Chương 1

Author: Gei/Gray

Pairing: Gtop

Genres: romance, angst,,...

Rating: M

Category: Long fic

Status: On-going.

A/N: Fic chỉ được post tại gtopvn và wordpress https://geigray.wordpress.com/

Tựa:

Cho tất cả những gì đã qua và sắp sửa, cho người đã đi và sẽ đến, cho những hàn gắn và những vụn vỡ đang còn, cho cái nắm tay của tuổi trẻ và những ngày mai, cho những bến đỗ và những bước chân lang thang, cho những gặp gỡ thoáng qua và ở lại, cho những đôi vai héo hon và kiên cường, cho tia nắng hửng khi mở mắt và cơn gió lành trên mái đầu một sớm mai, cho em của ngày mai và của tương lai, đừng khóc.

1.

Jiyong chậm chạp nhấc cánh tay đang che mắt mình ra, ánh đèn sáng trắng chập chờn trên trần nhà xói vào giác mạc cay xè. Cậu ngồi dậy, chớp chớp đôi mắt nhập nhèm.

Môi dưới phát đau, chắc tại cậu nghiến răng.

- Xong chưa?

Người đàn ông trung niên vẫn im lặng đứng chờ trong một góc phòng, thấy bác sĩ và các y tá bên giường bệnh lần lượt đứng dậy, vội vã hỏi thăm.

Các y tá mải sắp xếp dụng cụ, thỉnh thoảng lại có người len lén nhìn Jiyong cười trộm. Jiyong cúi đầu, khóe môi hơi gượng nhếch lên. Các y tá nữ vội vàng quay mặt đi, vành tai sau những lọn tóc mai ửng đỏ. Nơi đây là bệnh viện của một địa phương nhỏ, vốn y tá đã là nghề nghiệp không chiếm được sự quan tâm của đa số nam giới, các bác sĩ điều trị chính chủ yếu là nữ, các nữ y tá làm việc ở đây mỗi lần thấy có bệnh nhân nam đến khám đều sẽ vui vẻ hơn.

Thật ra Jiyong không tính là đẹp trai. Nét mặt cậu phần nhiều là trung tính, sự pha trộn giữ nam tính và nữ tính, thêm cặp kính cận màu đen, trông cậu giống một cậu học sinh cấp ba dễ thương hơn là một người đàn ông trưởng thành, phong độ và nam tính.

Có lẽ vì là người suy nghĩ đơn giản, ít ra thì chính bản thân cậu cho là thế, nên thái độ và cử chỉ thể hiện ra ngoài cũng thành thật như suy nghĩ trong lòng cậu vậy, chỉ cười gượng nhưng lại làm người khác cảm thấy gần gũi.

Chẳng khoảng cách nào xa vời hơn gần mà xa, xa mà gần.

Đối với một số phụ nữ, sự trung thực mới mới là điều tạo nên nét quyến rũ của một người đàn ông.

- Không sao rồi. - Bác sĩ điều trị mỉm cười đáp. Người đàn ông vốn còn sốt ruột, thấy thế cũng yên tâm hơn, kín đáo thở phào một hơi, nói thêm mấy câu với bác sĩ rồi cũng không giữ bà ở lại nữa.

- Tay còn đau không? - Ông nhíu mày, quay đầu nhìn Jiyong đang ngồi trên giường.

Jiyong nhìn chỗ gạc trắng băng dưới cánh tay, gật đầu.

Hai hôm trước cậu không cẩn thận bị ngã cầu thang, bị rách da, chủ quan tưởng cứ để kệ vậy là xong, nhưng vết thương sâu hơn cậu nghĩ, đến sáng hôm nay thì tay phải gần như không cử động được nữa. Jiyong cố chịu, mặc áo ngấn tay cho đỡ cọ vào vết thương, nhưng lúc dắt xe đạp ra khỏi nhà thì bị cha thấy được. Cả cánh tay sung tấy, màu da nguyên bản đổi thành hồng, cầm cốc nước cũng run rẩy, đến bệnh viện mới biết chỗ bị thương đã mưng mủ rồi. Bác sĩ quyết định rạch miệng vết thương, nhưng thuốc tê đã hết, nên Jiyong đành phải "chịu khó một lúc".

Xong xuôi, lúc băng bó, còn cần ấn một đầu gạc vào trong thịt để tiệt trùng,

Đau chết đi được.

Nhưng thấy cha đứng chờ, Jiyong đành phải cố.

Có những nỗi đau chẳng nhìn thấy bằng mắt thường mà còn sâu đậm, cắt da cắt thịt, ai mà không đau cho được? Biết chấp nhận và phủ định một sự tồn tại nào đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Jiyong sẽ không vì sĩ diện mà ép mình.

- Đi về thôi.

Jiyong gật đầu, đeo kính lên, đứng dậy, theo cha ra ngoài.

Trên đường về, ngả người lên lưng ghế bọc vải da màu ghi giản dị của chiếc Innova, Jiyong vừa nghe cha nhắc nhở về việc cậu không biết tự chăm sóc bản thân vừa dõi mắt theo những cái bóng lướt qua bên ngoài cửa kính, ngón tay gõ nhịp lên gối theo giai điệu ca khúc R&B đang phát trên radio, đôi lúc lại đáp "Vâng" rất khẽ.

- Lớn rồi Jiyong, phải tự biết mình đến đâu.

- Vâng.

Tiếng lộp bộp nặng trĩu trên khung cửa như vô ý bị đánh rơi vào bài hát và những nhịp gõ. Những gợn nước trên đường là bóng nhà cửa, cây cối, hay bước chân người, chả phân biệt được.

Cuối xuân, trời mưa phùn, cái gì trông cũng xa xôi cả.

***

Nhà có một cửa hàng bán và sửa chữa đồ điện tử. Tầng một phân thành hai gian, ngăn cách bởi cầu thang, cửa hàng ở gian ngoài, nhà bếp ở gian trong. Trên tầng hai là một phòng ngủ và gác xép để đồ. Tầng ba là phòng của Jiyong và sân thượng.

Cửa hàng tuy nhỏ, nhưng cũng hoạt động được hơn hai mươi năm. Jiyong nhớ khi còn bé, cha bảo rằng ngày xưa ông chỉ học hết cấp hai, mười lăm tuổi bắt đầu mở cửa hàng ở nhà. Bình thường, buổi sáng Jiyong đi học, chiều trông cửa hàng thay cha. Ngoài hai cha con, cha cậu còn thuê một nhân viên nam để tiện xoay xở mỗi khi đông khách. Người sống trong khu phố này vẫn đùa, từ cái hồi tivi còn là kiểu màn hình lồi như mắt ếch, lưng dày, đã quen đến cửa hàng của cha.

Tay phải chỉ khẽ nhấc lên cũng nhức buốt, Jiyong không trông cửa hàng như mọi hôm mà đi lên phòng. Cậu nhìn đồng hồ treo tường, ba giờ chiều, một tay chắc vẫn nấu cơm được. Trong tủ lạnh vẫn còn thịt bò mua từ sáng, cơm nguội còn thừa buổi trưa có thể rang lên, rắc hành khô, muối vừng.

Vào phòng, Jiyong cởi áo khoác, mở cửa sổ. Ngoài hiên đặt mấy chậu cây, lá xác xơ bụi mưa. Cửa sổ phía đối diện cũng đang mở, cô gái nằm trên giường, đeo tai nghe, nằm úp sấp đọc sách, hai chân có lúc lại đong đưa, gẩy gẩy ra giường bên dưới. Nhìn thấy Jiyong, cô tháo tai nghe.

- Tay sao rồi?

Jiyong đứng trước cửa sổ, vẫy vẫy tay trái, để cô chú ý đến cánh tay cứng còng bất động quấn gạc trắng bên còn lại.

- Cho chết! Ai bảo... - Won Juk bĩu môi, gấp sách lại để qua một bên. Cô ngồi dậy, cứ thế lết hai gối về phía cửa sổ ở đầu giường.

- Thứ hai cứ thế này đến trường, đảm bảo qua thể dục. - Won Juk hất hàm.

- Chắc không đấy? - Jiyong cười.

- Sao không? - Won Juk trợn mắt. - Giáo viên thể dục ai chả sợ lớp mình phụ trách có sinh viên bị kiệt sức, lại chả mang tiếng à? Cái lão dê già mà nhát cáy, chỉ dám trêu mấy đứa con gái xinh xinh hiền hiền thôi! Thấy cứng là rụt vòi ngay!

- Con gái mà nói chuyện chợ búa. - Jiyong bắt chước bộ dáng cô nàng, trợn mắt, bĩu môi. - Không ai thèm đâu!

- Chả cần! Mà này, hôm trước lớp cậu thi Quản trị thế nào...

Won Juk tì khuỷu tay lên bậu cửa, chống cằm. Cửa sổ phòng cô không có ban công như phòng Jiyong. Ô cửa kính trong suốt loang loáng nước, khung cửa màu trắng hơi sờn, có chỗ đã tróc sơn. Một dây tử đằng chưa ra hoa rủ xuống góc trái. Won Juk mặc bộ đồ ở nhà đơn giản, họa tiết kẻ ca rô, tóc đen buông xõa ngang vai hơi rối, đeo kính cận gọng đen, mắt kính dày cộm, môi hơi nẻ, thỉnh thoảng, trong lúc đang nói chuyện, cô lại dừng lại liếm liếm môi, trông hài hòa kì lạ.

Won Juk bằng tuổi Jiyong. Hai nhà là hàng xóm, nhà ai có việc bận là lại đem con sang nhà bên cạnh gửi trông hộ, lũ trẻ từ bé đã nhẵn mặt nhau. Jiyong và Won Juk chả nhớ cả hai bắt đầu làm bạn từ khi nào. Chơi ở nhà thì cũng thôi, nhưng từ mẫu giáo đến cấp hai lúc nào cả hai cũng học cùng trường, cùng lớp, lên cấp ba mới tạm tách ra một chút, cùng trường nhưng không cùng lớp nữa.

Jiyong học tự nhiên, còn Won Juk học khoa học xã hội, hai người cùng đỗ vào một trường đại học, lần này khác khoa, khác lớp. Môn chuyên ngành khác nhau, nhưng những môn bắt buộc về cơ bản cũng giống nhau, nên có lúc hai lớp lại học chung một giảng viên.

Đây là một thị trấn nhỏ nằm giáp với vùng ngoại ô thành phố, cách trung tâm thành phố khoảng mười lăm phút đi xe buýt, và ba mươi phút đi xe đạp. Trong thị trấn chỉ có hai trường tiểu học, hai trường sơ trung và một trường trung học. Nếu không học cùng trường thì thể nào trên đường về cũng gặp nhau.

Nếu cha mẹ hai nhà đều bận, hai đứa trẻ con sẽ ngồi chờ họ về trên bậc thềm dưới mái hiên, mưa nắng lấm ngón chân tí hon trên mũi dép xốp đi trong nhà, vắt qua tường ngăn cách hai bên mà nói chuyện, cũng có khi chẳng nói gì.

Nhìn cảnh ấy lại có cha mẹ nào lại mong con nhanh lớn lên, càng lớn là càng xa. Định nghĩa của sự trưởng thành trong bất kì thời đại nào cũng luôn bao gồm tính độc lập và nỗi cô đơn. Ban đầu, đó có thể chỉ là những việc cỏn con như bước đi, bập bẹ, xúc ăn hết bát cơm, dần dần, đó là tự soạn sách vở, học thuộc bài, rửa cốc uống nước, cầm chổi quét nhà, giặt tay bộ đồng phục..., ai cũng phải lớn lên như thế, bằng cách nhặt nhạnh vô vàn những giây phút "một mình". Con trẻ rồi cũng phải lớn, đến một ngày nào sẽ không cần dựa dẫm vào cha mẹ mình. Dù các đấng sinh thành có không nỡ thế nào đi chăng nữa, họ chỉ có thể dõi theo và khích lệ, không phải khuyên nhủ, và không phải phán xét.

Không biết có phải vì cả hai cùng lớn lên không, mà có những lúc Jiyong cảm thấy tính cách của Won Juk và cậu có rất nhiều điểm giống nhau, ấy là tạm bỏ qua giới tính và vài sở thích.

Hồi học cấp hai, có lần cô giáo Ngữ văn giao bài tập về nhà yêu cầu tất cả học sinh trong lớp phải đọc một vài tác phẩm văn học nổi tiếng, sau đó sắp xếp tiêu đề theo thứ tự từ thích nhất đến không thích nhất và viết một vài dòng cảm tưởng trình bày lý do vì sao. Lúc trả bài, cầm bài của Jiyong và Won Juk trên tay, cô giáo cười:

"Hai đứa có chép bài nhau không thế?"

"Không ạ."

"Chỉ cùng chép ở chỗ khác thôi chứ gì?"

Cả lớp cười ầm, Won Juk còn hùa theo "Bọn em là sinh đôi khác trứng mà cô. Anh em sinh đôi có thần giao cách cảm, nhiều thứ không cần nói cũng tự hiểu."

Nhiều lần, có bạn cùng lớp hỏi Jiyong có phải cậu và Won Juk thích nhau không, Jiyong luôn bảo "Không" ngay mà không cần nghĩ. Sau này mới biết cũng có mấy bạn gái cùng lớp hỏi Won Juk như vậy, thái độ của cô bạn cũng giống Jiyong.

- Thế buổi sau học Kinh tế vĩ mô thầy cho làm bài gì trên lớp thì cũng chụp lại đề hộ cái.

- Đến lúc lớp bên đấy có làm đề khác thì cũng đừng khóc. - Jiyong cười.

- Chán cái của nợ này lắm rồi, nhanh cho xong đi còn nghỉ... - Won Juk gục đầu.

- Hôm nay được nghỉ làm à?

- Ừ, ông chủ đưa bà chủ về quê ăn cưới họ hàng.

- "Cậu ấy" thì sao?

- Vẫn vậy.

- Chưa bòn rút thêm được thông tin gì à?

- Ai biết? Mấy chuyện kiểu này không nói ra thì ai biết được? - Won Juk im lặng, rồi lại nói. - Nhiều khi cũng nghĩ hay là cứ huỵch toẹt ra cho rồi. Nhưng chuyện này mình không có kinh nghiệm, không biết phản ứng thế nào cả. Nên thôi kệ. - Cô nàng bĩu môi, đổi giọng. - Jiyong, người đàn ông chân chính, có ý kiến gì không?

- ...

- Cậu cũng từng hẹn hò mấy lần rồi mà? Không rút ra bài học gì à?

- Thích ai thì sẽ quan tâm đến người đấy thôi, con gái các cậu làm gì mà cứ hay phức tạp hóa vấn đề lên thế?

- Thói quen. - Won Juk cười khẩy.

Jiyong không biết nói gì nữa.

Tình trạng này diễn ra không chỉ lần một lần hai mỗi khi hai người nói chuyện với nhau, nhưng cả Won Juk và Jiyong đều không cảm thấy khó chịu về nó chút nào. Chỉ đơn giản là họ cần một khoảng lặng để suy nghĩ của bản thân bắt kịp suy nghĩ của người kia. Nếu không muốn tiếp tục nữa, một trong hai sẽ tự chuyển đề tài.

- Thế là tối nay không ra chợ đêm nữa hả? - Lần này, người đó là Won Juk.

- Ừ. - Jiyong gật đầu.

- Chiều mai đi hội thảo không?

- Hả?

- Hội thảo kĩ năng sống... Không cần quan tâm cái đấy, nếu đi hai người thì sẽ được tặng voucher giảm giá của nhà tài trợ.

- Ai?

- Quán ăn mình thích và nhãn hiệu quần áo mình thích! Hỏi gì lắm thế? Biết là đi hội thảo là được!

Gió trở mạnh. Cánh cửa bị thổi bạt đập vào tường, chỗ vít nối kêu cót két. Những hạt mưa lất phất trắng trời va vào khung cửa, đập lên tóc, lên da rát buốt. Cố áo và ngực áo Won Juk ướt lấm tấm, những giọt li ti vương trên mi mắt và tóc. Cô bạn chớp mắt, một giọt nước từ khóe mắt lăn dài xuống gò má hơi tái.

Thời tiết cuối xuân còn ấp ủ hạt giống hơi thở mùa đông chưa chết.

- Sắp sang tháng tư rồi. Nhỉ?

- Ừ. - Won Juk nói bâng quơ, và Jiyong đáp lời cô cũng theo cách ấy.

"Meow..."

Con mèo vàng dậy rồi.

- Meooo...

Và Won Juk đi cho mèo ăn.

Jiyong nhìn tấm ảnh chup gia đình đặt trên giá sách, lấy tay lau lau khung ảnh bám bụi.

Mẹ Jiyong mất vào tháng tư.

***

Chiều chủ nhật, Jiyong đến bệnh viện thay băng, rồi đến nhà văn hóa thị trấn. Won Juk đã chờ ở cửa được một lúc rồi.

Người đến dự khá đông, chỗ ngồi trong hội trường đã gần như chật kín. Hai người đăng kí tên và thông tin liên lạc ở lối vào, nhận thẻ đăng kí rồi chọn một chỗ trống trong góc khuất ngồi xuống.

Người dẫn chương trình đang thử mic.

- Này Jiyong. - Won Juk nắm quai túi xách, mắt chăm chú nhìn lên bục diễn thuyết, nhưng Jiyong không nghĩ là cô đang quan sát người dẫn chương trình, hay tấm phông nền xanh chữ trắng ghi chủ đề buổi hội thảo.

- Có thật là con trai chỉ đối xử đặc biệt với cô gái mình thích thôi không? - Won Juk nói.

- Cậu ấy bảo gì? - Jiyong nhìn cô, rồi quay đầu đi, bắt chước bộ dáng của Won Juk, chăm chăm gì về phía trước mà chẳng để tâm vào những gì trong mắt.

- Đi chơi với gia đình, đi Nhật, hỏi mình có muốn gì làm quà không. - Nếu không chú ý thấy đôi lúc Jiyong và Won Juk mấp máy môi, thì chẳng ai cho là hai người đang nói chuyện với nhau.

"Cậu ấy" là cách Jiyong hay dùng để gọi một anh chàng học cùng lớp với Won Juk, cũng thích đọc manga và xem anime, dù thể loại có vẻ khác loại Won Juk hay xem. Mới đầu thì chỉ là bạn bè bình thường, gần đây cậu ấy lại hay chủ động bắt chuyện, Won Juk cũng không nghĩ nhiều, nói gì thì nói. Khi cả hai đã trở nên thân thiết hơn, Won Juk bắt đầu cảm thấy thái độ của cậu ấy có gì đó rất khác. Ít ra thì theo như cô tìm hiểu, cậu ấy tuy cũng chơi với vài bạn gái khác trong lớp, nhưng chẳng nói với ai những lời mập mờ thế này.

Hơn là bạn, nhưng lại không phải người yêu, hơn cả thích, mà chưa phải yêu, hơn cả bình thường, mà lại không phải đặc biệt.

Won Juk cũng có vài người bạn ở lớp đại học, nhưng cô không nghĩ sẽ chia sẻ hoặc xin lời khuyên từ bất cứ ai.

Trường đại học như một xã hội thu nhỏ, nơi mọi mối quan hệ đều có khoảng cách nhất định. Dư âm của những năm tháng cấp ba dai dẳng quá, tằn tịu cũng đủ dịu dàng đấy theo suốt cuộc đời, người ta nghĩ đã đến lúc mình vì bản thân hơn một chút rồi. Không ngại cho đi một nụ cười nhưng sợ đánh mất vài lợi ích dù ít dù nhiều. Ai chả muốn nói đúng chuyện, làm đúng việc và gặp đúng người. Những điều đó khiến sự tồn tại của họ thêm sâu đậm. Người ta thấy cuộc đời mình "cần" phải trở nên đúng nghĩa. Nếu lỗi của người là vô tâm thì lỗi của mình là chưa xứng đáng. Mà nói thật, người ta có vô tâm hay không thì lỗi của mình vẫn là chưa xứng đáng.

Vậy những đứa trẻ không kịp lớn lên, quá khứ chắp vá và hiện tại chênh vênh cô đơn, biết làm thế nào đây?

Won Juk, cô gái hai mươi tuổi không có kinh nghiệm về tình yêu, chỉ kể chuyện của mình cho Jiyong, cậu bạn thân từ nhỏ.

Jiyong từng gặp cậu ấy một hai lần, nhưng không nói chuyện, chỉ là đang ở trường thì ngẫu nhiên bắt gặp.

- Nếu nói đó là bởi cậu ta khéo ăn nói thì không đúng lắm, nhưng nếu nói đó là vì cậu ta thích cậu thì cậu lại không muốn tin.

- Không dễ thế đâu.

- Chính cậu cũng nói chỉ muốn huỵch toẹt ra cho rồi thôi mà.

- Mình không được nghĩ lại chắc?

Từ sau khi học hết cấp ba, Won Juk không còn là cô gái vô tư đến bộp chộp nữa. Won Juk của ngày xưa bụng dạ thẳng đuột, nghĩ gì nói nấy, giờ đã học được cách giấu mình đi, tính toán thiệt hơn, điều mà người ta hay gọi là sự chín chắn của một người phụ nữ trưởng thành.

Đàn ông nghĩ gì nói nấy là vụng dại, đàn bà nghĩ gì nói nấy là vô duyên. Nỗi bất hạnh của tất cả đàn bà trên đời là họ có thể bị phán xét, thậm chí là bị phán xét cay nghiệt về mọi điều họ làm, dù muốn dù không, dù ít dù nhiều, dù nhỏ dù lớn. Và, buồn cười thay, đôi khi chính họ là những người làm điều đó, với những người xung quanh, với những ả đàn bà khác, hay với chính bản thân mình, cũng thế cả. Người ta đưa đẩy hóa đàn bà, say mê những toan tính của đàn bà, rồi lại rỉ tai nhau rằng lòng dạ đàn bà đáng sợ.

Khoảng thời gian học ở trường cấp ba, mới tách rời nhau, Jiyong còn cảm thấy không quen, sau thì đỡ hơn, cậu có vào người bạn cùng lớp cấp ba, không tính là thân thiết, nhưng vẫn còn giữ liên lạc đến bây giờ. Định nghĩa bạn thân của Jiyong: bạn thân là một sự tồn tại phần nào lấp đầy những trống rỗng trong mình, có thể không hợp tính, nhưng sẽ là người không tiếc thời gian và công sức lắng nghe, kết nối và sửa chữa bản thân mình mỗi khi trục trặc. Nếu hai người giống nhau là bạn thân của nhau, thì khi có vấn đề xảy ra với một người, người còn lại sẽ luống cuống không biết sửa từ đâu. Rất khó để một người thừa nhận một sự tồn tại như bản thân mình là sai lầm. Điều đó chỉ làm cả hai cùng cuống, vụng về tìm kiếm con đường dẫn đến câu trả lời, và nhỡ chẳng may thành sai thật, huống chi sẽ còn có lúc hai người cùng trục trặc.

Nhiều người cho rằng người ta có thể làm bạn mà chẳng cần nghĩa vụ gì với nhau, cần thì tìm đến, không cần thì kệ đó, còn người thân, người tình và bao nhiêu bạn bè khác, lo gì thiếu người. Đất chật người đông, người dư thừa, tình thiếu thốn. Một khi đã chọn tin tưởng và biết không đúng người, dũng khí để mở lòng những lần sau sẽ hao mòn đi. Tính đi tính lại, một đời được bao nhiêu lần được ăn cả ngã về không như thế. Nếu không ràng buộc, làm sao biết đáng hay không đáng được? Hãy dành cho nhau, đừng tự đẩy mình về phía cô đơn, đừng đẩy ai về phía cô đơn.

Thời khóa biểu của hai lớp khác nhau, nên Jiyong không hay gặp Won Juk ở trường và trên đường về nhà nữa, nhưng í ới qua cửa sổ thì vẫn có thể, đó là nếu như cả hai không bận việc học.

Dường như Won Juk gặp nhiều khó khăn hơn cậu tưởng, Jiyong từng nghĩ vậy không chỉ một lần, dù cô hầu như chẳng bao giờ kể về chuyện của mình ở lớp.

Jiyong đã được tính là một trong số ít những người Won Juk chịu mở lòng cùng rồi.

- Xin chào tất cả các bạn!

Giọng nói người dẫn chương trình qua loa phóng thanh đột ngột vang lên, khiến Jiyong giật mình.

Hội thảo bắt đầu bằng một câu hỏi: "Ai trong số các bạn đang ngồi ở đây nghĩ rằng tập thể dục mỗi ngày rất tốt, xin mời giơ tay lên?"

Cả hội trường lao xao, hầu như tất cả những người có mặt đều giơ tay. Câu hỏi quá hiển nhiên để hỏi, chả có vẻ gì là liên quan đến chủ đề, người ta nghĩ thế. Người dẫn chương trình nhìn bao quát xung quanh, lên tiếng.

- Vậy ở đây có bao nhiêu người thật sự đã tập thể dục mỗi ngày, không bỏ hôm nào?

Chỉ còn lác đác vài cánh tay giơ lên.

- Các bạn đã từng nghĩ đến nguyên nhân tại sao mình không thực hiện điều mình cho là tốt chưa? - Tiếng bàn tán xì xào bên dưới lan khắp hội trường.

- Tất nhiên, nhiều người sẽ lấy lí do là các bạn quá bận, bận đi học, bận đi làm, rằng thời tiết dạo này rất xấu,... Nhưng có bao giờ các bạn nghĩ nguyên nhân chính là do bản thân mình chưa?

- Không phải các bạn không sắp xếp được thời gian, không phải các bạn sợ nhiễm cúm,... không phải các bạn không thể, mà là các bạn không muốn. Hiểu rõ điều ban muốn, cách thực hiện nó, và thực hiện nó, là kĩ năng cơ bản để đạt được thành công từ những điều nhỏ nhặt như tập thể dục mỗi ngày cho tới những điều to lớn hơn trong cuộc sống.

- Trước hết, hãy cho những người bạn đã, đang, và sẽ tập thể dục hàng ngày của chúng ta một tràng pháo tay!

- Và bây giờ, chúng ta sẽ đến với chủ đề chính của buổi hội thảo ngày hôm nay: Cách định vị bản thân.

Theo lời giới thiệu của người dẫn chương trình, trên máy chiếu hiện ra hai chữ in khổ lớn: ĐỊNH VỊ.

Người dẫn chương trình nhấn đi nhấn lại rằng các thính giả nên tập trung, vì chắc chắn khi kết thúc buổi hội thảo kéo dài ba tiếng đồng hồ ngày hôm nay, sẽ có rất nhiều người tiếc nuối.

- Xin mời Tiến sĩ Nam Chung-Ah, Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống...

Một người phụ nữ trung niên, tóc búi gọn gang, tác phong nhanh nhẹn đi lên bục diễn thuyết, ổn định trật tự và trình bày nội dung của buổi hội thảo.

Jiyong và Won Juk vẫn câu được câu chăng nói chuyện.

Quanh đi quẩn lại vẫn trường học, nhà cửa, chợ đêm, quán cà phê, đôi lúc lại bình phẩm về quan điểm của người đang diễn thuyết, mà nói mãi chả hết chuyện.

- "Tiền bạc không phải là tất cả"? Quá sai lầm! - Won Juk bĩu môi.

- "Muốn thành công chỉ cần tài năng là đủ"? Thế thì còn chống tiêu cực, tham nhũng làm gì? Chưa bao giờ nghe "nhất quan hệ, nhì tiền tệ" à?

Tuần tới Won Juk có một hôm phải học cả ngày, nên định ăn trưa ở ngoài, Jiyong đang định đồng ý đi cùng cô bạn thì một chiếc mic được chuyển đến trước mặt cậu.

- Ước mơ của cậu là gì? Có thể chia sẻ cho mọi người ở đây không? - Người phụ nữ trung niên, lúc này đã đi xuống bục diễn thuyết, đứng lẫn giữa các hàng ghế khán giả, nhắc lại câu hỏi của mình.

- ... - Jiyong nghĩ nghĩ. Won Juk che miệng cười ác. Ánh đèn trong hội trường đã được tắt bớt để không phản sáng lên màn hình máy chiếu, mấy chỗ ngồi bên cạnh vẫn để trống suốt từ đầu, không mấy ai có thể thấy rõ vẻ mặt cậu. - Làm sao để cha mẹ không phải khổ là được rồi ạ.

Mấy cô gái ngồi hàng ghế trên nghe thấy câu trả lời của Jiyong, cười khúc khích, lúc lại tò mò quay ra đằng sau cố nhìn rõ mặt cậu. Micro rất nhanh được chuyển đến tay những người bị chỉ định tiếp theo.

Có lẽ vì là người suy nghĩ đơn giản, ít ra thì chính bản thân cậu cho là thế, thái độ và cử chỉ thể hiện ra ngoài cũng thành thật như suy nghĩ trong lòng cậu vậy, chỉ trả lời chống chế nhưng lại làm người khác cảm thấy gần gũi.

Chẳng khoảng cách nào xa vời hơn gần mà xa, xa mà gần.

Đối với một số phụ nữ, sự trung thực mới mới là điều tạo nên nét quyến rũ của một người đàn ông.

Ước mơ của Jiyong cũng có cụ thể hơn những người khác đâu, cậu chả biết chính xác phải làm thế nào để cha mẹ không phải khổ, nhưng suy nghĩ ấy đã chôn trong lòng từ rất lâu rồi, đến Jiyong cũng không nhận ra nó thành hình từ bao giờ nữa.

- Tất cả những điều các bạn vừa nói đều không cụ thể. - Người phụ nữ tổng kết lại. Bà chỉ vào một người. - Bạn vừa nói mình muốn có một công việc với mức lương cao, cao là bao nhiêu? Bạn vừa nói mình muốn mở một trang trại. - Dứt lời, bà chỉ vào một cô gái khác. - Trang trại đó ở đâu? Rộng bao nhiêu? Trang trại dùng để làm gì?

Sau cô gái ấy là đến Jiyong, bà bỏ qua cậu, chuyển luôn đến người tiếp theo, một anh chàng đội mũ lưỡi trai, mặc áo phông thể thao dài tay.

- Bạn muốn mở một cửa hiệu giày. Cửa hiệu ở đâu? Giày gì? Cần bao nhiêu vốn?

Những người nghe bị các câu hỏi liên tiếp làm cho bối rối.

Đối với các đề tài này, người diễn thuyết cần phải có một góc nhìn nhất định về tâm lý của khán giả, qua đó đoán chắc đáp án của khán giả, hoặc dẫn dắt họ trả lời đáp án mà mình muốn. Hiển nhiên, đáp án của Jiyong là ngoại lệ, không thể đưa ra nhận xét như các đáp án khác được, làm thế dễ khiến các khán giả thấy phản cảm. Điều đó vô hình chung làm cho nội dung được trình bày không còn sức thuyết phục nữa, ít nhất là với hai người, Jiyong và Won Juk.

Những người còn lại mới chỉ thấy nghi ngờ, sự nghi ngờ của họ đưa ra kết luận thế nào thì còn phải xem người diễn thuyết sẽ dẫn dắt phần tiếp theo của buổi hội thảo ra sao.

Jiyong và Won Juk thì không muốn nghe thêm gì nữa, nên họ không nghe thêm gì nữa.

- Sao thế? - Thấy Jiyong ngó quanh quất, Won Juk hỏi.

- Không có gì. - Jiyong cười. - Tự dung cứ cảm giác có ai đang nhìn mình.

- Mình cũng hay có cảm giác đấy. - Won Juk phụ họa.

- Thật không?

- Thật!

- Ai vậy?

- Để xem... Gần đây thì là bà cô giám thị trông thi hôm rồi, ông thầy vĩ mô liếc xéo mình nói chuyện với đứa khác...

- Cậu ấy thì sao? - Jiyong bật cười.

- Nhắc mới nhớ, cũng có. - Won Juk dịu giọng. - Cứ lần nào nghĩ mình đang bị nhìn, quay ra là y như rằng thấy... đang ngồi chỗ đó, rồi lại bốn mắt nhìn nhau, awkward không chịu được.

- Vậy à?

Giác quan thứ sáu của Won Juk, Jiyong không phải không biết.

Những người đã quen một mình thường nhạy cảm với sự có mặt của những thứ chung quy không phải mình. Phải khuyết thiếu đến thế nào mới không dung ánh mắt của người khác thế? Xung quanh nếu không phải người lạ thì cũng là người vừa quen vừa lạ. Rồi hoặc thảng thốt hoặc bình thản thở dài, hóa ra sự cô đơn lại là điều duy nhất mang lại cảm giác an toàn.

Không biết có phải vì cả hai cùng lớn lên không, mà có những lúc Jiyong cảm thấy tính cách của Won Juk và cậu có rất nhiều điểm giống nhau, ấy là tạm bỏ qua giới tính và vài sở thích.

- Ước mơ của bạn là gì? Có thể chia sẻ cho tôi được không ? - Jiyong năm tay giả làm micro, chĩa về Won Juk, bắt chước giọng điệu người phụ nữ diễn thuyết.

- Để xem... - Won Juk xoa xoa cằm, làm ra vẻ suy tư. Jiyong cười. - Chồng con thì chưa tính xa được đến vậy, nhưng nhất thiết phải có một căn hộ riêng, hay là nhà riêng nhỉ ? Gì cũng được, nói chung là phải ở riêng, và một con mèo.

- Nhưng cậu đã có một con rồi!

Buổi hội thảo kết thúc, cũng đã tối muộn.

- Phải về luôn không? - Won Juk hỏi trong khi Jiyong bung dù.

- Không. - Jiyong lắc đầu. - Sao thế?

- Có quán mới mở, trong tuần đầu tiên giảm giá 30%...

- Có quán ăn nào mà cậu không biết không thế?

- Đi! - Won Juk kéo tay Jiyong.

- Rồi lại kêu hết tiền nhé!

Tay phải vẫn chưa cử động được. Lúc đến, Jiyong bắt xe buýt, bây giờ, Won Juk gọi taxi. Thời tiết xấu, trên đường không thấy bóng taxi đón khách. Won Juk gọi điện thoại đặt xe xong, hai người đứng chung ô, chờ xe trước cửa nhà văn hóa. Mới đứng một lúc Jiyong đã lại ngó nghiêng, dậm dậm chân.

- Đừng dậm chân nữa, bắn hết lên ống quần bây giờ!

- Thế hả? - Jiyong nhìn xuống chân.

- Quần mình.

- ...

- Sao thế? Lại cảm giác có ai đang nhìn mình à?

- Ừ.

Jiyong vừa nói xong thì xe taxi Won Juk gọi cũng đến nơi.

***

Tay phải chỉ khẽ nhấc lên thôi cũng đau nhói. Jiyong ăn được một chốc thì buông đũa, cơm xới trong bát còn thừa một nửa. Cậu uống một chút súp gà nấm hương và canh sườn rồi thôi không ăn nữa.

Won Juk nhìn đồ còn thừa bên phía cậu, tí tởn gắp một miếng thịt bò xào bỏ thêm vào bát mình, vừa nhai vừa cười.

Một bữa ăn, lần khần mãi đến tận mười một giờ hơn. Jiyong và Won Juk là những vị khách cuối cùng rời khỏi quán. Jiyong đi bộ cùng Won Juk đến nhà chị họ cô. Chị họ Won Juk hơn cô một tuổi, đã đi làm, tự thuê nhà ở riêng. Nhà trọ bình dân, nhỏ nhưng đủ tiện nghi, quan trọng là gần chỗ làm. Cuối tuần nào, Won Juk cũng đến ngủ cùng chị mình.

Lúc bóng cô bạn khuất sau lối cấu thang, Jiyong nhìn đồng hồ, mười hai giờ kém. Vẫn còn sớm so với mọi khi, nhưng chắc cậu chẳng còn lựa chọn khác.

Cậu lững thững đi trên con phố đã lên đèn, thầm nghĩ bắt xe buýt hay taxi để về. Mải nghĩ, Jiyong không để ý một chiếc xe ô tô chầm chậm đến gần, đỗ xịch dưới lề đường.

Có người gọi tên cậu, giọng nói trầm khàn đục như sương đêm. Jiyong ngẩng đầu, thấy chiếc xe đỗ bên cạnh, cửa kính xe hạ xuống. Một đôi mắt đong đầy bóng đêm. Gương mặt góc cạnh dưới đèn đường như trở nên mềm mại hơn. Trông Jiyong ngây ra, đôi môi mỏng khẽ nhếch, khóe mắt cong cong, lập lòe những đốm sáng.

Jiyong nghĩ nghĩ, mất một lúc mới nhớ ra chỗ này gần nhà anh.

- Sao lại đứng ở đây?

- Tôi chờ bắt xe.

- Giờ này làm gì còn xe buýt.

- Xe em đâu?

- Để ở nhà rồi, tay phải bị thương, không lái được...

Jiyong giật mình, nhận ra mình vừa nói lỡ. Cậu chỉ báo cho anh biết kế hoạch bình thường tạm hủy vì việc bận đột xuất, chứ không nói lí do thật.

Seung Hyun nhíu mày, đốm sáng trong mắt như rơi, vỡ tan thành từng mảnh sắc bén.

- Lên xe. - Lời anh nói không nặng không nhẹ. Cửa ghế bên "xịch" một tiếng, mở ra.

- Thôi, tôi tự về được...

- Lên xe.

Jiyong không cãi nữa, ngồi lên xe, đóng cửa lại.

Anh nói cương quyết quá, chả hiểu là do giận cậu nói dối, hay giận cậu bị thương, hay là cả hai.

Seung Hyun lái xe đi, không phải hướng về nhà cậu.

Đánh xe vào tầng hầm, Seung Hyun mở cửa xe cho Jiyong, nắm tay cậu, đi vào thang máy, quẹt thẻ, ấn số tầng.

- Hôm nay ngủ ở đây.

Anh mở cửa căn hộ, bật đèn. Jiyong gật đầu, quen lối đi về phía phòng ngủ dành cho khách.

Dù sao thì đây cũng là chỗ cậu ngủ lại vào những tối cuối tuần, Jiyong chẳng lạ gì.

Từ cửa sổ trong phòng nhìn ra, thành phố về đêm tĩnh mịch như những giấc mơ không ai gọi tên. Bầu trời dày mây, không khí ẩm ướt. Nước loang loáng mặt kính, vô tình làm mắt để phần diệu vợi nơi những mái nhà say. Cách đây hai dãy phố, bên bờ sông Hàn, những dây đèn được chăng ngang dọc. Trông xa, qua màn sương, lấp lánh như những ngôi sao.

Cuối xuân, trời mưa phùn, cái gì trông cũng xa xôi cả.

Jiyong thay quần áo.

Tay phải không giơ thẳng lên được, đến việc đơn giản như thay quần áo cũng khó khăn hơn bình thường.

Cậu vừa cởi áo khoác ngoài, thì Seung Hyun đẩy cửa, bước vào, trên tay cầm một ly đồ uống nóng.

Áo len Jiyong đang mặc là dáng áo chui đầu, cậu loay hoay mãi mới rút tay trái ra được.

- Cần giúp không? - Anh đặt chiếc ly lên bàn, đi đến, gỡ chiếc áo len đang mắc trên đầu Jiyong.

- Cảm ơn.

Bây giờ trên người chỉ còn một chiếc áo sơ mi đen. Tay phải Jiyong buông thõng một bên người.

- Tay làm sao?

- Bị ngã, đã băng rồi.

- Ngã thế nào?

- Cũng chả có gì, tại tôi chủ quan.

Seung Hyun vươn tay, mò xuống hàng khuy cái ngay ngắn trước ngực Jiyong, bắt đầu chăm chú tháo cúc áo cậu.

"Chát"

Jiyong đánh lên mu bàn tay anh một cái rõ đau, làm Seung Hyun rụt tay về. Anh chắp tay sau lưng, nhìn cổ áo phanh rộng của Jiyong, bên dưới xương quai xanh là lồng ngực phập phồng, bình tĩnh nói:

- À, xin lỗi.

Jiyong lườm Seung Hyun, mở tủ đầu giường, bên trong đặt hai chiếc quần vải bông. Đồ ngủ của Jiyong cất ở nhà hết, hai chiếc quần này là nhờ Won Juk mua hộ ở chợ đêm, dùng để mặc tạm khi ngủ ở ngoài vào cuối tuần.

- Thay quần nữa hả?

Seung Hyun rờ tay về phía thắt lưng Jiyong, chưa chạm đến đã bị cậu lườm cho phải rụt về.

- Có muốn ăn gì không?

- No rồi. - Jiyong lắc đầu.

- Uống sữa đi không nguội.

- Không có rượu hoa quả à?

- Rượu hoa quả phải uống lạnh.

Jiyong cài lại cúc áo, cởi chiếc quần jeans đang mặc trên người, áo sơ mi dài trùm hông, xỏ chân vào quần vải bông. Cậu chả ngại thay quần áo trước mặt anh.

Đêm đầu tiên Jiyong ngủ lại đây, Seung Hyun vô tình đi vào đúng lúc cậu đang thay quần áo. Nhìn anh nói xin lỗi chả mấy ngượng nghịu, Jiyong cũng chỉ nói cho qua: "Đàn ông con trai cả, với lại, đây là nhà anh mà." Chả biết có phải do cậu nói thế không, mà anh cứ đi vào phòng không gõ cửa, không bảo trước thành thói.

- Hội thảo vui không? - Seung Hyun nhìn Jiyong chỉnh dây quần, thắt nút. Vòng eo thon gầy thấp thoáng sau vạt áo.

- Sao anh biết? - Jiyong nhíu mày.

- Tôi cũng đến mà. - Seung Hyun mỉm cười.

- Tôi không nghĩ anh sẽ thích những chỗ... như vậy.

- Tôi cũng nghĩ là em không thích.

- Ừ, tôi không thích.

- Sang phòng tôi ngủ không?

- Không, cảm ơn. - Jiyong lạnh nhạt đáp.

- Thế hôn chúc ngủ ngon được không?

Thấy Jiyong lại lườm mình, Seung Hyun chép miệng, ra khỏi phòng.

- Ngủ ngon.

- Ừ, ngủ ngon.

Hơn là bạn, nhưng lại không phải người yêu, hơn cả thích, mà chưa phải yêu, hơn cả bình thường, mà lại không phải đặc biệt.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: