NHÂN DUYÊN
Nhân lầu bầu vác ba lô theo sau ba nó, không quay nhìn lại, nó giận. Tự nhiên đang yên đang lành lại bắt nó lên thành phố làm gì không biết, ở dưới quê cũng được mà. Ba nó lên thành phố làm vườn cho người ta mấy năm nay, ở nhà chỉ có mẹ với nhỏ Phượng, giờ nhà người ta cần thêm người nên ba nó bắt nó theo, với lại nhà chủ cũng hứa cho nó đi học nghề một tuần ba buổi. Nhưng mà nó đâu có muốn xa mẹ, xa quê. Mẹ nó bệnh suốt từ hồi nó nghỉ học, người cứ xộc đi mặc dầu ngày ngày vẫn hai đợt thuốc. Nó ở nhà đi làm mướn cho người ta, chăm sóc mẹ, nhỏ Thủy em nó còn phải đi học. Chứ nó cũng theo ba nó thì ai lo cho mẹ, cho em. Nhưng mà ba mẹ nó quyết định rồi, và mặc dù không thích, nó cũng phải nghe theo.
Mà cho dù có nghe theo nó vẫn giận, suốt gần ngày đi nó buồn, không thèm nói với mẹ nó câu nào. Cho lúc lên xe, biết mẹ ngó theo nhưng nó vẫn làm lơ. Bây giờ ngồi trên xe thì lại hối hận, giận sao mình không chịu quay nhìn lại, bây giờ có muốn thì xe cũng đã chạy xa lắm rồi. Ba nó ngồi kế bên như đọc được suy nghĩ của nó, ba cười: "Nhớ mẹ rồi hả, chứ sao bày đặt giận hờn làm chi. Đã nói dì năm sẽ lo cho mẹ với em, có gì thì dì năm sẽ gọi điện." Ông năm vừa xoa đầu tóc khét nắng của đứa con trai nhỏ, mắt đầy yêu thương: "muốn mẹ vui thì lên thành phố cố gắng làm việc với ba, rồi học nghề, mấy năm nữa về quê mở tiệm, chứ con đi làm mướn thì làm đến bao giờ hả con. Mà cái tướng thư sinh của mày thì làm được gì hả con!" Nhân ngây thơ hỏi: "Học nghề mở tiệm như tiệm sửa xe của anh Tám hả ba?" Ông năm cười: "Để coi con thích học cái gì, ba thì ba muốn con học sửa điện, nghe nói nghề điện cũng dễ học, chứ sửa xe thì quê mình cũng nhiều người mở tiệm lắm rồi con. Nhưng mà để coi tình hình sao đã..." Nhân ngước mắt nhìn ba nó: "Con học vẽ được không ba? Con thích vẽ nhất" Nhìn nụ cười hồn nhiên trong mắt đứa con trai, tự nhiên ông Năm như rơi vào ưu tư, không nói gì, mắt nhìn ra xa, mà cũng giống như không nhìn gì hết. Không nghe ba trả lời, Nhân nghĩ là do ông năm mệt rồi, nó cũng yên lặng nhìn ra hai bên đường. Từ hồi nào tới giờ nó đâu có đi xa khỏi đám tre trước làng, xe chạy xa rồi, thấy cái gì cũng lạ.
Nhà chủ là một ngôi biệt thự to, sang trọng, trong mắt Nhân nó không khác gì một tòa lâu đài. Rồi từ cái lâu đài như thể cổ tích ấy, một cô bé với hai bím tóc đong đưa trên vai tung tăng về phía Nhân, con nhỏ cười hồ hởi:
"Anh ơi!"
Nhân nhìn con nhỏ, cất giọng hỏi: "Mày là cô hai ở nhà này hả", không dưng mà Nhân cảm thấy ác cảm với con nhỏ trắng như trứng gà này, nó được sống sung sướng nơi này. Nhân cũng không muốn gọi nó là cô, như ba nó đã nhắc như vậy. Cô gì mà cô, con nhỏ này còn nhỏ hơn nhỏ Phượng em nó ở nhà, cô thì chỉ gọi người lớn tuổi hơn thôi chứ. Nhân rõ ràng lớn tuổi hơn con nhỏ này, ngu sao chịu thiệt thòi gọi nó là cô.
"Anh gì ơi, anh là con bác năm dưới quê mới lên hả?"
"Ừ, tao tên Nhân, ba tao nói phải kêu mầy là cô hai, nhưng mà tao thấy mầy còn nhỏ hơn em gái tao, tự nhiên kêu cô hai kỳ lắm." Con nhỏ cười khúc khích, "em cũng đâu có muốn người ta kêu em bằng cô hai đâu, em tên Như, vậy là tên hai đứa mình đều giống nhau, đều bắt đầu bằng chữ "nh".
"Giống sao được mà giống, tên tao hay hơn tên mầy nhiều. Tao tên Nhân, tuy là cũng bắt đầu bằng chữ "nh", nhưng mà tên Nhân ý nghĩa sâu sắc, đâu có giống tên mày, con gái tên Như, nghe quê gì đâu. Uổng công mầy là dân thành phố mà có cái tên quê dễ sợ."
Mặt Như héo queo khi nghe Nhân chê cái tên nó giống nhà quê. Như nói giọng buồn buồn: "Từ nhỏ đến giờ đâu có ai nói với em là tên em tầm thường đâu, cũng không có ai để ý hết. Nói vậy là tên em tệ lắm hả anh?" Mặt Nhân hí hửng, con này dân thành phố mà dễ dụ thiệt: "Chứ không phải sao, mầy không nghe người ta nói như thế này, như thế nọ hay sao. Tên Như đâu có nghĩa gì hay ho đâu, không biết ai đặt cho mầy tên gì mà chán quá." Mặt Như buồn hiu, mắt nó càng buồn, trông như thể sắp khóc đến nơi. Không dưng mà Nhân nhớ đến nhỏ Phượng ở nhà, mỗi lần bị Nhân chọc, con nhỏ cũng buồn so, cũng sắp nước mắt ngắn, nước mắt dài như thế. Mà Nhân thì không muốn nhìn nhỏ Phượng buồn, Nhân rất thương em gái. Tuy con nhỏ trước mắt xa lạ, nhưng mà xa quê, xa em, cho nên Nhân mềm lòng: "Ừ nói vậy thôi chứ tên mầy cũng tạm được, không phải tầm thường nhất đâu." Như nói như sắp khóc: "Nhưng mà cũng tầm thường, em thích tên gì có ý nghĩa hơn kìa"
Nhân lắc đầu nghĩ ngợi, tên gì bây giờ cho có ý nghĩa đây, đương nhiên là tên các loài hoa thì hay rồi. Giống như nhỏ Phượng em Nhân tên Phượng, con nhỏ thích hoa Phượng lắm, nên nó cũng thích luôn cái tên. Chắc tại thấy lâu quá mà Nhân không trả lời, con nhỏ lay tay Nhân "anh nghĩ ra tên gì cho em chưa?" Mãi suy nghĩ nên Nhân gắt, "Thì tao đang nghĩ nè, mày không thấy sao?"
Con nhỏ gật đầu tỉnh bơ: "Thì em có thấy gì đâu"
Nhân hết hồn: "Mầy giởn hả mầy." Như lắc lắc đầu, mắt nó cứ xa xăm, cứ nhìn đâu đâu chỗ hàng cây trước nhà. Nhân nói: "Mầy nhìn đâu vậy? Tao đang trước mặt mầy nè."
Như cuối đầu, con nhỏ càng buồn rười rượi: "Thì em nói em đâu có nhìn thấy gì đâu mà anh hổng chịu tin" Nhân nói: "Ủa, bộ mắt mày bị đau hả?"
Như nói giọng nhỏ xíu: " Em bị mù từ hồi nhỏ rồi..."
Nhân hơi khựng lại rồi buông một tiếng thở dài, hơi có vẻ xót xa: "Tội nghiệp, vậy mầy hổng thấy gì hết hả? Sao không nói ba má mầy đưa đi bệnh viện đi. Ba tao nói ở thành phố cái gì cũng làm được mà, chắc là cũng có thể chữa mắt cho người ta sáng lại."
Như thở dài, đưa bàn tay nhỏ của nó quơ quơ xuống đất rồi, ngồi xuống, giống như con mèo nhỏ. Tự nhiên mà Nhân thấy thương thương con nhỏ, một tình cảm dịu dàng trôi qua tâm trí Nhân, Như nói: "Ba má em cũng đưa em đi nhiều nơi rồi, nhưng đều nói phải đợi thời gian, mà em cũng quen, từ nhỏ đã vậy rồi. Mai mốt có thêm anh làm bạn, em càng vui."
Nhân chặc lưỡi: "Ủa, mầy không có bạn bè gì hết hả?"
Như lắc đầu: "Có mấy đứa em họ, nhưng em không thích chúng, tụi nó hay bắt nạt em lắm. Chỉ có anh hai thương em thôi, mà anh hai thì đi Mỹ rồi. Nghe tiếng anh giống anh hai em lắm, cho nên em muốn làm bạn với anh, cho đến lúc anh hai về."
Nhân gật gật đầu đồng ý, anh trai nào mà không thương em gái. Giống như nó thương nhỏ Phượng vậy, thử có đứa nào chọc em gái nó coi, nó không xốp cho một trận mới là lạ. Rồi nó ngưởng cao đầu, vỗ ngực, như thể anh hùng trước lúc hăng hái ra chiến trường: "Mầy đừng lo, trong lúc không có anh hai mầy ở nhà tao sẽ chăm sóc mầy. Nếu có đứa nào ăn hiếp mầy cứ nói với tao, tao dần cho nó một trận nên thân luôn."
Như khúc khích cười trước thái độ hùng hổ của Nhân "Anh thiệt giống anh Hai em lắm, anh hai hồi còn ở nhà cũng không để mấy đứa con dì chọc ghẹo em đâu. Nhưng mà anh cũng không cần lo đâu. Hôm trước ba em với dì gây lộn, dì giận nên có lẽ lâu lắm mới trở lại nhà em chơi."
Nhân gật đầu: "Ừ, mầy cứ yên tâm là được, mai mốt có chuyện gì mầy cứ để tao lo cho."
Như cười: "Anh lo cho em thiệt hả?" Nhân gật đầu mà không cần tính toán: "Lo suốt đời luôn..."
Cho nên trong cuộc sống con người tốt nhất là không nên tùy tiện đưa ra những lời hứa, đến lúc lỡ hứa rồi, có hối cũng không còn kịp nữa đâu. Mà hứa còn hứa lâu năm nữa chứ, có hứa thì cũng nên đắn đo, chừa đường lùi. Nhất là với mấy người cả tin, lỡ hứa là hết gỡ luôn.
Từ đó Nhân với Như trở thành bạn của nhau. Nhưng mà Nhân hay ăn hiếp con nhỏ, bắt nạt nó. Như thì hiền lành, Nhân nói gì nó cũng tin, muốn nó làm gì nó cũng làm. Có lúc Nhân bắt nó đấm chân cho Nhân, vì thằng con trai chán quá, chơi với một đứa không thấy đường thì giống như là không có chơi với đứa nào hết. Rồi Nhân lại nhớ quê, nhớ nhiều nhiều, nhớ như thể đã lâu lắm rồi nó không trở về quê, hơn hai mươi năm gì đó, mặc dầu cộng số tuổi của nó với Như lại cũng chưa được hai mươi năm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top