read at your own risk.

The name refers to an inside joke - You wouldn't get it, even if you try.

    Bạn có bao giờ tự hỏi lợi ích của việc có thể nói hai ngôn ngữ là gì chưa?

    Dĩ nhiên tôi có thể tưởng tượng rõ nét phản ứng bất ngờ của bạn:

    "Lợi ích của việc nói hai ngôn ngữ á? Sao nó nghe cứ như câu hỏi tu từ vậy? Có cái gì không phải là lợi ích của việc nói hai ngôn ngữ một cách lưu loát đâu chứ?"

    Và ừ, tôi hiểu, nhưng ý của tôi chắc chắn là như thế mà, không nhầm vào đâu được. Việc có thể nói hai ngôn ngữ, cộng thêm việc một trong hai ngôn ngữ đó là tiếng Anh, thứ tiếng phổ biến nhất trên toàn thế giới, có nhiều lợi ích không thể chối cãi trên nhiều phương diện trải dài gần như suốt cuộc đời.

    Thế nhưng, như hầu hết mọi thứ trên đời, nếu như bạn nhìn vào nó đủ lâu và nghiên cứu nó đủ nhiều, bạn sẽ nhận ra nhiều vấn đề hơn bạn tưởng tượng - những vấn đề điên rồ và tào lao không thể ngồi không mà hình dung ra được.

    Nên để nói lại cho rõ thì bản thân tôi coi việc có thể nói hai ngôn ngữ, ở một mức độ nào đó, giống một lời nguyền hơn là món quà.

    Vấn đề lớn nhất và thường thấy nhất là việc ai đó nói cả hai thứ tiếng trong một câu, gây khó chịu cho người nghe và khiến cậu ta trông như một thằng khốn khoe mẽ. Đôi khi người nghe không thuần thục ngôn ngữ ấy đến mức đó, khiến cho bạn trông như một thằng đang khoe đôi giày chạy bộ mới với người bị liệt bán thân, hay trong vài trường hợp hi hữu hơn, người nghe vẫn hiểu, nhưng lại khó chịu vì việc nói cả 2 ngôn ngữ như thế là "không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt."

    Sự thật là nếu việc chêm vài từ tiếng nước ngoài vào trong câu theo thói quen có thể được khắc phục triệt để bằng cách nói chậm lại và suy nghĩ kĩ mình định nói gì trước khi mở mồm - cái đấy thì dễ rồi. Nhưng nếu nó là sự cố tình thì sao? Một hiện tượng mà tôi đặt tên theo câu thành ngữ tiếng Anh: "Ignorance is bliss" có thể được giải thích hoàn hảo bằng chính câu thành ngữ ấy, hay tương đương trong tiếng Việt là "Điếc không sợ súng". Tôi cho rằng vì ngôn ngữ thứ hai của chúng ta không phải tiếng mẹ đẻ, cũng như vì ta không sống trong một xã hội sử dụng ngôn ngữ ấy từ bé, nên nhận thức của ta về một số câu hay từ có thể không đúng lắm, nhưng đó lại chính là mấu chốt. "Ignorance is bliss" nói về cái hay của việc không biết, sống an lạc trong sự không biết và không hiểu, một phần tích cực nho nhỏ, trong khi "Điếc không sợ súng" lại nói về sự ngu dốt và thiếu hiểu biết, mù quáng hành động...

    Hay là không nhỉ?

    .......

    ...

    Đó chính là vấn đề đấy.

    Tôi không phải nhà ngôn ngữ học, và bạn cũng vậy. Mỗi cá nhân đều có cách sử dụng và hiểu riêng của cách và trường hợp sử dụng của một từ nào đó, hay thường thấy hơn trong cách hiểu một câu thành ngữ, tục ngữ, gồm nhiều từ có vẻ chả ăn nhằm vào nhau được ghép lại với mục đích ẩn dụ một ý nghĩa sâu sa nào đó. Và nhìn chung thì nội dung của 2 câu trên có thể giống nhau, nhưng khác biệt quan trọng nhất là sắc thái biểu đạt của nội dung ấy, một phần rất quan trọng trong việc giao tiếp. Vì ta thật sự không thể hiểu được ngôn ngữ thứ 2 rõ như tiếng mẹ đẻ, nó cho ta một sự thoải mái nhất định về cách dùng từ, chính xác như câu nói "Ignorance is bliss".

    Không những vậy, tiếng Anh đã tồn tại đủ lâu đề loại ra nhưng thứ dư thừa và cho thêm những từ cần thiết để vô số con người trên khắp các thuộc địa của họ có thể giao tiếp với nhau thừa sức cho bạn từ bạn muốn và 80% thời gian nó sẽ hay hơn tiếng Việt ở mặt nào đó. Một ví dụ hay hay cho trường hợp này là hai từ "you" và "love". Bạn có thể từng nghe rồi, "you" trong tiếng Anh là một đại từ có thể đại diện cho bất kì cá nhân nào, thậm chí cả con chó nữa, thay vì phải gọi cô dì chú bác,... Trường hợp còn lại là "love", một từ khác bao hàm rất nhiều nghĩa trong tiếng Việt như yêu, quý, thương,... Và cứ cho là tôi là một thằng nhát chết vì không dám nói với một đứa con gái là "Mình thích bạn." hay "Tao quý mày, bro." với thằng bạn đi, nhưng nói "I love you" với một đứa con gái và "I love you bro (no homo)" với thằng bạn dễ hơn nhiều, vì nói mấy từ ấy trong tiếng Việt khá là gai mồm. Có lẽ sẽ đến ngày tôi trưởng thành và nhận ra từng từ ngữ ấy quan trọng ra sao, nhưng có lẽ tới lúc đó tôi đã tìm được lý do để chuồn sang nước nói tiếng Anh rồi.

    À, và ai đó sẽ nói tiếng Việt cũng có nhiều từ đẹp và hay chứ, công nhận. Nhưng những từ đó kém phổ biến và nghe kì cục trong một cuộc trò chuyện bình thường đến nỗi nếu bạn mà dùng nó thì người ta sẽ đánh giá bạn thay vì thưởng cho bạn hoa điểm 10 đấy.

    Một tác dụng phụ nho nhỏ là chửi thề trong tiếng nước ngoài sướng hơn nhiều, cũng là vì nhìn chung chửi thề chỉ tốn cỡ 0,25 giây thôi và bạn làm gì có thời gian và hơi sức đâu mà ngồi suy nghĩ xem thứ mình nói có nghĩa gì trong tiếng Việt. Dĩ nhiên nếu bạn dành ra một lúc thì bạn sẽ sớm nhận ra có nhiều từ kinh khủng hơn khi dịch ra nhiều, nhưng đó là nếu, và vấn đề đạo đức của việc chửi thề cũng trôi theo con chữ ra khỏi đầu bạn luôn, nên ít ai ngồi suy nghĩ mấy chuyện dở hơi đó lắm.

    Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, tôi không ghét bỏ gì tiếng Việt (nếu nãy giờ tôi có tạo ấn tượng như thế). Vấn đề là dù có hơn kém thứ tiếng nào đi chăng nữa thì đó vẫn thứ tiếng mẹ đẻ của mình mà chỉ bằng cách yêu quý và trân trọng nó ta mới có thể gọi tên của những người mà ta quan tâm và mang ơn. Hơn nữa, nó còn là thứ tiếng đã ru tôi ngủ qua những câu chuyện cổ tích, nuôi dạy tôi trở thành một người như hôm nay để ngồi đây nói lăng nhăng - thế nên nói nữa thì mình lại rác rưởi quá.





    Cuối cùng thì, dù có là một thằng khốn nhát chết đi chăng nữa thì phải có lúc mình gom đủ dũng khí để mà nói "Mình thích bạn." chứ.

    Đúng không?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top