Chương 2-2

Buổi trưa chớp mắt đã qua.

 Hai đứa nhỏ sau giấc ngủ no nê vặn người ngồi dậy, thoáng nghe tiếng thầy đồngoài cửa bèn ngước mắt ngóng ra, nhưng chỉ thấy mình Văn ở đó, mà đầu ngõ còn vọng vào tiếng guốc lóc cóc xa dần.

 Văn nén tiếng thở dài, quay đầu nhìn hai đứa thì không muốn kềm giữ nữa. Trường học có việc đột xuất cần sự có mặt của thầy, Văn nhẹ nhàng giải thích, nên chiều nay là Văn trông mấy đứa. Giờ đi rửa mặt cho tỉnh táo rồi làm bài tập, có gì không hiểu cứhỏi. Nói rồi khoanh tay ngang ngực nhìn hai đứa nhỏ mắt còn lờ đờ trèo xuống phản. Cao Phong vừa che miệng ngáp vừa gọi Danh hai tiếng, đã thấy cậu nhỏ lạch bạch từ sân trong chạy vào, tay xách cây chổi, gương mặt đỏ bừng do phơi nắng. Nhìn cái cảnh Danh loay hoay với hai đứa mà Văn không khỏi cảm thấy đau đầu, bụng thầm than thế nào cũng sẽ phiền phức mà thôi.

 Nhưng mọi việc suôn sẻ hơn Văn nghĩ. Hai đứa nhỏ thật sự rất ngoan,mắt chỉ dính vào sách vở chứ không dám nhìn ngang ngó dọc, thậm chí đến vài câu chuyện phiếm cũng không, chỉ thỉnh thoảng ngước lên hỏi vài điều khúc mắc. Ngoan đến độ Văn không biết chúng là trẻ con hay người gỗ nữa. Cậu nhỏ Danh thì cố gắng không làm phiền đến bọn họ, dọn dẹp nhà cửa xong ra bên ngoài ngồiném cơm cho con ngỗng đang bực bội đòi ăn, đôi lúc cao hứng huýt sáo vài tiếng lại giật mình im bặt, sợ mấy đứa không tập trung học được. Bốn người cứ thế mà lặng lẽ, như mỗi khi chỉ có mình Văn ở nhà, có điều trái lại không được thoải mái như vậy.

 Thời gian dường như trôi qua rất lâu sau đó, cho đến khi An Thái ngẩng lên nói, nó đã làm xong hết rồi.

 Mình làm gì bây giờ?An Thái hỏi nhỏ Cao Phong, đứa trẻ cũng đang lơ đễnh dừng bút trên trang giấy đã kín chữ. Cao Phong ngẫm nghĩ rồi xoay sang Văn. Hai cặp mắt long lanh cùng hướng vào chàng trai, thêm một đôi tai dỏng lên nghe ngóng ngoài cửa. Văn hơi do dự một chút, suy đi nghĩ lại, đành đề nghị dẫn tụi nhỏ vào phòng mình chơi, còn dặn tới dặn lui không được táy máy tay chân. Ba đứa nghe dặn mà gật đầu lia lịa bước theo Văn tới trước cửa phòng.

 Cánh cửa gỗ cũ ố vàng, vài chỗ còn bị mốc đen, mỗi lần xê dịch đều phát ra tiếng kèn kẹt, Văn lắc vài lần mới chịu mở ra. Mùi nhựa hăng hăng lập tức ngập vào trong mũi. Căn phòng tối mù, chỉ thấy là có bày bừa nhiều thứ. Văn đi trước, mấy đứa nhỏ lò dò theo sau. Cao Phong chẳng biết bước làm sao để bị vấp chân đau điếng. Cả bọn bèn cúi xuống nhìn xem, suýt tí nữathì bị dọa cho giật mình.

 Nằm dưới chân là một khúc cây xù xì hình tròn, đường kính khoảng bàn tay người lớn, dài chừng cánh tay, ở giữa chạm khắc hình người, mà thực ra không biết có phải là hình người không nữa. Một cái đầu méo mó gắn trên phần thân méo mó, ngũ quan chỉ là những cái hốc đẽo một cách qua loa, hai con mắt trễ xuống, miệng há to, gò má hõm vào, đôi tay co quắp. Dưới ánh sáng thiếu thốn lúc này, nhìn nó như thể một đứa trẻ sơ sinh dị dạng đang chịu đựng nỗi thống khổ không thành lời, chỉ có thể bất lực khóc thét lên, nhưng cổ họng khản đặc, không âm thanh nào thoát được.

 - Cái đó anh làm lâu rồi, tay nghề chưa tới.

 Văn gãi đầu cười, nhặt khúc cây dựng vào góc phòng rồi bước nhanh tới mở cửa sổ. Ánh sáng tràn vào, mới thấy đâu đâu cũng là gỗ: những tấm lớn dựng sát vách tường, mấy khúc thô lăn tạm vào góc, hộp lớn hộp nhỏ để dưới giường, gỗ vụn dồn thành từng đống; trên bàn làm việc trầy xước là bộ dụng cụ đục đẽo nằm tán loạn, vài cây cọ cắm đại vào hộp đựng, màu vẽ đặt sát bên, còn có mấy thứ nho nhỏ hình tròn bày la liệt. Dùng chân gạt đống bừa bộn qua một bên cho mấy đứa nhỏ dễ đi, Văn chỉ vào chiếc rổ mây đặt trên kệ cạnh bàn. Đó là thành phẩm vừa làm xong, đang đợi vẽ màu rồi đem phơi. Xong chỉ ra góc khuất ở sân sau, có một tấm bạt lớn trải phẳng, bên trên đặt những vật nhỏ nhiều màu sắc. Mẻ đó vừa xong sáng nay, đang phơi cho khô. Vừa nói, Văn vừa cầm cái rổ đưa cho mấy đứa xem. Trong rổ là những bức tượng hình quả trứng gà, bên trên đẽo thêm đặc điểm của các loài vật được cách điệu rất đáng yêu.

 An Thái nhanh tay trước nhất nhón lấy tượng một con trâu, rồi quay sang khoe với Cao Phong vừa cầm tượng hình con heo. Hai đứa nhỏ hết ồ lại à, thích thú xoay bức tượng giữa lòng bàn tay ngắm nghía. Mười hai con giáp! Danh buột miệng nói, trông cũng thích thú chẳng kém hai đứa nhỏ.Văn gật đầu, đưa cái rổ cho Danh xem. Danh lựa một chút rồi cầm tượng hình con gà, miệng nhoẻn cười. Sao thầy đồ nói mấy thứ này tào lao được chứ. Văn thật khéo tay, không biết là tự học hay có người dạy.

 Danh cười nhẹ đáp:“Lúc trước nhà anh có ông hàng xóm làm nghề điêu khắc, ổng có dạy qua.”

 - Ổng cũng làm mấy con này?

 - Không, ổng chủ yếu làm phù điêu trang trí. Mấy cái này là anh tự nghĩ.

 Danh liền tròn mắt thán phục, anh Văn thật giỏi quá! Danh cũng thích mấy đồ thủ công như vậy lắm, nhưng không biết làm sao mà học. Đặt tượng xuống rồi, còn tiếc nuối vuốt thêm vài cái. Lại nhìn quanh trong đống đồ dưới đất, chợt chú ý một bức tượng nằm khuất ở góc nhà. Lúc đầu chẳng để tâm, nhưng cái khối tròn được bào nhẵn lẫn trong đống gỗ vụn thô ráp đó càng ngày càng nổi bật, khiến có muốn lờ đi cũng không được. Danh tò mò moi nó ra xem.

 Có vẻ là một cô gái, thân tượng suôn đuột nên không phân biệt được giới tính, nhờ búi tóc sau đầu và chiếc áo sơn đỏ nên xem ra là nữ. Bức tượng nhỏ rất thô mộc, đầy vẻ vụng về của một đôi tay non nớt, nhưng có thể thấy khi làm đã đặt bao nhiêu công sức vào đó. Chỉ tiếc thân tượng đã bị dập một góc, hình như do vật nặng đè lên, làm lòi ra những dằm gỗ cũng đã bị bụi phủ dày. Bức tượng rất nhẹ, chẳng hiểu sao với cái vẻ tiêu điều ấy, lại chợt nặng xuống vài phần.

 - Em thích nó sao? – Văn đứng sau lưng Danh, âm thanh khi hỏi có chút rung động.

 - Ừm… không hẳn. – Chỉ là không cách nào rời mắt khỏi nó được. Danh nhìn bức tượng trong tay lại nhìn về nơi nó đã từng ở, tự hỏi sao một thứ như vậy lại bị hắt hủi đến nhường này.

 Văn chậm rãi đưa tay lấy lại bức tượng, bàn tay dù có vài nốt sần vẫn mềm mịn hơn đôi tay thô ráp của Danh. Không nói thêm tiếng nào, Văn đặt nó lên kệ, nhét sâu vào trong, khuất sau mấy khối gỗ khác. Ra ngoài thôi, Văn vừa gọi vừa để đồ đạc về chỗ cũ.Hai đứa nhỏ dạ một tiếng, nhưng chân còn lừng chừng chưa chịu đi, đôi mắt vẫn mải mê nhìn ngắm. Văn chỉ lên bầu trời, đã bớt nắng nhiều rồi, mấy đứa nên về đi, coi chừng trời tối.

 Tiễn ba đứa trẻ ra cổng, Văn bỗng kéo Danh lại đưa một túi nhỏ, cái này cho mấy đứa chơi, rồi mỉm cười đặt vào tay Danh thêm bức tượng gỗ. Cậu nhỏ vừa sung sướng vừa ngượng ngùng, lâu rồi không được ai tặng quà gì, khoanh tay cám ơn xong thì nhanh chân chạy về phía hai đứa nhỏ. Cả ba đứa đồng thanh reo hò vẫy tay với Văn thêm vài lần nữa mới chịu đi.

 ...

 ...

 Buổi chiều, khi bọn trẻ vừa về đến nhà, mây đen đã giăng kín.

 Gió giật từ đằng Nam nên không việc gì phải vội, biết đâu trời vừa sập tối đã liền nghe lộp độp vài tiếng, hơi ẩm dậy lên trong gió, kéo theo là trận mưa rào mát mẻ. Mọi người lại quây quần bên nhau trong gian chính, lúc đó cũngsắp giờ Tuất rồi. Trong căn phòng kín cửa cài then, có thể nghe thấy tiếng gió mang theo từng đợt tiếng nước. Mùi hương trầm có vẻ nồng hơn thường lệ, ướp thêm cái ẩm thấp và hơi lạnh, khiến tâm trạng càng thêm lười biếng. An Thái kéo tay áo xuống phủ qua mu bàn tay,rồi co người lại đưa mắt nhìn quanh. Hôm nay công việc hơi nhiều nên cha phải mang về làm thêm, giờ có lẽ đang bận bịu trong thư phòng. Bà nội vẫn vùi đầu vào quyển sách cũ không lúc nào rời tay. Chị hầu gái kiên nhẫn đứng phẩy quạt, gương mặt hầu như không biểu lộ gì. Mẹ cả và mẹ hai vẫn suốt ngày may vá, hết vẽ mẫu lại thêu hoa, chán thì kiểm tra sổ sách ngồi tính toán lạch cạch. An Thái vừa khoe tượng gỗ vừa huyên thuyên về một ngày dài của nó, mãi rồi cũng mệt bèn ngồi xuống vẽ vời. Cao Phong trong một phút cao hứng đã đem đàn ra gảy. Mới tập được vài tuần, nhưng tiếng đàn nghe ra cũng thanh nhã lắm.

 Ngoài cổng bỗng vang lên tiếng chó sủa dữ dội, làm tiếng đàn khẽ lệch đi. Náo động được chốc lát thì dịu lại, nhưng gầm gừ vẫnkhông dứt, xem ra là khách quen. Bà nội vẫn yên vị trên tấm phản, không ngước lên, hờ hững nói ra cửa. Cát, đi xem ai!

 Một tiếng dạ nhẹ và tiếng bước chân rời đi. Lát sau, cô hầu gái vào thưa. Vị thầy thuốc đến.

Đến rồi à? Giọng bà nội nghe ngạc nhiên và phấn chấn, vội bảo người hầu đỡ dậy. Chẳng mấy chốc, mọi người đã kéo nhau ra ngoài phòng khách. Người đàn ông đang đứng cạnh bàn, ánh lửa nhảy múa trong đôi con ngươi đen thẳm. Cái dáng vẻ ngoài hai mươi, gương mặt tuấn tú, thần thái nhẹ nhàng mà trầm ổn ấy dường như chẳng thay đổi gì từ lần đầu tiên xuất hiện trong kí ức của An Thái. Thằng nhỏ biết người đàn ông này, từ lúc nào chẳng nhớ nữa. Cứ khoảng nửa năm một lần, anh ta lại ghé đến, mang theo hương thảo dược quanh quẩn khắp nơi.

 Bà nội mỉm cười, gật đầu chào vị khách. Hai mẹ cúi chào. Cao Phong và An Thái cũng khoanh tay thưa. Sau vài câu khách sáo, anh ta được mời ngồi xuống bàn. Cát đã mời cha đến và rót ba chung trà. Cha gật đầu với hai mẹ. Hai người biết ý xin lui, không quên lùa theo cả hai đứa nhỏ. Trước khi khuất sau cánh cửa, An Thái liếc thấy ánh mắt người đàn ông đưa về phía mình. Đứa trẻ đó thế nào rồi? Giọng nói dịu ngọt của anh ta tan dần sau lưng thằng nhỏ.

 An Thái hơi rùng mình khi hơi lạnh ập lên người, vội kéo áo kín hơn và nép vào chân mẹ cả. Cao Phong bước tới cạnh bên, cúi xuống thì thầm vào tai nó. Người ấy là ai?

 Đứa nhỏ ngước mắt. Người đàn ông ấy, chẳng phải xa lạ gì, chính là vị thần y đã cứu mạng An Thái.

- Vậy ổng cũng là ân nhân của mày?

 Khôi Vĩ bĩu môi.

 Chỉ trong vòng một ngày, cái tin vị thầy thuốc trẻ đẹp lại đến tạm trú nhà ngài Tri phủ đã lọt tai toàn bộ người nơi này, thế là mấy đứa nhỏ trong xóm lại có chuyện để hóng giữa những trưa hè trốn ngủ đi chơi. Nào là sáng nay ai đã nhao nhao kéo tới cổng sau nhà ngài, từ chị hai đến chị tư của con Mắm cùng tranh nhau tới đưa rượu, chị ba nhà thằng Hào cũng giành đi giao hàng thay cha nó, mà thậm chí anh con út nhà ông Tư đầu xóm cũng siêng năng xuất hiện hơn… Loạn rồi, lại loạn rồi!

 - Là tại mày hết!

 Thằng Vĩ chỉ thẳng mặt An Thái. Thằng nhỏ nhăn mặt tỏ vẻ bất bình, nhưng nó làm sao mà dám cãi, thế nào cũng bị đuối lý mà thôi . Vội bẻ đề tài sang hướng khác. Ý Vĩ nói “cũng” là làm sao?

 À thì, thằng Vĩ chột dạ rụt tay, đảo mắt, chuyện nhà nó thôi mà. An Thái tò mò hỏi tới, cuối cùng thằng Vĩ cũng thở dài. Chỉ là ba năm trước, má nó bị sảy thai, cái thai cũng khá lớn rồi.

 Lúc đó nhà nó nghèo lắm, ba thì tối ngày đốt tiền vào men rượu, làm gì còn mà mời thầy thuốc? Nhớ hôm ấy nó đã chạy từ làng trên xuống xóm dưới, vừa quệt nước mắt vừa gõ cửa từng nhà, mong mượn được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng nhà nó còn nợ đầy ra, bà con hàng xóm thường ngày thương thì góp cho chút cơm chút mắm, giờ nguy cấp chạy qua giúp đỡ này nọ, chứ tiền đâu mà cho mượn nữa. Nó đã quỳ trước cửa hiệu thuốc van xin, chỉ mong hốt được chút cặn mang về. Mấy vị dược sĩ đứng sau quầy cúi đầu gắt gỏng, má nó vốn đã yếu, nay bị như vậy thì hết thuốc chữa rồi, cứu được hôm nay cũng không cứu được ngày mai, thôi sớm ngày nào đỡ đau đớn ngày đó, nhà nó cũng nhẹ bớt gánh lo. Đám đông thấy chuyện bèn xì xào chỉ trỏ, tên hũ hèm đó, lại để đứa nhỏ như vậy, thật không biết làm cha kiểu gì. Mà mấy ông dược sĩ sao chẳng giúp thằng nhỏ chứ, đúng là không có lương tâm.

 Với một đứa trẻ mới mấy tuổi đầu, điều này đúng là tủi thẹn đến không dám ngẩng mặt nhìn ai. Khôi Vĩ khi ấy đã cố gắng không để ý đến xung quanh, chỉ biết cắn chặt răng tới đau buốt, càng dộng đầu tới toạc máu, trong bụng không ngừng cầu mong, làm ơn có ai đó, hãy tới giúp nó đi. Ai cũng được, muốn gì cũng được, chỉ cần cứu sống má nó thôi. Nhưng nhiều người như vậy, lại không một cánh tay đưa ra.

 Lúc đó, Khôi Vĩ ngửa mặt lên trời mà nói, tao đã định bỏ cuộc, định về nhà lo hậu sự rồi. Nhưng chính vào lúc tuyệt vọng nhất, rốt cuộc cũng có một cánh tay.

 Vị thầy thuốc vừa hay thuận đường đi ngang, vô tình nghe được câu chuyện của nó. Vị lương y như từ mẫu ấy cảm động trước tấm lòng của đứa con hiếu thảo, tiện tay bốc cho ít thuốc. Má nó sống thêm được bảy tháng, ngày ra đi cũng thanh thản lắm, không đau đớn gì. Khôi Vĩ nhớ rõ nụ cười hiền hậu của má nó vẫn còn đọng lại đến tận hôm người ta đưa bà đi.

 Nhưng tao thật không thích nổi ổng. Thằng Vĩ nhăn mặt. Người ngoài nhìn vào sẽ bảo nó vô ơn, nhưng nào có ai biết, khi vị thầy thuốc cúi xuống hỏi han, nụ cười nhếch mép trên gương mặt ngược nắng ấy khiến sống lưng nó gai gai. Bằng một giọng nhẹ nhàng êm dịu, anh ta hỏi má nó đã có thai mấy tháng rồi.

 Biết mấy tháng không? Khôi Vĩ nhếch mép hỏi. An Thái thoáng rùng mình. Phì cười trước vẻ mặt đang ngày càng ngờ nghệch của An Thái, thằng Vĩ vươn tay vò đầu thằng nhỏ. Đã bảo có chi đâu, chuyện mấy năm rồi còn gì, hơn nữa má nó cũng sống thêm đến tận bảy tháng. Bảy tháng đấy! Có biết quý giá nhường nào không? Thích thì không thích nhưng ơn vẫn phải nhớ, vẫn phải trả.

 An Thái không thoải mái hất thằng Vĩ ra, vô tình nhìn vào làn da dưới ống tay áo dài có mấy vệt màu xanh.

 Nhớ mọi hôm thằng Vĩ cởi trần có thấy gì đâu. Vĩ bị gì vậy? Nó chỉ vào tay thằng Vĩ mà hỏi. Vẻ mặt thằng nhóc có chút gượng khi vội giấu cánh tay ra sau lưng.

 - Tao… ở, đi làm việc bị thương, bầm chút đỉnh. – Nói xong liền quay lưng dợm bỏ đi. An Thái nhanh tay kéo áo nó lại rồi hạ thấp người xuống, vội nói. Còn chuyện hồi bữa thì sao?

 - Chuyện gì?

 - Chuyện cái khu nhà bỏ hoang.

 Mấy ngày nay thằng nhỏ đã thử hỏi loanh quanh trong nhà. Nhưng vừa nghe đến bốn chữ “khu nhà bỏ hoang” là mặt ai cũng liền biến sắc. Hai mẹ thì một người nói chuyện này con nít không nên biết, một người vội vàng bảo nó không nên hỏi làm gì, làm nó càng muốn biết chết đi. Đeo bám Danh cả ngày trời, thề thốt cả buổi sẽ không nói là Danh kể, cuối cùng cũng moi được đại khái.

Chuyện là, hồi xưa ông nội sau chuyến ngao du trên núi có rước về một người vợ lẽ, sự việc lúc đó cũng ồn ào lắm. Khu nhà là được xây cho bà ấy ở. Không lâu sau thì bà bỗng mất tích, mọi người đổ xô đi tìm nhưng tuyệt không thấy đâu. Nghe đồn lúc đấy có một vũng nước lớn ngay giữa nhà, mà mấy hôm rồi trời nắng to, lấy đâu ra nước mà đọng, nên người ta rỉ tai nhau bà bị hà bá bắt mất rồi. Sau hai ngày tìm kiếm, giữa đêm khuya bỗng nghe tiếng người la hét, chạy tới thì thấy cô hầu nằm vật trước phòng, tóc tai bù xù, mắt trắng dã, miệng không ngừng nói bà đã về rồi. Hôm sau lục tung cả nhà lên lại chẳng thấy. Chuyện tái diễn thêm vài lần nữa, vậy là khu nhà bị bỏ hoang.

 Thằng Vĩ vừa nghe vừa gật gù, sau đó còn ra vẻ thần bí đế thêm. Chưa hết đâu, vài năm trước có mấy người nhìn thấy một cái bóng trắng trong khu nhà, kẻ to gan mò vào xem thử, không biết thấy cái gì, chỉ biết hôm sau đã thành nửa điên nửa dại – anh bà con của một đứa trong xóm nó chứ đâu. Giờ nhắc đến là ai cũng lắc đầu thè lưỡi. Chả hiểu sao ông Tri phủ chỉ xây tường rào cấm mọi người đến gần chứ không đập bỏ đi cho rồi.

 An Thái rụt vai vẻ sợ hãi, không ngờ trong nhà lại có chuyện như vậy. Nghe nói đã mời thầy mấy lần rồi, mỗi thầy phán một kiểu, nhưng tựu chung là bà vì nặng tình với ông không đi được, cứ quanh quẩn ở đó, cho nên năm nào cũng phải cúng kiếng đủ lễ, hèn gì trước giờ cứ thấy chuẩn bị dư ra một phần rồi đem đi mất. Nhưng mà An Thái có gặp chuyện kì lạ gì đâu, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng mấy con mèo hoang kêu gào vẳng tới.

 Thằng Vĩ nhe răng cười, lại xoa đầu An Thái. Mày thì bả hù một phát là chết nhăn răng, nên đừng lo, bả sẽ không hù mày đâu, mất công không đi đầu thai được. An Thái dĩ nhiên lại hất tay, nhăn mặt, nhưng cũng không nói lại làm gì.

 Có tiếng loạt xoạt. Hai đứa nhỏ giật thót, vội quay đầu về phía phát ra tiếng động. Dỏng tai mà nghe, có gì đó đang tiến lại gần. Hai đứa vội vàng nấp ra sau tảng đá, cảnh giác nhìn quanh. Vừa lúc ấy, vị thầy thuốc chợt xuất hiện nơi hàng trúc thưa thớt, chiếc áo xanh biếc gần như hòa vào cây cối xung quanh. Anh ta sải từng bước thong thả trên con đường mòn nhỏ, trông không có vẻ đã phát hiện có người ở gần. Hai đứa nhìn nhau, không nói gì nhưng trong lòng cùng thắc mắc. Con đường mòn đó là đường duy nhất dẫn tới khu nhà bỏ hoang.

 Cảm giác bàn tay bị nắm lấy, An Thái hoang mang xoay nhìn thằng Vĩ. Vẻ mặt thằng Vĩ lúc đó rất kì lạ, An Thái không sao diễn tả được, nó chỉ cảm thấy rồi sẽ có chuyện không hay xảy đến mà thôi. Vị thầy thuốc vừa đi khuất, thằng Vĩ đã đứng lên kéo An Thái trở về. Trên đường đi, thằng Vĩ trầm tư không nói tiếng nào, An Thái cũng không tiện mở chuyện. Hai đứa cứ như vậy, im lặng mà chia tay nhau.

 ...

 Ngày hôm sau, thằng Vĩ mang theo một bọc vải.

 Cho mày nè! Thằng Vĩ giơ tay dán bộp lên ngực An Thái một tờ giấy trắng vẽ ngoằn ngoèo. Rồi nó kiêu hãnh vuốt tóc, hất mặt lên trời mà nói. Bùa tao chôm chỗ ông thầy pháp.

 Trong tích tắc, An Thái hiểu ra, mặt méo đi càng ngày càng khó coi. Một hai phản đối ý định điên rồ đó, nhưng thằng Vĩ viện đủ lý do. Trước giờ bà hai không quấy phá gì, chỉ trừng phạt ai đột nhập vào chỗ của bả thôi, mình xin phép đàng hoàng sẽ không sao, hơn nữa có bùa rồi. Có thấy ông thầy thuốc không? Đi vào rất là nhàn nhã, ổng đi được thì mình cũng đi được. Mà trời sáng trưng như vậy, ma cỏ nào dám hiện… Cuối cùng nó chốt lại một câu, tao không sợ.

 Vĩ không sợ, chứ An Thái sợ lắm, thằng nhỏ muốn khóc ra tiếng. Nước mắt rơm rớm chưa kịp khô, đã thấy mình bị thằng Vĩ lôi xềnh xêch ra chỗ đường mòn. Thằng Vĩ mau chóng cắm mấy cây nhang lên một gò đất, đặt thêm ba cái màn thầu, chắp tay khấn vái vài tiếng, kiểm tra lại lá bùa rồi mạnh dạn lôi An Thái tiến vào trong.

 An Thái nhớ, ngày hôm ấy trời ấm áp. Nắng rọi từng tia vàng ươm, gió nhẹ đưa lá rì rào. Trước khi thằng Vĩ tới nó còn định rủ thằng bạn lười biếng tha gối xuống sàn nhà nằm chơi. Nhưng nhìn cái chỗ đó mà xem. Cây cối rậm rạp không người chăm sóc, mấy bụi tre mọc hoang chắn hết cả khoản trời, ánh nắng cũng không cách nào xuyên vào nổi, càng đi càng nổi da gà. Côn trùng kêu râm ran, thường ngày nghe rất thích, giờ như một bài ca não nề. An Thái mấy lần định kêu thằng Vĩ hay là về thôi, nhưng lần nào cũng bị nó suỵt không cho nói. Nhìn lại sau lưng, con đường hun hút, chợt cảm thấy bám theo thằng này có khi còn an toàn hơn.

 Khu nhà cũ tiêu điều rất nhanh đã ở phía trước, tới đủ gần thì thằng Vĩ liền đẩy An Thái vào một bụi cây. Phải quan sát trước đã, nó vừa nói vừa đưa tay lên trán, quay đầu từ bên này qua bên khác. Kia là bức tường rào vàng vọt, chỗ bị lở loét thâm sì, chỗ bám đầy dây leo, hay trơ màu bạc thếch. Đám trường xuân từ dưới đất bò lên tường, lên mái, trèo lên cái cây còi cọc rồi phủ kín cây như một tấm vải thưa, dưới gốc còn mấy đụn cỏ cao che khuất cả đường đi lối lại. Hoang vắng là vậy, nhưng để ý kĩ thì hầu như không bị hư hại nhiều, tường vách vẫn giữ được hình dáng, thậm chí lớp ngói lợp âm dương sau bức tường vẫn còn nguyên vẹn, cả nước gỗ của cánh cổng cũng còn khá mới. Không đến nỗi ảm đạm như An Thái tưởng tượng.

 Thằng Vĩ khẽ đập vai An Thái, gương mặt nghiêm trọng chỉ vào cánh cổng. Cái đó là sau này được thay vào, đảm bảo chỉ dưới chục năm, không thể có từ thời ông nội của mày được. Trên mái nếu nhìn kĩ cũng có vài chỗ được lợp lại. An Thái há hốc miệng. Thằng Vĩ cau mày, cảm thấy mơ hồ, nhỏ giọng suy đoán. Nơi này không bị bỏ hoang, nó chỉ bị làm ra vẻ như bị bỏ hoang mà thôi.

 Cánh cổng kêu ken két hé mở. Hai đứa liền thụp xuống. Vị thầy thuốc xuất hiện ở ngạch cửa, vừa dợm bước đi thì có tiếng kêu lại. Một cô gái nhỏ bước ra, ngoắc tay gọi anh ta, trên tay kia cầm một gói vải. Vị thầy thuốc nhận gói, gật đầu nói gì đó. Cô bé bèn khép cổng, khóa lại rồi cũng đi theo anh ta.

 Hai đứa nhỏ nép mình trong bụi cây, tay ôm chặt miệng mà giương mắt nhìn nhau. Đợi bóng hai người khuất sau con đường rồi mới dám thở mạnh. Thằng Vĩ lẩm bẩm trong miệng. Tại sao chị Cát ở đây?

 Cát, cô hầu nhỏ thường chạy mấy việc lặt vặt trong nhà, lúc nào cũng khép nép, ai gọi thì thưa, không gọi thì thu mình lánh mất. Tại sao lại ở đây, trong khu nhà bị ma ám, với ông thầy thuốc? Chẳng lẽ, hai người đó…?

 An Thái nóng mặt lắc đầu quầy quậy, quay sang hỏi làm sao thằng Vĩ biết Cát, chỉ thấy mặt nó cũng đang biểu lộ một vẻ rất khó coi. An Thái ngần ngại hỏi lại, thằng Vĩ mới giật mình, ậm ừ đáp có gặp mấy lần ngoài chợ. Thằng nhóc đột ngột đứng bật dậy, chỉ về phía tường rào. Đi thôi, xem có cái gì ở trong.

 Nỗi sợ lúc này dường như đã ở đâu xa lắm, bóng dáng của hồn ma đang trôi dần khỏi tâm trí, An Thái không còn hiểu những cảm xúc trong nó nữa, bối rối, sợ hãi, tò mò, và lẫn lộn thêm nhiều thứ, hoặc chẳng còn gì nữa. Nó không còn khả năng suy xét thêm, chỉ biết đi theo cái kéo của thằng Vĩ. Cảnh cổng khóa kín không mở được. Bức tường rào trước mặt. Thằng Vĩ nhảy tót lên cây, nói vọng xuống An Thái tìm cái lỗ nào đó. An Thái xem xét dưới chân tường một hồi, không ngờ thật sự có cái lỗ bị cỏ che khuất. Vạch mấy vạt cỏ ra, cái lỗ có vẻ vừa đủ to để nó chui vào. An Thái nói vọng lên thằng Vĩ đang chật vật trèo tới đầu tường. Chui vào đi, thằng Vĩ khuyến khích.

 An Thái cúi người xuống, bắt đầu trườn qua cái lỗ. Mùi đất ẩm hăng vào mũi, mới chợt nghĩ quần áo đã lấm lem. Đưa tay gạt mấy bụi cây trên đầu, An Thái ngước lên nhìn. Hình như nó đang ở giữa một vườn cây xanh mướt, những nhánh cây vừa trổ nụ, bốc lên mùi thơm nồng cùng mùi nhựa ngai ngái. An Thái thận trọng ló đầu nhìn xung quanh, và cuối cùng ánh mắt nó dừng lại trước một gốc cây um tùm.

 Lần đầu tiên trong đời, An Thái nhìn thấy, hay nghĩ là mình đã nhìn thấy, một con ma. Con ma trắng bệch, nhợt nhạt, ôm trong tay một con mèo mun với đôi mắt sáng quắc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top