Cho và nhận

Nhà mình ở khu bờ rìa của trung tâm tỉnh lẻ, nhà Bà Ngoại cách nhà mình năm mươi lăm phút chạy xe máy, theo tính chất bắt cầu mình hay nói: dưới quê của dưới quê, mà cũng xa xôi thiệt.
Theo thói quen thì cách tháng, có khi cách vài tháng, Má hay về thăm Ngoại, thường dúi vô tay Ngoại xấp tiền cuộn tròn, khi thì nói “cho Má!”, lúc thì đưa im im cười cười vậy thôi. Ngoại cũng vui vẻ nhận, hôm thì “ừ!”, bữa thì “cám ơn con”. Mà thiệt ra Ngoại đâu có cần, cậu sáu giàu, cậu nuôi Ngoại đâu để thiếu gì, sinh được thằng con như cậu coi như không uổng công.
Ngoại lấy tiền để Mẹ vui, bởi tầm đâu hai mươi mấy tuổi là Má theo chồng qua làm dâu nhà người ta - nhà Ba mình, đâu có nuôi Ngoại được ngày nào ra hồn. Bà Ngoại tâm lý quá chừng, tâm lý như bà già trong phim truyền hình của Đài Loan, lấy tiền để nhỏ con gái thoả lòng, cho nó vơi bớt cảm giác có lỗi. Mình biết Mẹ canh cánh khoản này trong lòng, do mỗi lần con cái trổ nết mắc bị chửi, Mẹ có một câu chửi riết mắc thuộc: “tao không chăm lo được ba mẹ tao ngày nào cho tròn, toàn nuôi ba má chồng, nên tao không trông mong tụi bây tốt đẹp với tao”. Vậy đó, ai cho ai nhận cũng từ tâm mong người kia được vui.

Bà Ngoại cũng thích cho, mỗi lần Má về thăm là xách về nhà mình một túi ni-lông mấy món lỉnh kỉnh: trái ổi, trái cà tím, mướp, lá me non để nấu chua ... có khi hủ mắm, nguyên bịch to mình chẳng thích món nào, hôm nào có mít hoặc nhãn thì được. Có bữa nhà Ngoại không có gì cho, cậu Út đang ngủ trưa bị Bà dựng đầu dậy, kêu đi lấy củ hủ dừa về cho Má mình đổ bánh xèo.
Mà trời ơi, ai chưa biết món này thì lên youtube xem thử lấy cực như nào. Phần thì đang bực, đang mệt vì bị cắt ngang cơn ngủ trưa, phần thì hì hục dưới nắng xử lý ngọn cây dừa mới bị đốn, phần kiến cắn đầu cổ- lá dừa quào, ông cậu ổng gầm gừ “kêu má mày muốn về thì đừng canh lúc giàn mướp chết dây, luống rau chưa ngắt được, canh khi nhà tao có đồ ăn cho mày đó, chứ mày về bất chợt vậy khổ tao quá” Mình cười nhe răng “Dạ!”, ổng than tiếp “Út ơi là út!”, mình cũng út, ổng cũng út, không biết ổng kêu ai luôn. Mà thấy để thể hiện sự biết điều và sự con ngoan là một điều cực nhọc với cậu ngay lúc này, mắc cười quá chừng, cười kiểu vô thức chứ không có ý gì ngen.

Có hôm Ba chở Má về, tới nhà ổng cười khả khả, nói là Má mày không biết điều nên bị Ngoại la, vì cho mà không nhận. Chuyện là, Má là con đẻ nên mạnh miệng với Ngoại: “cho về nhà con đâu ăn hết, với ngoài sạp người ta bán đầy, để ở nhà Má ăn đi”, xong Ngoại đáp “đem về đi, biết điều đi, không ăn hết thì đổ bỏ, tao không thấy đâu”. Tức là cho mà không nhận là có người không vui, tấm lòng coi như lãng phí.
Từ nhỏ mình đã nhiễm thói giao tiếp kiểu vậy rồi, lúc nào cũng phải tỏ ra biết điều một chút với người khác, đặc biệt người mình quý mến, người quen sơ sơ thì cố diễn cho được nét này, kiểu xởi lởi, nhẹ nhẹ, hiền hiền, có khi là để giấu đi cả một nội tâm, tính cách hỏng hóc bên trong. Tính ra nhà mình ai cũng thích diễn nét này, tại nhà ai cũng thích vui, thành quen, thành nếp, xã giao thân thiện với người ngoài được, trong nhà cũng nên bớt cộc.

Vài ba câu dài dòng phần trên chỉ để mồi cho một ý muốn nói, hay đánh đồng là đang biện bạch cho bản thân cũng được, rằng: mình rất dễ nhận đồ người khác cho.
Đi cà phê, nhỏ bạn mang theo trái thơm, bịch bánh tráng xì ke cho, mình nhận. Qua nhà vợ chồng thằng bạn chơi, vợ nó cho trái xoài, trái dưa hấu, có hôm mấy bịch snack ... nói là “về nằm võng ăn cho vui miệng”, mình cũng nhận. Có lần nhà nhỏ bạn nữa, chồng nó nấu cháo gà, kêu qua ăn, cũng ngồi ăn ngon lành, ăn xong không rửa chén luôn (nết này cũng nên chỉnh). Tại mình cho là: không nhận thì người mình quý buồn, nhận thì họ vui, mình cũng vui (dù đôi lần gượng gạo), mình thấy vậy hoặc cũng có thể mình đơn phương nghĩ vậy. Không biết cắt nghĩa, giải thích làm sao chữ vui này nữa. Nói với cái lý hơi cùn một xíu, thấy nhận chút chút vậy để mắc nợ nhau cũng hay hay, có thêm chút cớ thêm miếng lý do để khẽ khàng với nhau hơn, cho cuộc đời thêm vướng víu duyên dùng.

Rồi có một buổi bạn rủ ra tiệm nước ngồi, cái mình từ chối, thì biết bạn cũng được tốt đó, bạn cũng vô ý thôi, đùa một câu bâng quơ: “thì đi đi, dù gì mày cũng đỡ tốn ly cà phê”. Cái, mình bị quê xám mặt, quê thiệt là quê, giả bộ cười nhe, cúi đầu ngó lơ diễn nét dắt xe ra về để chữa thẹn. Tối về cục quê nó bò lộm cộm khắp người, nằm lăn qua lăn lại, nằm một mình mà vẫn quê, sáng hôm sau dậy vẫn còn quê, quê quài. Thì đúng là nhận đồ ta cho thật, giờ nói vậy cũng không biết sao.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top