Chương 24: Chạy Học
Kỳ thi đại học trôi qua nhanh chóng, tôi vẫn chưa biết ước mơ của mình là gì? Mẹ đã giúp tôi quyết định, tôi điền nguyện vọng học chuyên ngành kế toán trường đại học X.
Kết quả đã có, sắp đến ngày nhập học, nhưng mẹ vẫn lần lữa, về sau tôi xuống trường gần sát ngày hết hạn nộp hồ sơ. Có điều nhà trường yêu cầu nộp bản gốc học bạ. Mẹ tôi không đồng ý việc này, học bạ chỉ có một quyển, nộp vào rồi không là chính thức nhập học, mẹ tôi vẫn đang đợi.
Ngành công an sức tôi không thể thi nổi.
"Nơi đó đều tập hợp những anh tài, vừa phải thông minh trí tuệ, vừa phải quả cảm anh dũng." Duy đã nói vậy.
Về phần tôi dĩ nhiên, không đủ tiêu chuẩn.
Mẹ bỏ tiền ra chạy cho tôi vào học trung cấp y của biên phòng. Nghe người quen giới thiệu, tiền đã giao, giờ chỉ đợi giấy nhập học. Trước đây tôi chỉ đợi bố về để hỏi về ước mơ đời mình, muốn bố giúp tôi vẽ con đường tương lai. Lại không hề biết rằng mẹ đã âm thầm vạch kế hoạch cho tôi, mẹ mong tôi được một đời không phải lo nghĩ, an nhàn sung sướng đến hết đời.
Mẹ cho rằng chỉ cần vào những ngành thuộc lực lượng chức năng, cuộc đời tôi sau này không cần lo lắng xin việc, không phải bươn chải với đời như mẹ, không cần nhìn sắc mặt người khác mà sống.
Đợi mãi, chờ mãi, các bạn tôi đã vào nhập học hết, còn tôi thì đợi. Cho đến khi nguyện vọng một và hai đều đã quá hạn. Tôi nhận được giấy báo nhập học, vẫn là y, vẫn là biên phòng.
Nhưng là trung cấp nghề.
Học sửa chữa thiết bị y tế, địa điểm thuê lại của một đơn vị biên phòng để đào tạo. Lợi dụng sự lo lắng cho tương lai con cái của các bậc phụ huynh, có những người đem miếng bánh ảo tưởng đến cho họ với cái giá không hề nhỏ.
Những người đã trải qua bao sóng gió cuộc đời cũng vẫn có thể bị lừa đơn giản. Mọi người đua nhau muốn con em mình được vào những nơi chắc chân, lại không tính toán được rằng càng ngành đặc thù càng có sự kiểm soát nghiêm ngặt. Làm sao mà một ngành liên quan đến an ninh quốc gia lại có chỗ cho sự gian lận?
Hài hước thay, mẹ tôi dùng tiền tích cóp cả đời chỉ để chạy chỗ cho đứa con gái trước giờ chỉ biết đến bố, một chỗ chắc chân trong tương lai.
Tiền mẹ đã giao, người kia đi mất mẹ không thể tìm. Bao năm dành dụm tính toán cho tương lai cô con gái, phút chốc bay biến. Trùng hợp hơn nữa, quyết định ly hôn cũng được gửi đúng ngày mẹ biết mình bị lừa.
Tôi và mẹ chuyển đến tỉnh C, nơi có ông bà ngoại, các bác và các cậu, những người ruột thịt của mẹ tôi đang sinh sống. Nơi mà năm xưa, mẹ vì tình yêu với chàng trai hiền lành khôi ngô trong mắt mình, bất chấp phản đối, bất chấp sự lo ngại của ông bà để con gái lấy chồng xa sẽ khổ. Vì tình yêu của cuộc đời, quyết tâm rời bỏ.
"Về rồi à con?" Đấy là câu nói của ông ngoại tôi khi trông thấy mẹ con tôi đứng trước cửa.
Tôi chưa từng nghe thấy ông bà nói với mẹ tôi những câu kiểu như:
"Thấy chưa?"
"Đáng đời mày."
"Con không nghe lời cha mẹ, trăm đường con hư."
Tôi được xin cho vào học ở một trường trung cấp trong tỉnh, học theo chuyên ngành kế toán. Tôi vốn chẳng biết mình có thích ngành này không?
Tôi cũng chẳng nhớ hai năm học trung cấp vừa qua diễn ra như thế nào, hình như là đi học, về nhà, hôm sau lặp lại. Mẹ chuyển công tác nên phải đi làm xa, là một huyện vùng núi. Cuối tuần sẽ về một lần, tôi ở nhà một mình.
"Cause you had a bad day - Bởi bạn đã có một ngày tồi tệ*
You're taking one down - Bạn đang cố vượt qua
You sing a sad song just to turn it around - Bạn cất vang một khúc ca buồn chỉ để xoay chuyển mọi thứ."
Đây là tiếng chuông điện thoại của tôi, không hiểu sao đôi khi tôi nhận được một cuộc gọi vào khoảng hai giờ sáng.
"Alo"
"Alo ai đấy ạ?"
Đầu dây bên kia vẫn chỉ là sự lặng im.
"Điên cũng vừa vừa thôi nhé." Nếu là trước kia tôi sẽ hét vào trong điện thoại như vậy.
Tôi đã nghĩ đến việc đổi số điện thoại, có lẽ ngày mai nên đi mua sim mới.
"Tôi chuyển sang dùng số này, bà lưu vào nhé." Tôi gọi điện thông báo cho người bạn thân thời còn đi học.
Sau ngày tốt nghiệp, tôi và Ly đã mỗi người mỗi phương. Cô bạn thân tôi đã có những người bạn mới, còn tôi co mình lại trong chiếc kén của mình. Quen nhiều, thân nhiều đến khi chia tay sẽ càng phải buồn nhiều, hoặc chỉ có tôi như vậy.
"Bây giờ càng ngày càng khó xin việc, với cái bằng trung cấp của cái Diễm chị muốn nó không phải đi xa là không thể." Đây là tiếng nói của cậu tôi, nghe điều này tôi đoán biết mẹ vẫn đang tìm cách chạy chọt cho tôi vào chỗ nào đấy chắc chân.
Tôi ngồi trong phòng lên mạng tìm thông tin tuyển dụng, hầu như đều là ở thành phố khác. Chán nản với bản thân, tôi điền email nhận thông tin tuyển dụng mới rồi tắt máy.
"Diễm ơi, chỗ bên mợ quen cần người làm thêm dịp mùng tám tháng ba đấy, có muốn đi thử không?" Mợ tôi đi làm về, sang nói với tôi.
"Đi ạ, làm gì thế mợ? Cháu đi luôn."
"Tiệm Hoa ở đường Z. Người ta thuê một tuần, mỗi ngày năm mươi nghìn."
"Cháu đi."
Tôi theo lời giới thiệu của mợ, đến làm tại cửa hàng hoa nọ, công việc chính là nhặt hoa, dóc bỏ phần gai nhọn và lá thừa bên dưới để cho thợ cắm hoa tiện lên những bó hoa mới. Làm từ năm giờ ba mươi sáng đến tối, sau khi hết khách được nuôi ăn hai bữa.
Ngày đầu tiên đi làm tôi chưa cảm thấy gì nhiều, cho đến khi ngồi một mạch từ sáng đến mười một giờ đêm mới phát hiện cái lưng mỏi nhừ, tay đau rát. Hai bàn tay tôi bắt đầu đỏ sưng lên do chạm nước cả ngày, bởi tất cả những bó hao đều được tưới nước giữ tươi. Thợ làm lâu dù cẩn thận đến mấy cũng vẫn bị gai từ những cành hoa đâm vào tay, huống chi tôi là đứa mới vào làm ngày đầu, bàn tay tôi sau một ngày đã xước lung tung nơi những ngón tay, đau buốt mỗi khi cử động.
"Cháu ngồi bên ngoài phải để ý khách đi qua, cười lên chào người ta, mời họ vào mua hoa." Đây là lời của bà chủ nói sau ngày làm việc đầu tiên của tôi.
Tôi từ đây nhận thức được, khi làm bất cứ việc gì, nếu bạn được thuê quét nhà thì khi bắt đầu làm bạn cần phải lau nhà nữa, dù chủ thuê bạn không yêu cầu. Đây là quy luật cuộc đời, không loại trừ bất cứ ai.
"Em làm ở đây bao lâu rồi?" Tôi hỏi cô bé đang cắm hoa.
"Em làm được một năm rồi." Cô bé mười lăm tuổi đang chăm chú cắm hoa nói với tôi.
Thì ra là vậy, tôi tự cho là mình bất hạnh, lại chẳng hề biết so với người khác tôi sung sướng biết bao nhiêu. Mới ngày thứ hai tôi đã thấy rệu rạo, mỏi mệt không muốn động tay vào thứ gì?
Công việc kiếm tiền đầu đời, tưởng đơn giản, hoá ra chẳng hề giống như tôi đem năm mươi nghìn đi mua năm nghìn cà, bớt lại những bốn mươi lăm nghìn đút túi, để dành hôm sau ăn quà.
"Cô ơi mua hoa đi ạ."
"Chú ơi mua hoa đi ạ."
Tôi nghe lời bà chủ, hễ có bóng người đi qua lại toét miệng cười mời chào mua hoa. Nhặt hoa thì khó, chứ cười thì đơn giản, tôi đã có kinh nghiệm dày dặn.
"Diễm hôm nay biết hơn rồi đấy. Để ý kỹ tý, những người như vừa xong chỉ chào mời là anh chị thôi." Bà chủ ra chỗ tôi nói, hoá ra bận rộn như thế nhưng mỗi cử chỉ hành động của nhân viên trong cửa hàng bà đều nắm rõ.
"Diễm về ăn cơm trước đi rồi đổi lại cho cái Hoa với cái Linh về." Bà chủ nói.
"Vâng ạ." Tôi đứng dậy toan về nhà bà chủ ăn cơm.
"Chị Diễm." Linh kéo tay tôi, cô bé mười lăm tuổi nói: "Chị nhặt hết bó này cho xong đi hẵng về, bà chủ bảo thế nhưng mình phải làm xong việc còn dang dở đã."
"Ồ, vậy à." Tôi ngồi xuống tiếp tục công việc dang dở, hơn hai mươi tuổi đầu, tôi còn thua một đứa trẻ mười lăm tuổi về ý thức.
Linh quan sát xung quanh, ghé sát tôi nhỏ giọng: "Chị đợi em cùng về, em cắm nốt hai bó nhanh thôi, đừng về trước."
Tôi không nghĩ ngợi gật đầu.
Lát sau, chúng tôi cùng đi bộ về nhà chính của bà chủ để ăn cơm trưa lúc một giờ chiều. Nhà chính cách cửa hàng hoa khoảng năm trăm mét, chúng tôi đi bộ một lát là tới.
"Em bảo, chị đừng có về nhà bà chủ một mình nhé, có xong việc cũng cứ ở lại cửa hàng hoa đợi thêm người cùng về." Linh lúc này đi bên tôi nói.
"Sao thế?" Tôi thắc mắc.
"Chồng bà chủ lúc nào cũng ở nhà." Linh nói.
Một câu này tôi đã hiểu, năm cuối cấp kia tôi đã phát hiện cuộc đời trước đây quá hạnh phúc, mỗi bước chân về sau này của tôi đều được một cái tát giúp cho mình tỉnh táo hơn.
(*)Bài hát: Bad Day
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top