Dương Liễu Thanh Thanh

Mùa Xuân. Cảnh Tây Hồ đẹp như một bức tranh. Nắng cuối cùng lặng lẽ chiếu trên mặt hồ, phản chiếu lấp lánh. Gió thổi nhẹ, lùa qua mặt nước, rung rinh linh động như tranh vẽ, làm lòng người ngơ ngẩn. Du thuyền tấp nập trên mặt hồ, những chiếc thuyền con, buồm chèo thả trôi các vương tôn công tử, các cô trâm anh khuê các tựa nơi mạn thuyền, hoặc núp trong khung cửa uống rượu, ca hát. Tự cổ chí kim, Tây Hồ là nơi vui chơi lịch lãm. Nơi đây cảnh quá đẹp, hữu tình, nên giới hội hoa, du khách ghé qua tấp nập. Có một chiếc thuyền, đang rẽ đám lá sen nằm giữa hồ. Uyển Thanh ngồi ở đầu thuyền, đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh chung quanh. A đầu của nàng là Bội Nhi, ngồi bên cạnh. Bên trong thuyền đầy tiếng nói cười của ba công tử nhà họ Vạn với bạn bè và các cô gái. Uyển Thanh không thích những tiếng nói cười đó vì nó phá tan đi cái không khí nên thơ. Trong lúc này Uyển Thanh thấy lạc lõng bơ vơ, cô độc. Bên bờ hồ, những cây liễu rũ bờ. Những đám hoa đủ màu đua sắc. Nhưng cảnh đẹp nầy là để dành cho ai? Uyển Thanh lắc đầu, nhìn xuống dòng nước trong xanh tư lự! Đột nhiên, phía trước có chiếc thuyền con đi tới, chiếc thuyền không mui. Trên thuyền có dáng một người nằm, bên cạnh là một bầu rượu, một ống tiêu, và một quyển thơ. Nắng vàng lan tỏa. Anh chàng nầy hình như chưa uống rượu, không thổi sáo mà đang ngâm thơ, ngâm thơ một cách đầy cao hứng quên cả cảnh giới chung quanh. Uyển Thanh hiếu kỳ lắng tai nghe. Xuân đến mất tiền mua hoa Ngày ngày say bên cạnh hồ Ngựa quý trên đường hồ Tây Hí kiệu ngang qua tửu lầu Thấy người kiêu sa múa hát Liễu xanh in bóng mùa thu Gió mát cạnh bên người đẹp Hoa nở đầy rèm xuân Họa thuyền! ví chở được xuân Tình ta gởi khói mây hồ... Anh chàng nầy hay thật "Họa thuyền ví chở được xuân - Tình ta gởi khói mây hồ". Uyển Thanh gật gù khen, thì chiếc thuyền nhỏ kia cũng vừa trờ tới. Uyển Thanh tò mò nhìn sang. Người nằm trong thuyền kia, mặc áo xanh, đội nón xanh mà thắt lưng cũng màu xanh. Tướng tá thanh nhã, đẹp trai. Vậy chắc là một thư sinh con nhà khá giả đây. Gã thư sinh hình như phát hiện chuyện mình bị nhìn trộm. Ngồi thẳng người dậy, đưa mắt nhìn chung quanh. Cuối cùng rồi cũng chạm cái ánh mắt của Uyển Thanh. Cái nhìn soi bói của chàng làm Uyển Thanh đỏ mặt nhìn xuống... Ngay lúc đó trong thuyền có tiếng của anh chàng tên Hầu Lương từ trong thuyền vọng ra: - Dương cô nương đâu? phải vào đây cạn ly nầy và tiếp tục đàn hát làm thơ hay cho chúng tôi nghe chứ? Uyển Thanh giật mình, miễn cưỡng ứng một tiếng rồí đứng dậy, chưa kịp bước đi vào trong thì Hầu Lương đã cầm ly rượu, chuệch choạng bước ra đầu thuyền. Đưa ly rượu đến trước mặt Uyển Thanh, gã nói to: - Nhanh lên, hãy cạn với tôi ly rượu nầy đi Dương cô nương! Uyển Thanh né qua một bên, ngay lúc đó thuyền lớn và thuyền nhỏ đụng vào nhau làm Hầu Lương không vững, ly rượu trên tay cũng bị đổ vơi một nửa. Hầu Lương giận dữ quay lại mắng: - Cái tên này, nhà ngươi là ai vậy? Cả một con thuyền to thế này mà ngươi cũng không nhìn thấy? Mắt ngươi để đâu? Vừa nói đến đó gã chợt ngưng lại nhìn rõ người thư sinh bên thuyền nhỏ, mặt giận dữ bỗng nhiên vui lại, hắn nói to: - Ồ... ồ... Ta tưởng ai, chẳng ngờ là anh Thế Khiêm. Anh rõ là biết cách hưởng thụ! Một mình thả thuyền trên hồ, còn có rượu và mang cả sáo nữa ư? Chàng thư sinh kia cũng cười, liếc mắt qua Uyển Thanh rồi nói: - Anh biết hưởng thụ hơn tôi chứ? Nào, các bạn đang có tiệc à? - À! đám anh em nhà họ Vạn đấy mà. Toàn là những người quen trong trường cả. Sao anh chẳng sang tham gia với bạn này? Được rồi, được rồi, để bảo phu thuyền cột thuyền anh vào thuyền này, có anh là baỏ đảm tiệc sẽ vui hơn, lên nhé? Thế Khiêm cười: - Thế ai là khổ chủ vậy? - Tôi chứ còn ai? Bộ anh sợ bọn này bắt anh trút sạch hầu bao à? thôi đừng chần chừ nữa, lên đây mau. Lên đi, tôi sẽ giới thiệu với anh một người. Hầu Lương vừa nói vừa liếc sang Uyển Thanh. Thế Khiêm cũng nhìn về phía nàng, do dự một chút rồi gật đầu cười: - Được rồi, rượu trong bình đã cạn, thế trên thuyền mi còn rượu không? - Bảo đảm đủ cho anh uống mà. Thế là Thế Khiêm sửa soạn lại áo mũ, cặp nách ống tiêu, mang cả bầu rượu và quyển sách, với sự giúp đỡ của phu thuyền nhảy lên. Thuyền con được buộc chặt vào đuôi thuyền lớn. Lên thuyền rồi, Hầu Lương và Thế Khiêm kia lại vòng tay chào nhau. Sau đó, không biết vô tình hay hữu ý. Thế Khiêm quay lại nhìn Uyển Thanh cười. Cái nhìn cột nhã kia làm Uyển Thanh nhột nhạt. Cái nhìn đó như muốn nói với Thanh: - À, ta biết nàng là ai rồi. Bởi vì nơi nào có ba anh em nhà họ Vạn và Hầu Lương là có các nàng thôi. Chẳng có ai nhìn ra những suy nghĩ trong đầu nàng. Cái cảm giác tự ti lẫn lộn với cảm giác tự ái bị tổn thương. Lúc đó Hầu Lương đã lên tiếng giới thiệu: - Thế Khiêm huynh, dù anh có là một con mọt sách điển hình đi nữa thì cũng cần biết đến chuyện ở thành Hàn Châu nầy có một Điệp Mộng Lâu, cô nương nầy đây là một tài nữ nổi tiếng ở đây tên là Dương Uyển Thanh, tiếng đàn hát của cô ta phải nói là có một không hai tại thành này. Còn Uyển Thanh cô nương hẳn cô đã nghe tên Dịch thiếu gia đây rồi. Đây là Dịch Thế Khiêm. Xứ Hàng Châu nầy có tài nữ Dương Uyển Thanh thì cũng có tài tử Dịch Thế Khiêm! chỉ có điều là hai người nổi tiếng lại chưa biết nhau, đó mới là chuyện kỳ lạ! Uyển Thanh ngỡ ngàng nhìn sang Thế Khiêm, nàng cũng bắt gặp ánh mắt tương tự! Uyển Thanh không tự chủ được, cúi đầu lúng túng: - Dạ xin chào Dịch thiếu gia. Thế Khiêm vội đỡ lời: - Không dám, không dám. Dương cô nương tôi cũng nghe tiếng từ lâu, bây giờ mới gặp mặt, thật là bất ngờ. Uyển Thanh bất chợt muốn hỏi chàng thật nhiều câu hỏi, nghe tiếng đã lâu? tiếng gì? đẹp? giỏi làm thơ? Tài đàn? ca hát? Uyển Thanh chợt đỏ mặt. Lòng lại tràn ngập những suy nghĩ khó tả. Dịch Thế Khiêm này, ở Hàng Châu ai mà chẳng nghe tiếng anh ta. Tài tử, con nhà gia thế, giỏi thơ ca. Nghe nói lại có bản tính phóng khoáng hào hoa. Gia đình chàng rất nghiêm khắc nên dù có phóng túng đến đâu chàng cũng không bao giờ sống sa đọa! Uyển Thanh nhìn lại phận mình, tài của nàng dù giỏi biết bao thì nàng vẫn chỉ được giao du với cỡ người như các cậu nhà họ Vạn và Hầu Lương! rất nhiều người có tài học cao thì xem chỗ nàng nương tựa là chỗ ăn chơi sa đọa, phải tránh xa nàng. Có ai cần tìm hiểu nơi ấy nàng chỉ cho tiếng đàn lời ca mà thôi. Dịch Thế Khiêm đương nhiên cũng ở trong số người đó. Uyển Thanh cúi xuống tự ti. Ngay lúc đó có tiếng Hầu Lương nói: - Nào lại nào, anh Thế Khiêm, hãy vào đây mà ngồi. Bên trong còn có mấy cô nữa, anh phải làm quen chớ? Thế Khiêm cười, vừa đi theo Hầu Lương vừa nói: - Thế này thì ngươi đã mời hết những người đẹp của Hàng Châu tới đây rồi? - Ha!ha!ha! Hầu Lương nghe nói khoái chí nên càng phô trương- Danh sĩ với mỹ nhân thì phải gắn liền với nhau chứ! chỉ có nhà ngươi, con mọt sách không hề biết sống là gì! Nào để ta dạy ngươi. Con người ở đời ngoài quyển sách ra còn cần những cái gì nữa nào... Bọn họ đi vào thuyền, Uyển Thanh và Bội Nhi đi theo sau. Ba vị công tử họ Vạn cũng quen biết với Thế Khiêm nên chào hỏi rồi mới vào bàn. Bàn tiệc ồn ào hơn. Uyển Thanh ngồi đấy lặng lẽ như chẳng tham gia. Và lúc mọi người cười nói thì nàng lại lại đến bên mạn thuyền, vén rèm nhìn cảnh Tây Hồ. Có tiếng của một cô nương nói: - Dịch thiếu gia, ai cũng biết là thiếu gia thổi sáo hay lắm, vậy thiếu gia hãy vì bọn em thổi một bài đi nào? Những người khác đều nói: - Đúng đó, đúng đó! Hầu Lương tiếp lời: - Vậy thì huynh nể tình tôi hãy thổi một bản cho họ nghe đi. Mọi người đều nói: - Không nên khước từ lời yêu cầu! Thế là Thế Khiêm bắt đầu thổi bản "Xuân Hồ Tây" với âm điệu véo von. Bản nhạc vừa dứt mọi người vỗ tay tán thưởng. Họ muốn nghe thêm, thế là buộc Thế Khiêm phải thổi thêm bản nhạc nữa, lần này là khúc "Động Tiên Ca" với âm điệu cao thấp khác biệt nghe rất lạ tai. Hầu Lương liền nói: - Có rượu, có sáo, đâu thể thiếu tiếng hát được! Mọi người đề nghị cô nương Thúy Nga ca một bản. Thúy Nga đứng dậy hát bản "Trường Tương Tư". Anh em nhà họ Vạn kéo nhau đến hỏi Thúy Nga sao có họ rồi mà còn dám tương tư ai? làm cho cả đám người cười ồ lên. Chỉ có Uyển Thanh ngồi lặng lẽ, vẫn còn mơ hồ đến âm điệu của tiếng sáo ban nãy... nàng ngồi im lặng nhìn ra ngoài... Và bỗng nhiên Hầu Lương như phát hiện ra sự vắng mặt của Uyển Thanh nên bước tới gọi: - Sao vậy Dương cô nương? tại sao không tham dự? sao cô lại muốn để bọn này bị mất mặt! Uyển Thanh vội vã nói: - Đâu có Hầu thiếu gia, tại tôi không uống được rượu! Hầu Lương vẫn không buông tha, dẫn Uyển Thanh đến bàn rót đầy ly rượu nói: - Vậy thì hôm nay cô nhất định phải tập uống, cô đã ngồi yên một chỗ không xem chúng tôi ra gì cả nên phải phạt cô ba ly rượu. - Tôi không biết uống rượu thật mà Hầu thiếu gia. - Không được, không được khước từ! A đầu Bội Nhi vội vã bước tới giúp chủ. - Tiểu thơ tôi không uống được rượu và hôm nay cô ấy không được khỏe nữa... mong Hầu thiếu gia tha cho. Hầu Lương giận lên hét to: - Cái con a đầu này ít bẻm mép một chút có được không? Thế Khiêm thấy vậy đứng lên nói to: - Thôi thì thế này, tôi xin uống thế cho cô nương họ Dương này ba ly rượu, được không? Nói xong chàng cầm ly rượu trước mặt Uyển Thanh uống cạn, rồi rót thêm hai ly nữa đưa cho Hầu Lương thấy rồi chàng nốc cạn. Hầu Lương nhún vai nói: - Đã có Dịch huynh giúp thì thôi tha cho cô, nhưng mà Uyển Thanh cô nương, cô phải biết đáp lễ lại người ta chứ? Uyển Thanh nhìn Thế Khiêm với đôi mắt biết ơn, cùng lúc Thế Khiêm cũng đang quay sang nhìn Uyển Thanh. Lần nầy ánh mắt của chàng chan đầy tình cảm lo lắng cảm thông cho nàng nhưng cũng đầy vẻ buồn phiền, ý như muốn bảo: "Tại sao cô lại ở đây? tại sao cô lại chấp nhận buổi tiệc với mấy người này? tại sao cô lại chọn cái cuộc sống nơi Hàng Châu kia chứ?". Ánh mắt của chàng làm Uyển Thanh bối rối, xúc động vô cùng, Uyển Thanh phải nhìn xuống lẩn tránh. Bấy giờ bên ngoài khung cửa sổ, mặt trời đã xuống núi, bóng tà dương chiếu rọi bóng núi bóng cây lên mặt hồ rực rỡ. Chim đã bắt đầu về núi. Gió thổi nhẹ trên cành liễu rũ. Cảnh đẹp như tranh, nhìn liễu Uyển Thanh lại nghĩ đến đời mình sao lại trớ trêu,ta sao lại có bản chất yếu đuối như liễu, nên phải cảnh "cành đón chim nam bắc, lá đưa gió muôn phương" mà tủi lòng. Nàng nhìn lên và tay lấy cây đàn tì bà, bất giác nói: - Dịch thiếu gia, thiếp xin đàn hát tặng thiếu gia một khúc nhạc gọi là trả lễ. Nói xong ngàng đưa mắt nhìn ngoài trời, tay buông đàn và cất giọng hát: Cận Thanh Minh, chim líu lo trên cành Tiếc là lời ca đơn điệu như ánh hoàng hôn Muốn cùng hoa liễu tâm sự Nhưng hoa liễu quá mong manh Sợ làm đau lòng xuân đến Nhớ quê nhà ngàn dặm Bình cạn, đêm buồn nằm khóc Trăng tàn theo ở song cao Núi xanh âm thầm tỏa sáng Túy ngọc lầu đêm nay say Chỉ có bóng hồ, bóng núi Đời dài nhưng mộng ngắn thay Hỏi ai kia, có còn gặp Lần sau hẳng rất xa vời Cắt đứt tình ai đành nỡ Tim hằng nỗi nhớ đau thương... Hát xong, Uyển Thanh nhìn Thế Khiêm ánh mắt long lanh vì có những giọt lệ chưa chan tình cảm đau thương làm Thế Khiêm bồi hồi xúc động đến độ muốn làm tràn ly rượu trên tay. Chàng bói rối không biết là sao hơn là nâng ly nốc cạn. Các người khác đều vỗ tay khen thưởng, có một gã nói: - Hay tuyệt, hay tuyệt! trách chi Âu Dương Phi ngày xưa có nói "Kỳ nữ đẹp, ca hay, uống rượu quên thôi. Khuyên chàng cứ mãi đầy bình rượu trước hoa mà say thì cũng đúng hạng phong lưu. Phải không các bạn? Tất cả đều cười nói say sưa vui vẻ. Dịch Thế Khiêm ngồi nhìn không tham gia, chàng mãi miết ngắm Uyển Thanh. Thanh quay lại bắt gặp, cười thật tươi và nhỏ nhẹ nói: - Dịch thiếu gia, người đã đến đây ngắm cảnh Tây Hồ, thì cũng nên về với lòng thư thả, vậy để tôi rót mời thiếu gia ly rượu. Nói xong Uyển Thanh rót đầy ly rượu cho Thế Khiêm và bỗng đọc nho nhỏ câu thơ "phù sinh trường hận hoan lạc thiểu, chỉ muốn ai kia nở nụ cười, vì chàng tiếp rượu tà dương đỏ, nhớ mãi đêm nay đẹp lạ thường." Thế Khiêm nâng ly rượu, ngắm kỹ cô gái trước mặt! thảo nào người ta cứ mãi ngợi khen tài sắc của Uyển Thanh. Nhưng... người tài sắc vẹn toàn thế nào sao lại rơi vào chốn này? Thật bất công vô cùng. Thế Khiêm cứ mãi nghĩ ngợi, uống cạn ly, và Uyển Thanh lại rót cho chàng thêm ly nữa. Cứ thế không mấy chốc Thế Khiêm như đã ngà ngà say. Không biết vì rượu hay vì sóng mắt trong sáng của Uyển Thanh. Chàng ngân nga ngâm thành thơ: Mẫu Đơn rộ báo xuân tàn Hương còn thoảng khắp ngượng ngùng say Bao giờ rơi xuống nhân gian cõi Hé nụ mời người ngơ ngẩn ai Xuân đến rồi đi không trở lại Để hoa trước gió, hoa buồn ai...

VietDoll

06-03-2004, 06:18 AM

Tuy đã cuối mùa xuân, trời vẫn se se lạnh. Uyển Thanh ngồi bên song cửa, ôm đàn tì bà, lơ đễnh khảy những khúc nhạc thê lương, mắt nàng đầy vẻ âu sầu trông ra ngoài như đợi chờ... Bội Nhi đã ba lần vào phòng, đốt nến thay đèn, rót nước mà thấy Uyển Thanh mãi thả hồn đâu đâu. Nhi không đàn được, nói: - Tiểu thơ, nếu chẳng việc gì, xin hãy đi nghỉ sớm. - Còn sớm mà phải không? Uyển Thanh nói, thấp thỏm nhìn về phía ánh bạch lạp. - Cũng chẳng còn sớm gì đâu. Từ chiều đến giờ mưa cứ rơi không ngơi, mà mưa lại càng lúc càng lớn. Thời tiết thế này, chắc chắn Dịch công tử sẽ không đến đâu tiểu thơ ạ! Uyển Thanh liếc nhanh về phía Bội Nhi: - Ai nói với em là ta đang chờ Dịch công tử? Bội Nhi cười, rồi đi đến giường sắp xếp chăn nệm, Nhi đốt thêm nến: - Dạ tiểu thư. Em theo hầu tiểu thư bao lâu nay, chẳng lẽ nào không biết tiểu thư đang nghĩ gì? - Thôi được rồi, cái con nhỏ này! Uyển Thanh cười nói, rồi lại thở ra - Mà thôi, Bội Nhi em hãy mang chiếc đàn này cất đi, chẳng hiểu sao hôm nay chị chẳng đàn được gì cả. Bội Nhi mang đàn đi cất. Uyển Thanh đứng dậy, bước tới bên cửa sổ, vén rèm. Bên ngoài mưa vẫn tiếp tục rơi. Tiếng mưa đập lên tà lá chuối nghe buồn làm sao. Xa xa là bóng núi, bóng hồ mờ nhạt. Vâng, trong cái đêm thế này, chắc chắn là chàng sẽ không đến. Rồi Uyển Thanh lại liên tưởng đến ngày đầu tiên gặp gỡ Thế Khiêm, chàng như một thiên thần còn nàng như một loài ma quỷ, vậy mà vẫn được chàng ghé mắt nhìn. Sau buổi đầu tiên ấy, chàng đã thường xuyên đến nghe Uyển Thanh đàn hát. Đã từng giờ ngồi đánh cờ, làm thơ, uống rượu cùng nàng. Hai bên đã trở thành tri kỷ. Chàng đã mang hết nỗi niềm riêng tư kể cho nàng nghe và nàng cũng thế. Nghĩ đến chàng, nhớ đến lời chàng đã kể về bối cảnh của chàng. Gia đình nghiêm khắc. Chàng đã có vợ, đó là một chuyện cưới gả do hai bên gia đình ép buộc. Và vì hiếu đạo làm con nên chàng đành chấp nhận. Cả hai đều không hạp tính tình, nên trong đời chàng chỉ có sách và rượu. Còn bây giờ? chàng đã hạnh phúc hay chưa? nghĩ đến đó làm tim nàng nhói đau. Nàng thở dài. Một cơn gió thổi qua làm rơi những hạt mưa trên lá xuống. Uyển Thanh kéo cao cổ áo lên, rùng mình. Gió thổi tạt vào làm ngọn đèn leo lét. Bội Nhi bước đến nói: - Tiểu thơ ơi, coi chừng giá lạnh đấy! cô vừa mới khỏi bệnh, phải biết quý trọng sức khỏe mình chứ? Và không chờ Uyển Thanh đồng ý, Nhi vội vã khép cửa lại. Uyển Thanh nhìn Bội Nhi, lắc đầu nói: - Em tốt với ta quá. Theo ta chỉ có khổ, nếu ở bên người khác không chừng đã khá hơn nhiều. Câu nói của Uyển Thanh là Bội Nhi mũi lòng. Nhi quay lại nhìn nàng với nụ cười, nói: - Thôi mà tiểu thơ, nói những lời đó để làm gì? Được theo hầu tiểu thơ là phúc của em. Tiểu thơ yên tâm, sau này tiểu thơ nhất định sẽ được hưởng một hạnh phúc thật sự! thật đấy! bây giờ cô hãy đi ngủ sớm đi. Hôm nay cô đã khước từ lời mời của thiếu gia họ Trương, Mẹ cô đã không mấy gì hài lòng. Còn ngày mai, Châu phủ mời cô đi dạo hồ, cô tính sao đây? - Mẹ đã nhận lời họ rồi sao? - Sao lại không? có bao giờ bà ta khước từ đâu? người ta vừa có tiền vừa có thế lực. Lần trước tiểu đồng của nhà họ Châu nói là... Ông ta nhất định sẽ tìm cách cưới cô về làm vợ thứ tư của ông ta đấy. Uyển Thanh buồn bực: - Hắn nào xứng với ta! - Vì vậy, em thấy tiểu thư nên đề phòng một chút. Ông nhà họ Châu này xài tiền không tiếc, mà bà của chúng ta chỉ biết có tiền. Bội Nhi nói đến đây còn ra dấu bằng cách vẽ cái vòng tròn hình tiền- Vì vậy em thấy nếu thật sự tiểu thư yêu Dịch công tử, tiểu thư nên giục cậu ấy phải hành động trước. Uyển Thanh đỏ mặt tránh: - Ồ, em lại nói năng lảm nhảm chi đây! đừng quấy rầy ta mà. - Nhưng em nói toàn là những đề nghị đứng đắn không, tiểu thư đừng bỏ qua cơ hội mà sau này hối tiếc không kịp. - Trời ơi, ta bảo em nói ít một chút có được không nào? Em biết gì chứ? Người như Dịch công tử kia, gia đình người ta là khoa bảng, lề lối nghiêm khắc, làm sao ta chen chân lọt vào được? Gia đình Dịch công tử gia giáo rất nghiêm. Mỗi lần công tử đến đây, đều là đến trộm chứ đâu cho nhà biết. Em thử nghĩ xem, chàng đã có vợ, với gia đình như vậy. Làm sao cho phép chàng cưới thêm ta? Thôi em đừng nói nữa. - Gia đình của Tiểu Thư ngày xưa cũng nào có thua gì ai chứ? tại vì hoàn cảnh nên mình mới nương tựa nơi đây. Ở đây tiểu thư vẫn còn trong sạch chứ nào giống như các cô nương khác mà tiểu thư lại lo ngại? - Em không hiểu đâu. Mắt Uyển Thanh ứa lệ, làm sao ai có thể hiểu cho đời nàng, lòng trăm mối ngổn ngang. Giờ gió lại càng to. Uyển Thanh ngồi đó lắng nghe tiếng mưa rơi lên khung cửa buồn buồn. Thanh không thấy buồn ngủ chút nào, nàng lại hỏi: - Bội Nhi em, Bội Nhi lập tức đến cạnh bên: - Dạ cô gọi em? - Hãy mài mực và lấy giấy ra dùm cho chị nhé. Bội Nhi thắc mắc: - Cô không ngủ mà lại viết gì nữa? Khuya rồi, mỗi lần cô làm thơ là mãi đến năm canh mới ngủ. - Nếu em thấy phiền thì cứ ngủ trước đi, ta không cần người bên cạnh phục vụ đâu. Đừng lằn nhằn như vậy được không? - Dạ, dạ, nào có gì đâu, chẳng qua vì em muốn bảo vệ sức khỏe của tiểu thư thôi. Khi xưa em có hứa với ông bà là mãi luôn bên cạnh hầu hạ tiểu thư, nếu tiểu thư không vừa lòng thì em sẽ không nói nữa, được không? Nói xong Bội Nhi vội vàng đi chuẩn bị giấy bút cho Thanh. Một xấp giấy hoa tiên được để ngay ngắn trên bàn, mực cũng được mài sẵn, có hai cây bút mềm gác hai bên. Thêm một ly trà nóng, thêm một tí hương trầm cho vào lò. Rồi Nhi đi lấy chiếc áo khoác mang đến cho Thanh, kính cẩn nói: - Tiểu thư, mặc thêm áo nầy vào rồi hãy làm thơ. Trời đang mưa to thế này là thời tiết sẽ lạnh đấy. Uyển Thanh đỡ lấy áo, nhìn Bội Nhi mà quên hẳn buồn bực. - Xin lỗi em, tại ta cảm thấy thật buồn. - Không sao đâu tiểu thư, em hiểu cô nhiều lắm. Tiểu thư làm thơ xong gắng đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe nhé. Uyển Thanh cười nói: - Rõ là muốn giận ngươi cũng không được! Phòng bây giờ hoàn toàn yên tĩnh, Uyển Thanh cầm bút nhìn giấy hoa trước mặt. Nghe tiếng gió thổi ngoài song từng đợt từng đợt qua. Tiết Thanh Minh đã sớm qua rồi. Đêm mưa tiễn xuân tàn, đặc biệt buồn thê lương. Nghĩ đến phận mình, ngày xưa cũng là một tiểu thư đài các như ai, ở quê nhà được cha mẹ thương yêu, có thầy đến tận nhà dạy học mọi thứ, nhưng rồi vì một cơn lửa loạn đã làm mất đi hai đấng sinh thành, cha mẹ đã mất nhà cửa tiêu tan, mồ côi một mình, tưởng lên thành này nương tựa được với người chú, không ngờ ông ta ác độc đem bán vào chốn phong trần, gặp người chủ chỉ biết có tiền là trên hết. Nơi này nàng chỉ cho tiếng đàn, lời thơ, lời hát. Nàng bán tiếng đàn để không làm bản thân dơ bẩn nhưng tiếng một cô gái nương thân nơi kỹ viện thì có ra chi. Không biết rồi tương lai mình sẽ về đâu. Nghĩ đến cảnh "Khi trước cửa ngựa xe thưa dần phai sắc hương làm vợ thương buôn" thôi mà lòng đã buồn bã. Bên ngoài tiếng mưa tiếp tục nặng hột, âm thanh đơn điệu buồn buồn. Uyển Thanh viết vừa xong một bài thơ thì nghe có tiếng ồn ào ngoài cửa phòng, rồi tiếng của bà chủ: - Uyển Thanh đâu? Con à, có Dịch công tử đến này! Dịch công tử! Tim nàng đập mạnh. Ta có nghe lầm chăng? Uyển Thanh lúng túng hẳn lên và cảm thấy sao hôm nay mình lại ngớ ngẩn thế này, lúc đó Bội Nhi đã chạy ra ngoài, Uyển Thanh nghe tiếng con bé vừa hớn hở vừa nũng nịu: - Ồ Dịch công tử, tôi tưởng là công tử không đến, tiểu thư của tôi đang buồn đấy! Dịch công tử! vậy đúng là chàng rồi. Uyển Thanh thở ra. Vừa mừng vừa lo. Cảm động mà đau khổ. Vịn vào bàn, Uyển Thanh đứng dậy nhìn ra cửa. Từ sau chiếc rèm kia, Dịch Thế Khiêm bước vào. Áo còn đọng những hạt mưa. Người chàng gần như ướt cả. Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh cười nói: - Vậy mà anh tưởng là em đã ngủ rồi! Uyển Thanh xúc động lặng lẽ nhìn chàng, muốn cười để đón mà cười không được, chỉ nói: - Chàng đã ướt cả rồi! - Cũng không ướt nhiều đâu. Có mang theo dù đấy chứ, nhưng mưa to gió lớn quá nên tạt ướt cả. - Thế còn người theo hầu? - Ta chỉ mang theo tiểu đồng Thịnh Nhi, mẹ em đã kiếm chỗ an vị cho nó rồi. Uyển Thanh gật đầu, nhưng vẫn còn lo lắng nhìn Thế Khiêm: - Thế còn... Mắt Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh như đang muốn đọc những tư tưởng trong đầu nàng, chàng nói: - Trừ khi em đuổi ta đi, còn nếu không ta có thể ở đây trò chuyện với em đến sáng... Uyển Thanh bồi hồi nhìn xuống. Bội Nhi mang trà và bốn món điểm tâm ra, Uyển Thanh dặn dò: - Em hãy xuống nhà bếp, bảo hâm nóng rượu, rồi kiếm thêm một vài món ngon. Dịch thiếu gia dầm mưa đến đây, cần phải uống để khử lạnh. Và quay sang nhìn lên nếp áo của Thế Khiêm, Thanh nói: - Chàng cũng nên thay chiếc áo này đi để Bội Nhi mang đi hong cho khô nhé. - Đúng vậy! Bội Nhi tiếp lời. Thế Khiêm cởi chiếc áo bên ngoài ra để Bội Nhi mang đi hong khô. Bây giờ trong phòng còn lại Khiêm và Thanh. Chàng nâng cằm Thanh lên, nhìn vào ánh mắt người yêu. Một lúc chàng châu mày nói: - Sao vậy? Hình như em càng ngày càng gầy đi! Uyển Thanh im lặng lắc đầu. Khiêm lại hỏi: - Mấy ngày nay em làm gì? Uyển Thanh tiếp tục lặng im. Khiêm đặt tay lên vai nàng, lại ngắm. - Sao thế? em như đang giận anh phải không? Uyển Thanh ơi, tại em không biết, anh đến đây đâu phải dễ dàng. Cha mẹ anh rất là nghiêm khắc, còn vợ anh thì cứ cãi vã với anh nhưng lại kiểm soát anh rất chặt chẽ. Tối nay canh phải nói dối với cha mẹ đến nhà Hầu Gia dự yến tiệc và sẽ ở qua đêm, vì vậy giờ anh mới có thể có mặt nơi đây. Uyển Thanh chỉ lắc đầu, mắt mờ lệ, khéo tay Khiêm xuống, nàng nói: - Đừng nói nữa, em biết cả rồi. Anh đến đây được là em vui rồi. - Vậy thì em còn giận gì anh nữa? - Người ta chỉ giận chàng là trong cơn mưa gió thế nầy, đến đây sao chẳng dùng kiệu, để ướt thế nầy rồi bệnh sao? Thế Khiêm nhìn khuôn mặt kiều diễm trước mặt lòng như mềm hẳn. Hôm nay Thanh đẹp lạ thường. Nàng mặc áo màu đỏ ngoài khoác thêm chiếc áo lông trắng viền lông thú trông thật tao nhã xinh đẹp. Khiêm không dằn được, ôm nàng vào lòng, chàng nói: - Đừng giận anh nữa, lỗi ở anh cả, đúng không? Anh chỉ mong rằng một ngày nào đó, em sẽ là người của anh, để chúng ta đêm ngày có nhau, để khỏi phải khổ vì nhớ thương.... Uyển Thanh nghe chàng nói mà buồn vô tận, chuyện sống bên nhau chắc mãi chỉ là trong mộng mà thôi. Thế Khiêm nhìn vào ánh mắt của người yêu, chàng đã nhìn thấy được cái buồn man mác ở nơi ấy, với giọng đầy đau khổ chàng tiếp: - Uyển Thanh, em tưởng anh những ngày qua anh vui sướng lắm ư? Kể từ cái hôm chèo thuyền trên Hồ Tây trông thấy em là trái tim anh như gởi sang em mất. Sáng đến chiều anh cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Ngày trước tay này là rượu tay này là sách. Bao nhiêu đấy là thỏa mãn lắm rồi. Còn bây giờ? Đọc sách cũng không hiểu, ngủ không đặng. Mà có lúc muốn say cũng chẳng muốn say. Sống mà đầu óc cứ để đâu đâu, phải nói là chưa bao giờ anh bị như vậy. Để anh đưa cho em xem một thứ, do ngủ không được mà ra. Thế Khiêm lấy trong người ra một cuộn giấy đưa cho Uyển Thanh. Nàng mở ra, thì ra đó là những bài thơ của chàng. Mộng gởi nơi nào? Nhớ gởi nơi đâu? Mộng khó mà nhớ cũng khó Cố quên mà chẳng được quên Hãy say đi hoặc là đi ngủ Nhưng say chẳng được Ngủ cũng chẳng thành Đành chịu, nào biết làm sao... Đọc đến đây, Uyển Thanh bất giác khóc nước mắt ướt cả giấy. Vì những câu trong bài thơ ấy câu nào cũng đúng là tâm sự của Uyển Thanh. Ngay lúc đó Bội Nhi đi vào, nhìn thấy Uyển Thanh khóc Nhi trách Khiêm: - Dịch thiếu gia làm sao vậy? Thiếu gia không đến cô em buồn nhớ, mong chờ người, vậy mà đến rồi thiếu gia lại chọc cho cô em khóc nữa. Uyển Thanh vội gạt nước mắt nhìn Bội Nhi: - Ai khóc bao giờ? Em thật đa sự quá, chẳng qua vì ta... Bội Nhi tiếp lời: - Ồ em biết rồi, chẳng qua vì một hạt bụi bay vào mắt phải không? Bội Nhi cười to, đặt các món ăn lên bàn, so đũa xong Nhi lui ra cửa và nói: - Em nghĩ là mọi người đều mong là em nên rút lui sớm, không cần có mặt ở đây nữa, vậy thì em xin lánh qua phòng bên cạnh. Khi nào cần gọi một tiếng, em mới sang. Uyển Thanh nhìn Bội Nhi với nụ cười dịu dàng. - Thôi em đi đi, muốn ngủ thì cứ đi ngủ, đừng có lải nhải mãi thế. - Dạ vâng ạ! Bội Nhi ra ngoài. Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh cười: - Em có con a đầu thông minh vô cùng. Ánh mắt Uyển Thanh chợt thật buồn: - Nhưng theo em nên thật vô phước. - Đừng có nói lời rầu rĩ như thế. Uyển Thanh này, sớm muộn gì rồi anh cũng cứu em ra khỏi cái chốn này. Uyển Thanh lắc đầu, miễn cưỡng cười nói: - Thôi được rồi, đừng có nói chuyện đó nữa, anh nên ăn chút đồ và uống vào ly rượu để khử lạnh đi nào. Thế Khiêm ngồi vào bàn. Uyển Thanh ân cần rót rượu cho chàng. Uống được vài ly, chàng lại ngắm nhìn người đẹp trước mặt. Cái đẹp cốt cách siêu phàm. Vậy mà quàng cảnh lạị... Bất giác Thế Khiêm nói: - Dịch Thế Khiêm này mà không cứu em ra khỏi nơi đây thì không phải là con người nữa. Uyển Thanh lắc đầu: - Chàng đã say rồi. - Anh nói thật mà Uyển Thanh, ngày mai anh sẽ thú thật với cha me, anh phải cưới được em. Em hãy hỏi mẹ em đi, cỡ bao nhiêu thì mới có thể chuộc em ra khỏi chốn này? Uyển Thanh nói với giọng đau khổ: - Quả thật anh đã say. Đừng có nói là cha anh không đồng ý mà cả vợ của anh cũng chẳng hài lòng đâu anh. Nếu anh muốn cưới thêm vợ thì họ sẵn sàng tìm cho anh một người con gái có gia cảnh hoàn toàn hơn em. Chớ họ không chấp nhận em đâu. Đó là chuyện hoàn toàn thuộc về tội lỗi, làm bại gia phong. Anh hiểu không anh? chắc chắn là anh hiểu mà. Đó là chưa nói em bây giờ đối với chủ nhân nơi này là cái kho vàng. Bà ấy không dễ dàng trao em cho ai mà không đòi hỏi cái gía thật cao. Vì vậy chuyện anh nói hoàn toàn chỉ là ảo tưởng, không thể thực hiện được. Điều Uyển Thanh nói là đúng. Nhưng mà trong khi yêu nhau tha thiết thì làm sao Thế Khiêm chấp nhận được sự thật phũ phàng đó? Thế Khiêm say đắm nhìn Thanh, nắm tay nàng, thành khẩn. - Uyển Thanh, nếu mà anh khắc phục được hết những khó khăn đó, em có chịu theo anh không? Em biết đấy, gia đình anh khá phức tạp, anh lại có vợ!... anh sẽ không thể cho em một chỗ chính danh mà em chỉ làm... chỉ làm nhỏ cho anh thôi, được không em? Uyển Thanh cúi đầu nói: - Chỉ sợ là ngay cả cái vị trí nhỏ đó, em cũng không có được. - Đừng có nói vậy! Với cái sắc đẹp của em, tài năng của em còn ai vượt hơn em nữa chứ? Em còn trong sạch và có tài sắc vượt trội hơn cả các trâm anh tiểu thư con nhà danh giá. Lấy cụ thể mà nói như vợ anh ở nhà, gia đình cô ta với gia đình anh môn đăng hộ đối, xuất thân từ chốn tư hương nhưng mà ngoài việc thêu thùa may vá nấu nướng ra, một chữ cô ấy cũng không biết, nói chi là đàn hát làm thơ phú? Anh và cô ấy cũng có lần cố gắng cận kề nhau nhưng kết cuộc rồi cũng chẳng bàn luận được gì với nhau cả. Vậy thì có gì là hạnh phúc chứ? Uyển Thanh, ngày xưa em cũng là một tiểu thư đài cát như ai và em tài giỏi hơn nhiều. Cái mà em thua kém là số mạnh oái oăm hiện nay. Rõ ràng là ông trời quá bất công. - Thôi! Uyển Thanh nhìn Khiêm rồi khóc. - Ở chốn phong trần này mà có được một tri ky? hiểu em như anh thì em thấy thỏa mãn rồi. Thế Khiêm nói: - Em còn chưa trả lời cho anh biết. Em có chịu theo anh không? Uyển Thanh cúi đầu nói. - Hẳn anh đã biết là.... chuyện Châu thiếu gia muốn chuộc em ra? Thế Khiêm nghe nói nhảy dựng lên: - Thế mẹ em đồng ý rồi à? - Chưa, nhưng mà mẹ đã đồng ý cho Châu thiếu gia kia đưa em dạo Tây Hồ ngày mai. - Em đừng có đi! Thế Khiêm nói mà bóp chặt tay Thanh làm Thanh đau nhói. Uyển Thanh buồn bã. - Em đâu có quyền không đi? - Khiêm nhắm mắt lại, buông tay Thanh ra, hai tay ôm lấy đầu buồn bã. Uyển Thanh đứng dậy đi vòng ra sau lưng Khiêm, đặt tay lên vai chàng. - Thôi kệ đi anh, mình đừng để chuyện này làm phiền chúng ta nữa. Hãy vui trọn đêm nay, anh hãy nhìn kìa, trời cũng sắp sang ngày rồi. Vâng, đêm xuân thường ngắn, thời gian trôi nhanh. Đã có tiếng gà gáy ở xa xa. Thế Khiêm đứng dậy, đi đến bàn viết của Thanh trông thấy tờ giấy hoa tiên. - Ồ, em viết gì thế? - Chẳng qua viết bậy bạ thôi anh ạ! Uyển Thanh đỏ mặt định chụp tờ giấy lại nhưng Khiêm đã nắm chặt trong tay, chàng lấy kê gần ngọn đèn, thấy một đoạn. Hoa nở rồi hoa tàn Mưa rơi buồn tê tái Đèn tàn mộng không đến Niềm riêng biết ai chia Tháng ngày thêm hốc hác Ca hát càng buồn thêm Vì ai mà nên khổ... Thế Khiêm đọc xong, quay lại nhìn Uyển Thanh, một phút xúc động chàng kéo ghế ngồi xuống nói: - Để anh viết tiếp. Và cầm bút lên, Khiêm viết vào phía dưới mấy câu: Gặp nhau đã thấy muộn Chỉ đứng lặng nhìn nhau Niềm đau trong tim lạnh Mai mốt sẽ không còn... Uyển Thanh đọc rồi nhìn Khiêm xúc động, mắt rưng rưng lệ! Nàng biết số đã định rồi nàng không thể xa chàng... thật không còn cách nào hơn. Nhưng cuộc tình này rồi sẽ ra sao? Gia đình chàng... nhất định là họ sẽ phản đối! Định mệnh lúc nào cũng thật khắc khe với nàng...

VietDoll

06-03-2004, 06:19 AM

Những cơn mưa mùa hạ đã đến đẩy mùa xuân qua đi. Đối với Uyển Thanh thì cái mùa xuân kia đã trôi qua thật nhanh, nhưng cũng chậm vô cùng. Bởi vì Thanh đã phải sống trong hạnh phúc và sầu muộn, trong hoan lạc với khổ đau. Những tình cảm đó luôn len lẫn với nhau. Chưa có lúc nào nàng phải sống với tình cảm chua cay ngọt đắng thế này. Ngày tháng trôi qua trong ánh đèn, tiếng đàn lời thơ. Ngày tháng cũng trôi qua trên chiếc ghế tựa cửa ngóng chờ, ngày đến rồi đi. Sáng sáng, chiều chiều, chờ đợi chàng đến! Mỗi khi chàng đến, Uyển Thanh thật vui nhưng cũng thật buồn. Chàng không đến, nàng lại thẫn thờ thương nhớ và đợi chờ. Thế còn tương lai? liệu chàng có cứu được nàng ra khỏi chốn dơ bẩn này không? cưới được nàng chăng? chuyện ấy thậtxa vời, phải chăng chỉ là ảo mộng? Buổi hoàng hôn hôm ấy, Uyển Thanh vẫn ngồi đợi chờ chàng như mọi hôm. Mưa bay lất phất bên ngoài. Hướng mắt về Tây Hồ xa xa. Sóng nước lăn tăn, sông núi mờ mịt. Bất giác Thanh nhớ đến một câu thơ. "Xuân sầu lặng lẽ đi Người say vẫn cứ say Mưa buồn rơi ước lối Hoa hạnh run rẩy buồn Rượu từng giọi rơi sầu Chẳng người bạn tri âm Đêm nay quên thêu áo Có ai tỏ chăng nào... " Lại một đêm trôi qua, Thế Khiêm vẫn không đến. Bảy ngày nay quả thật rất dài đối với Uyển Thanh. Thanh đã khước từ tất cả tiệc tùng, không đàn ca cho một ai thưởng thức, làm giận biết bao người, mẹ nuôi không vui chửi mắng nàng. Vậy mà, đợi chờ... chờ đợi rồi đợi chờ....chỉ có thế... Đôi lúc không khước từ được nàng phải ra đàn cho khách nghe, nhưng với một tâm trạng cực kỳ lo lắng, chỉ sợ chàng đến bất ngờ... nên vui cũng không dám vui. Một vài phút nấn ná với cây đàn rồi nàng cũng cáo từ vì lý do không được khỏe trong người. Vậy mà....tại sao chàng lại không đến? Trong tư tưởng nàng hiện lên bao nhiêu là ý nghĩ... Bữa nay chàng sẽ tới chăng? chàng đã tới rồi chăng? Biết đâu đang đứng ngoài cửa sắp vào? nhưng mà... nhưng mà... chẳng có động tịnh gì cả... mọi thứ thật quá yên lặng... chàng không đến... phải chăng chàng đã quên ta? đúng rồi dù ta có giữ mình thế nào đi nữa, sống nơi này ta đã mang tiếng là "gái thanh lâu" thì quên ta nào có chi là khó? vả lại con người được giáo dục căn bản như vậy, gia đình chàng nề nếp như thế thì làm sao yêu được ta? Không lẽ chàng chỉ xem ta là một đứa con gái để giải sầu muộn? một thú vui qua đường rồi hôm nay chàng đã quên? Không... không... không thể nào như vậy được. Thế Khiêm không thể là người như vậy, ta đã thấy tình cảm chàng cho ta là thật cơ mà? chàng đâu bạc bẽo như thế được? Khiêm cũng biết ta tình cảm với chàng như thế nào cơ mà? Chàng quên ta? Không bao giờ. Sẽ không bao giờ có chuyện đó. Chàng thật yêu ta... Bao nhiêu ý tưởng trong đầu quay cuồng làm Uyển Thanh mệt mỏi, buồn chán, hy vọng. Cuối cùng tất cả như quyện lấy nhau một cách mạnh mẽ khiến Uyển Thanh phải khóc thành tiếng... đến đi chàng, đến ngay đi! Thế Khiêm ơi, em van anh mà... Có tiếng lay động ở cửa. Uyển Thanh giật mình. Chàng đã đến rồi chăng? Quay lại rồi thất vọng! chỉ là Bội Nhi chứ nào phải Thế Khiêm. - Tiểu thư ơi... Bội Nhi bước vào với nụ cười - Dịch công tử... Uyển Thanh thấy tim mình đập mạnh hỏi nhanh: - Chàng đến rồi à? Sao em không mời chàng vào? Nhưng Bội Nhi lắc đầu: - Dạ không phải, Dịch công tử thì không có đến mà chỉ có tiểu đồng của người là Tịnh Nhi đến mà thôi, anh ta nói là thầy của anh ấy phái đến, nói cho cô biết là Dịch công tử không đến được, phải vài ngày nữa mới có thể ghé qua, hỏi cô khỏe không và khuyên cô nên bảo trọng. - Vậy à? Uyển Thanh thấy thất vọng nhưng cũng cảm thấy an ủi. Như vậy là chàng chưa quên nàng. Uyển Thanh hỏi - Sao Tịnh Nhi có còn ở ngoài đấy không em? Uyển Thanh biết Tịnh Nhi là người tâm phúc của Thế Khiêm, có thể tin được. Bội Nhi nói: - Dạ chưa, anh ấy còn đứng đợi ở dưới, đợi xem tiểu thư có nhắn gì không. - Vậy em hãy mời cậu ấy vào đây, chị có chuyện muốn hỏi. Bội Nhi lo lắng: - Cho anh ta vào đây à? Uyển Thanh như hiểu ý. - Thì gọi đến phía phòng khách cũng được. À mà mẹ ta có ở đó không? - Dạ không, người đã đi rồi, nghe nói là sang Ngâm Sương lầu ấy. - Vậy thì em cứ đưa Tịnh Nhi lên đây cho chị! Tịnh Nhi được đưa lên lầu, Uyển Thanh đã ra tiếp nó ngoài phòng khách. Đó là một tiểu đồng thông minh độ khoảng 16 tuổi. Mặt sáng sủa hiền hoà. Trông thấy Uyển Thanh nó gật đầu cung kính: - Dạ thiếu gia nhà con có lời hỏi thăm tiểu thư. Uyển Thanh lo lắng hỏi: - Thiếu gia em có khỏe không? Tịnh Nhi ấp úng: - Dạ khỏe... khỏe... nhưng mà... - Nhưng mà sao? Em hãy nói thật cho ta nghe không có gì phải dấu. Có phải là chàng đang gặp khó khăn ở nhà nên mấy bửa nay không đến được? - Dạ không phải... không... - Vậy thì chuyện gì? em cứ nói đi Tịnh Nhi. Bất kể điều gì cũng nên cho ta biết, đừng dấu. Cái hành vi ngập ngừng đó làm Uyển Thanh nghi ngờ. Cuối cùng Tịnh Nhi đã nói: - Chuyện là thế này... Mấy hôm qua ở nhà công tử không được yên ổn. - Nghĩa là sao? - Giữa thiếu gia với lão gia, lão thái thái có chuyện tranh luận không vui, mà giữa thiếu gia và phu nhân cũng có chuyện cãi nhau nữa. Uyển Thanh lo lắng hỏi dồn: - Chuyện gì vậy? chuyện gì đã xảy ra, em hãy nói nhanh đi. Tịnh Nhi cúi đầu: - Dạ nô tài không dám nói. - Em cứ nói đừng lo gì cả. Uyển Thanh nài nỉ! - Nguyên do là sao? phải vì ta chăng? Tịnh Nhi ấp úng - Vâng, đúng vậy tiểu thư ạ! Uyển Thanh buồn buồn: - Lão gia của em làm gì biết được chuyện này? mỗi khi đến đây hoặc ra về thiếu gia em kín đáo lắm mà? Tịnh Nhi đáp: - Chuyện của tiểu thư với thiếu gia, lão gia đã biết từ lâu nhưng lần cãi nhau này, không phải là chuyện thiếu gia đến đây. Lão gia bảo thiếu gia đến đây chơi giải trí thì không sao... Đằng này tại vì... tại vì... Thiếu gia đòi phải cưới cho được tiểu thư về nhà nên lão gia... - Lão gia không đồng ý phải không? - Vâng, lão gia nói... - Nói sao? - Người nói là... nói là... thiếu gia có muốn cưới thêm vợ nhỏ thì không sao... cứ chọn ra một người đàng hoàng, lão gia sẽ cho người đến hỏi hoặc cứ chọn trong đám a đầu, chứ không bao giờ... không thể nào... - Ta hiểu rồi. Rồi thiếu gia của em nói sao? - Thiếu gia và lão gia cãi nhau một trận quá chừng, thiếu gia nói cô nương tuy là người ở đây nhưng vẫn trong sạch như bao nhiêu tiểu thư đài cát khác. Văn thơ, âm nhạc, lễ nghĩa tiểu thư đều biết hơn cả các cô gái nhà lành. Lão gia bảo đàn bà mà biết nhiều quá thì sẽ hay lý sự, biết càng ít thì càng tốt. Lão gia còn nói....nói là... cưới cô... sẽ làm bại hoại gia phong. Uyển Thanh cắn môi. - Rõ ta đoán thật không sai. Còn vợ của chàng thế nào? - Phu nhân quyết liệt không chịu. Phu nhân nói cha của bà ta là Du lâm học sĩ, bà ta là tiểu thư của một đại gia. Bây giờ nếu thiếu gia rước gái thanh lâu về sẽ làm nhơ bà ta. Phu nhân có thể chấp nhận một con a đầu làm nhỏ chứ không bao giờ muốn chung nhà với gái thanh lâu. Nếu thiếu gia cương quyết rước tiểu thư về thì bà ta sẽ dọn về nhà của cha ruột ngay lập tức. Uyển Thanh quay mặt nhìn ra cửa, yên lặng ngồi bất động thật lâu. Trong phòng hoàn toàn yên lặng. Tịnh Nhi và Bội Nhi đứng đó, chẳng ai dám lên tiếng. Thời gian cứ thế trôi qua. Rồi cuối cùng Uyển Thanh cũng trở về với thực tại. Sắc mặt nhợt nhạt, nàng nhìn Tịnh Nhi hỏi: - Mấy ngày nay, hẳn thiếu gia của em buồn lắm phải không? - Vâng, người không ngủ được, cứ thở vắn thở dài, rồi lại uống rượu, rồi lo lắng cho cô nên bảo tôi đến đây. Uyển Thanh suy nghĩ một lúc rồi quyết định. - Tịnh Nhi, em hãy về nói lại với thiếu gia là ta cảm ơn lời thăm hỏi của chàng. Nói với chàng đừng vì ta mà cãi nhau với vợ con, cha me, vậy thật là bất hiếu lắm. Hãy nói với chàng ta biết lão gia sẽ không bao giờ đồng ý nhận ta huống chi là vợ của chàng. Người đâu có đời nào chấp nhận ta. Ta cũng biết với hoàn cảnh hiện tại ta nào có xứng với gia cảnh của chàng....vì vậy em hãy về nói với thiếu gia, chuyện giữa ta với chàng coi như chấm dứt từ đây. Nói xong Uyển Thanh đứng dậy, đi vào phòng, vừa đi vừa nói: - Tịnh Nhi, em hãy đợi ta một tí nhé. Ta sẽ viết ít chữ cho chàng. Và Uyển Thanh vào trong, lấy giấy bút ra viết: Mưa giá chận mùa xuân Khói mây hoàng hôn tận Đứng đây lòng đau nhói Tựa cửa để chờ ai Lòng buồn cùng ai tỏ Cô đơn chỉ một mình. o0o Chốn phong trần ai bảo Đến đi chẳng tự mình Bướm ong rồi đến mãi Buồn nhớ ngồi thâu đêm Gởi đây lời nhắn nhủ Tình cũ đã tàn phai. Xếp mảnh giấy lại giao cho Tịnh Nhi, rồi bảo nó mang về ngay. Tịnh Nhi thấy sắc mặt Uyển Thanh không vui nên không dám hỏi thêm gì, vội vã cáo từ. Khi Tịnh Nhi đi rồi, Uyển Thanh mới khép cửa lại dặn dò Bội Nhi là tối nay không tiếp một ai. Suốt đêm nàng giam mình trong phòng. Không ăn uống gì, không nói năng với ai. Chỉ lặng lẽ ngồi nhìn ra cửa. Bội Nhi lo lắng van nài: - Tiểu thư ơi, tiểu thư làm sao vậy? nếu buồn, đau khổ thì tiểu thư cứ khóc, chứ đừng ngồi như thế này thì sẽ bệnh mất. Em biết tính làm sao? Nhưng Uyển Thanh vẫn lặng lẽ ngồi đó, không khóc mà cũng không động đậy, nàng như đã biến thành gỗ đá. Bà mẹ nuôi cũng vào xem mấy lượt, khuyên nhủ nhưng nàng vẫn ngồi yên bất động. Không khuyên được gì bà ta bỏ ra ngoài nhưng dặn Bội Nhi đừng để cho Uyển Thanh buồn quá rồi làm liều. Nhưng Uyển Thanh nào có ý tự sát! nàng chỉ đau buồn đến độ muốn biến thành gỗ đá vô tri. Và như thế đến nửa đêm. Bội Nhi dùng hết lời lẽ thiệt hơn khuyên nhủ nhưng Uyển Thanh vẫn không nói năng gì. Trong lúc hết cách thì dưới lầu có tiếng gõ cửa dồn dập, rồi tiếng mở cửa, tiếng chân người chạy vào, có người kêu: - Ồ, Dịch công tử, tại sao khuya khoắc thế này lại đến? Uyển Thanh nghe thấy giật mình. Nhìn thẳng ra cửa. Bội Nhi mừng ra mặt như gặp được cứu tinh, miệng cô nhỏ líu lo: - Thiếu gia, rốt cuộc rồi cũng đến! Vào nhanh, vào nhanh cứu tiểu thư đi! Thiếu gia không đến chắc cô tôi chết mất. Thế Khiêm xồng xộc bước vào, đẩy cả Bội Nhi qua một bên. Người chàng đầy mùi rượu, quần áo xốc xếch. Chàng xông thẳng đến trước mặt Uyển Thanh, đặt mạnh lá thơ xuống bàn, lớn tiếng: - Đây là cái gì? phải của em viết không? Uyển Thanh, em hãy nói đi! Em là cái đồ vô lương tâm!! Em phải biết là vì em tôi phải cãi vã với cha mẹ muốn bể nhà. Vậy mà em còn có thể nói một cách nhẹ nhàng "gởi đây lời nhắn nhủ, tình cũ đã tàn phai!" được sao? như vậy là hết rồi à? Sao lại dễ dàng như thế được? Em muốn tuyệt tình với tôi? phải vì gã họ Châu kia muốn cưới em phải không? Con người em thật đúng là bội bạc. Hãy nói đi! nói đi! Gần suốt đêm, Uyển Thanh đã ngồi đó với bao nỗi đắng cay buồn tủi. Bây giờ lại bị người mình yêu mắng chửi, tủi nhục. Cái ấm ức trong lòng bịt kín, bỗng chốc như như bị khơi ra. Uyển Thanh đứng bật dậy, mặt tái ngắt, định nói cái gì đó nhưng chưa kịp thì thân thể đã bị ngã nhào... Bội Nhi thấy vậy hét lên, chạy tới đỡ nàng: - Cô ơi cô! Cô ơi! Thế Khiêm nghe Bội Nhi nói giật mình. Tỉnh hẳn rượu, vội cúi xống đẩy Bội Nhi qua và đỡ Uyển Thanh lên giường. Bội Nhi vừa khóc vừa nói: - Cô tôi đã khổ nhiều rồi, tôi nghĩ gặp được thiếu gia sau này sẽ hạnh phúc hơn, không ngờ thiếu gia lại mang dến cho cô tôi thêm nhiều đau khổ. Thế Khiêm ôm Uyển Thanh vào lòng hét: - Đem nước gừng đến đây! ngươi còn ngồi lảm nhảm đó sao không mang nước gừng đến đây ngay chứ? nhanh lên! Bội Nhi nghe nhắc, giật mình vội vàng chạy ra ngoài. Chẳng mấy chốc dưỡng mẫu của Uyển Thanh và các người sống trong thanh lâu cũng vội đến. Không khí hỗn loạn. Nước gừng đã mang đến, rồi quạt....thật lâu Uyển Thanh mới tỉnh. Vừa mở mắt ra nhìn thấy Thế Khiêm, nàng "oà" thành tiếng rồi nức nở khóc. Uyển Thanh đã khóc được làm mọi người yên tâm. Mẹ nuôi giận dữ hết nhìn Thế Khiêm rồi nhìn Uyển Thanh: - Thôi được rồi... Dịch công tử. Chuyện này do cậu gây ra thì tự dàn xếp đi. Nói xong tất cả bỏ ra ngoài. Uyển Thanh vẫn khóc mùi mẫn. Thế Khiêm thì ngồi bên mép giường đau khổ nhìn Uyển Thanh, lòng chàng thấy hối hận vô cùng. Chàng không biết phải làm sao, nói gì để xoa dịu nỗi buồn của người yêu. Nhưng cuối cùng rồi Thế Khiêm cũng lên tiếng: - Hãy tha thứ cho anh, Uyển Thanh. Ở nhà bị mọi người làm căng thẳng quá, rồi anh lại vì uống rượu nên không tự chủ được mình, anh không biết đã nói gì. Anh chỉ không chịu nổi khi đọc mấy lời thơ chia tay của em. Hãy tha thứ cho anh. Tha cho anh nhé Uyển Thanh. Uyển Thanh nhìn Khiêm rồi lại khóc. - Thế Khiêm! Thế Khiêm ơi! em phải làm sao đây? chúng ta phải thế nào? làm sao bây giờ? Thế là hai người lại cùng nhau rơi lệ, cùng nhau đau khổ nhưng lại không thể nào xa nhau. Còn bên nhà họ Dịch thì sao? suốt cả mùa hè, trong phủ cứ căng thẳng với những tranh luận, mắng chửi, cãi nhau. Hạnh phúc êm ả như bị biến mất. Thế Khiêm tuy là con một, được cha mẹ cưng chiều, nhưng thương là thương chứ gia pháp rất nghiêm khắc. Trong mắt của những người già cái gì đã gọi là khuôn phép, là của tổ tiên truyền lại thì không có quyền thay đổi. Nhất là vấn đề gia phong.

VietDoll

06-03-2004, 06:20 AM

Mặc dù lúc bấy giờ chung quanh có biết bao nhà sang giàu đã xem chuyện cưới ca kỹ làm vợ là chuyện bình thường nhưng ở Dịch gia thì không vậy. Dịch lão gia nói: - Nhà ta từ đời này qua đời kia, không có chuyện cưới gái ở chốn thanh lâu về làm vợ! Cái loại đó mà bước vào nhà là nề nếp bị xáo trộn ngày rồi lại sinh bất hoà, chưa nói đến miệng đời chế diễu, sẽ làm bại hoại gia phong. Yêu cái hạng đó là mang cái bất hạnh vào nhà. Tuyệt đối ta không chấp thuận! Vạn lần không chấp thuận! không hoà hợp với vợ thì cứ chọn ra con a đầu nào đó cưới làm nhỏ ta nào có cản, còn cái thứ đó nhất định không được vào nhà! Ý nguyện không thành, Thế Khiêm chỉ còn biết uống rượu quên đời. Đây là lần thứ hai Thế Khiêm cãi vã với cha. Lần thứ nhất là mấy năm về trước. Khi cha chàng muốn chàng tham gia khoa cử. Ông mong có được đứa con đỗ trạng nguyên làm quan để rực rỡ gia phong. Khôâng ngờ Thế Khiêm tuy thích văn thơ, nhưng lại không hề thích loại văn cổ cùng những buộc ràng niêm luật cứng ngắt của nó. Vả lại với bản tính phóng khoáng không thích lễ nghi phiền phức thì làm sao làm quan? Vì vậy tuy cha giận, mẹ hết lòng khuyên, vợ cũng nài nỉ, nhưng Thế Khiêm vẫn không ghi danh ứng thi. Chàng giữ vững lập trường, nói: - Cha mẹ già chỉ có một mình con, thì tại sao lại bắt con phải rời bỏ quê nhà đi ứng thi? Có đậu con cũng không làm quan, mà rớt thì ê mặt xóm làng. Sao lại phải khổ như vậy? Sau cùng, khuyên mãi không được, Cha mẹ chàng đành chịu thua. Nhưng mỗi lần nghĩ đến là lão gia cằn nhằn. Chuyện đó còn chưa êm thì nay lại nẩy sinh ra Uyển Thanh. Vợ chàng thì giận chàng sao lại chẳng thích công danh và nay lại yêu cả gái thanh lâu nên lời vô tiếng ra vì vậy làm lão gia càng tức giận phản đối kịch liệt. - Trời ơi trời! sao người đã ban cho con một đứa con trai như thế này? Đã không có đầu óc cầu tiến, lại còn ham mê tửu sắc, mê cái thứ mèo mả gà đồng. Như vậy thì chỉ cần mấy đời nữa thôi là nhà này suy sụp. Giòng họ này suy tàn mất. Ta chết cũng không nhắm mắt! Nghe những lời đó, Thế Khiêm càng đau khổ hơn. Vì chuyện của chàng với Uyển Thanh coi như tan thành bọt nước. Nhớ lại hình ảnh Uyển Thanh suốt ngày gần như nước mắt với nước mắt, cái dáng dấp tiều tụy, làm sao chàng có thể xa nàng được bây giờ? tuy chàng đã có vợ nhưng chưa bao giờ được có tình yêu. Từ khi gặp Uyển Thanh chàng mới biết tình yêu là gì, sao mới gọi là đau khổ vì tình yêu. Thế Khiêm thấy thật bất lực chẳng biết làm gì để giúp Uyển Thanh. Từ lúc yêu Thanh cho đến nay vẫn chưa giúp được nàng ra khỏi chốn thanh lâu. Mỗi lần nhìn thấy Uyển Thanh đàn hát cho bao người nghe, giả vờ cười nói cùng họ, chàng nghe tim mình nhói đau. Yêu nhau lắm cắn nhau đau. Thế Khiêm ghen tức, nhưng rồi nghĩ lại thấy mình khờ khạo, tội lỗi. Không cứu được người yêu mà còn ghen tức hành hạ nàng. Cái đau kia cứ dày vò Khiêm mãi. Khi hai người gặp nhau, lặng nhìn nhau qua nước mắt, khi không gặp lại nhớ vô cùng. Uyển Thanh thường rơi lệ nói với chàng: - Nếu biết thế này, ta gặp nhau mà chi? Và như thế, mùa hè trôi qua, mùa Thu lặng lẽ đến. Ông họ Châu sang giàu bắt đầu tấn công Uyển Thanh tới tấp. Hắn đến thăm Uyển Thanh thường xuyên, lại chánh thức bàn tính với mẹ nuôi của nàng về số tiền chuộc nàng về với hắn. Lúc đầu mẹ Thanh vẫn còn nghĩ ngợi không chịu vì Thanh quá nổi tiếng về tài đàn hát thơ họa, vì thế đã mang đến thậảt nhiều khách cho bà. Nhưng càng lúc càng thấy Thanh bắt đầu khó dạy, nhất là lúc gặp Thế Khiêm nàng đã một mực không ra tiép đãi một ai ngoài Thế Khiêm, khiến khách đến chơi càng ngày càng ít. Mẹ Thanh quyết định nếu thấy được giá bà sẽ cho chuộc Uyển Thanh đi cho rồi. Gởi một số tiền lớn mua đứa con gái khác về thay thế Uyển Thanh. Tuy Uyển Thanh có tài nhưng vẫn không buông thả bản thân nàng vì vậy có đứa con gái khác thì có lẽ tốt hơn. Ai muốn Thanh thì chẳng thành vấn đề với bà, bà ta chỉ cần tiền, càng nhiều càng tốt. Nhưng Thế Khiêm thì... bao nhiêu tiền tài của cải nằm trong tay của cha chàng, chứ chàng nào có bao nhiêu. Chắc chắn là không hy vọng chuộc được Uyển Thanh. Gã họ Châu khi lại có tiền nên đã tính toán với mẹ nuôi của nàng. Tối hôm ấy, Bội Nhi hấp tấp đi vào phòng Uyển Thanh, Nhi lo lắng nên tiết lộ: - Tiểu thư, chuyện không hay rồi, mẹ nuôi đã ra giá cho ông Châu, nghe nói là một ngàn lượng bạc để chuộc cô đấy. Uyển Thanh giật mình: - Một ngàn lượng à? rồi gã họ Châu kia nói sao? - Ông ấy nói tuy cô tài giỏi nhưng một ngàn lượng thì thật mắc... nhưng cũng được! vì số tiền quá lớn nên phải cho ông ta vài ngày ông ta sẽ mang đủ số tiền đến và mẹ nuôi nói là bao giờ có đủ số tiền là ông ấy có thể mang cô đi! - Trời ơi! Uyển Thanh tái mặt, ngã người xuống ghế, mắt nhòa lệ, nàng lẩm bẩm - Sao mẹ nuôi lại nhẫn tâm như thế hởi em? bao nhiêu năm qua chị đã mang lại cho bà ta biết bao nhiêu là tiền, vậy mà bây giờ bà lại nỡ bán ta... - Tiểu thư ơi! đời cô đã bị bán vào chốn này rồi thì cuối cùng ai cũng phải đi đến cảnh trạng đó thôi. Bội Nhi vừa khóc vừa nói tiếp - Sao cô chẳng tìm Dịch công tử thương lượng xem sao? Uyển Thanh lắc đầu: - Số tiền quá lớn, Anh ấy chẳng có cách nào đâu em, anh ấy không làm gì được đâu, nói ra thì chỉ làm anh ta thêm đau khổ. - Nhưng chỉ cần cậu ấy lấy ra một ngàn lạng bạc để chuộc cô ra là xong! Còn cái chuyện mình có được vào nhà họ Dịch hay không thì không thành vấn đề. Ra khỏi nơi này rồi chúng ta sẽ cùng nhau tìm cách sinh sống! Chúng ta sẽ mướn căn nhà nhỏ trong thành để nương náu, buôn bán lặt vặt sống qua ngày. Nghe Bội Nhi nói thế, Uyển Thanh càng buồn thêm, nàng nhìn Bội Nhi và lại khóc. - Chị cũng mong có một ngày có được tự do, dù cuộc sống có khổ đến đâu chị cũng cam lòng, nhưng em ơi! Em suy nghĩ thật đơn giản quá. Thế Khiêm làm sao có tới một ngàn lượng? Nếu có thì anh ấy đã không để cho chị em ta sống ở đây mãi cho đến bây giờ! Chị và anh ấy đã bàn tính nhiều lần, nhưng Thế Khiêm chỉ là con trong nhà chứ nào phải chủ nên anh ấy không làm sao... Bội Nhi thút thít khóc: - Vậy mình phải tính sao đây tiểu thư? Không lẽ cô để mình phải vào sống với gã họ Châu đó ư? Ông ta đã già và có cả chục thê thiếp, sống ở đó tiểu thư chắc sẽ khổ hơn ngàn lần ở đây! - Có chết chị cũng không sống với gã đâu em. Uyển Thanh chảy nước mắt - Mà chết còn sướng hơn, phải không em? Nhìn gương mặt tiều tụy của Uyển Thanh, dáng dấp xanh xao với những dòng nước mắt cứ theo nhau chảy ra mãi. Cuộc đời của cô chủ sao lại cứ mãi khổ đau thế này? Trong khoảnh khắc Thanh đã mất cả cha lẫn mẹ, tìm đến người thân lại bị chối từ còn nỡ mang nàng đi bán vào chốn thanh lâu, Thanh đã cố yên phận sống với tài đàn hát, gặp được Thế Khiêm tưởng hạnh phúc sẽ đến, nào ngờ đau khổ triền miên... Cô chủ của Bội Nhi có thể tiếp tục sống được không? Bội Nhi lo lắng liền an ủi: - Cô đừng nghĩ như vậy cô ạ! Em nghĩ rồi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp! không lẽ ông trời cứ bắt mình sống kiếp khổ sở như thế này hoài sao? em tin là trời cao có mắt, nhất định cô sẽ được hạnh phúc về sau. Hãy tin em, tiểu thư! Thật vậy, ở đời có nhiều sự việc, đến lúc tận cùng lại có cái bất ngờ làm thay đổi tất cả. Và trong lúc Uyển Thanh hoàn toàn tuyệt vọng thì Thế Khiêm lại đến. Chàng nắm lấy tay Uyển Thanh, buồn vui lẫn lộn nói: - Uyển Thanh, cuối cùng rồi ta cũng có cơ hội đoàn tụ em ạ! Uyển Thanh ngạc nhiên. - Anh nói sao? Cha mẹ và vợ anh đã đồng ý rồi à? - Không hoàn toàn như vậy, nhưng họ đưa ra một điều kiện đấy là bao giờ anh hoàn toàn thành một sự việc thì sẽ cho em vào nhà anh. - Việc đó là việc gì? - Anh phải lên kinh ứng thi, nếu đậu sẽ được nạp em làm thiếp, còn nếu không là sẽ không có em. - Anh nói là phải thi đậu rồi mới được ư? - Không phải là thi đậu, mà phải đậu tiến sĩ cơ. - Ồ... nhưng em biết anh nào giờ đâu thích làm quan. - Phải, nhưng vì em anh sẽ làm tất cả! - Chuyện này không đơn giản đâu anh. Mãi sang năm mới là ngày thi cơ mà. - Đúng rồi. Tháng tám sang năm. Anh còn phải có thời gian chuẩn bị! - Anh có tin chắc là mình sẽ đậu không anh? - Chuyện thi cử làm sao ai dám nói chắc? Thế Khiêm vừa nói vừa thở ra, nhưng rồi chàng quay lại nhìn vào ánh mắt nàng, nắm lấy tay người yêu chàng nói: - Vì em, anh phải đi thi! Mong rằng định mệnh sẽ giúp cho anh. Em hãy ráng chờ anh thêm hai năm nữa. Khi nào thi đậu, chúng ta sẽ không còn bị chia ly nữa, còn nếu thất bại thì em đừng chờ thêm, được không em? Nhìn vào cái ánh mắt mong mỏi của người yêu, Uyển Thanh rơi nước mắt. - Điều kiện gia đình cho ra thật quá khắt khe, có nhiều người bỏ cả đời ra mà nào có đậu được cử nhân đâu chứ đừng nói đến tiến sĩ. - Anh sẽ cố hết sức mình, Thanh ơi, hãy tin anh! anh có linh cảm là, rồi anh sẽ đậu em à! - Thật không anh? - Thật! Uyển Thanh thở dài, tựa đầu vào người yêu, nàng không hiểu là lòng mình đang buồn hay vui. Nàng chỉ cảm thấy mệt mỏi. Với tương lai, Uyển Thanh chẳng lạc quan như Thế Khiêm được, đừng nói chuyện thi đỗ hoặc không thi đỗ, ngay khi đỗ rồi chưa hẳn là gia đình chàng sẽ giữ lời hứa. Có khi đó chỉ là cái kế hoãn binh. Vả lại, nếu cho là mọi việc đều xuông sẻ, Thế Khiêm đã thi đậu, gia đình đồng ý nhưng chàng sẽ thay đổi không? hai năm có biết bao nhiêu điều thay đổi. Cái gã họ Châu kia nào để cho nàng sống yên nơi này? Càng nghĩ Uyển Thanh càng thất vọng thấy rằng hy vọng của Thế Khiêm và của nàng thật quá mong manh, càng buồn và không nhịn nổi, Uyển Thanh thở dài và nói thật nhỏ: - Thế Khiêm, có đợi anh bao lâu em cũng sãn sàng, nhưng điều cần thiết trước tiên là mình phải làm sao ra khỏi chốn này, ở đây em sẽ không được yên vì gã họ Châu kia đã chuẩn bị một ngàn lạng bạc chuộc em rồi anh ạ! - Một ngàn lượng bạc? Thế mẹ em đã đồng ý chưa? - Vâng, chính bà ta đã ra giá! Thế Khiêm lặng người, cắn môi, thật lâu chẳng nói năng gì. Uyển Thanh ngước lên nhìn chàng, khẽ hỏi: - Anh Thế Khiêm? - Thế Khiêm đẩy Uyển Thanh qua một bên, bước nhanh ra cửa. Thanh giật mình liền hỏi: - Anh đi đâu đó? Khiêm không quay lại, vừa đi vừa nói: - Đi kiếm một ngàn lạng bạc chứ gì. Gia đình đã ra điều kiện, thì phải bảo đảm là trong cái thời gian anh lên kinh ứng thi, em sẽ còn là của anh chứ không rơi vào tay của kẻ khác. Anh phải chuộc em ra, cho em có cuộc sống an định, rồi anh mới yên tâm mà đi ứng thi. Bằng không thì mọi thứ đều là vô nghĩa. Nói xong Thế Khiêm vội bước thẳng ra ngoài. Uyển Thanh nhìn theo vô cùng xúc động. Nàng đứng nhìn theo mà lệ tuôn dài. Bội Nhi cũng đứng kế bên cô chủ, gật gù nói: - Như vậy mới là người thành tâm thành ý chứ! Em biết là sớm muộn gì công tử cũng tìm ra giải pháp. - Nhưng chị thật không biết là gia đình chàng có đồng ý bỏ số tiền lớn như vậy không. - Chắc chắn là có mà! Dịch lão gia đã có ý muốn công tử phải có công danh, thì chắc chắn là người sẽ sẵn sàng đồng ý để công tử yên tâm học hành. - Chị lại không dám nghĩ thế, vã lại thật tội cho chàng, cũng vì chị mà chàng phải tranh đua... - Tiểu thư đừng nên suy nghĩ nhiều rồi sẽ bệnh thêm, hãy tin em... Mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp! Tối hôm đó Thế Khiêm trở lại với đôi mắt thật buồn. Vừa ngồi xuống chàng đã thở trước thở sau... Uyển Thanh nhìn người yêu với thái độ lo âu và tuyệt vọng, nàng cũng thật khổ đau nhưng gắng nở nụ cười, đến bên cạnh chàng an ủi: - Nếu chuyện không thành thì dành chịu anh à, em sẽ cố gắng thuyết phục mẹ, để kéo dài hai năm, sau đó rồi tính. Thế Khiêm lắc đầu: - Em đã biết rõ là không thể kéo dài được mà! Trong khi cha anh lại có trái tim bằng sắt anh đã thuyết phục mọi cách mà người vẫn không lay chuyển. À mà này, có thể nói mẹ em bớt chút :Dnh được không? - Anh nói sao? - Mẹ anh thấy anh khổ sở nên mẹ lấy tiền tiết kiệm của mẹ trao cho anh, nhưng đó chỉ có năm trăm lượng thôi. - Năm trăm lượng à? Uyển Thanh ngồi lặng nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng nàng quay sang Bội Nhi hỏi- Từ trước tới giờ mình đã để dành được bao nhiêu rồi em? - Dạ khoảng hai trăm lạng. - Thế còn nữ trang? Em hãy đem hết số nữ trang đáng giá ra đây, nhớ gom cả những món đồ quý của gia đình chị còn sót lại, gom hết đưa cho Dịch công tử xem. - Vâng ạ! Uyển Thanh quay qua nói với Thế Khiêm: - Em nghĩ với số nữ trang và những món đồ em đã cố gắng gìn giữ bao năm cũng có được một số tiền không nhỏ, anh hãy lựa một người nào tin cậy nhờ họ đổi ra tiền mặt. Nếu gom hết mà chưa đủ ngàn lạng thì anh đến nhờ Hầu công tử thử xem, trước kia cũng nhờ công tử ấy mà mình quen nhau. Nói với ông ấy nếu chuyện thành công, em sẽ nhớ ơn ông ta suốt đời. Thế Khiêm nhìn người yêu lòng vô cùng cảm động, không nói được lời nào. - Sao Thế Khiêm? anh đã nghe rõ chưa? Đừng hy vọng mẹ em sẽ giảm giá. ANh cũng biết bà ta chỉ có tiền là trên hết. Anh nghe gì không? sao lại ngồi im như thế? - Uyển Thanh! Thế Khiêm ôm nàng vào lòng. - Anh không ngờ anh lại có phúc đến như vậy, được gặp em! Anh rõ là con người vô dụng kém tài. Hôm nay vì một chút này mà em phải bán sạch cả gia tài, vốn liếng của em. Anh làm sao nỡ lòng để em làm vậy? Anh làm sao có thể làm vậy! - Bây giờ không phải lúc nói những chuyện đó anh ạ! Uyển Thanh nghẹn giọng nói - Bởi vì... dầu gì em cũng sẽ là của anh. Sau này chúng ta được bên nhau, cái đó còn qúy hơn gấp vạn lần số nữ trang này. Bao giờ anh thành công, lúc đó anh sắm lại cho em mấy hồi. Chỉ sợ là khi đó anh đã quên Uyển Thanh... Thế Khiêm nghe nói xúc động, chàng nhặt chiếc trâm đặt trên bàn bẻ đôi, nói: - Tôi là Dịch Thế Khiêm, nếu có ngày nào mà quên ân tình, phụ nghĩa với Dương Uyển Thanh thì xin được như cây trâm này, chết không toàụn thây! Uyển Thanh vội vã bịt miệng Thế Khiêm. - Anh không cần phải thề độc như vậy! Đã yêu anh thì sao em lại không tin anh. Thôi anh hãy đi lo việc cho xong đi anh, ráng tìm đủ số tiền để em được ra khỏi chốn này, chúng ta còn phải mướn một căn nhà nhỏ mướn cho em ở, để em còn có chỗ ẩn cư nhé. - Những điều đó thì em khỏi phải lo. Chỉ sợ là trong hai năm tới, em sẽ phải gánh chịu không ít cực khổ, bởi vì khả năng anh không đủ tìm cho em một căn nhà tốt... Uyển Thanh nhìn chàng với ánh mắt tràng đầy yêu thương. - Em không sợ cực khổ anh ạ! Em muốn có cực trước sướng sau, vậy mới phải nghĩa anh à. Chỉ mong là... Nói đến đây nàng nghẹn lời, nhưng lại gạt ngang. - Được rồi, anh hãy gắng lo thi cử, nhưng bão trọng sức khỏe là trên hết nhé... ngoài ra... lúc nào cũng phải nhớ là có em nhé, mãi ủng hộ chàng. - Anh không bao giờ quên em đâu, Uyển Thanh! sẽ không bao giờ phụ em! Em hãy vững lòng tin, anh sẽ gắng học và nhất định anh sẽ thi đậu!! Bội Nhi mang nữ trang và những món đồ quý của gia đình Thanh còn xót lại. Uyển Thanh đã hết sức giữ gìn vì nàng lúc nào cũng xem đó là những món quý nhất trong đời nàng. Giờ phải mang đi bán để đổi lấy hạnh phúc sau này. Bội Nhi nhìn những món ấy rồi quay sang nhìn cảnh hai người ôm nhau mà không dằn được nước mắt, nhìn ra khung cửa Bội Nhi khấn thầm: - Xin ông trời phụ hộ cho tiểu thư tôi và Dịch công tử mãi mãi bên nhau!

VietDoll

06-06-2004, 08:18 AM

Nơi đây là một đường hẻm nhỏ trong thành phố Hàng Châu.

Nhà cửa ở đây phần lớn đều nhỏ nhắn với kiến trúc đơn giản, là một xóm nhỏ của những dân cư nghèo.

Người sống ở đây là nông dân và người buôn bán nhỏ nên khá yên tĩnh.

Nhìn ngôi nhà nhỏ bé đơn sơ, Thế Khiêm nắm lấy tay Uyển Thanh, nói:

- Anh chỉ có thể mướn được ngôi nhà thế nầy thôi... Thật bậy quá, đáng ra anh phải mướn cho em một căn nhà đẹp hơn sang hơn...

Uyển Thanh cười một nụ cười thật tươi, nắm chặt tay chàng, nàng ngọt ngào nói:

- Căn nhà này khá lắm chứ! tuy nhỏ nhưng không ồn ào, lại có cửa sổ nữa, anh không thấy sao? Ở bên ngoài còn có những cây trút non thật xinh đẹp! sau khi Bội Nhi và em dọn đẹp mọi thứ thì anh sẽ không còn thấy vết cũ kỹ của nó đâu anh ạ!

Uyển Thanh và Bội Nhi thắm thoát đã sống nơi đây được mấy tháng. Bây giờ Uyển Thanh với bộ áo thật đơn sơ, nhưng nàng vẫn đẹp lộng lẫy với sắc mặt lúc nào cũng tươi đẹp hồng hào. Cuộc sống không còn nhung lụa giả tạo, cũng không có những tiệc tùng với sơn hào mỹ vị! không có tiềng đàn xênh phách ồn ào, cũng không có những phút lênh đênh trên hồ ngắm trời mây nước.

Nhà thật nhỏ bé đơn sơ, không lầu, có cửa sổ nhưng chỉ để ngắm được những cây trút non ngoài sân. Cũng vui là còn có những cây trút và cái hàng giậu lấp lánh phía bên kia nhà.

Nhưng Uyển Thanh thấy cuộc sống thật hạnh phúc. Một cuộc sống không phù phiếm còn thấy được tia sáng tương lai. Uyển Thanh an phận chờ đợi vì Thế Khiêm đã bắt đầu ôn tập đèn sách, chuẩn bị cho kỳ thi sang năm. Bao giờ được đỗ cử nhân mới được lên kinh thành tham gia hội thi, hội thi kia mà đỗ mới được gọi là tiến sĩ. Rồi còn đến trước mặt vua để tham dự Điện Thi nữa. Trước mắt, cái chuyện hội thi và điện thi còn quá xa vời. Bước đầu tiên là Thế Khiêm phải thông qua Hương thi để có cử nhân trước đã.

Và như vậy, sang năm, anh tài ở khắp huyện, khắp phủ sẽ tập trung tại Hàng Châu. Số lượng cử nhân được tuyển chọn lên kinh thành chỉ trên dưới mười người mà cái môn thi lại là những môn Thế Khiêm thật ghét đó là món cổ văn lại có cả quy luật nghiêm ngặt, thí sinh không được phóng khoáng diễn tả dài giòng, mà phải theo luật lệ đàng hoàng. Điều này làm cho nhiều người khó phát huy thi hứng của mình. Những môn thi nằm ngoài sở trường của Thế Khiêm. Mà bây giờ lại bắt đầu từ đầu. Tuy là Thế Khiêm có tài hoa có óc tưởng tượng phong phú, nhưng vì kiến thức của chàng quá rộng nên gặp nhiều khó khăn.

Cũng còn điều may mắn là trước mắt Thế Khiêm không cần phải rời xa Hàng Châu. Thế Khiêm thường xuyên lui tới với nàng. Nhà của Uyển Thanh ở tuy chật hẹp nhưng Bội Nhi và Thanh vẫn thu xếp có căn phòng riêng cho Thế Khiêm. Đó là căn phòng đẹp nhất trong nhà, có cửa sổ thông thoáng, ánh sáng đầy đủ. Trên bàn học của Thế Khiêm, luôn được Uyển Thanh đặt một lọ hoa làm bằng ống trút, trong đó lúc nào cũng có hoa tươi. Mùa thu là hoa cúc. Mùa đông là hoa mai, khi đến xuân lại có hoa đào.

Lúc nào trong nhà cũng thoảng hương hoa, hương trà.

Uyển Thanh không còn cùng Thế Khiêm đối ẩm ngâm thơ vịnh nguyệt nữa mà dành hết thời gian đốc thúc, khuyến khích chàng học. Mỗi khi Thế Khiêm đến là Uyển Thanh đích thân lo trà nước và thức ăn cho chàng. Khi Thế Khiêm lười học, Thanh khơi đèn, thêm áo cho chàng. Và những ngày nóng nực, Uyển Thanh đích thân hầu quạt nồng, lau mồ hôi, nấu chè cho chàng ăn giải khát. Mùa Thu đến lá rơi xào xạc, Thế Khiêm mệt mỏi, Uyển Thanh mang đàn ra dạo vài khúc nhạt để chàng tiêu sầu.

Khi xuân đến, hoa nở thật đẹp làm Thế Khiêm khó học, Uyển Thanh lặng lẽ mài mực, so bút như nhắc nhở chàng. Vì vậy Thế Khiêm thường nắm tay Uyển Thanh nói:

- Uyển Thanh! em chẳng những là bạn tri âm của ta mà còn là thầy tốt của ta nữa.

Mỗi đêm khuya xuống là Uyển Thanh đốc thúc chàng về với cha mẹ và vợ của chàng. Uyển Thanh rất an phận chờ đợi đến khi Thế Khiêm thành công, nàng chờ đợi ngày cha mẹ và vợ của chàng chấp thuận cho nàng làm thiếp nên nàng luôn lo sợ cha mẹ chàng và nhất là vợ chàng không hài lòng.

Lão gia và lão thái thái cùng vợ Thế Khiêm thật không hiểu tại sao Thế Khiêm và Uyển Thanh lại có thể khắng khít hoà hợp như vậy. Vợ Khiêm thường hỏi Tịnh Nhi để tìm hiểu. Nàng biết là ở nhà Uyển Thanh, bàn ghế thiếu thốn, ăn uống cũng tiện tặn, và từ ngày rời Điệp Mộng Lâu, Uyển Thanh không còn vòng vàng chi nữa, ăn mặc thì chỉ có vải thô sơ sài không son phấn, tất cả làm cho vợ của Thế Khiêm không làm sao hiểu nổi, và cũng có hờn ghen trong lòng. Nàng nghĩ dù sao cũng nhờ hạng gái lầu xanh kia mà chồng nàng lo ăn học cho có công danh, sẽ làm cho gia đình của nàng cũng nở mặt mày với xóm làng, và tin rằng sau khi Thế Khiêm đỗ đạt thành công, chàng sẽ thấy hạng gái lầu xanh không thể nào xứng cùng quan trong triều. Còn bây giờ thì cứ lợi dụng Uyển Thanh để Thế Khiêm yên tâm đèn sách. Có kế gì cũng phải đợi Thế Khiêm thi đỗ hẳn hòi.

Dịch lão gia cũng gạn hỏi Tịnh Nhi, thằng bé thật tình thưa:

- Mỗi lần thiếu gia đến nhà Dương cô nương, đều được Dương cô nương khuyến khích thiếu gia đọc sách, bây giờ thiếu gia siêng học hơn ở nhà nữa. Cô ấy kèm thiếu gia rất chặt, không muốn thiếu gia lơ là việc học nên không học cũng không được.

Dịch lão gia gật gù, nếu thật như vậy thì cũng nên nhắm mắt làm ngơ, để nó đến đấy. Bọn trẻ có khi cần người bạn hiểu biết để khuyên nhủ, giúp đỡ. Bao giờ nó lên kinh rồi, đến đấy không gian rộng lớn bao la, nó sẽ mở mắt ra, biết đâu không còn cần cái bạn gái lầu xanh nữa.

Nghĩ vậy nên ông càng hăm dọa Thế Khiêm.

- Nếu con mà không biết tiến thân, để rớt khoa thi này, thì chuyện con với con nhỏ họ Dương kia kể như đứt. Con đừng tưởng thời gian dài là bắt buộc ta đổi ý chuyện bây giờ của con đâu.

Thế Khiêm biết tính cha một là một, hai là hai, nhưng vì Uyển Thanh, chàng phải ra sức học, cố gắng nhồi nhét chữ vào đầu, Thế Khiêm học một cách hết sức cực khổ.

Ngày qua ngày, xuân tới rồi đi, hạ đến... Thế Khiêm vùi đầu trong sách vở. Một năm nhanh :Dng trôi qua, mới đó mà tháng tám đã đến. Mùa thi sắp đến, đây là giờ phút khẩn trương.

Đầu tháng tám, đợt thi thứ nhất bắt đầu. Ba hôm sau đến đợt hai, rồi ba hôm nữa là đợt ba. Cuộc thi kéo dài cả chín ngày. Trong chín ngày đó, Uyển Thanh không biết mình đã sống trong tâm trạng nào. Đầu óc còn căng thẳng hơn Thế Khiêm. Nàng lo lắng khoắc khoải, vì trong chín ngày đó, để lo cho chuyện thi cử, Thế Khiêm ở nhà không ghé qua nhà Uyển Thanh được, chỉ có Tịnh Nhi là sang thăm hỏi nhưng khi hỏi đến chuyện Thế Khiêm làm bài có được không thì thằng bé lại mù tịt!

Những ngày đó Uyển Thanh ăn không vô, ngủ không được.

Bội Nhi khuyên nhủ, cố gắng thuyết phục nàng là ở lành sẽ gặp lành không nên bận tâm nhưng vô nghĩa. Cả chủ lẫn tớ đều ăn ngủ không yên, cứ hồi hộp đợi chờ.

Chín ngày cũng trôi qua. Cuộc thi đã chấm dứt và Thế Khiêm rồi cũng đến. Sau những ngày thi, Thế Khiêm tiều tụy đi nhiều, gầy hẳn. Chàng ngồi tựa lưng ghế, lặng lẽ nhìn Uyển Thanh, tay nắm chặt tay Uyển Thanh mà không nói lời nào. Uyển Thanh nhìn chàng vô cùng lo lắng, nàng thật cảm động vô cùng, nàng cũng chỉ nhìn chàng với ánh mắt tràn đầy yêu thương. Hai người ngồi bên nhau như muốn tận hưởng những giây phút còn lại bên nhau.

Thật lâu, Uyển Thanh nói mà nước mắt lưng tròng:

- Anh gầy đi nhiều quá!

Thế Khiêm sờ lên mặt Uyển Thanh rồi cũng nghẹn lời:

- Em cũng vậy, biết không?

Uyển Thanh cúi đầu, Thế Khiêm bèn hỏi:

- Tại sao em chẳng hỏi anh thi cử thế nào?

Uyển Thanh nhìn lên:

- Chuyện thi cử đã kết thúc rồi phải không? Anh đã cực khổ quá nhiều suốt năm, bây giờ phải là lúc thư thả một chút, đừng nghĩ đến nó nữa. Vì nếu đậu, đó là vận tốt của chúng ta, còn nếu như không làm bài được thì còn lần sau mà, phải không anh?

- Lần sau à? Em có biết lần sau là phải ba năm nữa lận không?

- Ba năm hoặc ba mươi năm thì em vẫn đợi! Uyển Thanh âu yếm nhìn chàng - Tóm lại, có sống em là người của anh, chết đi em vẫn là của anh mãi. Em mãi mãi chờ đợi anh mà.

Thế Khiêm xúc động ôm nàng vào lòng kêu lên:

- Uyển Thanh!

Uyển Thanh tươi cười:

- Bây giờ để em bảo Bội Nhi hâm tí rượu cho anh uống ấm lòng nhé và làm vài món ăn để anh no lòng.

Thế Khiêm đồng ý. Rồi Uyển Thanh nân đàn tì bà lên, đàn hát cho chàng nghe một bản. Lời hát êm đềm nhẹ nhà khiến chàng nghĩ đến vài lời thơ cổ:

Màn đêm vừa qua

Trầm hương thoảng nhẹ,

Môi mộng đinh hương

Một khúc thanh ca

Lòng người rung động.

Thế Khiêm đã say, chàng bắt đầu thổi sáo, rồi cùng tiếng đàn tiếng hát của Uyển Thanh làm trong nhà thật ấm áp.

Ngày công bố cũng đã đến. Trước khi bảng được dán lên, Dịch Phủ và nhà Uyển Thanh đều mất ngủ. Uyển Thanh thức trắng đêm trong hồi hộp lo âu. Nàng biết là, nếu Thế Khiêm đậu thì kết quả sẽ được báo đến tận nhà, và lúc đó chắc chắn là Thế Khiêm sẽ là người đến báo tin vui. Vậy thì không nên ngủ, hãy thức chờ... Uyển Thanh đốt một nén hương thơm, lặng lẽ ngồi trước hương nhắm mắt cầu nguyện dông hồn cha mẹ giúp cho, nàng cứ mãi nguyện cầu. Thời gian lặng lẽ trôi qua, trôi qua thật chậm, đêm năm canh tờ mờ sáng, xa xa bắt đầu có tiếng pháo nổ, báo hiệu có người trúng tuyển. Thế còn Thế Khiêm? thế nào rồi?

Có tiếng chân người ngoài cửa. Uyển Thanh giật mình, nín thở lắng nghe. Nàng không biết là phải người đưa tin đó không? tìn buồn hay vui?

Bội Nhi từ ngoài chạy vào hớt hải:

- Đậu rồi! Đậu rồi! Tiểu thơ ơi, công tử đậu rồi!

Tịnh Nhi vừa đưa tin tới, công tử đã đậu cử nhân hạng thứ mười!

Uyển Thanh không dám mở mắt, đây là sự thật hay là mộng? Mãi sau thật lâu, Uyển Thanh thấy mình mới tỉnh táo lại, nàng lâm râm khấn nguyện:

Cảm ơn cha mẹ, cám ơn trời phật!

Rồi quay lại nhìn ra ngoài lên tiến gọi Bội Nhi:

- Bội Nhi ơi! em hãy đốt pháo lên nào! Hãy đốt pháo ăn mừng lên!

Chưa dứt lời, đã nghe ngoài sân có tiếng pháo nổ inh tai. Rõ là Bội Nhi và Tịnh Nhi đã đốt pháo không chờ lệnh nàng.

Đậu được hương thi là một việc mừng, nhưng kế tiếp là phải lúc chia tay. Bởi vì hội thi tiến sĩ tổ chức tận kinh thành, đường đi lên kinh thì lại rất xa, phải mấy mấy tháng trời mới tới được kinh thành, do đó Thế Khiêm phải chuẩn bị hành lý lên đường.

Trong nhà Dịch phủ, mọi người lo chuẩn bị cho Thế Khiêm tất bật. Với Thế Khiêm và Uyển Thanh, viễn ảnh tạm thời chia tay làm hai người càng bịn rịn hơn.

- Lần này anh lên kinh là sẽ ở nhờ nhà ông dượng của anh. Nếu mà vẫn còn cơ may để anh thi đậu, thì anh cũng không thể về ngay mà phải ở lại nhậm chức, nhưng lúc đó anh sẽ phái người về đây đón em lên đấy đoàn tụ với anh...

- Còn vợ của anh? anh đừng quên chị ấy anh nhé!

- Uyển Thanh! em hiền lành lắm, lúc nào em cũng mãi quan tâm cho kẻ khác!

- Anh hãy vui vẻ lên đường.

Thế Khiêm trầm ngâm một lát rồi nói:

- Còn như nếu anh xui xẻo không đạt được ước nguyện, anh cũng ở lại kinh thành chờ thêm ba năm nữa để thi lại. Vì vậy....lần chia tay này anh thật sự không yên tâm đó là vì em...

- Anh hãy yên tâm anh ạ! không cần biết anh đi bao lâu, em hứa với anh là em sẽ chờ... mãi mãi chờ anh. Em chỉ sợ là... con người dễ thay đổi, em mong rằng anh sẽ không bao giờ thay đổi và lúc nào cũng nhớ đến em là đủ rồi.

- Anh mà quên em xin trời tru đất diệt anh đi!

- Kìa! anh lại thề nữa rồi, em tin anh mà Thế Khiêm. Nhưng mà anh cũng biết đó, thời gian rất vô tình... vì vậy em mong là anh sẽ sớm cho người về đây báo tin anh nhé... vì khi anh đi rồi thời gian đối với em dài dằng dặt...

- Làm sao anh lại không biết chuyện ấy.

Thế Khiêm xúc động nắm chặt tay Uyển Thanh, dặn dò một cách âu yếm:

- Anh đi rồi, trước tiên là em nhớ giữ gìn sức khỏe, anh cấm em không được gầy đi, không được buồn, không được khóc, phải an tâm chờ anh. Anh sẽ để lại cho em một số tiền, khi nào hết hoặc có gì thiếu hụt cứ cho Bội Nhi đến nhà anh, nhớ đừng tìm vợ anh... nàng ta hay ghen hờn sẽ không giúp gì cho em đâu, cũng đừng tìm cha anh vì ông ấy là người thủ cựu một cách ngoan cố, nên cũng không giúp được gì. Em hãy tìm mẹ anh, người rất thương anh và lại là người rất nhân từ.... mẹ rất thông cảm cho em! Nhớ hãy dặn Bội Nhi tìm mẹ của anh, người sẽ giúp đỡ em bởi vì mẹ biết em là người anh rất quý yêu.

Uyển Thanh nghẹn lời.

- Em biết rồi anh à. Anh không cần phải nói thêm gì nữa. Chỉ mong rằng trong vòng hai năm chúng mình sẽ được đoàn tụ, bằng không em sợ... sợ lúc anh trở về, em không còn trên cõi đời này....

Câu nói của nàng làm Thế Khiêm tái mặt.

- Tại sao em lại nói như thế? Em nói vậy làm sao anh dám bỏ đi!

- Ồ, xin lỗi anh! xin lỗi anh nhé! Uyển Thanh cúi đầu vào ngực Thế Khiêm, nước mắt tràn ra làm ướt cả áo chàng - Chỉ tại em buồn quá, lo quá, không biết là khi anh đi rồi, em sẽ sống được không!

- Em phải sống vui lên! Sống một cách bình thường, hiểu không? Em cần phải biết là, chuyện anh đi ứng thi, tranh thủ công danh tất cả là vì em. Bỏ ra hai năm thương nhớ, để đổi lại trăm năm gần nhau. Nên chúng ta phải cố gắng nhẫn nại cho được một ngày trùng phùng. Vì vậy, Uyển Thanh, em cần phải vì anh, vì hạnh phúc của chúng ta mà sống!

- Sẽ không bao giờ anh phụ em chứ?

- Em muốn anh thề lại lần nữa không?

- Không, không anh ạ, em tin anh rồi.

- Nghĩa là em sẽ vì anh mà vui sống? vì anh mà bảo trọng sức khỏe? à, anh còn một điều nữa không yên tâm... đó là anh có đi rồi, Mẹ nuôi em chắc chắn là không đến quấy rầy chứ?

Uyển Thanh nhìn Thế Khiêm không hiểu:

- Anh nghĩ em là hạng người thế nào? Trăm ngàn khó khăn em mới thoát ra được khỏi chốn thiêu thân đó, không lẽ em quay lại ư? Vả lại em đã thề từ lâu "sống là người của anh, mà chết cũng là của anh". Nếu em làm điều gì lỗi đạo với anh, thì xin thiên lôi hành xử em đi!

Thế Khiêm lấy khăn ra thấm mắt cho Uyển Thanh và cười nói.

- Xem kìa! em nói anh là không được thề mà em lại cũng thề!

- Anh tin em không?

- Uyển Thanh em! Sao anh lại không tin em cho được? Uyển Thanh, em họ Dương tên Uyển Thanh, nhưng anh mong rằng em chỉ như dương liễu rũ của mùa xuân, xanh tươi mãi.

VietDoll

06-06-2004, 08:19 AM

Trước dương liễu làm chứng. Anh hẹn em là anh sẽ trở về. Khi mùa dương liễu xanh tốt, chúng ta sẽ đoàn tụ!

- Thật không anh?

- Thật!

- Nếu hai năm mà không được đoàn tụ với anh thì em sẽ héo úa như cành liễu héo.

- Nữa rồi, sao em cứ mãi nói nhứ thế?

- Xin lỗi anh, hãy tha thứ cho em nhé, xem như em chưa hề nói vậy.

- Đây có một ít tiền, em hãy giữ lấy mà sinh sống cho đàng hoàng.

- Anh cần nó hơn em. Đường lên kinh xa xôi vạn dậm, anh rất cần đến để lo ăn uống cho chu toàn... đừng để lại cho em làm gì. Nơi đây em và Bội Nhi vệt vải cũng đủ sống rồi anh à.

- Gia đình đã chuẩn bị tất cả cho anh rồi, em đừng lo lắng nhiều.

.

Và như thế, ly biệt lúc nào cũng đầy nỗi buồn đau. Có nói vạn lần, dặn dò vạn lời vẫn không sao vơi đi nỗi niềm nhớ thương, lo lắng.

Bên ngoài, mưa đang tỉ tả rơi. Trong nhà đèn leo lét. Tình cảm trong lúc này, xa nhau sao đành lòng.

Từng lời, từng giờ qua

Bóng lá ngoài song, đèn trong cửa

Nhớ thương ngập tràn lòng

Biết mộng khó thành, buồn không vơi

Để mưa rơi đầy tận sáng...

Đó là hình ảnh của hai người. Và thế là, một buổi sáng cuối thu, Thế Khiêm cùng tiểu đồng Tịnh Nhi và vài người gia nhân đắc lực, xuất phát đến kinh thành. Để lại cho Uyển Thanh một chuỗi ngày chờ đợi buồn thảm, cô đơn...

Sang mùa xuân năm sau, vẫn không tin tức gì của Thế Khiêm. Thế là lời hứa sang năm liễu xanh lại sẽ đoàn tụ trở thành tan tành.

Dương liễu xanh rồi vàng úa, úa vàng rồi xanh. Năm tháng trôi qua mà Thế Khiêm vẫn biệt vô tâm tín.

Năm đầu, Uyển Thanh còn tin tưởng chờ đợi. Cuộc sống dù có khó khăn, nhưng hy vọng mãnh liệt chờ ngày đoàn tụ khiến Uyển Thanh vượt qua tất cả. Ngày ngày Uyển Thanh chỉ ngồi dệt vải để lo từng bát cơm chén cháo, rảnh thì lại làm thơ giải sầu. Ngày tháng trôi qua, không có tin tức gì. Uyển Thanh bảo Bội Nhi qua Dịch Phủ dò xét thì mới hay là Thế Khiêm không may bị bệnh nên đã hỏng việc thi kỳ rồi. Và cứ vậy mà Uyển Thanh ngồi nhà chờ đợi, dù biết là phải cần ba năm sau mới có lần thi thứ hai. Uyển Thanh đã từng nói ba năm nào nghĩa lý gì? Ba mươi năm sau nàng vẫn chờ... vì vậy Uyển Thanh cứ chờ... chờ mãi...

Nhưng rồi qua năm thứ hai, đời sống khó khăn hơn làm ngày dài lê thê. Uyển Thanh mong mỏi nhận được một bức thư hoặc một lời nhắn gì đó của Thế Khiêm... Chỉ cần có vài hàng chữ cho thấy là chàng vẫn còn nhớ đến nàng là đủ rồi... nhưng mà Uyển Thanh chẳng nhận được gì cả.

Cuối năm, chẳng chờ thêm được nữa, Uyển Thanh lại bảo Bội Nhi đến Dịch Phủ thăm dò và bái kiến mẹ của Thế Khiêm. Nhưng Bội Nhi đã thất bại.

Mấy lần đến là mấy lần không được vào cổng thì làm sao gặp được Mẹ Thế Khiêm mà hỏi thăm tin tức về chàng.

Nhưng Bội Nhi đã cố gắng dò hỏi đám gia nhân của Dịch Phủ, qua lời nói Bội Nhi biết Thế Khiêm có gởi thư về nhà, nhưng chẳng hề đề cập đến Uyển Thanh.

Uyển Thanh nghe kể lại, nước mắt chảy dài.

- Bội Nhi ơi, như vậy là chàng đã quên chị rồi em à. Có cho người về nhà mà chẳng viết cho chị một chữ. Anh ấy có phải là kẻ bạc tình đâu. Chị hiểu ở kinh đô, giai nhân nhiều lắm, không lẽ chàng đã quên bẵng cái tên Dương Uyển Thanh ở Tây Hồ rồi ư?

Bội Nhi an ủi:

- Cô ạ, Dịch công tử nào phải hạng người như vậy, có lẽ là cậu ấy ngại, không dám giao thư cho gia nhân mang cho cô, dù có cũng chưa chắc họ được pháp mang đến đây. Hãy gắng chờ xem. Em nghĩ chỉ có Tịnh Nhi về công tử mới dám có thư về cho tiểu thư.

Đúng, chỉ có Tịnh Nhi là người mà chàng tin tưởng nhất.

Tịnh Nhi là một tử đồng thông minh và hiền hoà, Uyển Thanh tin rằng có Tịnh Nhi về là chàng sẽ có vài chữ cho nàng... vậy thì hãy gắng chờ, cứ chờ...

Dĩ nhiên là Uyển Thanh và Bội Nhi sống trong con hẻm nhỏ kia làm sao biết, làm sao ngờ được...

Họ sống nơi đó nào biết được là Thế Khiêm đã mấy lần cho người mang thư về cho họ, nhưng những lá thư kia điều lọt vào tay của vợ cả chàng, và rồi đều bị ém nhẹm. Bởi vì những gia nhân theo Thế Khiêm đã được vợ của Thế Khiêm cho tiền và dặn rằng khi có thư từ gì cho Uyển Thanh là phải qua tay nàng trước. Thế là chẳng có cái thư nào vào tay Uyển Thanh. Đó là chưa nói gia nhân và người gác cổng ở Dịch Phủ, họ đều được lệnh của mợ chủ là không cho bất cứ người nào của Uyển Thanh vào cổng và phải nói rằng chưa hề nghe cậu nhà nhắc gì về Dương cô nương. Lệnh của vợ Thế Khiêm là lệnh của mợ chủ thì làm sao cãi được, còn Uyển Thanh chỉ là một cô gái xuất thân ở chốn thanh lâu thì làm sao chẳng bị bọn gia nhân xem thường?

Thế là sự chờ đợi của Uyển Thanh trở thành một sự chờ đợi tuyệt vọng, mù mịt!

Sang năm thứ 3, đời sống càng khó khăn hơn, tiền bạc đã cạn sạch, nữ trang thì Uyển Thanh thì đã không còn gì sau khi chuộc mình. Bây giờ ở nhà có chăng là một số áo gấm cũ, nhưng rồi mấy chiếc áo kia cũng lần lượt ra đi! vải dệt có đều nhưng bán lại không được bao nhiêu nên chuyện ba bữa cũng đã trở thành là vấn đề lớn cho họ!

Bội Nhi vẫn thường xuyên đến Dịch Phủ dò xét, mỗi lần đến đều bị đuổi về.

Bội Nhi vẫn không nản chí, lại đến Dịch Phủ nhưng cũng trở về với tuyệt vọng vì không tin gì của Thế Khiêm cả, Bội Nhi tuyệt vọng nói:

- Tiểu Thơ à, em nghĩ Dịch công tử đã quên chúng ta thật rồi.

Nghe Bội Nhi nói thế, Uyển Thanh lại chống chế:

- Không phải đâu em, chắc chắn là có sự hiểu lầm nào đấy. Thế Khiêm ở tận kinh thành, đường xa vời vợi, nên có khi chàng cho người mang thư về nhưng họ lỡ đánh rơi lạc mất thì sao?

Uyển Thanh hoàn toàn không biết là Thế Khiêm mấy lần gởi thư xin cha mẹ giúp đỡ cho nàng, nhưng cha chàng với bản tính cứng rắn nên không thèm bận tâm đến, Mẹ của chàng thì đâu biết chữ nào nên đâu biết Uyển Thanh giờ thế nào mà giúp đỡ, còn vợ của chàng thì khỏi nói, là một người đàn bà thì làm sao có thể rộng lòng giúp đỡ vợ nhỏ của chồng, bà ta luôn tìm mọi cách để ngăn chận và phá hoại.

Uyển Thanh coi như hoàn toàn bị cô lập. Trong lúc hoàn cảnh khó khăn thì mẹ nuôi của Uyển Thanh lại đến, lợi dụng thời cơ lôi Uyển Thanh trở về.

Sự việc là thế này, sau khi có được số tiền chuộc thân của Uyển Thanh, bà ta đã mua người con gái khác, tuy thật đẹp nhưng lại chẳng có chút tài nào bằng Uyển Thanh nên khách càng ngày càng vắng vẻ. Sau này lại nghe tin Thế Khiêm lên kinh thành dự thi và không tin tức gì về cho Uyển Thanh nên bà ta lấy cơ hội lôi Uyển Thanh trở về làm việc cho bà. Bà ta đích thân đến nhỏ nhẹ khuyên Uyển Thanh:

- Uyển Thanh này, Thế Khiêm đi lâu thế này, chắc chắn là đã quên em rồi. Em cũng biết đấy, lòng dạ đàn ông khó mà tin được, chỉ có đàn bà là chịu thiệt thòi mà thôi. Tự cổ chí kim nó đã là như thế, bởi vậy nếu cậu ấy còn nhớ tới em thì đâu để cho em phải khổ như thế này? Ta thấy là tốt nhất em nên quay lại Điẹp Mộng Lâu đi. Em còn trẻ, đời còn quá dài mà. Em ngày xưa đã chuộc thân, nếu bây giờ trở lại thì coi như mọi thứ do em quyết định, do em làm chủ, sau này em muốn ở với ai đi với ai thì tùy ở nơi em. Ta chỉ giúp phương tiện cho em mà thôi. Em trả cho ta một số tiền công là đủ rồi.

Uyển Thanh cười nhạt, đưa mắt nhìn ra cửa, cương quyết nói:

- Bà đừng hòng lay động lòng tôi. Tôi đã nói rồi, có bị chết nơi này tôi vẫn cam lòng, chứ không bao giờ quay về Điệp Mộng Lâu đâu. Bà có nói thế nào, thì tôi vẫn ở đây chờ Thế Khiêm trở về.

Dưỡng mẫu chịu thua, không khuyên được Uyển Thanh trở lại nghề cũ nên bà ta đành ngoe ngẩy bỏ ra về.

Chờ đợi, đợi chờ, rồi lại chờ đợi trong tuyệt vọng.

Cuộc sống càng lúc càng khó hơn. Uyển Thanh và Bội Nhi cố gắng nài nỉ nhận thêm vải áo về thêu thùa kiếm sống. Nào và dệt vải, rồi thêu áo, họ thay phiên nhau làm việc mãi đến tận khuya mỗi đêm nên cũng sống được qua ngày. Dương liễu đã bốn lần thay lá mà vẫn chưa tin gì của Thế Khiêm.

Năm đó, kinh đô lại tổ chức hội thi. Những hy vọng cuối của Uyển Thanh đều đặt vào đó. Nàng nghĩ chỉ cần Thế Khiêm thi đậu thì sẽ có tin cho nàng ngay. Có thể lần trước không may bị rớt nên chàng ngại không liên lạc với nàng. Nghĩ vậy nên Uyển Thanh cứ chờ đợi, đợi chờ. Nàng nào biết vợ của Thế Khiêm đã cho gia nhân nói gạt với chàng là Uyển Thanh đã dời nhà đi nơi nào không ai biết cả. Vì đường xa xa xăm dịu vợi, Uyển Thanh nào có thể biết chàng đã từng nhắn gởi, đã bao nhiêu thư tay cho nàng nhưng tất cả chẳng được hồi âm chữ nào. Thế Khiêm rất buồn và lo lắng vô cùng vì thấy nghi ngờ về sự mất tích bất ngờ của Uyển Thanh. Nhưng mà cuộc thi đã gần kề thì làm sao chàng có thể trở về Hàng Châu để hiểu rõ sự tình.

Mùng chín tháng hai hội thi diễn ra, và đợi đến khi danh sách trúng tuyển được công bố đến Hàng Châu thì đã sang mùa hạ rồi.

Hôm ấy Bội Nhi từ ngoài chạy vào, nỗi vui mừng hiện lên mắt, vừa thở vừa vội vã nói:

- Tiểu thơ ơi! trúng rồi, đỗ rồi, đỗ thật rồi!

Không cần hỏi thêm, Uyển Thanh cũng hiểu Bội Nhi đã nói gì. Nàng ngồi thừ người ra trước khung dệt, tay vẫn còn cầm ống chỉ mà như hoá đá tự bao giờ.

Bội Nhi chạy đến ngạc nhiên:

- Tiểu thơ, tiểu thơ, cô làm sao vậy?

Gọi thật lâu Uyển Thanh mới như tỉnh lại, nàng cười mà lệ rơi xuống đôi má. Uyển Thanh thở dài nói:

- Bội Nhi ơi! chị em ta coi như đã hết khổ rồi!

Thật không? hết khổ thật chứ? con tạo hoá thường éo le ganh ghét kẻ hồng nhan. Chuyện tương lai làm sao đoán trước được?

Vâng, đúng là Thế Khiêm đã thi đỗ. Không chỉ thi đỗ mà còn được đề bạt làm Thứ Kiết Sĩ ở Viện Du Lâm, phải lưu lại kinh đô làm việc. Tin tức được loan truyền là Dịch Phủ mở tiệc ăn mừng thật lớn, đốt pháo từ sáng đến tối mịt. Cảnh vật vô cùng huyên náo.

Trong khi ở nhà Uyển Thanh bốn bề tỉnh mịch, chẳng ai lui tới. Đêm này qua đêm kia, dưới ánh đdèn, chủ tớ hai người cặm cụi làm việc bên khung dệt, chiếc khung quay đều, chỉ dệt thành vải với những âm điệu thật buồn tẻ. Có ai biết là trong cái hẽm nnhỏ này lại có một người vợ thứ của một Tiến Sĩ đương triều. Hai vị lão nhân họ Dịch đã vui quá nên quên hẳn chuyện hứa hẹn ngày xưa cùng với Thế Khiêm, mãi cho đến lúc nhận được thư của chàng:

"Con vâng lời cha mẹ dạy bảo, may mà vận may nên đã đỗ trạng, được phong chức Kiết Sĩ Viện Du Lâm. Trong vòng ba năm tới, con không thể về quê, xin cha mẹ tha thứ tội bất hiếu cho con. Nhớ năm xưa khi lên đường đến kinh thành ứng thi, con còn để lại quê nhà hai người vợ, một người thì đã được cận kề bên Cha mẹ, còn người vợ kế của con là Dương Uyển Thanh hiện ngụ tại địa chỉ số X đường X hẽm xx. Mong cha mẹ dung thứ cho trước về nhà. Còn nếu hiện không còn ở chỗ cũ thì cũng xin cha mẹ cho người dò xét xem nàng đang ngụ nơi nào và tìm mang về nhà để con tránh khỏi tiếng là con người phụ bạc. Mong cha mẹ giúp cho... "

Dịch lão phu nhân nghe vậy mủi lòng liền khuyên chồng nên tìm đón Uyển Thanh về nhà:

- Ông à, con mình hiện được bảng hổ danh đề cũng phần nào là nhờ công cán của Dương Uyển Thanh kia. Bây giờ con trai đã không muốn mang tiếng là phụ bạc thì ta cũng không nên quá hẹp hòi.

Thế là Dịch lão gia kêu gia nhân đến vì ông cũng thật tâm muốn đưa Uyển Thanh vào nhà làm thiếp cho Thế Khiêm, không ngờ gia nhân trong nhà trước đó đã được vợ Thế Khiêm cho tiền và căn dặn, nên đều trả lời rằng trước khi Thế Khiêm gửi thư về, mợ chủ đã cho người mời Dương cô nương về nhưng nàng không chịu và đã rời chỗ cũ và tiếp lại cái nghề xưa kia.

Dịch lão gia nghe nói đã biến sắc, nếu thật vậy thì ông như thoát nợ rồi. Trước đó thì ông cũng không nhiệt tâm cho lắm về chuyện tình này vì ông nghĩ một khi đã vào cái nghề dơ bẩn đó thì làm sao mà yên phận thoát khỏi cho được, may là chưa rước về nhà nếu không sẽ làm ra chuyện bại hoại gia phong. Bây giờ nghe nói thế ông chẳng còn bận tâm gì nữa.

Thế là tung tích của Uyển Thanh lại được báo cáo y hệt trước kia vào kinh. Thế Khiêm đọc thư biến sắc, nghĩ đến chuyện cũ, bao nhiêu lời thề non hẹn biển và cũng vì Uyển Thanh mà chàng đã bỏ công học hành và bỏ quê nhà thân yêu để lên kinh cố gắng lấy cho được cái bằng tiến sĩ dù chàng không hề có chí hướng làm quan... giờ đây Uyển Thanh lại thay lòng đổi dạ! Uyển Thanh! Uyển Thanh! Em là loài dương liễu mãi xanh hay chỉ là loài liễu lả lơi cành lá? Thế Khiêm vừa hận vừa giận nhưng lại có chút nghi ngờ vì biết tính tình Uyển Thanh, chàng vẫn còn chút tin tưởng ở nơi nàng. Thế Khiêm gọi Tịnh Nhi vào, dặn dò thật kỹ:

- Mi hãy lập tức về quê một là để xin phép cha mẹ ta đưa vợ ta lên đây, hai là dò la tin tức của Dương cô nương. Những điều họ nói là ta quá nghi ngờ. Tại sao mấy năm qua nàng lại chẳng viết một lá thư cho ta? chắc chắn là phải có một sự đổi dời nào đó. Nhưng dù có thế nào, ngươi là người tâm phúc của ta, hãy cố gắng giúp ta điều tra rõ ràng sự việc. Nếu mà tất cả là những tin thất thiệt thì khi trước phu nhân lên, ngươi cũng phải rước cả Dương cô nương, có nghe không?

- Vâng, con sẽ làm theo lệnh của thiếu gia!

Lúc Tịnh Nhi vân lệnh về Hàng Châu thì dương liễu đã năm lần thay lá. Nghĩa là Thế Khiêm đã đậu tiến sĩ tròn một năm.

Đâu ai biết được Uyển Thanh đã sống như thế nào? Trước kia thì cuộc sống tuy vất vả nhưng vẫn còn chút tia hy vọng, còn bây giờ? bây giờ chàng đã đậu tiến sĩ nhưng nào có ngó ngàng chi tới nàng? Một chữ thăm hỏi cũng chẳng có... và sự thật đã chiến thắng niềm tin, thất vọng đã nghiền nát tình cảm, vậy mà nàng vẫn chờ. Uyển Thanh dệt vải với trái tim tuyệt vọng, dệt một cách vô tâm thì làm sao vải đẹp được nên chuyện bán vải lại càng khó khăn hơn. Nàng thường ngồi trước khung dệt mà nước mắt chảy quanh. Bội Nhi cũng ở vào đồng cảnh thất vọng, nhưng dù gì nó cũng là người ngoài, nên khá hơn, nó đã rất nhiều lần cố gắng khuyên nhủ chủ của mình phải gượng dậy:

- Tiểu Thơ à, có lẽ công tử phải thu xếp tìm nhà cửa xong xuôi mới rước chúng ta lên kinh thành.

Uyển Thanh nhìn Bội Nhi, mắt đầy vẻ tuyệt vọng:

- Em cũng như chị, biết rất rõ mà sao lại gĩa vờ? Thế Khiêm đã hoàn toàn quên chị em ta rồi, quên hẳn rồi.

Bội Nhi khóc oà, vừa khóc vừa nói:

- Nếu vậy chúng ta còn ở đây chịu khổ chi nữa? Đã mấy năm qua tiểu thơ đã héo mòn vì sự chờ đợi và chịu đựng cảnh sống vất vả thế này, cuối cùng rồi đã được gì đâu? nhìn tiểu thơ mà em thật đau lòng, hay là chúng ta quay về Điệp Mộng Lâu đi tiểu thơ? Ở đó biết đâu một vài năm sau rồi tiểu thư sẽ tìm được một người hợp ý tâm đầu khác và sẽ được hưởng hạnh phúc sau này.

- Người hợp ý tâm đầu khác? em có điên không? Trên đời này còn gã đàn ông nào có lương tâm chứ? Đến Thế Khiêm mà còn vậy, thì người khác làm sao hơn? Quay về Điệp Mộng Lâu à? không! không bao giờ chị trở về! chị phải ở đây chờ đợi đến khi nhận được tin tức của Thế Khiêm mới thôi.

- Nhưng mà tiểu thơ ơi...

- Nếu em muốn về đó thì cứ đi đi, chị đâu có cản trở gì em!

- Em chỉ lo cho tiểu thơ, còn phần em chịu khổ bao nhiêu cũng chẳng sao.

- Vậy thì chúng ta cứ ở đây chờ!

Thế là hai chủ tớ ôm nhau khóc và cứ mãi đợi chờ ở căn nhà cũ kỹ đó, họ cứ đợi chờ. Cái đợi của người tình si, và kết quả của lần đợi chờ này là... Tịnh Nhi đã quay về.

Tịnh Nhi vừa bước vào Dịch Phủ là đã biến thành báu vật của nhà họ Dịch. Bởi ai ai cũng biét Tịnh Nhi là tâm phúc của Thế Khiêm nên cậu bé bị vây kín. Cả nhà ai cũng muốn biết về cuộc sống ở kinh thành, họ có hàng ngàn câu hỏi, hàng trăm thứ chuyện muốn biết. Thiếu gia bây giờ ra sao? cuộc sống thế nào? có khỏe không? ăn uống được không? công việc triều đình có bận rộn lắm không? đám thuộc hạ mới có năng lực làm việc không? cuộc sống có dễ chịu không? thức ăn có hạp khẩu vị của thiếu gia không? nhớ nhà không? có cần gì không?... Bao nhiêu câu chuyện phải giải đáp. Từ đầu Tịnh Nhi đã biết là không nên nhắc đến Uyển Thanh nên chỉ nói là về để rước mợ lên kinh ở cùng với cậu. Cha mẹ của Thế Khiêm rất hài lòng chuyện này vì họ lúc nào cũng mong mỏi có một đứa cháu để nối dòng, Thế Khiêm và vợ sống xa nhau như thế thì bao lâu họ mới được có cháu nội... vậy thì không thể được nên họ liền thuận ý.

Vợ của Thế Khiêm thì lại nghi ngờ, tuy vui mừng lộ rõ trên mặt nhưng là một người đàn bà ưa ghen này đâu phải tay vừa? Thấy Thế Khiêm cho Tịnh Nhi về quê là nàng ta đã nghi ngờ về chuyện Uyển Thanh. Bằng mọi giá phải triệt địch thủ vì Thế Khiêm bây giờ đã làm quan trong triều thì Thế Khiêm phải thuộc về nàng. Nàng biết Uyển Thanh sống khổ cực thế nào và vẫn biết Thanh luôn chờ đợi Thế Khiêm trong ngôi nhà cũ kỹ kia và không quay lại làm nghề cũ, lòng nàng luôn lo lắng và bây giờ Tịnh Nhi đã trở về, nỗi sợ càng to hơn. Sợ là mục đích của Thế Khiêm cho Tịnh Nhi về là để rước Uyển Thanh lên kinh.

Thế là trong lúc vắng người, nàng cho gọi Tịnh Nhi vào phòng hạch hỏi:

- Tịnh Nhi! lần này mi về đây còn có công tác nào khác không?

Tịnh Nhi bèn chối nhanh:

- Mợ muốn nói gì? Nô tài chẳng biết.

- Chẳng biết à?

Nàng vỗ mạnh lên bàn lớn tiếng nói tiép:

- Mi định qua mặt ta ư? Chẳng phải là mi về đây là để thăm dò tin tức của cái con yêu tinh Uyển Thanh đấy à?

- Dạ thưa mợ, nô tài chẳng dám.

- Sao lại chẳng dám? bộ mi tưởng ta dốt nát không biết chuyện gì mi làm ư? Mi cứ giả vờ như ngây ngô hiền lành. Tội của mi là dẫn lối đưa đường cho con hồ li tinh đó đến với thiếu gia. Nếu mà thiếu gia nhà ngươi có bề gì, đều là lỗi ở ngươi cả.

- Dạ nô tài không dám, không dám!

- Này Tịnh Nhi! Mi có biết là mi đã được nhà này mua về và nuôi dưỡng từ bé đến lớn khôn không?

- Dạ nô tài biết.

- Vậy thì nếu mi mà không ngoan ngoãn vâng lời, ta sẽ nói với lão gia bán quách ngươi cho gia đình khác ngay.

- Dạ xin mợ mở lòng nhân đức, con hứa sẽ ngoan ngoãn vâng lời.

Vợ Thế Khiêm liền hạ giọng:

- Thế mi có muốn còn mãi phục vụ Thiếu Gia không?

- Dạ muốn!

- Cái gì muốn với không muốn? Tất cả là tùy ngươi mà thôi. Mi nên nhớ bao giờ mi cũng chỉ là con đầy tớ ở Dịch Phủ này!

Tịnh Nhi càng sợ hãi:

- Xin mợ giúp cho con được tiép tục hầu hạ thiếu gia.

- Vậy thì ngươi hãy làm những gì mà ta dặn dò.

- Dạ, con xin vâng lời.

- Hãy đến đây!

Tịnh Nhi bước tới gần. Vợ của Thế Khiêm kề tai nói nhỏ một hồi lâu, mặt của Tịnh Nhi tái hẳn. Nhìn mợ chủ vừa lắc đầu, vừa nói:

- Không! con không làm được!!

Vợ của Thế Khiêm trừng mắt nhìn Tịnh Nhi rồi vỗ bàn hét to:

- Mi nói gì? Nếu mi làm tốt, ta sẽ ban thưởng hậu hĩ. Còn nếu mi thất bại thì đừng có hòng được tiếp tục phục vụ cho gia đình này.

- Nô tài không...

- Hãy nhớ một điều, ta là chủ ngươi, đừng có nghĩ là thiếu gia sẽ bênh vực cho ngươi. Bây giờ thiếu gia ngươi ở tận kinh thành, nào có ở đây? Bây giờ thế nào? làm hay không làm? Nói Ngay! Bằng không ta sẽ bẩm báo lão gia về sự không nghe lời của ngươi. Đừng nghĩ rằng sẽ có ai bênh vực cho ngươi. Ngươi nên nhớ nếu ta bán ngươi cho kẻ khác thì muôn đời ngươi sẽ không còn gặp lại thiếu gia nhà ngươi nữa. Bây giờ thế nào? hay là ngươi muốn ngầm báo với con hồ ly tinh kia? Nói rõ!

Tịnh Nhi vừa dập đầu vừa rung giọng nói:

- Dạ nô tì đâu dám. Nô tài xin vâng lệnh phu nhân. Làm bất cứ điều gì.

- Vậy thì hãy đứng lên đi, ngày mai đi làm việc đó cho ta. Ta sẽ cho hai người đi cùng với ngươi, nếu chuyện nhỏ như vầy mà ngươi làm không xong thì hẳn là ngươi phải biết hậu quả thế nào chứ?

Thế là ngày hôm sau Tịnh Nhi cùng hai người tâm phúc của vợ Thế Khiêm đi đến nhà của Uyển Thanh với một bao bạc thật to.

Bội Nhi vừa mở cửa, vừa chạy vừa kêu lớn:

- Tiểu thơ ơi tiểu thơ... Mau mau ra đây.... ra đây mau... Tịnh Nhi về rồi... Tịnh Nhi về rồi!

Uyển Thanh nghe qua cũng muốn ngất. Nàng đứng muốn không vững. Bội Nhi chạy đến dìu nàng:

- Tiểu thơ, nhanh ra ngoài đi... Tịnh Nhi đang đứng đợi tiểu thơ đấy.

Uyển Thanh đưa tay lên chận ngực, rất lâu chẳng biết làm gì. Nỗi vui mừng quá bất ngờ làm nàng choáng váng. Mãi một lúc sau nàng mới lấy lại được sự tỉnh táo.

Uyển Thanh đi ra, nhìn thấy Tịnh Nhi nhưng vẫn không tin tưởng:

- Phải thật là Tịnh Nhi đó không?

Khi đến cửa, Tịnh Nhi đứng lặng nhìn xung quanh ngôi nhà. Những vật đắt tiền ngày xưa Thế Khiêm đã sắm cho Uyển Thanh bây giờ không còn nữa. Bên trong chỉ có một cái bàn nhỏ thật cũ cùng với mấy chiếc ghế. Phần lớn của gian nhà là dành cho guồng xe chỉ, khung dệt. Bông vải và vải dệt, vải thêu xong treo đầy nhà. Khung cảnh thật nghèo nàn và buồn tẻ. Không cần hỏi, Tịnh Nhi cũng đoán được mấy năm qua Uyển Thanh phải sống cực khổ như thế nào. Nó mủi lòng muốn khóc, nhưng sau lưng còn hai gã tâm phúc của mợ chủ, nên cố chặn lại. Mãi đến khi Uyển Thanh xuất hiện, rồi câu hỏi của Thanh làm Tịnh Nhi giật mình quay lại nhìn người vợ thứ của chủ nhân ngày nào. Bây giờ áo quần bằng vải bộ xanh, tóc bới cao cột khăn với những sợi bông vải còn bám đầy người. Dáng hao gầy, xanh xao, đôi mắt mệt mỏi nhưng vẫn còn nét long lanh cũ, nét đẹp ngày nào vẫn không phai.

Tịnh Nhi cúi đầu để che dấu những giọt nước mắt, nói:

- Nô tì vâng lệnh thiếu gia về đây vấn an cô nương.

Uyển Thanh nghe nói, nước mắt chảy dài. Cuối cùng rồi coi như nàng đã không uổng công chờ đợi. Nàng tựa người vào cửa. Giọng thật yếu ớt:

- Thiếu gia em khỏe không Tịnh Nhi? Tại sao lâu quá mà chẳng có tin gì cho ta cả vậy? Bội Nhi đến Dịch Phủ bao lần nhưng chẳng khi nào được vào. Nhưng mà... cũng được rồi, dù gì em cũng đã đến đây. Uyển Thanh cười mà nước mắt chảy ra không ngớt - Thiếu gia của em nói thế nào?

- Dạ thiếu gia... Tịnh Nhi ngập ngừng, nó nhìn hai gia nhân của mợ chủ, rồi nhớ lại thân phận mình, lời đe dọa của mợ chủ, nên cuối cùng nói - Dạ thiếu gia bảo nô tì mang bạc này đến cho cô nương.

Đưa bạc đến? Uyển Thanh ngỡ ngàng nhưng rồi lập tức hiểu ra ngay. Thế Khiêm thật tốt, chàng thật chu đáo, đương nhiên là chàng biết ta đang kẹt tiền. Phải sắm sửa ngay, chuẩn bị đủ thứ để sửa soạn lên đường chứ? Uyển Thanh nhìn Tịnh Nhi, mắt dò hỏi, trong khi Tịnh Nhi lại không dám nhìn thẳng vào mắt nàng, nó quay qua bảo hai gã kia đem bạc đến cho Uyển Thanh và nói:

- Đây là một ngàn lạng bạc, thiếu gia nói để lại cho cô nương sống qua ngày.

Uyển Thanh ngơ ngát hỏi:

- Cái gì? Tịnh Nhi, em nói gì?

Tịnh Nhi vẫn cúi đầu nhìn xuống nói:

- Thiếu gia bảo nô tài nói lại với cô nương là cậu ấy phải ở lại kinh thành làm việc, chẳng sao trở về được, nói cô đừng chờ, khi nào gặp người tương xứng thì cứ lập gia thất. Ở kinh thành quy luật rất khắt khe, không có phù hợp với "tư cách" của cô nương. Cô nương lên đấy, khó xử cho cậu lắm. Vì vậy một ngàn lượng này để lại cho cô nương xaì, coi như để cảm ơn chân tình của cô đôi với cậu khi xưa, mong cô nhận cho và tha thứ cho chuyện không thể đưa cô về kinh, xin cô hãy quên đi lời hứa và hãy quên cậu!

Tịnh Nhi nói một hơi như đọc thuộc bài. Uyển Thanh thì như nghe tiếng sét bên tai, nàng tựa người vào cửa, mắt mở to mà mặt thì lại tái dần. Uyển Thanh thấy đôi chân của nàng như không còn nghe nàng điều khiển... nàng ngã xuống... và "ọc!" một tiếng... Máu từ trong miệng búng ra.

Nàng thiều thào gọi:

- Bội Nhi! Bội Nhi, em ơi!

Bội Nhi đã ở đó nãy giờ, nó đã nghe tiếng gọi, khóc oà, chạy ào đến đỡ lấy Uyển Thanh.

- Tiểu thơ ơi, bình tĩnh lại nào!

Uyển Thanh thở hổn hển và thều thào nói:

- Bội Nhi, em hãy bảo họ mang số bạc ấy cút khỏi nơi đây ngay đi!

Bội Nhi khóc nhưng vẫn bất động. Uyển Thanh lớn tiếng:

- Bội Nhi! em có nghe không?

Bội Nhi sợ hãi đẩy túi bạc đi, nhưng không ngờ nó quá nặng không làm sao đẩy nổi. Bội Nhi lại khóc oà. Tịnh Nhi đứng đấy bối rối và không dằn được sự xúc động, nói cũng khóc, vừa khóc vừa nói:

- Cô ơi cô... cô đừng nên buồn giận... đừng nên ngã bệnh... số bạc kia nếu cô không muốn con sẽ bảo họ mang về.... cô cần phải sống, cần phải giữ gìn sức khỏe... Rồi biết đâu sẽ có ngày tốt lành. Cô ơi cô... cô đừng quá đau khổ... Cô nên biết rằng, con ăn cơm của người ta, người ta bảo sao con phải làm vậy, con chẳng có cách nào hơn...

Tịnh Nhi ấp úng nói, nó lấp lửng là cố tình muốn cho Uyển Thanh biết mình đã làm theo ý lện của mợ chủ.

Nhưng lúc đó Uyển Thanh uẩn ức quá nên không hiểu rõ ý của Tịnh Nhi. Nàng chỉ nghĩ là Tịnh Nhi nói vậy để thanh minh cho vai trò của mình... Tịnh Nhi là người tốt, còn Thế Khiêm quả thật là người bạc bẽo! dễ quên. Nghĩ thế nên máu từ trong miệng nàng lại tuông ra... Chờ đợi, đợi chờ, kết quả của cuợc đợi chờ là thế này sao? Nàng thật đau khổ, phẩn chí.

Bội Nhi ngồi cạnh bên lại khóc và khuyên nhủ Uyển Thanh:

- Tiểu thơ ơi, đừng có đau khổ như thế nữa, xin cô hãy giữ gìn sức khỏe.

Tiếng khóc của Bội Nhi làm nàng lấy lại bình tĩnh, gạt nước mắt nói:

- Tịnh Nhi, khoan đã, hãy đợi ta một chút. Bội Nhi, em hãy đi lấy dùm chị một vuông lụa nhỏ.

Bội Nhi vội vàng đi lấy, trao cho Uyển Thanh vuông lụa nhỏ. Uyển Thanh cắn tay lấy huyết máu đề thơ:

Gió đông độc ác

Làm nát mộng lành

Thổi tan lời thề

Bay vào biển cả

Rồi:

Tương phùng chỉ lúc có nhau

Qua rồi ngoảnh mặt như chưa bao giờ

Đời chỉ khách đa tình khổ lụy

Còn người xưa có nhớ nghĩa xưa

Thôi đành!

Viết xong, Uyển Thanh xếp lại bảo Bội Nhi trao cho Tịnh Nhi. Nàng cắn răng nói:

- Tịnh Nhi, em đem cái này về đưa cho thiếu gia nhà em, nói với ông ấy nếu muốn dứt tình thì ta cũng đành chịu chẳng biết nói thêm gì. Nhưng rồi ta sẽ nhớ, nhớ mãi món hận này. Thôi đi đi! các người hãy mang cả bao bạc kia đi đi!

Tịnh Nhi có miệng mà nói chẳng nên lời, nó nuốt nước mắt cùng hai gã kia mang bạc ra về. Hai gã gia nhân này chứng kiến cảnh thương tâm và cái khẳng khái của Uyển Thanh, đều cảm động, nhưng sợ uy của mợ chủ nên cũng chẳng dám nói gì.

Tịnh Nhi cất chiếc khăn lụa vào người và năn nỉ:

- Xin các người đừng đem chuyện chiếc khăn lụa này nói lại với mợ chủ nhe. Đây chẳng qua chỉ là quà kỷ niệm của Dương cô nương cho cậu để đánh dấu một cuộc tình vậy mà.

Hai gia nhân kia gật đầu thông cảm.

Họ đi rồi còn lại Uyển Thanh và Bội Nhi. Sức nàng đã tàn và lực cũng đã tận. Bội Nhi đỡ nàng lên giường, nàng ngã nhào xuống và lệ cứ mãi rơi. Bội Nhi thương chủ đau khổ, ngồi cạnh bên chỉ biết khóc theo vì bây giờ nó thật không biết nói gì để an ủi chủ của mình.

Cả một đêm dài Uyển Thanh nằm bất động, mắt cứ mở to nhìn lên trần nhà... Đến sáng hôm sau, nàng nói với Bội Nhi:

- Bội Nhi này, em hãy gọi mẹ nuôi đến đây. Chúng ta phải trở về Điệp Mộng Lâu thôi.

- Tiểu thơ...

Uyển Thanh cắt lời Bội Nhi với giọng đầy hận tủi:

- Từ đây về sau sẽ không còn chuyện đàn ông đùa bỡn với tình yêu của chị mà sẽ là ngược lại, hãy đi gọi bà ta đến cho chị!

Và một tháng sau Uyển Thanh trở lại nghiệp cũ ở Điệp Mộng Lâu. Trong khi vợ Thế Khiêm, Tịnh Nhi cùng đám tùy tùng cũng lên đường đến kinh đô.

VietDoll

06-06-2004, 08:20 AM

Trên đường đến kinh, vợ của Thế Khiêm đã nghiêm khắc cảnh cáo Tịnh Nhi là tuyệt đối không được cho Thế Khiêm biết một tí gì về Uyển Thanh. Nó chỉ được báo cáo theo những gì nàng đã dặn dò. Đương nhiên là Tịnh Nhi nhất dạ nghe theo không dám cãi lời.

Vợ của Thế Khiêm tuy là người đàn bà ít học nhưng nhiều thủ đoạn. Có đủ cách để bắt kẻ dưới phải răm rắp nghe theo.

Trước kia ở quê nhà, phía trên còn có Dịch lão gia và lão phu nhân, còn bây giờ trên đường đi thì toàn quyền nàng sanh sát.

Tịnh Nhi chỉ biết tuân lệnh. Có điều ngoài mặt là vậy, nhưng trong lòng nó lúc nào cũng bứt rứt. Cái hình ảnh Uyển Thanh trong lớp vải thô với những sợi bông vải dính đầy người, rồi cảnh nghèo hèn với khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn và đôi mắt đợi chờ của Uyển Thanh. Rồi đến ánh mắt giận dữ, khổ đau, ói ra máu vì uất hận khi nghe Thế Khiêm bạc tình. Cái vuông lụa với huyết thư. Nghĩ đến là Tịnh Nhi thở dài và tự nhủ:

"Thế này là cô ấy không sống nổi đâu".

Và rồi Tịnh Nhi cảm thấy mình tội lỗi vô cùng vì là kẻ đồng lõa với sát thủ. Nó bứt rứt, buồn bã, tự trách mình sao trước đó không mạo hiểm đến Điệp Mộng Lâu tìm hiểu trước. Mà ai biểu cái số là đầy tớ làm chi? Cũng tội Dương cô nưông là con người bạc số. Nếu cô ta ở trong cảnh giàu sang thì hẳn cô đã được đàng hoàng sánh duyên cùng Dịch công tử rồi.

Bây giờ mọi sự đã trở thành chậm trễ, muộn rồi, chẳng làm sao cứu vãn được nữa.

Và rồi, đoàn người cũng về đến kinh thành. Gia đình xum họp. Mọi người rộn rã hẳn lên. Gặp mặt, tiếp đón, hỏi han, sắp xếp chiếm hết phần lớn thời gian. Thế Khiêm thấy trong đám người không có Uyển Thanh, lòng buồn vô cùng. Trước mặt vợ lại chẳng tiện hỏi, chỉ đưa mắt ngầm hỏi Tịnh Nhi, nhưng nó lại cứ gầm mặt hoặc lảng nhìn sang nơi khác, điều đó khiến Thế Khiêm càng bất an.

Đêm hôm ấy cùng vợ ở trong phòng riêng, nàng đã tự động nói trước một cách bình thản.

- Đúng ra thì em đã đưa Dương cô nương lên cùng với em, nhưng bảo Tịnh Nhi đi tìm và tìm mãi không thấy. Nghe đâu cô ta đã đi Hồ Châu, trở lại nghề cũ rồi. Thật tội nghiệp! Sau đó, khi bọn này sửa soạn lên kinh thì cô ấy lại quay về Hàng Châu, trở lại Điệp Mộng Lâu. Nghề cũ quen rồi, khó mà trách cô ta. Thôi thì mặc cô ấy vậy. Gái thanh lâu thường chẳng an phận bao giờ.

Thế Khiêm nghe vậy bán tín bán nghi, gọi Tịnh Nhi đến hỏi thì Tịnh Nhi cũng nói y như vợ của chàng đã nói. Thế Khiêm vừa giận vừa hận, hận nàng sao lại quên đi lời hứa khi xưa, hận chàng sao lại quá dễ tin tưởng những lời thề vô nghĩa kia, chàng hận rồi lại buồn, nhưng không biết thố lộ cùng ai. Trong khi vợ chàng lại rất thông minh thường an ủi chồng:

- Người đẹp trong đời này không khó kiếm đâu chàng. Chầm chậm đi em sẽ tìm một người con nhà đàng hoàng làm thê thiếp cho anh, bảo đảm là sẽ ăn đứt Dương cô nương.

Thế Khiêm không cách nào hơn là trách Uyển Thanh sao lại phản bội chàng như thế, rồi lại trách mình sao lại không thể đứng trước mặt nàng để nói lời cuối. Nhưng rồi công việc trong triều khá bận rộn, vợ nhà mới lên, rồi mọi chuyện cũng gác qua.

Và như vậy chuyện kéo dài thêm nửa năm, vợ Thế Khiêm thấy Tịnh Nhi vẫn giữ kín miệng mồn nên yên tâm phần nào và lơ là cảnh giác. Lại thấy Thế Khiêm chí thú công việc và đang được đề nghị lên chức Biện Tu Viện Du Lâm và tưởng là chàng đã quên Uyển Thanh, mà quả thật Thế Khiêm rất bận rộn nhưng chàng làm là để quên Uyển Thanh, nhờ vậy cơ hội đợi chờ lâu nay của Tịnh Nhi đã đến.

Hôm ấy, Thế Khiêm đi thăm quan khách có dẫn theo cận vệ và cả Tịnh Nhi. Trên đường về chàng lại nhớ còn quên chuyện gì đó nên bảo họ về trước, còn chàng và Tịnh Nhi quay trở lại triều đề hoàn thành việc chàng muốn làm. Vậy là chỉ còn hai thầy trò trên hai con tuấn mã. Tịnh Nhi thấy không còn ai theo dõi, nên đề nghị với Thế Khiêm:

- Gia gia, chúng ta ra ngoại ô dạo một vòng trước có được không?

Thế Khiêm ngạc nhiên hỏi:

- Để làm gì?

Tịnh Nhi cúi đầu nói:

- Con có điều muốn bẩm báo với gia gia.

Thế Khiêm nhìn thái độ của Tịnh Nhi, đã đoán được phần nào sự việc nên lặng lẽ cho ngựa đi trước. Hai thầy trò ra đến Tây Thành. Ngoài Tây Thành là ngoại ô với rừng cây. Bấy giờ là mùa thu nên cả rừng phong đỏ ối. Chủ tớ hai người thúc ngựa vào tận núi. Tịnh Nhi dừng ngựa lại, nhảy xuống, phủ phục ngay trước mặt Thế Khiêm:

- Nô tài đáng chết đã không làm tròn trách nhiệm mà Gia Gia đã giao cho. Nô tài thật đáng chết!

Thế Khiêm xuống ngựa, châu mày hỏi:

- Mi nói vậy là sao? Chuyện gì thế?

- Dạ, chuyện có liên quan đến Dương cô nương.

Thế Khiêm giật mình:

- Sao?

Tịnh Nhi bắt đầu đem hết câu chuyện kể cho Thế Khiêm nghe.

Nó đã kể hết tất cả sự việc từ chuyện Uyển Thanh vẫn ở trong ngôi nhà cũ mỏi mắt trông chờ Thế Khiêm với những khung dệt cùng bụi bông dính đầy. Cái thái độ lúc mới gặp Tịụnh Nhi, nỗi vui mừng rồi nỗi thất vọng đến độ ói ra máu.

Tịnh Nhi lấy trong người ra chiếc vuông lụa đầy chữ dâng lên cho Thế Khiêm. Chàng nghe nói lòng quặn đau, cảm thấy trời đất quay cuồng. Rồi mở vuông lụa ra, tuy huyết máu đã đổi màu, nhưng càng đọc tim chàng càng rỉ máu. Thế Khiêm nắm chặt vuông lụa trong tay, nghiến răng, mắt đỏ ngầu. Chàng thẳng tay táng cho Tịnh Nhi một bợp tay nhá lửa. Tịnh Nhi bị đánh lăn trên đất, nó lồm chồm ngồi dậy phủ phục dưới chân chủ:

- Gia gia, gia gia có giận dữ cứ đánh con, chửi con, nhưng xin người trước mặt phu nhân đừng nói lại những điều này.

Riêng phần Dương cô nương còn ở dưới quê, xin gia gia hãy tìm cách nào đó cứu cô ấy ra càng sớm càng tốt.

Lời của Tịnh Nhi như đánh bật Thế Khiêm. Chàng ngã người tựa vào thân cây già. Chàng ngước mắt lên trời hét to:

- Trời ơi! Trời! Sao ông lại nở bất công thế này?!

Tịnh Nhi khóc theo, nói:

- Gia gia ơi, tất cả lỗi này đều là do nô tài không tốt, nô tài đáng tội chết!

Chàng gục đầu không nói, một lúc sau mới tỉnh táo lại phần nào, chàng xếp bức huyết thư lại, nói:

- Thôi mi hãy đứng dậy. Chuyện này không thể trách ngươi, cũng lỗi là do ở vợ ta và cũng là do số mệnh! Nào bây giờ hãy nói cho ta rõ, có phải là từ lúc ta đi Dương cô nương không có nhận được một đồng nào của gia đình ta, cũng không hề nhận được thư của ta phải không?

- Dạ đúng, nghe nói hai chủ tớ của cô ấy chỉ sống bằng tiền dệt và thêu vải. Lúc con về đến, tất cả đồ đạc trong nhà sạch trơn.

Thế Khiêm chảy nước mắt:

- Tội Nghiệp cho nàng, phải ngậm đắng nuốt cay suốt mấy năm nay. Và bây giờ Dương cô nương đã trở về Điệp Mộng Lâu rồi?

- Vâng, đúng vậy.

Thế Khiêm đứng suy nghĩ thật lâu chẳng nói năng gì. Chàng đưa mắt về xa xa, rồi từ từ nói:

- Vậy là cô ấy vẫn còn sống, đúng không?

- Dạ đúng vậy.

Thế Khiêm gật đầu:

- Nếu vậy, chúng ta quay về phủ đi. Đến nơi ngươi không nên nói năng gì về chuyện này nghe không?

- Dạ, đội ơn gia gia.

Và rồi, sáng hôm sau, Thế Khiêm thảo tờ đơn, lấy lý do là song thân đã già yếu, chẳng ai chăm sóc trong ngoài, nên xin được từ quan trở về quê chăm nom cha me.! Hoàng thượng rất mến mộ chàng nên không cho từ quan, chỉ đặc cách cho chàng được về quê thăm cha mẹ ba năm, sau đó phải trở lên triều tiếp tục làm quan giúp đỡ triều đình.

Thế Khiêm về phủ là chuẩn bị hành lý, vợ chàng ngạc nhiên hỏi:

- Em vừa lên kinh không bao lâu mà chàng đã xin phép về quê, thế này là thế nào??

Thế Khiêm giận dữ nhìn vợ, hỏi lại:

- Em có biết bốn chữ tam tòng tứ đức là gì không? Anh muốn về quê, còn em... em không muốn thì cứ ở lại đây!

Vợ của Thế Khiêm nghe vậy sợ hãi, không dám cãi lời hoặc hỏi thêm gì cả.

Bên bờ Tây Hồ, dương liễu một lần nữa lại xanh.

Uyển Thanh bây giờ đã trở về nghề cũ đến nay đã đầy nửa năm. Tên tuổi của nàng còn vang dội hơn xưa. Đó là nhờ khi từ lúc trở về Thanh đã cởi bỏ cái lớp áo kiêu sa thủ tiếc, nàng đã buông lơi tất cả và luôn trữ tình như một cánh bướm, khiến khách mày râu phải đảo điên vì nàng. Tài sắc vẹn toàn, nào là tài cầm kỳ thi họa, tửu đều có đủ, hỏi gái thanh lâu nào còn theo kịp. Sự quyến rũ của nàng làm biết bao mệnh phu. phu nhân ghen tức.

Uyển Thanh trở thành một danh kỹ ở Hàng Châu. Nàng sống là chỉ để trả thù bọn đàn ông quên ân phụ nghĩa. Và lúc đó, Dịch Thế Khiêm từ kinh đô trở về.

Tối hôm ấy tại Điệp Mộng Lâu đám gia nhân vào bẩm báo.

- Có Dịch công tử đến!

- Dịch thiếu gia đến!

Uyển Thanh đang tiếp khách trên lầu, đó là những thương gia lắm tiền nhiều bạc, đang cười nói vui vẻ thì nghe bên ngoài ồn ào, sau đó lại nghe ba tiếng "Dịch thiếu gia" lọt vào tai, nàng ngẫn người ra, hỏi:

- Dịch thiếu gia nào vậy?

Bội Nhi vội vã chạy ra rồi chạy vào nói:

- Là Dịch Thế Khiêm!

Uyển Thanh tái mặt. Cơn uất nghẹn đang dâng lên cổ, nhưng rồi lấy lại bình tĩnh, nàng cười nói:

- Thì em hãy ra mời Dịch thiếu gia vào chung vui!

Bội Nhi chạy ra cũng thản nhiên nói:

- Dịch thiếu gia, tiểu thơ nhà tôi mời công tử vào chung vui.

Thế Khiêm lòng trăm mối. Buồn vui có, không để ý đến ngoại cảnh. Vừa nhìn thấy Bội Nhi là vui mừng gọi:

- Bội Nhi!

Bội Nhi giả vờ không để ý hoặc nghe gì cả, bỏ đi vào trong. Thế Khiêm chỉ còn biết đi theo vào. Vừa đến nơi thì chàng đã sững sờ, Uyển Thanh trong bộ áo màu đỏ kiêu sa bó sát thân, đang ngồi trên đùi một ông khách, tay nâng ly rượu và miệng cười lả lơi. Màn kịch đó làm Thế Khiêm súyt ngất. Chàng vội lùi ra sau mấy bước, nhưng chưa kịp bao xa thì Uyển Thanh đã trông thấy, nàng liếc nhanh về phía chàng nói:

- Dịch thiếu gia, mời vào chung vui. Bội Nhi em, hãy gọi Mộng Châu ra đây, để hầu rượu cho công tử, nghe không?

- Vâng...

Thế Khiêm không rút lui, liền nói nhanh với Bội Nhi:

- Nếu tiểu thơ em có khách thì thôi, để tôi qua ngồi phòng bên chờ vậy.

Uyển Thanh bước tới gần Thế Khiêm, lấy tay kéo Thế Khiêm lại, giả vờ nói:

- Làm vậy coi sao được? Ai lại không biét Dịch thế gia đây là tân khoa tiến sĩ, mà đến đây quả là "phước phần" cho chúng tôi. Không thể để chờ được. Phải được tiếp đón ngay. Nào Bội Nhi, em hãy mang rượu ra đây mừng Dịch công tử ba chung!

Thế Khiêm châu mày, lòng đau như cắt. Trong hoàn cảnh này, có lời cũng không thể nói được. Trước mặt chàng Uyển Thanh càng ra sức lả lơi, bọn khách được một dịp mê tít. Uyển Thanh như con thoi, từ tay người khách này đến khách kia rồi mới có rượu đến tay Thế Khiêm. Nàng ép chàng uống cạn ba ly, bản thân nàng cũng uống khá nhiều rượu. Uống xong lại cười một cách lả lơi. Thế Khiêm ngồi đó mà như ngồi trên lửa đỏ. Nhưng chàng biết là phải dằn lòng, phải bình tĩnh. Chàng lặng lẽ ngồi nhìn Uyển Thanh. Nàng như chú ý về cái nhìn của Thế Khiêm nên càng lả lơi hơn, lòng Thế Khiêm càng đau, càng hối hận.

Cuối cùng đám khách kia cũng say khướt, lại biết thân thế của Thế Khiêm không phải vừa, nên họ đều rút lui cả.

Tiệc tan, trong phòng còn lại Uyển Thanh, Bội Nhi, và Thế Khiêm. Uyển Thanh ra hiệu cho Bội Nhi, nó nhìn rồi đến trước mặt Thế Khiêm nói thật bình thản:

- Dịch thiếu gia có cần ở qua đêm không? cứ cho biết. Nếu muốn thì theo lệ cứ để tiền lại, chúng ta có thể tính giá cả rõ ràng. Thiếu gia có mang theo tiền chứ?

Thế Khiêm hết nhìn Bội Nhi rồi nhìn Uyển Thanh. Miệng như nghẹn lại, không nói được gì. Một lúc sau chàng mới quay mặt ra ngoài cửa, gọi thật to:

- Tịnh Nhi!

Tịnh Nhi vội bước vào.

Thế Khiêm giận dữ nói:

- Hãy nói sự thật cho Dương cô nương biết, lần trước ta sai mi về quê để làm gì?

- Dạ để đón Dương cô nương về kinh.

VietDoll

06-06-2004, 08:20 AM

Tịnh Nhi vừa nói xong, nó qùy xuống trước mặt Uyển Thanh mang hết tất cả sự thật kể lại, bao gồm cả chuyện nhà gởi thư lên dối với Thế Khiêm về Uyển Thanh, không có cách nào để liên lạc cùng nàng nên Thế Khiêm đã cho nó về dò la tin tức, rước Uyển Thanh lên kinh thành nhưng không ngờ bị thiếu phu nhân bày kế bắt nó phải mang tiền đến cho Uyển Thanh không phải để giúp đỡ mà để hủy ước, lại cho hai người tâm phúc đi theo giám sát.

Tịnh Nhi trình bày rõ ràng vợ của Thế Khiêm đã mưu mẹo thế nào để bắt chẹt nó phải làm theo, đã dùng mọi thủ đoạn để phá vỡ cuộc tình của Uyển Thanh vời chồng cho bằng được.

Uyển Thanh càng nghe càng tái mặt đi, nàng lùi lại trừng mắt nhìn Tịnh Nhi:

- Những lời mi nói hoan toàn là sự thật?

Tịnh Nhi vừa khóc vừa nói:

- Con xin bảo đảm là chẳng điều gì gian dối cả, tội con thật đáng chết.

Nhưng Uyển Thanh đã quay lại nhìn thẳng vào mắt Thế Khiêm:

- Không, ta không tin! đây là vở kịch các người dựng lên để lừa dối ta một lần nữa.

Thế Khiêm nhìn Uyển Thanh vừa đau khổ vừa chua xót. Chàng nghẹn lời nói:

- Nấu không phải là sự thật, thì tại sao anh vừa được thăng chức Biện Tu ở viện hàn lâm thì phải từ quan trở về đây là gì? Nếu không phải là sự thật thì tại sao lúc cho người về rước gia đình, anh không chọn ai mà lại chọn Tịnh Nhi? Uyển Thanh! Uyển Thanh, em hãy suy nghĩ kỹ đi rồi hãy bắt tội anh.

Uyển Thanh đứng lặng, đứng như vậy thật lâu, chẳng một chút phản ứng nào cả. Rồi nàng cúi đầu nhìn xuống, bộ quần áo sặc sỡ của nàng, bất giác nàng đưa tay lên chận ngực, run rẩy, rồi khóc lớn, tiến khóc thật to, thật thảm thiết, uất hận thảm sầu. Thế Khiêm bước tới ôm chầm lấy Uyển Thanh cùng khóc với nàng. Bội Nhi và Tịnh Nhi đứng đó cũng khóc theo.

Tiếng khóc ngập đầy cả phòng. Rất lâu, rất lâu sau đó Uyển Thanh mới nguôi ngoai một chút. Bội Nhi mang nướcđến cho nàng rửa mặt. Rửa xong, Uyển Thanh vào trong thay áo, sửa soạn lại, rồi bước đến ngơài trước mặt Thế Khiêm, thở dài nói:

- Có lẽ là... Định mệnh đã quá khắt nghiệt với chúng ta.

Thế Khiêm ứa lệ nhìn nàng. Chàng thật ngạc nhiên vì qua bao năm sóng gió, đau khổ vậy mà Uyển Thanh không già mà càng lúc càng lộng lẫy. Thế Khiêm đấy đối nhìn nàng để bù lại bao nhiêu năm xa cách nhớ nhung. Chàng nắm lấy tay nàng, ân cần an ủi:

- Uyển Thanh, thôi em đừng buồn nữa, dù gì những ngày tháng cũ đó cũng đã qua rồi, từ đây về sau chúng ta sẽ làm lại tất cả.

- Làm lại được sao anh? Uyển Thanh lẩm bẩm, ánh mắt xa vời - Anh có biết bây giờ em là gì không? cái tên tuổi xấu xa kia đã làm cho con người em hoen ố rồi anh ạ!

Thế Khiêm nói:

- Anh không lưu tâm điều đó, và từ đây không còn một thế lực nào có thể chi cách chúng ta!

- Anh thật vẫn còn yêu em?

- Vâng, lúc nào cũng rất yêu em.

Uyển Thanh nhìn Thế Khiêm với cái nhìn rạng rỡ nhưng lại ẩn chứa buồn phiền. Nàng cười ngọt ngào, hạnh phúc nhưng cũng đầy ấp đắng cay. Uyển Thanh lại hỏi:

- Anh không khinh thường em sao? Anh có biết Dương Liễu Thanh Thanh ngày nay đã là liễu tàn nhụy rữa rồi chăng?

- Nhưng trong trái tim anh, em bao giờ vẫn sống mãi. Bây giờ em bị đưa đến mức này cũng là lỗi do anh chứ nào phải lỗi ở nơi em. Nếu anh có được sự sắp xếp tốt ngay từ đầu thì đâu ra nông nỗi.

- Chuyện này cũng nào đâu phải lỗi của anh.

Thế Khiêm dứt khoát nói:

- Sáng mai, anh sẽ đích thân đưa em về nhà.

Uyển Thanh cười buồn, cái cười buồn bã thê lương, nàng nói:

- Lời chân tình của anh làm em còn biét nói gì hơn nữa.

Uyển Thanh như lấy lại tinh thần, như lấy lại được sức sống. Nàng vui vẻ hẳn lên, đứng dậy ra lệnh cho Bội Nhi mang rượu vào và mang đàn đến cho nàng.

Rượu mang ra, hai người đối ẩm cùng nhau. Uống để quên hết quá khứ đau buồn, uống cho tương lai tốt đẹp. Nói chuyện véo von âu yếm.

Uyển Thanh cười thật tươi với chàng nói:

- Có rượu chẳng thể thiếu tiếng đàn. Vậy thì để thiếp đàn hát cho chàng nghe một bài, vì lâu lắm rồi thiếp chưa được hát thật lòng như hôm nay.

Ôm đàn tì bà lên, nàng suy nghĩ một lát rồi cười tiếp:

- Chàng còn nhớ lúc xưa, chúng mình từng có lời ước hẹn mùa liễu xanh không? không ngờ thắm thoát mà liễu đã thay lá sáu lần, còn thiếp thì đã tàn tạ quá rồi.

- Đừng có nói bậy, em vẫn là liễu xanh của anh.

- Anh còn nhớ bài Chương Liễu Đài không?

Thế Khiêm liền gật đầu:

- Dĩ nhiên là nhớ. Đó là một điểm tích kể lại ngày xưa Hàn Vũ có một ái cơ là Liễu Thị, vì chuyện binh bị loạn lạc nên phải xa nhau, họ Hàn cho người đi tìm, làm một bài từ có nhan đề là "Chương Liễu Đài" trong đó có đoạn "Chương đài liễu, Chương đài liễu, ngày trước xanh tươi giờ có còn? hay đã lọt vào tay người khác đoạt" phải không? Nhưng sao em lại nhắc vê bài hát đó? Uyển Thanh! ý của em là...

- Không có gì cả, anh đã biết chuyện "Chương Liễu Đài" rồi, thì hôm nay em xin đàn hát cho anh nghe một bài "Tây Hồ Liễu" nhé.

Tây Hồ liễu, Tây Hồ liễu

Xanh lá vì ai, ai có biết?

Lá xanh hoài suốt cả năm năm

Tiếc rằng người ra đi chẳng lại

Tây Hồ liễu, Tây hồ liễu

Trước quá xanh tươi, giờ tàn tạ,

Liễu vẫn còn đây

Nhưng của mọi người...

Hát xong, nàng đặt đàn xuống, đưa mắt nửa cười nửa khóc lặng lẽ nhìn Thế Khiêm. Chàng nghe lời hát, nhìn vào ánh mắt của nàng, không hiểu sao lại thấy lạnh người.

Chàng vội vã chụp lấy tay nàng xiết chặt, âu lo nói:

- Uyển Thanh! tại sao trong ngày trùng phùng của đôi ta, em lại hát bài hát bi ai như thế? Em đã nghĩ gì? chẳng lẽ em không còn tin ta ư? Nghĩ là ta khinh thị em? Trách em? Uyển Thanh ơi, sáu năm chia ly, bây giờ mới gặp lại, tất cả những khổ đau ngày cũ đã qua rồi, bây giờ là giờ phút chúng ta hưởng được hạnh phúc. Anh hứa với em, bảo đảm với em là chúng ta sau này sẽ dựng lại hạnh phúc vững bền. Uyển Thanh, em tin anh không?

Uyển Thanh cười buồn, nhìn Thế Khiêm, rồi cúi xuống mân mê tà áo, nói:

- Anh nói vậy chứ gia đình anh, liệu họ bây giờ có chấp nhận em không? Nhất là tên tuổi bây giờ của em đã nhơ nhớp thế này. Liệu gia đình chấp nhận chăng?

- Anh sẽ không để cho em chịu một sự dằn vặt nào nữa. Anh sẽ không để họ bức hiếp em! Anh sẽ xây một tòa nhà ở cạnh Tây Hồ này. Một ngôi nhà khang trang bề thế, trong vườn sẽ trồng đầy các loài dương liễu, và sẽ đặt tên cho nó là "Thanh Thanh Viên". Anh và em sẽ sống ở đấy, cả ngày chúng ta ngâm thơ vịnh nguyệt, bơi thuyền trên hồ, sống kiếp thần tiên. Rồi sau khi mãn hạn nghỉ phép, anh sẽ đưa em về kinh đô.

- Thế còn vợ chánh của anh?

Thế Khiêm nghe nhắc đến vợ mình, nét mặt giận dữ:

- Bà ấy muốn làm gì thì làm. Tình nghĩa vợ chồng của anh với bà ta đã cạn kiệt rồi!

Uyển Thanh an ủi:

- Anh không nên nói vậy! anh không nên cắt đứt tình nghĩa vợ chồng giữa anh và chị ấy! chúng ta không thể nào trách chị ấy được, vì thương chồng nên chị ấy mới ghen...

- Thôi! em đừng nói tốt cho bà ta nữa. Anh dứt tình không phải vì sự ghen hờn của bà ta mà là những thủ đoạn mà bà ta đã dùng!

- Thế còn cha mẹ của anh? chẳng lẽ vì một cô gái thanh lâu mà anh phải lỗi đạo làm con?

Uyển Thanh không đợi Thế Khiêm trả lời, nàng cười thật hiền hòa, nói:

- Thôi kệ đi, chúng ta đừng nói gì đến chuyện đó nữa. Vì lần này thì em đã tin là anh sẽ sắp xếp mọi việc thỏa đáng. Em tin anh và sẽ chờ đợi. Nào bây giờ mình cạn thêm ly nữa đi anh.

Uyển Thanh lại rót đầy một ly đưa cho Thế Khiêm. Chàng bắt đầy say, bắt đầu buông lơi những lo âu và nắm lấy tay nàng, cùng cười vui vẻ. Họ cùng nhau khóc, cùng nhau cười, cùng nhau nâng ly....cuối cùng cả hai cùng say. Mà khi Uyển Thanh say thì đôi má càng hồng, mắt càng long lanh. Nàng hát:

Ân cần nâng ly

Rượu kia chưa uống má đã hồng

Dưới bóng trăng già dương liễu rũ

Quạt nồng ấm lạnh lời ca vang

Từ ly biệt mong ngày tái ngộ

Mộng tương phùng, rồi lại có nhau

Đêm nay hãy uống tàn ly rượu

Để thấy tương phùng chỉ mộng thôi!

Đêm đã khuya... Đêm Xuân thường ngắn, tiệc rượu hay :Dng tàn. Uyển Thanh lấy tay Thế Khiêm, bịn rịn nói:

- Thế Khiêm, cuộc trùng phùng hôm nay, em không biết là thật hay mơ, nhưng sống ở đời miễn có được một người tri kỷ, là có chết cũng vui cười. Nói chi một gái thanh lâu như em, có được người yêu quý như anh thì coi như kiếp này đã mãn nguyện lắm rồi.

Thế Khiêm không vui, nói:

- Tại sao lại nói những điều đau đớn trong lúc này?

Uyển Thanh vội vã giả lả:

- À, không phải, chỉ bởi vì hôm nay em quá vui thôi. Bây giờ anh hãy ở đây chờ em, để em vào phòng ngủ sửa soạn chăn màn, song sẽ mời anh vào.

- Không sao, em bảo Bội Nhi chuẩn bị cũng được, cần gì phải đích thân em đi làm?

- Không được anh ạ, em muốn đích thân làm chuyện đó!

Nói xong, nàng nhìn Thế Khiêm thật lâu, rồi cười với chàng một nụ cười thật âu yếm chứa chan tình cảm, rồi quay người đi vào trong.

Thế Khiêm ngồi ở phòng ngoài chờ thật lâu, mà bên trong vẫn không nghe động tịnh gì. Lúc đầu chàng nghĩ có lẽ là sau khi sắp xếp chăn màn xong, Uyển Thanh đã phải thay áo rồi chải tóc... Thế Khiêm muốn mọi chuyện từ đây về sau hoàn toàn tốt đẹp nên không quấy rầy nàng... Nhưng chờ đợi lâu quá nên thấy lo lắng, rồi đâm ra nghi ngờ. Thế Khiêm đứng dậy lớn tiếng gọi vào trong:

- Uyển Thanh!

Bên trong vẫn yên lặng. Bội Nhi nghe tiếng gọi của Thế Khiêm, hớt hãi chạy vào.

- Chuyện gì vậy công tử?

- Uyển Thanh ở trong đấy lâu quá! ta thấy rất lo...

Thế Khiêm vừa nói vừa bước tới đẩy cửa. Nhưng cửa bên trong đã khóa, linh tính cho chàng biết là có chuyện không hay. Chàng đập cửa hét to:

- Uyển Thanh! Uyển Thanh!

Bên trong vẫn không tiếng trả lời. Bội Nhi sợ hãi liền bảo thêm mấy người đến phá cửa. Cửa mở. Mọi người nhìn thấy Uyển Thanh treo cổ trên đà cao. Chiếc ghế đã ngã. Bên trên bàn có một mảnh giấy, trên đó viết mấy chữ thảo nhanh.

Thân đà hoen ố

Chẳng thể hầu chàng

Chỉ còn cái chết

Để báo tri ân.

Mọi người vội vàng mang ghế đến kéo Uyển Thanh xuống, khi mọi người đỡ Uyển Thanh xuống, nàng đã tắt thở tự bao giờ.

Thế Khiêm cầm mảnh giấy trên tay, đó là những lời sau cuối của đời nàng, chàng quỳ xuống bên nàng không khóc không nói gì cả. Mọi thứ với chàng bây giờ là khoảng hư vô.

Bội Nhi khóc nức nở bên cạnh xác chết của Uyển Thanh. Tịnh Nhi cũng có mặt ở đấy, nó nhìn chầm chầm vào xác của Uyển Thanh.

Ba ngày sau, Thế Khiêm an táng Uyển Thanh bên bờ Tây Hồ.

Trước khi hạ huyệt thì Bội Nhi chạy đến bên quan tài, nghẹn ngào nói:

- Tiểu thơ, Bội Nhi sẽ theo hầu hạ cô mãi.

Vừa nói xong, Bội Nhi đập đầu vào quan tài tự vận chết theo cô chủ.

Thế Khiêm chỉ còn biết thở dài:

- Nào có ai ngờ ở chốn thanh lâu lại có kỳ nữ như Uyển Thanh, cũng chẳng có ai ngờ thêm một nô bộc trung thành như Bội Nhi.

Lúc làm lễ an táng những người đã chết, Thế Khiêm không khóc, cũng không lộ vẻ gì là xúc động. Chàng rất bình thản, chôn hai chủ tớ trong một nấm mồ. Trước mộ, Thế Khiêm trồng một cây liễu nhỏ vớ tấm mộ bia.

Trên bia chẳng viết gì cả ngoài bốn chữ "Dương Liễu Thanh Thanh".

Sau ngày mai táng chủ tớ của Uyển Thanh được hai hôm, Thế Khiêm và Tịnh Nhi chẳng biết vì sao đi đâu mất tích. Dịch Phủ đã huy động người đi tìm họ khắp bốn phương mà vẫn tìm không được.

Có người nói thấy hai thầy trò Thế Khiêm đã vào chùa tu, nhưng người của Dịch Phủ tìm khắp mọi chùa mà vẫn tìm không thấy. Cũng có người nói thầy trò Thế Khiêm đã vào chốn rừng sâu bí hiểm. Nhưng thế gian này có biết bao là rừng núi, biết tìm nơi đâu?

Tóm lại là từ đó về sau Thế Khiêm đã không quay về nhà.

Và người cha già từng mơ ước con mình phải trở thành rồng đã phải mất con. Cũng như người đàn bà hiểm độc muốn độc chiếm chồng đã từ đó phải sống kiếp một người quả phụ bất đắc dĩ.

Trên đời này, những chuyện như vậy rất thường xảy ra, bạn không thể nói là họ làm vậy là đúng hay sai. Nhất là khi bạn ở vào cái thời buổi khác thời cũ. Đúng, Sai? chẳng biết! có điều bi kịch hay xảy đến như thế.

Ngày qua ngày, năm thêm năm, thời gian xóa mờ đi chuyện cũ. Ký ức cũng không rõ ràng. Rồi người ta cũng dần quên nàng con gái mang tên Dương Uyển Thanh và quên cả mối tình đẫm lệ đó. Riêng các hàng liễu bên bờ Tây Hồ thì cứ mãi thay lá. Nấm mộ và chiếc bia theo thờí gian chẳng được người chăm sóc nên đã chìm sâu giữa đám lau sậy cao và sau đó lặn mất. Bây giờ chẳng ai còn biết nó nằm ở đâu. Chỉ biết là, cách bờ hồ một khoảng gần đoạn mười tám suối Cửu Khê có một cây liễu thật lạ lùng. Ngày tháng trôi đi, nó không hề rụng lá, mà mãi mãi xanh biếc tốt tươi!

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top