đâu. Bây giờ đi xe của người ta, người ta muốn về lúc nào thì mình về lúc ấy." Càng nói, Dạ Thi lại càng bực mình: "Thôi ba má đi đi, mắc công dì Hà đợi lâu."
"Ừa, để má dặn mấy đứa nhỏ hôm nay nghỉ luôn." Má nàng đội cái nón lá lên rồi cùng ba bước ra ngoài.
Dạ Thi nhìn bóng lưng của ba má mình, cười cười. Ba má đã già rồi, càng già lại càng thích đi chơi đó đặng an hưởng. Ngẫm lại thì như vậy cũng tốt, thuở niên thiếu cả hai đều lao động cực nhọc, lúc về già thì nên sống vui vẻ thoải mái một chút.
Dạ Thi nhìn đồng hồ, thấy đã đến giờ hẹn rồi mà người kia vẫn chưa tới.
"Sao trễ quá vậy ta." Nàng nhấp một ngụm trà, ước gì bị cho leo cây, chứ nghĩ tới cảnh ở chung xuyên suốt với cái người đó là nàng thấy rầu rĩ.
Mà nghĩ lại, ông Minh bà Mai chẳng dạy con khéo gì hết, hồi xưa Trâm Anh dễ thương lắm, nàng cưng chiều biết bao nhiêu cho hết. Nàng vốn hơn Trâm Anh bốn tuổi, lúc này nàng đã hai mươi hai, còn Trâm Anh mới tròn mười tám mà thôi.
Nàng biết Trâm Anh thông qua anh trai ruột của người ta, tên là Trịnh Thế Phiệt, cũng là bạn học của nàng.
Ông Trịnh Thế Minh là địa chủ, không được ăn học đàng hoàng, nên thông thường tên của các con đều để bà Mai đặt cả.
Bà Phan Châu Lệ Mai, tức mẹ Trâm Anh, xuất thân từ dòng dõi thư hương, ông nội của bà vốn là người giỏi chữ, từ nhỏ đã miệt mài đèn sách, vậy nên nghĩ tên cho hai đứa con cũng cẩn thận lắm. Con đầu là Trịnh Thế Phiệt, con gái tên Trịnh Trâm Anh.
Bà Mai cùng ba của Dạ Thi, tức ông Chí, đều là bạn học chung với nhau từ nhỏ. Ngày xưa người ta đồn hai người này có tình có ý với nhau dữ lắm, ai dè sau này mỗi người đều có gia đình riêng, khiến người ta cũng dẹp tan đi lời đồn đại khiếm nhã đó.
Thế Phiệt hơn nàng bốn tuổi, nhưng vì ngày nhỏ ham chơi nên trễ bốn năm mới chịu đi học, thành thử ra học cùng khóa với nàng.
Khi lớn lên, thiếu nữ khắp lục tỉnh Nam Kì đều mê cậu như điếu đổ. Nói đến Thế Phiệt, ai cũng biết tiếng là điển trai và chịu khó làm ăn. Ông bà Minh Mai sống theo kiểu "nước phù sa không chảy ruộng ngoài". Mà trùng hợp là Thế Phiệt chỉ thích gái làng mình chứ không ham gái làng người ta, nói trắng ra là thích Dạ Thi chứ không có thích ai khác.
Ban đầu, Thế Phiệt lấy cớ gia đình hai bên quen thân, thường hay đi qua nhà Dạ Thi lấy lòng. Những hôm cậu lên Sài Gòn học hành, ngày ngày đều đặn viết những lá thư tỏ lòng gửi đến Dạ Thi ở dưới này.
Nghĩ tới đây, Dạ Thi có hơi chột dạ, vì mấy lá thư cậu gửi nàng đã đốt hết rồi, còn chẳng dám đọc. Cho đến lá thư thứ hai mươi, Thi biết cứ trốn tránh như vậy không phải là cách, vậy nên cũng mở ra đọc thử.
"Em Thi dấu yêu ơi!
Đêm Sài Gòn náo nhiệt quá, nhưng chẳng hiểu sao nó làm anh nhớ đến những yên tĩnh trong đôi mắt em..."
Đọc còn chưa hết hàng đầu tiên, Thi đã đem đi đốt.
Vì nó quá sến, quá ớn. Dạ Thi chỉ xem cậu như một người bạn thân chẳng hơn chẳng kém, bỗng dưng đọc thư cậu, nghe mấy lời yêu đương, sóng lưng bắt đầu lạnh toát.
Thế Phiệt từ Sài Gòn trở về, bắt đầu định đem sính lễ qua dặm hỏi. Ai dè ngay lúc cậu về, Dạ Thi đã nhờ thằng Từ gửi cho cậu một bức thư để chối từ.
"Cậu hai thân mến,
Dạ Thi chân thành cảm tạ những bức thơ tay, những lời bộc bạch của cậu dành cho mình.
Lòng của Dạ Thi không chứa được bóng hình ai, chỉ muốn được sống an ổn bên cha mẹ, chuyện cập kê chưa hề bén ngót. Tâm tình của cậu, Dạ Thi đã hiểu, nhưng không có cách nào đáp trả được. Cậu không cần phải chuẩn bị đồ dặm hỏi cho nhọc lòng. Mong cậu hiểu cho."
Chuyện con gái ông Chí từ chối con trai đầu của địa chủ có ai mà chẳng biết. Cậu Thế Phiệt rầu rĩ suốt cả tháng trời, không ăn no cũng chẳng ngủ ngon, gia đình địa chủ phiền lòng lắm, nhưng cũng đâu thể nào đi qua bức ép Dạ Thi cưới cậu Phiệt được. Đành để con trai chịu khổ một thời gian.
Ngay giữa lúc đó, Trâm Anh xuất hiện.
Trâm Anh bé hơn anh của mình tám tuổi, khi đó mới vừa độ mười bốn. Thừa hưởng hết nhan sắc của mẹ, hết ranh ma của ba. Khi vừa trổ mã thì khắp xóm ai cũng biết tiếng là xinh đẹp. Bà Hồng già nhất xóm này, mỗi lần đến đo đạc may đồ cho Trâm Anh cũng đều tấm tắc khen: "So ra còn đẹp hơn anh nó!"
Cậu Thế Phiệt đổ bệnh cả tháng, sau đó chẳng lâu, bóng dáng của một người họ Trịnh lại đứng trước cửa nhà nàng.
Dạ Thi mở cửa ra, nhìn lên cao, không thấy cậu Phiệt.
Nhìn xuống dưới, thấy một đứa nhỏ xinh đẹp.
"Em là Trịnh Trâm Anh, em đến đây trịnh trọng mời chị sang cưới anh hai, Trịnh Thế Phiệt!"
Trâm Anh đứng đó, tay chống nạnh, những chiếc vòng xi men trên cổ tay kêu lách cách.
Dạ Thi cùng ba mẹ vừa thấy một cảnh này, cả gia đình cười đến nghiêng ngả.
Đây là lần đầu tiên Dạ Thi thấy con gái của nhà địa chủ khi trưởng thành, gương mặt của Trâm Anh và Thế Phiệt như từ một khuôn đúc ra vậy, đúng là người một nhà mà.
Lại nói, nhà địa chủ thương con gái lắm, mướn thầy từ Gia Định về làm gia sư cho con, lại thuê người Tây để giúp con học thêm tiếng. Ngoại trừ những lúc ở nhà bận học hành, Trâm Anh thường ngồi xe lên Sài Gòn chơi cùng cậu Thế Phiệt, còn cùng với bạn bè ở trển nữa. Cô nhóc này chảnh chọe lắm, chê bạn bè dưới huyện không biết đọc sách viết chữ.
Nên lớn tới chừng này cũng đâu có ai chơi đâu.
"Trời ơi, là cô út hả? Lớn tới cỡ này rồi ha." Chân ông Chí lúc này vẫn còn khỏe mạnh, bước ra ngoài cười với đứa nhỏ.
Bà Nguyệt, mẹ của Dạ Thi mời đứa nhỏ vào nhà ăn cơm, vì Trâm Anh đến đúng ngay giờ cơm của cả gia đình nhà người ta.
Cô út này nghe xong, vào bàn ăn của người ta thật. May mà bà Nguyệt có ý mời thật lòng chứ không có mời lơi, nếu không thì nhà địa chủ chẳng biết đào cái lỗ chui đâu cho hết.
"Rồi, sao hôm nay con qua đây chơi, bà Mai có biết không đó?" Ông Chí bới cơm cho Trâm Anh, sẵn đưa đũa cho nàng.
"Hồi nãy con nói rồi, con muốn chị Thi cưới anh hai. Con lén chạy tới đây đó!" Trâm Anh nhận lấy chén đũa, thoải mái ngồi ăn như ở nhà.
Biết ngay.
"Nhưng chuyện cưới hỏi phải là hai bên đồng thuận chứ con. Chết chết, con qua đây không nói cho bà Mai ông Minh, nhà con mà biết thì chỉ có toi dì chú." Bà Nguyệt che miệng lại cười.
"Rồi sao tự dưng muốn chị cưới anh hai?" Dạ Thi lúc này không nhịn nổi nữa, hỏi ngược lại.
Nói ra điều này thì hơi tồi, nhưng qua những đợt tán tỉnh liên tục của Trịnh Thế Phiệt, Dạ Thi chỉ có thể thốt lên ở trong lòng một chữ: Phiền.
Nhưng vì giữ thể diện cho nhà địa chủ, lại thêm gia đình hai bên thân thuộc - thật ra chỉ có ba mẹ nàng thân, nàng còn chẳng quan tâm hai đứa con của nhà bên ấy là ai - nên không trực tiếp chối từ, chỉ là không phản hồi lại bất kì lá thư nào. Thế Phiệt không có ngu ngốc gì, tất nhiên cậu ta phải hiểu.
Nhưng không, cậu ta từ chối hiểu. Ngày về, cậu ta lén lút phao tin với khắp huyện rằng cậu sẽ đem sính lễ qua nhà của Dạ Thi, để cho những nhà trai khác biết điều mà không lui tới.
Dạ Thi thấy vậy, trực tiếp viết bức thư đáp trả, thế là cậu Phiệt mới thôi mặt dày mà hỏi qua.
Rồi, bây giờ thì quả thật không thấy cậu Phiệt đâu nữa, mà là em gái cậu ta tới làm phiền.
Dạ Thi đen mặt, kiếp trước nàng giựt hụi nhà họ Trịnh hả!
"Anh hai đổ bệnh cả tháng rồi, anh hai buồn lắm!" Nói tới đây, Trâm Anh đỏ mắt: "Chị Thi cho anh hai một cơ hội không được hả?"
"Không em." Dạ Thi nhíu mày. Chắc chắn Thế Phiệt đã bày cho nó cái trò này.
"Thôi được rồi, mình không bàn vụ này nữa nha." Ông Chí ho nhẹ một tiếng để nhắc nhở: "Hỏi cưới thì anh phải trực tiếp tới, nào có chuyện em gái đi hỏi cưới hộ anh mình? Với cả, Trâm Anh à, về nói với cậu hai hộ dì chú, Dạ Thi có người trong lòng của nó rồi, bảo cậu cũng nên đi tìm hạnh phúc cho mình đi."
Nói thật, nếu không phải ông Chí bà Nguyệt thân với gia đình nhà địa chủ, chắc chắn đã đuổi cậu Phiệt kia ra khỏi con gái cưng của mình từ lâu. Con gái của ông bà muốn thế nào, cứ để tự con bé quyết định, ông bà tin tưởng ánh mắt nhìn người của nó.
Cậu Phiệt này điển trai, học cũng tài, làm ăn cũng giỏi, nhưng tính tình ngang ngược, độc đoán lại lộng quyền quá, ông bà không thích.
Trâm Anh nghe vậy, ráng nuốt cho hết chén cơm, cuối cùng lịch sự chào hỏi rồi đi về nhà. Không hề có ý định cãi lại cái gì nữa.
Dạ Thi nhìn theo bóng lưng đó, tự nhiên cảm thấy buồn cười.
...
"Trời ơi! Ông anh hai đâu, ra đây tôi biểu!" Trâm Anh vừa về nhà đã quát tháo ầm ĩ.
"Cô út ơi, cô nhỏ tiếng, cậu hai vẫn còn ngủ đó cô..." Một người ở trong nhà chạy ra, khẩn cầu.
"Còn ngủ hả." Trâm Anh đen mặt, lập tức chạy đến cửa phòng ông anh mình, mở ra một tiếng thật kêu: "Anh đừng hòng nhờ tôi giúp đỡ cái gì hết, có biết là cái mặt tôi nhục lắm không!"
"Trời, mày cứ inh ỏi cả lên. Sao rồi, Thi có nói gì không?" Thế Phiệt đang lật coi sổ sách trong phòng, hướng đến Trâm Anh mà hỏi. Cậu chắc chắn rằng Thi vẫn chưa đồng ý đâu.
Nhưng cậu tin tưởng đứa em này, em gái cậu dễ thương như vậy, chắc chắn có thể đi lấy lòng người ta. Nếu may mắn Dạ Thi yêu thích đứa em gái này, có phải hay không em sẽ nghĩ đến việc lấy cậu làm chồng?
Nghĩ đến đây, Thế Phiệt lại càng thêm vui vẻ, cậu đi đến vò vò đầu Trâm Anh, lại động viên: "Anh tin tưởng mày, em gái của anh là nhất!"
"Anh có cửa được người ta đồng ý sao. Khi nãy ba của bả còn cảnh cáo tôi nữa đó, trời đất quỷ thần ơi, nhục để đâu cho hết. Tôi không giúp anh nữa đâu." Trâm Anh thật sự rất bực mình, lần đầu tiên trong cuộc đời lại chịu nhục tới vậy, tất cả chỉ vì giúp thằng anh bất lực này. Nàng chỉnh đốn lại tóc tai: "Nè đừng có đụng chạm, biết chải cực lắm không!"
"Bộ mày không muốn qua Pháp học nữa hả? Anh chỉ cần nói một câu, chỉ cần đợi ý kiến của anh mà thôi, tía má có khả năng cho mày qua bển đó." Thế Phiệt mắt nhắm mắt mở nói.
"..." Trâm Anh xiết bàn tay lại, muốn đánh cậu ta quá. Ước gì nàng đẻ ra trước, ước gì nàng lọt ra trước!
"Hách dịch!" Nàng chỉ để lại một câu rồi đi ra ngoài, trước khi ra còn đóng cửa thật mạnh.
"Ê, dằn mặt hả mày!" Thế Phiệt giật mình.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top