Untitled Part 1

           

           

           

CHẠY VỀ NƠI GIÔNG BÃO

Tác giả: Incense

Nhân vật: Tiến Dũng, Đức Chinh, Quang Hải, Xuân Trường

Nhân vật trong truyện hoàn toàn hư cấu, không liên quan đến người có cùng tên ngoài đời thực.

Vui lòng không mang đi nơi khác.


1.

Chiến tranh xảy ra vào năm cuối cùng trong đời học sinh của chúng tôi. Đó là những ngày mùa hè bỏng cháy bởi cái nắng gay gắt, bởi màu phượng đỏ rực trên bầu trời không một áng mây, bởi những tin tức đẫm máu từ chiến trường truyền về.

Tôi nhớ thời gian đó, không ngày nào không có tin thương vong, không ngày nào báo chí không đưa tin những chuyển biến căng thẳng, những hành vi xung đột leo thang, và nhất là những tuyên bố không nhượng bộ từ cả hai bên – tất cả, cho thấy cuộc chiến tàn khốc sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc.

Đối với học sinh năm cuối chúng tôi, dù biết trước mắt là kì thi quan trọng quyết định cả tương lai nhưng vẫn không có ai có thể quên đi những gì đang xảy ra nơi biển khơi, nơi đất nước đang đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh để chống lại một thế lực mà sự hùng mạnh quân sự đi đôi với mức độ tham vọng, ngang ngược và xảo trá.

Nhưng dù là chính nghĩa hay phi lý, thì hậu quả của chiến tranh vẫn là chết chóc, là mất mát đau thương, chuyện này gieo trong lòng chúng tôi một nỗi bất an nặng nề và dai dẳng thay thế hoàn toàn cho những lo lắng bài vở.

Những ngày đó, trong lớp học bao trùm một sự tĩnh lặng kì lạ, chỉ có tiếng phấn kẻ trên bảng đen, và giọng nói đều đều của giáo viên. Tôi nhớ ngay cả người thầy thích lấy việc la mắng học sinh làm niềm vui nay cũng trầm tĩnh lại, có lẽ, thầy thương hại cho thần kinh non nớt đã gần tan vỡ của lũ học trò mới lớn, hoặc cũng có thể là bản thân thầy cũng chẳng biết phải nói gì. Thế nhưng giữa không khí nặng nề đặc quánh đó, tôi nhớ có một kẻ vẫn cư xử rất khác người, vừa cười vừa nói cái tin mà người ta không thể nào vui nổi.

–          Xem này, bên kia có cả tàu sân bay.

–          Tàu quân sự của bọn họ to gấp mấy lần tàu ta nhỉ.

–          Hăm dọa dùng vũ khí hạt nhân rồi cơ đấy.

Liếc mắt nhìn về phía cái loa phóng thanh đang ra rả tin tức thời sự kia, tôi thấy tên bạn đen nhẻm với cái đầu tổ quạ, ngồi gác chân lên ghế, một tay cầm tờ báo một tay vỗ bàn không hiểu là phấn khích hay tức tối, mà quan trọng là, miệng của cậu ta vẫn không có dấu hiệu ngừng lại.

–          Hà Đức Chinh, im lặng đi!

Siết chặt bút bi trong tay, tôi quát lên. Trong khi đầu óc đang quay vòng với mớ công thức và hình vẽ khó nhằn, bên tai lại có tiếng nói ra rả không ngừng, làm sao không bực mình cho được. Mọi người trong lớp có vẻ đồng tình với tôi mà cùng lên tiếng, vì vậy, loa phóng thanh đành phải tạm ngừng chương trình. Nói là tạm ngừng, bởi vì ai cũng biết ngày mai cậu ta chắc chắn sẽ tiếp tục truyền thanh, ngày nào cũng vậy, đều đặn còn hơn lịch phát sóng trên ti vi.

–          Rồi chúng ta sẽ chiến thắng mà thôi, ha ha.

Trước khi bỏ ra ngoài, loa phóng thanh chốt lại một câu, cái câu cậu ta đã lặp đi lặp lại nhiều đến mức ai cũng thuộc lòng.

Rồi chúng ta sẽ chiến thắng mà thôi.

Aiss, chính tôi cũng đã bị cậu ta thôi miên rồi.


Ôm đầu nhìn theo dáng người nhảy nhót ngoài hành lang, tôi thực sự không hiểu tại sao Hà Đức Chinh có thể lải nhải bất cứ chuyện gì như vậy, từ chuyện bầu cử đến chuyện lúa mất giá rồi cả chuyện con trai bà hàng xóm đánh nhau.  Quen biết cậu ta mười mấy năm cũng là chừng đó thời gian tôi được cập nhật tin tức mà không cần xem ti vi hay đọc báo, ban đầu rất khó chịu thế nhưng lâu dần rồi cũng phải quen, chỉ là thời gian gần đây tôi rất dễ phát cáu với cậu ấy.

Tôi không biết mình phát cáu vì điều gì. Vì áp lực kì thi, vì gánh nặng bài vở, vì những suy nghĩ cho tương lai buộc tôi cần phải tỉnh táo, hay là vì chính những gì Đức Chinh đang nói. Tôi chỉ biết mỗi khi nhìn Chinh tôi luôn tự hỏi làm sao cậu ấy lại có thể lạc quan một cách ngu ngốc như vậy, làm sao cậu ấy luôn luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ thắng. Rõ ràng, ai cũng biết tình hình hiện tại đang nghiêng về phía nào...

2.

Tan trường, bước chân tôi giẫm lên những cánh phượng héo úa, như giẫm lên những giây phút cuối cùng còn là một học sinh, và có lẽ cũng là những giây phút bình yên cuối cùng trước khi mùi thuốc súng từ biển khơi tràn về át đi mùi cây cỏ của vùng quê đồng nội...

Phía trước, Đức Chinh vừa đi vừa vung vẩy balo, ngẩng đầu nhìn ngó bầu trời, thi thoảng lại huýt sáo nho nhỏ. Nhìn cậu ấy, bất giác tôi nghĩ đến bầy chim sẻ lúc nào cũng ríu rít chuyền bay trong những tán cây ngoài hiên lớp, bầy chim nhỏ bé hoang dại không hề sợ con người, thậm chí còn vô tư sà xuống nhặt những mẩu bánh vụn được học trò ném cho, bầy chim luôn hót ríu rít giữa trưa hè nóng cháy, cất lên thanh âm khiến tôi đau đầu.

–          Dũng, tốt nghiệp rồi cậu sẽ làm gì?

Đức Chinh đột nhiên lên tiếng khiến tôi giật mình, cậu ấy quay đầu lại vừa đi thụt lùi vừa hỏi, loại hành vi ngớ ngẩn khiến tôi vừa bực mình vừa buồn cười, mắng mãi cậu ấy vẫn không sửa cứ như đang tạo phong cách riêng vậy.

–          Không biết.

–          Sao lại không biết, cậu không thi đại học à?

Thi đại học...

Hiện tại, đó là cụm từ khiến tôi nhức nhối thứ hai sau từ "chiến tranh".

Vốn dĩ từ trước đến nay tôi không biết mình thích gì, có khả năng gì, tôi thậm chí còn không hình dung được sau này mình sẽ như thế nào. Cũng may, cha mẹ muốn tôi học kinh tế để tiện lo cho cơ sở may mặc nhỏ của gia đình, họ không ép buộc nhưng bởi vì tôi không có ý kiến nên mọi chuyện cứ vậy mà theo ý của ông bà. Thế nhưng bây giờ mọi kế hoạch đã đổi khác – cũng vì chiến tranh.

–          Tiến Dũng!

Đức Chinh lại gọi to, lúc này cậu ấy đã đứng hẳn lại mà nhìn tôi, biết rằng mình sẽ khó lòng yên thân nếu không có câu trả lời, tôi buột miệng nói.

–          Tớ không thi đại học.

–          Tại sao?

Đức Chinh nhíu mày ra vẻ suy nghĩ, nhưng tôi thừa hiểu "suy nghĩ" là chuyện cậu ấy tệ hại nhất, vậy nên tôi mở miệng trước khi Đức Chinh kịp cho ra kết luận điên rồ gì đó

–          Tớ đi nước ngoài.

Quả nhiên, đáp án của tôi hoàn toàn không giống những gì Đức Chinh đang nghĩ, bằng chứng là tôi thấy cậu ấy mở to đôi mắt bé tí của mình – một đôi mắt màu nâu giống màu lông chim sẻ.

–          Vậy sao, cậu đi du học, thích nhỉ...

Sau một lúc lặng thinh để tiêu hóa lời tôi vừa nói, Đức Chinh lẩm bẩm rồi quay đi, bỏ lại tôi đứng đó, ngạc nhiên đến sững sờ.

Sao vậy? Tại sao cậu ấy không hỏi tôi định đi đâu, bao giờ đi, tại sao cậu ấy không nhảy cẫng lên rồi chạy về phía tôi hỏi han đủ thứ? Trong lòng vốn đã dự tính sẽ gặp cả mớ phiền phức vì lòng hiếu kì xuất phát từ sự quan tâm của người kia, thế nhưng khi cậu ấy dễ dàng từ bỏ như thế này, tôi bỗng nhiên có chút hụt hẫng.

Đức Chinh không phải đang giả vờ, cậu ấy thật sự không muốn hỏi gì nữa, chỉ tiếp tục quay đầu vừa đi vừa nhìn ngó bầu trời như lúc trước, nhưng hình như, bước chân chim sẻ đã chậm lại...

Đến lúc này tôi mới sực nhớ một việc, một việc là lý do duy nhất giải thích cho thái độ khác thường của Đức Chinh. Một người mẹ đau ốm và một đứa em non nớt khiến chuyện còn đi học đến giờ phút này đã là một nỗ lực rất lớn của cậu ấy, và dĩ nhiên, du học là chuyện còn hơn cả một giấc mơ xa xỉ. Đi nhanh về phía trước để đuổi kịp Đức Chinh, tôi huých nhẹ vào vai cậu ấy để xua đi chút xót xa kì lạ trong lòng.

–          Vậy còn cậu?

Đức Chinh đưa tay tóm lấy một cánh phượng bay qua trước mắt, siết nhẹ một chút, rồi mở ra, giống như chỉ cần chừng ấy thời gian để quên đi tất cả muộn phiền, cậu ấy quay lại chìa cánh phượng cho tôi xem, vừa cười vừa hào hứng trả lời.

–          Trước tiên tớ sẽ đi nghỉ mát một chuyến.

Và lần này, đến lượt tôi ngạc nhiên, rồi phì cười.

Nghỉ mát? Nói đùa cái gì vậy?

Bởi vì lâu nay Đức Chinh luôn nói tốt nghiệp xong sẽ đi học nghề, rồi mở tiệm sửa chữa đồ gia dụng. Đối với mọi người, không có tấm bằng đại học đã là một thất bại hủy hoại cả tương lai, nhưng đối với Đức Chinh, dường như học nghề và lo cho gia đình chính là tất cả những gì cậu ấy muốn. Tôi nghĩ vậy không phải vì hoàn cảnh trước mắt của Chinh, mà bởi vì khi nghe cậu ấy nói điều này, tôi thấy trong đôi mắt nâu hiện lên thứ ánh sáng lạc quan và tràn đầy hi vọng – thứ ánh sáng khiến tôi từ khó hiểu rồi dần dần có chút khinh thường, sau đó là ghen tị rồi cuối cùng lại âm thầm ước ao.

Tôi không hỏi Đức Chinh định đi đâu, tôi cho rằng cậu ấy chỉ đang nói đùa để khỏa lấp những phiền muộn vô hình. Vì vậy, trong  suốt những năm tháng sau này, có đôi khi ngẩn ngơ nhớ lại, tôi phát hiện Đức Chinh chưa bao giờ nói đùa về ý định của mình. Cậu ấy từ lâu đã quyết định những bước đi của bản thân, lặng lẽ âm thầm nhưng vô cùng cương quyết.

3.

Thời gian rất nhanh trôi qua, kì thi tốt nghiệp kết thúc.

Ngày mọi người tất bật quay lại trường đăng kí lớp ôn thi đại học thì tôi và Đức Chinh lại làm chuyện không giống ai – tôi chuyển đi, còn Chinh đến tiễn.

Tôi dám cá trên đời không có ai đi tiễn người mà kì cục như Hà Đức Chinh, không có một lời chia tay nào, trên mặt cũng không có vẻ gì là luyến tiếc, cậu ấy thậm chí còn hăng hái giúp chúng tôi chuyển hành lý như đuổi đi cho mau vậy.

Chỉ có điều khi tôi chuẩn bị lên taxi để ra sân bay, Đức Chinh lại đột nhiên chìa tay.

–          Gì đây?

–          Cho tớ sợi dây chuyền của cậu đi.

Trong khi tôi trừng mắt ra nhìn thì Đức Chinh lại ngoắc ngoắc mấy ngón tay, trưng ra nụ cười ngốc nghếch quen thuộc.

–          Đi mà...

Cái tên không biết xấu hổ này...

Khóe môi giật giật, tôi thật sự muốn mắng Đức Chinh, thế nhưng khi chuyển đường nhìn từ nụ cười lên đôi mắt của cậu ấy, bất giác, tôi lặng người.

Trong đôi mắt chim sẻ có điều gì đó khiến tôi không mắng được, điều gì đó hoàn toàn trái ngược với nụ cười ngốc nghếch kia, điều gì đó khiến tôi chợt nhận ra giây phút này rồi sẽ trở thành một vết khắc hằn sâu trong ký ức.

–          Hừ, cậu hay nhỉ.

Tôi đưa tay lấy xuống vật trên cổ, chỉ là một sợi dây đeo kim loại có khắc tên của tôi. Đặt nó vào bàn tay của Đức Chinh, nhìn bàn tay chai sạn và đầy rẫy dấu vết lao động kia, bỗng nhiên tôi rất muốn nắm lấy...

Nhưng hai thằng con trai nắm tay nhau để làm gì?!

Trong khi tôi giật mình tự hỏi từ lúc nào mình bị lây nhiễm mấy hành vi kì quặc từ Đức Chinh, thì bất chợt, người trước mặt vươn cánh tay ôm lấy tôi, siết chặt một chút, rồi buông ra. Cái ôm chưa đầy 3 giây nhưng đủ để tôi chấn động. Chấn động đến mức sau khi Chinh đã buông tay, tôi vẫn không thể nghĩ đến gì khác ngoài một mùi hương kì lạ vừa thoảng qua, một mùi hương vừa trong lành như cỏ dại đẫm sương, vừa kham khổ như nắng mưa khói lửa...

–          Đi mạnh giỏi nha!

Cái đánh nhẹ vào vai làm tôi sực tỉnh, cố nghĩ đến chuyện gì đó để khỏa lấp những nhịp đập rối loạn của trái tim. À hóa ra Chinh thấp hơn tôi nửa cái đầu, hóa ra khi ôm tôi cậu ấy trông thật nhỏ bé, hóa ra...hai thằng con trai ôm nhau lại rất ấm áp, một thứ ấm áp kì lạ, thứ ấm áp mà sau này tôi mới biết mình phải hoài niệm cả đời...


Xe lăn bánh, nhìn qua kính chiếu hậu tôi thấy Đức Chinh vẫn đứng ở đó, vẫy tay và mỉm cười. Nụ cười đã ở bên tôi suốt thời niên thiếu, nụ cười ngốc nghếch của một người ngốc nghếch, nhưng không biết vì sao tôi vẫn cố chấp nhìn.

Nhìn cho đến khi thân ảnh Đức Chinh chỉ còn là một chấm nhỏ như hạt bụi li ti, cho đến khi nhận ra hàng phượng vĩ đỏ rực hai bên đường giống như biến quê nhà thành vùng trời bão lửa, chôn vùi cậu ấy, chôn vùi tất cả...

Nhìn cho đến khi đôi mắt tôi có chút đau nhức, có chút cay nồng...

4.

Đến Mỹ, tôi tiếp tục kế hoạch mà cha mẹ đặt ra – học đại học chuyên ngành kinh tế và tạm thời quên đi những chuyện ở quê nhà.

Không biết là trùng hợp hay là vì lý do nực cười nào đó, tôi gặp rất đồng hương ở nơi này, mà đa phần trong số họ cũng là mới chuyển đến. Người bản địa nhìn chúng tôi với ánh mắt giống như hiểu rõ tại sao chúng tôi đến đây, vào lúc này, nhưng chúng tôi lại cố gắng để mình hiểu theo một cách khác – là đến để học tập, để kinh doanh, để đoàn tụ với người thân hay là đến vì bất kì lí do nào đó không liên quan đến hai từ "trốn chạy".

Ở đây vẫn có cuộc mít-ting ôn hòa phản đối cuộc chiến do đại sứ quán tổ chức, nhưng cha mẹ không muốn tôi tham gia, họ bảo cố gắng học hành cũng là giúp ích cho đất nước, thậm chí đó mới là cách thông minh, nhưng tận thâm tâm tôi vẫn có cảm giác khó chịu. Sự khó chịu gặm nhấm giày vò khi biết mình hèn nhát.

Ở đây tôi không còn thường xuyên nghe tin về cuộc chiến, dù thi thoảng vẫn có vài tờ báo đưa tin những chuyển biến căng thẳng từ quê nhà nhưng đó chỉ là những mẩu tin ngắn ngủi vô cảm trích lời bình luận thiệt hơn của chuyên gia bản địa. Dù vậy cũng không phải tôi hoàn toàn mù tịt thông tin, ngược lại, tôi vẫn có một cái nhìn trực diện qua những thứ từ chính quê nhà chuyển đến – những lá thư từ Đức Chinh.

Trong thư, sau mỗi tin tức được liệt kê, dù là bất lợi hay khả quan, Đức Chinh luôn kèm đủ kiểu tán thán làm tôi có cảm giác như đang ngồi trong lớp học và nghe cậu ấy ra rả phát thanh. Dĩ nhiên, cuối mỗi bức thư lúc nào có một câu quen thuộc mà cậu ấy dùng để thôi miên người khác "Rồi chúng ta sẽ chiến thắng mà thôi". Đồ ngốc!

Đối với tôi, chuyện liên lạc qua thư không có gì rắc rối ngoại trừ việc Đức Chinh viết chữ quá xấu. Xấu đến mức mỗi lần mở thư là tôi lại nổi nóng, rồi lại phì cười khi nghĩ cái đống chữ gà bới này chính là bà con với cái đầu tổ quạ của cậu ấy, một tổ hợp không biết là kì quặc hay kì diệu nhưng không thể phủ nhận là khiến người ta có ấn tượng khắc sâu.

Sau vài lần nhức mắt khi phải cố đọc thư và khi đọc không ra thì chuyển sang nhức cả đầu vì phải cố đoán những ý nghĩ điên rồ của cậu ấy, tôi phàn nàn và yêu cầu đổi cách liên lạc. Thế nhưng không biết vô tình hay cố ý mà một tuần sau tôi nhận được một đống chữ gà bới còn thảm hại hơn "Tớ không thích, gọi điện tốn tiền lắm, mà nhất là, viết thư thế này mới lãng mạn". Đồ dở hơi!

Ba tháng sau khi tôi đi, và cũng là lần thứ 5 nhận được thư của Đức Chinh, cậu ấy nói vài ngày nữa sẽ bắt đầu chuyến nghỉ mát nên tạm thời không thể liên lạc với tôi nữa. Khi nhận được tin này, ngoại trừ sự ngỡ ngàng khi nhận ra cậu ấy không nói đùa, còn có một nỗi bất an kì lạ chợt dâng lên khiến tôi muốn  lập tức nói với cậu ấy điều gì đó.

Nhưng nói điều gì?

Tôi đang lo lắng điều gì?

Nhiều lần đặt bút rồi lại để tâm trí bồn chồn ngẩn ngơ, cuối cùng, những trăn trở lo sợ trong tôi chỉ được dồn nén bằng cụm từ ngắn ngủi trong lá thư hồi âm cuối cùng gửi cho cậu ấy "Chúc vui vẻ".

Tôi không biết Đức Chinh đi đâu, đi bao lâu, tôi không biết cậu ấy có vui thích vẫy vùng đến mức quên cả tôi hay không, nhưng sau đó, Chinh đã không còn viết thư cho tôi nữa.

Không một lần nào nữa...

5.

Tôi về nước trong mùa xuân năm 1990, 15 năm sau khi tiếng súng ngừng vang trên đất nước.

Dấu vết chiến tranh hầu như không còn hiện diện, xương máu để đổi lấy chủ quyền được quy tụ trong một khu nghĩa trang liệt sĩ hải quân được xây dựng trên tuyến đường mang tên phần lãnh thổ thiêng liêng mà chúng tôi đã ra sức đấu tranh bảo vệ.

Một người bạn học năm xưa dẫn đường cho tôi đi gặp Đức Chinh – tên ngốc chết tiệt đã không thèm liên lạc suốt 15 năm nay, và có lẽ là mãi sau này nữa, vậy nên tôi luôn phải đi tìm cậu ấy, cuộc tìm kiếm phải đến bây giờ mới thành công.

Khi gặp lại tôi, Đức Chinh vẫn nở nụ cười ngốc nghếch như ngày xưa, vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt chim sẻ trong veo, nhưng có điều gì đó khiến người thanh niên trước mặt tôi vừa quen mà vừa lạ.

–          Tiến Dũng, tôi qua bên kia một lúc.

Người bạn đi cùng khẽ nói rồi ôm lấy bó hương rời đi, đôi mắt tôi vẫn không thể rời khỏi đôi mắt người đối diện. Không ai nói gì, trong tột cùng tĩnh lặng tôi như nghe thấy tiếng róc rách nho nhỏ miên man của dòng chảy từ quá khứ tràn về, giao hòa cùng hiện tại, đem những ký ức thân thuộc nhất hòa vào những nét đổi thay nhẹ nhàng của ngày hôm nay, cuối cùng họa lên thân ảnh một người bước ra từ quá khứ.

–          Chào cậu, đồ ngốc...

Phải, trước mặt tôi vẫn là Đức Chinh mà thôi. Vẫn là đôi mắt chim sẻ ánh lên lạc quan, nhưng những gian khổ ẩn sâu trong con ngươi khiến sự lạc quan ấy càng trở nên vững chắc. Vẫn là gương mặt chất phác hiền lành, nhưng những dấu vết khắc khổ hằn sâu khiến từng đường nét càng trở nên thân thuộc. Vẫn là chiếc áo đơn bạc khoác lên bờ vai hao gầy, nhưng màu áo trắng học trò năm xưa giờ đã hóa thành màu áo xanh lính biển...Chỉ vậy mà thôi, chừng ấy thời gian không thể xóa đi Đức Chinh trong lòng tôi, cậu học trò chất phác hiền lành, chú chim sẻ hồn nhiên bay nhảy giữa bầu trời gay gắt, nay lại là một người lính can trường dũng cảm, chạy giữa lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, để giành lấy chiến thắng, giành lấy hòa bình.

Bất giác, tôi nhớ câu nói năm xưa của Đức Chinh, câu nói ngốc nghếch cậu ấy luôn nói sau khi đọc tin chiến sự từ báo chí "Rồi chúng ta sẽ chiến thắng mà thôi". Lúc đó, tình huống đen tối trước mắt khiến tôi cười nhạo Đức Chinh, dựa vào đâu cậu ấy lại nói như vậy, là dựa vào chân lý "chính nghĩa thắng gian tà" hay sao. Nhưng bây giờ, thực tế đã chứng minh rằng Đức Chinh đã đúng. Đúng không chỉ vì dựa vào chân lý, vào niềm tin, mà còn vì cậu ấy đã có sẵn một kế hoạch cho chính mình, một kế hoạch rõ ràng để bắt tay thực hiện chân lý.


–          Tiến Dũng!

Không biết qua bao lâu, người bạn bên cạnh trở về và gọi tên tôi, đến lúc này tôi mới phát hiện xung quanh mình từ lúc nào đã đượm mùi hương khói.

–          Xong rồi?

–          Ừ, nhưng vẫn không đủ.

Người kia mỉm cười nhìn một vòng xa xăm, trên con ngươi mờ đục phản chiếu những tấm bia nhỏ trắng muốt ngay hàng thẳng lối trải dài đến tận chân trời, trèo lên cả những ngọn đồi xanh mướt phía xa. Tôi biết cậu ấy muốn thắp hương cho tất cả đồng đội của mình, nhưng dù có thắp cả nghĩa trang này, thì vẫn còn những người đã nằm lại trong lòng đại dương mãi mãi.

Lặng người một lúc, cậu ấy khom lưng dùng cây chổi nhỏ quét đi lá khô xung quanh. Động tác nhẹ nhàng thuần thục hoàn toàn không gặp trở ngại gì dù thiếu đi một cánh tay, một đôi mắt. Nhìn người thương binh trước mắt, tôi vẫn có chút không ngờ cậu bạn bé nhỏ rụt rè năm xưa lại trở thành một người lính, càng không ngờ rất nhiều bạn học ngày ấy cũng đầu quân ra chiến trường. Những tên bạn láu cá, những cô gái yếu mềm, và thậm chí là cả những người đang tràn đầy nhiệt huyết với giảng đường đại học, rất nhiều trong số họ, đã gác lại ước mơ hoài bão để nằm lại nơi đây.

–          À, cái này là của Đức Chinh bảo tôi đưa cho cậu.

Như chợt nhớ điều gì, người bạn kia lấy trong túi áo một vật thả vào lòng bàn tay tôi.

Là một sợi dây đeo cũ kĩ trầy xước thảm hại...

Bàn tay bỗng nhiên run lên, lòng tôi dường như nứt vỡ. Từng vết nứt chạy dài theo nhịp thở, chạm nhau, rồi vỡ toang. Từng mảnh, từng mảnh sắc nhọn xé toạc bức màn ngăn cách giữa hiện tại và quá khứ, đào móc ra thứ gì đó từ sâu thẳm trái tim tôi, thứ gì đó mà bấy lâu nay tôi luôn cố chôn vùi nhưng cũng biết rằng sự tồn tại của nó là mãi mãi.

–          Cám ơn cậu...Chinh có nhắn gì không?

–          Không, chỉ nói là nếu gặp cậu thì đưa thôi, cũng gần 20 năm rồi, tôi còn không biết sẽ có ngày này, lúc đó chỉ hứa để cậu ấy yên tâm.

Hít một hơi thật sâu, tôi nhìn vật lạnh lẽo trong tay mình, ngón tay không thể kiềm chế run run xoa lên từng dấu vết hư hại của thời gian, xoa lên từng nét khắc vụng về tạo thành dòng ký tự bên cạnh tên tôi – ĐC.

Là tên của cậu ấy...

Thì ra những tháng ngày trong quá khứ, đã có một người thanh niên khom lưng tỉ mẫn khắc tên mình lên một sợi dây kim loại, trên môi vẫn nở nụ cười ngốc nghếch như vậy, như ngày cuối cùng người ấy đứng trước mặt tôi.

"Cho tớ sợi dây chuyền của cậu đi...

Đi mà..."

Thì ra đây là hành trang mà Đức Chinh vẫn luôn mang theo trong suốt chuyến nghỉ mát của mình.

Đây là thứ mà cậu ấy luôn luôn trân trọng, cho đến giây phút cuối cùng, cho dù bản thân bị vùi sâu vào đất lạnh cậu ấy cũng không muốn nó bị lãng quên...


Đi nghỉ mát ư, cũng đúng.

Con người chỉ thực sự được nghỉ ngơi khi tâm hồn hoàn toàn thanh thản bình yên. Cậu ấy chạy về nơi giông bão để đổi ấy sự bình yên, bình yên cho đất nước, cho người thân và có lẽ là cho chính tâm hồn của cậu ấy. Còn tôi, tôi chạy về nơi bình yên để rồi trong lòng không lúc nào không nổi lên bão tố...

–          Tiến Dũng, tôi rất thích mấy bài báo gần đây của cậu, viết hay lắm.

Người bạn bên cạnh bật cười nói một câu để kéo tâm trí tôi quay trở lại, trong đôi mắt không có tiêu cự dường như lại ánh lên niềm vui bình thản.

–          Đừng ngạc nhiên, là Xuân Trường đọc cho tôi nghe, cậu ta mất một chân nhưng mắt vẫn còn tốt lắm.

Lời nói mang theo ý đùa lại khiến tôi không cười nổi, nhưng rõ ràng, chúng càng khiến tôi nhận ra những người bạn nhỏ bé năm xưa thực chất vô cùng cao lớn mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn những gì họ nói, cao lớn hơn bất kỳ giới hạn nào được đặt ra.

–          Cám ơn cậu, Quang Hải.

–          Chiến tranh kết thúc, lính lác chúng tôi tạm thời được nghỉ ngơi, nhưng cuộc đấu tranh của cậu thì còn dài đó, cố gắng lên.

Một lần nữa, trong đôi mắt mờ đục lại ánh lên thứ cảm xúc điềm tĩnh nhưng cực kỳ kiên quyết. Phải, cuộc đấu tranh pháp lý, đấu tranh văn hóa, đấu tranh tư tưởng sẽ không bao giờ chấm dứt, đấu tranh để cả thế giới hiểu rằng đất nước chúng tôi yêu hòa bình nhưng tuyệt đối không khuất phục.

Ngày nhận ra chính mình không thể tiếp tục sống trong nỗi mặc cảm trốn chạy, nhận ra vẫn có rất nhiều cách tham gia vào cuộc chiến từ xa, tôi từ bỏ kinh tế để học luật và báo chí. Tôi không ngạc nhiên khi cha mẹ không phản đối, có lẽ chính ông bà cũng muốn tìm chút bình yên cho mình. Tôi vừa học vừa tham gia viết bài, cùng với rất nhiều sinh viên khác kiên trì nghiên cứu bằng chứng lịch sử, tư liệu pháp lý để nói lên tiếng nói của mình ở các diễn đàn quốc tế. Tất nhiên, khó khăn là không thể tránh khỏi, bị đồng tiền và sự ngang ngược chèn ép cũng là chuyện thường xuyên xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ từ bỏ. Cho đến hiện tại mọi nỗ lực cố gắng đã đem lại tia sáng đầu tiên, một năm trước, tôi tham gia vào hội luật sư đại diện cho đất nước trong cuộc đấu tranh pháp lý ở tòa án quốc tế.

Tôi biết, chặng đường này còn rất chông gai, nhưng không phải đã có một người cho tôi biết trước kết quả cuối cùng hay sao.

Dù có như thế nào, rồi chúng tôi cũng sẽ chiến thắng.


Chiều về trên nghĩa trang tĩnh lặng, Quang Hải đứng trước mộ người đồng đội đã sát cánh cùng mình, dùng bàn tay duy nhất nghiêm cẩn đưa lên như ngày còn trong quân ngũ.

–          Chào tạm biệt, đồng chí Hà Đức Chinh.

Đối với Quang Hải, Đức Chinh là đồng chí, là đồng đội, là người đã hy sinh để bảo vệ cậu ấy, là người mà suốt 20 năm qua cậu ấy chưa bao giờ quên.

Còn tôi? Đối với tôi, Đức Chinh là gì? Là bạn thân, là tri kỷ, hay là một người mà tình cảm trong tôi vô cùng phức tạp. Qua đi năm tháng thanh xuân bồng bột, qua đi khói lửa chiến tranh tàn khốc, qua đi bao nhiêu đau đớn dằn vặt và nỗi nhớ khôn cùng, tình cảm ấy chỉ có lắng đọng chứ chưa bao giờ nhạt phai.

           

Có những thứ không bao giờ có thể phân định rõ, có những thứ tồn tại mãi mãi trong trạng thái lập lờ hư ảo, ăn sâu bám rễ vào trái tim, thấm đượm vào tâm hồn cho đến hết kiếp người. Tôi đã từng đắn đo trăn trở, đã từng dằn xé băn khoăn, nhưng hiện tại có lẽ tất cả không còn quan trọng nữa. Bởi vì trong lòng tôi, Đức Chinh vẫn như vậy, vẫn là chú chim sẻ nhỏ bé bay nhảy nơi vùng trời của cậu ấy, một vùng trời thật bình yên...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dungchinh