TỪ NỖI TỦI NHỤC CỦA MỘT SINH VIÊN MẤT NƯỚC ĐI THEO KHÁNG CHIẾN
Tôi còn nhớ một buổi chiều thu vào khoảng năm 1938: chúng tôi là những sinh viên của trường Đại học Y khoa Hà Nội, đang xúm xít xung quanh một bàn đá trên có đặt một xác chết đã được tiêm phoóc-môn và được phẫu tích gần hết rồi. Lúc ấy thuộc về những buổi phồn vinh của thực dân Pháp, nhưng báo chí và ra-đi-ô ngày nào cũng nói đến một cuộc chiến tranh có thể bùng nổ ở châu Âu. Một thanh niên mang kính trắng bỗng thốt lên: "Bao giờ chúng ta có thể nghe được trên ra-đi-ô những câu như thế này: "Thông báo của Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam cho biết quân đội Việt Nam đã đánh tan cuộc phản công của quân địch...". Anh em xung quanh đều cười ồ lên nói rằng: "Khi nào mày vào nằm trong nhà đá rồi".
Nghe câu hỏi của anh chàng sinh viên đeo kính trắng, tôi thấy trong lòng có cái gì bâng khuâng, đau đớn. Từ lúc học trường Bưởi cho đến nay, mỗi lần ra đường đối với tôi là mỗi lần tức giận: đường đi lại đều nhường cho những Tây đầm thực dân hay trẻ con Tây lai, có khi chúng rất láo xược đối với trẻ con và nhân dân lao động chúng ta, và đôi lúc chúng nói chuyện với nhau ngay trước mặt tôi, chúng nó chê cười những tập quán của dân mình, coi tôi như là một người của chúng đã tách khỏi dân tộc mình rồi. Có khi tôi cáu tiết, nổi khùng lên với chúng thì chúng nói với thế những kẻ thắng, mỉm cười mà nói: "Anh quên là chúng tôi đã lấy thành Nam Định và Hà NỘi mà chỉ cần có hai ba chục người lính thôi ư!".
Tôi sinh ngày 10 tháng 5 năm 1912, ở Thanh Hóa. Cha tôi qua đời lúc tôi mới được ba tháng. Cũng năm ấy, mẹ tôi đưa đàn con, cháu về Huế ở và mua một ngôi nhà có vườn rộng trên bờ sông Hương, cách cầu Bạch Hổ độ 200 thước, về phía trên ngay trước mặt cồn Dã Viên. Mẹ tôi muốn cho tôi đi học để làm quan, nhưng tôi chán ngấy cảnh tượng những quan lại ở Huế: một mặt thì sợ Tây hết vía, một mặt thì chà đạp nhân dân lao động của mình; vì thế tôi đã sớm rời nhà để ra Hà Nội vào khoảng năm 1931, theo học trường Bưởi, rồi trường Y, mong rằng mai sau sẽ làm một nghề "tự do" không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân.
Lúc tôi vào năm thứ ba, thì cụ Hồ Đắc Di, bá sĩ mổ xẻ là người Việt Nam duy nhất lúc ấy được công nhận chính thức, cùng đến làm việc ở bệnh viện Phủ Doãn(1), như là bác sĩ thường trú, nghĩa là phụ trách các ca mổ xẻ cấp cứu. Từ
năm 1935, tôi đã được tuyển cùng 10 sinh viên khác vào làm ngoại trú tại bệnh viện Phủ Doãn.
(1) Đầu tiên gọi là bệnh viện bảo hộ, sau đổi là bệnh viện Y-éc-xanh (Yersin) sau lại đổi là bệnh viện Phủ Doãn, nay gọi là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Dân chủ Đức, gọi tắt là bệnh viện Việt - Đức (từ năm 1958).
Sau hai năm ngoại trú, đáng lẽ tôi được thi vào nội trú, nhưng chính quyền thực dân Pháp không chịu tổ chức cuộc thi ấy vì không muốn có những dân bản xứ cạnh tranh kỹ thuật với những người "nước mẹ". Đáng lẽ tôi phải trình luận án thi ra bác sĩ năm 1937, nhưng tôi rất buồn và phân vân. Tôi suy nghĩ: "Ra bác sĩ để đi làm tiền trong khi đó học hành chưa ra gì; nếu không đấu tranh thì chẳng bao giờ tụi thực dân chịu tổ chức thi nội trú cho sinh viên trường Y!", bởi vì trong thâm tâm của thực dân, chúng chỉ muốn đào tạo những người phục vụ cho chúng, làm dưới quyền chúng để duy trì từ đời này sang đời khác chế độ bóc lột của chúng.
Sau đó, bác sĩ Xô-li-ê, giám đốc bệnh viện Phủ Doãn, gọi tôi lên: "Anh đã ở quá hai năm ngoại trú, anh phải trình luận án ra bác sĩ, việc gì mà cứ làm như thế với 10 đồng một tháng". Tôi trả lời: "Các ông có nhiệm vụ phải tổ chức cho tôi thi nội trú, nếu không, tôi cứ ở mãi ngoại trú, và mỗi năm, tôi sẽ đến gặp ông để đặt vấn đề lại". Năm 1938, chính quyền thực dân phải tổ chức thi nội trú cho các bệnh viện Hà Nội. Tôi là người duy nhất được nhận và tôi chọn chỗ làm việc tại khoa Ngoại của trường Đại học Y khoa Hà Nội, tức là bệnh viện Việt - Đức ngày nay. Bây giờ mới thực sự bắt đầu cuộc đời khoa học của tôi: nay tôi không phải thi cử một cách gắt gao như trước, tôi có một căn phòng ở và độ 30 đồng phụ cấp một tháng, đủ tự túc cho cuộc sống một mình.
Công việc của người nội trú, nhất là chỉ có một mình, thật là vất vả không tưởng tượng được. Hàng ngày, buổi sáng, ngay từ 7 giờ, tôi phải đi thăm bệnh nhân của ba phòng, 10 giờ, phải lên phụ mổ cho Giáo sư May-ét-me, một người Do Thái, nội trú tại các bệnh viện Pa-ri, học trò của một nhà mổ xẻ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, Giáo sư An-tôn-nanh Gốt-xê. Mổ xong, có khi tôi phải đi ngay, không kịp ăn cơm trưa, xuống nhà mổ xác, trước Viện Paxtơ, vì tôi làm phụ đạo về phẫu tích và mổ xẻ thực hành trên xác chết. Xong việc, tôi phải trở lại bệnh viện, xem lại các ca mổ buổi sáng, tối đến tôi về phòng để nằm chờ đợi các ngoại trú đến gọi về những ca cấp cứu. Cường độ lao động thật là cao, nhưng tôi còn trẻ có sức khỏe, (tôi còn là đội trưởng đội bóng đá nổi tiếng của trường Y), lại có chí, kiên quyết học đến nơi đến chốn cái gì tôi chưa biết, và có thể nói rằng những người thầy tốt nhất của tôi là những y tá ở Phủ Doãn, và các bệnh nhân ở đấy.
Tôi có nhiệm vụ phải mổ xác các bệnh nhân đã được khám hay phẫu thuật rồi để kiểm tra sự chính xác của chẩn đoán hay điều trị. Đây là một công việc mệt nhọc, thường để cho các nhà nội khoa. Nhưng lúc còn là sinh viên tôi có làm việc với một nhà giải phẫu bệnh lý người Trung Quốc (sau này tôi gặp lại ở Quảng Châu) đã học ở Đức; nhờ công việc này mà tôi đã học hỏi rất nhiều về đặc tính của bệnh tật ở nước ta, một nước nhiệt đới mà y học lúc đó ít để ý. Nhiều lần tôi thấy các thầy tôi sai vì họ đưa cách hiểu biết ở phương Tây vào các nước nhiệt đới. Họ tưởng sỏi mật của ta chỉ nằm trong túi mật thôi, trong khi sỏi lại nằm nhiều trong gan. Quái lạ nhất là con giun đũa, ở đâu trên người chết, tôi cũng chạm phải nó, ở ruột thừa, ở ruột non, trong ống mật, trong ống gan, trong phế quản, trong mạch máu! Các thầy tôi thì nghĩ rất giản đơn là: khi người chết, giun chui lung tung mọi chỗ! Dần dần tôi biết quan hệ những triệu chứng của bệnh nhân lúc sống với những thương tổn khi chết: trong đầu óc người sinh viên trẻ tuổi như tôi, bắt đầu có một số khá lớn giả thiết đặt ra, mà sau này tôi mới tìm được lời giải đáp. Quan trọng thay cách làm việc của tuổi trẻ, lúc vỏ não chưa bị sách vở hay các ông thầy già nhồi sọ bằng những lý luận không sát mà người ta cứ tưởng như là chân lý vĩnh viễn! Nếu không bám sát vào thực tế hàng ngày như vậy, thì lúc trường thành lên, làm sao không rơi vào con đường bảo thủ và giáo điều, cho là mình biết hết mọi việc, và tưởng rằng mọi vấn đề đã được giải quyết cả rồi! Tôi cũng nói qua khung cảnh của bệnh viện Phủ Doãn dưới thời Pháp thuộc, vì cả quãng đời thanh niên của tôi đều đóng chặt trong bốn bức tường của bệnh viện ấy, như trong một nhà tu.
Đầu tiên, lúc mới xây dựng nó, vào khoảng sau năm 1900, trước trường Đại học Y khoa bốn năm, nó là bệnh viện thực hành cho toàn trường, có đủ tất cả các khoa, mỗi khoa đều có Giáo sư, toàn người Pháp. Diện tích của nó là diện tích hiện nay của bệnh viện Việt - Đức đang xây cất lại, kể cả kho dược mà Bộ Y tế vừa trả lại, nghĩa là quãng đất nằm giữa bốn con đường: phố Tràng Thi, phố Hàng Bông, phố Quán Sứ và phố Phủ Doãn.
Các nhà được xây theo lối kiến trúc thực dân: một tầng thôi, nhưng nền nhà rất cao 1,50m trên móng, để thông gió cho mát và chỉ có nhà mổ là được xây hai tầng một cách rất chắc chắn.
Nhân dân lao động nghèo không tiền hay ít tiền đều tập trung vào đấy, cho nên mỗi giường đều có hai người bệnh nằm ngược chiều với nhau, và dưới giường còn trú hai bệnh nhân khác. Muốn thay băng, phải bước qua những người nằm vì diện tích các phòng bệnh đều được tận dụng quá mức. Lúc Giáo sư đi xem bệnh nhân, kéo theo sau lưng hàng đoàn sinh viên dài có đến gần trăm mét mặc áo choàng trắng đi theo như đi chơi hội, và lúc thầy giảng có lẽ một số nào nghe được thôi. Khi tôi vào học (năm 1934 - 1935) ngay Giáo sư
phụ trách mổ xẻ cũng không hề khám bệnh nhân trước khi mổ. Ông ta đi thẳng vào phòng mổ và mổ xong không cần xem lại bệnh nhân. Ông thầy này chỉ biết mổ thôi, và chỉ có những người có tiền đến chữa tư mới được ông ta khám. Cách làm việc quan liêu như vậy được đánh dấu trong các công trình của ông ta: Ở Việt Nam cái gì cũng là chuyện kỳ lạ. Người bản xứ Việt Nam không đau ruột thừa, không đau tiền liệt tuyến và tất cả các bệnh nhân ở Việt Nam đều do giun sán cả.
Các máy X quang đều giống như những máy đầu tiên của bác sĩ Rơn-ghen: dây điện không có vỏ bọc ngoài chạy tứ phía trên đầu bác sĩ và bệnh nhân, và lúc tắt đèn, vô phúc cho ai sờ mó vào các dây ấy. Tôi rất lạ không thấy ai chết cả. Trong phòng này chẳng khác gì một cái thang của các bà phù thủy đời xưa!
Cách chẩn đoán về nhi cũng rất là giản đơn: lúc tôi còn ngoại trú, cứ mỗi đêm là một bà phước đem đến 4-5 đứa bé quấn tã, thở khò khè, da bọc xương. Tôi chỉ biết có một bệnh: viêm đường ruột, và tất cả các giấy gửi vào phòng đều được ghi chẩn đoán duy nhất như thế. Một hôm, đang lúc gác, tôi thấy một bác sĩ Pháp bước vào, người gầy đét, da xanh, vì hay "ôm điếu". Đó là Giáo sư phụ trách về nhi và cũng là phó giám đốc trường đại học Y khoa. Ông ta nói: "Tôi nhờ các anh đổi chẩn đoán luôn luôn cho tôi: sưng phổi, viêm yết hầu, thiếu dinh dưỡng, để cho thống kê của tôi có nhiều mầu mè một chút". Ông này cũng không biết chẩn đoán các bệnh trẻ em, chẳng hơn gì những sinh viên chân trắng như chúng tôi!
Các xét nghiệm đều do y tá làm cả, và bác sĩ Pháp phụ trách chỉ có ký giấy tờ thôi. Các kính hiển vi đều bị mốc meo và Giáo sư May-ét-me nói với tôi là ông ta lấy làm lạ tại sao bác sĩ chuyên vi trùng có thể phân biệt được nấm nằm trong kính và nấm nằm ở tiêu bản!
Trường Đại học Y khoa cũng là một nỗi băn khoăn cho mỗi chúng tôi, vì lúc đầu các Giáo sư đều là những người có những hiểu biết chưa đầy đủ. Lúc tôi hỏi một bác sĩ Pháp phụ trách phẫu tích về một trường hợp bất thường mà tôi gặp phải, mặt ông ta đỏ lên vì ông ta tưởng tôi trêu ông! Thầy dạy giải phẫu đầu tiên của tôi là một nhà nhổ răng, quanh năm lo đau bụng hơn là giảng cho học trò; người thứ hai là một ông bác sĩ tai mũi họng mà lúc giảng khi nào cũng trốn sau một bình phong gồm áo dạ và sách vở để giở một quyển sách nhỏ ra đọc. Thầy dạy sinh lý thích diễn giải trên sân khấu hơn là giảng dạy, cuốn vở duy nhất mà ông rút ra để đọc cho chúng tôi đã quá cũ và nhàu nát. Chúng tôi dần dần "chuồn" khỏi lớp học của ông, cho nên sau ông ta phải bắt chúng tôi cam kết là mỗi lần lên lớp ít nhất phải có mặt độ năm người, để ông ta có thể ghi sổ và lấy tiền "cua" mỗi tháng! Một Giáo sư dạy về triệu chứng học, một bác sĩ quân y của Pháp, có một bộ râu đẹp, nhưng chỉ có bộ râu thôi.
Ông ta nổi tiếng trong sinh viên vì ông ta đã dạy cho chúng tôi cách chẩn đoán bệnh đường ruột, cách đếm số lần đi ngoài mỗi ngày! Đến năm 1936, Hội đồng trường Đại học Y khoa Pa-ri, có nhiệm vụ quản lý trường Đại học Y khoa Hà Nội đã cố gắng thay đổi tình trạng này bằng cách bắt buộc các Giáo sư ở Hà Nội phải thi ở Pa-ri.
Nhưng trường Đại học Y khoa vẫn đóng cửa không cho người Việt Nam vào. Khoảng năm 1937, một bác sĩ Việt Nam có nhiều học vị, bác sĩ Phạm Hữu Trí có tiếng trong giới y học ở Pa-ri từ Pháp về Hà Nội. Trước đơn xin giảng dạy của Phạm Hữu Trí, hội đồng nhà trường đã trả lời một cách láo xược rằng: trường Đại học Y khoa Hà Nội không có chỗ cho các Giáo sư Việt Nam. Ngay trong việc thi cử, họ cũng dìm các sinh viên Việt Nam bằng cách ra đầu bài thật khó để đánh hỏng nhiều: lúc tôi thi năm thứ nhất lên năm thứ hai; trên năm mươi sinh viên thi, chỉ có một sinh viên đỗ thôi, đó là anh Phùng Văn Cung, một hậu vệ trong đội bóng đá của chúng tôi.
Trong tình trạng như vậy, với những điều kiện học hành khó khăn, tôi phải đặt cho bản thân mình những nguyên tắc học tập và làm việc. Trước hết tôi nghĩ phải coi công việc mình làm hàng ngày là quan trọng bậc nhất, đó là hai bàn chân vững chắc bám vào mặt đất của chàng khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp - thàn Ang Tê; đó là nguồn động lực đi vào khoa học của mình. Đối với sinh viên trường Đại học Y khoa, ngày nào tôi cũng nhắc nhủ việc này; nhưng thanh niên chúng ta thường thích đọc sách hơn là quan sát thế giới bên ngoài. Đó là điểm yếu nhất của chúng ta. Các bạn thử đi hỏi nhiều người trong chúng ta về tên các hoa, các cây cỏ, loài chim; ít người trả lời được chính xác. Chúng ta phải biết dùng thì giờ để quan sát một con bọ, một con chim, từ loài động vật đến loài thực vật... Quan sát là cơ bản của khoa học. Đó là nhược điểm chung của chúng ta hiện nay. Vì vậy ta phải vươn lên để sửa chữa cái điểm yếu này.
Trong khi làm việc, tôi luôn học hỏi anh chị em y tá. Họ có rất nhiều nhận xét, nhưng vì chưa được học lý luận cơ bản, học thường chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm mà thôi. Muốn vươn lên phải tham khảo các tài liệu, và trước hết phải biết các ngoại ngữ. Thời ấy, qua các sách báo y học Pháp, tôi có cảm tưởng là họ quá tự mãn, và coi là đã đi đến tận cùng của sự hiểu biết. Trái lại, các báo Anh, Mỹ thường đặt lại các vấn đề, và họ đã cung cấp cho tôi nhiều hiện tượng mới chưa rõ, mở ra cho tôi chân trời tưởng tượng. Nhưng đã theo dõi lâm sàng các bệnh tật, người Pháp có nhiều truyền thống và có kinh nghiệm phong phú trong việc tổng hợp các triệu chứng và đánh giá cách triệu chứng. Thường các bạn hay nghe một vài Giáo sư tóc bạc nói rằng trong y học, thời đại lâm sàng đã qua rồi, bạn đừng có dại mà theo họ. Một số nước giàu muốn hiện đại hóa mọi công việc khám bệnh, dùng máy tính điện tử để chẩn đoán,
nhưng giá thành của việc chữa bệnh sẽ lên quá cao, và ngay ở các nước ấy, người ta đang lo bế tắc về kinh tế trong việc chữa bệnh. Tôi có thể nói với các bạn là với hai con mắt và mười ngón tay, tôi đã được thử thách ở Pa-ri và ở Stốc-khôm; trí tuệ con người bao giờ cũng vượt máy móc. Và nếu nói máy móc và máy tính hơn đầu óc, ý chí con người thì trong chiến tranh vừa qua nhân dân ta đã thua đế quốc Mỹ từ lâu rồi! Nói như vậy không phải là coi thường máy móc, nhưng phải kiểm tra máy móc, dùng máy móc để kiểm tra lâm sàng, và tổng hợp các số liệu đo lường của máy móc với các số hiện tượng quan sát trên con người. Tôi sẽ chứng minh việc này bằng những việc mà chúng tôi đã làm khi trình bày các công trình nghiên cứu về ung thư gan.
Một sự việc đã thay đổi một cách lớn lao cuộc đời khoa học của tôi. Một buổi chiều mùa đông ở viện mổ xác, tôi phát hiện ra một hiện tượng rất kỳ lạ; hàng chục con giun đã chui vào các đường mật ở trong gan, dùng một cái nạo xương gọi lả kuya-rét (curette), tôi đã phẫu tích rõ ràng cơ cấu trong gan; một việc chưa bao giờ thấy trong các sách lúc bấy giờ. Tôi mời ngay Giáo sư Huy-a (Huard), thầy tôi, để trình bày. Ông ta bảo tôi: "Anh vẽ lại tiêu bản này, thật là hiếm có thấy giun chui nhiều thế này vào trong gan". Tôi nhận thấy ngay cái hố chia rẽ chúng tôi. Đối với thầy tôi, giun trong gan là một sự lạ, trái lại, đối với tôi, lạ nhất là tôi đã phẫu tích tất cả các đường mật trong gan, một việc mà chưa ai làm được. Qua chuyện này, chúng ta thấy ngay cách đặt vấn đề có thể đưa khoa học vào hai đường khác nhau: nếu thấy lạ ở chỗ giun chui vào gan đó là một nhận thức về một việc bất thường trong y học, nhưng không có một tác dụng lớn về nghiên cứu; nếu nói là vì đã phẫu tích được các ống mật và mạch máu trong gan (nhờ các con giun ấy), đó là nhận thức mới về một phương pháp mới để nghiên cứu cấu trúc trong gan. Đúng như vậy. Về nhà tôi xem lại sách báo và có thể nói từ đời Hi-pô-crát đến lúc đó, gan chưa bao giờ được phẫu tích một cách vững chắc, và các tác giả trước thường "cóp" nhau, hay là mô tả theo tưởng tượng của mình hơn là theo sự thực.
Ngay từ đời Ga-liên (một danh y Hy Lạp, học trò của Hy-pô-crát), gan là một cơ quan đã thu hút sự tò mò của các thầy cúng và thầy thuốc. Ngay thời kỳ Ba-bi-lon, cách đây 4000 đến 5000 năm, các thầy cúng đều dùng các nội tạng đặc biệt là gan để bói về tương lai, và môn học này có tên Hy Lạp là "Haruspicina" (đoán bói). Mỗi thùy của gan cừu dùng để cúng tế đều có những vết và điểm riêng của nó. Ga-liên trong tập thư truyền lại có đoán rằng mật ở trong gan chạy vào túi mật qua những mạch máu sinh từ trong gan. Năm 1577, một Giáo sư Ý Ja-xô-lin dạy về giải phẫu ở thành phố Na-plơ, cho vẽ ngay theo tưởng tượng của mình những mạch ấy. Thế là một Giáo sư khác, tên là Bô-hin chuyên môn chiếm các phát minh của người khác, cho xuất bản một quyển sách ở thành phố Ba-lơ thuộc Thụy Sĩ mà trong đó có những hình mà ông ta
chép lại của Ja-xô-lin. Phải đợi cho đến năm 1654, mới có nhiều tiến bộ trong việc tìm hiểu về gan: Giáo sư Gli-xôn, người Anh, người đầu tiên mô tả bao của gan - từ đấy gọi là Bao Gli-xôn. Bao ấy cuốn xung quanh động mạch, tĩnh mạch cửa và ống mật từ chỗ vào gan cho đến đường cuối, và tạo thành một ống có bao dày, rất dễ phân biệt với tĩnh mạch gan, không có bao. Người đầu tiên có một khai niệm rõ hơn về cơ cấu trong gan là Giáo sư Anh Ou-in-xlô. Ông đã phân biệt tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan (1732). Tôi kể tên các tác giả như vậy là có ý nhắc bạn đọc rằng: khi phát hiện một vấn đề mới, nhiều nhà khoa học thuộc các nước, trường phái khác nhau, đều xung phòng vào một mục tiêu, và cuối cùng công trình của người này đều giúp cho người kia, cái đúng cũng như cái sai, đúng để đi sâu thêm, sai thì tránh đừng mắc nữa hoặc kiểm tra lại. Thật là một tập thể không phải chỉ trong một nước, mà còn giữa các nước với nhau. Vì vậy ta nên coi trọng sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Lúc tôi bắt đầu nghiên cứu kiến trúc của gan, các tác giả nước ngoài chỉ biết hai phương pháp để phẫu tích: phương pháp dùng X quang và phương pháp tiêu mòn bằng a-xít. Trong phương pháp dùng X quang, người ta bơm những chấn cản quang vào các mạch rồi chụp ảnh để nghiên cứu. Phương pháp này có một nhược điểm lớn: tất cả các mạch chỉ thấy trên một mặt phẳng, cho nên các bóng chồng lên nhau và việc mô tả sẽ có nhiều điểm nhầm. Còn phương pháp tiêu mòn, thời ấy, vì chưa có các chất dẻo, nên không có kết quả lắm. Các tác giả chưa gặp may mắn như tôi nên không biết phẫu tích gan bằng một cách nào, vì nếu phẫu tích bằng dao kéo thì sẽ cắt đứt các mạch. Sau này mỗi khi ra nước ngoài, lúc bắt đầu biểu diễn, tôi thường chỉ cho các nhà phẫu thuật đến dự cách nghiên cứu các mạch trong gan theo phương pháp phẫu tích bằng nạo của tôi. Năm 1934, tác giả Côt-điê, mà về sau tôi có gặp vào năm 1964, 30 năm sau tại Pa-ri, (khi ông ta đã trở thành một Giáo sư nổi tiếng) có trình bày một công trình về các mạch trong gan: mô tả bên gan trái của ông ta đúng, nhưng về bên gan phải ông có một sai lầm lớn. Họ nhận định rằng nhánh bên phải chia thành từ ba đến bốn nhánh trên một mặt phẳng. Chúng tôi nhận định là chỉ có hai nhanh thôi và trên hai mặt phẳng khác nhau.
Bây giờ xuất hiện một điểm nên chú ý: trong khi nghiên cứu, nhận định về một điểm nhỏ, có khi có tính quyết định đến giá trị của toàn bộ một công trình. Tại sao phải tranh luận gắt gao về một điểm nhỏ như thế; bốn nhánh cũng được, ba nhánh cũng hay, tại sao phải cần chính xác chỉ có hai nhánh thôi? Lúc ấy, chúng tôi và tất cả các nhà giải phẫu trong y học chưa biết là gan bên phải chỉ có thể chia thành hai phân thùy mà thôi: nói hai nhánh có nghĩa là đã tiên đoán trước rằng gan phải chỉ có hai phân thùy; nói bốn nhánh có nghĩa là gan phải có đến bốn phân thùy. Sự khởi đầu ấy tôi đã bám sát sự thật hơn các đồng nghiệp tôi ở Pa-ri, tuy họ có nhiều khả năng, có nhiều phương tiện hơn tôi ở Hà
Nội; vì vậy hiện nay người ta ít nói đến công trình của Cốt-điê mà chỉ nói đến công trình của tôi thôi.
Nhưng ở Hà Nội tôi có mặt yếu là thiếu thông tin khoa học. Lúc đầu, khi bơm các thuốc màu vào gan, tôi thấy tĩnh mạch gan phải và tĩnh mạch gan trái có hai khu vực riêng biệt với nhau, nhưng tôi không đi sâu để tìm rõ ranh giới giữa hai bộ phận ấy. Tôi không được đọc tài liệu của Rex người Đức, đã đăng năm 1880 trên báo Đức. Gan của các thú vật như chó chẳng hạn, phần lớn có nhiều thùy tách rời nhau. Trên người và trên lợn, các thùy đều dính vào nhau, thành một khối gan duy nhất. Nếu tìm lại được những đường cũ đã phân chia các thùy, người mổ xẻ sẽ dễ dàng cắt gan theo các đường chia các thùy. Rex, người đầu tiên đã thấy giữa gan có một đường chia đôi gan thành hai gan: gan phải và gan trái, khác hẳn thùy phải và thùy trái mà ta thấy trên lợn hay trên người. Vì không được đọc công trình này, tôi đã không đếm xỉa gì đến cách chia thùy và phân thùy của gan, và phải đợi đến năm 1952, nghĩa là 17 năm sau, tôi và Giáo sư I-óc-sưa, người Thụy Điển đã phát hiện ra vấn đề này và góp một phần lớn vào việc phẫu thuật gan. Năm 1974, lúc qua thăm Lun, thành phố về phía Nam của Thụy Điển, tôi được I-óc-sưa mời đến gặp mặt. Ông ta mừng quá, công kênh tôi lên vai, và hai chúng tôi, trong hai giờ ở phòng thí nghiệm của I-óc-sưa, đã say sưa tranh luận về các mạch và các ống mật trong gan, chẳng ai chịu thua ai.
Tôi đã mổ như vậy từ 1935 đến 1939, hơn 200 cái gan người chết. Tôi đã phẫu tích tất cả các gan ấy, vẽ lại trên các sơ đồ, rồi đối chiếu với nhau để tìm ra những nét chung.
Tôi đã có một kỹ thuật phẫu tích đặc biệt bằng nạo gan: chỉ trong 15 phút, tôi có thể phơi trần tất cả các mạch máu trong gan, và nhờ cách làm việc như vậy sau này tôi có thể cắt gan, không kể bộ phận nào của nó, chỉ không đầy 10 phút. Như thế, các bạn nhận thấy vai trò quyết định của lao động chân tay trong khoa học. Nghiên cứu khoa học là một vấn đề lao động bằng 10 ngón tay liên tục trong hàng năm, rồi sau đó vỏ não mới có thể nhận định ra một cái gì mới. Cái khó là mỗi lần lao động như thế, phải suy nghĩ ngay, rút kinh nghiệm ngay, để luyện tập các tế bào não. Lao động trí óc là một lao động vô cùng mệt nhọc, chứ không như một số người lầm tưởng; nó phối hợp chặt chẽ các động tác tay chân với sự rèn luyện của vỏ não, ngày đêm và suốt hàng tháng, hàng năm như vậy. Nghiên cứu khoa học tuyệt đối không phải chỉ là một vấn đề đọc sách trong một căn phòng ấm cúng và tĩnh mịch mà thôi.
Năm 1939, tôi đã hoàn thành xong việc nghiên cứu về cơ cấu các tĩnh mạch trong gan. Thầy dạy tôi về giải phẫu, Giáo sư Huy-a, muốn hướng công trình này về nhân chủng học. Như vậy ông ta đã đánh giá thấp công trình của
tôi, coi đó là một vấn đề chỉ có giá trị về nhân chủng học, nghĩa là có một giá trị tương đối, như thế là ông đã phủ nhận giá trị tuyệt đối công trình của tôi đối với gan của loài người. Lúc ấy có ai biết gì về cơ cấu của các mạch máu trong gan trên người thường! Tôi nhận định rằng: đây là một công trình không thuộc về nhân chủng, mà thuộc về giải phẫu loài người nói chung, chứ không phải riêng cho Việt Nam, vì vậy tôi phải hướng công trình của tôi vào việc cắt gan để có thực tế chứng minh.
Cắt gan! Thời đó, và mãi đến năm 1952, chưa ai dám nói đến việc ấy. Tại sao? Là vì gan nằm sâu dưới lồng ngực, và ai vô phước đùng vào nó, sẽ có thể xảy ra việc chảy máu đến chết mà không cầm được! Nhưng không phải là chưa có người can đảm dám cắt các u ở gan đâu. Năm 1870, trong chiến tranh Pháp - Đức, một bác sĩ Đức tên là Brun-xơ lần đầu tiên đã cắt bỏ một miếng gan, to bằng quả quýt, trên một người lính bị bắn thủng gan. Năm 1887, Giáo sư Đức Lan-ganh-buc lấy được một u nặng 370 gam ở thùy gan trái và bệnh nhân khỏi. Một người Nga, Yu-ken-xôn, ở thành phố Kiep, năm 1910 đã cắt một thùy gan trái. Năm 1911, một Giáo sư Đức, Klô-zờ, tuyên bố đã thành công cắt một thùy trái, nhưng ba ngày sau khi tuyên bố, bệnh nhân đã chết. Năm 1913, hai bác sĩ Anh, Cô-lê-ô-ni và Ou-an-te, cắt một thùy trái. Tính từ năm 1913 về trước, các nhà mổ xẻ trên thế giới đã cắt được 60 lần gan, và cho đến 1938, là 87 lần.
Nhưng cắt gan kiểu ấy hiện nay người ta coi là không đáng kể, là vì cắt gan "không kế hoạch". Từ xưa đến nay, người ta biết rằng, những nhà mổ xẻ trước khi cắt một bộ phận nào, phải tìm hết các mạch máu, buộc xong rồi mới cắt bộ phận ấy đi. Cách cắt như thế người ta gọi là cắt có kế hoạch. Trước chúng tôi, tất nhiên vì chưa ai nghiên cứu các mạch gan, người ta chỉ biết cắt không kế hoạch, nghĩa là: cắt vu vơ, gặp mạch thì buộc lại. Làm như vậy, thật nguy hiểm, vì cắt xong, nếu không tìm đúng mạch để cầm máu lại bệnh nhân có thể chết vì chảy máu hay hoại tử gan. Lúc bấy giờ, chúng tôi đặt giả thiết rằng: chúng ta biết được đường đi của các mạch, chúng ta có thể tìm kiếm các mạch ở trong gan, buộc chúng nó lại trước rồi cắt gan. Bên trái là bên dễ làm, nhất là thùy trái, nó dính vào sâu bằng hai dây chằng gọi là dây tam giác và dây liềm; cắt hai dây này có thể giải phóng thùy trái trước khi cắt gan. Làm sao mà tìm các mạch trong gan? Chúng tôi biết là các mạch này có thể chịu đựng một sức kéo dưới 700 gam; vậy chúng tôi có thể tìm chúng bằng cách bóp vỡ tổ chức gan với một cái kìm cầm máu kiểu Kô-ser hay bằng ngón tay. Khi kẹp nó lại, tổ chức gan vỡ ra, và sẽ xuất hiện dần dần các mạch gan bằng 3 túm mà có thể kẹp bằng kìm, trước khi cắt và buộc.
Chúng tôi làm thử nhiều lần trên gan người chết. Cắt thùy gan trái thì không khó lắm và cũng thật lạ là chưa ai nghĩ ra làm như vậy. Bây giờ làm sao thực hiện trên người?
Lúc đó tôi đã thành nội trú ở bệnh viện Phủ Doãn và thầy tôi vẫn là Giáo sư May-ét-me; tôi trình bày phương pháp của tôi cho ông ta nghe. Ông ta tán thành nhưng cũng e sợ. Từ trước đến nay, ông ta là một người rất bảo thủ trong mổ xẻ và chỉ thực hiện những kỹ thuật kinh điển, dễ dàng, nhưng ông ta có tài là mổ trông rất đẹp mắt. Thời bấy giờ, người ta đến trên ngón tay chỉ có 10 trường hợp cắt thùy gan trái thôi, mà chết thì nhiều hơn là sống. Một hôm, mổ một bệnh nhân tưởng là ung thư dạ dày, lúc mở bụng ra lại là ung thư gan của thùy gan trái. Cắt ngay hai dây chằng là giải phóng được u ngay. Tôi lấy một cái kìm kẹp tổ chức gan, thầy tôi, theo động tác của tôi kẹp ngay các mạch và dần dần chúng tôi cắt bỏ thùy gan trái.
Chúng tôi mừng khôn xiết! Thầy tôi bảo tôi khi thấy bệnh nhân vẫn sống sót sau khi mổ: "Anh chép lại bệnh án trao cho tôi ngay. Chúng tôi sẽ gửi báo cáo này lên Viện Hàn lâm phẫu thuật Pa-ri!". Từ lâu, tôi biết ước mở của ông là làm sao được bầu vào Viện Hàn lâm phẫu thuật Pa-ri, một cơ quan lúc bấy giờ được coi như là một vị thánh của ngành mổ xẻ. Ngày đêm, tôi viết bài rồi trao cho thầy tôi. Chúng tôi đợi mãi kết quả.
Độ bốn tháng sau, chúng tôi được tin là báo cáo của chúng tôi được Ủy ban kiểm duyệt đưa ra đọc và thảo luận, và người báo cáo trước Viện Hàn lâm là Giáo sư Fông Branh-ta-nô. Thầy tôi nói với tôi: "Tôi biết ông này, ông này tốt lắm!".
Thật ra báo cáo của Fông Branh-ta-nô như búa bổ vào đầu chúng tôi. Trước hết ông ta công kích chỉ định cắt gan của chúng tôi. Thầy tôi, Giáo sư Lơ-xe-nơ, có nói lại với chúng tôi rằng: "Cắt ung thư gan là một việc không hợp lý vì ung thư gan là thứ phát, bệnh nhân đã bị kết án tử hình rồi, không nên đặt vấn đề lại nữa". Ông ta nói thêm: "Tại sao lại không dùng dao điện để cắt gan, đó là một việc ai cũng biết, và tôi không hiểu tại sao hai tác giả (thầy tôi và tôi) lại dùng một phương pháp bất thường như thế này".
Lúc đó tôi rất sùng bái ngoại quốc, nhất là các Giáo sư già đã có tên tuổi trong sách vở. Bây giờ thì rõ quả là ông Fông Branh-ta-nô đã lầm hai lần, hai sự lầm lẫn to hơn núi. Trước hết ông ta đã lẫn lộn hai thứ ung thư gan: một ung thư thứ phát, thường thấy ở châu Âu, di căn của một ung thư ở đường ruột hay ở vú, và ung thư sơ cấp, chỉ bắt đầu ở gan rồi tỏa đi các chỗ khác, thường thấy trên người Phi hay Á. Thứ ung thư này phải được cắt sớm, và hiện nay người ta cũng cắt cả ung thư thứ phát! Lần thứ hai là phương pháp dùng dao điện chỉ dùng cắt các u nhỏ chứ không thể dùng để cắt một thùy gan được, và dao điện
không thể cầm máu hết được vì có nhiều mạch quá to. Hơn nữa, ông ta chưa thấy phương pháp của tôi dùng lần đầu trên người là một phương pháp hiện đại mà bây giờ gọi là cắt gan có kế hoạch, nghĩa là tìm các mạch trước rồi cắt gan sau, phải làm chủ các mạch, buộc chúng lại một cách chắc chắn qua phẫu tích rồi mới cắt. Phương pháp cắt gan mà ông ta biết trước đó là thứ cắt vu vơ, nhờ vào may rủi, vì chưa làm chủ hoàn toàn các nguồn máu, và việc này cũng dễ hiểu: chưa ai biết gì rõ rệt về cơ cấu mạch trong gan. Phải đợi đến hội nghị phẫu thuật quốc tế năm 1952 tại Cô-pen-ha-gơ mới thấy xuất hiện lại vấn đề này. Như thế, nghiên cứu về giải phẫu các tĩnh mạch trong gan đầu tiên và phương pháp cắt gan có kế hoạch là hai công trình thuộc về các nhà mổ xẻ Việt Nam, như Giáo sư Pháp nổi tiếng Ma-lê-ghi đã viết: "Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai tinh hoa trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã cắt gan có kế hoạch" (trích ở báo Li-ông Phẫu thuật, 1964).
Thực vậy, trước kia người ta đã dùng đủ hình thức để cầm máu sau mổ. Có người đã dùng dây cao su buộc chặt lại dưới chân u, rồi để cho u tự nhiên rụng đi; người thì khâu túm lại tổ chức gan xung quanh u rồi cắt sau. Các phương pháp này có nguy cơ làm thối tổ chức gan còn lại và có thể buộc phạm vào các tĩnh mạch lớn trong gan, một cơ quan có nhiệm vụ lọc tất cả máu từ đường ruột lên. Phương pháp phổ biến năm 1939 là sử dụng dao điện để làm đông lại các tổ chức máu bằng sức nóng, nhưng chỉ dùng cho những u nhỏ.
Dù sao đi nữa, kết quả báo cáo của Fông Branh-ta-nô như một gáo nước lạnh giội vào sự nồng nhiệt của tôi đối với phẫu thuật cắt gan, nhất là sau đó, chúng tôi lại mổ một trường hợp thứ hai tương tự như trước, nhưng u lần này to hơn; lúc thấy tôi vội vã cố gắng đưa u ra ngoài bụng, tim bệnh nhân tự nhiên ngừng đập và chết ngay trên bàn mổ. Hiện nay tôi hiểu rõ về tai biến này: muốn tránh nó, phải cắt rộng dây chằng để giải phóng gan trái, rồi nghiêng bàn mổ về bên phải; như thế, tĩnh mạch chủ dưới cơ hoành không bị xoắn lại sẽ không làm cản trở tuần hoàn vào tim phải; khiến cho tim ngừng lại một cách đột ngột.
Bây giờ tôi trở lại "mối tình" cũ của tôi với những con giun đũa mà tôi đã bỏ quên từ ba năm nay. Người ta quá kinh tởm đối với giun sán, những con vật báo hiệu cho chúng ta những lỗi lầm trong vệ sinh hằng ngày. Nhưng những con giun có một đời sống rất lạ, kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Đối với những người ăn uống đủ chất thịt, nó chỉ phát triển đến vài con là nhiều. Đối với những người thiếu ăn, thiếu chất thịt và chất mỡ, như nhân dân ta lúc chiến tranh nó có thể lên đến hơn 1000 con. Trứng của nó chưa có phôi, cho nên không lây cho người, sau trứng bị đẩy ra ngoài vào trong đất ẩm và nóng, trứng
ấy sẽ có phôi, vào dạ dày người, bao của nó sẽ bị tiêu, và ấu trùng sẽ đi phiêu lưu trong cơ thể người. Chúng nó đục qua thành ruột rồi chui vào tĩnh mạch cửa hay xuyên qua mạc treo của ruột non để đi vào gan. Có lẽ vì tôi có duyên nợ với gan cho nên tôi để ý đến giun đũa mà lúc đầu tôi rất ghê sợ. Các ấu trùng ở trong gan độ 3-4 ngày, rồi đục vào tĩnh mạch trên gan để đi vào tĩnh mạch chủ dưới và tim phổi của người. Từ đó, chúng theo động mạch phổi, vào trong phổi, có khi sinh ra hội chứng dị ứng ở phổi làm cho bác sĩ lầm cho là lao phổi. Ở phổi, ấu trùng trải qua hai lần thay lốt, xong rồi đục vào phế quản và khí quản, trèo vào vòm họng để rơi xuống thực quản và trở về lại ruột non. Ngao du của ấu trùng giun đũa cũng đầy mạo hiểm trong 9 tuần, bắt đầu từ lúc ấu trùng thoát ly ra khỏi trứng. Trong khi giun ngao du trong cơ thể người như vậy, miễn dịch người tăng lên nhất là chất glô-buy-lin miễn dịch kiểu E, có tiềm năng chống dị ứng. Vì vậy, năm 1976, có nhiều bác sĩ Anh nói rằng muốn chữa các người hay bị xuyễn dị ứng ở Anh, nên cho bệnh nhân nuôi dưỡng một số giun đũa!
Một việc rất lạ là những con giun đũa lớn rồi có khi lại đi ngao du lần thứ hai từ ruột lên gan, lên phổi và lên tim. Các công trình của tôi đã chứng minh các điều đó. Thời Pháp thuộc, người ta đặc biệt phát hiện có một bệnh cấp cứu lạ thường: bệnh nhân đau kêu la dữ dội, có khi co cứng thành bụng làm cho bác sĩ tưởng là thủng dạ dày. Khi mổ ra, không thấy thủng, mà chỉ thấy các mạc treo trong bụng phù nề vàng nhạt, như là sau khi tiêm nô-vô-ca-in. Mỗi lần có một bệnh nhân như vậy là các Giáo sư lại đem ra giảng dạy, và theo các lý thuyết đương thời, người ta cho đó là một dị ứng ở tụy, chẳng hạn như ở da vậy. Về mặt lý thuyết còn cho rằng: đây là một sự mất thăng bằng giữa hai hệ thống thần kinh, thân kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm. Dùng những danh từ mất thăng bằng trong y sinh học là một việc chơi chữ thiếu hiểu biết; sự sống là một cảnh luôn luôn mất thăng bằng và việc cố giữ thăng bằng là một nhiệm vụ hằng ngày của mỗi cơ quan trong cơ thể. Ngay thời ấy, tôi không thỏa mãn với sự cắt nghĩa như vậy. Tôi còn nhớ một người bệnh tên là Khải; nhiều bác sĩ và Giáo sư đã mổ bụng anh ta, mổ ra đóng vào nhiều lần mà cứ đến khuya, lúc tôi làm "gác" đợi các trường hợp cấp cứu là nghe thấy tiếng kêu của anh ta: "Ối trời ơi! Ối cha mẹ!". Tôi nhớ có một lần thay băng cho anh ta, tôi thấy qua chỗ dò nước mật, có một con giun đũa nằm trên vết mổ. Dị ứng ở tạng tụy có phải chăng do giun đũa gây ra?
Trong sách vở, người ta nhắc rằng: vào năm tôi sinh ra, nghĩa là khoảng 1912, một bác sĩ người Đức, Zep-phen lần đầu tiên đã mô tả bệnh này trên một người bệnh Đức. Lý thuyết lúc ấy cho biết rằng: bệnh phù tạng tụy là do một hòn sỏi nhỏ đã làm bít vùng dưới ống mật chủ của gan, ở chỗ mà một ống khác ở tụy cũng đổ ra, tại vùng mà người ta gọi là bóng Va-te. Co thắt ở vùng ấy có
thể làm cản trở lưu thông của dịch tụy, dịch này ứ trong tuyến tụy, và có thể làm vỡ các tế bào tuyến tụy gọi là a-xi-ni, xúm quanh các ống nhỏ thuộc vào ống tụy gọi là ống Viếc-xung (Wiesung). Người ta biết dịch của tụy có thể tiêu tán thịt và mỡ, và làm phù nề các a-xi-ni. Tôi mới nghĩ rằng: tại sao lại không phải là giun chui vào ống mật hay ống tụy đã gây ra bệnh viêm phù tụy cấp tính?
Các bệnh nhân đau như vậy, tôi theo dõi họ đến cùng, biên chép các triệu chứng, khi họ chết tôi kiểm tra tử thi để xem giả thuyết của tôi có đúng không. Lúc nào tôi cũng tìm thấy giun đũa ở trong các ống mật. Bây giờ tôi đã nắm rõ các triệu chứng của bệnh, cái đau đặc biệt xuyên ra đường sau lưng, cái co cứng thành bụng và tư thế quằn quại của bệnh nhân. Lần đầu tiên tôi quyết tâm chứng minh rằng bệnh phù tụy ở Việt Nam mà từ trước đến nay chưa ai rõ nguyên nhân là do giun đũa đã chui vào ống mật.
Các bạn nên hình dung vị trí của tôi ở bệnh viện Phủ Doãn lúc ấy, vào khoảng 1941, sau khi Pháp đã bại trận ở châu Âu. Bấy giờ không những tôi đã là nội trú, mà còn là trợ lý của Giáo sư chủ nhiệm, nhưng còn vào hạng sau cùng. Ngay lúc đó cũng phải can đảm để dám chẩn đoán trước khi mổ và tìm ra giun trong khi mổ! Chưa ai biết con giun ấy nằm ra sao, ở chỗ nào, trên quãng đường tuy chỉ độ sáu xăng-ti-mét, nhưng cũng là quá dài và có nhiều khó khăn đối với chúng tôi. Sau tụy, giữa tá tràng, dưới gan, trong gan? Ở chỗ nào? Làm sao tìm nó một cách nhanh chóng vì đây là mổ cấp cứu. Chưa ai biết, chưa ai dạy cho tôi cả, mà cũng rất ít người lúc ấy biết mổ vào ống mật chủ! Hiểu như vậy, các bạn sẽ đánh giá can đảm của một người thanh niên, muốn tìm tòi nghiên cứu khoa học, còn ở trong điều kiện chính trị hết sức bất lợi, vì lúc ấy, lại có một ông giám đốc người Pháp nghiện thuốc phiện, rất muốn thay thế tôi để mổ xẻ.
Ngày 26 tháng 9 năm 1941, một bệnh nhân trẻ 20 tuổi mà tôi còn nhớ cái tên rất văn chương là Cúc Châu, vào viện lúc buổi trưa, với những triệu chứng mà tôi đã biết rõ. Tôi chắc chắn: đây là một con giun đã chui và ống mật chủ. Tôi gọi bác sĩ Tín đang thực tập với tôi đến phụ mổ cho tôi. Tôi chọn tư thế đứng bên trái bệnh nhân.
Người mổ xẻ là một anh thợ làm việc bằng hai con mắt và mười ngón tay. Tay phải là cái tay để làm những động tác mạnh mẽ: cắt, khâu, phẫu tích; tay trái là tay nhẹ nhàng hơn, nên dùng để sờ mó, thăm dò các vết thương tổn. Đứng bên trái để mổ, chứ không phải đứng bên phải, ngón cái và ngón trỏ trái của tôi sẽ sờ mó dễ dàng ống mật chủ dưới gan, trên tá tràng. Lúc mổ bụng ra, tôi quá kích thích: rõ ràng là tôi chẩn đoán đúng, vì mặt trước tụy phù to lên, và phù ăn vào các mạc nối lớn. Ngón cái và ngón trỏ của tôi bao quanh ống mật
chủ. Đúng rồi, tôi thấy một vật dài như chiếc đũa con, tôi lăn qua lăn lại và thấy rõ cả màu của nó qua màu xanh của ống mật chủ. Tôi kiểm tra, đây không phải là động mạch gan, vì nó không đập, đây là con giun.
Tim đập thình thịch trong ngực, vì đây là lần đầu tiên tôi mổ một ca như vậy, lấy ngón tay giữa và ngón trỏ ấn mặt sau ống mật chủ, như là dùng một cái thớt, tay phải cầm dao tôi rạch ngang vài mi-li-mét trên ống mật chủ. Tôi kéo ra một con giun... Con giun đã chết, dài 15 cm. Tôi đã chẩn đoán đúng và mổ đúng.
Chưa bao giờ một bệnh nhân được theo dõi chu đáo như anh Cúc Châu; tự tay tôi tiêm thuốc và thay băng. Một tháng sau, bệnh nhân ra viện. Từ đó về sau, hàng trăm bệnh nhân ở bệnh viện Phủ Doãn cũ đã được chẩn đoán và mổ như vậy. Nguyên do chủ yếu của bệnh phù tụy đã được giải quyết ở Việt Nam.
Bây giờ tôi xin nêu một điểm mới để các bạn trẻ chú ý: khi đã phát minh được một vấn đề, tư duy con người đang đà tiến, sẽ vọt từ phát minh này đến phát minh khác. Tôi đã chứng minh rằng phù tụy ở Việt Nam là do giun đũa chui vào ống mật chủ. Nhưng trước kia bao nhiêu người bị như thế thì con giun đã đi đâu khi người ta không mổ lấy nó ra; và khi nó đã lẻn vào gan, những xác giun đũa chết sẽ gây tai hại thế nào?
Thầy tôi, Giáo sư May-ét-me có viết một luận án khá hay: ông ta, người đầu tiên ở Pháp, đã phát hiện ra là có những trường hợp có viêm phúc mạc do mật dò ra, nhưng không tìm thấy lỗ thủng ở túi mật đâu cả. Tại sao lại có sự lạ như vậy, thủng mà lại không có lỗ thủng.
Tôi theo dõi một số bệnh nhân vừa có sỏi vừa có giun; có nhiều người được mổ, nhưng nhà mổ xẻ lấy không hết vì có khi sỏi nằm tít trong bóng va-te đã bị bỏ sót. Những người này, lúc tôi mổ xác lại thì thấy vừa có phù nề các mạch nối, vừa có nước mật trong ổ bụng. Thế là tôi phát hiện thêm vấn đề thứ hai: đối với những người bị giun hay sỏi, nếu mổ không lấy hết các chướng ngại vật trong ống mật chủ, mật có thể thẩm thấu qua thành của ống mật chủ hay túi mật, để gây viêm phúc mạc; qua đấy mật có thể tràn ra ổ bụng tuy không có lỗ thủng thấy được.
Bây giờ trong óc tôi lại nảy ra vấn đề: các sỏi mà tôi thấy với giun, đó là thứ sỏi gì? Do chế độ ăn uống sinh ra như ở châu Âu, hay là do một cơ cấu khác?
Các bệnh nhân của tôi là những người thiếu chất thịt, thiếu chất mỡ; người ta nói là họ thiếu dinh dưỡng. Thế làm sao họ lại có sỏi mật như các bà Âu châu to béo, ăn nhiều chất thịt, chất béo. Kiểm tra về hóa học thì chúng tôi thấy là các sỏi bên nước ta đều thuộc về loại sắc tố mật và có ít chất cô-lê-stê-rôn
(cholesterol); chất cô-lê-stê-rôn này lại là yếu tố hóa học chính trong các sỏi mật ở châu Âu. Một đặc điểm thứ hai nữa là ở nước ta, trong nhân dân lao động, sỏi không nằm trong túi mật như bên châu Âu mà lại nằm trong các đường mật, và một điểm lạ nữa, nằm ngay cả trong gan. Các thầy tôi đã dạy tôi thế nào? Họ bảo tôi trong trường hợp có các cơn đau như tôi đã mô tả, gọi là cơn đau gan, người bác sĩ nên cắt túi mật đi, vì túi mật là nguồn gốc của các sỏi mật, và sự di chuyển của các sỏi mật là nguồn gốc của các cơn đau. Như thế, ta thấy ngay sự cần thiết là phải biết thực tế nước nhà, không thì sẽ làm bậy, nếu cứ đem áp dụng một cách mù quáng kiến thức học từ phương Tây. Tôi mới đem các sỏi ấy ra, cắt mỏng trong hơi nóng. Trong các sỏi ấy, nhân ở giữa sỏi là trứng giun hay là những mảnh của các bao cứng của thân giun. Một lần cùng với các bác sĩ người Nhật và Trung Quốc, tôi đã phát hiện ra rằng sỏi trong ống mật, trong gan người Việt Nam là do giun đũa gây ra!
Thế thì tại sao con giun lại đi ngược dòng trong ruột người Việt Nam và người châu Á? Bây giờ tôi mới biết, thiếu thịt, thiếu chất mỡ, có thể làm cho dịch dạ dày ít bài tiết ra, người bệnh sẽ giảm chất a-xít trong dạ dày, và trong tá tràng nối liền dạ dày với ruột non. Và lý do chính của các bệnh vì giun đũa, viêm phù tụy hay sỏi đường mật, phần lớn là do sự nghèo khổ của nhân dân lao động nước ta.
Tôi suy nghĩ nhiều trong bốn bức tường của bệnh viện và trong nhà xác: dân ta khổ là vì ta bị đế quốc xâm lược và bóc lột, không phải tài năng mổ xẻ của tôi sẽ cứu dân ta mà phải xóa bỏ chế độ thực dân bóc lột. Con đường đi với cách mạng đã hé mở cánh cửa cho tôi, một thanh niên làm công tác khoa học vào thời ấy.
Bấy giờ, ngoài bệnh viện Phủ Doãn và phòng thí nghiệm của tôi, đang có một chuyển biến lớn trong đời sống xã hội. Thực dân Pháp thua trận, Pháp đã đầu hàng Nhật. Nay dân ta bị hai tròng, phát xít Nhật là chủ bóc lột và đế quốc Pháp xuống làm cai. Ngay trong công việc hàng ngày ở bệnh viện, tôi bắt đầu hiểu biết về thực chất của các đế quốc, da trắng hay da vàng. Đây là vào quãng năm 1944.
Có một hôm, một đám lính khố xanh đưa vào bệnh viện một tù binh đã bị viêm phúc mạc vì thủng ruột thừa. Anh ta đã theo một cái đảng "phục quốc" gì mà tôi quên tên, dựa vào thế của quân Nhật. Sau khi mổ, anh ta kể cho chúng tôi nghe rằng đảng anh sẽ dựa vào Nhật để đuổi thực dân Pháp. Nhưng chỉ cách ba tuần sau, chúng tôi được tin là Nhật và Pháp đã ký thỏa hiệp với nhau, và một tuần sau đó, Nhật đã thí anh ta cho Pháp, và Pháp, với tên thực dân cáo già cầm đầu lúc đó, đô đốc Đờ-cu, đã đem anh ta ra xử tử, đúng 4 tuần sau khi đã được tôi mổ cứu khỏi.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Bấy giờ, bệnh viện chúng tôi nhận được những người gọi là Việt Minh mà hiến binh Nhật dẫn đến. Một hôm, chúng tôi mổ cho một thanh niên bị hiến binh Nhật tra tấn rất dã man. Đó là một anh thợ sắp chữ của một nhà in, và lúc sắp chết, anh vẫn cầm tay tôi và khuyên nên tin vào tương lai của dân tộc. Tôi bắt đầu đánh giá và suy nghĩ về những cán bộ Việt Minh.
19-8-1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ như một ngọn lửa hồng ở Hà Nội. Cùng với anh em Việt Minh, chúng tôi cướp chính quyền của Pháp ở bệnh viện Phủ Doãn. Chỉ cần cho nổ ba phát súng là ông chánh y tế Nhật và ông phó y tế Pháp bỏ chạy, ông trước với cái gươm dài lòng thòng, và ông sau với cái cặp đầy hồ sơ!
Ngày đêm tiếng súng vẫn không ngớt ở Hà Nội, và tôi được gọi đi mổ xẻ ở Hà Đông hoặc đi chữa bệnh cho các đồng chí Việt Minh ở Bắc Bộ phủ, mà ta đã chiếm được. Một hôm tôi được gọi gấp đến xem cho một lão đồng chí; bước vào phòng, tôi gặp một ông già gầy xanh, nhưng có đôi mắt rất sáng. Đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Và từ cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, tâm hồn tôi đã chuyển biến theo cách mạng, dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ.
Tôi được nghe các bạn tôi xì xào rằng Bác Hồ là Nguyễn Ái Quốc đó. Nguyễn Ái Quốc! Cái tên mà tôi rất quen biết từ lúc học trường Bưởi; tôi đã nghe nói đến nhà yêu nước vĩ đại này mà tin đồn là đã chết trong một nhà lao ở Hồng Kông. Câu hỏi "Cụ có phải là Nguyễn Ái Quốc không?" luôn luôn vương vấn trong óc tôi. Nhiều lúc tôi lăm le định hỏi nhưng rồi không bao giờ tôi dám hỏi cả. Thường sau khi tiêm thuốc cho Bác, Bác hay giữ tôi lại để hỏi chuyện công việc, chuyện gia đình. Biết tôi đã có con trai đầu lòng, Bác nói: "Để tôi đặt tên cho nó. Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách". Cho mãi đến năm 1968, một năm trước khi Bác mất, trong một buổi họp, Bác còn hỏi thăm cháu Bách.
*
* *
Chính phủ lâm thời Việt Nam ra đời. Tôi viết được một quyển sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu về giun của tôi với đầu đề: "Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật". Tôi đến gặp anh Vũ Đình Hòe lúc ấy làm Bộ trưởng Giáo dục. Anh Hòe rất tán thành in sách để chào mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhưng anh khuyên tôi: "Chính phủ không có tiền in đâu, anh nên cố gắng một mình!". Tôi thấy cũng không khó gì, vì tôi mới mua được một chiếc xe đạp
bằng đuya-ra, rất đẹp. Nhà in đòi tôi bốn trăm đồng vừa bằng giá chiếc xe đạp của tôi. Một tháng sau, sách in xong. Như vậy quyển sách khoa học được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quyển sách thuộc về ngành y.
Bây giờ đến nạn quân Lư Hán, tướng của Tưởng Giới Thạch đang tràn vào như nước lũ ở miền Bắc nước ta. Theo đuôi chúng, thấy xuất hiện một số đảng theo Tưởng. Một hôm, ở Bắc Bộ phủ, tôi nghe Nguyễn Hải Thần, phát biểu ý kiến, tiếng lơ lớ, như một người nước ngoài. Tôi nghĩ, một anh chàng đã quên cả tiếng mẹ đẻ, thì còn gì mà dám nói đến khả năng lãnh đạo để cứu vãn đất nước khỏi ách đế quốc.
Ván cờ luôn đổi xe, đổi ngựa: Nhật đi, quân Tưởng kéo vào, bây giờ Pháp sắp trở lại. Tôi thấy Bắc Bộ phủ vẫn còn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cuối năm 1946, tôi nhận nhiệm vụ đi kiếm thuốc men và dụng cụ quân y để đưa lên chiến khu. Ở các bệnh viện khác thì dễ vì ta nắm các tổ chức ở đấy, nhưng khó nhất là ở nhà thương Đồn Thủy, bác sĩ giám đốc nhà thương này là một tên phản động; và cửa ra vào thì do quân đội Nhật gác. Ở đây có một kho thuốc quí cần đem ra ngoài chiến khu. Tôi bèn lập mưu đem một người y tá biết tiếng Nhật theo tôi. Trước khi xe vào, tôi đến nói chuyện hỏi thăm quê hương tên lính Nhật gác. Nó rất cảm động và vẫn còn cảm động mãi tới khi xe ca-mi-ông của tôi ra khỏi cổng với những hòm thuốc quý của nhà thương Đồn Thủy. Lúc này tình hình rất căng giữa quân đội của Lơ-cléc và tự vệ khu phố của ta. Ngày nào cũng có đụng độ giữa lính Pháp và ta. Chúng tôi được lệnh chuyển thêm dụng cụ mổ xẻ và thuốc men ra chiến khu đồng thời thu xếp để di chuyển dần về Vân Đình (Hà Đông).
Hồi đó chúng tôi còn ngây thơ nên về đến Vân Đình đã bảo nhau: "Nếu Tây mà đến được đây, thì chắc chiến tranh cũng đã xong rồi". Trước kia, tôi rất ít khi ra giữa đồng quê bát ngát của ta. Ruộng, đâu cũng là ruộng và ở giữa đồng ruộng, dưới những bụi tre xanh, rải rác những xóm làng rất xinh. Tôi nghĩ là chiến tranh không bao giờ lan ra đến đây. Chỉ một năm sau tôi vào giữa rừng xanh cách Hà Nội hàng trăm cây số, thế mà Tây vẫn lùng sục theo sau lưng!
Đầu tháng chạp năm 1946: trời đã rét và có khi mưa phùn. Có tin đồn sẽ đánh nhau trong Hà Nội. Tối nào tôi cũng cùng kíp mổ của tôi đi ngủ ngoài Hà Nội, dưới xóm Khâm Thiên, và một việc kỳ lạ là những người tự vệ canh gác bảo đảm an toàn cho chúng tôi lại là những chị em cô đầu cũ của Khâm Thiên.
Sáng ngày 19 tháng 12 năm 1946, tôi giở cuốn sổ tử vi mà mẹ tôi đã đặt cho tôi từ lúc còn bé. Tôi thấy ngay một câu mà từ lâu tôi rất thích thú thường
hay đọc đi đọc lại. "Thử niên xuất ngoại", tôi hiểu rằng, sang năm tôi sẽ đi
ngao du ở nước ngoài.
Tối hôm ấy, điện tắt lúc bảy giờ, súng bắt đầu nổ từ Chèm và Láng. Tôi "xuất ngoại" thật, tôi đã đi theo kháng chiến, với gia đình có một đứa con mới đầy sáu tháng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top