09;
Dãy Alps những ngày cuối năm phủ đầy tuyết trắng, khắp mọi nẻo đường của Thụy Sĩ xinh đẹp thay phiên nhau khoác lên mình màu rực rỡ của ánh sáng mùa lễ hội. Những ngày này là lúc để cảm nhận rõ rệt cái nô nức của con người và cảnh vật khi phải chạy đua với thời gian hòng gói ghém gánh lo sắm sửa chuẩn bị cho năm mới. Tiếp nối cho cái bận rộn đó thì, hôm nay là Giáng sinh.
Đợt khí lạnh ập vào đột ngột qua vách tường chẳng đủ kín gió, Đăng Dương giật mình tỉnh giấc trước khi cố ổn định lại hơi thở vội vàng. Dường như cậu lại tiếp tục ngưng thở trong giấc ngủ thì phải, để rồi cơ thể lần nữa phải căng cứng gọi dậy.
Ngước nhìn đồng hồ điểm qua bốn giờ sáng, Đăng Dương không rõ là nên vui hay buồn. Giấc ngủ kém chất lượng hôm nay lại có chất lượng hơn mọi ngày, ít ra cậu không tỉnh giấc khi trời chỉ vừa bước sang hai giờ sáng, đi kèm theo đó là lời tự cảnh tỉnh bản thân rằng cơ thể cậu đang mệt mỏi đến nhường nào.
Tròn hai tuần chuyển đến đất nước xa lạ, thú thật thì điều khiến Đăng Dương cảm thấy mệt mỏi không hẳn là cô đơn, cũng không hẳn vì công việc quá vất vả. Cái mệt mỏi của cậu là không "biết" nói, dù bản thân không hề gặp bất kỳ vấn đề nào về khả năng nói.
Bất đồng ngôn ngữ, Đăng Dương vẫn phải tìm cách giữ cho cuộc sống tiếp tục vận hành. Cậu bắt đầu học cách dùng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với mọi người, đương nhiên lắm lúc họ hiểu, lắm lúc lại không. Rõ ràng không phải ai cũng có thể hiểu ta chỉ qua một ánh mắt hoặc một cái đan tay, và để tìm được người như thế có khi lại phải lặn lội qua hết một chu trình cuộc đời. Chỉ như vậy mới thấy được, chúng ta đã may mắn ra sao khi có thể dùng lời nói để giao tiếp, và chúng ta đã phung phí như thế nào khi có thể nhưng lại không dùng lời nói đúng cách để khiến xung quanh tốt đẹp hơn.
Đăng Dương vẫn thường chọn một mình vào những ngày rảnh rang ít ỏi, và Giáng sinh vừa vặn là dịp hoàn hảo cho việc bỏ trốn đến đâu đó. Xuống khỏi giường, vơ lấy chiếc áo khoác chẳng dày đủ để sửa ấm, chẳng quá mỏng để bị lạnh, cậu lại ra ngoài khi trời lại chưa kịp hửng sáng.
Căn nhà èo ọt mà hơn mười mấy người công nhân làm đường hầm cùng sinh sống nằm phía xa biệt lập với nhịp sống hào nhoáng bên kia, bọn họ vẫn vui vẻ sắm cho mình một cây thông đón lễ. Đăng Dương chợt thoáng nghĩ cây thông sẽ rất đơn điệu nếu bỏ mặc nó để không như vậy, hẳn là cậu sẽ mang thứ gì đó đến trang hoàng cho nó khi cậu quay trở về vào lúc trời sáng hơn.
Độ cuối đông sẽ thấy được sông băng trải dài như những con đường đá, phải đi đến tận lúc mặt trời ló dạng Đăng Dương mới tìm được một hồ nước còn lăn tăn gợn sóng theo gió đẩy. Lấy trong túi ra một đồng xu, cậu không chần chừ đem nó thả xuống hồ. Mặt nước trong vắt lấm tấm vài áng mây trời khẽ dao động rồi mau chóng im lìm, Đăng Dương thử căng mắt để tìm kiếm thay vì đưa tay lục lọi.
Lại không tìm thấy rồi, dù mặt nước vẫn trong vắt. Nhưng Đăng Dương không thất vọng, còn hàng tá cơ hội để cậu thử lại, thử đến bao giờ có thể tìm ra đáp án cho giả thuyết rằng; nếu nước trong đến độ nhìn thấy đáy thì có lẽ sẽ thấy cả thứ mắc kẹt dưới đó.
Đi xa mới thấy đường về thú vị, Đăng Dương chuyển sang bắt tay vào việc tìm ra món quà cho cây thông của bọn họ. Cậu nom thấy, dãy Alps sừng sững nào là núi cao lại lấp ló những bông hoa mang màu trắng tinh khiết ẩn mình chìm trong tuyết đợi chờ mùa xuân.
Hoa nhung tuyết mọc được ở những dãy núi cao, chịu lạnh giỏi và là niềm tự hào của đất nước Thụy Sĩ. Người ta hay kháo nhau câu chuyện về loài hoa này; về một người đàn ông mắc kẹt trong khó khăn vẫn sẵn lòng trèo lên đỉnh đồi treo leo hái về cho vợ những bông nhung tuyết nhằm chứng minh cho tình yêu vĩnh cửu của mình. Sau này thì người ta bắt đầu đổ xô về dãy Alps cho bộ môn săn lùng nhung tuyết, chỉ vì nó chứng minh cho tình yêu tuyệt đối và sự trân trọng dành cho nửa kia.
Điểm trắng cây thông bằng niềm kiêu hãnh của Thụy Sĩ không hề là ý tưởng tồi. Đăng Dương không tốn quá một giờ đồng hồ ở sâu trong những lối mòn trên núi để tìm thấy những bông nhung tuyết khác, hóa ra nó dễ dàng hơn những "khó khăn hiểm hóc" hay được phóng đại. Mấu chốt thì, một người vốn không cần lòng gan dạ đặc biệt nào để tìm thấy nhung tuyết, mà là trong lòng họ phải có người đặc biệt.
Trở về vào bên thềm buổi trưa, dọc đường tiện thể xách tay thêm vài loài hoa không tên nhưng kiên cường mọc giữa mùa đông, Đăng Dương hài lòng vì cây thông của họ sẽ không còn tẻ nhạt nữa.
Trường Sinh đón Đăng Dương bằng ánh nhìn tò mò trước khi bị cậu tiện đường trao tay mớ hoa và nhờ vả việc còn lại cho anh. Trường Sinh là người bạn đầu tiên của Đăng Dương ở vùng đất này, những ngày đầu cậu không biết anh cũng là người Việt, dù cho anh mang nét Châu Á đặc trưng. Trường Sinh giỏi giao tiếp và giỏi trong việc tạo ra bầu không khí thoải mái. Đăng Dương chưa từng thấy anh giận dữ, ấy là cho đến khi anh giận rồi buông ra câu chửi bằng tiếng Việt, lúc đó thì họ tìm thấy nhau, vừa mới hôm kia thôi.
Con người dù đi xa đến đâu, ít nhất là cội nguồn trong cơn nóng giận bộc phát ra vẫn sẽ tìm về với thứ ngôn ngữ thuở ban đầu của mình, vậy nên không có lý nào một người lại quên đi tiếng mẹ đẻ chỉ sau vài năm sống ở nước ngoài, khi nó vốn là nền tảng bắt đầu quá trình giao tiếp của mình.
Trường Sinh loay hoay đến tận chiều để trang trí cây thông, may mắn là mọi người đều thích ngoại hình mới của nó. Tranh thủ chỉ còn mình và Đăng Dương, anh Sinh lén nhét mảnh giấy có chứa điều ước vào trong chiếc tất thủng một lỗ của mình, đem treo lên cây thông trước khi chắp hai tay lại:
"Xin ông già Noel tha thứ cho chiếc tất thủng và châm chước cho điều ước của con."
Đăng Dương bật cười, Trường Sinh đưa mắt lườm cậu rồi phân bua:
"Tao tin ổng có thật, mày nghĩ tao là con nít cũng được, ít ra tao còn có cái gì đó để an ủi hoặc tin tưởng. Không ai là luôn suy nghĩ thực tế mãi như mày đâu."
Không hẳn, vì Đăng Dương cũng từng tin đấy chứ, thậm chí là cố gắng tin và đều đặn gửi điều ước của mình hàng năm. Nhưng cách mà Đăng Dương lớn lên dạy cho cậu biết ông già Noel thực sự không có thật. Vì sau suốt ngần ấy năm tuổi thơ, mỗi mùa giáng sinh đi qua, mẹ chưa từng quay trở lại.
Tối, mọi người quây quần bên bếp lửa lập loè mới nhóm lên. Cây thông là điểm sáng duy nhất có trong phòng, điều đó phần nào giúp họ thấy Giáng sinh an lành, dù mỗi người ôm trong lòng mỗi nỗi nhớ, một ý niệm riêng.
Đăng Dương xin đi ngủ trước để về với góc giường của cậu, nâng niu lấy trong túi ra một bông nhung tuyết được cất giấu riêng đem cài lên nhánh mới mọc của cây xương rồng nhỏ cậu cố chấp mang theo. Bất giác mỉm cười, Đăng Dương tự hỏi ra thành tiếng, dù khẽ thôi, đủ mình cậu nghe thấy.
Giờ này Quang Anh đang làm gì nhỉ?
***
Quang Anh cười ngọt ngào ngắm những đứa nhóc đáng yêu đang đồng thanh hát theo tiếng đệm đàn của em cho bài Jingle Bell. Thanh âm trong trẻo lấp đầy khán phòng nhỏ ấm cúng, tựa như bộn bề nếu đem thảy hết vào đây cũng sẽ hoá nhẹ nhàng.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Giáng sinh Nhạc viện lại tổ chức những buổi nhạc từ thiện cho các cô nhi viện trong thành phố. Từ cậu học sinh vì để được tham gia với mọi người mà mọi năm đều nhận khoác lên mình bộ đồ tuần lộc với chiếc mũi đỏ chạy việc lặt vặt; năm nay Quang Anh là người đệm đàn, cũng là hoàng tử của những cô cậu nhóc ở đây.
Jingle Bell vừa kết thúc, những em nhỏ kéo tay nhau đến vây quanh Quang Anh, tụi nhóc muốn hoàng tử hát một bài tặng mọi người. Quang Anh nhìn xung quanh, cô cố vấn và Quang Hùng lảng tránh ánh mắt em, xem ra vào dịp tâm trạng em cuối cùng cũng trở nên khá hơn một chút, chẳng có yêu cầu ngẫu nhiên nào xuất phát từ bọn nhóc cả, tụi nhỏ bị người lớn xúi, rồi đi nhờ ngược lại em.
Quang Anh nghĩ rằng em không có lý do phù hợp để nói ra lời từ chối vào lúc này, vì em không muốn những bạn nhỏ kia phải chịu thêm bất kỳ cái hụt hẫng nào nữa trong đời. Chạm tay vào những phím đàn, thanh âm của All i want for christmas is you vang lên, tiếng đàn hòa tan với tiếng hát, không gian trở nên nhẹ và ấm, cảm giác tạo ra không hề giống với giai điệu gốc. Âm nhạc và em, Quang Anh luôn có cách làm những thứ quen thuộc trở nên khác biệt, chắc hẳn bởi vì em vốn đã là một vì tinh tú đặc biệt.
Đó cũng là kết thúc hoàn hảo cho buổi hòa nhạc mini hôm nay. Xuống khỏi sân khấu, Quang Hùng thành thật hỏi Quang Anh:
"Thực sự rất ấn tượng. Đã có ai nói với em là em hát rất hay chưa?"
Đáy mắt Quang Anh thoáng gợn lên chút xao động, trước khi em bình tĩnh giữ cho nó yên ổn trở lại. Quang Anh cười, tám phần là thật trong đó:
"Có rồi ạ, người đó, không chỉ nói cho em biết, mà còn cho em dũng khí để hát nữa."
Quang Hùng không hiểu ý Quang Anh, chắc chắn là vậy, nhưng Quang Hùng cũng không muốn đào xới chuyện này lên. Rồi mọi người ai lại có việc của người ấy, dẫu sao thì đêm Giáng sinh còn chưa kết thúc.
Tách khỏi bên ngoài khi mọi người đang loay hoay với thùng điều ước của bọn nhỏ. Quang Anh chọn đi vào từng phòng ngủ, em đến từng giường, chỉnh chăn cho từng bạn nhỏ. Đến giường ở cuối phòng, có bàn tay nhỏ như đã đợi sẵn, nhanh chóng giữ lấy tay em khi Quang Anh định rời đi. Con bé cất lời hỏi:
"Hoàng tử ơi, ông già Noel có thật không ạ?"
Câu hỏi đến đột ngột, nhưng Quang Anh không hề bị con bé làm cho giật mình. Hình như bất kỳ đứa trẻ nào khi bắt đầu lớn lên cũng sẽ có lần thắc mắc điều này, còn người lớn sẽ phải tìm cách "nói xạo" làm sao giữ cho tuổi thơ của chúng đẹp đẽ nhất:
"Ông ấy có thật và chỉ thực hiện điều ước của những bạn nhỏ đáng yêu như em thôi."
Quang Anh chọn nói cho con bé một nửa của sự thật. Rõ ràng ông già Noel có thật, thật khi ông ấy sống trong những tâm hồn trong sáng chưa bị nhuốm màu cuộc sống.
Con bé lại cất lời hỏi:
"Vậy nếu là người lớn thì sẽ không được ông già Noel tặng quà ạ?"
Trả lời thế nào đây nhỉ? Vì chính Quang Anh cũng không rõ nữa:
"Có lẽ là vì điều ước của người lớn khó thực hiện hơn chăng? Hoặc là vì, người lớn không ngoan và hay suy nghĩ nhiều."
Vậy nên ông già Noel mới không sống trong tâm hồn của người lớn.
"Thế thì em chẳng muốn làm người lớn giống bọn anh đâu."
Con bé nghiêm túc bĩu môi chê bai việc trở thành người lớn. Quang Anh phải bật cười vì lập trường vững vàng và đáng yêu đó:
"Được rồi, không muốn làm người lớn cũng được, nhưng em nhất định phải lớn lên thật khoẻ mạnh và hạnh phúc nhé."
Con bé gật đầu, rồi cười toe khi vừa kịp nảy ra ý tưởng mới:
"Các cô nói anh là người tốt, nên tối nay khi ông già Noel đến thăm, em sẽ xin ông ấy cho anh một món quà nhé."
Quang Anh lại cười, lần này thì mười phần đều là thật. Em vuốt nhẹ mái tóc con bé, nói cảm ơn rồi mới rời khỏi phòng. Ghé ngang phòng của các cô đang sửa soạn cho từng điều ước, em gửi lại một chút tấm lòng, dù không nhiều, nhưng có thể sửa sang lại mái nhà khỏi dột khi mưa xuống. Hoặc ít nhất là, có thể giúp cho những bộ váy, chiếc áo mới của tụi nhỏ có thêm một cái nơ xinh xắn.
Chín giờ tối ra về, ở ngoài đường không còn cảm giác ấm cúng dù khắp nơi lộng lẫy ánh sáng. Quang Anh vẫn cười, nhưng nụ cười bây giờ nom trông buồn, giữa dòng người đang nô nức lướt qua nhau, hình như lâu lắm rồi em mới lại cảm nhận được cái vội vã của đời người thì phải.
Giữa công viên lớn quen thuộc trên lối về, không biết từ bao giờ mà đã được đặt một hòm thư lớn, bên cạnh là tấm áp phích đề to dòng chữ; Những điều ước nhờ bầu trời thay bạn gửi đến ông già Noel.
Quang Anh cũng nhặt cho mình một mảnh giấy màu, cũng giống mọi người viết ra điều ước của bản thân. Mặc cho, em nghĩ là ông già Noel sẽ sớm từ chối mong ước của em thôi. Cũng là vì, em xin ông ấy cho một người quay trở về ngay lúc này.
***
Đồng hồ đếm ngược mười giây trước năm mới, cây pháo bông trong tay Đăng Dương lập loè rồi vụt tắt. Mỗi một cây chỉ rực rỡ lấy một lần, như thể nói cho ta biết chẳng có cách nào châm lại một thứ đã nguội lạnh.
Trường Sinh ở bên buông lời cảnh cáo:
"Này, tắt rồi thì thôi nhé, tao năn nỉ gãy lưỡi mới xin được cho mỗi người một cây thôi."
Đăng Dương cũng đồng tình với việc tắt rồi thì phải thôi, chỉ là tự dưng cậu có hơi chút chua xót trong lòng.
Buổi sáng đầu tiên của năm mới, mọi người kéo nhau vào thành phố để đến nhà thờ. Đợi cho những ai theo Đạo làm lễ, Đăng Dương cho bản thân khoảng tranh thủ để hít trọn lấy một hơi khí trời, ngắm nhìn từng luống hoa trải dài tô sắc cho mùa xuân.
Vậy mà mùa hoa ở Thụy Sĩ lạ lắm, rõ ngập tràn sắc hương lại chẳng có rung động nào bằng trước đây Đăng Dương từng có. Chẳng rung động nào, như khi Quang Anh cười.
Đăng Dương luôn cho rằng cuộc sống của cậu tách biệt với mùa xuân, bởi mấy khi mà nó nở rộ? Ấy là cho đến khi vở nhạc kịch buồn tẻ của cuộc đời cậu được em tìm thấy, cũng vào một ngày xuân nắng hồng.
Chẳng như cách mặt trời rực rỡ kéo cả chân trời bừng sáng. Cũng không giống mặt trăng phản đối sự tăm tối của bầu trời đêm. Quang Anh chỉ cần thắp lên một ngọn nến hy vọng đã vừa vặn giữ lấy chút ánh sáng dành cho Đăng Dương.
Nhưng, Đăng Dương đợi được mùa xuân mới, cậu đánh mất cơ hội ngừng làm kẻ cô đơn.
Và kẻ cô đơn nọ dạo gần đây bắt đầu có thói quen nhạy cảm với âm nhạc. Đăng Dương lắng tai nghe từng thanh âm của bản nhạc đang được ai đó chơi. Không có cảm giác đặc biệt độc tôn mà cậu quen thuộc, cái quen thuộc duy nhất ở đây là giai điệu của bản nhạc này, Đăng Dương hình như đã được nghe qua rất nhiều lần.
"Fur Elise."
Đăng Dương hào hứng thốt lên, khi đã nghe ra đáp án. Cậu biết bản nhạc này, biết khá rõ là đằng khác, vì Quang Anh muốn cậu - một kẻ mù nhạc thử học đánh nó.
Câu chuyện bắt đầu vào một chiều tan tầm trên xe buýt, Quang Anh dùng đôi bàn tay Đăng Dương làm phím đàn tự chế, em trầm ngâm đàn rất lâu một bài hát bằng những lần lặp đi lặp lại cái chạm lên ngón tay cậu.
Đến khi xuống trạm của cả hai, Quang Anh chần chừ trong việc ra về. Em nghĩ mãi, sau cùng cũng quyết định hỏi Đăng Dương:
"Dương, Elise của Beethoven là ai nhỉ?"
Đăng Dương ngơ ra, như cái nhàn nhạt của nắng chiều ngày hôm ấy. Cậu không trả lời được câu hỏi của em, Quang Anh cũng không giận. Em nghiêng đầu rồi cười xòa xua đi nét mặt căng thẳng của Đăng Dương:
"Em cũng không biết Elise của Beethoven là ai. Hay là em dạy Dương đàn bản Fur Elise nhé, biết đâu có hai người chúng ta sẽ có cách tìm ra được đáp án?"
Đăng Dương vẫn chưa học được, từ cách đàn đến cách tìm ra đáp án. Và có đôi khi cậu nghĩ Quang Anh không thực sự cần tìm ra Elise của Beethoven là ai, có thể em muốn cậu tìm ra cái gì đó khác mà Fur Elise chứa đựng chẳng hạn? Ở mùa xuân này, Đăng Dương bỗng tò mò tính xác đáng của giả thuyết này đến lạ.
***
Trong tiếng vỗ tay to đều và vang dội như thường lệ, Quang Anh vừa diễn xong bản Fur Elise kinh điển.
Vài hôm trước trong buổi họp bàn để chọn cho mình bản nhạc diễn đầu năm mới, nhiều người cho rằng Quang Anh quá an toàn khi chọn "lá thư" mà Beethoven gửi đến "Elise" của ông ấy. Dẫu vậy, Quang Anh luôn có lý do thỏa đáng cho mọi lựa chọn của bản thân mình. Em biết, Fur Elise không khó về mặt kỹ thuật, thậm chí nó còn được xếp vào danh mục những bản piano dành cho trẻ em. Tuy nhiên, cái khó là người đàn phải làm sao để có thể từ hiểu được, đến thấu hiểu được cảm xúc thực sự ẩn mình trong bản nhạc.
Quang Anh cho rằng thật tinh tế và lãng mạn khi có thể gói ghém tình cảm dành cho ai đó bằng một bản nhạc, một lá thư. Càng tuyệt vời hơn khi tình yêu đạt đến sự trong sáng và giản dị. Fur Elise là vậy, giá trị của nó là cảm giác ấm nóng của tình yêu được lan tỏa bằng âm nhạc, là khi cả người nghe lẫn người trình diễn cảm nhận được sự đồng điệu cảm xúc, hơn cả thế, là được đồng cảm.
Ngày ấy Quang Anh hỏi Đăng Dương có biết Elise của Beethoven là ai không, câu trả lời mà em tìm kiếm không phải tên của người mà Beethoven yêu - người khiến ông ấy đem thứ tình yêu tinh tế kia gửi gắm vào bài hát. Hơn hai trăm năm rồi, người con gái ấy là ai sẽ chỉ mỗi một mình Beethoven biết.
Còn Quang Anh muốn biết, nếu Đăng Dương nghe và hiểu về Fur Elise, liệu cậu có cảm nhận được cảm xúc giống với em hay không?
Quang Anh kiên nhẫn suốt dòng chảy vội vã của ba trăm sáu lăm ngày chờ mùa xuân đến, em định sẽ thú nhận sự thật với người em yêu, rằng người ấy đã giúp em chinh phục được cái khó nhằn nhất của bản nhạc, là hiểu được "Fur Elise". Vậy mà người ta lại chẳng chờ để đón mùa xuân hiện tại với em, cái người tên Đăng Dương ấy.
***
Hạ, mưa âm ỉ.
Đường hầm bì bõm trong nước, đất bùn làm cho con người ta thấy khó chịu hơn là nản. Mùa hạ chia làm hai ngả, Đăng Dương vẫn thích cái nóng đội đầu hơn là trời mưa. Mưa, là một lẽ tự nhiên bị đôi ba người ghẻ lạnh.
Vừa nãy thôi khi công sức cày xới của bọn họ bị trận mưa ủi phẳng lần thứ năm ngót nghét trong chỉ một tuần, có vài tiếng gào lên căm phẫn, tận cùng vẫn là bất lực. Vài người công nhân lao vào cơn mưa lớn, họ ngồi gục ở đó rất lâu. Mưa đó, phá xong giờ lại dung túng cho bọn họ diễn tốt vai những người đàn ông chẳng bao giờ biết khóc vì mệt mỏi.
Không mất bao lâu, Đăng Dương lại có thêm lý do để ghét mưa. Chiều tan làm, mưa chạm đến điểm chịu đựng cuối cùng trong tâm hồn Đăng Dương, cậu hoảng hốt phát hiện chậu xương rồng nhỏ bị mưa làm cho úng nước, dù cậu đã cẩn thận cách ly nó khỏi bệ cửa sổ.
Tối đó Đăng Dương bó gối ngồi trên giường. Cậu trống rỗng, nghĩ về những ngày không thấy nắng tiếp theo, những ngày không còn chậu xương rồng nhỏ bên cạnh. Đăng Dương nghĩ bản thân cậu không có tư cách để cảm nhận điều này, nhưng cậu thấy thương và xót quá; thương em và xót cho ta.
Nước mắt được thả rơi tự do khỏi khóe mắt, Đăng Dương để dành ngần ấy năm, kể cả khi bố rời đi cậu cũng không dám khóc. Cái tột cùng đau đớn khi mất đi người thân đương nhiên là đau hơn bất cứ điều gì, nhưng đau đến chai lì thì người ta đã không còn muốn khóc. Chỉ có khi tiếc, thương, và day dứt cồn cào đến mức không thể gọi thành tên, nước mắt lại tự nhiên rơi xuống.
Nước mắt khiến ta phải suy nghĩ. Một lần là số ít, hai lần Đăng Dương lại thấy nhiều, mà trọn cả hai, cậu đều khóc vì cùng một người.
***
Cảm nhận cái ướt át dưới chân, Quang Anh quên mang theo ô rồi, sự lơ đễnh khiến em phải chôn chân ở trạm xe buýt suốt ba mươi phút hơn.
Mưa dầm dề, mọi người kéo nhau dùng xe buýt làm phương tiện đi lại. Đôi lần Quang Anh từ bỏ việc tranh giành một chỗ ngồi, tệ hơn là một chỗ đứng trên xe buýt để đi bộ về nhà. Đương nhiên em không tính đến trường hợp bản thân sẽ để quên dù.
Nhận đủ cái xui xẻo trong một ngày mưa, đáng ra phải cáu gắt, Quang Anh vẫn không ghét mưa. Chỉ là con người đã hơi khắt khe với mưa chăng? Vận mệnh của một hạt mưa là một vòng tuần hoàn để tìm đường trở về với biển cả. Bốc hơi, ngưng tụ, rơi xuống; chẳng mấy sung sướng, nó còn phải mang trong mình nỗi oan khi luôn bị ép trở thành thế thân để che đậy nỗi buồn của một ai đó. Con người lạ lắm, lúc nào cũng khó khăn để thấu hiểu nhau, vậy mà mưa biết họ đau như thế nào, họ vẫn ghét nó.
Quang Anh quyết định mặc kệ và từ bỏ chỗ trú ẩn, em rảo bước ra về mà không cần chiếc ô của mình. Hôm nay hãy cứ thử làm bạn với mưa xem sao.
Đi chưa xa lại dừng chân đôi chốc, Quang Anh ngước nhìn công trình của bố em, cũng từng là của cậu ấy. Theo dự tính thì họ sẽ còn mất hơn ba tháng nữa để hoàn thành xây dựng. Tính ra thì cũng chưa thực sự quá lâu kể từ những cơn mưa trước đây.
Đăng Dương rất thích kể em nghe về những ngày mưa của cậu. Công trình dường như biến thành một bãi lầy bởi từng tầng đất rã ra mềm nhũn. Đăng Dương thường hay phóng đại rằng nếu chẳng may trượt chân thì Quang Anh sẽ rơi xuống lõi trái đất rồi mắc kẹt mãi ở đó. Đương nhiên những lời dụ con nít này được cậu bịa ra để doạ cho em không dám đi lung tung vào trong rồi té ngã.
Đối mặt với lời dọa, Quang Anh chẳng những không sợ, em còn tự tin tuyên bố rằng nếu em té xuống đó, cậu sẽ tìm đến tận lõi trái đất để kéo em lên. Khi đó Đăng Dương trau mày, rồi cậu bảo rằng có "nhiều người" thà để bản thân mắc kẹt một mình trong này, nhưng em phải an toàn ngoài kia.
Quang Anh làm sao không biết được "nhiều người" là mấy người. Và tự dưng em lại muốn thử tìm cái lõi trái đất mà bản thân có thể rơi xuống quá đi mất, thử xem Đăng Dương có đến để kéo em lên không?
Nhưng Quang Anh không lường trước được, "lõi trái đất" khiến em và Đăng Dương xa cách lại nằm ở nơi Đăng Dương luôn cố giấu em. Thứ duy nhất Quang Anh chắc chắn lúc này là ở hai nơi khác nhau trên địa cầu, hai tâm hồn, nỗi buồn chia đôi.
***
Hết hạ sang thu, những hồ nước ở Thụy Sĩ lại được dịp phô diễn vẻ đẹp của mình. Đồng xu thứ tư không được tìm thấy, Đăng Dương vẫn thong thả nhặt từng cành củi khô đem bỏ vào giỏ đựng. Tiết thu se lạnh, mọi người dặn nhau nhặt củi về nhét lò phòng vách lại hở.
Đăng Dương lúc này mới nhận ra căn phòng trước đây của cậu tốt như thế nào, cậu còn nhớ ra, đài ngắm sao trên mái nhà cậu cũng chưa kịp xây. Mà chắc là chẳng còn cơ hội nào nữa, căn phòng kia có lẽ đã sớm đón một chủ nhân mới, và cả những người khách mới.
Nghĩ lại thấy bâng khuâng, thả mình nằm dài trên chiếc giường lá vàng mà thiên nhiên chế tác, Đăng Dương đoán chừng giờ này Quang Anh sẽ chẳng khác đi quá nhiều, trừ việc em không còn thường xuyên thả mái xuống.
Vào cái ngày nắng mới Quang Anh sang giúp giặt đồ, khi Đăng Dương bận làm nhà thơ ngơ ngơ ngác ngác bên cửa, Quang Anh hỏi Đăng Dương, dường như em rất thích tặng cậu những câu hỏi:
"Dương có biết tại sao em lại rất ít khi thả mái xuống không?"
Đăng Dương gật gật theo lá vàng rụng, rồi lắc lắc theo chiều ngang của hướng gió. Quang Anh nghĩ là cậu không biết rồi, vậy nên em ghé sát tai Đăng Dương và nói rằng:
"Vì nó khiến em trông không ngầu chút nào."
Đăng Dương nhớ như in rằng cậu khi đó tựa như có tới hai lá gan, thẳng thừng nói với em:
"Thay vì ngầu, tôi thích dáng vẻ dễ thương của em như lúc này hơn."
Với chừng ấy câu nói, Quang Anh bắt đầu chỉ thả mái xuống dành riêng cho khi sang thăm Đăng Dương. Còn cậu thì chắc hẳn không biết rằng mình phải nên tôn sùng lá gan thứ hai mọc ra khi ấy đến nhường nào đâu.
Chưa muốn tỉnh khỏi mảng ký ức đẹp đẽ, một quả thông chợt rơi trúng đầu làm Đăng Dương bừng tỉnh. Cậu nhặt lấy nó rồi ngắm nghía một chốc, có ai đã từng nói với bạn rằng quả thông là một món quà thần kỳ của thiên nhiên chứ chẳng phải vật bỏ đi rụng đầy ngoài đường chưa? Đăng Dương thì chưa, cho đến khi có một con sóc nhỏ oằm mình lao đến cướp lấy quả thông trên tay cậu.
Từ mùa thu chúng đã bắt đầu tích trữ cho mùa đông. Những quả thông mà con người cho là vô dụng còn có thể tách lấy hạt làm thức ăn trữ đông cho những loài khác. Sóc có vẻ sẽ thích hạt dẻ hơn, nhưng quả thông vẫn là lựa chọn của chúng, động vật ít kén chọn hơn con người ở chỗ đó. Và con người chẳng thấy cái gì quan trọng nếu họ không cần nó.
Đăng Dương cố tình dằn co với con sóc nhỏ, cậu chỉ muốn thử thách nó một chút. Chẳng may cho Đăng Dương là loài vật thông minh này tinh ranh hơn cậu nghĩ, thoáng chốc nó luồng người vào áo khoác, cướp lấy chiếc vòng tay được cậu cất sâu trong túi áo.
Hoảng hốt, Đăng Dương vội đem quả thông lúc nãy cùng rất nhiều quả khác giao hàng tận nơi cho con sóc nhỏ, và có vẻ sự khẩn thiết của Đăng Dương đã khiến nó động lòng mà đem trả lại cậu chiếc vòng tay.
Nhặt lấy chiếc vòng tay như nhặt lại một nửa trái tim mình, Đăng Dương cẩn thận xem xét xem chiếc cúc áo đính trên đó có bị trầy dù chỉ một vết nhỏ nào không, rồi thở phào khi xác nhận nó không gặp vấn đề gì cả. Đăng Dương nghĩ là cậu chừa rồi, khi cố tình giật lấy thứ quan trọng của người khác, để rồi bản thân cũng phải bối rối giống hệt khi thứ quan trọng của mình bị lấy đi.
Đăng Dương chẳng dám kể ai nghe về sự cố tưởng chừng như không thể mà mình gặp trong rừng. Điều đó làm anh Sinh để ý:
"Thất thần mãi thế, ai cướp mất hồn à?"
Đăng Dương không trả lời, Trường Sinh cũng mặc kệ đem quẳng qua cho cậu một xấp giấy kèm theo nhãn tem:
"Cho. Cơ hội nghìn năm đó."
Đăng Dương thắc mắc:
"Để làm gì ạ?"
"Viết thư ở thế kỷ hai mốt. Yên tâm là có người gửi hộ cho, chắc chắn sẽ đi xuyên lãnh thổ đến tận tay người đọc."
"Có ai đâu mà gửi."
Đăng Dương dứt lời, Trường Sinh bĩu môi:
"Có chắc là không có không? Hay mày không dám gửi?"
Câu nói đó chẳng khác gì liều thuốc kích thích đả động đến sự chần chừ của Đăng Dương. Nhưng mà, cậu không dám thật.
"Giữ lấy đi, không dám gửi tao có thể thông cảm, nhưng tao không tin là mày không có gì để viết ra."
Với câu nói đó, cả tối Đăng Dương chẳng làm gì khác ngoài nhốt mình bên lá thư. Quả thật, cậu có rất nhiều thứ muốn viết, chỉ riêng câu chuyện với chú sóc và chiếc vòng của Quang Anh tặng thôi đã đủ để lấp đầy hai mặt giấy.
Qua thêm một mùa thu nữa, em vẫn luôn là lý do khiến cậu biết vấn vương.
***
Lối đi trong Nhạc viện phủ lá vàng. Quang Anh đã từng tưởng tượng khung cảnh này sẽ lãng mạn được như phim Hàn Quốc, vậy mà đi một mình, em chỉ thấy chúng khô xơ xác và héo úa trước cả khi đông về.
Rừng thay lá đổi màu, Quang Anh cũng có trong lòng một chuyện buồn không tên, về một đồi hoa mặt trời rợp nắng nhưng mãi chợp mắt chẳng chịu thức giấc. Những ngày đầu, Quang Anh trách Đăng Dương vì không phải là nhà nông ưu tú, trách Đăng Dương vì không phải là người làm vườn tận tụy, trách Đăng Dương, vì điều gì em không rõ nữa.
Nếu vạn vật đều có sinh mệnh của nó. Thì chỉ trách, Đăng Dương là hồn của cây. Cũng trách, Quang Anh đã để mặc vườn hoa của mình mang hơi ấm của cậu quá nhiều. Suy cho cùng thì em chẳng có nguyên do để trách cứ ai cả, bởi vì cuộc đời này không ai là người có lỗi duy nhất.
Em hiểu, chỉ vì ta không còn gần nhau.
Em hiểu, nhưng vẫn vô thức dựa dẫm vào những chuyện xưa cũ.
Sau mỗi chiều tan học, Quang Anh vẫn ghé ngang thăm lại căn trọ cũ của Đăng Dương. Rất khó để người chủ mới chào đón một người xa lạ là em, nên Quang Anh sở hữu cho mình căn trọ của cậu, bằng toàn bộ số tiền học bổng của em. Sẽ có người cho rằng em ngu ngốc, Quang Anh lại dửng dưng trả lời rằng em chỉ đơn giản sắm cho mình một nơi trú ẩn để trồng cây.
Quang Anh giữ lại vẹn nguyên những gì thuộc về căn phòng ấy, từ chiếc bình tưới hình Doraemon đến chiếc chăn bông gấp gọn trong góc. Duy chỉ có bệ cửa sổ vẫn luôn được lấp đầy bằng những chậu cây mới, và em đương nhiên biết được có một chậu xương rồng bị thiếu đi.
Đến hôm nay, Quang Anh lại phát hiện ra một thứ đã tự mình thay đổi. Bệ cửa sổ từ bao giờ đã phủ kín rêu, như những gì Đăng Dương mong đợi. Đăng Dương trông chẳng có điểm nào giống một kẻ nghiện xưa cũ cuồng si một mảnh tường phủ rêu mang nét cổ điển cả, dù cậu luôn ca tụng việc nếu bệ cửa sổ phủ kín rêu thì sẽ rất tuyệt.
Quang Anh nghĩ Đăng Dương là một kẻ kỳ quặc, vậy nên em mãi chẳng hiểu được cậu. Để giảm bớt sự lạ lùng của mình trong mắt em, Đăng Dương giải thích rằng rêu và tảo đã đang nỗ lực mỗi ngày cho nhiệm vụ cứu lấy trái đất, bằng cách gồng mình giữ lại đâu đó khoảng chừng bảy tỷ tấn carbon dioxide là tác nhân chính khiến trái đất nóng lên.
Và giờ thì Quang Anh công nhận rằng bệ cửa sổ phủ đầy rêu đúng là rất tuyệt, khi có trong nhà một bầu khí quyển mini, một khúc hát xanh cho địa cầu đã quá u tối.
À, hình như ngoài rạp cũng đang có một bản giao hưởng địa cầu khác thì phải, của nhóm bạn của Doraemon. Nghĩ đến đây, Quang Anh bĩu môi, em thẳng thừng khoanh chân ngồi đè lên chiếc chăn bông, để nó lãnh đủ sự trừng phạt thay cho cái đồ thất hứa Đăng Dương, người từng hứa sẽ đi xem Doraemon với em đến tận năm em tám mươi tuổi.
Dương, em lại muốn đi xem Doraemon rồi.
***
Hơn bảy giờ tối, Quang Anh về nhà với hai bên vai ướt đẫm. Mất ba trăm sáu lăm ngày cho một vòng lặp, đông xưa chưa tàn đông mới lại đến, ẩm thấp và khó chịu hơn hẳn mọi năm. Quang Anh thì vẫn như cũ, ghét cay ghét đắng mùa đông.
Đón Quang Anh về nhà là bố đang loay hoay sửa lại chiếc radio cũ mà chẳng mấy khi dò được đài. Kể từ khi công trình kia xây xong, người giám sát rảnh rang đã có nhiều thời gian để ở nhà và quan sát gia đình mình hơn. Quang Anh của ông vẫn vậy, vẫn luôn là đứa nhỏ đáng tự hào của gia đình. Em giỏi, giỏi luôn cả việc chịu đựng. Là người làm cha, ông làm sao mà không nhận ra Quang Anh vẫn đang từng chút một tập sống trong những tháng ngày vừa qua.
Đã nhiều lần ông muốn thử khuyên, nhưng lại sợ lối suy nghĩ khác biệt của mỗi thế hệ sẽ vô tình làm tổn thương con trai mình. Và cơ bản, nỗi đau của mỗi người là khác nhau.
Trút ra tiếng thở dài, hôm ấy Đăng Dương nhờ ông chú ý đến Quang Anh, vậy mà thằng nhóc đó lại quên chỉ cách phải chú ý làm sao thì mới đúng. Vô tình tiếng thở dài ấy lại thu hút sự chú ý của Quang Anh, em hỏi bố:
"Bố có gì phiền muộn ạ?"
Ngài giám sát giật mình làm chiếc radio đang sửa bung bét ra, trông còn tệ hơn tình trạng ban đầu. Quang Anh bật cười, nhặt dùm bố những linh kiện, cũng không quên trêu ông:
"Bố không sửa được nó đâu, nhất là khi tháo tung nó ra một cách vô tội vạ như vậy. Ngài giám sát để công nhân radio về hưu đi ạ."
Nói về tháo dỡ, thân là một kỹ sư công trình đương nhiên bố em sẽ không chịu thua:
"Bố anh học trường kỹ thuật ra đấy nhé. Kiến thức mà bố học được dạy rằng muốn sửa thứ gì đó thì phải bắt đầu bằng việc tháo dỡ linh kiện ra tìm chỗ bị hỏng. Nó còn được gọi mỹ miều bằng bốn chữ 'nguyên lý sửa chữa'."
Thoáng đắn đo do dự, ông lén thở ra một hơi thật nhẹ trước khi tiếp lời:
"Con biết không, khi nắm được nguyên lý sửa chữa, thì cho dù có là trái tim đi chăng nữa ta cũng có thể sửa được."
Quang Anh im lặng, em biết rõ bố là đang nói đến điều gì. Nhưng phải làm sao đây? Quang Anh sợ rằng em không thể sửa được, dù cho có tháo tung hay dỡ bỏ cuộc đời em lên. Từng mảnh kí ức vốn đã thành những bánh răng trọn đời, quay một vòng lại về đúng vị trí, ở yên ngự trị trong lòng em.
Ở cạnh nhau chưa đầy sáu tháng đã xa nhau tròn một năm, làm gì đủ lâu để hai con người có kỉ niệm để nhớ về? Vậy mà đến cả điều nhỏ nhặt là góc áo Đăng Dương hay bị gập lại, còn cậu thì không thích điều này chút nào Quang Anh cũng xem như một kỉ niệm.
Từng chuyến xe buýt nhắc em những chiều có cậu đi về cùng. Lối cũ qua công viên, tiệm hoa của Anh Tú, Nhạc viện, tòa công trình to lớn, khu dân cư ngập nước. Từng thứ một bắt em phải nhớ Đăng Dương, và rằng em không thể thay đổi đường đi lối về của mình.
Quan trọng là, đâu chỉ có nỗi đau cho người ở lại? Em không thể ngừng đau, và tin rằng Đăng Dương cũng có cùng nỗi đau giống em.
Quang Anh đoán em mãi sẽ chẳng hiểu được Đăng Dương, và cũng sẽ không cố gắng hiểu. Như cách con người dù cho cố gắng đến đâu cũng sẽ chẳng giải mã được tình yêu.
"Nếu sửa được cách trái tim vận hành, vậy tại sao con người lại cho rằng tình yêu là điều kỳ diệu? Bố, con nghĩ cách duy nhất để sửa trái tim, chi bằng thay vào một trái tim khác, cái mà được nung ra từ sắt thép ấy, khi ấy con sẽ không còn đau, không còn âm ỉ nữa."
Bỏ lại sau đó, chỉ còn tiếng tích tắc của dòng chảy thời gian hoà lẫn cùng tiếng thời sự đều đều trên tivi. Bậc thầy tháo dỡ đoán rằng ông đã thua rồi.
"Dương nói đúng, con cứng đầu lắm, nên cần phải chú ý đặc biệt."
Quang Anh hơi sụt sịt mũi vì cảm giác lành lạnh tự dưng ập đến, em nhìn bố, chân thành:
"Vậy thì Dương đang ở đâu ạ?"
Tin mới cập nhật, động đất mạnh
Bố chưa trả lời, đáp lại em chỉ có tiếng tivi.
Một sự cố không mong muốn đã xảy ra
"Bố làm ơn nói cho con biết đi mà."
Một vụ sập lớn đã ập xuống trong...
"Đường hầm Gotthard ở Thụy Sĩ."
Đường hầm Gotthard ở Thụy Sĩ.
Thanh âm đến từ hai phía có cùng một điểm rơi, tiếng tivi nhoè đi tiếng trả lời của bố Quang Anh. Ánh dương đã sớm tan ra nơi cuối chân trời, xa xăm ngoài kia chỉ còn đêm tối. Không gian im bật, nếu như lắng tai nghe sẽ chỉ phát giác nhịp đập trái tim trở nên gấp rút trước khi nó ngừng đột ngột đôi ba giây.
Nhiều công nhân vẫn còn mắc kẹt trong hầm, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang nỗ lực giải cứu cũng như thực thi các phương án phù hợp để giải quyết sự cố.
Cách trái tim vận hành, khi máu bơm lên gặp khó khăn tim sẽ đập nhanh hơn, có người đổ lỗi do huyết áp cao, có người thì biết rằng, bản thân là đang hoảng sợ.
Màn hình tivi tối đen sau cái nhấn tắt vội của bố, Quang Anh cũng để bản thân rời khỏi không gian đó. Khóa trái cửa phòng, chân cố trụ vững trên nền đất, đôi tay em thì buông thõng. Chờ đợi không đáng sợ, chỉ là không biết phải chờ đến bao giờ.
Có tiếng vỡ nát dẫu đồ vật vẫn yên tĩnh nằm đúng từng vị trí. Ngoài trời gió gào, như đòi xông thẳng vào lồng ngực bắt lấy trái tim đã vỡ vụn. Quang Anh vừa thấu, cái lý do tại sao em lại ghét cay ghét đắng mùa đông đến thế.
Anh đi xa như vậy đến lúc phải về rồi. Trừ khi anh không cần em nữa, phải không?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top