Đường Xuyên Trường Sơn(Đồng Sĩ Nguyên)c3-c4

Đường Xuyên Trường Sơn

Chương 3

Trường Sơn với Tết Mậu Thân, Những Ngày Vượt Lũ, Thế Cờ Đảo Ngược.

1.

Với mùa hè 1967, sau hai cuộc phản công chiến lược bị thất bại nặng, chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ đã không diễn ra suôn sẻ theo tính toán ban đầu trước "Canh bạc Việt Nam" của giới cầm quyền Mỹ. Các bước leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân của Mỹ cũng chung kết cục như vậy.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã đặt Mỹ trước tình thế bế tắc chịu sự tác động mạnh mẽ về chính trị, xã hộil chịu những phí tổn nặng nề về tiền của và sinh mạng người Mỹ. Dư luận tiến bộ Mỹ lên tiếng phản đối chiến tranh xâm lược. Nội bộ Chính phủ Mỹ bị phân hoá. Một số giới chức của Nhà Trắng đòi tìm giải pháp nhằm sớm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc chiến này.

Trên bình diện quốc tế, sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta ngày càng được dư luận thế giới và chính phủ nhiều nước đồng tình ủng hộ, giúp đỡ.

Về phía ta, qua hai năm đương đầu với "chiến tranh cục bộ", quân và dân ta ở miền Nam vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ chiến lược tiến công, làm phá sản một bước quan trọng kế hoạch chiến lược của địch, giữ vững quyền chủ động ở rừng núi, lực lượng ba thứ quân phát triển mạnh...

Từ thực tế đó, ngay từ đầu năm 1967, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã sớm thấy một tình thế mới xuất hiện, cho phép chúng ta có thể và phải tìm phương cách khai thác triệt để, nhằm xoay chuyển và tạo bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Từ nhận định đó, một kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968 lập tức được khởi thảo và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bắt nhịp từng "hơi thở" của chiến trường và cục diện chiến tranh.

Tháng 1 năm 1968, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 thông qua nghị quyết Bộ Chính trị, chỉ rõ: Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đang dao động. Dể chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Muốn vậy, không thể tiến từng bước tuần tự như những năm trước đây; không đánh theo kiểu cũ như đông xuân trước. Phải tạo một bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đó là một cách đánh chưa từng diễn ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ - nguỵ không hề nghĩ tới và cũng không thể nghĩ tới.

Cùng với cả nước, bộ đội Trường Sơn tích cực chuẩn bị phục vụ cho chủ trương chiến lược mới. Nắm bắt ý định chiến lược của Trung ương, đồng thời với việc Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo, bổ sung lực lượng, trang bị cho Đoàn 559, anh em chúng tôi đều thống nhất nhận định: Mùa khô 1967-1968 sẽ có chuyển biến lớn, bất ngờ trên chiến trường. Với nhận định đó, kể từ sau khi kết thúc cuộc diễn tập "chiến dịch vận tải" tháng 8-1967, chúng tôi tiếp tục xốc lại đội hình, chuẩn bị chu đáo, khẩn trương vào chiến dịch vượt khẩu - nhập tuyến.

Bước vào mùa khô 1967-1968, toàn tuyến bố trí thành 10 binh trạm, gồm 8 binh trạm trục dọc (1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 58) và 2 binh trạm trục ngang (7, 21). Ngay sau đó, theo ý của Bộ Tổng tham mưu, phiên hiệu các binh trạm trục dọc có thêm số 3 đứng trước, thành 8 binh trạm: 31, 32, 33, 34, 35, 36 và Binh trạm 8 thành Binh trạm 37, Binh trạm 53. Đối với hệ thống trục ngang Binh trạm 7 thành Binh trạm 42, Binh trạm 21 thành Binh trạm 44.

Cùng thời gian này cơ quan tham mưu Bộ Tư lệnh được tăng cường một số cán bộ có năng lực. Đồng chí Nguyễn Lang được điều về làm Tham mưu trưởng tác chiến. Đồng chí Nguyễn An làm tham mưu trưởng vận tải. Đồng chí Phạm Diêu làm Tham mưu trưởng công binh...

Tháng 10 năm 1967, chúng tôi tiến hành hội nghị quân chính lần cuối trước khi bước vào mùa khô 1967-1968, sớm hơn dự định. Nội dung chủ yểu của hội nghị là quán triệt tình hình nhiệm vụ các chỉ tiêu chính của kế hoạch, xây dựng quyết tâm, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào mọi hoạt động của tuyến, nắm vững tư tưởng tiến công, đưa vận chuyển cơ giới vào đội hình chiến thuật trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Điều cuối cùng mà chúng tôi yêu cầu các binh trạm, các đơn vị cần lưu tâm là: Phái chuẩn bị quyết tâm theo hướng khối lượng tăng hơn, thời gian khẩn trương hơn, đối phó với địch đánh mạnh hơn, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu đột xuất của chiến trường.

Ngày 12 tháng 10, anh Chiêm theo đường 12 và tôi cùng một số cán bộ chủ trì cơ quan theo đường 20 tiến hành một đợt tổng kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị của các binh trạm bắc đường số 9, đôn đốc triển khai công tác tổ chức chỉ huy các lực lượng nhập tuyến, kết hợp kiểm tra việc xây dựng sở chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh.

Sở chỉ huy mới được xây dựng gần ngã ba đường 9 và tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé - Na Bo, kẹp giữa đường 128 và đường 129. Chọn đặt sở chỉ huy ở đây vừa bí mật, bất ngờ, vừa là trung tâm của nhiều tuyến đường quan trọng. Sau một mùa mưa lao động khẩn trương, cật lực, anh em công binh đã hoàn thành một công trình quân sự bề thế, với yêu cầu kỹ thuật cao là một địa đạo dài gần 200 mét xuyên sâu vào lòng núi. Chỗ dày nhất phía trên tính từ đỉnh núi là 170 mét. Trong gần 200 mét tuy-nen khổng lồ này được cấu trúc đầy đủ "phòng" trực chỉ huy, "phòng" giao ban Bộ Tư lệnh, "phòng" trực ban của các cơ quan tham mưu binh chủng, cơ quan chính trị, hậu cần. Hệ thống điện thoại được lắp đặt khá đồng bộ, liên lạc trực tiếp với từng binh trạm và đơn vị trực thuộc. Máy phát điện bảo đảm ánh sáng liên tục suốt ngày đêm. Thật khó có thể tường tượng được trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thiếu thốn giữa đại ngàn Trường Sơn, ngay kề tuyến giao thông huyết mạch đường số 9 mà đối phương đang kiểm soát, kề cận những trọng điểm địch đánh phá vô cùng quyết liệt, công binh Trường Sơn đã xây dựng được một trung tâm chỉ huy bề thế, chính quy đến như vậy. Tôi tin chắc, được làm việc trong "cơ ngơi" này, mỗi người sẽ tự tin hơn và cũng tự mình phải thay đổi tác phong công tác, nghiêm túc, khẩn trương hơn.

Sau khi nắm tình hình lần cuối, chúng tôi chọn đường 20 làm hướng vượt khẩu chủ yếu, vì đường khá tốt và vào tới đường 9 gần hơn.

Trung tuần tháng 10, các khâu chuẩn bị hoàn tất. Mưa trên Trường Sơn giảm. Đường se khô. Mực nước các sông, suối xuống dần. Các lực lượng đã tiếp cận khu vực cửa khẩu sẵn sàng chờ lệnh.

Để sớm chủ động trong chỉ huy điều hành, Bộ Tư lệnh vào tuyến sớm hơn các đơn vị. Do Chủ nhiệm thông tin và cơ quan thông tin vào trước chúng tôi một tuần, nên khi Bộ Tư lệnh vào sở chi huy mới, hệ thống thông tin đã được lắp đặt, triển khai đồng bộ. Với mạng thông tin này, chúng tôi có thể làm việc cùng một lúc với nhiều binh trạm từ Bạc trở ra. Đây thực sự là một thuận lợi lớn cho công tác chỉ huy trước một mùa ra quân mới.

Cuối tháng 10, khi chúng tôi phát lệnh mở màn chiến dịch "Vượt khẩu" cũng là thời điểm không quân địch tăng cường đánh phá ngăn chặn các cửa ngõ vào tuyến. Máy bay các loại thi nhau trút bom vào các trọng điểm Pha Nốp, Xiêng Phan (đường 12); cua chữ A, ngầm Ta Lê (đường 20), Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé (đường 128)... Máy bay B.52 còn ném bom rải thảm khu vực tổng kho 050, gây cho ta một số tổn thất.

Do chủ động có phương án đối phó với các thủ đoạn đánh phá của địch, đặc biệt lợi dụng yếu tố bất ngờ, mật tập, chiến dịch "Vượt khẩu" diễn ra cấp tập, dứt điểm, không dây dưa như những năm trước. Chỉ sau 8 ngày, toàn bộ lực lượng xe - máy, trang bị đã vào vị trí tập kết an toàn. Đặc biệt, có 12 tiểu đoàn xe chở hàng chạy thẳng vào giao cho các binh trạm phía nam; trong đó có 8 tiểu đoàn xe chở vũ khí, đạn pháo vào giao cho B2 tại khu vực ngã ba biên giới.

Thắng lợi trận đầu của mùa khô 1967-1968 là kết quả cố gắng nỗ lực của hết thảy các lực lượng, binh chủng trên toàn tuyến; trước tiên là bộ đội công binh, vận tải và phòng không.

Các lực lượng phòng không, điển hình là Tiểu đoàn 14 - Binh trạm 31, Tiểu đoàn 18 - Binh trạm 32 là những đơn vị cao xạ triển khai đánh địch sớm nhất, chiến đấu dũng cảm, hất máy bay địch lên cao, hạn chế tới mức thấp nhất xác suất bom đạn trúng đường, trúng xe, bảo vệ tốt đường, cầu và đội hình xe ở hai cửa ngõ trọng yếu này.

Sau khi toàn bộ lực lượng "Vượt khẩu" trót lọt, Bộ Tư lệnh điện cho các binh trạm và đơn vị dành 5 ngày ổn định mọi mặt. Tiếp đó chúng tôi quyết định ba binh trạm phía bắc đường 9 mở đợt "đột kích" 10 ngày nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu vận chuyển tháng 11, đồng thời rèn luyện một bước về tổ chức chỉ huy hiệp đồng binh chủng trong vận chuyển tập trung quy mô tiểu đoàn.

Tham gia đợt đột kích này có 8 tiểu đoàn công binh, 5 tiểu đoàn cao xạ, 7 tiểu đoàn ô tô gồm 752 xe. Binh trạm 32 đảm nhiệm cung xung yếu nhất, là "yết hầu" hút hàng từ hai cửa khẩu đường 12 và đường 20 vào rồi dẩy tiếp vào nam đường 9. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá Binh trạm 32 là đơn vị có mạng đường khá hoàn chỉnh, có khả năng tổ chức vận chuyển đội hình tập trung quy mô lớn, chúng tôi quyết định chọn binh trạm này xây dựng điển hình về chỉ huy vận tải tập trung quy mô tiểu đoàn trong thế trận hiệp đồng binh chủng. Thực tế, đợt vận chuyển "đột kích rà trơn" này, Binh trạm 32 đã thể hiện được thế mạnh vốn có; một ngày đêm chuyển gần 350 tấn hàng vào khu vực đường số 9.

Nhân đà thắng lợi trận đầu và thời tiết khá thuận lợi, chúng tôi chủ trương đồng loạt ra quân toàn tuyến. Các lực lượng binh chủng: phòng không, công binh, vận tải phối hợp nhịp nhàng. Đặc biệt, sự phát triển có tính đột biến của mạng thông tin liên lạc, kết hợp hỗ trợ giữa vô tuyến điện và hữu tuyến tuyến điện, triển khai thông suốt giữa sở chỉ huy Bộ Tư lệnh tới các binh trạm, đơn vị binh chủng; nối từ trục chính tới trục phụ và các trạm chỉ huy giao thông trên đường... đã tạo thuận lợi lớn cho công tác tổ chức chỉ huy chiến đấu.

Kết thúc tháng đầu ra quân, Tuyến 559 đã thực hiện được cơ bản chỉ tiêu trên giao: vận chuyển đi các hướng 7.500 tấn, gấp rút triển khai kho tàng và rải được gần 15.000 tấn hàng ở các cụm kho bắc đường số 9 để chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.

Kết quả vận chuyển tháng 11 năm 1967 đánh dấu một bước phát triển mới trong chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức tác chiến của tuyến vận tải quân sự Trường Sơn. Trận đầu ra quân mùa khô này, Binh trạm 32 là lá cờ đầu, đạt kỷ lục vận tải 10.000 tấn hàng vượt đường 9 trong một tháng. Bộ Tư lệnh quyết định tặng Binh trạm 32 danh hiệu "Binh trạm vạn tấn". Tiểu đoàn 102 ô tô vận tải thiện chiến, chạy trên cung đường "lửa" từ Lùm Bùm vào Tha Mé, đơn vị có Anh hùng liệt sĩ Lê Quang Biện, được tặng danh hiệu "Tuấn mã Trường Sơn". Một tiểu đoàn vận tải thiện chiến khác - Tiểu đoàn 52, đơn vị có Anh hùng Kim Ngọc Quản được phong đanh hiệu "Đại bàng Trường Sơn".

Hôm gọi điện thoại cho Binh trạm trưởng 32 Hoàng Anh Vũ và Chính uỷ binh trạm Phan Hữu Đại, thông báo quyết định của Bộ Tư lệnh, tôi lưu ý các anh rằng: Chiến công của Binh trạm 32 là rất lớn, rất xứng đáng với danh hiệu mà Bộ Tư lệnh và cũng chính là đồng đội khen tặng. Nhưng đối với những người chỉ huy giỏi, vấn đề chửyếu không phải là say sưa với " tấn, tạ", mà phải có tầm nhìn xa hơn, phải thấy được nguyên nhân thắng lợi để phát huy tốt, giành thắng lợi lớn hơn. Từ kinh nghiệm của mình góp phần nhân rộng ra toàn tuyến, trước hết là yếu tố con người.

Bước khởi động của những binh trạm tuyến ngoài như vậy là tạm ổn. Đầu tháng 12, tôi tranh thủ cùng một số cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh vào kiểm tra các binh trạm phía nam - từ Bạc vào tuyến C4.

Chúng tôi đảo khắp lượt từ Binh trạm 35 do anh Nguyễn Tất Giới làm Binh trạm trưởng, Nguyễn Tuấn - Chính uỷ, sang Binh trạm 87 do anh Đỗ Hữu Đào làm Binh trạm trưởng, Vũ Quang Bình - Chính uỷ và tới Binh trạm 44 do anh Bùi Quốc uỷ - Binh trạm trưởng, Võ Phúc Kiến - Chính uỷ. Cơ bản các binh trạm này đã triển khai xong lực lượng, sẵn sàng nhận hàng từ các binh trạm tuyến ngoài vào và chuyển tiếp theo yêu cầu các chiến trường.

Để tạo được sự phát triển đồng đều toàn tuyến, tôi nhắc nhở chỉ huy các binh trạm lưu ý xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy, nền nếp tác phong chỉ huy hiệp đồng binh chủng; xác định rõ tư tưởng chiến thuật tiến công trong thực hành vận chuyển, bảo đảm cầu đường và lực lượng tác chiến phòng không ở từng khu vực, chỉnh đốn mạng thông tin...

Kết thúc tám ngày thị sát tuyến cuối, tôi trở về cùng các anh trong Bộ Tư lệnh phát lệnh vận chuyển tháng 12.

Tình hình lúc này khó khăn hơn. Đã vào cao điểm mùa khô, địch huy động máy bay đánh mạnh dọc tuyến hành lang. Qua kiểm tra thực địa và báo cáo từng giờ của các binh trạm, tất cả các trọng điểm từ đầu tới cuối tuyến suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn. Chỉ nửa đầu tháng 12, lượng bom đạn địch rải xuống toàn tuyến hành lang tăng gấp rưỡi tháng 11. Số phi vụ oanh kích của B.52 tăng 66 phần trăm. Khu vực từ cửa khẩu đường 12 và đường 20 vào đường 9 trở thành tâm điểm đánh phá, chặn cắt của không quân Mỹ. Tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé - Cốc Mạc luôn như "chảo lửa". Cầu Na Tông, cầu nổi Ta Lê, cầu Tha Mé, và sâu hơn là cầu phao Bạc đều "trúng thương". Xe chạy "lấn sáng", chúng đánh sớm hơn; ta chạy "lấn chiều" chúng đánh chặn chiều... Nhưng chúng chặn sao nổi. Khoét sâu vào tính "máy móc", cứng nhắc của địch, chúng tôi chuyển các thời điểm đó sang,tổ chức chạy nghi binh, hút địch, giữ địch ở những nơi, vào nhũng thời điểm ta muốn, đồng thời chủ động đánh địch, với tư tường chỉ đạo "Đổi đầu đạn, giữ đầu xe". Các lực lượng phòng không bám đường, bám trọng điểm, chiến đấu vô cùng dũng cảm. Bầu trời Trường Sơn quyết không thể là "bầu trời riêng" của không quân Mỹ. Chỉ 20 ngày đầu tháng 12, lực lượng phòng không 559 đã bắn rơi 33 máy bay. Công binh luôn túc trực trọng điểm, đường cầu, kịp thời mật tập ứng cứu. Cầu Ta Lê, phà Tha Mé, cầu phao Bạc trúng bom không dưới ba lần; công binh đã có sẵn cầu dự bị, ngầm dự bị để xe qua... Địch đánh - ta đánh trả. "Đánh địch, mở đường mà vận chuyển" không còn là khẩu hiệu mà là thực tiễn sống động, hào hùng trên từng cung đường, từng trọng điểm.

Do nắm bắt kịp thời và sâu sát tình hình, đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu, của địch, của ta, để phù hợp với đội hình vận tải cơ giới quy mô lớn, sau một tháng ra quân, chúng tôi quyết định điều chỉnh một số cung chặng giữa các binh trạm, nhằm phát huy hết công suất của xe. Đặc biệt công tác bảo đảm giao liên hành quân cũng có bước thay đổi đáng kể.

Vì sức khỏe của bộ đội, vì yêu cầu của chiến đấu, chủ trương của Bộ Tư lệnh là: Triệt để tận dụng điều kiện và thời cơ cho phép, tổ chức cho bộ đội hành quân bằng cơ giới; dùng cơ giới chở vũ khí và trang bị nặng cho các đơn vị đến các mút chiến trường. Phòng Giao liên tăng thêm một số trạm cấp phát hậu cần để giảm lượng mang vác của bộ đội. Cơ quan hậu cần nghiên cứu cải tiến một số chế độ để cải thiện điều kiện sinh hoạt vật chất cho bộ đội vào chiến trường, phòng chống dịch bệnh... Công binh, thanh niên xung phong cải tạo mặt đường, bạt bớt dốc, làm thêm cầu qua suối.

Phòng Giao liên hành quân còn nghiên cứu, bố trí lại cung trạm hợp lý hơn để bộ đội có chút thời gian nghỉ ngơi, ít nhất là một đêm sau bốn năm ngày liền bươn bả đường rừng...

Sau một tháng tung toàn bộ lực lượng lên tuyến trong thế trận hiệp đồng binh chủng, hơn một nghìn đầu xe được huy động vào trận (chiếm 94 phần trăm số xe có trong biên chế), toàn tuyến đã thực hiện được cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch tháng 12; chuyển giao chiến trường hơn một vạn tấn, có 8.000 tấn được đưa vào tạo chân hàng tại Sa Đi, La Hạp, Bạc, Chà Vằn, Phi Hà, Hà Tia; bảo đảm cho các đơn vị hành quân 1.000 tấn. Đặc biệt trong số 12 tiểu đoàn xe nhập tuyến, có tới 4 tiểu đoàn chở súng, đạn B40, B41, súng 12,7 ly tới khu vực ngã ba biên giới. Từ đó chúng tôi điện cho binh trạm tuyến cuối sử dụng tiểu đoàn vận tải đường sông, dùng thuyền máy theo dòng sông Sê Công, Mê Công chuyển hàng tới Kra Chiê để giao cho Nam Bộ. Một trong những "đột biến" về tổ chức giao liên hành quân là chúng tôi đã dành một số chuyến xe cơ động 6 đoàn, gồm 1.977 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường kịp "đón Tết Mậu Thân".

Cũng như các hướng chiến trường, tháng 1 năm 1968 ở Tuyến 559 thật sự sôi động không khí "đêm trước" của "Tết". Lúc này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có nghị quyết "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định". Ngày giờ mở màn Tổng tiến công và nổi dậy đối với chúng tôi lúc này còn là vấn đề tuyệt mật. Song từ những phán đoán thông qua sự chỉ đạo của trên và bằng "linh cảm trận mạc", chúng tôi thấy bão lửa đang đến gần.

Tuy vậy, chiến trường vẫn im ắng - một sự im lặng đáng sợ đối với phía Mỹ. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MACV) phán đoán trong năm 1968 trọng tâm hoạt động của ta ở miền Nam sẽ là chống phá "bình định", mở một số trận đánh dọc biên giới Việt - Lào và Campuchia, tiến công các mục tiêu thuộc hai tỉnh Trị-Thiên, tìm cách bảo tồn lực lượng, cố gắng duy trì mức độ giao tranh của năm 1967. Đài báo phương Tây lại cho rằng: Việt cộng sẽ mở những cuộc tiến công lớn trong mùa khô; rằng Việt cộng sẽ bị tiêu diệt nếu liều mạng tiến công...

Mặc "người" cứ đoán già đoán non, hàng chục vạn khối óc, con tim của những người lính Trường Sơn vẫn ngày đêm hướng về chiến trường, hết mình vì chiến trường.

***

Ở địa bàn tây Trường Sơn, chủ trương của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng trong mùa khô này ta và bạn phối hợp mở một số chiến dịch ở Trung - Hạ Lào; tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng và củng cố tuyến hành lang chi viện chiến lược Bắc - Nam.

Nắm được ý định của trên, ngày 4 tháng 1 năm 1968, tôi sang làm việc với Bộ Tư lệnh Mặt trận 565. Thoáng chốc đã hơn hai năm kể từ ngày tôi bị thương ở Trung Lào, phải rời chiến trường có biết bao kỷ niệm này. Anh Hà Tuấn Khanh - Phó tư lệnh khi đó, nay là Tư lệnh. Anh Nguyễn Sinh là Chính uỷ. Anh em quen thân, việc hiệp đồng tác chiến nhẹ nhàng, suôn sẻ. Hai bên thống nhất, Đoàn 559 tăng cường cho Mặt trận 565 một tiểu đoàn cao xạ 37 ly, một đại đội pháo mặt đất và một số súng máy phòng không 12, 7 ly. Còn 565 và bạn sẽ mở cuộc tiến công căn cứ Lào Ngam vào ngày 12 tháng 1 năm 1968 để phối hợp với chiến dịch vận tải của 559.

Chiến sự đã diễn ra như dự kiến. Liên quân Lào - Việt đã giải phóng được Lào Ngam và đẩy được địch ra khỏi các khu vực quanh thị xã Saravan, A-tô-pơ...; giải phóng 4 7 xã, 10.450 dân, phá vỡ hệ thống đồn bốt của địch dọc tuyến Sê Đôn - A-tô-pơ. Hành lang tây Trường Sơn từ nam đường số 9 đến Saravan được mở rộng thêm.

Ngày 27 tháng 1, khi liên quân Việt - Lào kết thúc chiến dịch đánh địch ở Saravan, về cơ bản Đoàn 559 cũng hoàn tất kế hoạch vận chuyển chi viện cho các chiến trường tháng 1 năm 1968, với số lượng hàng chuyển giao tăng gấp đôi tháng 12 năm 1967; đáp ứng được yêu cần của Trị-Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Đặc biệt, đêm 20 tháng 1 năm 1968, khi Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị mở màn chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, theo lệnh của Bộ, chúng tôi đã huy động ngay một lực lượng lớn công binh mở gấp con đường dã chiến nối từ trục chính tới Binh trạm 8 của Trị-Thiên (đường B5-T8) và xây dựng kho dã chiến ở Bản Đông, mở một mũi vận chuyển trực tiếp phục vụ chiến dịch.

Tháng 1 này quân qua tuyến vào chiến trường lên tới 45.000, đông gấp đôi tháng trước; có hai trung đoàn và hai tiểu đoàn với gần 6.000 quân được tổ chức hành quân bằng cơ giới. Pháo 122 ly, pháo 85 ly và cả xe tăng cơ động theo đội hình tiểu đoàn vào chiến trường an toàn. Trường Sơn thật sự sôi động không khí đêm trước của mùa xuân quật khởi.

***

Các hoạt động "nghi binh" chiến lược của ta, đặc biệt chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mở màn đêm 21 tháng 1, trước "Tết Mậu Thân" 10 ngày, đã làm cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn và những kẻ cầm đầu Nhà Trắng bị lạc hướng. Trong khi chúng dồn cả tâm trí và huy động lực lượng ra Đường 9 - Khe Sanh, hòng giữ bằng được Khe Sanh, đừng để nơi này biến thành một "Điện Biên Phủ mới" thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của ta lại đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường miền Nam vào thời điểm bất ngờ nhất là đêm giao thừa Tết Mậu Thân (lịch miền Nam) và hướng chính cũng hết sức bất ngờ là đánh thẳng vào các đô thị, trung tâm quân sự chính trị, kinh tế của Mỹ - nguỵ. Như vậy, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã tạo được một bất ngờ lớn về chiến lược chiến tranh. Điều này có ý nghĩa và tác dụng vô cùng lớn lao. Bởi chính yếu tố bí mật bất ngờ trong chiến tranh cũng là một lực lượng vật chất vô cùng to lớn.

Tin Quân giải phóng tiến công 4 thành phố, 37 tỉnh lỵ, hàng trăm huyện lỵ trên khắp miền Nam; đặc biệt ta làm chủ thành phố Huế, tiến công toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn... tới tấp truyền về làm nức lòng những người lính Trường Sơn.

Cũng như những Tết trước, giao thừa đến, chúng tôi vây lại bên chiếc ra-đi-ô, hồi hộp đón nghe Bác Hồ chúc Tết và đọc thơ xuân:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua.

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tién lên toàn thắng ắt về ta!".

Lời thơ chúc Tết của Bác Hồ như tiếng kèn xung trận vang vọng tới các chiến trường, tới từng cánh rừng, nẻo đường mang tên Bác.

Từ cơ quan Bộ Tư lệnh đến từng binh trạm như sôi lên, bung ra vì tin vui thắng trận và vì công việc.

Các trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế của Mỹ - nguỵ bị tiến công đã tạo cho tuyến vận tải chiến lược 559 thời cơ thuận lợi hiếm có.

Gần một tháng, núi rừng Trường Sơn thưa vắng tiếng gầm thét của máy bay Mỹ, vì đã bị hút bởi các cuộc tiến công của Quân giải phóng vào "sân nhà" của chúng. Chớp thời cơ, chúng tôi tung hết đầu xe có thể sử dụng, tổ chức chạy cả ban ngày; rút ngắn cung độ, đi về gọn, bảo đảm kịp thời binh lực và vật chất cho chiến trường.

Trên tuyến giao liên, quân vào nhộn nhịp như ngày hội. Dù gấp gáp chúng tôi vẫn chỉ đạo cho các đơn vị lo cho bộ đội có được một cái Tết trên đường ra trận. Mỗi người được nửa ký gạo nếp, đỗ xanh, một chút chè "Thái", thuốc lá, bánh kẹo. Nhiều trạm còn tổ chức gói bánh chưng cho bộ đội. Một chút hương vị Tết cổ truyền hoà quện với thiên nhiên, đất trời Trường Sơn lúc sang xuân và tin vui thắng trận làm ngây ngất lòng người.

Trong thời khắc này, tôi nghe anh em kể, có chiến sĩ trên đường vào chiến trường đã hối thúc lái xe tăng hết ga hết số, sợ vào chậm không được góp sức cho ngày toàn thắng. Có chiến sĩ vừa dứt cơn sốt, đã nằng nặc đòi đuổi theo đơn vị...

Tình hình chiến trường đang diễn biến hết sức mau lẹ. Với sự cố gắng cao độ, bộ đội thông tin 559 đã khẩn trương lắp đặt hoàn chỉnh 100 ki-lô-mét cáp trục từ đường 20 vào đường 9, tăng dung lượng của đường tải ba, phủ suốt toàn tuyến. Bộ Tư lệnh 559 trở thành trung tâm thông tin vững chắc. Đặc biệt, thông tin tải ba từ Bộ Tư lệnh 559 đã nhanh chóng được nối với trạm thông tin của Bộ ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình và từ đó về Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng, với Bộ Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên.

Vào những ngày Quân giải phóng chiếm giữ, làm chủ thành phố Huế, tôi đã điện mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện trực tiếp với Bộ Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên. Anh Văn vô cùng phấn khởi và xúc động. Anh biểu dương bộ đội thông tin 559 đã thực hiện xuất sắc một công việc ngoài "tầm với", biểu dương toàn tuyến trong hoạt động chi viện bảo đảm cho Tổng tiến công và thông báo cho chúng tôi diễn biến chung của chiến trường, đồng thời dự kiến một số tình huống tiếp theo. Anh động viên chúng tôi hãy đưa "tinh thần Tổng tiến công" lên Trường Sơn - Trường Sơn cũng phải Tổng tiến công...

Qua hệ thống thông tin tải ba, các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên làm việc thường xuyên với Bộ Tư lệnh 559.

Ngay sau khi có lệnh Tổng tiến công, anh Trần Văn Quang - Tư lệnh và anh Lê Chưởng - Chính uỷ Quân khu Trị-Thiên gọi điện hỏi tôi:

- Nếu chủ lực ta cố thủ Huế, liệu 559 có bảo đảm hậu cần được không? Có cao xạ và công binh để chi viện không?

Tôi trả lời:

- Đủ sức Nhưng, theo tôi, lực lượng của địch ở Đà Nẵng, Quảng Trị còn nguyên. Chúng dễ dàng cơ động bằng đường biển và đường không ứng cứu Huế. Ta cố thủ sao được, trừ phi chọc thủng Quảng Trị.

Nghe tôi trả lời xong, anh Lê Chưởng đáp:

- Cám ơn, chúng tôi sẽ tính và xin ý kiến Bộ. Riêng 559 cố gắng tiếp sức nhé, cấp tập đấy!

Liền đó, theo lệnh của Bộ và đề nghị của Quân khu Trị-Thiên, chúng tôi điều gấp 4 tiểu đoàn công binh và 7 máy húc cấp tập ngày đêm thi công kéo dài đường dã chiến từ Làng Ngòi đi Tà Lương, kịp thời bảo đảm cho pháo binh đưa pháo tầm xa vào cấu trúc trận địa tại phía đông Tà Lương, chi viện hoả lực cho mặt trận Huế.

Suốt gần một tháng ta làm chủ và cố thủ thành phố Huế, chúng tôi cho Binh trạm 42 tập trung xe chuyển giao vũ khí, lương thực, thuốc chiến thương cho Trị-Thiên, Huế tại Tà Lương, bảo đảm kịp thời yêu cầu vật chất cho mặt trận. Một mũi của Binh trạm 33 sau khi phục vụ cho lực lượng của ta giải phóng Huội San, Lao Bảo, đã "lật cánh" về phía đông phục vụ cho các đơn vị đang vây hãm địch ở Khe Sanh - Hướng Hoá...

Diễn biến chiến sự cũng như yêu cầu của, chiến trường lúc này đòi hỏi Tuyến 559 phải có bước điều chỉnh tổ chức cho phù hợp.

Đầu tháng 2 năm 1968, chúng tôi quyết định bố trí lại các binh trạm. Về số lượng không thay đổi, vấn đề cơ bản là lấy binh trạm làm cấp chỉ huy chiến thuật bộ đội hợp thành. Mỗi binh trạm tuỳ theo quy mô mà bố trí từ một đến hai tiểu đoàn cao xạ. Bộ binh chỉ để lại một bộ phận làm nhiệm vụ cảnh vệ, bảo vệ sở chỉ huy và kho; bộ phận chủ yếu tập trung thành đơn vị cơ động chiến đấu.

Mỗi binh trạm có một đại đội thông tin, một đội điều trị, một trạm bảo dưỡng kỹ thuật xe, một trạm kích kéo... Về tổ chức điều hành cũng phải hết sức cơ động. Khi thuận lợi sẽ cho xe chạy vượt cung. Địa bàn từng binh trạm đảm trách có thể dao động từ 100 đến 150 cây số chiều dài.

Tại hội nghị cán bộ toàn tuyến quán triệt chủ trương điều chỉnh về tổ chức, anh em thảo luận khá sôi nổi. Dĩ nhiên là có một số ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất với quyết định của Bộ Tư lệnh.

Tôi đặc biệt quan tâm ý kiến của anh Võ Sở - Chính uỷ Binh trạm 31. Anh đồng tình với chủ trương của chúng tôi và phân tích, lý giải khúc triết. Anh Võ Sở là một cán bộ chính trị vững vàng, trung thực, nhiệt tình. Về sau, có thời gian anh là Chính uỷ Sư đoàn khu vực 471.

Sau bước điều chỉnh lần này toàn tuyến có 10 binh trạm bố trí trên trục dọc và 5 binh trạm bố trí trên trục ngang toả đi sáu hướng chiến trường. Trước khi Tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra, tuyến giao liên cũng được tổ chức khá hoàn chỉnh; chất lượng cầu đường được cải thiện một bước tạo thành đường đôi song song.

Với cố gắng nỗ lực của công binh và thanh niên xung phong, tình hình đường cầu vào cao điểm mùa khô này có bước cải thiện dáng kể. Ở hành lang tây Trường Sơn, hai trục dọc đường ô tô đã được kéo dài từ đường 12 đến Tà Xẻng - giáp giới Campuchia và tới Plây Cần (Kontum) với chiều dài gần 1.200 cây số, nhân đôi là 2.400 cây số. Nhiều trục ngang và đường vòng tránh cũng lần lượt được mở mới hoặc vươn dài thêm. Ở đông Trường Sơn, đường ô tô được hoàn chỉnh từ làng Ho đi Bản Đông (Lào); đường B45 kéo dài từ A Lưới vào Xưởng Giấy. Hai trục ngang là đường 12 và 20 nối đông và tây Trường Sơn được củng cố và rải đá cục bộ; đường 16 bắt đầu được khởi công.

Về cơ bản, các trục vận chuyển của Tuyến 559 đã nối thông từ chiến trường Đường 9 - bắc Quảng Trị vào Thừa Thiên, Tây Nguyên, sang Trung - Hạ Lào, tới Đông bắc Campuchia. Riêng vào B2 (Nam Bộ) còn phải đi theo đường 18 và theo đường sông Sê Công, Mê Công trên đất bạn Campuchia.

Tổ chức chỉ huy ngày càng quy củ, đồng bộ; cơ sở hạ tầng có bước cải thiện đáng kể; không lực Mỹ bị "hút" bởi các đòn tiến công của chủ lực ta vào thành phố, đô thị, và "chất men" của Tổng tiến công "Tết"... là động cơ, là lực đẩy cho những chàng "Tuấn mã Trường Sơn" tung nước kiệu, và những cánh "Đại bàng Trường Sơn" bay xa.

Tuy vậy, do "Tổng công kích", rồi "đột kích" liên tục, nên "chiến mã" nào rồi cũng có lúc "chồn chân mỏi gối". Tình trạng kỹ thuật xe xuống cấp khá nhanh. Thời tiết đầu xuân nay cũng có biểu hiện bất thường. Mới chớm tháng ba đã có những cơn giông kéo dài. Đường trơn. Những lúc đó, xe hoạt động khó khăn; đặc biệt là số ZiL 130 một cầu.

Để bảo đảm nhịp độ vận chuyển, tôi điện báo anh Đinh Đức Thiện liên tục, thông tin kịp thời tình hình, cốt yếu là xin bổ sung xe. Và khi nào cũng vậy, Tổng cục Hậu cần cũng như Bộ không eo hẹp gì đối với 559.

Sang tháng 4, xe bổ sung đủ. Liền đó, anh Thiện tăng cường cho ba tiểu đoàn xe của Binh trạm 12 và Binh trạm 14 thuộc tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương (lúc này Tổng cục Hậu cần tiền phương đã chuyển thuộc Tổng cục Hậu cần) vào chạy cung Mụ Giạ và bắc Ta Lê vào Lùm Bùm. Có xe, chúng tôi xốc lại đội hình, ra quân ào ạt hơn. Người và hàng vào chiến trường lại rôm rả.

Cuối tháng 4, tây Trường Sơn mưa rào dày cơn hơn. Trời đầy mây xám xịt, trĩu nước, lúc nào cũng như muốn ập xuống. Từng đàn mối cánh bung ra đen kịt những nẻo đường rừng. Mùa mưa "hạ cánh" cũng là lúc chúng tôi kết thúc trọn vẹn kế hoạch vận chuyển chi viện mùa khô 1967-1968.

Mùa khô này - mùa của Tổng tiến công Tết Mậu Thân, khối lượng súng đạn, lương thực, vật tư kỹ thuật... mà Đoàn 559 chuyển giao cho các chiến trường miền Nam và bạn đều vượt chỉ tiêu trên giao (đạt 141 phần trăm). Đặc biệt có hai tiểu đoàn pháo lớn, xe tăng, gần 124.000 quân được bảo đảm hành quân vào chiến trường với một số lượng khá lớn thương binh được chuyển ra Bắc kịp thời, an toàn. Chuyển thương bằng cơ giới đạt hiệu quả tốt là một nét mới, một cố gắng lớn của bộ đội vận tải và quân y Trường Sơn.

Cố gắng của chúng ta là rất lớn. Đặc biệt tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã dồn hết sức lực, trí tuệ và mọi khả năng của mình, thực hiện vượt chỉ tiêu trên giao. Song tôi biết tình hình chiến trường đang diễn biến phức tạp. Ta gặp không ít khó khăn. Mùa khô - mùa thuận lợi đã qua, trách nhiệm của chúng tôi đối với chiến trường lại nặng nề hơn.

***

Với "Tết Mậu Thân" quân và dân ta trên chiến trường đã giành được những thắng lợi to lớn về quân sự, chính trị. Đặc biệt "Tết Mậu Thân" đã như một thứ thuốc thử nhiệm màu, làm phơi bày toàn bộ sự thất bại của Mỹ trong chiến lược "chiến tranh cục bộ", giáng một đòn chí mạng vào uy thế của Mỹ trên chiến trường miền Nam, khiến cho những kẻ cầm đầu "Toà Bạch ốc" bàng hoàng sửng sốt. Với "Mậu Thân: 1968" tại miền Nam Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm kể từ khi thành lập nước, khả năng Mỹ có thể bị bại trận ở một quốc gia nhỏ bé, yếu kém về kinh tế và vũ khí trang bị như Việt Nam, đang thành sự thật.

"Tết Mậu Thân" đã đặt Chính phủ Mỹ "Trước một bước rẽ trên đường đi", và "Các giải pháp để lựa chọn đã bày ra trong một thực tế tàn nhẫn1.

Cái gì phải đến đã đến dẫu Mỹ không muốn. Đêm 31 tháng 3 năm 1968, sự lựa chọn của Chính phủ Mỹ đã khá dứt khoát. Trong cái đêm "Lịch sử" ấy, với dáng vẻ đắn đo và trang trọng, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn xuất hiện trên vô tuyến truyền hình toàn Liên bang, đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của ông ta - một "bài diễn văn bi thảm nhất"2 mà suốt 21 năm dính líu vào Việt Nam, chưa có một vị Tổng thống nào của nước Mỹ phải thực thi.

Giôn-xơn tuyên bố: Mỹ đơn phương chấm dứt ném bom nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ vĩ tuyến 20 trở ra; sẵn sàng cử đại diện đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà; chấm dứt thời kỳ trong đó Mỹ tăng cường đưa quân viễn chinh Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ; và cuối cùng ông tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Bài diễn văn của Giôn-xơn lập tức gây nên "tác động mãnh liệt ở Hoa Kỳ và khắp thế giới". Nó mặc nhiên là sự thừa nhận đầu tiên, nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản tất yếu của "chiến tranh cục bộ" - một cuộc chiến tranh được Mỹ dày công tạo dựng và được đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của tên sen đầm quốc tế vào thập kỷ 60 - thế kỷ XX.

Với tác động mạnh mẽ của sự kiện Tết Mậu Thân, tôi cứ suy nghĩ về câu nói của anh Lê Duẩn vào dịp hè năm 1967: Quyết giáng một cú "bombarder" làm lung lay ý chí của đế quốc Mỹ và từ đó cảm phục tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Bác Hồ.

Thất bại của Mỹ ở miền Nam trong Mậu Thân 1968 là rõ ràng.

Tuy vậy, thực tế trên chiến trường sau Tết, khi yếu tố bí mật bất ngờ không còn, lực lượng tổn thất của ta chưa được phục hồi, địch đã tăng cường phòng thủ đô thị và tung quân chiếm lại một số vùng vừa mất.

Trên địa bàn Trị-Thiên, ngày 19 tháng 4 năm 1968, địch cho máy bay trực thăng đổ tám tiểu đoàn, gồm sáu tiểu đoàn thuộc sư đoàn "Kỵ binh bay" và hai tiểu đoàn quân nguỵ xuống thung lũng A Sầu - địa bàn thuộc Binh trạm 42, căn cứ hậu cần khu vực của Đoàn 559 đảm bảo cho Thừa Thiên và bắc Khu 5. Năm ngày sau, một tiểu đoàn khác của địch được tung xuống khu vực Đru Đốc - thuộc địa bàn Binh trạm 44. Với một lực lượng lớn quân được coi là "tinh nhuệ" nhất, Mỹ - nguỵ hòng chụp diệt được chủ lực của ta và đứng chân dài ngày tại đây để triệt phá căn cứ hậu cần, chốt chặn tuyến vận chuyển chi viện cho Trị-Thiên, bắc Khu 5.

Được tin địch đổ quân xuống A Sầu, chúng tôi lệnh khẩn cấp cho Binh trạm 42 phối hợp lực lượng của Quân khu Trị-Thiên chủ động đánh địch, bảo vệ kho tàng, hàng hoá; đồng thời cho đưa quân tới tăng cường.

Tại A Sầu, khi lính Mỹ chạm đất, các lực lượng tại chỗ của binh trạm 42 đã cùng chủ lực của Trị-Thiên chiến đấu diệt địch, bảo vệ cơ sở kho tàng. Ngay ngày đầu, lực lượng phòng không và bộ binh của Binh trạm đã "vít cổ" 14 trực thăng, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Nhưng quân địch đổ xuống ngày càng đông. Lực lượng Binh trạm 42 và quân do Bộ Tư lệnh tăng cường xuống không đủ sức chống trả, phải chiến đấu giằng co, nên địch tràn vào phá của Binh trạm gần 200 tấn hàng; gây thiệt hại một số xe, pháo của tiểu đoàn 55 vận tải ô tô đang trên đường vận chuyển chi viện cho Trị-Thiên, Huế bị nghẽn lại tại Tà Lương.

Thung lũng A Sầu, A Lưới lúc này là điểm nóng, là thử thách vô cùng ác liệt đối với Quân khu Trị-Thiên và Đoàn 559. Liền sau đó, chủ lực của Trị-Thiên được tung vào với hoả lực cao xạ tăng cường của Đoàn 559, và "thế cờ" đã đảo ngược. Đồi A Bia đã trở thành "cối xay thịt" quân dù Mỹ, như báo chí phương Tây ví von một cách cay nghiệt. Chưa tròn một tháng kể từ ngày "hạ thổ", ngày 16 tháng 5, địch phải rút chạy khỏi A Sầu, A Lướỉ.

Trong trận đọ sức với "át chủ bài" của Mỹ - nguỵ tại A Sầu, A Lưới, các lực lượng của Đoàn 559 đã bắn rơi 86 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 800 tên địch. Tuy chịu một số tổn thất trong thế tương quan lực lượng quá chênh lệch, bất lợi, nhưng chiến công kể trên là một minh chứng sinh động: Không chỉ tổ chức vận chuyển giỏi, bộ đội 559 cũng chiến đấu "bằng anh bằng em"...

Ở hướng Đường 9 - Khe Sanh, khi ta phát lệnh tiến công, thì ngay lập tức Khe Sanh đã làm điên đầu Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn và những kẻ cầm đầu Nhà Trắng.

Dưới con mắt của các tướng lĩnh Mỹ từng tới miền Nam Việt Nam, Khe Sanh "là cái mỏ neo ở phía tây cho hệ thống phòng thủ phía nam khu phi quân sự; và là bàn đạp cho các cuộc hành quân trên bộ để cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh"3.

Theo vị tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam,Oét-mo- len, thì bỏ Khe Sanh là từ bỏ tất cả những lợi thế đó. Bởi thế, Glôn-xơn đã đích thân theo dõi diễn biến chiến sự ở Khe Sanh từng ngày từng giờ và lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải giữ Khe Sanh bằng mọi giá. Nhưng kết cục, như bình luận của Mai-cơn Mác-lia, một học giả người Mỹ, thì đạn pháo của chủ lực miền Bắc giội xuống Khe Sanh đã "rơi ngay vào thủ đô Oa- sinh-tơn"4, suốt 170 ngày đêm ta tiến công vây hãm Khe Sanh, Đoàn 559 đã huy động cao xạ phối hợp chiến đấu và bảo đảm đủ vật chất cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Lực lượng hậu cần chiến lược trực tiếp làm nhiệm vụ hậu cần chiến dịch.

Mặc dầu đã dồn hết "tâm, sức" cho Khe Sanh, đặc biệt đã tung vào đây vốn liếng khổng lồ - thời điểm cao nhất là 40 phần trăm số tiểu đoàn bộ binh, thiết giáp thuộc lực lượng viễn chinh mà MACV có trong tay, Mỹ - nguỵ vẫn không tránh khỏi một "Điện Biên Phủ mớỉ". Trung tuần tháng 7 năm 1968, Mỹ đã "không kèn, không trống" rút khỏi Khe Sanh - thung lũng của "tử thần", là nỗi kinh hoàng của lính Mỹ.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tuyến vận tải quân sự chiến lược 559. Giải phóng Khe Sanh - Hương Hoá, ta đã nhổ được "mỏ neo" - một vị trí chiến lược của địch trong hệ thống chốt chặn Đường Hồ Chí Minh; qua đó mở một chính diện mới để phát triển tuyến vận tải đông Trường Sơn.

Đồng thời, liên quân Lào-Việt đã giải phóng một vùng rộng lớn thuộc tỉnh Saravan, mở rộng chính diện tuyến hành lang tây Trường Sơn.

Một trang sử mới của tuyến vận tải quân sự chiến lược 559 đang mở ra, một căn cứ hậu cần trọng yếu được phát triển.

2

Mùa mưa tới, những khó khăn sau Tết Mậu Thân của ta đã bộc lộ trên nhiều hướng chiến trường với nhiều chiều cạnh khác nhau.

Sau những đòn điểm huyệt chí mạng của ta vào các đô thị lớn, địch đã hoàn hồn, dần dần củng cố lực lượng, vừa tăng cường phòng thủ đô thị, vừa tung quân chiếm lại các vùng nông thôn đã bị mất trong dịp Tết.

Mất dần bàn đạp đứng chân ở vùng ven, vùng nông thôn đồng bằng, một số đơn vị vũ trang của ta phải lùi lên vùng rừng núi; thậm chí một bộ phận chủ lực ta ở Nam Bộ phải sang đứng chân ở Đông bắc Campuchia. Một bộ phận chủ lực của Khu 5 và Trị-Thiên phải vượt sang tây Trường Sơn đứng chân trên địa bàn 559.

Tuyến vận tải quân sự 559 lúc này ngoài nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược, còn là hậu cứ trực tiếp của các chiến trường Trị-Thiên, Tây Nguyên, Khu 5. Các khu vực Tà Xẻng, Chà Vằn, La Hạp, Động Con Tiên, Đường số 9...trở thành địa bàn tập kết củng cố lực lượng, tăng cường trang bị, điều trị, nuôi dưỡng thương binh của các chiến trường.

Trước yêu cầu tình hình mới, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh 559 quyết định để phần lớn lực lượng ở lại trong tuyến tiếp tục hoạt động. Chỉ đưa về tuyến sau thương bệnh binh, những người quá yếu cần được điều dưỡng phục hồi thể lực; một số ít cán bộ, lái xe, thợ kỹ thuật ra nhận quân, trang bị kỹ thuật bổ sung và một số lái xe, thợ đưa xe ra Bắc sửa chừa.

Theo điện triệu tập của Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh 559 cử các anh Vũ Xuân Chiêm, Lê Đình Sum về Bộ báo cáo hoạt động mùa khô 1967-1968 của Đoàn và nhận kế hoạch mùa khô tới Đồng chí Nguyễn Trọng Bách - Bí thư của tôi, được cử giúp việc anh Chiêm, anh Sum trong quá trĩnh làm việc với Bộ Quốc phòng. Quà tôi dành gửi vợ con chỉ vẻn vẹn mấy dòng thư.

Cầm thư tôi nhờ chuyển giúp, Bách cười ngượng nghịu. Tôi đọc trong mắt và nụ cười của anh câu hỏi: Chỉ thế này thôi ư thủ trưởng?...

Không ngờ đó là lời chia tay cuối cùng giữa tôi và Bách. Bởi sau khi xong việc ở Hà Nội, trên đường trở vào, xe của anh vướng bom nổ chậm, và anh đã vĩnh viễn ra đi. Bách hy sinh, với tôi ngoài niềm thương cảm còn có sự nuối tiếc một cộng sự đắc lực, một cán bộ trẻ đầy hứa hẹn.

Để phần lớn lực lượng thiện chiến, sung sức ở lại tuyến, Bộ Tư lệnh chủ trương thử nghiệm vận tải cơ giới trong mùa mưa ở một số cung, gỡ một phần khó khăn cho chiến trường; qua đó kết luận một số vấn đề về khả năng vận chuyển cơ giới, sử dụng cầu đường trong mùa mưa; chuẩn bị cho năm 1969.

Lo xong việc tập kết ra Bắc, chúng tôi triệu tập ngay hội nghị, gồm số cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị trực thuộc ở lại tuyến. Nhìn khắp lượt anh em - những cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm và kinh nghiệm có thừa... về dự họp, tôi như vơi đi những trăn trở trước một quyết định mới. Về chủ trương thực nghiệm tổ chức vận tải cơ giới mùa mưa, đa phần anh em nhất trí; số ít không tỏ rõ chính kiến. Riêng Nguyễn Lạn - chính uỷ Binh trạm 41 không tán thành...

Hội nghị kết thúc, chia tay anh em xong, tôi nói với Tham mưu phó vận tải Nguyễn Chúc về ý kiến của anh Lạn:

- Ông "đồ Nghệ" này đã không đồng ý, phải dè chừng. Đây là một người ở trên tuyến nhiều năm, có cách tiếp nhận thực tế rất nhạy, thẳng thắn. Chúng ta cần lưu ý thêm về ý kiến đó.

Anh Nguyễn Chúc nói:

- Chúng ta chử trương làm thí điểm để nghiên cứu. Với kinh nghiệm thực tiễn, anh em chưa nhất trí là lẽ thường. Vấn đề cơ bản là trong quá trình thực hiện phải nắm vững diễn tiến tình hình, nếu quá khó, kém hiệu quả, phải cho dừng ngay.

Chúng tôi nhất trí theo hướng đó.

Thực hiện chủ trương nói trên, mùa mưa này lực lượng vận tải cơ giới hoạt động trên hai hướng chủ yếu là Trị-Thiên và Khu 5.

Những hướng khác kết hợp vận chuyển cơ giới và thô sơ. Chỉ tiêu vận chuyển từ tháng 4 đến tháng 10 suýt soát 3 vạn tấn. Đồng thời duy trì tốt hoạt động của tuyến giao liên hành quân, dự tính bảo đảm 34 nghìn quân qua tuyến.

Dự tính là như vậy, nhưng mọi tác động khách quan có những lúc diễn biến khôn lường.

Về địch, từ đầu tháng 4 năm 1968, sau khi Giôn-xơn "xuống thang", ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, gần như mọi cố gắng và đạn bom của hải lực, không lực Mỹ dồn "ưu tiên" cho vùng "cán xoong" nam phần Khu 4 và Tuyến 559, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) cho dồn tàu của lực lượng "Rồng biển" (Sea Dragon) trước đây vẫn rải ra bắn pháo dọc bờ biển miền Bắc, xuống phía nam, tăng cường pháo kích ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam qua vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tiếp đó, không lực Mỹ triển khai các chiến dịch "Sấm rền 57", "Hổ thép" (Steel Tiger)... huy động tối đa đạn bom hòng "làm mưa làm gió" ở khoảnh đất eo thắt nam vĩ tuyến 20 của ta và đất Lào, hy vọng chẹt các yết hầu hút hàng từ hậu phương vào chiến trường.

Vật chất do tuyến tiền phương Tổng cục Hậu cần (nay đã chuyển thuộc Tổng cục Hậu cần) tạo lập cho Tuyến 559 chắng được bao nhiêu, đặc biệt là xăng dầu. Xe đợi xăng như một cơ thể cạn kiệt sự sống cần từng giọt máu.

Khó khăn do địch ngăn chặn quyết liệt là rất lớn, nhưng nỗi kinh hoàng đối với người lính Trường Sơn lúc này không phải là bom, là đạn mà là "giặc trời".

Tháng 5, trời vào hạ. Suốt một dải Thanh - Nghệ - Tĩnh giờ đây nắng nhuốm đỏ đồng, chớm vào vụ gặt; trời nóng như nung.

Nhưng tây Trường Sơn thời tiết thật dữ dội. Đêm đêm sương xuống như mưa, lạnh buốt. Ban ngày, trời đang nắng chói chang bỗng chốc mây đen ập đến. Bầu trời như chiếc vung khổng lồ, đen sịt úp chụp lấy núi rừng. Rồi cả bầu trời trĩu nước bị "buông tuột". Mưa trắng rừng, xối xả, dữ dội. Nước từ trên các triền núi dồn xuống lòng đường, sông, suối, tạo nên những cơn lũ cuốn hung hãn. Ngay những khi đã ngừng mưa, thì những con đường tội nghiệp dài hàng trăm cây số như đường B45 từ ngã ba La Hạp đi Trị-Thiên, đường từ Lùm Bùm vào bắc Bạc... cũng biến thành những suối bùn.

Se hơn một chút, đất bazan ngậm no nước tạo thành chất keo thượng hạng, trơn nhẫy. Ở những điểm mà lính Trường Sơn gọi là "túi nước" tình hình còn tồi tệ hơn.

Dẫu đã lường khó khăn thời tiết, chúng tôi chỉ tổ chức đội hình vận chuyển nhỏ lẻ, dễ bề cơ động, và chỉ sử dụng xe ba cầu, nhưng kết cục cũng rất xấu. Do mặt đường không rải đá, ngấm nước dài ngày, nền yếu vô cùng. Xe chạy được mười ngày, hai vệt bánh xe đã là hai hào giao thông. Lái xe cay cú, gọi là "hai sông ba núi".

Công binh dồn sức chặt cây, đẵn cành chống lầy bằng cách rải rông-đanh, nhưng cũng không khắc phục nổi. Các loại xe đều bị lún lầy nằm la liệt, phải tổ chức kích kéo liên tục.

Trước tình hình đó, chỉ nửa tháng sau khi phát lệnh mở màn vận tải mùa mưa, chúng tôi quyết định tạm dừng vận tải cơ giới, tập trung giải quyết khâu cầu đường; đồng thời từng binh trạm căn cứ tình hình cụ thể, tổ chức vận tải bộ để bảo đảm nội bộ và gỡ một phần khó khăn về gạo cho chiến trường. Lệnh được truyền đi, lòng dạ tôi như có ai xát muối. Không khí sở chỉ huy im ắng khác thường. Cũng chính sự im ắng dó, mà tôi có cơ nghĩ lại ý kiến của anh Nguyễn Lạn hôm nào.

Cuối năm tình trạng đói gạo, "khát xăng" trên tuyến ngày càng trầm trọng do ta chưa giải toả được ách tắc giao thông từ sông Lam vào khu vực của khẩu đường 12 và đường 20. Gạo, có khi là tư lệnh, điều mà không ít tướng lĩnh từng trải trận mạc tâm đắc, giờ đây thật thấm thía đối với những người lính Trường Sơn và cả chiến trường.

Tình hình căng như dây đàn. Buộc chúng tôi bớt khẩu phần ăn của bộ đội, dành dụm gạo cho phía trước. Vốn dĩ tiêu chuẩn mỗi ngày của anh em không quá ba lạng gạo, lại phải "đào đất cất gỗ", nay bớt nữa, quả là thế cùng. Từ cơ quan Bộ Tư lệnh xuống binh trạm, bộ đội bươn bả ra bìa rừng, bờ suối, vỡ đất trồng rau, sắn, tìm kiếm rau rừng, đào củ mài, củ chụp... cứu đói.

Thời gian như ngừng trôi. Tôi luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bởi cái đói của bộ đội. Một sáng, tại sở chỉ huy, tôi nhận được thư của anh Nguyễn An - Tham mưu trưởng vận chuyển đang công tác ở các Binh trạm 35, 36 gửi về.

Trong thư, anh An kể: Bộ đội các binh trạm trong đó đã hàng mấy tháng rồi ăn hai lạng gạo mỗi ngày. Nhưng công tác và chiến đấu không vì thế mà kém hiệu quả. Bí quyết là trồng lấy rau, sẳn mà ăn, đặc biệt là sắn rất sẵn, nhờ chủ trương "ăn củ trả cây"5 mà Tuyến III thực hiện từ khi anh làm Tuyến trưởng. "Thực đơn" của bộ đội là: Sáng sắn, trưa măng, chiều cháo loãng. Sắn là "sâm Trường Sơn". Mà "sâm Trường Sơn" không bao giờ thiếu, kể từ khi bộ đội lật cánh sang phía tây.

Một lá thư, vài con chữ trau chuốt, dí dỏm, nhưng anh đã khái quát được hoàn cảnh, hoạt động của bộ đội Trường Sơn trong đó.

Anh An là một cán bộ chỉ huy vận tải cơ giới dày dạn kinh nghiệm, bất luận cả khi hoàn cảnh cam go, éo le, đều lạc quan - một phẩm chất quý, có sức thuyết phục đồng đội.

Vào những tháng ngày cùng đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ của mình, tôi từng chứng kiến biết bao việc làm bình dị mà trong sáng, cao thượng của những người lính Trường Sơn, của những dân nghèo người Việt, người Lào. Giờ đây, khi cuộc chiến đã lùi xa, nhân dân mình, đất nước mình đã bớt nhọc nhằn vì "đồng tiền bát gạo", nhưng mỗi lần nhớ lại, trong tôi lại trào dâng sự mến phục thương cảm đến nao lòng...

Trước những khó khăn rất lớn của chiến trường, của tuyến phía sau, và đoán biết mưu mô xảo quyệt của Mỹ, Quân uỷ Trung ương kịp thời có Nghị quyết 71/QUTW, khắng định: "Khi địch xuống thang ở miền Bắc, thì những cửa khẩu từ tuyến hậu phương sang Tuyến 559 sẽ là những trọng điểm địch tập trung đánh phá ác liệt".

Từ nhận định đó, Quân uỷ Trung ương cũng đã tính tới một số giải pháp để tạo chân hàng sâu hơn cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Từ cái thế khó khăn chồng chất khó khăn, nghe anh Đinh Đức Thiện điện vào trao đổi tinh thần chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương. Về việc phối hợp giữa Tuyến 559 và Tuyến 500 để giải toả vượt khẩu tôi xúc động nói: Thật là ý Đảng hợp lòng quân!

Anh Thiện cũng nói thêm:

- Nghe các cậu điện hối thúc gạo và xăng, bọn mình đứng ngồi không yên. Riêng tình hình xăng thì Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần đưa đường ống vượt sông Lam vào Hà Tĩnh. Chắc tình hình sẽ được cải thiện nay mai thôi...

Nghe anh Thiện "dãi bày", tôi càng thấm thía: Nỗi lo này đâu của riêng ai! Không chỉ tuyến Tiền phương Tổng cục Hậu cần mà cả hậu phương lo giải toả ách tắc khu vực vào cửa khẩu.

Cán bộ, chiến sĩ các Binh trạm 12, 14 tiếp giáp Tuyến 559 trần mình cùng chúng tôi gánh vác khó khăn.

"Nan giải quá - Chúng tôi đang tìm cách..." Câu trả lời mà tôi nhận được mỗi khi gọi điện hỏi Binh trạm trưởng Binh trạm 12 - Nguyễn Đàm và Binh trạm trưởng Binh trạm 14 - Hoàng Trá về xăng, về gạo. Quả thật, binh trạm nào cũng chạy đôn đáo lo tìm phương cách chuyển xăng, gạo vào tuyến. Sau này các anh gọi là "Chiến dịch đưa xăng vượt đỉnh lầy".

Binh trạm 12 có sáng kiến "cõng" xăng bằng ba lô ni lông. Lập tức, Tổng cục Hậu cần chuyển ngay vào 2.000 ba lô "cóc" kèm 4.000 mét ni lông. Một tiểu đoàn gần 500 con người cõng từng ba lô xăng vượt đèo La Trọng, đường 12... như đàn kiến khổng lồ tha mồi về tổ. Những con người suốt một mùa khô, tiếp một mùa mưa bám trụ kiên cường trên những nẻo đường, trọng điểm, giờ đây đang oằn lưng bởi những ba lô xăng. Những đôi chân dẻo dai, những con người tưởng như chai lỳ trước bệnh tật, vẫn không thoát được những cơn sốt rét rừng. Những tấm lưng bỏng rộp bởi sức nóng mặt trời miền nhiệt đới ngày hè và bởi bịch xăng đang như sôi lên bởi cái nắng đó... Sau một vài chuyến, ba lô bị mủn ra, lưng áo của người lính cũng mủn ra bởi nắng núi mưa ngàn, bởi đạn chặn, bom vùi. Và không biết có bao nhiêu tấm lưng bỏng rộp lên vì nhiễm độc xăng...

Những ba lô xăng được Binh trạm 12 chuyển vào cộng với số dự trữ ở khu vực Mụ Giạ cũng đã có chừng 50 tấn. Tôi lệnh cho Binh trạm 31 tìm cách đưa ngay số xăng này vào Lùm Bùm. Cán bộ, chiến sĩ binh trạm đã lập được chiến tích đặc biệt. Từ Mụ Giạ, công binh khéo léo ghép các phuy xăng lại thành mảng; cứ các "tay sào" lão luyện đưa mảng xuôi theo dòng Nậm Hơ về Nậm Ngo, tới Xiêng Phan. Từ đây, các phuy xăng được vần bộ vượt ba chục cây số vào Pác Pha Năng, chuyển qua sông Xê Băng Phai, lăn bộ hơn hai chục cây số nữa vào Tha Pa Chôn; Binh trạm 32 tiếp nhận, đưa về Lùm Bùm.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", kỳ tích chuyển xăng vượt lũ là vậy Một giọt xăng, hạt gạo vào chiến trường trộn lẫn, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao người. Một tấn xăng qua trọng điểm phải đổi tới hàng chục sinh mạng. Không thắng lợi nào mà không phải trả giá.

Thực tiễn hoạt động của tuyến trong mùa mưa năm 1968, đặc biệt là kết quả thực nghiệm vận chuyển cơ giới mùa mưa tây Trường Sơn cho chúng tôi biết cái giá phải trả của việc nắm không chắc quy luật thời tiết ở địa bàn Trường Sơn - một dạng thời tiết đặc thù, nghiệt ngã đối với người làm công tác vận tải trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Từ thực tế nghiệt ngã này, tôi rút ra kết luận: Vận tải trong mùa mưa ở Trường Sơn, nếu đường không rải đá tốt thì xe không thể chạy được, dù là xe ba cầu. Và thêm một lần nữa khẳng định lại điều chúng tôi đã nghiệm: Địch đánh chỉ tắc từng đoạn, còn trời "đánh thì tắc toàn tuyến".

Để khắc phục thời tiết nghiệt ngã trên Trường Sơn, từ đó có thể tổ chức vận tải cơ giới trong mùa mưa, vấn đề cơ bản đối với chúng tôi lúc này là xây dựng đường cơ bản.

Ngay sau khi quyết định cho ngừng vận tải cơ giới, tôi trực tiếp giao cho đồng chí phạm Diêu cùng cơ quan công binh khẩn trương hoàn thành phương án cầu đường chuẩn bị cho năm 1969. Là một tham mưu trưởng công binh có trình độ đại học chuyên ngành cầu đường và là người có trách nhiệm cao, nên chỉ một thời gian ngắn, Phạm Diêu đã trình Bộ Tư lệnh đề án với nội dung cơ bản là: rải đá trục dọc hiện có, hoàn thành trục dọc thứ hai từ tây Bạc đến đông A-tô-pơ, mở nhiều đường tránh trọng điểm; chuẩn bị các yếu tố để đầu năm 1969 mở tuyến vận tải cơ giới đông Trường Sơn từ Cầu Khỉ đi Bản Đông. Đối với các trục dọc đã có, chỗ nào mặt đường yếu, thì rải đá cục bộ. Sử dụng hai trung đoàn công binh cơ động hợp sức với công binh trạm thí điểm rải đá mặt đường 20 từ Ta Lê đến Đường 9 và từ Bản Đông đến La Hạp với tổng chiều dài 260 cây số, mặt đường rộng 8,5 mét. Nếu thực hiện được chỉ tiêu này cộng với khoảng 40 cây số đường 9 ta làm chủ, sẽ tạo được mạng đường cơ bản bảo đảm mùa khô tới nâng thời gian vận chuyển lên vài tháng.

Nghe anh trình bày xong dự án, tôi kết luận:

- Cái khó nhất của ta lúc này là gạo. Nhưng hiện tại gạo dự trữ vẫn còn. Dứt khoát đủ "nuôi" tăng cường hai trung đoàn công binh cho mặt trận cầu đường để có đường rải đá.

Thực nghiệm vận tải cơ giới mùa mưa không thành, ngoài nguyên nhân không nắm vững quy luật thời tiết, còn là hệ quả của cả một thờí gian khá dài ta chưa kết hợp chống lầy một cách cơ bản. Bởi vậy mỗi mùa khô, ta chỉ tận dụng được 5 tháng để vận chuyển.

Có được bài học thấm thía này, nên khi mở đường 16 từ Thạch Bàn (Quảng Bình) đi Bản Đông (Lào) chúng tôi cho rải đá ngay những quãng nền đường yếu để đầu mùa khô 1969 - 1970 có thể sứ dụng được ngay, tạo nên "gọng kìm" lợi hại giữa đường 16 và đường 20.

Công việc trì trệ. Mấy tháng mùa mưa với chúng tôi dài tựa hàng năm.

Ngày 13 tháng 9 năm 1968, hội nghị tổng kết hoạt động năm 1968 được tiến hành ở Na Bo, bắc đường số 9.

Hội nghị thống nhất đánh giá của Bộ Tư lệnh là mùa khô vừa rồi, trong nhiều cái "được" nổi trội nhất là toàn tuyến đã chuyển nhanh sang thế trận hiệp đồng binh chủng, lấy bộ đội vận tải làm chủ công, lấy binh trạm làm cấp chỉ huy bộ đội hợp thành. Mạng thông tin có bước phát triển nhảy vọt...

Các đại biểu cho rằng cái yếu cơ bản là do chưa quán triệt tư tường trường kỳ, chưa tích cực đầu tư cho xây dựng cơ bản cầu đường... Đặc biệt về đối phó với Mỹ - nguỵ nống ra A Sầu, A Lưới, do thiếu chủ động, ỷ lại Quân khu Trị-Thiên nên đã tổn thất cả về người và vật chất.

Về tình hình tới có liên quan trực tiếp đến Đoàn 559, chúng tôi cho rằng: Địch có thể tiếp tục "xuống thang" chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhưng bất luận khả năng nào dìễn ra thì chúng cũng sẽ đánh tuyến chi viện Trường Sơn ác liệt hơn. Trọng điểm đánh phá của không quân địch là các binh trạm cửa khẩu; ngoài ra cũng có khả năng bộ binh địch nống ra chặn cắt, chốt giữ một số nơi trọng yếu Vì vậy, cùng với đánh địch đường không, cần chú trọng tác chiến mặt đất. Phải xây dựng thế trận vận chuyển vững chắc, trước tiên là thế trận cầu đường. Nhanh chóng khôi phục đường cũ bị địch và mưa lũ phá hoại, mở thêm nhiều đường vòng tránh trọng điểm, làm thẽm đường mới, đặc biệt là đường rải đá; phá thế độc đạo ở trục chính.

Suốt tuần trời mưa tầm tã. Công sự, giao thông hào khu vực sở chỉ huy ngập nước. Lính Trường Sơn "sống chung" với mưa ngàn, suối lũ là chuyện thường. Chỉ ái ngại cho một số nhà văn, nghệ sĩ, anh chị em đoàn chèo Hà Nam lặn lội vượt hàng nghìn cây số đường trường, "đội" bom đạn vào phục vụ. Thật vô cùng cảm động!

Trong nhà hầm, dưới ánh đèn điện sáng choang, làn điệu chầu văn vẫn vang lên réo rắt. Tà áo "mớ ba mớ bảy" của những nữ diễn viên quê đất đồng chiêm hiện diện nơi đây có sức gợi cảm lạ thường... Tất cả như đều hướng tâm tưởng của những người lính chúng tôi trở về với những miền quê xa có cây đa, bến nước, sân đình; có mẹ già thời gian nhuốm bạc mái đầu, có người vợ tần tảo "hai sương một nắng".

Cảm ơn nhà văn Chu Văn, nhà thơ Chính Hữu... và những nghệ sĩ của đồng quê đã tiếp thêm cho chúng tôi sức lực của hậu phương, của quê nhà...

Hội nghị kết thúc. Mưa chưa tạnh. Nhưng không cán bộ cơ sở nào ở lại. Chia tay, nhìn anh nào anh nấy ngồi xe ba cầu vượt lũ, trong tôi trào dâng cảm xúc vừa bùi ngùi vừa phấn chấn khó tả.

3

Tháng 10, tháng kết thúc mọi việc chuẩn bị cho kế hoạch chi viện năm 1969. Tuy chưa thắng được "giặc trời" được lũ, nhưng nhờ ở lại tuyến mùa mưa, nên chúng tôi nắm chắc tình hình. Đây là một lợi thế chưa có tiền lệ. Khó khăn lớn nhất lúc này là địch đánh phá, ngăn chặn ngày càng thêm quyết liệt.

Từ tháng 4 năm 1968, sau bước xuống thang, thu hẹp phạm vi lánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào, không quân, hải quân Mỹ đã tạo nên ở vùng "cán xoong" Khu 4 nhiều "tam giác lửa". Tạp chí "Không quân" của Mỹ lúc đó đã đưa ra những con số khá cụ thể: "Trên một diện tích hẹp bằng một phần tư toàn miền Bắc, số trận ném bom tăng 2,6 lần, mật độ bom đạn tăng lên 20 lần".

Tháng 8 - tháng 9, cao điểm mùa mưa. Địch đánh, trời đánh làm cho giao thông vận tải Khu 4 trở thành mặt trận vô cùng nóng bỏng.

Tháng 7 năm 1968, Bộ Tư lệnh bảo đảm giao thông vận tải Khu 4 được thành lập do anh Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh. Ba tháng sau, ngày 28 trláng 10, Bộ Tư lệnh 500 - tương đương Đoàn 559, ra đời thay tiền phương Tổng cục Hậu cần. Các anh Nguyễn Đôn, Lê Quang Đạo, Hồng Kỳ, Đoàn La được giao trọng trách tổ chức kha, thông "nút cổ chai" Khu 4.

Như vậy, Tổng hành dinh quyết định tung vào "tuyến lửa" những tướng lĩnh đã từng dạn dày lửa đạn.

Về địch, để thực hiện mục tiêu bóp nghẹt, đưa chiến tranh cách mạng miền Nam "tới chỗ lụi tàn", có biết bao chiến lược gia, biết bao "bộ óc điện tử" của Nhà Trắng ồn ào tranh cãi và cuối cùng đi tới quyết sách "bỏ diện, chọn điểm, chọn và chặn bằng được "yết hầu" của tuyến đường Hồ Chí Minh.

Ngày 1 tháng 11 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc và chấp nhận hội đàm bốn bên tại Paris để bàn về chiến tranh ở Việt Nam.

Việc Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc là cơ hội để miền Bắc, đặc biệt là Khu 4 khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và dồn sức chi viện cho chiến trường.

Từ Trường Sơn, hướng về đất Bắc, tôi hình dung cuộc sống của người dân tuyến lửa Khu 4 từ lâu chuyển vào hầm, xuống chiến hào, địa đạo để giữ mình và đánh địch, nay ùa cả lên, ngân vang giai điệu ""Trời của ta, đất của ta..."

Quả đúng vậy, qua điện thoại, tôi được anh Đôn, anh Đạo cho hay: Chỉ một tuần sau khi địch ngừng đánh phá, hàng vạn bộ đội thanh niên xung phong, dân công... ở Khu 4 đã khai thông những trục đường trọng yếu. Các phương tiện vận tải của Nhà nước và Bộ Quốc phòng đều được huy động đưa hàng ra phía trước. Bộ Tư lệnh 500 chỉ đạo các binh trạm hối thúc quân tiến vào khu vực cửa khẩt đường 12 và 20 để lập chân hàng cho chúng tôi.

Nhưng, đúng như phán đoán của ta. Ngừng ném bom miền Bắc kẻ địch đã dồn bom đạn tiến hành một chiến dịch đánh phá có tính chất huỷ diệt khu vực cửa khẩu.

Những ngày có gió mùa đông bắc, đường, rừng... một màu trắng đục Đi thị sát thực địa vào ban ngày, qua một vài đỉnh dốc, xe tôi phải bật đèn vàng.mới lần ra đường, để dò dẫm vượt dốc. Tuy vậy, cũng có nhiều giờ, nhiều ngày trời hửng nắng; không quân Mỹ chớp thời cơ đó để trút bom xuống tuyến đường.

Ba ngày sau khi Giôn-xơn tuyên bố ngừng đánh phá miền Bắc, địch đã huy động một lực lượng lớn máy bay chiến lược B.52 và các loại cường kích ồ ạt tập kích cửa khẩu đường 12 và đường 20. Mục tiêu chính là trọng điểm Xiêng Phan (đường 12) và tập đoàn trọng điểm cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích (ATP) trên đường 20. Chọn Xiêng Phan và ATP làm tâm điểm đánh phá, kẻ địch đã điểm đúng hai trong số những "huyệt" xung yếu nhất của Đường Hồ Chí Minh.

Bởi mọi nguồn hàng từ hậu phương phải lọt qua hai trọng điểm này mới vào được Tuyến 559. Vả lại đây thật sự là hai yếu điểm, nếu địch đánh tắc và khống chế mạnh, nếu ta khắc phục theo kiểu bị động, "cay cú" - bị đánh ở đâu, khắc phục ở đó, không chủ động mở đường vòng, đường tránh thì sẽ biến thành công "dã tràng".

Suốt một tuần địch cho máy bay B.52 ném bom rải thảm và các loại cường kích đánh phá, thung lũng Xiêng Phan luôn như vạc lửa. Hơn một vạn quả bom trút xuống gần như xoá sổ con đường duyên dáng men theo sông Pha Nốp, kẹp giữa hai dãy núi đá. Còn lại chỉ là những cồn đống lồi lõm và những túi nước khổng lồ. Tổn thất về người cũng không nhỏ. Không ít sự mất mát vô cùng thương tâm mà đơn vị báo về làm chúng tôi không ai cầm lòng được. Điển hình là vụ 12 chiến sĩ chốt giữ trọng điểm, tránh bom trong hang đá, bị bom đánh sập. Núi đá đã thành nấm mồ vĩnh hằng của những con người quả cảm vô song này...

Ở hướng đường 20, tập đoàn trọng điểm ATP suốt một tuần cũng không khác gì một sa mạc lửa. Đèo Phu La Nhích, cua chữ A, ngầm Ta Lê hứng chịu gần 5 vạn quả bom. Thử hỏi có thứ đường nào, ngầm gì tồn tại được bởi sức công phá của lượng nổ khổng lồ đó?

Sau chiến dịch sử dụng máy bay B.52 ném bom rải thảm, địch cho máy bay trinh sát và cường kích đánh cầm canh; khống chế, không cho ta khắc phục. Cả hai trục gần như tê liệt. Tháng mở đầu mùa khô gần như qua đi trong bế tắc. Biết bao đợt "đột kích", "tổng công kích" rầm rập người và xe đã diễn ra vào thời gian này năm trước mà giờ đây im ắng đến lạnh lùng. Cả nghìn chiếc xe đã vào tuyến nằm chết lặng đợi hàng, chờ xăng. Bộ đội lại tiếp tục bớt khẩu phần ăn... Bộ Tư lệnh 559 như đứng, ngồi trên lửa. Liên tục suốt ngày đêm tôi điện liên lạc với Bộ Tư lệnh 500, hỏi tình hình giải toả cửa khẩu. Anh Đôn và anh Đạo đều trả lời đã dồn mọi khả năng cho Binh trạm 12 và Binh trạm 14.

Giải toả trọng điểm là yêu cầu sống còn đối với Tuyến 559 lúc này. Bằng kinh nghiệm thực tế, ngay từ đầu, chúng tôi quyết định chọn giải pháp kết hợp mở đường tránh với khôi phục đường chính bằng sức mạnh tổng hợp. Sau khi hạ quyết tâm, tôi phái ngay Tham mưu phó công binh Nguyễn Văn Kỷ xuống giúp Binh trạm 31 giải toả Xiêng Phan; tăng cường cho binh trạm hai tiểu đoàn công binh trang bị bốn máy húc, 200 tấn thuốc nổ, với quyết tâm thông đường trong vòng 7 ngày.

Việc giải toả tập đoàn trọng điểm ATP, ngoài cái khó là phạm vi oanh tạc của địch rộng, địch khống chế gắt gao, còn do sự xáo trộn về tổ chức của ta.

Để san sẻ gánh nặng cho Đoàn 559, từ tháng 11 năm 1968, trên giao cho Binh trạm 14 quản lý cung đường từ bờ bắc sông Ta Lê ra hết cua chữ A, trước đây thuộc Binh trạm 32. Chính quyết định đầy tính thiện chí này đối với 559, đã biến sông Ta Lê thành một nhát cắt, phá vỡ thế liên hoàn của ATP.

Trong thế nước sôi lửa bỏng này, Bộ Tư lệnh 500 vừa chân ướt, chân ráo vào, làm sao đủ thời gian tìm hiểu, đánh giá đúng tình hình để có quyết sách phù hợp. Thực tế gần đúng như vậy.

Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập dưới sự chủ trì của Bộ Tư lệnh 500, gồm cán bộ chủ chốt các cơ quan tham mưu, công binh, Binh trạm 12, Binh trạm 14 và Ban 67 thuộc Bộ Giao thông bàn tìm cách giải toả trọng điểm. Nói là hội nghị của Bộ Tư lệnh 500, nhưng Bộ Tư lệnh 559 thấp thỏm, nóng lòng, hy vọng. Từ trong tuyến, tôi được tin; trong hội nghị có hai loại ý kiến, cuối cùng Bộ Tư lệnh 500 nghiêng về số đông quyết định làm đường tránh để giải toả cửa khẩu.

Mùa khô thoáng đã qua mất hơn một tháng. Giải pháp trên là đúng. Phải vừa mở đường tránh, vừa khôi phục đường chính, ngầm chính, vừa tổ chức nghi binh giỏi. Công binh, cao xạ, xe máy của hai Bộ Tư lệnh phải tập trung cao độ, chỉ huy chặt chẽ, đồng loạt đột kích khôi phục đường cũ, mở mới hai đường tránh. Dù chỉ vận chuyển bằng cơ giới mười ngày cũng hơn gùi thồ cả năm.

Sau đó, anh Nguyễn An - Tham mưu trưởng vận tải thay mặt Bộ Tư lệnh 559 trực tiếp ra làm việc với Bộ Tư lệnh 500. Cùng lúc, tôi gọi điện về báo Quân uỷ Trung ương và Thủ trưởng Bộ đề nghị tổ chức giải toả nhanh trọng điểm theo phương án nói trên. Bộ nhất trí hoàn toàn. Việc khẩn trương mở toang cửa khẩu, chi viện cho chiến trường là yêu cầu cấp bách.

Hai ngày sau, Bộ điện vào giao cho Đoàn 559 phụ trách giải toả toàn bộ tập đoàn trọng điểm ATP, từ cây số 68 đường 20 trở vào.

Liền đó, anh Đinh Đức Thiện cấp tốc vào truyền đạt quyết định này cho Bộ Tư lệnh 500. Sau khi làm việc với anh Thiện, anh Lê Quang Đạo gọi điện cho tôi, thống nhất một số việc cần tiến hành ngay để đồng bộ khớp nối giữa hai tuyến. Trước khi đặt máy, anh Đạo còn nói thêm, hết sức chân tình: Diện địch đánh huỷ diệt quá rộng, thời gian lại gấp, do chưa nắm chắc địa bàn và mọi diễn biến địch tình, Đoàn 500 chưa với sâu vào phía trong được. Có lẽ, kinh nghiệm chống chiến tranh ngăn chặn ở Trường Sơn khó ai vượt được Bộ Tư lệnh 559.

Tôi trả lời anh:

- Kinh nghiệm là quan trọng, nhưng phải có sức mạnh của cả Tuyến 559 và Bộ Tư lệnh 500 mới giải quyết được.

Chủ trương và biện pháp giải toả trọng điểm đã thống nhất.

Đảng uỷ 559 họp phiên bất thường bàn cụ thể một số nhiệm vụ với quyết tâm ngày 5 tháng 12 giải toả xong Xiêng Phan và mười ngày sau giải toả ATP.

Trong khi chưa giải toả xong cửa khẩu phía bắc, chúng tôi quyết định mở ngay một đợt đột kích vận tải nhỏ, gom số hàng dự trữ còn lại, kết hợp với nguồn hàng anh Đinh Đức Phương tổ chức khai thác hướng "Xê tư" chuyển ngay cho Khu 5 và Tây Nguyên.

Trên tinh thần đó, mấy anh em trong Bộ Tư lệnh chia nhau đi "đốc chiến" các hướng.

Ngày 15 tháng 11, sau khi cử anh Nguyễn Lang vào trực tiếp chỉ đạo các Binh trạm 36, 3 7, 44 ở tuyến cuối, tôi cùng Tham mưu trưởng công binh Phạm Diêu, Phó phòng bảo đảm giao thông Đinh Hào xuống Binh trạm 32.

5 giờ sáng, đường rừng chưa rõ mặt người, chúng tôi đã có mặt ở sở chỉ huy binh trạm và kéo chỉ huy binh trạm ra luôn tập đoàn trọng điểm ATP. Vượt đèo Phu La Nhích, qua ngầm Ta Lê, mấy anh em leo lên đỉnh một ngọn đồi khá cao gần dãy Cu Xê Bao để quan sát cua chữ A. Toàn cảnh khu vực rộng 16 cây số vuông là một vùng "tử địa". Một bãi hố bom khổng lồ. Những quả đồi bị bóc hết cây cối, trơ từng mảng lớn đất bazan đỏ như tiết... Hàng chục cặp mắt cố dõi xa, mong tìm lấy một mảnh rừng hiếm hoi còn sót lại có thể mở một lối đi kín, nhưng vô vọng. Đồi, rừng chỉ còn vài gốc cây bị chém phạt toác ra từng mảng, tưa tướp, gãy gục... Chục mái đầu chụm lại trên chính "tử địa" này, bàn tìm một giải pháp tối ưu.

Sau một lúc trao đi, đổi lại, tôi kết luận:

- Cần tập trung lực lượng, phương tiện, vừa khôi phục đường chính, vừa mở nhiều đường tránh, ngầm phụ; hiệp đồng chặt chẽ bộ đội hợp thành bảo đảm các công trình hoàn thành cùng lúc, quyết mở toang cửa khẩu Bộ đội vận tải cơ giới phân tán nấp kín đáo, bí mật tiếp cận trọng điểm, sẵn sàng chờ lệnh.

Liền đó, tôi quyết định thành lập ban chỉ huy giải toả trọng điểm, và cử Chính uỷ Binh trạm 82 Phan Hữu Đại làm chỉ huy trưởng. Tham mưu trưởng công binh Phạm Diêu thay mặt Bộ Tư lệnh ở lại trực tiếp đốc chiến.

Trước lúc rời trọng điểm, tôi nói với Đỗ Xuân Diễn - nay là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 38 công binh đảm trách cua chữ A:

- Đồng chí hãy trải ni lông tại công sự - đường "cua" ngủ, nghỉ và chỉ huy bộ đội; bằng mọi giá phải thông đường theo kế hoạch.

Diễn cười - vẫn nụ cười xởi lởi, chắc nịch, và nói:

- Thủ trưởng yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng. Nhưng cũng phải có thêm máy húc, ít nhất là bốn - năm chiếc.

- Được thôi! Tối nay, hoặc chậm là ngày mai, các đồng chí sẽ có thêm máy húc và hai tiểu đoàn công binh tăng cường, Bộ Tư lệnh đã tính cả rồi - Tôi trả lời.

Phương hướng, biện pháp giải toả ATP tạm ổn, tôi không quay về Bộ Tư lệnh vội, mà đi tiếp theo đường 20. Ngược ra phía ngoài, cơ man là xe nặng hàng vào, nguỵ trang, ẩn nấp chờ đường. Không giải toả được trọng điểm kịp thời, thật có tội với đồng chí, đồng đội; có tội với chiến trường. Đến A Ky, Cà Roòng, nhìn cảnh tượng xe ùn tắc, lòng tôi như lửa đốt. Tôi gọi điện cho các anh Vân, An... cho Binh trạm 32; giục, dồn sức giải toả bằng được ATP, sớm được giờ nào quý giờ đó.

Ở hướng đường 12, việc giải toả Xiêng Phan cũng không kém phần khốc liệt như ATP. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ kiên cường trụ bám trọng điểm, bất chấp mưa bom, bão đạn, quyết giành giật với địch từng mét đường.

Để chia lửa với các binh trạm tuyến ngoài, chúng tôi chỉ đạo lực lượng phòng không trên tuyến triệt để tranh thủ mọi nơi, mọi lúc đánh địch, căng kéo địch ra, giảm mật độ bom đạn chúng trút xuống Xiêng Fhan và ATP.

Ngày 5 tháng 12, trọng điểm Xiêng Phan được giải toả. Ta khôi phục xong trục chính và mở đường tránh từ bắc trọng điểm vào tới Xóm Péng, dài 10 cây số. Và nửa tháng sau, ngày 20 tháng 12, ta giải toả nốt tập đoàn trọng điểm ATP với ba trục vượt khẩu dài 48 cây số. Ngầm vượt sông Ta Lê được mở thành ba ngầm, tôn cao bởi khoảng 3.000 mét khối đá. Ban chỉ huy bộ đội hợp thành: bộ đội cao xạ, công binh, vận tải, thông tin, trạm cấp cứu quân y... được xây dựng đồng bộ trên mỗi trọng điểm.

Giây phút lịch sử mà chúng tôi phấn đấu, đợi chờ cháy lòng đã đến. Tôi quyết định phát lệnh vượt khẩu. Mấy trăm chiếc xe chất đầy hàng, dồn dập vượt trọng điểm. Mưu đồ bịt cửa khẩu của địch, hòng chẹn "yết hầu" Đường Hồ Chí Minh đã hoàn toàn bị phá sản.

Dĩ nhiên, để giải toả trọng điểm, gần hai trăm cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại chính nơi này. Máu xương của các anh, các chị đã hoà vào đất đá, cỏ cây, sông suối, mây trời Trường Sơn, nâng bước những đoàn quân tiến ra phía trước.

Với việc giải toả thành công hai trọng điểm ác liệt Xiêng Phan Yà ATP đầu năm 1969, bộ đội Trường Sơn có thêm bài học quý giá về đánh giá địch-ta, về tổ chức bộ đội hợp thành, tổ chức chiến đấu xây dựng, bâo vệ trọng điểm.

Tuy vậy sự cố Xiêng Phan và ATP kéo dài hàng tháng cũng đặt ra những vấn đề mà tôi thấy cần xem xét, đánh giá thật khách quan.

Làm cách mạng, tiến hành một cuộc chiến tranh cách mạng, tương quan lực lượng giữa ta và đối phương đâu phải là một hằng số bất biến; theo đó, thắng bại là lẽ thường. Tuy vậy, một trong những nguyên nhân để cho ách tắc ở cửa khẩu đường 12 và đường 20 lần này kéo đài, hạn chế kết quả vận chuyển chi viện, là: thế trận liên hoàn đã bị chặt làm đôi, dẫn tới chỉ huy thiếu thống nhất, khớp nối không đồng bộ. Đây là vấn đề có tác động của khách quan. Nhưng chủ yếu vẫn là chủ quan.

***

Đầu tháng 1 năm 1969, tôi cùng anh Nguyễn Đôn ra Hà Nội báo cáo Quân uỷ Trung ương và Bộ về chủ trương, giải pháp tháo gỡ ách tắc khu vực cửa khẩu, giành thắng lợi trên mặt trận vận chuyển chi viện chiến lược, đồng thời nhận chỉ thị mới về nhiệm vụ những tháng cuối mùa khô. Các anh trong Thường trực Quân uỷ đánh giá cao cố gắng của Đoàn 559 và Đoàn 500 trong việc "lật ngược thế cờ" ở cửa khẩu đường 12 và đường 20.

Kết thúc một tuần làm việc ở Hà Nội, trên đường vào tuyến, đến sở chỉ huy cơ bản tại Na Bo, bắc đường số 9, chúng tôi tiến hành hội nghị Đảng uỷ bất thường, quán triệt chủ trương mới của Quân uỷ Trung ương, quyết định tiến hành "Tổng công kích". Bất cứ tình huống nào cũng phảì đưa vào đường 9 mỗi tháng vạn rưỡi tấn hàng. Chớp thời cơ địch bị "hút" vào các trọng điểm phía bắc, các đơn vị tranh thủ vận chuyển chi viện cho các hướng, ưu tiên Trị-Thiên và Khu 5. Chúng tôi tiếp tục quán triệt yêu cầu trong tổng công kích, cán bộ phải có tác phong 5 trực tiếp: Chỉ huy binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội trực tiếp dẫn đầu đoàn xe, có cờ hiệu... nhằm động viên sĩ khí của bộ đội.

17 giờ ngày 14 tháng 1 năm 1969, khi những triền rừng nhuốm màu hoàng hôn, tổng đài sở chỉ huy mở hết kênh, phát lệnh "xuất kích". Lệnh được truyền đồng loạt tới 11 binh trạm, 6 trung đoàn...

Hơn bốn vạn quân được tung vào trận trong đội hình chiến đấu binh chủng hợp thành. 15 tiểu đoàn ô tô vận tải từ nhiều tuyến, nhiều hướng đồng loạt tiến về phía trước...

Phát hiện ta mở chiến dịch vận tải quy mô lớn, địch vừa tập trung đánh phá các trọng điểm, vừa ráo riết săn lùng đội xe. Trên bầu trời, dọc theo các trục đường, máy bay OV2, OV10, C130 được trang bị khí tài đặc biệt, quần lượn tìm xe, tìm người. Đồng thời, với chương trình "Dùng máy thay người", địch đã trút xuống khắp nẻo đường rừng, dọc hành lang Tuyến 559 hàng vạn khí tài trinh sát điện tử: từ máy cảm ứng địa chấn (bộ đội thường gọi là "Cây nhiệt đới"), tới máy cảm ứng âm thanh (Spike Bouy) và máy thu cả âm thanh lẫn tiếng động... Những khí tài phục vụ cho việc giết người này được đối phương gọi là "Người gác đường cần mẫn". Đúng là 24/24 giờ, bất chấp mọi thời tiết, những "người gác đường" đón bắt tín hiệu, truyền báo cho một "trung tâm chống thâm nhập" xử lý, xác định số lượng, hướng xe đi, bộ đội hành quân, và cho máy bay đến đánh phá...

Với cái nhìn đầy tính chủ quan, Mỹ cho rằng, những khí tài này đã giúp chúng phát hiện xe nhiều gấp bốn lần so với các phương tiện trinh sát khác trên Đường Hồ Chí Minh.

Về ta, khi chưa tìm được cách khắc phục, các đơn vị trên tuyến cho biết ở những quãng đường xe hay bị đánh, đều phát hiện rất nhiều "Cây nhiệt đới".

Về vũ khí nếu những năm trước, không quân Mỹ chủ yếu đánh bằng bom phá, bom sát thương..., thì mùa khô này, địch sử dụng phổ biến các loại bom tự động, mìn vướng nổ... Đặc biệt, bom từ trường - đối phương mệnh danh là "kẻ huy diệt" được sử dụng ngày càng tăng.

Thủ đoạn đánh của địch vô cùng thâm hiểm: phá hoại đường trước, sau đó rải tiếp bom từ trường, bom bi, mìn vướng nổ... để cản trở ta khắc phục, sát thương người và ngăn chặn xe.

Với những thủ đoạn đánh phá vô cùng nham hiểm và sử dụng vũ khí, khí tài tối tân, hiện đại, Mỹ đã huy động tối đa khả năng của nền công nghiệp quân sự Mỹ - một đất nước có nền khoa học công nghệ thuộc loại cao nhất thế giới vào cuộc chiến, biến Trường Sơn của Việt Nam thành chiến trường thực nghiệm chiến tranh "tự động hoá" "điện tử hoá", "hoá học hoá" nhằm hai mục đích: Phát hiện mục tiêu trong đêm tối và trong rừng rậm; tiêu diệt mục tiêu bằng các loại vũ khí, bom đạn chính xác thuộc thế hệ mới.

Như vậy, cuộc chiến tranh ngăn chặn đối với Tuyến 559 - Đường Hồ Chí Minh, đã được Nixon, người kế nhiệm Giôn-xơn đẩy lên một nấc thang mới, từ ngăn chặn bằng bộ binh với những giải pháp, vũ khí thông thường, đến ngăn chặn bằng chiến tranh "tự động hoá", "điện tử hoá", "hoá học hoá", và tiến tới sẽ là chiến tranh tổng lực. Không nắm bắt được diễn biến này, sẽ khó thấy được nét đặc thù của cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh.

Cường độ đánh phá tăng đột biến, thay đổi thủ đoạn và sử dụng vũ khí khí tài huỷ diệt tối tân, thời gian đầu, địch đã gây cho tuyến nhiều khó khăn, tổn thất. Từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 2 năm 1969 đã có tới gần 500 cán bộ, chiến sĩ thương vong. Chính uỷ Binh trạm 35 - Nguyễn Tuấn, Chính uỷ Binh trạm 36 - Phụng Kỳ hy sinh trên đường công tác. Binh trạm trưởng Binh trạm 33 - Nguyễn Vinh cùng Binh trạm phó Nguyễn On hy sinh tại sở chỉ huy binh trạm. Cuối tháng 8 năm 1969, trong một ngày, B.52 ném bom rải thảm ba lần vào sở chỉ huy Bộ Tư lệnh. Nhưng nhờ hệ thống địa đạo được cấu trúc kiên cố trong lòng núi, nên thương vong cũng không đáng kể...

Đối phó với thủ đoạn đánh phá mới của địch, chúng tôi lệnh cho các đơn vị cao xạ chốt giữ trọng điểm tập kích hoả lực đánh tiêu diệt các loại máy bay thả phương tiện trinh sát điện tử và máy bay cường kích ném bom hỗn hợp, kết hợp xây dựng công sự kiên cố; đưa nghi binh lừa địch lên đỉnh cao6. Khi địch đánh mạnh tuyến nào, hướng nào thì nghi binh "mời" chúng vào hướng đó, tuyến đó; nhanh chóng vu hồi, lật cánh đội hình vận chuyển sang hướng khác, để giữ vững sức đột kích liên tục theo thê đội.

Trong thời điểm tác chiến phòng không diễn ra hết sức gay go, quyết liệt Bộ Tư lệnh 559 được tăng cường Tham mưu phó phòng không Ngô Huy Biên; các anh Vũ Thành, Trần Trung Tín, Trần Bưởi, Phạm Lê Hoàng, Nguyễn Văn Tiệp, Trần Bút... Đây là những sĩ quan chỉ huy phòng không sung sức, có kinh nghiệm.

Một nhóm cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, gồm các anh Hoàng Đức Dụ, Thái Quang Sa, Chử Ngọc Bích, Nhâm Xuân Coóng... kịp thời được phái vào phối hợp cùng công binh Trường Sơn nghiên cứu tìm cách vô hiệu hoá các thủ đoạn chiến tranh tự động hoá, điện tử hoá của địch.

Sau hàng tháng trời lao đao với những thủ đoạn đánh phá và khi tài, vũ khí mới của địch; cuối cùng "vỏ quýt dày" cũng có "móng tay nhọn".

Tháng 2 năm 1969, năm chiếc xe phóng từ đầu tiên - một công trình khoa học kỹ thuật quân sự nổi tiếng được Viện Kỹ thuật quân sự đã cho ra đời, một loại khí tài rất lợi hại để phá bom từ trường được tung vào Trường Sơn.

Những "tay lái" lão luyện ở Trường Sơn đón nhận khí tài này với ánh mắt đầy vẻ tự tin. Có xe, chúng tôi cho thử nghiệm phá bom, giải toả ngầm Ta Lê và trọng điểm Văng Mu. Mấy anh em trong Bộ Tư lệnh có mặt trong trận đầu ra quân này.

Xuất phát! Lệnh của chỉ huy trọng điểm vang, đanh trong cái im lặng đến nghẹt thở. Lập tức tiếng máy xe gầm rú. Hàng trăm cặp mắt căng ra dõi theo từng vòng bánh quay, nghiến ken két xuống mặt đường. Chiếc xe phóng từ dẫn đầu đội hình xe vận tải tiến vào bãi bom từ trường. Rồi liên tiếp hàng loạt bom phát nổ khi còn cách đầu xe gần trăm mét. Đội hình xe tiếp cận và vượt qua an toàn. Cũng có trường hợp bom nổ quá gần, xe phóng từ bị lật nhào, hỏng hóc. Chiếc khác khẩn trương vào thay.

Khi chúng tôi phát động "Tổng công kích" đợt 2, Bộ tăng cường 25 xe. phóng từ.

Những "kẻ huỷ diệt" đã bị huỷ diệt. Cùng với nó, những khí tài trinh sát điện tử khác cũng dần dần bị vô hiệu hoá. Có khi chỉ bằng những giải pháp vô cùng giản đơn. "Cây nhiệt đới" muốn thu tiếng động, ta cho nổ máy nghi binh; và cứ thế, từng đoàn máy bay địch kéo đến trút bom xuống những cánh rừng hoang vô tội. Khi địch thả mìn lá, máy húc của ta có lắp càng phía trước dọn đường, làm mìn nổ như pháo tép: Bằng việc vô hiệu hoá "kẻ huỷ diệt", "bom khôn ngoan" và "Những người gác đường cần mẫn"..., Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thắng lợi việc gắn kỹ thuật với chiến thuật, phát huy cao độ, không chỉ ý chí quật cường và cả trí thông minh sáng tạo của con người Việt Nam để chiến thắng nền khoa học quân sự phi nhân tính của Mỹ.

Phải dốc lực giải toả cửa khẩu đường 12 và đường 20 ách tắc nhiều ngày đầu mùa khô; tiếp đó lại lao đao hàng tháng bởi thủ đoạn đánh và khí tài mới của Mỹ, thực tế thời gian "sống" để vận chuyển chi viện mùa khô này thật ít ỏi. Chúng tôi quyết định triệu tập hội nghị quân chính bất thường để thống nhất chủ trương mở chiến dịch vận tải "nước rút". Vào hội nghị, Phó tư lệnh báo cáo tình hình địch đánh phá hết sức khốc liệt, kèm theo là một tập điện yêu cầu chi viện của các chiến trường.

Tham mưu trưởng vận tải kiến nghị đã đến lúc cần sử dụng lực lượng có giới dự bị và đề nghị Tổng cục Hậu cần đưa nhanh đường ống xăng dầu vượt Mụ Giạ vào Na Tông, Binh trạm 31. Trưởng phòng giao liên-hành quân báo cáo tình hình sắp tới quân sẽ vào cả mùa mưa, cần chủ động kế hoạch bảo đảm... Việc nào cũng cấp thiết; vấn đề nào cũng cốt tử!

Kết luận hội nghị, tôi đặc biệt lưu ý cơ quan cần phối hợp với đơn vị giải quyết những vấn đề bức bách nhất; cần nắm lại lượng gạo, muối, thuốc chiến thương... để vận chuyển "cấp cứu" cho chiến trường. Trước mắt, cần bảo đảm các nhu cầu cho Sư đoàn 2 Khu 5 đứng chân ở nam đường 9 và hơn một vạn quân của Trị-Thiên ở khu vực Động Con Tiên.

Tôi nhấn mạnh điều này, bởi trước khi vào hội nghị, chỉ huy Binh trạm 34 báo cáo anh Hoàng Văn Thái - nguyên Tư lệnh Đoàn 559 - nay là Phó Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên, trong một lần gặp chỉ huy binh trạm đã nói những lời như rút ra từ gan ruột:

- Chúng ta ở đây đói gạo còn có sắn, có rau. Nhưng các đồng chí chúng ta ở vành đai khó khăn hơn nhiều. Lúc này, vận tải có tính quyết định, có đánh được địch hay không là vận tải.

Ai đã từng nếm trải cảnh khó khăn này mới cảm thông, sẻ chia tâm trạng của người phụ trách công tác hậu cần ở chiến trường.

Hội nghị kết thúc. Cán bộ cơ sở tất tưởi, gấp gáp trở về đơn vị với bao nỗi lo toan: địch đánh, lũ phá, cứu đói... Bộ Tư lệnh phân công nhau toả xuống các địa bàn, trọng điểm xung yếu, cùng các đơn vị giành giật với địch, với trời chút thời gian ít ỏi còn lại của mùa khô khốc liệt này.

Lúc này địch không "say" trút đạn bom vào các trọng điểm cửa khẩu như trước, mà chuyển sang đánh toạ độ và tăng cường B.52 ném bom rải thảm. Nhưng rồi, "địch cứ đánh, ta cứ đi". Bởi ta đã mở được nhiều đường vòng tránh. Bộ đội vận tải tận dụng tối đa yếu tố "thiên thời", tranh thủ trời mù, trần mây thấp, để chạy lấn sáng, lấn chiều. Đặc biệt, với quyết định táo bạo của anh Đinh Đức Thiện và cố gắng nỗ lực của bộ đội xăng dầu Trường Sơn, từ cuối tháng 3 năm 1969, tuyến đường ống từ ngã ba Khe Ve đã vượt đèo Mụ Giạ vươn tới Ca Vát với tổng chiều dài 120 cây số. "Động mạch chử" này đã xuyên qua bao cánh rừng, bao đồi núi, có đỉnh cao tới 700 mét, "tiếp máu kịp thời cho lực lượng cơ giới, góp phần quan trọng giành thắng lợi trong chiến dịch vận chuyển nước rút.

Có một điều không thể không kể tới là, trong những ngày chiến trường gặp khó khăn về bảo đảm hậu cần, trong khi địch tập trung "chẹt xuống họng" phía bắc, thì tuyến K20 (tuyến Xê tư cũ) do anh Đức Phương phụ trách khai thác được khá nhiều hàng hoá ở đất bạn nhờ quan hệ ngoại giao giữa Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam với Chính phủ của Quốc trưởng Sihanouk tiến triển tốt. Anh Đức Phương trong vai ông chủ. Anh Tân Già vào vai nhà ngoại giao. Anh Tô Đình Hải phụ trách mua hàng "đại ngạch" thanh toán bằng đô-la. Còn anh Huỳnh Tấn Đại mua hàng bằng "tiểu ngạch" trả bằng đồng Rien, đồng Bạt và đồng Kíp. Tất tật, các anh đã có xấp xỉ 4.000 tấn và kịp thời chuyển về cung cấp cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên, Khu 5, Khu 6.

Với mùa khô 1969, bộ đội Trường Sơn đã chấp nhận, để rồi giành thắng lợi trong cuộc đối đầu giữa chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn. Một cuộc đối đầu mà cả hai phía đã huy động tối đa sức mạnh và trí tuệ để giành thắng lợi quyết định về mình ở chặng cuối.

Kết thúc mùa khô, trừ hướng Nam Bộ, lượng vật chất mà Đoàn 559 chuyển giao các chiến trường đạt trên 80 phần trăm kế hoạch.

Nhưng cái được lớn lao là ngoài hai triệu rưỡi mét khối đất đá để khôi phục, duy trì đường, ngầm cũ, toàn tuyến đã mở mới trên 1.000 cây số cả trục dọc, trục ngang, đường vòng tránh. Gộp với "vốn liếng" có từ trước, bộ đội Trường Sơn đã nâng tổng chiều dài tuyến đường mang tên Bác lên gần ba nghìn rười cây số, phá dần thế độc đạo.

Đối với những người lính làm nhiệm vụ vận tải chúng tôi, những con số kể trên ẩn chứa biết bao điều đáng nói và hy vọng. Bởi yêu cầu chi viện chiến trường luôn là cái đích mà chúng tôi vươn tới, và cuộc đối đầu trên tuyến đường này còn đang phía trước.

Chương 4

Chiến Dịch Đường 9 - Nam Lào, Bản Anh Hùng Ca Của Cuộc Chiến Đấu Chống Ngặn ChặnTrên Đường Trường Sơn

1.

Cuối tháng 4 năm 1969, trời nóng hầm háp. Lại từng đàn mối cánh túa ra kín các nẻo đường rừng. Chiều chiều, những cơn mưa rào đầu mùa vội vàng trút xuống. Trên những sườn núi xa trục vận tải và giao liên, vẫn bừng lên những vạt lửa đốt rừng làm rẫy của dân bản; khói không bứt lên cao được, cứ luẩn quẩn nơi tán cây, hẻm núi rồi lan toả như mây. Bà con bản Lào hối hả nhặt nhạnh củi phòng mưa lũ đến sớm...

Theo báo cáo của Cục Vận chuyển, thì lương thực dự trữ trên tuyến quá mỏng. Trong khi khả năng vận chuyển của ta trong mùa mưa lại rất phấp phỏng. Bộ Tư lệnh bàn đi tính lại nát óc. Nếu để tất cả trụ lại trong mùa mưa như năm trước sẽ phát triển thêm một bước thế trận cầu đường, chuẩn bị cho mùa khô có hiệu quả.

Nhưng "cái khó mách bảo cái khôn"; sẽ không còn gì để chi viện cấp cứu cho chiến trường. Thực tế đã mấy tháng nay có nhiều đơn vị Quân giải phóng bật khỏi cơ sở, tạm lánh lên triền đông Trường Sơn. Cuối cùng chúng tôi quyết định chỉ để lại tuyến chừng 20 phần trăm lực lượng tinh nhuệ, tập trung cho những khâu, những việc tối cần thiết. Lực lượng còn lại hơn ba vạn quân sẽ tập kết ra Bắc. Làm một phép tính đơn giản - cũng sẽ dôi dư hơn 5.000 tấn gạo để bổ sung cho đơn vị bạn.

Chỉ 20 ngày đầu tháng 6, cuộc rút quân đại quy mô, gồm hơn ba vạn người và hàng nghìn phương tiện cơ giới kết thúc trọn vẹn. Ở lại phụ trách tuyến có anh Bùi Đức Tạm - Chủ nhiệm chính trị, Tham mưu phó vận chuyển Nguyễn Chúc. Quân ra tập kết trên địa bàn bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình.

Rời tuyến muộn, tôi có điều kiện soát lại toàn bộ đội hình sau khi ra Bắc. Đến đơn vị nào cũng gặp không ít những gương mặt xanh xạm bởi đã trải bao cơn sốt rét rừng...

Ra Bắc lần này, Bộ Tư lệnh 559 tập kết tại Sầm Sơn, Thanh Hoá. Cảnh dập dìu, rộn rịp mỗi chiều thuyền đánh cá về bến, hay mặt biển bình yên, phẳng lặng..., cũng không khoả lấp được những chứng tích chiến tranh phá hoại khốc liệt vừa qua ở thị trấn biển nhỏ nhoi này. Cả vùng chỉ sót lại đôi ngôi nhà vài tầng hư hỏng, lỗ chỗ vết đạn bom. Những hố bom sâu, nước leo lẻo, phô phang bên cồn cát như những "giếng trời"...

Sau khi ổn định tình hình, tính toán các phần việc, phân công lực lượng triển khai, chúng tôi quyết định cho bộ đội nghỉ phép thăm nhà. Bởi không ít người đã nhiều năm liền trụ lại trên tuyến. Do tác động của cuộc sống thanh bình ở hậu phương, trong khi các đơn vị lại chủ quan, giản đơn trong lãnh đạo tư tưởng và tổ chức, nên khi thu quân nhập tuyến, cán bộ phải một phen chạy đứt cả hơi. Âu cũng là chuyện thường! Chúng tôi luôn đánh giá cao phẩm chất, bản lĩnh, nhiệt tình cách mạng, trí thông minh... của người lính Trường Sơn, nhưng cũng luôn thấy được ở họ bản tính của con người bằng xương bằng thịt.

Lúc này đang giữa hè, Mỹ lại ngừng chiến nên tôi có điều kiện đưa vợ và các cháu Hiền, Hà vào Sầm Sơn. Các anh chúng nó: Hưng, Việt, Bắc, Quân; hoặc đã đi bộ đội, hoặc còn đi học xa. Hiền là cô gái út, được bố mẹ cưng chiều nhất. Thời gian được sưởi ấm bởi không khí quần tụ của gia đình cũng chỉ mấy ngày; nhưng, so với biết bao đồng chí, đồng đội đang lăn lộn, vất vả trên tuyến, trên chiến trường mùa khô này, lại lớn lao vô cùng.

Trọn tuần đầu tháng 8, hội nghị quân chính toàn tuyến được tổ chức tại Sầm Sơn. Gần hai trăm gương mặt quen thuộc lại ngồi với nhau luận bàn những cái được và cái chưa được của một mùa chiến đấu, vận chuyển chi viện khó khăn nhất. Đặc biệt, tập trung phân tích kỹ những hoạt động đánh phá, ngăn chặn của kẻ địch trên Tuyến 559, với những thủ đoạn mới, dự kiến những tình huống khó khăn cần phải ứng phó trong mùa khô tới.

Hội nghị lần này, chúng tôi được đón các anh Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Đôn, Đặng Thí, Phạm Ngọc Mậu, Nguyễn Tường Lân thay mặt Bộ Quốc phòng, các cơ quan Bộ và Bộ Giao thông vận tải vào thăm.

Nói chuyện với hội nghị, anh Văn khái quát tình hình cách mạng. hai miền, khẳng định thắng lợi có tính chiến lược của Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đồng thời anh cũng đề cập những khó khăn tạm thời của ta sau Tết. Đặc biệt, anh phân tích âm mưu chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" mà Mỹ đang tiến hành ở miền Nam; nhiệm vụ của quân và dân hai miền nhằm phát triển chiến lược tiến công, chuyển hoá tương quan lực lượng trên chiến trường để tiến tới giành thắng lợi quyết định.

Đối với Đoàn 559, anh động viên chúng tôi phát huy tốt thắng lợi hai năm qua, song không xem thường khuyết điểm, càng không nản chí, và phải chuẩn bị tốt cho mùa khô.

Cuối cùng, anh Văn dành cho Đoàn chúng tôi điều thiêng liêng nhất, rằng: biết Đoàn 559 tổ chức hội nghị tại Sầm Sơn, Bác Hồ rất muốn vào gặp gỡ động viên. Nhưng vì sức khỏe, không vào được, Bác gửi lời thăm hỏi và gửi tặng cán bộ, chiến sĩ của Đoàn lẵng hoa mừng thành tích của Đoàn đã đạt được, đồng thời cũng nhân Quốc khánh 2-9 sắp tới.

Cả hội trường lặng đi vì xúc động trước tình cảm sâu nặng, sự chăm lo hết mực thấu đáo của Bác, và cũng vì nỗi lo về sức khỏe của Người.

Thế rồi, nỗi đau khôn cùng, sự mất mát lớn lao, không ai trong chúng tôi nghĩ là sự thật bất thần chụp xuống. Sáng ngày 3 tháng 9, chúng tôi được thông báo Bác từ trần.

Những ngày cả nước để tang Bác, trời tuôn mưa, như muốn sẻ chia nỗi đau nhân thế trước sự ra đi của một bậc vĩ nhân kiệt xuất của thế kỷ này.

Hoàn tất việc chỉ đạo các đơn vị tổ chức tang lễ, tôi, anh Chiêm cùng một số cán bộ thay mặt gần bốn vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn ra Ba Đình viếng Bác. Cùng dòng người trôi chầm chậm quanh linh cữu của Người, con tim tôi như có bàn tay vô hình bóp mạnh, đau đớn khôn cùng. Giá chi, mùa hè năm 1967, anh Duẩn, anh Chinh cho chúng tôi được gặp Bác, để được thưa với Bác, rằng những đứa con yêu của Trường Sơn đang cùng cả dân tộc ngày đêm nối dài những con đường, mong sớm được đón Bác vào miền Nam, về với thành phố mang tên Người...!

Sau tuần lễ để tang Bác, tôi và anh Chiêm được triệu tập làm việc với Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần nhận kế hoạch năm 1970.

Lần này, các anh trong Thường trực Quân uỷ Trung ương lưu ý chúng tôi đẩy mạnh hơn khâu chuẩn bị cầu đường đi trước một bước; khẩn trương thông đường 18, đường 16, bỏ hướng vu hồi đường 8, tăng cường tác chiến phòng không và cả mặt đất, bảo vệ hành lang.

Nhằm tháo gỡ ách tắc do một vài yếu tố chưa hợp lý trong tổ chức tuyến chi viện chiến lược, các anh trong Thường trực Quân uỷ đều thống nhất chuyển giao Đoàn 500 vể trực thuộc Bộ Tư lệnh 559.

Anh Thiện còn dặn thêm: Cố gắng đẩy nhanh tuyến đường ống xăng dầu từ Long Đại vượt đường 18 xuống đường 9 vào Tây Nguyên.

Tổng cục Hậu cần đã tập trung chuyển vật tư thiết bị vào tập kết ở rừng cao su Mỹ Đức, tây Quảng Bình; thợ xây dựng và lực lượng vận hành đường ống cũng đã được tăng cường. Đoàn 559 cố gắng khởi công vào trung tuần tháng 9.

Cũng như tuyến thông tin tải ba, người có công đầu, "Tổng công trình sư" của tuyến đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn là anh Đinh Đức Thiện. Tôi biết anh đã "xoay xở" hết cách để có được vật tư thiết bị, lực lượng kỹ thuật. Rồi ý tường cũng như quyết tâm của anh được Chính phủ ủng hộ. Người tạo nhiều thuận lợi giúp anh Thiện khi đó là Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị, Phó thủ tướng Đỗ Mười đặc trách công tác bảo đảm vật chất cho sự nghiệp kháng chiến trên cả hai miền Nam - Bắc. Sau này, cũng chính anh Thiện là người đốc chiến để tuyến đường ống chóng có đường dây thông tin riêng nối vào mạng thông tin tải ba.

Xong việc ở Hà Nội, chúng tôi vào thắng Hương Đô và triệu tập ngay hội nghị Đảng uỷ mở rộng, thông qua phương án bố trí lại lực lượng, thống nhất kế hoạch chiến dịch nhập tuyến; đồng thời quyết định chuyển sở chỉ huy dã chiến của Bộ Tư lệnh vào Cù Lạc, Cổ Giang, Quảng Bình. Lúc này Bộ Tư lệnh được tăng cường một số cán bộ có trình độ năng lực vững. Các anh Ngô Thành Vân, Lê Xy được bổ nhiệm Phó chính uỷ, anh Nguyễn An giữ chức Phó Tư lệnh...

Vào Cù Lạc, sau vài ngày chỉ đạo các đơn vị diễn tập thực binh hiệp đồng chiến đấu cấp trung đoàn, tạo đà cho chiến dịch nhập tuyến, tôi cùng anh Phan Tử Quang - Cục trường Cục Xăng dầu tới Mỹ Đức đôn đốc bộ đội khởi công ngay tuyến đường ống xăng dầu đông Trường Sơn.

Qua nắm tình hình, thấy lực lượng thi công đường ống quá mỏng, gồm một tiểu đoàn thợ xây dựng, một tiểu đoàn công binh do Binh trạm 9 phụ trách, tôi hỏi anh Phan Tử Quang:

- Liệu đến 15 tháng 12 này, đường ống có vào được đến Sê Pôn không?

Ngẫm nghĩ một lúc, anh Quang hỏi lại tôi:

- Anh xem hướng đó có đường ô tô chưa?

- Mới có 60 cây số từ ngã ba đường 10 đến sở chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh ở bắc Sê Pôn, và cũng chỉ có xe con đi được; nhưng qua mùa khô rồi, chắc hỏng hết?

- Vậy, nếu anh lo được đường để vận chuyển đường ống, kèm đường dây thông tin, chúng tôi đề nghị Tổng cục tăng cường một đại đội thợ và một số xe chuyên chở đường ống; thi công theo giải pháp dã chiến: vừa chôn, vừa treo, chắc sẽ kịp.

Tôi nhất trí phương án anh Quang đề đạt, cụ thể sẽ tăng cường đủ một trung đoàn công binh và thanh niên xung phong, kết hợp thi công lắp đặt đường ống và khôi phục, mở rộng đường 18. Như vậy cùng với tuyến đường ống này, chúng ta sẽ có thêm trục đường ngang thứ năm nối đông - tây Trường Sơn gần đường 9 về phía bắc.

Anh Quang nói thêm, đầy quyết tâm:

- Nếu tiến độ trắc trở, chệch choạc, đầu tháng 11, chúng tôi sẽ điều hai đại đội xe chở đường ống "vu hồi" theo đường 20 vòng đường 9 rồi rẽ lên.

Vấn đề kéo dài tuyến đường ống đông Trường Sơn cơ bản thống nhất. Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay. Hậu cần ưu tiên bảo đảm cho lực lượng "con cưng" này. Do vận chuyển bằng cơ giới gặp khó khăn, bộ đội, công nhân đường ống, thanh niên xung phong phải vác bộ hàng nghìn ống, hàng chục tấn phụ kiện vượt qua bao đỉnh núi, sông, suối. Để bảo đảm tiến độ, lúc cao điểm, hết thảy cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 9 được huy động đi vác ống.

Tiến tới tổ chức các chiến dịch vận tải quy mô đội hình trung đoàn xe tiến công, trung tuần tháng 10, Bộ Tư lệnh diễn tập bộ đội hợp thành cấp trung đoàn, gồm năm tiểu đoàn xe, một trung đoàn pháo cao xạ, một trung đoàn công binh và một số phân đội bảo đảm. Địa bàn diễn tập từ Ba Trại vào đến Hoàn Lão, Xuân Sơn (Quảng Bình). Thành công mỹ mãn cuộc diễn tập tạo tiền đề cho chiến dịch nhập tuyến. Lúc này, gần ba vạn quân và phương tiện đã tập kết gọn trên hai hướng: đội hình tập kết ở Hương Khê vào theo đường 12; đội hình tập kết ở Bố Trạch vào theo hướng đường 20.

Trước mùa khô mới, các anh Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, Lê Văn Tri thay nhau vào Cù Lạc, trực tiếp giúp chúng tôi giải quyết một số vấn đề cụ thể.

Nghe tôi báo cáo kết quả điễn tập thực binh và kế hoạch nhập tuyến, anh Dũng phấn khởi nói:

- Công việc chuẩn bị như vậy là rất tốt, toàn diện, khẩn trương.

Trước mắt, cần thận trọng để tổ chức vượt khẩu thành công; vì lực lượng nhập tuyến của Đoàn lần này rất lớn. Vượt khẩu thắng lợi sẽ có ý nghĩa quyết định đối với quá trình chiến đấu và kết quả thực hiện nhiệm vụ mùa khô này.

Anh Dũng lưu ý chúng tôi cần trao đổi thêm với anh Lê Văn Tri về kế hoạch tác chiến phòng không bảo vệ hành lang.

Gặp anh Lê Văn Tri ở Cù Lạc, với tôi ngoài việc hiệp đồng chiến đấu, còn là sự hội ngộ bạn cũ cùng sẻ chia gian lao, thành công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên quê hương. Nay anh Tri đã là Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, một con người trung thực, nhiệt tình với công việc, với bạn bè, đồng chí...

Anh Tri thống nhất với chúng tôi cần tăng cường cho tuyến một số trung đoàn pháo cao xạ 57 ly có khí tài, một trung đoàn tên lửa đất đối không và làm sân bay dã chiến ở Khe Gát (tây Quảng Bình) bí mật tập kết máy bay để khi cần có thể sử dụng máy bay tiêm kícỉl đánh địch, bảo vệ lực lượng và đường.

Thời gian anh Đinh Đức Thiện vào không nhiều, nhưng với bản tính "tham công tiếc việc", ưa cái cụ thể, ngoài làm việc với Bộ Tư lệnh, anh còn cho tập trung các ban ngành báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị. Nghe xong, anh hể hả nói:

- Cứ thế mà quyết, phải thắng nhanh, gọn; đặc biệt phải tập trung mọi cố gắng lao nhanh tuyến đường ống xăng dầu xuống phía nam như dự định...

So với những năm trước, chiến dịch nhập tuyến năm nay được chuẩn bị khá công phu, chu đáo.

Nhưng rồi như thường lệ, tháng 10 miền Trung thường là tháng bão. Ngày 30 tháng 10, sau khi các đội hình tập kết chờ lệnh xuất phát, bất thần cơn bão số 9 ập vào, gây mưa lớn ở khu vực cửa khẩu. Bao công lao của anh em duy tu, bảo dưỡng đường sá trong suốt mùa mưa gần như bị mưa lũ cuốn xuống sông, xuống vực.

Đường 20 bị sụt lở, lầy lún. Nước ở quãng ngầm Ta Lê dâng đột ngột 3 mét. Cầu, chiếc hỏng, chiếc bị nước cuốn phăng. Bộ Tư lệnh quyết định tạm dừng chiến dịch nhập tuyến, tập trung lực lượng khắc phục hậu quả lũ lụt; đồng thời đưa sở chỉ huy dã chiến lên phía trước, gần tập đoàn trọng điểm ATP.

Sau một tuần ra phục vụ ngay trọng điểm, theo dõi chặt chẽ hoạt động tác chiến, bảo đảm giao thông của ta và tình hình địch đánh phá, cũng như diễn biến thời tiết sau bão, tôi phát lệnh nhập tuyến trên cả hai hướng: đường 12 và đường 20. Hướng nghi binh là đường 18.

Tảng sáng ngày 6 tháng 11, bầu trời khu vực cửa khẩu đường 20 choàng một lớp mây mù trắng đục. Mặc từng tốp máy bay trinh sát của địch quần đảo trên trọng điểm, các đơn vị lần lượt cho đội hình xe xuất phát. Những "chiến mã Trường Sơn", ca-bin khoác "giáp" làm bằng nứa ken dày, chống bom bi và đạn 20 ly, toàn thân choàng là nguỵ trang, nối nhau vượt trọng điểm dưới sự yểm trợ của cao xạ, tên lửa và công binh.

Đứng trước hầm chữ A trên trọng điểm nhìn đoàn xe hùng dũng lao lên phía trước, bắt gặp những ánh mắt, nụ cười của anh em lái xe, trong tôi lại trào dâng niềm vui khôn tả.

Chiến dịch nhập tuyến diễn ra suôn sẻ. Năm ngày kể từ khi phát lệnh, tôi nhận được điện của các anh trong sở chỉ huy tiền phương, chốt ở nam Cà Phê Nọi, báo về là đã chỉ huy các đội hình xe vượt Bạc. Hai ngày sau, đội hình xe các binh trạm tuyến cuối cũng vào vị trí tập kết an toàn. Chiến dịch nhập tuyến kết thúc.

Đây là chiến dịch hành quân nhập tuyến đại quy mô, diễn ra trong một không gian hẹp, thời gian ngắn, nhưng giành thắng lợi lớn.

Ta bảo toàn được lực lượng và phương tiện kỹ thuật. Tổn thất về xe không quá 0,5 phần trăm, là tỷ lệ chưa từng có trong những chiến dịch nhập tuyến trước đây. Lượng hàng chuyển theo được hơn một vạn tấn. "Vốn liếng" tạo được đầu mùa khô này thật khả quan.

Thắng lợi của chiến dịch nhập tuyến khẳng định bước trường thành mới về năng lực tổ chức chỉ huy của các cấp và trình độ hiệp đồng của các binh chủng.

Nhân đà thắng lợi bước đầu, các binh trạm khẩn trương triển khai kế hoạch vận chuyển tháng đầu mùa khô, tiếp đó là chiến dịch "Tổng công kích" tháng 1 năm 1970.

Chuẩn bị cho chiến dịch "Tổng công kích", Bộ Tư lệnh triệu tập gấp cuộc họp gồm chỉ huy binh trạm và các trung đoàn cơ động.

Tại hội nghị, tôi phân tích vắn tắt tình hình, nêu chỉ tiêu chiến dịch vận tải bộ đội hợp thành trong tháng 1 năm 1970 và những giải pháp chủ yếu để thực hiện bằng được các chỉ tiêu đó.

Hội nghị nhất trí cao những đánh giá của Bộ Tư lệnh về chiến dịch nhập tuyến cũng như kế hoạch tổng công kích. Trước đây, thường khi nhận kế hoạch, không ít cán bộ lo lắng, căng thẳng; nay mọi người hồ hởi, phấn khởi, tự tin hơn, quyết tâm. Tất cả cho chiến trường ngay từ ngày đầu, tháng đầu.

Kết thúc hội nghị, tôi cùng Cục trường xăng dầu Tổng cục Hậu cần Phan Tử Quang và anh Mai Trọng Phước, người được giao trực tiếp chỉ đạo thi công, xuống kiểm tra việc lắp đặt tuyến đường ống xăng dầu. Lúc này, tuyến đường ống K200 từ Ra Mai đã được kéo dài vào khu vực K5, điểm mút chót ở giữa một cánh rừng già, khá bằng phẳng, phía nam Bản Cọ (bắc đường 9 - khu vực Sê Pôn). Tại đây công binh đang khẩn trương san sửa, gia cố một đôi chỗ để kịp hoàn tất hai con đường cho xe ra vào trạm nhận xăng. Quả là một cố gắng phi thường của bộ đội xăng dầu, công binh, thanh niên xung phong...!

Ngày 22 tháng 12 năm 1969, đúng vào dịp kỷ niệm tròn một phần tư thế kỷ ngày thành lập Quân đội, lễ khánh thành tuyến đường ống xăng dầu K200 - Bản Cọ được tổ chức tại K5.

Trong thời khắc rất đỗi thiêng liêng này, trước đông đảo cán bộ, chiến sĩ, tôi xúc động nói:

- Hôm nay chúng ta đang chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đoàn 559 đưa vào vận hành đoạn đầu tuyến đường ống dẫn xăng dầu chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Với sự kiện này, bộ đội Trường Sơn có thêm một phương thức vận tải xăng dầu mới, hiện đại, một binh chủng mới. Từ nay, chúng ta cơ bản khắc phục được tổn thất lớn về xăng dầu do phải sử dụng ô tô chuyển bằng phuy, hoặc xi-téc. Đây là một bước ngoặt quyết định, bảo đảm vận tải hàng hoá và cơ động binh chủng kỹ thuật quy mô lớn.

Thay mặt Bộ Tư lệnh 559, tôi bày tỏ lòng cảm ơn đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - "Tổng công trình sư" tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn; cảm ơn những người lính đường ống, công binh, thanh niên xung phong, các binh trạm... đã đổi không ít sức lực máu xương để có được tuyến đường ống mang theo "dòng nước ấm thần kỳ" đáp ứng yêu cầu đánh to, thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường.

Sau buổi lễ trang nghiêm, xúc động, mọi người tận mắt chứng kiến một công trình đặc biệt, bốn vòi cùng lúc tiếp xăng cho một tiểu đoàn xe chỉ mất một giờ rưỡi; nếu cấp phát qua phuy hoặc xi- téc như trước đây phải mất hơn ba giờ.

Tôi như thấy qua dòng xăng tuôn chảy, bóng dáng hàng trăm chiến sĩ đang vượt núi, băng sông gùỉ cõng những ba lô xăng, can xăng năm nào!

Chỉ những người trong cuộc, hoặc chứng kiến những tháng ngày đắng cay, cơ cực, khi mà một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi bằng cả bát mồ hôi, thậm chí bằng máu, mới ý thức được tầm thế lớn lao của sự kiện đưa đường ống xăng dầu Trường Sơn vào vận hành.

Dòng xăng dầu theo tuyến ống vào tới Sê Pôn cung cấp trực tiếp cho Binh trạm 32 và một số binh trạm khác là một sự kiện lớn, một niềm vui lớn: Nhưng chưa hết. Cũng chính trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Quân đội, Quốc hội đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 tiểu đoàn, 1 đại đội và 10 cá nhân thuộc Bộ Tư lệnh 559; trong đó có các tiểu đoàn vận tải ô tô 101, 102, tiểu đoàn 25 công binh, tiểu đoàn 20 cao xạ..., các anh Kim Ngọc Quản, Vũ Tiến Đề, Đỗ Văn Chiến...

Đúng là lửa thử vàng. Khói lửa chiến tranh tôi luyện cả một thế hệ những con người chân chất, rất đỗi bình thường mà tôi nhiều lần tiếp xúc, có những hành động phi thường, thành những anh hùng.

***

Cuối năm 1969, thực hiện chủ trương của Thường trực Quân uỷ Trung ương về việc điều chỉnh tổ chức tuyến chi viện chiến lược, Bộ Quốc phòng quyết định sáp nhập tuyến vận tải thuộc Bộ Tư lệnh 500, gồm bốn binh trạm cửa khẩu (9, 12, 14, 27) vào tuyến vận tải thuộc Bộ Tư lệnh 559. Phạm vi phụ trách của Bộ Tư lệnh Trường Sơn lúc này trở lại hiện trạng năm 1967, giữa tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương với Tuyến 559. Giới tuyến nam sông Lam, tỉnh Nghệ An: Điểm đầu của Đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn là ngã ba Lạc Thiện (Đức Thọ - Hà Tĩnh) nối đường số 8 với đường 15 và đường số 1 kéo dài, hợp với tuyến đông và tây Trường Sơn vào tới Lộc Ninh, Chơn Thành (miền Đông Nam Bộ).

Vào đầu mùa khô, được tăng cường đủ lực lượng, phương tiện xe- máy, và sau khỉ tiếp nhận tuyến vận tải thuộc Bộ Tư lệnh 500, toàn Tuyến 559 có 17 binh trạm (thêm Binh trạm 51 chiến đấu trên đường 49 từ Xiêm Pạng sang Stung Treng, Campuchia). Lực lượng xe vận tải có 22 tiểu đoàn. Lực lượng cao xạ có 4 trung đoàn cơ động và 8 tiểu đoàn chốt bảo vệ trọng điểm. Công binh gồm 6 trung đoàn cơ động và 12 tiểu đoàn trực thuộc binh trạm. Bộ binh, ngoài 8 trung đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh, mỗi binh trạm có 1 tiểu đoàn trực thuộc; sau đó được bổ sung thêm Sư đoàn 968. Bộ đội thông tin có 5 tiểu đoàn, được tăng cường nhiều thiết bị. Bộ đội giao liên vẫn giữ 12 tiểu đoàn. Bộ đội xăng dầu có 2 trung đoàn đường ống. Lực lượng vận tải đường sông có 1 trung đoàn thuyền gắn máy. Ngoài những lực lượng binh chủng chủ chốt kể trên, tuyến còn có 2 quân y viện, 2 xưởng đại tu ô tô, 2 đội xe phóng từ để phá bom từ trường...

Tình hình đường sá lúc này cũng được cải thiện đáng kể. Đoạn đầu đường 23 vừa được khôi phục xong; bảo đảm cho tuyến tây Trường Sơn có ba trục dọc và nhiều đường vòng tránh. Đặc biệt có quãng bắt đầu được rải đá... Hệ thống trục ngang vượt khẩu có thêm đường 16 và đường 18. Đường đông Trường Sơn đã nối từ Làng Ho vào Bản Đông.

Với bước phát triển này, từ đường số 9 ra tới Hà Tĩnh đã hình thành các trục dọc, trục ngang, nối đông và tây Trường Sơn thành một mạng đường liên hoàn. Phía tây Trường Sơn mạng đường cầu đã vươn ra tất cả chiến trường, chọc thắng đến Lộc Ninh (Đông Nam Bộ).

Về khả năng bảo đảm vận tải, tất cả vật tư thiết bị, một phần súng đạn và quân theo yêu cầu cấp thiết của chiến trường và Đoàn 559, đã được chở bởi 18 tiểu đoàn xe với hơn 2.600 xe vận tải, chủ yếu là ZiL 130 (tổng trọng tải trên 12.000 tấn).

Tuy nhiên tổ chức vận tải trên địa bàn Trường Sơn với bao núi cao, suối sâu..., địch lại đánh phá ngăn chặn quyết liệt, nên bộ đội vận tải cũng phải trần mình ra giành giật từng cung đường, từng chuyến hàng.

Chuẩn bị cho mùa khô này, ngoài việc tổ chức cho bộ đội tập kết ra Bắc với số lượng lớn, có điều kiện nghỉ ngơi, phục hồi thể lực Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt việc giáo dục, quán triệt nhiệm vụ... Tổng hoà nhiều yếu tố đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ bước đầu vào cuộc chiến đấu mới tràn đầy dũng khí.

Để kịp mở màn tảc chiến bộ binh, phối hợp với chiến dịch vận tải đầu năm 1970, ngày 24 tháng 12 năm 1969, tôi sang làm việc với Bộ Tư lệnh 968 quân tình nguyện ở Nam Lào. Anh Hoàng Biền Sơn - Tư lệnh, anh Vũ Quang Bình - Chính uỷ báo cáo cụ thể kế hoạch phối hợp với quân và dân bạn ở chiến trường Trung - Hạ Lào trong mùa khô 1969-1970. "Khai xuân" này sẽ là đợt tiến công tiêu diệt địch ở thị xã Saravan, giải phóng đất đai, dân cư, mở rộng hơn về phía tây hành lang tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn.

Anh Sơn, anh Bình đề nghị chúng tôi tăng cường thêm một tiểu đoàn cao xạ 37 ly, một đại đội pháo mặt đất, một đại đội xe tăng và một số đạn súng máy 12,7 ly.

Tôi nhất trí kế hoạch của Bộ Tư lệnh 968, nhưng với những kinh nghiệm hoạt động trên đất bạn, tôi lưu ý các anh rằng: Lính nguỵ Lào chỉ thích nhậu nhẹt, chơi bời. Nhân dân bạn phần lớn theo đạo Phật, rất kỵ cảnh chết chóc, cho dù là ta tiến công tiêu diệt địch. Bởi vậy, giái pháp tối ưu là sử dụng người thân của binh sĩ nguỵ vào tổ chức ăn uống, lăm vông, kết hợp tuyên truyền; khi ta tiến công cứ điểm, dễ gọi hàng, hạn chế gây thương vong. Đặc biệt thế trận vững chắc nhất là thế trận lòng dân, nên khi giải phóng được Saravan, phải cung cấp ngay muối, gạo, thuốc chữa bệnh..., để ổn định đời sống nhân dân. Không để họ vì khó khăn mà tán phát đi nơi khác, ta mất chỗ dựa...

Xong việc với Bộ Tư lệnh 968, chúng tôi tới thăm Bộ Tư lệnh Quân khu Trung - Hạ Lào, kết hợp bàn phối hợp chiến đấu. Tư lệnh Quân khu Phu-ma, Chính uỷ Khăm-tày Xi-phăn-đon nhất trí tăng cường phối hợp hoạt động. Hai đồng chí bày tỏ lòng cảm kích tinh thần chiến đấu cũng như tình cảm quốc tế trong sáng của các lực lượng thuộc Đoàn 559 trên tuyến tây Trường Sơn.

Nhận lời mời của chúng tôi, ít lâu sau, hai đồng chí Chính uỷ và Tư lệnh Quân khu tới thăm Bộ Tư lệnh 559. Trước cơ ngơi làm việc của chúng tôi, đồng chí Phu-ma nói:

- Tôi không ngờ giữa núi rừng Trường Sơn mà Bộ Tư lệnh 559 có được một sở chỉ huy bề thế, hiện đại đến như vậy!

***

Đúng 4 giờ chiều ngày 15 tháng 1 năm 1970, lệnh tổng công kích được phát đi. Bộ Tư lệnh chỉ thị các mũi tiến công, chủ yếu là các binh trạm phía bắc chớp thời cơ vượt đường số 9, tạo lượng hàng dự trữ khoảng hai vạn tấn ở các binh trạm phía nam, đề phòng địch đánh mạnh.

Dựa vào thế cầu đường vững chắc và sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng, ngay từ đầu chiến dịch, lực lượng vận tải cơ giới ra quân rất rầm rộ.

Rút kinh nghiệm các năm trước, đặc biệt là đầu năm 1969, bị không quân địch đánh phá, ngăn chặn quyết liệt các trọng điểm, các trục ngang vượt biên giới Việt - Lào; đỉnh điểm là đường 20, bị đánh tắc nhiều ngày ở tập đoàn trọng điểm ATP, giảm chỉ tiêu kế hoạch chi viện cho các chiến trường..., Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở thêm hai đường tránh ATP, nâng cấp cục bộ đường 20, kết hợp bắc cầu phao và củng cố bến phà Xuân Sơn. Do vậy, lúc này ở Quảng Bình - tâm điểm phía sau của tuyến chi viện chiến lược đã có tới 5 trục ngang vượt biên giới Việt - Lào gồm đường 12, 20, 10, 16, 18 nối đông với tây Trường Sơn. Từ Hà Tĩnh vào Vĩnh Linh, ta có quốc lộ 15, quốc lộ 1, đường tránh 21, 22, đường biển, và cả một hệ thống đường sông: Gianh, Nhật Lệ, Kiến Giang, Long Đại; lại thêm cảng Gianh, cảng Nhật Lệ, sân bay Đồng Hới, sân bay dã chiến Khe Gát...

Với thực lực và tiềm năng mới, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định điều chỉnh lại thế bố trí lực lượng; chủ trương trong 5 trục ngang sẽ lấy đường 20 làm hướng đột kích chủ yếu, đưa đường 12 vào hướng phối hợp chính, các đường khác là hướng phối hợp bổ trợ. Bởi lẽ, với đường 20, ta sẽ sử dụng dược chân hàng nhiều hướng: đường 1, đường 15, đường biển (qua cảng Gianh, Nhật Lệ...) sang phía tây sẽ rút ngắn được hơn 100 cây số.

Chủ trương này, lúc đầu thấy hợp lý, nhưng khi triển khai, địch vẫn quen "nếp" cũ, tập trung chặn cắt các trục đường ở phía bắc đường số 9. Văng Mu, Cốc Mạc, Lùm Bùm, ATP... lại là những mục tiêu để máy bay địch trút bom, không cần biết có xe, có người qua hay không. Địch tăng cường các phi vụ rải bom hỗn hợp, nhất là bom nổ chậm, bom từ trường, mìn vướng nổ vào thời điểm thường trước khi đội hình xe của ta tiếp cận trọng điểm. Buộc ta phải khắc phục lâu.

Về ta, khi triển khai đội hình vận tải cơ động lực lượng binh chủng kỹ thuật theo đường 20 với mật độ khá cao, không chỉ ách tắc do địch đánh chặn, mà ùn tắc bởi đội hình lớn cũng gây khó khăn. Trong khi đó, chân hàng lại quá mỏng, không thoả mãn yêu cầu chuyển tải sang tây Trường Sơn. Bởi vậy, 15 ngày đầu chiến dịch tổng công kích lại diễn ra một đợt "sóng gió" mới như đầu năm 1969. Tuy cường độ và thời gian ách tắc không lớn, song cũng ảnh hưởng xấu đến kế hoạch, chi viện cho chiến trường.

Đợt "sóng gió" này lại thêm một lần nữa để tôi "thấm thía" bài học về sự cân đối mật độ sử dụng cầu đường.

Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi quyết tâm một cách táo bạo, phải mở cả bốn hướng đột kích: đường 20, đường 12, đường 16, đường 18; trong đó lấy đường 12 và đường 20 làm hướng chủ yếu; đường 16 và 18 làm hướng bổ trợ trước mẳt; sau này sẽ chuyển thành hướng chủ yếu.

Ở hướng đường 16 kéo dài đến Bản Đông, chúng tôi quyết định thành lập thêm Binh trạm 27, tận dụng triệt để khả năng khai thác chân hàng ở cảng Nhật Lệ, cảng Gianh, thọc xuống đường 9 ở phía tây Trường Sơn với cung độ ngắn nhất.

Để tình hình chuyển biến được mau lẹ, theo đề nghị của Thường vụ Đảng uỷ và Chính uỷ Đỗ Xuân Chiêm, chúng tôi quyết định chọn những cán bộ có năng lực đưa xuống từng hướng trực tiếp chỉ huy.

Ở hướng đường 20, bất luận mọi tình huống, đều phải nắm chắc. Bộ Tư lệnh phân công Phó chính uỷ Hoàng Thế Thiện - một cán bộ dày dạn kinh nghiệm chiến đấu ở chiến trường Nam Lào và một số cán bộ tham mưu, chính trị xuống ATP, trực tiếp giải quyết những khó khăn, ách tắc của hai Binh trạm 14, 32; đồng thời chỉ huy Sư đoàn 377 cao xạ, tên lửa mà Bộ vừa tăng cường vào.

Hướng đường 12, chúng tôi cử Cục phó Cục Vận tải Nguyễn Việt Phương - nguyên Chính uỷ Binh trạm 13, từng gắn bó một thời với Cổng Trời, Mụ Giạ..., trở lại làm Binh trạm trưởng Binh trạm 12.

Ở hướng đường 16 kéo dài, người được chọn cử xuống làm Binh trạm trưởng kiêm Chính uỷ Binh trạm 27 là Cục phó chính trị

Phan Hữu Đại. Tuy anh chưa mấy "thông thổ" ở đây, song lại là cán bộ đã nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại một số binh trạm trọng điểm.

Lúc này, các binh trạm tuyến sau cũng đang bị đánh phá ác liệt.

Bộ Tư lệnh cử Phó chính uỷ Lê Xy xuống trực tiếp chỉ đạo khắc phục khó khăn, đẩy mạnh việc tạo chân hàng cho ba hướng trên.

Giao nhiệm vụ cho cán bộ tăng cường các hướng, Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh đề nghị anh em sau hai ngày phải có ở vị trí công tác mới; đến đó, xác định thứ tự từng việc, từng khâu cần giải quyết dứt điểm; cần dựa vào các binh trạm tại chô mới có thể giải quyết nhanh mọi ách tắc; đồng thời giữ liên lạc chặt chẽ với Bộ Tư lệnh.

Được giao trọng trách mới, mọi người rất phấn khởi. Đặc biệt là số cán bộ cơ quan, tâm lý muốn xuống đơn vị, ra thực địa thể hiện khá rõ.

Với "giải pháp tình thế" kể trên, cán bộ cơ quan kháo nhau: Tư lệnh đã xuất "át chủ bài", tình hình ắt chuyển biến mau lẹ!

Nhờ cán bộ nhận nhiệm vụ mới có quyết tâm cao, có kinh nghiệm, thành thạo công việc và nỗ lực cố gắng của các đơn vị, nên chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình các hướng đã khá hơn, mọi hoạt động đi vào quỹ đạo. Kế hoạch tháng 2 vượt chỉ tiêu, bù được phần hao hụt trong tháng 1.

Thêm mỗi ngày, cuộc chiến đấu của các lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược lại làm sáng tỏ một thực tế: Cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn nơi đây đan cài trong nhau. Địch đánh, ta đánh trả và khắc phục tổn thất, hư hại; địch lại đánh và ta lại khắc phục. Vòng quay giản đơn lặp đi lặp lại đã gần như quy luật. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm...

Vấn đề cơ bản đối với chúng ta, có đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân hai miền dũng cảm, mưu trí, quyết đánh, quyết thắng, nên từng bước đã chuyển hoá được tương quan lực lượng cho tới lúc ta mạnh hơn đối phương.

Với tinh thần đó, quy luật chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn được định hình, nhưng sự lặp lại không hoàn toàn cứng nhắc mà tái điễn theo hướng phát triển. Cả ta và đối phương đều hướng theo những mục đích đối lập nhau, nhưng nếu thể hiện trên biểu đồ thì năm sau phải cao hơn năm trước.

Nhân đà thắng lợi chiến dịch tổng công kích đợt 1, toàn tuyến phát động tổng công kích đợt 2, và tiếp đó là đợt 3. Với hai đợt này, trọng tâm hoạt động của tuyến dồn vào các binh trạm phía trong, chi viện phục vụ yêu cầu của các chiến trường trọng điểm: Trị-Thiên, Khu 5, Nam Bộ.

Cơ sở bảo đảm cho thắng lợi của các chiến dịch vận chuyển vào sâu, đi xa, ngoài hệ thống đường sá được cải thiện, phương tiện xe - máy được bó sung, còn có đường dây thông tin tải ba, đường ống xăng dầu được đưa vào vận hành...

Quyết không để cho lực lượng vận tải "lạnh lưng, hở sườn", Bộ Tư lệnh quyết định điều một lúc sáu tiểu đoàn cao xạ (8, 12, 14, 18, 20, 26) của các binh trạm phía bắc vào tăng cường cho các binh trạm từ La Hạp trở vào.

Chúng tôi dám mạnh tay đưa một lực lượng lớn pháo phòng không vào các binh trạm phía nam, bởi lẽ lúc này Sư đoàn phòng không 377 của Bộ, do anh Nguyễn Hữu Ích làm Tư lệnh, anh Lê Đình Truy làm Chính uỷ, đã vào áp sát khu vực cửa khẩu. Đặc biệt Trung đoàn tên lửa 238 thuộc Sư đoàn 317 đã vào chốt ở đường 20 bảo vệ tập đoàn trọng điểm Cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích, Chà Là. Ngày 10 tháng 3 năm 1970, Trung đoàn 238 đã phóng một quả tên lửa, làm cho "Siêu pháo đài bay" hết hồn, mất hút trên bầu trời trọng điểm trong một thời gian khá dài.

Ngày 18 tháng 3 năm 1970, toàn tuyến mở màn tổng công kích đợt 3. Nhưng cũng vào chính ngày đó, đế quốc Mỹ đã tiếp tay cho tập đoàn phản động Lon-non - Sirik Matak làm đảo chính ở Campuchia, lật đổ thể chế do Hoàng thân Sihanouk đứng đầu, đưa đất nước này vào quỹ đạo chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Đất nước Campuchia, "con thuyền cách mạng" Campuchia bị chèo kéo theo một chiều hướng khác, đã đặt tuyến chi viện chiến lược 559 trước một thử thách lớn lao hơn. Cảng Sihanouk Vile bị khoá chặt. Một hướng tiếp tế của ta bằng đường biển coi như một mũi vu hồi hết sức lợi hại bị chặt đứt. Các cơ sở hậu cần của B2 đứng chân trên đất bạn nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật. Hoạt động của Đoàn 559 ở hướng "Xê tư" với các hình thức thu mua "đại ngạch", "tiểu ngạch gặp khó khăn hơn.

Từ tháng 4 năm 1970, lực lượng hỗn hợp gồm quân viễn chinh Mỹ và quân nguỵ Sài Gòn liên tục mở các cuộc hành quân vào vùng "mỏ vẹt", "lưỡi câu"... ở Đông bắc Campuchia, tiếp giáp tỉnh Tây Ninh, hòng "cất vó" cơ quan đầu não của ta ở chiến trường, tìm diệt khối chủ lực và triệt phá các cơ sở hậu cần của ta. Các đoàn hậu cần của B2 bị tổn thất nặng. Chiến trường miền Đông Nam Bộ và nam Tây Nguyên bị cắt bớt nguồn tiếp tế, lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Cùng lúc, Mỹ đẩy mạnh chiến tranh ở Lào, sử dụng một bộ phận quân Thái và quân nguỵ Lào mở các cuộc tiến công vào vùng giải phóng của bạn ở Thượng Lào và Mường Phìn - Trung Lào; đồng thời vẫn cho máy bay ném bom "tràn sang" đất Quảng Bình, Nghệ An...

Với cuộc tiến công này, mưu độ "chặt đầu, khoá đuôi" tuyến chi viện chiến lược đã được Mỹ thực thi ở tầm chiến lược.

Để phá thế bao vây chiến lược mới của Mỹ, Bộ thống soái Việt Nam đã kịp thời thống nhất với bạn tiến công mở rộng vùng giải phóng Đông bắc Campuchia, Trung - Hạ Lào, nối liền với Tây Nguyên và miền Đông.Nam Bộ thành một căn cứ hậu cần chiến lược của các chiến trường Nam Đông Dương, đưa vận tải cơ giới quy mô lớn vào sâu, đáp ứng yêu cầu cách mạng ba nước.

Tình hình chuyển biến hết sức mau lẹ. Hạ tuần tháng 3, chúng tôi nhận điện của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ thị tập trung lực lượng vận chuyển, đáp ứng mọi nhu cầu vật chất cho các chiến trường. Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần kịp thời chỉ đạo cơ quan Bộ bảo đảm đủ cho Đoàn 559 những nhu cầu thiết yếu, như phương tiện kỹ thuật, xe - máy. Đặc biệt, anh Thiện đã chỉ thị cho Cục Xăng dầu thay xăng đường ống phù hợp với xe ZiL 130 và lực lượng cơ giới chủ công trên tuyến, xăng cho các loại xe đặc chủng khác, nâng cao sức đột kích của cơ giới, nhanh chóng dứt điểm kế hoạch trên các hướng. Ý thức được trọng trách lớn lao của mình lúc này, các lực lượng trên tuyến hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi hành động đánh phá, ngăn chặn của kẻ thù, vận chuyển bảo đảm cho các hướng chiến trường vượt yêu cầu Bộ giao.

Trung tuần tháng 4 năm 1970, kế hoạch giao hàng cho Nam Bộ gấp 6 lần chỉ tiêu, giao cho Trị-Thiên đạt 102%, Tây Nguyên đạt 110%, Khu 5 đạt 101%, Nam Lào đạt 124%. Đặc biệt toàn tuyến đã tổ chức đưa đón và bảo đảm 120 đoàn với 30.800 cán bộ, chiến sĩ vào bổ sung cho chiến trường Nam Bộ, đưa hơn 4.000 thương binh, bệnh binh nặng vượt Trường Sơn ra Bắc...

Đi liền với vận chuyển chi viện và hỗ trợ đắc lực cho vận chuyển chi viện, lực lượng bộ binh đẩy mạnh tiến công địch, làm chủ khu vực Saravan, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào. các lực lượng phòng không trên tuyến đánh địch hiệu quả cao, bắn rơi trên 120 máy bay. Công binh, thanh niên xung phong... phát triển, củng cố thêm một bước các tuyến đường dọc - ngang, đông - tây Trường Sơn, với tổng chiều dài hơn 8.000 cây số. Đặc biệt hệ thống thông tin tải ba đã liền trục dài hơn 1.000 cây số vào tới ngã ba biên giới. Dường ống dẫn xăng dầu đã vào tới phía nam đường số 9, có nhánh vươn vào nam Bạc, dài hơn 600 cây số. Tuyến giao liên hành quân thông vào tận Bù Gia Mập - miền Đông Nam Bộ. Vận tải đường sông từ A-tô-pơ (Hạ Lào) xuống Kra Chiê (Đông bắc Campuchia) được cơ giới hoá. Cả trung đoàn vận tải đường sông, trang bị thuyền gỗ nhỏ, gắn máy dăm ba chục sức ngựa, đủ sức làm chủ những dòng sông sau khi đã được công binh phá thác, "nắn dòng".

Kế hoạch vận chuyển chi viện mùa khô 1969-1970, với cao điểm là ba đợt tổng công kích đã hoàn thành xuất sắc; hiệu quả và dứt điểm hơn so với những mùa khô trước. Và rồi, như "con tạo xoay vần", vào giữa tháng 4, những trận mưa lớn đầu mùa lại trút xuống khắp các nẻo đường rừng. Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc về cơ bản kế hoạch vận chuyển mùa khô 1969-1970.

Hai ngày sau khi quyết định kết thúc kế hoạch, ngày 20 tháng 4, Đảng uỷ 559 kịp thời nhóm họp.

Để có được một cuộc họp kịp thời, có tính chất "đầu bờ" như thế này, tập thể Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh đã nung nấu biết bao vấn đề nảy sinh, hoặc được đúc kết từ những sự kiện, hành động của mỗi người lính diễn ra từng ngày từng giờ, suốt cả mùa khô.

Báo cáo của Đảng uỷ do anh Chiêm trình bày cũng như ý kiến của nhiều anh khác đều thống nhất đánh giá: Chiến dịch mùa khô 1969-1970 diễn ra với quy mô lớn nhất cả về thời gian, không gian và các lực lượng tham chiến của hai phía, do vậy rất khó khăn, ác liệt.

Nét nổi bật của ta trong chiến dịch mùa khô này là tư tưởng tiến công được quán triệt trong các giai đoạn và hoạt động của tuyến từ khâu chuẩn bị, thực hành và kết thúc chiến dịch tác chiến, vận chuyển. Thắng lợi của các chiến dịch tổng công kích liên tiếp đã thể hiện sự trưởng thành trong quá trình vận dụng, phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân của Đảng vào lĩnh vực vận tải quân sự chi viện chiến trường.

Ngay sau khi kết thúc kế hoạch mùa khô 1969-1970, Bộ Tư lệnh 559 liên tục nhận được điện biểu dương, chúc mừng của Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh các chiến trường Trị-Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ. Điện gửi cho chúng tôi, anh Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Kế thừa các năm trước, mùa khô 1969-1970 này, tuyến đường Trường Sơn đã thực hiện thành công, bất ngờ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các chiến trường đánh lớn hơn, dài ngày hơn, rộng khắp hơn...".

Một mùa khô nữa qua đi với bao khó khăn, thử thách khốc liệt, trọng trách nặng nề hơn. Nhưng một lần nữa trong cuộc chiến đấu chống ngăn chặn, những người lính Trường Sơn đã giành thắng lợi.

Để có được những thắng lợi kể trên, ngoài vai trò quyết định của những nhân tố, những binh chủng chủ đạo trên tuyến đã được đề cập nhiều lần, tôi còn thấy thoáng chen bóng dáng những văn nghệ sĩ; hoặc chính họ là những người lính Trường Sơn; hoặc là những văn nghệ sĩ vào phục vụ bộ đội Trường Sơn.

Không phủ nhận điều mà người đời vẫn thường cho là "năng khiếu" sơng tôi dám chắc rằng thực tiễn hào hùng, bức tranh hoành tráng, kỳ vĩ về cuộc chiến đấu của quân và dân ta dọc dải Trường Sơn suốt một thời lửa đạn là chất men, là cội nguồn hứng cảm để nhà văn - nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi có "Lá đỏ", Phạm Tiến Duật - một chiến sĩ, một thi sĩ Trường Sơn có được "Trường Sơn đông - Trường Sơn tây", "Tiểu đội xe không kính"..., hay Trọng Khoát - một cán bộ tuyên huấn bộ đội Trường Sơn, có "Niềm vui bám trụ"..., là những bài thơ gây xúc động lòng người. Rồi Hữu Thọ (nhà báo), Chu Văn, Nam Hà, Xuân Thiều, Lê Lựu... (nhà văn); Vương Khánh Hồng, Hoàng Kim Đáng, Xuân Đỉnh, Trọng Thanh (nghệ sĩ nhiếp ảnh); U-đa (Nguyễn Văn Đua - nhà quay phim), Hoàng Hà, Hoàng Hiệp, Huy Du, Vũ Trọng Hối, Huy Thục... (nhạc sĩ), lần lượt lặn lội vào Trường Sơn. Đặc biệt, chưa bao giờ bộ đội Trường Sơn được đón nhiều đoàn văn công từ miền Bắc vào, cùng hợp lực với các đội văn nghệ Trường Sơn phục vụ như lúc này. Những câu thơ, mạch văn được chắt ra từ máu, lửa; những lời ca tiếng hát cất lên giữa chiến trường, kề bên trọng điểm... đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng phẩm cách cao thượng của người lính Trường Sơn, cũng như dũng khí của họ khi xung trận...

Tiếp xúc với những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ ở Trường Sơn và cảm nhận được đóng góp của họ, tôi càng ý thức sâu sắc thêm lời dạy của Bác Hồ đối với văn nghệ sĩ mấy chục năm về trước ở núi rừng Việt Bắc, giữa những ngày kháng chiến gian khổ: "Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy .

Mặt trận đối với hoạt động văn hoá - nghệ thuật ở Trường Sơn lúc này, bao hàm cả nghĩa đen lẫn nghĩa "bóng" của nó. Bởi không chỉ có cầm bút, cầm đàn, mà người nghệ sĩ phải cầm súng; và đã có những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đường Trường Sơn, những ngừời lính Trường Sơn đời đời khắc ghi công lao của họ.

2

Vẫn chưa chế ngự được "giặc trời", mùa mưa đến chúng tôi cho dừng hoạt động vận chuyển quy mô lớn. Vả lại; sau một loạt các đợt tổng công kích, đột kích, có biết bao việc: đường, cầu phải củng cố; phương tiện kỹ thuật cần bảo dưỡng, bổ sung, và cả con người...

Theo điện triệu tập của Thường vụ Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngày 20 tháng 6 năm 1970, tôi cùng các anh Vũ Xuân Chiêm, Nguyễn Lang, Bùi Đức Tạm ra Hà Nội báo cáo kết quả hoạt động mùa khô 1969-1970 và nhận nhiệm vụ mới. Các anh Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Đinh Đức Thiện... đón và làm việc với chúng tôi trong không khí hồ hởi, cởi mở, đầm ấm.

Thường trực Quân uỷ Trung ương và Thủ trưởng Bộ đánh giá cao cố gắng, thắng lợi của Đoàn 559 trong mùa khô vừa qua. Thắng lợi to lớn, toàn diện của tuyến không chỉ góp phần rất quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường, mà còn mở ra triển vọng mới về khả năng chi viện chiến lược ngày càng vững chắc trong những điều kiện khó khăn, quyết liệt hơn.

Về tình hình nhiệm vụ tới, Đại tướng Bộ trường nhấn mạnh: Từ khi Lon Non nắm chính quyền ở Campuchia, cảng Sihanouk Vin bị khoá chặt, các đoàn hậu cần của ta đứng chân trên đất bạn gặp khó khăn, Đoàn 559 trở thành tuyến vận chuyển chi viện chiến lược duy nhất. Bởi vậy huy động sức mạnh tổng hợp để chặn cắt bằng được Tuyến 559 đã và đang là mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Sắp tới, địch sẽ tập trung đánh phá vùng Trung - Hạ Lào, Đông bắc Miên, không chỉ bằng không quân mà có thể là những cuộc tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn. Hướng tiến công chủ yếu có khả năng sẽ là khu vực đường 9 - Nam Lào... Vì vậy Bộ Tư lệnh 559 phải theo dõi và chuẩn bị cho tình huống này. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn với lực lượng binh chủng hợp thành mạnh, rất qucn thuộc chìến trường, vì vậy phải là một lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch, là căn cứ hậu cắn chiến dịch... Nhưng bất luận tình huống nào thì nhiệm vụ chủ yếu của tuyến là chi viện chiến lược.

Anh lưu ý chúng tôi vừa phấn đấu chi viện lớn hơn, sâu hơn, vừa phải chủ động các phương án đối phó mọi tình huống ngăn chặn mới của địch; đặc biệt phải có kế hoạch cơ bản, toàn diện xây dựng vùng ba biên giới thành căn cứ vững chắc...

Sau buổi làm việc chung, mấy anh em chia nhau tranh thủ sự chỉ đạo cụ thể của anh Dũng, anh Song Hào và anh Thiện... Gói gọn công việc chưa tròn tuần ở Hà Nội, cả đoàn khẩn trương trở về sở chỉ huy. Tình hình và nhiệm vụ của tuyến trong mùa mưa tới như vậy là quá rõ. Thời gian không chờ đợi.

Về sở chỉ huy tây Trường Sơn, chúng tôi quyết định triệu tập ngay hội nghị Đảng uỷ. Trên cơ sở quán triệt tình hình, nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ dự kiến một số tình huống địch có khả năng thực thi để chặn cắt tuyến kể cả phía đông và tây Trường Sơn. Đặc biệt lưu ý khả năng địch tiến công quy mô lớn ra đường 9 - Nam Lào, khu vực ngã ba La Hạp, ngã ba Phi Hà.

Từ nhận định trên, chúng tôi quyết định giữ gần như toàn bộ lực lượng ở lại tuyến trong mùa mưa để củng cố cầu đường, chuẩn bị thế trận cho nhiệm vụ chi viện chiến lược duy nhất. Để chuẩn bị cho mùa khô tới, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Bộ Quốc phòng bổ sung gần ba vạn cán bộ, chiến sĩ, với hơn ba nghìn lái xe; gần bốn nghìn xe các loại. Đồng thời, trên cũng tăng cường cho tuyến nhiều cán bộ cao cấp. Các anh Cao Văn Khánh, Hoàng Kiện, Nguyễn Hoà, Nguyễn Quang Bích được cử vào Trường Sơn giữ chức Phó tư lệnh. Hai anh Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Lệnh là Phó chính uỷ.

Riêng anh Cao Văn Khánh chỉ công tác ở Bộ Tư lệnh 559 hơn một tháng. Tháng 10 năm 1970 khi Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh B70 chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, anh được điều sang bên đó giữ chức Tư lệnh.

Đối với Bộ Tư lệnh 559, trong công tác cán bộ, từ lâu, chúng tôi luôn coi trọng cả phẩm chất và năng lực. Xây dựng, bồi dưỡng, quản lý cán bộ thông qua công việc, nên cũng có được một nguồn kế cận khá hùng hậu. Tiếp sau việc đề nghị trên bổ nhiệm các anh Nguyễn An, Nguyễn Lang làm Phó tư lệnh; Lê Xy, Ngô Thành Vân giữ chức Phó chính uỷ; nay một loạt cán bộ được đề nghị bổ nhiệm giữ trọng trách mới. Các anh Trần Xuân Trường, Võ Sở làm Phó chủ nhiệm chính trị. Ngô Huy Biên làm Tham mưu trưởng phòng không; Nguyễn Việt Phương, Nguyễn Đàm làm Tham mưu phó vận tải; Phan Quang Tiệp, Nguyễn Văn Kỷ làm Tham mưu phó công binh; Đỗ Hữu Đào, Đoàn Lược, Vũ Thành làm Tham mưu phó Bộ Tham mưu... Có cán bộ được tăng cường từ cấp chỉ huy chiến lược, lại có cán bộ được cân nhắc, đề bạt từ cơ sở dạn dày chiến trận, thông thạo chiến trường..., sức mạnh lãnh đạo, chỉ huy của Đảng uy, Bộ Tư lệnh 559 được nhân lên gấp bội.

Nhằm xây dựng hành lang đông-tây Trường Sơn thành một chiến trường thống nhất; chủ động đối phó với khả năng địch đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược ở địa bàn được gọi là vùng "cán xoong", ngày 29 tháng 7 năm 1970, Quân uỷ Trung ương quyết định sáp nhập Đoàn 968 quân tình nguyện và Đoàn 565 chuyên gia quân sự ở Trung - Hạ Lào vào Đoàn 559.

Đoàn 968 được đổi thành Sư đoàn 968 do anh Hoàng Biền Sơn làm Tư lệnh, anh Nguyễn Ngọc Sơn làm Chính uỷ, được bố trí ở hai khu vực: Đường 9 - Mường Pha Lan (Mặt trận X); khu vực A-tô-pơ, Bloven, Saravan (Mặt tận Z), có nhiệm vụ án ngữ, bảo vệ sườn tây tuyến vận tải chiến lược, phối hợp cùng bạn tác chiến mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào.

Đoàn chuyên gia quân sự 565 tương đương cấp sư đoàn. Tư lệnh lúc này vẫn là anh Hà Tuấn Khanh, Chính uỷ là anh Trần Quyết Thắng. Hơn 5 năm công tác và chiến đấu ở 8 tỉnh Trung - Hạ Lào, Đoàn 565 đã giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị, quân sự, kinh tế từ thôn bản đến cấp tỉnh; đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tác chiến du kích bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.

Với sự có mặt của Sư đoàn 968 và Đoàn 565 trong đội hình, thế và lực của tuyến chi viện chiến lược trên hành lang tây Trường Sơn có bước phát triển mới.

Tháng 7 năm 1970, sau khi tăng cường lực lượng cho tuyến, nhưng điều quan trọng hơn là xét thấy vị thế chiến lược của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thực sự là một chiến trường, mọi lực lượng trên tuyến chỉ được chỉ huy tác chiến tập trung, thống nhất trong đội hình binh chủng hợp thành, Bộ Chính trị quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tương đương Quân khu trực thuộc Bộ Quốc phòng. Về tổ chức Đảng, trực thuộc Quân uỷ Trung ương.

Cơ cấu Bộ Tư lệnh Trường Sơn gồm: Bộ Tham mưu, Cục Tham mưu tác chiến, Cục Tham mưu công binh, Cục Tham mưu vận chuyển, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Văn phòng.

Về phần mình, để xây dựng khu vực ba biên giới thành căn cứ hậu cần chiến lược trực tiếp bảo đảm cho chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên, Đông bắc Miên, Hạ Lào, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đề nghị trên cho thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 470.

Được Bộ phê chuẩn, Đảng uỷ phân công anh Nguyễn An vào kiêm Tư lệnh 470, anh Bùi Đức Tạm là Chính uỷ. Bộ Tư lệnh 470 được xem như tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh tổ chức thêm một số trung đoàn, tiểu đoàn cao xạ, đường ống xăng dầu, Trường Quân chính... Đoàn hậu cứ 571 - một đầu mối quan trọng cũng được thành lập vào thời điểm này.

Đứng chân ở địa bàn nam Quảng Bình, Đoàn 571 có nhiệm vụ tổ chức giao nhận, quản lý xe, phương tiện kỹ thuật và quân số bổ sung; thu dung điều trị thương - bệnh binh của tuyến; huấn luyện bổ túc lái xe và thợ sửa chữa..., chủ động nguồn bổ sung khi lực lượng tăng cường của Bộ gặp khó khăn.

Như vậy, bước vào mùa khô 1970-1971, lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn lên tới 62.000 người, được tổ chức thành 4 sư đoàn và cấp tương đương (Bộ Tư lệnh 470, Sư đoàn 968, Đoàn 565 và Đoàn 571); 30 binh trạm, trung đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh; 144 tiểu đoàn và cấp tương đương trực thuộc binh trạm...

Căn cứ vào tình hình chiến trường, thực lực cũng như yêu cầu nhiệm vụ trên giao, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh chủ trương tập trung lực lượng xây dựng thế trận vận chuyển chi viện chiến lược, kết hợp đối phó với các cuộc hành quân quy mô lớn của địch nhằm chặn cắt tuyến chi viện chiến lược và phá cơ sở hậu cần của ta. Một số công việc cần phải giải quyết gấp là: Củng cố, phát triển trục vượt khẩu đường 16, 18; tôn ngầm, rải đá cục bộ bảo đảm vận tải ô tô cơ động binh khí kỹ thuật tiếp cận nhanh các hướng chiến trường. Đặc biệt ưu tiên mở khoảng 100 cây số đường kín từ Lùm Bùm đi Tha Mé, làm thêm một số đường ngang bổ trợ bảo đảm phục vụ chiến dịch nếu chiến sự xảy ra ở Đồng Hến, Mường Pha Lan, Sa Đi, Tha Mé...

Già nửa cuối mùa mưa, toàn tuyến tập trung lực lượng củng cố và phát triển thế trận vận chuyển theo chủ trương đã được xác định. Nhưng mùa mưa năm nay kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9. Mưa to, lũ lớn triền miên phá hỏng hầu hết các ngầm, cầu; gây sụt lở hàng trăm cây số đường.

Ngày ngày, từ sở chỉ huy ngóng về tây, về nam thấy trời đen kịt, mọng nước, lòng tôi không khỏi bồn chồn, xót xa. Bao công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu của anh em công binh, thanh niên xung phong trên tuyến rồi lại trôi xuống sông, xuống suối!

Tới đầu tháng 10, tưởng chừng "trời" đã buông tha. Nhưng chưa hết! Bất thần hai cơn bão số 9, số 10 liên tiếp ập vào gây mưa lớn kèm lũ quét dọc khu vực cửa khẩu. 74 cây cầu bị lũ cuốn. Gần 200 cây số đường bị sụt lở, lầy trầm trọng. Chưa thể nói gì tới việc ra quân vận chuyển. Công binh, thanh niên xung phong lại trần mình suốt ngày đêm khắc phục hậu hoạ bão lụt: Đến cuối tháng 10, tình hình cầu đường tạm ổn. Ngoài hơn 4.000 cây số đường cũ được khôi phục, gia cố, đã có thêm trên 1.500 cây số đường mới mở, gồm cả đường chính và đường vòng tránh, đường ngang ra các chiến trường...

Cuối tháng 9, đúng vào thời điểm "nước rút" chuẩn bị ra quân mùa khô, Bộ Tư lệnh Trường Sơn vinh dự đón anh Võ Nguyên Giáp vào thăm và làm việc tại văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Bình.

Ngoài tôi, dự buổi làm việc đó còn có các anh Cao Văn Khánh, Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Lang, Lê Xy, Lê Đình Sum.

Sau khi nghe báo cáo tổng quát công tác chuẩn bị triển khai kế hoạch mùa khô tới, anh Văn gợi ý chúng tôi xem còn vấn đề gì gay cấn vướng mắc cần đề đạt trên; chiến trường có dấu hiệu gì về hoạt động của địch khác với dự đoán trước đây của Trung ương mà Đoàn 559 đã được biết... Cuối cùng anh nói rõ thêm: Hội nghị Trung ương lần thứ 18 (1-1970) đã dự đoán Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc với quy mô, cường độ lớn hơn, mở rộng chiến tranh trên đất Lào, Campuchia. Đồng thời, với hy vọng làm giảm nhịp độ tiến công của ta trên chiến trường miền Nam, Mỹ - nguỵ có thể sử dụng binh lực với quy mô lớn đánh phá cắt đứt tuyến chi viện Trường Sơn. Nhưng bất luận hoàn cảnh nào, bộ đội Trường Sơn cũng phải nỗ lực bảo đảm chi viện cho các chiến trường. Trước mắt, phối hợp với bạn Lào tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ vững chắc hành lang tây Trường Sơn. Đồng thời nhanh chóng phát triển đường đông Trường Sơn, từ Cù Bai (tây Quảng Trị) đến phía tây Thừa Thiên; mở gấp đường 71 vào hướng Bình Điền (tây Thừa Thiên); kéo dài đường từ A Lưới vào Khâm Đức (tây Quảng Nam), hình thành một thế trận vận tải vừa bảo đảm yêu cầu chi viện chiến lược, vừa dự kiến tình hình bảo đảm tác chiến chiến dịch, nếu kẻ địch liều lĩnh mở cuộc hành quân quy mô lớn lên tây Trường Sơn.

Được làm việc với anh Văn chưa trọn ngày, song chúng tôi lĩnh hội thêm bao điều về khả năng đối phương đẩy chiến lược chiến tranh ngăn chặn tổng lực lên một nấc thang mới. Và trong cuộc đối đầu lần này, bộ đội Trường Sơn sẽ phải làm gì?

Sau hơn một tháng kể từ ngày anh Văn vào làm việc trực tiếp với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đầu tháng 11 năm 1970, anh Phan Hàm - Cục phó Cục Tác chiến với cương vị phái viên của anh Văn Tiến Dũng vào truyền đạt với chúng tôi những phán đoán của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương về khả năng Mỹ - nguỵ sẽ cắt tuyến chi viện chiến lược, cả đông và tây Trường Sơn ngang khu vực đường số 9 bằng một cuộc hành quân lớn của các binh đoàn thiện chiến, với công thức: bộ binh (quân nguỵ Sài Gòn, Lào, Thái Lan) cộng chỉ huy, hoả lực và hậu cần của Mỹ.

Theo yêu cầu của Tổng tham mưu trưởng, tôi đã cung cấp để phái viên của Bộ Tổng nắm toàn bộ công tác chuẩn bị đường sá, kế hoạch tác chiến tại chỗ và khả năng vận chuyển chi viện chiến lược, bảo đảm tác chiến chiến dịch nếu ta mở chiến dịch phản công ở khu vực đường 9.

Tiễn anh Phan Hàm trở ra Hà Nội, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh họp, thống nhất ngay một số nhiệm vụ cần triển khai ngay là:

- Giữ vững và đẩy mạnh vận chuyển chi viện chiến lược, tranh thủ dồn nhanh hàng vào nam đường 9, phòng khi địch đánh tràn lên, chốt chặn dọc con đường này.

- Chuẩn bị chiến trường, tổ chức vận chuyển bảo đảm hậu cần trực tiếp cho mặt trận đường 9 - khi chiến sự xảy ra ở đây.

- Khôi phục, mở mới đường 23 phía tây từ đường 9 đến A-tô-pơ.

- Thống nhất tổ chức chỉ huy các lực lượng trên đất Lào thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn thành một cánh, đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch, thực hành tác chiến tiêu diệt sinh lực địch, bảo vệ hành lang phía tây tuyến vận chuyển chi viện chiến lược.

Theo chỉ thị của anh Văn Tiến Dũng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đều thống nhất nhận định nếu đánh tuyến chi viện chiến lược chắc chắn địch sẽ áp dụng chiến thuật "Trực thăng vận" quy mô lớn. Do vậy, về ta cần bố trí lại thế trận tác chiến phòng không, tăng cường lực lượng cao xạ, súng máy chốt giữ các điểm cao nam bắc đường số 9; tập trung ở những điểm có nhiều khả năng địch sẽ đổ quân. Quyết đánh bại chiến thuật "Trực thăng vận" ngay từ đầu.

Lúc này mùa khô đã qua hơn một tháng. Bộ Tư lệnh quyết định triển khai nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược, đồng thời tích cực chuẩn bị cho phương án đánh lớn ở khu vực đường 9 - Nam Lào.

Hạ tuần tháng 11, thế trận bảo đảm và chuẩn bị cho tác chiến chiến dịch địa bàn đường 9 tạm ổn. Nhưng rồi, cũng như cao điểm các mùa khô trước, biết ta tung hết lực lượng cho mặt trận vận chuyển chi viện, địch đã huy động không quân đánh phá dữ dội các trục vượt khẩu, quyết liệt nhất là đường 20.

Tại Chà Là (giao điểm các đường 20A, 20C, 20Đ) kẹp giữa hai dãy Phu Luông và Phu La Nhích, hàng ngày địch cho hơn ba chục lần chiếc B.52 ném bom "rải thảm" và hàng trăm lần chiếc máy bay cường kích oanh tạc phá huỷ gần 2 cây số đường.

Trước tình hình đó, chúng tôi lệnh cho công binh tập trung lực lượng làm đường tránh, tăng cường lực lượng phòng không chốt giữ các trọng điểm, đồng thời đề nghị Bộ Tổng tham mưu cho sử dụng tên lửa đánh B.52 ở khu vực cửa khẩu đường 20.

Ngày 1 tháng 12 năm 1970, bộ đội phòng không bảo vệ đường 20 đã phóng một quả tên lửa vào tốp B.52 đang tiếp cận trọng điểm Chà Là, làm cho "Siêu pháo đài bay" hoảng hồn, không dám bén mảng tới khu vực này trong vòng nửa tháng. Ách tắc ở trọng điểm Chà Là được giải toả khá nhanh.

Nắm chắc mọi diễn biến tình hình, ngày 15 tháng 12 năm 1970, Bộ Tư lệnh quyết định mở màn chiến dịch mùa khô 1970-1971.

Nửa tháng sau khi phát lệnh, theo báo cáo của Cục Tham mưu vận chuyển: Đến cuối tháng 12 đã có 15.000 tấn hàng vượt đường 9, vượt Bạc hơn 6.000 tấn; giao cho Trị-Thiên và Khu 5 được 1.300 tấn; giao cho Mặt trận đường 9 - Khe Sanh 2.000 tấn. Đúng là kết quả của một nỗ lực phi thường.

Tình hình khu vực đường 9 như vậy là tạm ổn. Đầu tháng 1 năm 1971, tôí chọn hướng nam để "xuất hành" đầu năm; vào làm việc với Bộ Tư lệnh 470 bàn tổ chức chiến trường, xây dựng căn cứ hậu cần chiến lược khu vực ba biên giới; đồng thời trực tiếp gặp các anh trong Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền, nắm yêu cầu của chiến trường.

Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh 470 và các binh trạm tuyến cuối, chúng tôi theo đường 13 vượt Tà Ngâu, qua Snun, về Lộc Ninh. Do điện báo trước, nên khi về tới Lộc Ninh, đã có hai người do anh Phạm Hùng phái mang xe máy ra đón. Trong buổi gặp gỡ giữa trưa rừng chiến khu miền Đông, tại cơ quan Trung ương Cục, sau phút giây mừng hội ngộ, anh Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục, anh Nguyễn Văn Linh - Phó bí thư, các anh Võ Văn Kiệt, Trần Nam Trung, Trần Văn Trà...thông báo khái quát tình hình, dự kiến cục diện chiến trường sẽ phát triển mạnh theo thế có lợi cho ta; xu hướng là ta sẽ kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhưng nếu ta không đánh lớn thì cũng khó làm chuyển biến tình hình. Về bảo đảm hậu cần cho đánh lớn, Nam Bộ lo được lương thực, thực phẩm. Nhưng vũ khí - nhất là đạn pháo lớn, thuốc quân y, là những nhu cầu thiết yếu, bức xúc, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền yêu cầu Bộ Tư lệnh Trường Sơn ưu tiên "đẩy" nhanh vào. Anh Trà, anh Nam Trung còn yêu cầu chúng tôi cho một trung đọàn công binh vào mở đường từ Lộc Ninh đi Xa Mát và một số tuyến trong địa bàn hậu cứ.

Tôi báo cáo tổng quát hoạt động của bộ đội Trường Sơn, chỉ tiêu nhiệm vụ Quân uỷ giao vận chuyển chi viện chiến trường, và hứa sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền.

Xong việc. Chiều xuống, anh Phạm Hùng bảo tôi:

- Cơm nước xong, tối nay cậu ngủ lại đây, anh em mình chuyện trò, xem ti-vi Sài Gòn...

Sau buổi làm việc với các anh ở Trung ương Cục miền Nam, tôi suy nghĩ nhiều về Bộ Tư lệnh chiến trường - một tập thể như thép đã tôi, từng kinh qua lao tù của đế quốc, thực dân, trưởng thành cùng hai cuộc kháng chiến thánh thần của dân tộc có bề dày kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy..., chắc chắn sẽ cùng Trung ương Đảng và toàn dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Trên đường vào cũng như từ cơ quan Trung ương Cục trở ra, tôi chú tâm quan sát, nghiên cứu địa hình. Ý tưởng mở một trục dọc đông Trường Sơn luôn nung nấu trong tôi. Qua nghiên cứu tài liệu từ trước, kết hợp quan sát thực địa, tôi thấy mở một trục dọc từ Ngọc Hồi (Kontum) băng qua các tỉnh Tây Nguyên, chạy men theo biên giới vào Bù Đốp, gần Lộc Ninh, là phương án có tính khả thi nhất.

Về lại Bộ Tư lệnh 470, tôi trao đổi với các anh trong Bộ Tư lệnh những việc cần kíp trước mắt, đặc biệt lưu ý yêu cầu của Trung ương Cục. Là những cán bộ có kinh nghiệm tổ chức vận tải cơ giới, nên khi tôi trao đổi việc nên mở trục dọc đông Trường Sơn, các anh trong Bộ Tư lệnh 470 nhất trí phải chuẩn bị khẩn trương, nhất là lực lượng, phương tiện kỹ thuật, để khi chu lực ta "nhổ" một số đồn bốt còn lại dọc tuyến biên giới, sẽ cho mở ngay, trước hết là đoạn phía nam. Theo các anh thì mở đường qua nơi đây địa hình khá bằng phắng, chỉ cần ba trung đoàn công binh và một số xe - máy tốt, sau tám tháng sẽ cơ bản xong.

Tôi nhất trí với Bộ Tư lệnh 470 và kết luận: Việc mở đường cơ giới đông Trường Sơn chỉ còn là vấn đề thời gian, quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, càng sớm càng tốt.

***

Kết thúc chuyến đi thực địa phía nam, tôi trở về sở chỉ huy với bao công việc đang chờ thì được báo anh Phan Hàm - phái viên của Tổng tham mưu trưởng vừa vào. Chắc có chuyện lớn rồi đây!

Tôi nghĩ thế và cho triệu tập Bộ Tư lệnh nghe anh Phan Hàm truyền đạt dự lệnh của Bộ: Mỹ - nguỵ sẽ sử dụng một số lượng lớn máy bay trực thăng đổ quân chốt giữ các điểm cao dọc phía nam - bắc đường 9; đồng thời sẽ sử dụng bộ binh cơ động theo đường 9 thọc lên Sê Pôn hợp điểm với quân nguỵ Lào và quân Thái Lan từ Mường Phìn sang chốt chặn lâu dài tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, hình thành hàng rào McNamara kiểu mới.

Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận do Thiếu tướng, Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo làm Chính uỷ. Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo chung. Bộ Chính trị và Quân uỷ giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách cánh tây của chiến dịch, gồm Sư đoàn 968, Sư đoàn 2 (Khu 5) và một số đơn vị binh chủng. Trên toàn địa bàn chiến dịch, bộ đội Trường Sơn là lực lượng tác chiến tại chỗ.

Ngay sau khi nhận lệnh chính thức của Bộ, tối ngày 28 tháng 1, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh họp bàn triển khai thế trận tác chiến chiến dịch. Do đã dự kiến trước tình hình từ cuối tháng 10 và tích cực chuẩn bị, nên chúng tôi nhanh chónh thống nhất một số nội dung:

- Sáp nhập hai Mặt trận X và Z thành Mặt trận Y, lực lượng chủ yếu là Sư đoàn 968 phụ trách toàn bộ địa bàn Hạ Lào, A-tô-pơ ..., kiên quyết chặn đứng quân địch nếu chúng nống ra vùng giải phóng Lào, uy hiếp hành lang phía tây tuyến chi viện. Phó tư lệnh Hoàng Kiện được cử là Tư lệnh kiêm Chính uỷ Mặt trận Y.

Thành lập tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách hướng phối hợp chiến dịch ở Trung- Hạ Lào, theo chỉ thị của Bộ.

Phân công anh Nguyễn Hoà và anh Hoàng Thế Thiện trực tiếp chỉ huy chung bộ đội Trường Sơn và Sư đoàn 2 (Khu 5, do anh Nguyễn Chơn làm Tư lệnh sư đoàn) và các trung đoàn cao xạ ở hướng này.

- Khẩn trương hoàn thiện thế trận tác chiến phòng không, do Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ đạo, quyết đánh bại chiến thuật "Trực thăng vận" của địch.

Toàn tuyến phải kết hợp chặt chẽ vận chuyển đảm bảo chiến dịch và chiến lược, lấy vận chuyển đảm bảo chiến lược là chính.

- Bộ Tư lệnh 470 đẩy nhanh vận chuyển chi viện cho Nam Bộ, đồng thời chủ động đối phó nếu địch đánh ra Phi Hà, Xê Sụ (ngã ba biên giới) hòng thực hiện mưu đồ "chặn đầu, khoá đuôi" tuyến chi viện.

Sáng 29 tháng 1, Bộ Tư lệnh điện triệu tập cán bộ chủ trì các binh trạm trong khu vực dự kiến chiến dịch xảy ra, gồm các Binh trạm 27, 9, 41, 34, 32, 31, 14, 12 để giao nhiệm vụ cụ thể.

Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, trên địa bàn dọc theo bắc - nam đường 9, bộ đội Trường Sơn đã hình thành bảy khu vực tác chiến tại chỗ ở đoạn chính diện đông và tây Mường Phìn dài 100 cây số.

Mạng thông tin của Bộ Tư lệnh Trường Sơn được nối với Bộ Tư lệnh chiến dịch, Bộ Tư lệnh cánh đông (B70) và một số đơn vị chủ lực của Bộ.

Lực lượng phòng không của Bộ Tư lệnh Trường Sơn được huy động tham gia chiến dịch lên tới 5 trung đoàn và 1 sư đoàn (có 1 trung đoàn tên lửa của Bộ phối hợp), 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy cao xạ. Hơn ba trăm nòng pháo cao xạ và cũng chừng ấy khẩu súng máy bố trí thành tám cụm trên tâm điểm là tam giác Bản Đông - Tha Mé - La Hạp đã tạo thành lưới lửa phòng không liên hoàn, nhiều tầng, nhiều vòng, giăng khắp, kết hợp với thế trận phục kích, tập kích ngăn chặn bộ binh địch tiến công tuyến chi viện chiến lược.

Về mạng đường chiến dịch, từ Chà Lỳ vào đường 9, công binh Trường Sơn đã hoàn chỉnh thêm hai trục dọc và hai trục ngang.

Các kho vật chất bảo đảm cho tác chiến chiến dịch khu vực đường 9 đã có hơn 8.000 tấn. Hàng dự trữ chiến lược trên tuyến hơn 80.000 tấn.

Trước giờ mở màn chiến dịch, tôi gọi điện hỏi anh Nguyễn Chơn - Sư trưởng Sư đoàn 2 trên cánh tây:

- Đạn dược, lương thực, thông tin đã bảo đảm chưa?

Anh Chơn nói như reo:

- Báo cáo Tư lệnh, bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm đủ mọi thứ. Cứ đà này, chúng tôi tha hồ đánh, nhất định thắng lợi.

- Phải như thế! Kiên quyết chặn đứng, bao vây, tiêu diệt không cho chúng có đường về.

Tôi chúc Sư đoàn 2 giành thắng lợi và tin tưởng những lời "như dao chém đá" của người sư đoàn trưởng sắc sảo, đầy quyết đoán và uy tín lúc đó.

Dứt cuộc nói chuyện với Nguyễn Chơn thì chuông điện thoại lại đổ dồn dập. Người đầu máy bên kia là anh Võ Quỳ - Binh trạm trưởng Binh trạm 41. Anh báo cáo ngắn gọn:

- Tất cả lực lượng đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu, bộ đội phấn chấn, quyết tâm cao. Các kho dự trữ gần đường 9 đều được chuyển vào sâu và bố trí lực lượng bảo vệ chu đáo. Binh trạm đang tổ chức vận chuyển đạn, lương thực cho cánh đông.

Tôi dặn thêm Võ Quỳ:

- Anh nhớ kiểm tra chu đáo công tác chuẩn bị chiến đấu của binh trạm. Đồng thời liên hệ gấp với Huyện uỷ Sê Pôn, đề nghị bạn tổ chức khẩn trương sơ tán dân. Nếu bạn thiếu gạo, thiếu muối thì hỗ trợ. Ở các điểm cao dọc theo đường 9, khả năng địch có thể chiếm giữ, nên tổ chức các đại đội bộ binh độc lập phối hợp với công binh, chủ động chốt trước. Nếu địch đổ quân chiếm được những cao điểm quan trọng, phải tổ chức các lực lượng có trang bị hoả lực mạnh chốt các điểm cao đối diện, liên tục khống chế, không cho địch đánh xuống các trục đường.

Dặn Võ Quỳ xong, tôi gọi điện xuống hướng Bản Đông gặp anh Ngô Huy Biên - Tham mưu trưởng phòng không, phái viên của Bộ Tư lệnh xuống đốc chiến.

Ngô Huy Biên báo cáo: 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn cao xạ, 1 trung đoàn tên lửa và 25 đại đội súng máy 14,5 ly đã dàn trận, sẵn sàng đợi địch ở khu vực giữa Bản Đông và Sa Đi.

Biết đây sẽ là quyết chiến điểm, tôi dặn thêm Ngô Huy Biên:

- Lực lượng phòng không khá mạnh đã tập trung cho khu vực này. Điều cơ bản là phải khéo biết nghi binh lừa địch, để bắn rơi nhiều máy bay. Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích và Phó chính uỷ Lê Xy đang xuống dưới đó. Các anh nên bàn tính kỹ. Đây là một cơ hội tốt để cao xạ "làm ăn", hạ nhục huyền thoại cái gọi là "Phượng hoàng bay" của không lực Hoa Kỳ.

Hướng Bản Đông như vậy là tạm ổn. Tôi gọi điện tiếp cho Phan Hữu Đại - Phó chủ nhiệm chính trị vừa được đưa xuống làm Binh trạm trưởng kiêm Chính uỷ Binh trạm 27 (hướng đường 16 - Bản Đông) và Nguyễn Lạn - Binh trạm trưởng Binh trạm 9 (đường 18), khi mà máy bay B.52 đang giội bom liên tục ngày đêm trên hai trục đường này.

Được hỏi về tình hình đường sá và khả năng vận chuyển bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch, anh Đại và anh Lạn báo cáo đường 16 từ trọng điểm Chà Lỳ đi Sê Băng Hiên, ta đã mở thêm ba đường tránh; địch đánh phá mạnh, nhưng vẫn thông đường.

Đường 18 từ Pha Băng Nưa qua cao điểm 900 đã có đường tránh, nên không bị tắc. Các tiểu đoàn ô tô chuyển hàng cho cánh đông hoạt động tốt; đạn pháo 130 ly bảo đảm đủ yêu cầu của các đơn vị.

Tôi lưu ý các anh phải có kế hoạch bảo vệ tốt đội hình xe vận tải và không quên chúc các anh giành thắng lợi trong chiến dịch rất quan trọng này.

Như vậy, sau hai tháng kể từ khi được Bộ giao nhiệm vụ, với những gì tạo dựng được, bộ đội Trường Sơn vững vàng tự tin bước vào cuộc đối đầu mới vô cùng quyết liệt với kẻ thù, nhưng rất chắc thắng.

Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, ngày 30 tháng 1 năm 1971, Mỹ - nguỵ cho quân đánh ra đường 9 - Nam Lào, mở màn cuộc hành binh đại quy mô được mang danh "Lam Sơn-719". Hơn 4 vạn quân chủ lực Sài Gòn, 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất, với gần 600 xe tăng, xe bọc thép, hơn 300 khẩu pháo hạng nặng, 1.000 máy bay (có hơn 600 máy bay lên thẳng) được huy động cho cuộc hành binh này. Địch kết hợp cho bộ binh từ Đông Hà theo đường 9 lên Sê Pôn và cho máy bay lên thẳng đổ quân xuống ba cụm cao điểm nam đường 9 - tây Trường Sơn.

Phối hợp với quân nguỵ Sài Gòn, 4 tiểu đoàn quân nguỵ Lào từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan. Đây thực sự là cuộc hành binh có quy mô lớn nhất, điển hình nhất trong quá trình thực hiện "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ. Với cuộc hành quân "Lam Sơn-719, Mỹ đã đẩy chiến tranh ngăn chặn Đường Hồ Chí Minh lên đỉnh cao. Chúng muốn bằng cuộc hành binh này sẽ chặn cắt hoàn toàn tuyến chi viện chiến lược, đồng thời đánh bại chủ lực ta, từ đó chứng minh cho sự thành công của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" - cái mà nhiều chiến lược gia phương Tây đã sớm thấy chỉ là sự "thay đổi màu da trên xác chết" của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam kể từ sau Tết Mậu Thân.

Ngày 15 tháng 2 năm 1971 - nghĩa là trọn nửa tháng Mỹ - nguỵ đánh ra đường 9 - Nam Lào, tờ Thời báo (Time) của Mỹ bộc bạch chủ định đó của Nhà Trắng. Nhưng đối phương đã nhầm trong "nước cờ" này.

Ngay khi dược trên thông báo về kế hoạch hành binh của Mỹ - nguỵ ra đường 9 - Nam Lào, tôi đã nghĩ ngay tới bước phiêu lưu đầy chủ quan của các chiến lược gia Hoa Kỳ. Bởi điều đơn giản đầu tiên: Nơi đây là chiến trường rừng núi, không phải là "đất dụng võ" của cả lính Mỹ - lẫn nguỵ. Lẽ thứ hai - đã từ lâu, trong tầm nhìn của Bộ thống soái Việt Nam, đường 9 - Nam Lào là chiến trường dành cho sự đối đầu giữa chủ lực hùng mạnh của miền Bắc với bất cứ lực lượng nào của đối phương. Đường 9 là nơi có chính diện rộng nhất của tuyến chi viện chiến lược bao gồm cả hành lang đông và tây Trường Sơn, là cửa mở quyết định nhất. Do vậy, ta đã tập trung binh lực kỹ càng, đặc biệt là xây dựng thế trận tác chiến phòng không, lực lượng chiến đấu tại chỗ, cơ sở hậu cần kỹ thuật dự trữ hùng hậu của chiến trường. Lực lượng chủ lực tinh nhuệ thiện chiến của ta, đặc biệt là lực lượng đự bị chiến lược trên miền Bắc sẽ không buông tha mọi động thái của địch ở địa bàn chiến lược này.

Luôn hằn sâu trong tâm tưởng ý nghĩ đó, nên khi địch đưa quân ra đường 9, tôi dám chắc với mấy anh trong Bộ Tư lệnh rằng: Mỹ - nguỵ đã "chui đầu vào rọ".

Thực hiện lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch và chỉ thị của anh Văn Tiến Dũng, khi bộ binh địch ồ ạt theo đường 9 tràn lên tây Trường Sơn, rồi các trung đoàn không vận của chúng rục rịch "cất cánh", Bộ Tư lệnh Trường Sơn kịp thời điện cho các đơn vị, binh trạm: Nhử địch vào thật sâu, sẵn sàng chủ động tiến công vào các đội hình trực thăng của chúng. Sử dụng mọi vũ khí, phát huy mọi tầm hoả lực, kiên quyết tiêu diệt địch, với khẩu hiệu: "Cứ cho nó đến, quyết không cho về".

Trong ba ngày đầu, trực thăng bay đầy trời khu vực Sê Pôn, Bản Đông, đổ quân ào ạt. Thấy quá "ngon ăn", một vài đơn vị phòng không nôn nóng, đề nghị cho đánh. Bộ Tư lệnh vẫn kiên trì, bình tĩnh chỉ thị cho lực lượng cao xạ theo dõi, bám sát các hoạt động của địch. Chỉ được sử dụng súng máy, nhưng cũng chỉ là gây cho đối phương chủ quan.

Sang ngày thứ tư, ngoài đổ quân, máy bay địch đã trút theo vũ khí, trang bị. "Mẻ vó" đã nặng tay, chúng tôi phát lệnh nổ súng.

Lực lượng cao xạ của Trung đoàn 591 (ở Bản Đông), các trung đoàn, tiểu đoàn cao xạ cơ động của Binh trạm 41 (ở Cu Bốc), Binh trạm 27 (ở Bản Đông - cầu Ka Ky) và Binh trạm 18 (ở Tà Khống) đã cùng hoả lực phòng không của chiến dịch tập trung diệt trực thăng và lực lượng đổ bộ đường không của địch.

Lưới lửa phòng không "thiên la địa võng" của ta đã chụp lên đầu thù. Máy bay bị hạ. Lính đổ bộ đường không lớp bị tiêu diệt, lớp bị bắt. Mỹ - nguỵ "lâm nạn" ở đường 9 trở thành đề tài nóng hổi, hấp dẫn đối với các hãng thông tấn, báo chí Âu - Mỹ.

21 giờ ngày 10 tháng 2 năm 1971, đài BBC phát đi từ London bản tin: Quân đội Việt Nam cộng hoà tiến quân lên đường mòn Hồ Chí Minh đã vấp phải lưới lứa phòng không dày đặc chưa từng thấy của Bắc Việt, 50 chiếc máy bay lên thẳng bị bắn hạ.

Vào thời điểm đó, tại địa đạo chỉ huy sở Bộ Tư lệnh, cán bộ, nhân viên đều ngồi bên chiếc loa lắng nghe những âm thanh tuyệt vời từ trận địa tiền duyên vọng về do máy điện thoại phát ra. Ba chiếc, năm chiếc, rồi tám chiếc rơi... Cả chỉ huy sở reo ồ lên; không khác gì cảnh xem bóng đá trước máy thu hình ngày nay: Sút - vào. Sút vào!

Thực tế số máy bay địch "gửi xác" ở cao điểm nam - bắc đường số 9 còn gấp nhiều lần sế mà đối phương thú nhận.

Riêng hai ngày 8 và 9 tháng 2, lực lượng phòng không Trường Sơn đã bắn rơi 50 chiếc.

Ở cánh đông, Binh đoàn 70 - chủ yếu là các Sư đoàn 304, 308, 320 do anh Cao Văn Khánh làm Tư lệnh, anh Hoàng Phương làm Chính uỷ, đã thực hành phản công, tiêu diệt và bắt gần như toàn bộ lực lượng bộ binh địch hành quân lên Trường Sơn theo đường số 9. Đặc biệt, Trung đoàn 64 Sư đoàn 820 đã lập công xuất sắc bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng và toàn bộ ban tham mưu lữ đoàn dù số 3 quân nguỵ Sài Gòn.

Đúng là "lửa thử vàng", cuộc chiến đấu đầy máu lửa, hy sinh cũng chính là thứ thuốc thử nhiệm màu, làm ảnh xạ những tố chất tinh tuý của người lính Trường Sơn. Đó là khi Mỹ - nguỵ tung toàn bộ thê đội 2, lực lượng thiện chiến nhất vào tham chiến nhưng đều bất lực; tình thế chiến trường cho phép chúng ta từ phản công chuyển sang tiến công, đánh bại hoàn toàn quân địch, kết thúc chiến dịch. Nhưng tiến công được hay không lúc này lại tuỳ thuộc vào vấn đề có đảm bảo được 2.000 quả đạn pháo lớn, 1.000 tấn đạn và lương thực cho hướng chủ yếu hay không. Điều này đã được cuộc họp vào đầu tháng 3 của Bộ Tư lệnh chiến dịch mà anh Phan Hữu Đại được triệu tập dự, nhận nhiệm vụ, kết luận:

- Tất cả trông chờ "câu trả lời" của Binh trạm 27.

Trong ngày hôm đó, tôi nhận được liên tiếp điện của các anh Lê Trọng Tấn, Văn Tiến Dũng và anh Võ Nguyên Giáp, chỉ thị: Phải bằng mọi cách bảo đảm đủ vũ khí, đạn dược, lương thực cho các hướng chiến dịch. Đồng thời giữ cho được hành lang phía tây, tập trung sức vận chuyển chi viện kịp thời cho Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ để đánh bại các cuộc hành quân phối hợp của địch.

Kết cục là bộ đội Trường Sơn đã không phụ lòng mong mỏi của trên, của đơn vị bạn. Ngày 12 tháng 3, kế hoạch vận chuyển bảo đảm cho chiến dịch tiến công đã được Binh trạm 27 và Binh trạm 9 hoàn thành xuất sắc, để sáng ngày 12 pháo ta cấp tập mở màn giai đoạn chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận. Tư lệnh cánh đông Cao Văn Khánh gửi điện cảm ơn, đánh giá cao công lao của bộ đội Trường Sơn.

Trong những tháng ngày hào hùng này đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân làm sáng danh bộ đội Trường Sơn, tiêu biểu là Anh hùng Nguyễn Văn Thân, Anh hùng công binh Nguyễn Bá Tòng...

Ở cánh tây, bộ đội Trường Sơn - chủ lực là Sư đoàn 968 dưới sự chỉ huy của các anh Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Hoà..., đã phối hợp cùng bạn tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở Thác Hài, Nậm Lực, Nậm Tiếng, Keng Coọc; giải phóng nhiều khu vực dân cư. Sư đoàn 2 Quân khu 5 phối thuộc vây lấn, tiến công tiêu diệt trung đoàn 1 sư đoàn 1 bộ binh nguỵ ở cao điểm 723, tiếp đó đánh thốc lên điểm cao 660, diệt và bắt hàng hơn một nghìn tên.

Ở phía nam, Binh trạm 41 phối hợp với Sư đoàn 324 thuộc Quân khu Trị-Thiên đánh thiệt hại nặng sư đoàn thuỷ quân lục chiến nguỵ tại các điểm cao 550, 540, 532. Biết không thể trụ lại được, địch buộc phải cho trực thăng liều mạng bốc số quân còn lại trên điểm cao 400, điểm cao 550. Bị hoả lực phòng không các Binh trạm 41, 32, 33 vây bủa, 40 trực thăng bỏ xác. Những chiếc còn lại cuống cuồng tháo chạy. Sĩ quan, binh lính địch tranh nhau bám càng máy bay để thoát thân. Nhưng thoát được bao nhiêu! Cảnh tượng ly kỳ đó đã được phóng viên phương Tây ghi lại và đăng tải trên nhiều tờ báo nước ngoài lúc bấy giờ. Quả là nỗi kinh hoàng đối với sĩ quan, binh lính địch và gây chấn động dư luận quốc tế.

Đó còn là bằng chứng về sự thảm bại của công thức: "Lực lượng nguỵ, cố vấn chỉ huy, hoả lực, hậu cần Mỹ" - xương sống của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh".

Giữa lúc chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, tôi gọi điện hỏi anh Hoàng Xuân Điền - Binh trạm trưởng Binh trạm 33:

- Mức độ tranh chấp các điểm cao thế nào? Có gì trở ngại cho vận tải không?

Anh Điền trả lời:

- Báo cáo Tư lệnh, ta chốt ở những cao điểm trọng yếu, bình độ cao hơn, bố trí hoả lực mạnh hơn, hoàn toàn áp đảo các cao điểm của địch. Về vận tải cơ giới, tốc độ và đội hình xe vẫn bảo đảm.

Tôi dặn thêm:

- Phải nắm tình hình thật chắc; khống chế chặt địch. Bố trí xe vận tải chạy sớm, nâng quy mô đội hình xe. Bất luận tình huống nào cũng không để gián đoạn vận tải chiến lược.

Ngày 23 tháng 3 năm 1971, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc, toàn thắng. Cuộc hành quân "Lam Sơn-719"- cố gắng cuối cùng trong cơn "giẫy chết" của chiến lược "Việt nam hoá chiến tranh" thất bại thảm hại. Âm mưu cắt đứt tuyến đường Trường Sơn bằng sức mạnh tổng lực trong tổng thể chiến lược chiến tranh ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược đã hoàn toàn thất bại.

Địch hy vọng làm chủ và biến đường 9 thành "lưỡi dao" cắt ngang tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, song ta đã làm chủ con đường này từ Bản Đông đến Mường Phìn. Đội hình vận tải quy mô lớn vẫn qua lại bình thường. Bộ chỉ huy tiền phương Trường Sơn do các anh Hoàng Thế Thiện và Nguyễn Hoà - những cán bộ cao cấp có bề dày chiến tích và kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vẫn trụ vững tại huyện lỵ Sê Pôn, sát cánh cùng cấp uỷ, chính quyền bạn suốt chiến dịch.

Ngày 18 tháng 2 - đúng vào lúc ta và địch đang giành giật nhau từng mỏm đồi, khe cạn... tại Bản Đông, Sê Pôn, thì đài AFP đưa tin: Quân Việt Nam cộng hoà đã chiếm được huyện lỵ Sê Pôn.

Ngay lập tức tôi gọi điện cho anh Thiện. Biết địch đưa tin xằng bậy, chúng tôi bàn cách "bịt miệng" chúng lại và dạy cho chúng một bài học.

Rất may là liền đó, anh Song Hào gọi điện vào, anh gợi ý nên cho ghi âm lời phát biểu của đồng chí Chủ tịch huyện Sê Pôn. Thật là đơn giản! Và đúng tối ngày 19 tháng 2 năm 1971, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời của đồng chí Bun Đi - Chủ tịch huyện Sê Pôn. Địch bị "đo ván" trong cuộc khẩu chiến này. Sau đêm hôm đó đài Sài Gòn, đài AFP không thấy nói gì đến Sê Pôn, đường 9 nữa.

Suốt chiến dịch, các anh Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện nhiều lần gọi điện giao nhiệm vụ, kiểm tra hoạt động của tuyến chi viện Trường Sơn. Nhưng chỉ khi "sóng gió lui rồi" - tôi mới có cuộc nói chuyện đầy đủ qua điện thoại với anh Văn:

- Báo cáo anh, gần hai tháng diễn ra chiến dịch và tham gia chiến dịch, chẳng những vận tảl không bị tắc, mà khối lượng hàng chuyển giao các chiến trường tăng gấp hai lần, thời gian đưa hàng đến đích cũng nhanh hơn, chỉ bằng nửa thời gian trước đó. Không khí đánh địch, làm đường, vận chuyển trên toàn tuyến chẳng khác gì ngày hội.

Quả đúng vậy, trong cuộc chiến này, khi mà đối phương huy động tối đa sức mạnh tổng lực. hòng xoá đường Trường Sơn; khi mà biết bao đồng chí, đồng bào ngã xuống, nằm lại vĩnh viễn với những đồi lau xơ xác, những bìa rừng khuất nẻo... vì sự sống của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch, nếu như ai đó thi vị hoá hết thảy sẽ là tội lỗi. Nhưng nếu không tìm thấy cội nguồn chiến thắng từ những bước chân nhún nhảy của các chàng trai, cô gái Pa Cô trên đường tải đạn trong âm vang réo rắt tiếng đàn Ta Lư, hay điệu lăm vông của những nam nữ chiến sĩ Quân giải phóng Lào sau từng trận đánh..., thì cũng khó lý giải hết tầm thế của chiến công này..., và vì sao ta chiến thắng!

Về phía Mỹ, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đến thời điểm này đã tròn 17 năm với 4 đời tổng thống. Dù là "Phòng tuyến chống xâm nhập" dưới "triều đại" Ai-xen-hao; các cuộc hành quân "Hoành Sơn" thời Kennedy; "Hàng rào điện tử McNamara", chiến thuật huỷ diệt cửa khẩu với hàng loạt vũ khí, khí tài tinh vi, hiện đại thời Giôn-xơn; rồi đỉnh cao là hành quân "Lam Sơn-719" của tập đoàn Nixon..., thì mục tiêu chiến lược xuyên suốt của đế quốc Mỹ là chặn cắt, vô hiệu hoá tuyến vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Các đời Tổng thống Mỹ đều luôn tỏ rõ mình là "con bạc" khát nước trong "canh bạc" ngăn chặn. "Cuộc hành quân Lam Sơn-719, vì thế, được xem là nỗ lực cuối cùng của Mỹ trong canh bạc này.

Với ý nghĩa đó, thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đối với bộ đội Trường Sơn là thắng lợi tổng hợp. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là khúc tráng ca của cuộc chiến đấu chống ngăn chặn trên tuyến đường mang tên Bác. Bởi mấy lẽ:

- Ta đã biến được âm mưu của đối phương hòng chặt đứt tuyến chi viện chiến lược, ngay khu vực đường 9, thành kết quả mở rộng thêm chính diện, phát triển thêm chiều sâu của tuyến, thực hiện vượt chỉ tiêu chi viện về người và vật chất cho các chiến trường.

- Lần đầu tiên, tuyến vận tải chiến lược đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng trên một cánh của chiến dịch. Ở cánh này, bộ đội Trường Sơn đã phối hợp với bạn đánh tiêu diệt lực lượng đổ bộ đường không, các cuộc hành quân nống lấn của địch; giữ vững và củng cố hành lang chiến lược, mở rộng vùng giải phóng của bạn ở Trung - Hạ Lào.

Như một hệ quả tất yếu, thực tiễn sống động quá trình thực hành tác chiến và bảo đảm cho chiến dịch, đã khắng định tuyến vận tải Trường Sơn vừa là một tuyến vận tải quân sự chiến lược, vừa là một hướng chiến trường vô cùng quan trọng. Bộ đội Trường Sơn không chỉ là lực lượng phục vụ chiến đấu, vận chuyển chi viện nhằm thoả mãn yêu cầu chiến trường mà còn là lực lượng tác chiến ở một hướng rất hiệu quả. Đồng thời, tuyến vận tải quân sự Trường Sơn vừa là một căn cứ chiến lược trực tiếp của các chiến trường Nam Đông Dương, vừa là căn cứ chiến dịch.

Tổng hợp những yếu tố kể trên, khẳng định một sáng tạo mới của Đảng ta trong tổ chức xây dựng quân đội, tổ chức chiến trường và điều hành chiến tranh.

Nắm bắt thời cơ địch bị thảm bại ở đường 9 - Nam Lào, các chiến trường trên toàn miền Nam đẩy mạnh tiến công địch ở cả nông thôn, rừng núi, đô thị. Thế và lực của Mỹ - nguỵ giảm sút, lún sâu vào bị động, lúng túng. Cục diện chiến trường thay đổi hoàn toàn có lợi cho ta.

Đối với tuyến vận tải quân sự Trường Sơn, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào kết thúc, cũng là lúc mùa khô sắp qua. Bộ Tư lệnh quyết định mở chiến dịch vận chuyển nước rút, hoàn thành nốt những chỉ tiêu chưa đạt; đặc biệt ưu tiên vận chuyển bảo đảm cho Nam Bộ; tổ chức tốt việc đưa ngoại tệ vào cho B2 và Bộ Tư lệnh 470.

Khi tiếng súng trên chiến trường đường 9 tạm lắng, thì địch lại có điều kiện tập trung máy bay đánh phá tuyến vận tải Trường Sơn. Từ mùa khô 1970 - 1971, địch thay đổi thủ đoạn, chuyển từ phá cầu đường sang đánh tiêu diệt sinh lực của ta; chủ yếu là bắn xe, trận địa phòng không, kho tàng... Đối tượng nguy hiểm nhất của tuyến vận tải lúc này là máy bay AC.130.

Từ đầu mùa khô này, khi AC.130 "túc trực" hết đêm này sang đêm khác từ đầu đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực nam - bắc đường số 9, hầu như không đoàn xe nào của ta không bị loài "ác điểu" này phát hiện tiến công.

Do chủ quan, thậm chí say sưa với chiến thắng, chậm nắm bắt, nghiên cứu thủ đoạn đánh phá cũng như khí tài mới của địch, nên khi xe bị bắn cháy, lái xe thương vong ngày càng nhiều, đã có một số cán bộ, lái xe không khỏi hoang mang, lo lắng. Theo báo cáo của một vài binh trạm, cá biệt có lái xe thoái thác chở vũ khí, đạn, xăng dầu. Đây là hiện tượng không bình thường, chưa có tiền lệ đối với binh chủng vận tải Trường Sơn.

Thường thì khi đối phương sử dụng khí tài mới cũng gây cho ta lao đao một thời gian. Lúc này không chỉ đơn vị mà ngay trong Bộ Tư lệnh cũng có sự đánh giá khác nhau. Đa phần cho rằng AC.130 phát hiện được xe trong đêm tối, xác suất đánh trúng mục tiêu rất cao. Nhưng cũng có ý kiến cho là nó cũng chỉ đánh như trước, lái xe sợ đạn 40 ly bắn dai và rát quá, bỏ chạy, nên xe bị bắn cháy.

Không thể giải quyết vấn đề này bằng tranh cãi, Bộ Tư lệnh quyết định tổ chức một đợt đi thực tế để có cơ sở nghiên cứu và kết luận chinh xác. Phó Chính uỷ Lê Xy đi cùng một đoàn xe về Bản Đông. Binh trạm trưởng Binh trạm 27 Phan Hữu Đại chỉ huy đội hình xe theo đường 16 chạy từ Chà Lỳ vào Dốc Thơm. Tham mưu phó phòng không Trần Trung Tín xuống trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 591 đánh AC.130.

Ngay hôm sau, chúng tôi nhận được báo cáo đánh giá khá thống nhất: Máy bay AC.130 có khả năng phát hiện ô tô đang hoạt động trong đêm tối. Tầm hoạt động của chúng trên 3 cây số, chủ yếu bắn đạn 40 ly, gây sát thương trên phạm vi rộng. Đội hình xe đang chạy, khi gặp AC.130, mặc dù tắt hết đèn gầm vẫn bị phát hiện. Trường hợp cho xe dừng lâu, máy nguội thì chúng không phát hiện được. Với tầm hoạt động khá cao, cao xạ 37 ly của ta chốt ở trọng điểm, gần như bị vô hiệu hoá đối với AC.130.

Sau này kết hợp nghiên cứu tài liệu, chúng tôi nhận biết đầy đủ hơn về AC.130. Đây là loại máy bay được trang bị tia hồng ngoại, phương tiện phát hiện tia lửa điện của động cơ xe, phương tiện khuếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối; sát thương mục tiêu chủ yếu bằng súng 40 ly, 20 ly, tên lửa tầm ngắn.

Vấn đề đã ngã ngũ. Bộ Tư lệnh kết luận: Máy bay AC.130 là đối tượng cực kỳ nguy hiểm đối với xe vận tải hoạt động ban đêm.

Nguy hiểm nhất là AC.130 có ưu thế hoạt động trên không với thời gian dài, bay bằng vòng lượn ngắn, tạo thành một "pháo đài di động", thay nhau liên tục khống chế đánh phá đội hình xe của ta. Vì vậy toàn tuyến phải có biện pháp đối phó tổng hợp sáng tạo, linh hoạt, bí mật bất ngờ. Trước tiên phải nắm thật chắc quy luật hoạt động của địch, nắm vững tư tưởng tiến công, tổ chức chạy "lấn sáng lấn chiều". Điều chỉnh lại lưới lửa phòng không tích cực đánh địch, kết hợp pháo 37 và 57 ly có khí tài. Tăng cường nghi binh, cho một số xe cũ, hỏng chạy thực sự để hút địch vào hướng nghi binh.

Sau khi thông báo cho các đơn vị trên tuyến kết luận của Bộ Tư lệnh, tôi trực tiếp điện đề nghị Bộ Tổng tham mưu tăng cường pháo 57 ly có khí tài và tên lửa. Tiếp đó, ngày 25 tháng 3, tôi cùng anh Lê Xy xuống Binh trạm 32 và Binh trạm 33 nghiên cứu để mở những đoạn đường đi qua rừng già, lấy tán rừng làm nguỵ trang.

Thực tế một lần nữa lại giúp chúng tôi tìm được lời giải tổng hợp cho "bài toán" hóc búa này. Điều đặc biệt lý thú là trước đó, Binh trạm 32 đã mở dược 40 cây số đường dưới tán rừng già. ô tô đi trong đó ban ngày, máy bay địch rất khó phát hiện. Đúng là trong khó khăn, quần chúng đã có những phát kiến tuyệt vời.

Tôi nói với Binh trạm trưởng Đặng Văn Ngữ và Trung đoàn trưởng công binh Tô Đa Mạn:

- Thường thì "cái khó bó cái khôn", nhưng với bộ đội Trường Sơn, nhiều khi "cái khó mách bảo cái khôn".

Anh Ngữ và anh Mạn đề nghị cho tổ chức ô tô chạy ban ngày trong đường kín. Tôi và anh Lê Xy nhất trí, nhưng không phải triển khai ngay. Bởi lẽ với 40 cây số hiện có thì chưa thể cải thiện được tình hình. Có chăng, chỉ là thực nghiệm.

Từ Binh trạm 32 trở về chỉ huy sở, tôi cho triệu tập các cơ quan tham mưu công binh, vận tải bàn khẩn trương mở đường kín và tổ chức một đội do các anh Tô Đa Mạn, Phan Quang Tiệp phụ trách khảo sát để mở tuyến đường kín từ Binh trạm 32 chạy thẳng vào khu vực ba biên giới. Tham mưu trưởng công binh Phạm Diêu rất tâm đắc chủ trương mở đường kín. Anh nói:

- Phương án này rất khả thi. Đường 69 dành cho xe con nối từ đường 18 về sở chỉ huy Bộ Tư lệnh dài 50 cây số, kín như bưng, lâu nay chúng ta vẫn cho xe con chạy ban ngày khá an toàn.

Tôi kết luận:

- Việc mở đường kín, cơ bản đã được thống nhất. Đề nghị cơ quan tham mưu công binh nắm lại toàn bộ những tuyến đường kín đã có kể cả đường kín cục bộ của các binh trạm. Khi có kết quả của đoàn khảo sát, sẽ hoàn chỉnh phương án cụ thể. Vấn đề này đến nay chúng ta mới tính đến là quá chậm, nếu không nói là đã lãng quên một trong ba yếu tố mà cổ kim đã dạy là địa lợi. Có được một con đường bảo đảm cho vận chuyển quy mô lớn giữa ban ngày trong rừng già là một đặc ân của thiên nhiên, phải triệt để khai thác. Đồng thời ta vẫn kết hợp cho xe đi đội hình nhỏ vừa chạy ban đêm, vừa tăng khối lượng hàng bổ sung, vừa phân tán địch. Có như vậy mới đáp ứng cục diện chiến trường thay đổi từng ngày, từng giờ, bảo đảm cho chiến trường đánh to thắng lớn được.

Tròn 20 ngày cắt rừng dõi tìm, một sáng đoàn khảo sát trở về, vào thẳng chỗ tôi làm việc. Áo quần ai cũng đỏ quạch một màu đất nhưng dáng vẻ hồ hởi, phấn khởi vô cùng. Tôi cho mời chỉ huy cơ quan tham mưu sang. Tất cả chụm đầu trên tấm bản đồ mà đoàn khảo sát vạch sẵn đường chì, khoanh tròn các cột mốc quan trọng mà đường kín sẽ đi qua. Ánh mắt hết thảy cứ rạng dần theo tay anh Tô Đa Mạn rê đi trên tấm bản đồ đó.

Tôi trao đổi thêm với anh Phạm Diêu: Huy động các kỹ sư cầu đường có năng lực, ngay chiều và tối đó phải hoàn chỉnh phương án để sáng mai trình Thường vụ Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh.

Sáng hôm sau, phương án mở đường kín được đề xuất. Qua khảo sát thực địa, tuyến đường này dài 700 cây số. 70 phần trăm đường kín đi dưới tán rừng già, quãng qua rừng non, rừng thưa chiếm 22 phần trăm, còn lại là qua quãng trống, suối cạn.

Về xác định tuyến, tôi đề nghị:

- Trong quá trình khảo sát, thi công tiếp tục điều chỉnh để tận dụng lợi thế rừng. Giải pháp cho quãng trống còn lại có thể đào cây le và những cây dễ sống, trồng để nguỵ trang.

Theo gợi ý của tôi, anh Mạn bổ sung:

- Đoạn đường từ Binh trạm 32 đến ngã ba biên giới, nếu tận dụng tối đa rừng già, sẽ dài thêm khoảng 100 cây số. Như vậy, tổng chiều dài đường kín sẽ là 800, thay vì 700 cây số.

Về tổ chức thi công, sẽ tiến hành nhiều mũi, hợp điểm, để nhanh chóng thông tuyến. Đường kín dành cho xe tải chạy ban ngày, chạy thắng đến điểm giao hàng, không theo cung, trạm như trước, nên nếu như chỉ hoàn chỉnh từng đoạn cục bộ, vẫn không đưa vào sử dụng được.

Lực lượng thi công dự kiến gồm ba trung đoàn công binh cơ động và sáu tiểu đoàn trực thuộc binh trạm; vật tư kỹ thuật huy động 30 máy húc C100, 20 máy húc DT75, 800 tấn thuốc nổ, 36 xe ben, toàn bộ lực lượng chia làm bốn mũi, mỗi mũi phụ trách 200 cây số. Thời gian thi công chủ yếu là ban ngày, có thể "lấn đêm".

Bộ Tư lệnh bảo đảm đủ gạo, thực phẩm, thuốc sốt rét... Khởi công ngày 20 tháng 4 năm 1971, dự kiến kết thúc đầu năm 1972.

Các anh Lê Xy, Nguyễn Lang hỏi:

- Thời gian thi công có thể nhanh hơn được không?

Anh Phan Quang Tiệp trả lời:

- Báo cáo, ta thi công vào mùa mưa, nếu huy động thêm lực lượng làm đường cũng không hiệu quả. Vả lại đường kín cũng chỉ có thể sử dụng trong mùa khô. Nền đường không cơ bản, chỉ cần đôi chút mưa dầm, sẽ lầy lún, khó khắc phục.

Tôi cho đây là một ý kiến chí lý.

Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh hoàn toàn nhất trí phương án mà cơ quan công binh đề xuất.

Kết luận hội nghị, tôi nhấn mạnh:

- Từ sáng tạo của quần chúng, những kinh nghiệm hoạt động trên một số đoạn đường kín đã có, và phương án do Tham mưu trưởng công binh trình bày, Bộ Tư lệnh đã bổ sung và nhất trí đây là một phương án táo bạo, có tính khả thi cao, có tầm chiến lược.

Bởi lẽ nó đã khai thác triệt để yếu tố địa lợi mà binh pháp xưa từng khái quát, để nâng lên tầm cao của nghệ thuật quân sự. Tuy chúng ta tính đến chậm, nhưng chưa quá muộn. Bộ Tư lệnh tin chắc sẽ thành công. Lúc đó công trình đường kín sẽ góp phần loại trừ hữu hiệu hơn AC.130. Từ nay đến khi hoàn thành tuyến đường kín, chờ thì thấy lâu, nhưng cứ làm và lúc nó đến thì rất nhanh.

Vì vậy phải triển khai chuẩn bị đồng bộ, chu đáo để không mất thời cơ. Trước hết, cơ quan tham mưu công binh phải tung hết kỹ sư, cán bộ chỉ huy bám sát các mũi, vừa điều chỉnh thiết kế, vừa hướng dẫn thi công. Tranh thủ tối đa đưa tuyến đường vào dưới tán rừng già. Đây là đường dã chiến, để giữ được bí mật lâu chỉ thiết kế mặt đường cho một làn xe; triệt để không chặt cây, dù phải đi đường vòng, dài hơn. Cứ 200 mét, làm chỗ tránh cho hai xe; một cây số, có chỗ tránh cho 10 xe; 10 cây số, có chỗ tránh cho một đại đội xe 36 chiếc; nơi bằng phẳng, làm đường đôi song song, bảo đảm cho trung đoàn xe vào ra liên tục, không ùn tắc. Ở những nơi nền đường yếu, cầu, ngầm, nơi rừng thưa, trống trải, phải bố trí đủ công binh chết để bảo đảm giao thông, để nguỵ trang; bố trí đủ xe xi-téc tưới nước khắc phục bụi đất, tránh địch phát hiện.

Về vận chuyển, phải kết hợp cả ba cách: Vận chuyển đội hình lớn đi ban ngày trên đường kín; vận chuyển đội hình nhỏ đi ban đêm trên đường công khai; đồng thời chọn những cán bộ, chiến sĩ lái xe dũng cảm, mưu trí, tổ chức một số tiểu đội chạy ở những tuyến đường "hấp dẫn", chuyên làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút giam chân lũ "ác điểu" AC.130 để cao xạ tiêu diệt. Trên đường kín, không được vận chuyển ban đêm. Đội hình tiến công trên đường kín là đại đội trong trung đoàn. Mỗi trung đoàn có từ 9 đến 12 đại đội; không có cấp tiểu đoàn. Mỗi đại đội biên chế 36 xe, chủ yếu là ZiL 130 mới; có xe bảo đảm kỹ thuật đi cùng.

Các Cục Chính trị, Tham mưu tác chiến, Tham mưu vận chuyển bố trí đủ cán bộ để đặt các trạm chỉ huy, lắp đặt hệ thống thông tin hữu tuyến, trạm thu phát bộ đàm sóng ngắn, điểm cấp phát xăng dầu, trạm y tế, đội kích kéo... Tất cả phải bố trí theo cự ly phù hợp nhất suốt toàn tuyến.

Lực lượng phòng không (cao xạ, tên lửa) bố trí trận địa thật, trận địa nghi binh trên đường công khai; phải chọn đúng vị trí phù hợp và cách đánh linh hoạt, để vừa kéo địch ra những tuyến đường mình đã chọn, vừa bảo vệ đội hình xe vận tải ban đêm trên đường công khai; vừa sẵn sàng đánh địch nếu từng đoạn đường kín bị lộ.

Các phân đội bộ binh kết hợp với quân và dân bạn Lào tại chỗ kịp thời phát hiện, dập tắt thám báo, biệt kích nếu chúng xuất hiện.

Mặc dù bị cuốn hút bởi bao công việc trong suốt mùa mưa và đầu mùa khô 1971-1972, nhưng đợi đến ngày thông xe "đường kín" là cả một chuỗi dài thấp thỏm hồi hộp. Bộ Tư lệnh phân công anh Lê Xy đặc trách chỉ đạo chuẩn bị lực lượng vận tải, kho và tổ chức chỉ huy để khi thông "đường kín" sẽ tổ chức vận tải ô tô cấp trung đoàn.

Đúng như dự kiến, ngày 30 tháng 1 năm 1972, "đường kín" thông toàn tuyến. Tôi cùng anh Lê Xy và một số cán bộ binh chủng, chính trị, hậu cần trực tiếp kiểm tra lần cuối để định ngày đưa vào sử dụng. Toàn đoàn gồm 5 xe con, chỉ đi ba ngày là tới điểm chót cùng. Dự tính nếu xe vận tải đi đội hình lớn phải mất 5 ngày. So với vận tải theo cung, nhanh hơn từ 15 đến 20 ngày. Quả là một kết quả vô cùng lý tưởng đối với các nhà vận tải.

Ngày 10 tháng 2 năm 1972, đội hình xe của Trung đoàn 13 vận tải ô tô - một trung đoàn thiện chiến được chọn chạy khánh thành "đường kín". Đồng thời, để mừng công trình đặc biệt quan trọng này, Bộ Tư lệnh quyết định mở liên tiếp hai chiến dịch vận tải quy mô lớn lấy tên là "Đồng Xoài" và "Bình Giã".

Lúc này, anh Đặng Tính - Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân chủng phòng không - Không quân được Bộ Chính trị đưa vào giữ chức Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn thay anh Vũ Xuân Chiêm về công tác ở cơ quan Bộ.

Với bản lĩnh kiên cường được tôi luyện qua thực tiễn chiến đấu, luôn lạc quan, nhiệt tình tới mức say sưa công việc, anh Đặng Tính "nhập cuộc" rất nhanh. Vừa vào tuyến, song cả hai chiến dịch "Đồng Xoài" và "Bình Giã", anh đều đề nghị Bộ Tư lệnh được xuống chỉ đạo trực tiếp tại thực địa. Cả hai chiến dịch này đều thắng lợi lớn.

Đối với bộ đội Trường Sơn, chiến dịch vận tải là một sáng tạo lớn về nghệ thuật chủ động tiến công hiệp đồng binh chủng; là một cách phát huy sức mạnh tổng hợp về vật chất, tinh thần để thúc đẩy, chuyển hoá tương quan lực lượng từng bước, buộc địch bị động đối phó.

Dưới góc độ vận tải thuần tuý, chiến dịch vận tải là đổi mới vận trù học, thực hiện vận chuyển quy mô lớn hơn, chính diện sâu hơn và rộng hơn về diện. Đặc biệt là đổi mới, thực hiện được phong cách chỉ huy trực tiếp, tập trung, thống nhất.

Mặc dầu từ mùa khô 1966-1967 ta đã từng bước phát triển quy mô, tổ chức vận tải cơ giới trên tuyến, nhưng suốt trong mấy năm liền, vẫn chỉ vận tải theo cung; chưa phát huy được sức mạnh chỉ huy tập trung, thống nhất, hiệu quả thấp, có anh em không ngần ngại mà nói rằng: Với cung cách này chỉ nặng "bốc lên dỡ xuống". Nói thì đơn giản. Nhưng tình hình cầu đường cùng với hoạt động đánh phá của địch khi đó buộc ta chưa thể làm khác. Đã có lúc tôi thử nghiệm nhập Binh trạm 33 và Binh trạm 34, song quyết định có tính "mệnh lệnh" này không hiệu quả.

Sau mấy năm trăn trở, nghiên cứu, chúng tôi nảy ra ý định:

- Trong khi chưa thể tổ chức chạy thẳng (cung dài) suốt tuyến, thử tổ chức chiến dịch vận tải. Quá trình thực hành chiến dịch, yêu cầu nhiệm vụ buộc ba hoặc bốn binh trạm "tự nguyện" gộp thành một tập đoàn, bỏ cung ngắn, chạy thẳng. Hiệu quả của những chiến dịch này không chỉ chở nhiều, nhanh quân và hàng cho chiến trường mà còn tác động "phá vỡ" được tư tưởng cục bộ, cát cứ của một số anh em muốn bám giữ cách tổ chức binh trạm.

Với một vài chiến dịch có tính chất thử nghiệm thắng lợi, từ năm 1970, chúng tôi liên tục tổ chức các chiến dịch "đột kích", "tổng đột kích", tạo thành phong trào sôi nổi khắp toàn tuyến.

***

Sau một thời gian dài "săn đuổi", ngày 14 tháng 8 năm 1972, đại đội 14 cao xạ 57 ly, Trung đoàn 591 bắn rơi một chiếc AC.130 tại ngã ba Máy Húc; nửa tháng sau, tiểu đoàn 67 tên lửa Trung đoàn 275 bắn cháy một AC.130 tại Na Bo. Lính lái xe hả hê, "tán":

- Điện cho Nixon đưa thêm AC.130 sang để nếm đòn cho đã...

Đến đây, thủ đoạn đánh phá đội hình xe bằng máy bay AC.130 đã bị phá sản. Thêm một lần nừa trí tuệ, ý chí của con người Việt Nam lại chiến thắng nền công nghệ quân sự bậc cao của Hoa Kỳ.

Nhân thành tựu mới, ngẫm lại, tôi như thấy mình có khuyết điểm. Mặc dầu mấy năm trước, địch chưa sử dụng AC.130 để "săn" xe. Nhưng nếu chúng tôi chạy bén hơn, sử dụng "đường kín" cho xe con chở hàng cục bộ, đặc biệt là những trục ngang ra các hướng chiến trường, chắc chắn đã tháo gỡ được một phần khó khăn.

Cũng vì vậy, nên có anh em nói: Nhờ máy bay AC.130 mà chúng ta có được đường cho xe vận tải chạy ban ngày. Chuyển được nhiều hàng nhanh hơn, bảo đảm cho chiến trường đánh to, thắng lớn.

Xây dựng hoàn chỉnh tuyến "đường kín" dài trên 800 cây số trong vòng 9 tháng để đưa vào vận tải cơ giới, ta giải quyết được cùng một lúc hai vấn đề:

- Vô hiệu hoá triệt để thủ đoạn đánh phá, chặn xe của địch bằng máy bay AC.130.

- Thực hiện vận tải cung dài đội hình lớn, đi thắng từ đầu đến cuối tuyến; kết thúc những năm tháng dai dẳng xe phải chạy ban đêm, vận chuyển theo từng cung trạm, vừa chậm vừa kém hiệu quả.

Lịch sử công binh Việt Nam, lịch sử ngành vận tải quân sự và lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng có thể lưu ghi "đường kín" trên tuyến vận tải quân sự chiến lược là một sáng tạo lớn của bộ đội Trường Sơn từ trong máu lửa của cuộc chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

***

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ba nước Đông Dương trong xuân hè 1971, đặc biệt là chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã làm thay đổi quan trọng cục diện chiến tranh.

Trên chiến trường miền Nam, Mỹ - nguỵ chuyển hắn sang thế phòng ngự.

Để thúc đẩy tình hình phát triển nhanh theo chiều hướng có lợi cho ta, từ mùa hè năm 1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, đánh bại chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua.

Tháng 6 năm 1971, Quân uỷ Trung ương thông qua kế hoạch tác chiến năm 1972. Chiến trường bắc Quảng Trị được chọn là hướng tiến công chủ yếu.

Trung tuần tháng 10 năm 1971, anh Văn Tiến Dũng vào nắm tình hình chiến trường để chuẩn bị cho chiến dịch Trị-Thiên.

Ngày 20 tháng 10, anh Dũng có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn tại hậu cứ ở Bố Trạch, Quảng Bình.

Sau khi được anh thông báo chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương trong xuân hè 1972, tôi báo cáo tổng thể hoạt động của tuyến từ sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Nghe xong, anh Dũng chỉ thị:

- Bộ Tổng tham mưu đã quyết định tăng cường thêm cho Tuyến 559 cao xạ và tên lửa phòng không. Anh Lê Văn Tri sẽ vào làm việc cụ thể. Các anh nghiên cứu tiếp, thấy cần bổ sung gì, báo cáo ngay lên Bộ. Đối với cuộc tiến công chiến lược năm 1972, chiến trường đòi hỏi Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải bảo đảm khối lượng gấp nhiều lần những gì mà tuyến làm được trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Nhận "dự lệnh" của trên, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh bàn tính thực lực, khả năng đảm đương, kết hợp những điều đúc kết trong thực tế công việc, chúng tôi nhận thấy một vấn đề nổi cộm lên là: Từ sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tuyến chi viện Trường Sơn đã phát triển hơn 130.000 cây số vuông, quân số xấp xỉ 80.000, với hơn 50 đầu mối (binh trạm, trung đoàn, sư đoàn) trực thuộc Bộ Tư lệnh. Hình thức tổ chức nếu vẫn duy trì quy mô cũ dễ phát sinh tình hình quan liêu, kém năng động trong lãnh đạo chỉ huy, dễ có những quyết định không kịp thời, thiếu chính xác.

Từ thực tế đó, và từ hiệu quả hoạt động bước đầu của Bộ Tư lệnh khu vực 470, Đoàn hậu cứ 571, chúng tôi quyết dịnh tổ chức tuyến thành các Bộ Tư lệnh khu vực.

Ngày 20 tháng 7 năm 1971, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng phê chuẩn phương án tổ chức mới của Bộ Tư lệnh Trường Sơn Theo đó, toàn tuyến hình thành bốn Bộ Tư lệnh khu vực 470, 471, 472, 478, Bộ Tư lệnh khu vực hậu cứ 571 và hai sư đoàn: Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn cao xạ 377 phối thuộc. Mỗi khu vực có diện tích từ 20.000 đến 25.000 cây số vuông, đảm nhiệm một hướng chiến trường. Bộ Tư lệnh khu vực chỉ huy bộ đội hợp thành (5 - 6 binh trạm và một số trung đoàn binh chủng), có nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông, vận chuyển chiến lược - chiến dịch, tổ chức hành quân, tác chiến bảo vệ hành lang, giúp bạn.

Riêng Sư đoàn 968 bộ binh vẫn tác chiến ở khu vực Savanakhet Saravan, Bloven, A-tô-pơ... Sư đoàn 377 phòng không chốt nam - bắc đường số 9.

Với bước điều chỉnh tổ chức tuyến lần này, các anh trong Bộ Tư lệnh Trường Sơn: Lê Đình Sum, Nguyễn An, Lê Nghĩa Sĩ, Nguyễn Lang, Hoàng Thế Thiện..., Tham mưu trưởng phòng không Ngô Huy Biên được cử làm Tư lệnh hoặc Chính uỷ từng khu vực. Ngoài anh Đặng Tính vào thay anh Vũ Xuân Chiêm, lúc này Bộ Chính trị tăng cường anh Phan Khắc Hy - Chính uỷ Bộ Tư lệnh Không quân vào làm Phó tư lệnh và đề bạt anh Trần Quyết Thắng - Chính uỷ Đoàn 565 làm Phó chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Bằng việc điều chỉnh biên chế tổ chức và đưa tuyến "đường kín" vào hoạt động, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã bước vào mùa khô 1972 với thế và lực mới. Đến cuối tháng 2 năm 1972, sau hai chiến dịch vận chuyển "Đồng Xoài", "Bình Giã", toàn tuyến đã bảo đảm đủ lượng hàng cho các chiến trường, tổ chức hành quân cho các đơn vị thực binh cấp trung đoàn, sư đoàn với trên 55 nghìn quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào tăng cường cho chiến trường.

Đặc biệt, đã tổ chức bảo đảm cho ba tiểu đoàn pháo tầm xa, một tiểu đoàn xe tăng... vào thẳng chiến trường Nam Bộ, tạo nên sự thay đổi mạnh về tương quan lực lượng, gây bất ngờ lớn cho địch.

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, cuộc tiến công chiến lược xuân - hè 1972 đồng loạt nổ ra trên khắp miền Nam. Ở hướng chủ yếu Trị - Thiên, ngày 2 tháng 5 ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, bắc Kontum. Nhưng cũng từ đó, cuộc chiến đấu của quân và dân ta nhằm giữ vững vùng giải phóng diễn ra vô cùng ác liệt. Kẻ địch vừa tập trung lực lượng phản kích chiếm lại những vị trí đã mất - đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị, vừa tập trung máy bay, pháo từ các hạm tàu oanh kích triệt các nguồn tiếp tế. Binh trạm 19 thuộc Cục Vận tải trực tiếp bảo đảm cho mặt trận Đông Hà - Quảng Trị, từ hướng bắc bị tổn thất nặng. Các mũi chi viện khác cũng chững lại do các tuyến vận chuyển chiến dịch chỉ là đường độc đạo. Trong khi đó, chiến sĩ ta ở tiền duyên trông chờ từng viên đạn, nắm cơm, túi thuốc chiến thương...

Trong tình thế "nước sôi lửa bởng" như vậy, đầu tháng 5, anh Đinh Đức Thiện cấp tốc vào thay mặt Quân uỷ Trung ương giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm việc chi viện cho mặt trận Đông Hà - Quảng Trị.

Sau khi bàn bạc, cân nhắc mọi yếu tố, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh thống nhất phương án khẩn trương đưa Binh trạm 12 do anh Phạm Thái làm Binh trạm trưởng, anh Ngô Quang Bình làm Chính uỷ, lật cánh sang bắc Quảng Trị thay chân Binh trạm 19 để binh trạm này lùi ra Đồng Hới tập trung chuyển hàng vào giao cho Binh trạm 12 tại Xuân Bồ (Quảng Bình) và Hồ Xá (Vĩnh Linh); đồng thời, điều hai trung đoàn công binh, hai trung đoàn cao xạ 591, 210 bảo vệ tuyến vận chuyển của Binh trạm 12; điều Sư đoàn phòng không 377 và hai trung đoàn cao xạ khác tăng cường cho Quân khu Trị-Thiên và khu vực Đông Hà, Thành cổ Quảng Trị.

Anh Đinh Đức Thiện nhất trí phương án trên. Nhưng tôi biết anh trở ra Hà Nội không ít lo lắng. Anh tâm sự:

- Giá như có được phép phân thân, để tớ vừa ở lại với các cậu trong này, vừa cùng cơ quan Tổng cục tổ chức đối phó với "trò" phong toả của không quân và hải quân Mỹ trên miền Bắc thì tuyệt biết mấy. Lúc này, địch không chỉ đặt giao thông, cầu đường lên thành mục tiêu hàng đầu, mà chúng còn cho rải mìn, thả thuỷ lôi phong toả các cửa sông, cảng biển trên miền Bắc. Tình thế đang căng như dây đàn.

Nhiệm vụ vận chuyển phục vụ chiến dịch không được phép chậm trễ. Chính uỷ Đặng Tính, Phó chính uỷ Lê Xy cùng một số cán bộ chủ trì cơ quan xuống trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ Binh trạm 12 triển khai nhiệm vụ bảo đảm cho mặt trận Đông Hà - Quảng Trị.

Cùng lúc đưa Binh trạm 12 lật cánh sang làm nhiệm vụ vận chuyển chiến dịch ở hướng bắc, Bộ Tư lệnh giao cho Bộ Tư lệnh 478 nhiệm vụ bảo đảm cho chủ lực Trị-Thiên từ hướng tây và một số đơn vị chủ lực bắc Khu 5.

Thấy anh Lê Đình Sum - người đứng mũi chịu sào Bộ Tư lệnh 473, sức khỏe không bảo đảm, Bộ Tư lệnh quyết định để anh Phan Khắc Hy xuống làm Tư lệnh 473 và rút anh Sum về cơ quan.

Những ngày hè năm 1972, ở mặt trận Trị-Thiên, thử thách đối với những người lính Trường Sơn không chỉ là mưa lũ nắng cháy mà còn cả đạn bom, máu lửa. Nhưng vượt lên tất cả, đến cuối tháng 5, được lực lượng vận tải Tổng cục Hậu cần bảo đảm đủ chân hàng, Binh trạm 12 và Bộ Tư lệnh 478 đã vận chuyển, bảo đảm cho mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị 8.000 tấn vật chất, các hướng khác của Trị-Thiên 3.700 tấn, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta tiếp tục tiến công và giữ vững vùng giải phóng.

Yêu cầu nóng bỏng nhất của mặt trận Đông Hà - Quảng Trị lúc này là bảo đảm vật chất cho lực lượng chốt giữ Thành cổ Quảng Trị. Do đường bộ đa phần là độc đạo bị đánh dồn dập, Bộ Tư lệnh kịp thời chỉ thị Binh trạm 12 nhanh chóng tổ chức một mũi vận chuyển "vu hồi" bằng thuyền máy do các đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Ngô Văn Đạt chỉ huy tiến dọc theo bờ biển vào Gia Đẳng, Mỹ Thuỷ; ngược sông Thạch Hãn lên tiếp tế cho Trung đoàn 48 đang chốt giữ Thành cổ. Mặc dù bị địch đánh chặn bằng máy bay, pháo hạm, vướng thuỷ lôi; có thuyền bị đắm, thuỷ thủ hy sinh, song mũi vận chuyển "vu hồi" theo đường thuỷ vẫn đáp ứng được một phần vật chất cho chiến dịch.

Nếu chiến dịch Trị-Thiên xuân hè 1972, mà đỉnh cao là cuộc chiến đấu trong 82 ngày đêm của quân và dân ta chốt giữ Thành cổ Quảng Trị dưới mưa bom bão đạn quân thù, là bản anh hùng ca bất hủ, thì cuộc chiến đấu sôi động rất đỗi hào hùng của những người lính Trường Sơn góp phần làm nên bản anh hùng ca đó cũng mãi mãi được lịch sử lưu danh.

Trung đoàn trưởng trung đoàn phòng không 591 - Lê Văn Lầm hy sinh trong khi chỉ huy bộ đội chiến đấu, Phó chủ nhiệm hậu cần Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Nguyễn Văn Tốn hy sinh trong khi xuống kiểm tra đơn vị; hàng trăm chiến sĩ hy sỉnh trong khi làm nhiệm vụ, hàng chục thuỷ thủ hy sinh khi chở hàng vào chi viện cho lực lượng trấn giữ Cổ thành Quảng Trị... là những hình ảnh hằn sâu trong ký ức tôi về những ngày hè năm 1972 - những tháng ngày khốc liệt nhất trên chiến trường Đông Hà - Quảng-Trị.

Kết thúc một mùa khô phục vụ chiến đấu và chiến đấu, bộ đội Trường Sơn đã giành được thắng lợi lớn. Đặc biệt, việc đưa hệ thống đường kín vào hoạt động, nối dài đường ống xăng dầu qua nam Bạc... đã tạo được thế trận mới; bước đầu chuyển đổi cơ bản tương quan lực lượng trên tuyến vận tải quân sự chiến lược.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #doi