#4: Thông cảm? Hay là Thương hại?

 Lướt Facebook, Twitter, các loại mạng xã hội khác. Được tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội. Nghe bọn họ "kể khổ về số phận đầy bất hạnh của mình". Có một điều làm nó cảm thấy khá là... thú vị.

Nói sao nhỉ, tóm gọn lại thì... chẳng ai thích bị thương hại, đúng không?

Ấy mà có một số người sẽ làm đủ mọi cách để nhận được sự "thương hại" của những đối tượng lắng nghe đấy.

Khoan đã...

Tại sao lại là thương hại? Theo những gì được viết trong sách vở, thì chúng ta chỉ kể khổ để làm cho những tâm sự, những cảm xúc tiêu cực được trút bớt, để nhận được sự thông cảm, thấu hiểu và giúp đỡ từ đối tượng lắng nghe chứ nhỉ.

Nhưng nó nhìn không sai tí nào đâu.

Mặc dù đúng là những người đấy muốn tìm đến một sự "cảm thông", những lời an ủi đấy. Cơ mà, có vẻ họ hơi bị nhầm lẫn rồi...

Những loại người đó khi trút bầu tâm sự, con bé thấy rằng, họ khá là để ý đến biểu cảm của người nghe. Như kiểu "khổ chủ" đang mong đợi một điều gì đó trong thái độ phản hồi của đối tượng vậy.

Khi mà thấy những cái gật đầu "thông cảm"? Họ sẽ rất vui vẻ mà kể tiếp, một số còn có vẻ khá tự hào về cái sự người ta phải sống trong sự tra tấn, dày vò về mặt thể chất hay tinh thần hay là cả hai, mà xui xẻo lắm mới phải chịu.

Còn nếu người nghe đang lắng nghe thật sự, không phản ứng gì? Đa số sẽ ngượng ngùng mà lái sang chuyện khác. Một số thì bật sang chế độ "kẻ đáng thương", cố lấy cho bằng được sự thương hại thì thôi (Nhưng con bé sẽ kể về loại người này sau. Bọn họ cũng thú vị không kém đâu.)

Nhưng tại sao ngay từ đầu lại có chuyện nhầm lẫn như vậy?

Khi trong trái tim đã hằn sâu quá nhiều vết sẹo, chịu không biết bao nhiêu nỗi đau, đến cái cùng cực giới hạn sức chịu đựng của bản thân, con người mới vươn tay ra cầu xin một sự cứu vớt, một sự chia sẻ để tâm trí họ được thanh thản hơn.

Lúc đó là lúc con người "muốn được lắng nghe, được thấu hiểu, được làm "trung tâm" của sự chú ý từ những người xung quanh"

Cả hai đều phục vụ cho các nhu cầu cơ bản đó.

Tuy nhiên, "Thương hại" đơn giản là cho đi tình thương của mình tới đối phương nhằm xoa dịu những cảm xúc tiêu cực đang hiện hữu trong lòng họ. Nhưng vấn đề ở chỗ là tình thương đó lại xuất phát từ sự "tội nghiệp" cho "cảm xúc" hiện hữu ngay bên ngoài, không phải là những tâm trạng thực sự cần được thấu hiểu ẩn sâu dưới những câu nói.

"Nghe mà không hiểu", thật sự rất giả tạo, đúng không? Vì thế nên chẳng ai thích bị thương hại. Cũng do đó mà có một số người vẫn cứ luôn ôm hết mọi tâm tư vào trong lòng, vì họ không muốn đáp lại những nỗi khổ tâm đã luôn dày vò mình bấy lâu lại chỉ là những câu động viên sáo rỗng.

Cho nên điều đó sẽ chỉ làm cho khổ chủ lún sâu hơn vào cái vũng lầy lội tuyệt vọng trong tâm hồn mình hơn, và càng khao khát nhiều sự thương hại hơn thôi. Những tình thương hời hợt ấy đâu thể lấp đầy khoảng trống rỗng trong tâm trí họ, đâu thể làm cho cảm giác đau đớn từ vết sẹo tâm hồn biến mất?

Ngược lại, "Thông cảm" là khi ta thực sự muốn lắng nghe, muốn thấu hiểu lời nói của ai đó, và tình cảm ẩn thật sâu dưới những câu nói ấy, những thứ mà không đơn thuần chỉ là nghe mà có thể hiểu được.

Chỉ cần một chút thấu hiểu thật lòng, ta có thể cứu được một người đang bên bờ vực của việc tự kết liễu chính mình, vì những vết thương lòng ấy đã được xoa dịu đi, vì ngay cái khoảnh khắc khổ chủ cảm nhận được có người thấu hiểu cảm xúc trong lòng mình, những chỗ trống xấu xí đã được lấp đầy bằng tình thương thực sự rồi.

Có thể ví thông cảm như việc chữa bệnh vậy. Hiểu được nguồn căn cơn bệnh, ắt sẽ có thuốc chữa thôi.

Nhưng mà cái loại tình cảm này rất khó để đạt được, nó nghĩ vậy. Tất nhiên, việc thông cảm thực sự rất đơn giản nếu ta muốn, nhưng con người cơ bản là quá ích kỷ để có thể quan tâm sâu sắc tới người khác như thế. Con sên mang cái vỏ nặng trên thân còn chưa xong, huống chi là chia sẻ gánh nặng trên vai của những con sên khác?

Xã hội vốn là vậy đấy, tương thân tương trợ lẫn nhau sao? Nếu thế thì có hai trường hợp, hoặc là hai bên đều có lợi, hoặc là đây là một hành động để đánh bóng bản thân.

Những câu chuyện nó được đọc, được nghe, nó có tin là sự thật. Chỉ cần dựa trên độ logic, dựa trên biểu cảm khuôn mặt người kể là biết thôi. Con bé cũng rất muốn được lắng nghe bọn họ để những cảm xúc tiêu cực đó phần nào được trút bớt ( Về mặt thông cảm thì chịu rồi, con bé có khả năng "nhìn thấu" đối phương khá tốt, mà để chia sẻ thì nó không có tốt bụng đến mức đó)

Nhưng khi nhìn những ánh nhìn đầy kỳ vọng trong mắt những con người ấy, nhỏ biết mình không thể làm gì được với việc này rồi, thương hại, thông cảm, kể cả lắng nghe cũng không.

Có thể những nỗi đau trong tâm hồn khổ chủ đã lớn tới mức, dù tình thương từ những ai còn quan tâm tới người ấy lớn tới đâu, cũng không thể lấp đầy những vết sẹo khắc sâu nơi trái tim. Chính thế nên họ mới phải mù quáng tìm kiếm sự thương hại, dù biết sau mỗi cuộc hội thoại, chỗ trống vẫn còn có, âm ỉ, dai dẳng một nỗi khó chịu cứ vang vọng mãi trong lòng.

Có thể chính bản thân họ còn không biết thông cảm là gì, để rồi cứ liên tiếp chia sẻ, và liên tiếp nhận lại được những lời động viên sáo rỗng.

Nhỏ khẽ thở dài.

Từ nhỏ cho tới bây giờ, nó đã hại bao nhiêu người bằng "tình thương" sáo rỗng của mình rồi?

Con bé không biết.

Nhưng tất nhiên cũng không có chuyện: "Từ giờ trở đi, nó sẽ lắng nghe, thấu hiểu cho những ai cần giúp đỡ đâu."

Đã nói rồi mà, nhỏ không giỏi đến mức việc gì cũng có thể thấu hiểu và sẻ chia được đâu. À không, phải nói là "không tốt bụng tới mức đó" mới đúng.

Vì ai cũng có một nỗi khổ riêng, mà nó "lắng nghe" bản thân còn chưa xong nữa.

Mâu thuẫn thật đấy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top