duc phat va nang

Quyển I: Thời niên thiếu

Chương 1: Tôi làm chuột thí nghiệm

Tôi ngồi ngây trên cồn cát, dõi mắt nhìn về phía xa xa, khắp nơi đều là biển cát mênh mông. Vài con lạc đà hoang nhàn nhã mà đi thong dong. Tôi chưa kịp tới gần thì chúng đã nhanh chân chạy mất dạng, còn lanh lợi hơn lạc đà nuôi trong nhà. Thất thểu lê bước trên cát, tôi đã vòng đi vòng lại khắp mọi nơi hai ba tiếng đồng hồ, thực sự mệt vô cùng. Không GPS, không phân biệt được phương hướng, tôi đi lung tung như vậy không làm nên được cơm cháo gì. May mà giờ đang là tiết trời thu tháng mười, tuy có khô hạn nhưng nhiệt độ sa mạc vẫn còn ở mức có thể chịu đựng được. Chỉ có điều nhìn mặt trời đang dần ngả về phía Tây, tôi không khỏi cắn môi lo lắng. Mặt trời mà lặn, một người trong tay không có bất kỳ trang thiết bị dã ngoại nào như tôi nếu phải qua đêm ngoài hoang mạc, không chết đói thì cũng chết rét.

Mắt nheo lại, đầu óc có hơi chút mông lung, đến giờ tôi vẫn chưa hết hẳn cảm giác choáng váng từ lúc rơi xuống. Giơ tay trái lên nhìn chiếc đồng hồ vượt thời gian trên cổ tay, thở dài. Lần thứ ba vượt thời gian chính thức thất bại. Nhưng dù sao vẫn còn hơn hai lần trước, ít nhiều gì cũng có chút tiến bộ, rốt cuộc cũng chạm được xuống đất.

Tham gia dự án vượt thời gian này làm chuột thí nghiệm cũng đã được hơn một năm. Tôi là nghiên cứu sinh khoa lịch sử. Vốn dĩ lúc đầu chỉ theo đuôi giáo viên hướng dẫn của tôi, giáo sư sử học nổi tiếng cả nước, đảm nhiệm công tác chỉ đạo dự án. Ai ngờ mấy nhà sinh học kia nhìn thấy tôi thì nằng nặc bắt tôi làm kiểm tra sức khỏe rồi lại thống nhất rút ra kết luận là thể chất của tôi vô cùng thích hợp để vượt thời gian.

Trước đó các tình nguyện viên ban đầu của dự án đã từng thử qua vô số lần nhưng không một ai thành công. Thế nên nhóm chuyên gia cho bọn họ nghỉ hết, rồi bắt đầu tìm cách vận dụng mọi lý lẽ, tình cảm đi thuyết phục tôi. Là một người có chuyên môn, đương nhiên tôi phải có trách nhiệm và nghĩa vụ làm sáng tỏ chân tướng tầng tầng lớp lớp các bí ẩn bị vùi sâu trong quá khứ. Việc quay về thời cổ đại tự mình kiểm nghiệm lịch sử, nào đã có ai làm được? Nếu thành công, tôi sẽ trở thành người đầu tiên từ trước đến giờ, ý nghĩa trọng đại đủ để lưu danh sử sách.

Tôi là một nữ sinh rất có hoài bão, châm ngôn mà tôi đặt ra cho bản thân là: Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường, nghe vạn nhân ngôn, vẫn luôn ôm hy vọng thành tựu học thuật của mình sẽ có một ngày chói lọi ngang bằng với sếp – cũng chính là giáo viên hướng dẫn của tôi, hồi đại học có một thời gian thịnh hành gọi là sếp. Đó là lý do mà tôi vừa mới hơi dao động đã lập tức bị một đám chuyên gia tâm huyết nghề nghiệp dâng trào lôi cổ lên bàn thí nghiệm.

Lần thí nghiệm đầu tiên, tôi biến mất khỏi bàn thí nghiệm chưa đầy nửa phút đã bị rơi xuống. Ngoại trừ cảm giác buồn nôn lợm giọng kinh khủng lúc bay lên ra, tôi chẳng ấn tượng nổi cái gì khác. Các thiết bị thí nghiệm mà tôi mang theo trên người như máy thăm dò carbon 14, máy định vị kinh độ vĩ độ GPS, laptop, camera kỹ thuật số DV, vân vân… toàn bộ đều bị chấn động của các phóng xạ cao tần làm hỏng sạch. Các chuyên gia rút ra kết luận là không thể mang theo thiết bị điện tử. Vì vậy sau khi nằm trên giường tĩnh dưỡng nửa tháng xong tôi lại phải gấp rút tham gia ba tháng huấn luyện sử dụng công cụ thủ công, thậm chí cả cách sử dụng xẻng Lạc Dương.

Lần thí nghiệm thứ hai tiến bộ thêm được một bước, tôi biến mất được khoảng 10 phút. Đương lúc mọi người hò reo nhảy múa định mở tiệc ăn mừng thì tôi rơi bụp một cái xuống bãi cỏ ngoài phòng thí nghiệm. Sau khi hồi tỉnh, tôi mang máng nhớ được lúc đang lơ lửng trên không có thấy lờ mờ hình ảnh một dãy phố, một đám người, nhìn cách phục sức và bài trí thì có lẽ là thời Hán. Nhưng mà tôi còn chưa kịp chạm đất đã bị một lực hút rất mạnh kéo lại. Các dụng cụ thủ công mang trên người đã nứt vỡ thành từng mảnh.

Dựa theo lời thuật lại của tôi, các chuyên gia phỏng đoán thời gian bị đảo ngược có khả năng rơi vào mốc hai nghìn năm trước. Thế nên trong thời gian phải nằm trên giường, tôi lôi sách sử tần hán thời chiến quốc ra ôn lại hết một lần. Vết thương còn chưa lành hẳn tôi đã lại bị lôi đi học vẽ phác họa, vẽ sơ đồ thiết kế, vẽ phối cảnh. Nhóm chuyên gia cuối cùng cũng từ bỏ ý định bắt tôi vác theo các công cụ cồng kềnh, giờ chỉ cần mang loại nhỏ gọn dễ gấp xếp thôi.

Sau nửa năm học vẽ bản đồ, bàn thí nghiệm được cải tiến lần hai, thành hình dạng tương tự máy CT. Lần này tôi chỉ mang theo các đồ dùng cần thiết với bút chì và một chồng bản phác họa lên đường. Trước khi đi sếp còn nhắc đi nhắc lại mãi là ngàn vạn lần đừng vứt mấy thứ linh tinh thuộc về thế kỷ 21 nào ở cổ đại, sẽ mang lại phiền phức cho các nhà khảo cổ và nhà lịch sử sau này.

Lần này sau một hồi lơ lửng trên không thì rốt cuộc tôi cũng chạm được xuống đất, hơn nữa còn hạ cánh an toàn. Vì rơi xuống lớp cát nên không bị thương tổn gì cả. Thế nhưng sau khi tỉnh táo phân tích tình hình, tôi mới nhận ra mức độ xui xẻo của việc bị rơi xuống sa mạc. Xung quanh không có một bóng người, cũng không có một đồ vật nào liên quan đến con người, tôi đi đến hai ba tiếng đồng hồ mà vẫn chưa xác định được rốt cuộc là mình đã trở về thời cổ đại hay chưa. Tôi chỉ có thể khẳng định được một điều: Tôi đã rời khỏi phòng thí nghiệm rồi.

Tôi không mang theo nước uống, không thức ăn, không thuốc men, vì chắc chắn chúng sẽ bị nhiễm phóng xạ khi vượt thời gian. Trong chiếc ba lô Northface đã qua cải tiến chỉ có dao Thụy Sỹ, la bàn, quần áo để thay, đồ dùng hàng ngày, sổ tay, các công cụ khảo cổ đơn giản, một chồng bản phác họa dày cộp và bút chì, còn có vàng bạc có thể sử dụng làm tiền mặt, vân vân. Không thứ nào hữu dụng trong tình huống như thế này. Xem ra phải từ bỏ lần thí nghiệm này thôi, trở về cho bọn họ cải tiến thêm nữa,… may ra lần tới có thể rơi xuống chỗ nào đó có người. Tôi thở dài, không khỏi cảm thấy chán nản. Nhưng mà mặt trời sắp lặn rồi, tôi phải tranh thủ thời gian, nếu không sẽ không đủ năng lượng mặt trời để khởi động thiết bị.

Lôi cái mũ của bộ phòng phóng xạ bị tôi nhét trong mớ quần áo thời Hán ra, trùm lên đầu. Mang găng tay, kéo khóa kín mít. Nâng tay trái lên, hướng cái đồng hồ vượt thời gian to vật vã thiết kế theo kiểu đồng hồ đeo tay về phía mặt trời, mở chốt an toàn, đếm thầm: 1, 2, 3, …

Đếm đến 10 xong, không có bất kỳ động tĩnh gì. Đếm tiếp: 20, 50, 100, …

Ôi trời ạ, đừng nói là xui xẻo đến thế chứ! Tôi kéo mũ xuống, nhìn chòng chọc cái đồng hồ chết giẫm ấy, không có động tĩnh nào cả. Vỗ vỗ, cũng chẳng có động tĩnh luôn. Ra sức đưa ra ánh nắng mặt trời, tiếp tục không có động tĩnh. Tôi tháo luôn cái đồng hồ chết tiệt ấy ra điên cuồng lắc, đèn báo vẫn không hiện lên màu xanh.

Gió nổi lên, mặt trời bị màn cát bay đầy trời che khuất chẳng còn thấy bóng dáng. Mà cái đồng hồ này lại chạy bằng năng lượng mặt trời. Tôi phải bỏ mạng ở cái sa mạc chẳng ai biết trong cái thời đại chẳng ai hay này thật rồi!

Tôi bật dậy, chỉ lên trời rủa xả đám chuyên gia: Không cho tôi mang theo thức ăn nước uống đã đành, còn bắt vác theo đống tiền nặng muốn chết. Tình huống như này thì tiền để làm cái quái gì? Sớm biết cái đồng hồ dở hơi kia sẽ bị hỏng thì dù có phóng xạ tôi cũng nhất quyết phải mang theo đồ ăn nước uống. Tôi bị nhét vào cái cái máy vượt thời gian chết tiệt đấy ba lần rồi đó, chẳng lẽ chưa bị nhiễm tí phóng xạ nào à? So với việc bị chết đói chết khát, tôi thà bị chết nghẹn vì bánh mì nhiễm phóng xạ còn hơn.

Màn rủa xả chửi thề kết thúc sau khi tôi nuốt nguyên phải một ngụm cát. Mặt trời nhanh chóng khuất bóng. Chỉ một lát sau sa mạc đã trở lạnh kinh người. Bộ phòng phóng xạ của tôi may ra chống được gió rét, nhưng mà còn đói khát thì tính sao? Co người lại run lẩy bẩy bò lên một cồn cát gần nhất, phóng tầm mắt ra xa, không ngờ lại thấy có ánh lửa bập bùng trong màn đêm phía xa. Từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi chưa từng thấy ánh sáng nào ấm áp hơn thế.

Không nhớ rõ tôi đã đi bao lâu trong sa mạc vào đêm đen gió dữ kinh khủng dã man ấy, tôi chỉ nhớ khi lảo đảo bước vào trong ánh lửa trại, tôi đã đói không thấy đường, khát đến miệng khô nứt nẻ. Nhìn rõ trong ánh lửa trại có vài cái lều bạt, có tiếng người, có lạc đà, hai mắt tôi sáng lên, xông thẳng vào một cái lều, sau đó… đổ ụp xuống.

Chương 2: Hòa thượng và ni cô

Sau khi tỉnh lại tôi nhận ra mình đang bị một đám người vây quanh, nam có, nữ có, tướng mạo vô cùng kỳ lạ: mũi cao, mắt sâu, môi mỏng, mặt to, cổ ngắn, da trắng bóc, đồng tử màu nâu. Đàn ông thì vạm vỡ khỏe mạnh, đàn bà thì nở nang đẫy đà, ai ai cũng cao to sừng sững. Cả nam cả nữ đều có tóc màu hung hung đỏ ngắn ngang vai, cuốn vòng. Trang phục của họ còn kỳ lạ hơn: Đàn ông mặc áo ngắn cổ bẻ, tay bó, thắt eo, đi giày cao đến đầu gối, sau lưng đeo kiếm. Trang phục của phụ nữ thì đơn giản hơn nhiều: Áo dài tới gối, vai phải để trần, tay trái cũng là tay áo bó, trùm khăn quàng bằng vải bông xung quanh, cũng đi ủng cao như đàn ông.

Trong tình trạng đói khát thế này, chỉ quan sát sơ qua mà vẫn có thể đưa ra một kết luận đầy tính chuyên nghiệp như thế về trang phục diện mạo của người khác, tôi không khỏi tự bội phục chính mình. Cơ mà hiện giờ mấy thứ này cũng chẳng quan trọng. Tôi ngửi thấy mùi thức ăn rồi.

Đúng là một bát mì và vài cái bánh còn đang nóng hôi hổi, kích thích tuyến nước bọt của tôi ứa ra liên tục. Vội vàng đỡ lấy thức ăn từ tay một người phụ nữ khoảng gần bốn mươi tuổi, lắp bắp nói cảm ơn, rồi ngấu nghiến nhét vào miệng. Thanh toán sạch sẽ mấy cái bánh, xử lý xong bát mì, dạ dày tôi cuối cùng cũng khôi phục lại cảm giác. Thực ra tôi vẫn còn muốn ăn tiếp, ngượng nghịu hỏi xin thêm một ít mới phát hiện ra: bất đồng ngôn ngữ.

Ngôn ngữ bất đồng là chuyện vô cùng bình thường, người ta nhìn qua cũng biết là không phải người Hán. Tôi còn không biết rốt cục là mình đã đến được cổ đại chưa. Đừng nói là tôi chỉ đi du lịch bằng máy bay miễn phí, rơi xuống vùng Trung Đông hay sa mạc nào đó ở Châu Phi, gặp phải một bộ lạc du mục hơi lạc hậu nào đó, rốt cuộc thì vẫn là ở thế kỷ 21 chứ. Tôi lại nỗ lực thử dùng tiếng Anh, cuối cũng người ta vẫn không hiểu.

Đang càng lúc càng tự cảm thấy bi ai giữa những tiếng rì rầm bằng thứ ngôn ngữ xa lạ xung quanh thì có hai người xuất hiện trong lều trại. Tiếng nói chuyện lập tức im bặt, những người trong lều vẻ mặt kính cẩn. Tôi cảm thấy hai người vừa xuất hiện chắc chắn có thân phận không bình thường. Trúng phóc. Khi hai người đó dừng lại trước tấm thảm tôi đang nằm, tôi kinh ngạc há hốc mồm, một lúc lâu không ngậm lại được.

Là một ni cô nhìn qua hơn ba mươi tuổi và một tiểu hòa thượng người nước ngoài khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Điều này đã là bất bình thường rồi, càng làm người khác kinh ngạc hơn là khí chất cao quý tự nhiên toát ra từ người họ. Chỉ lẳng lặng đứng nhìn thôi mà quanh người như tỏa ra một luồng sáng lung linh phi phàm.

Khuôn mặt của ni cô không khác mấy so với những người phụ nữ đang vây xung quanh tôi, nhưng làn da thì trắng mịn hơn. Đôi mắt rất to, đầu mày phóng khoáng, đôi mắt nâu hơi toát ra sức ép vô hình khi nhìn vào tôi. Vóc dáng bà nở nang, áo cà sa đỏ bằng vải thô giản dị không thể giấu được hình hài đẹp đẽ. Nhưng mà tôi vẫn cảm thấy cái trán của bà nhìn không giống như người bình thường, cứ như đã từng bị đè xuống vậy, hơi bẹp bẹp nghiêng về phía sau, tại vì đầu trọc nên càng nhìn kỳ lạ hơn. Tôi nhớ rõ tập tục ép trán từ bé như thế này có ở người Ai Cập cổ với người Ba Tư cổ, nhưng mà chỉ giới hạn trong các thành viên vương thất với nhau. Không biết bà là do bẩm sinh đã có hay là sau khi sinh ra mới cố tình ép xuống. Dù sao thì cái trán bẹp bẹp như thế này cũng không thể che giấu được vẻ đẹp của bà, cả người toát ra một cảm giác chín chắn, trưởng thành.

Quay sang tỉ mỉ đánh giá vị hòa thượng trẻ tuổi mới mười lăm mười sáu tuổi bên cạnh, không khỏi thầm khen ngợi, đúng là đẹp trai chết người mà! Vẫn là mắt sâu mũi cao, nhưng không thô như những người khác. Cả khuôn mặt như một bức tượng điêu khắc của Hy Lạp, đường nét dứt khoát, hình dáng rõ ràng đầy đủ. Ngũ quan hòa hợp tương xứng một cách chuẩn mực, lông mi vừa dày vừa dài, mũi thẳng thanh tú, đôi mắt màu tro nhạt trong suốt sáng ngời nằm gọn trong hốc mắt sâu, trong veo như bầu trời cao xanh thăm thẳm của sa mạc Gobi. Tuổi còn trẻ mà hào quang đã hội tụ, lúc nhìn tôi thì mang vài nét tò mò, vài nét dịu dàng hòa nhã.

Môi cậu ta rất mỏng, đường nét môi dứt khoát, lúc nhếch lên khóe môi tạo thành một đường cong rõ ràng. Khuôn mặt thon dài, cằm nhọn, cổ dài tao nhã như cổ thiên nga. Khác với những người da trắng khác trong lều, da cậu màu mật ong. Bao quanh người cậu là tấm tăng bào rộng thùng thình, vóc dáng cao cao thanh tú tầm mét bảy nhưng có vẻ gầy yếu. Cậu vẫn còn trong giai đoạn trưởng thành, có lẽ theo thời gian chắc cũng phải cao trên mét tám mươi.

Tôi nhìn chằm chằm hai người kỳ lạ trước mặt, trong đầu suy tính nhanh như chớp. Nghe được bọn họ nói chuyện với tôi, thật không ngờ lại bằng tiếng Hán tuy giọng nói có hơi trúc trắc.

Cố gắng suy đoán, hình như họ đang hỏi tôi từ đâu tới, sao lại lưu lạc đến chỗ này. Tôi vẻ mặt đầy đau khổ ngẩng đầu hỏi: “Mọi người trước tiên có thể nói cho tôi biết tôi đang ở nước nào được không?”

Người đẹp ni cô rõ ràng là nghe không hiểu, nhưng mà vị hòa thượng trẻ tuổi dường như hiểu được. Cậu ta đột nhiên ngồi xuống, khuôn mặt tuấn tú thuần khiết gần sát ngay trước mắt tôi. Tôi nhìn chăm chăm vào khuôn mặt thanh tao của cậu, trái tim tự dưng nảy lên một cái, dọa tôi một phen sợ hết vía.

“Văn Tự Nhĩ, chúng ta đến, thôi nhanh, cỗ người Hán à?”

Đang chán nản vì chuyện tim tiếc thì nghe thấy cậu ta trịnh trọng dùng chất giọng lơ lớ phát ngôn ra một câu lộn ngược cả chủ cả vị, tôi bật cười ngặt nghẽo.

Cậu ta hơi xấu hổ, khuôn mặt thoáng ửng đỏ: “Tiếng Hán, tôi, không tốt, nói.”

Cậu ta quay đầu lại, nói thầm với người đẹp ni cô phía sau. Tôi vội vã nín cười, nghĩ tới địa danh Văn Tự Nhĩ mà cậu ta vừa nói, là chỗ nào vậy không biết? Dựa theo cách phát âm của cậu ta lục lọi tìm lại trong trí óc, hình như không phải là một địa danh của Trung quốc.

Cậu ta lại quay lại nói với tôi: “Cỗ, đến, chỗ nào?”

Tôi dò hỏi: “Trường An, có biết không?”

Thấy cậu ta gật đầu, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tốt quá, thời này đã có Trường An rồi.

“Nhưng mà…” Cậu ta hơi phân vân nhìn tôi: “Xa lắm, cỗ, một người?”

Tôi đành phải gật đầu, bây giờ trừ Trường An ra, tôi không nghĩ được nơi nào khác để đi, tới đấy không cần biết thế nào, ít nhất cũng có thể nghe hiểu được ngôn ngữ.

“Chúng ta, tới Khúc Tử, cỗ, đường, đi được.”

Cậu ta chật vật sắp xếp từ ngữ, tôi vừa định cười lại cố nhịn xuống. Đã cứu tôi còn có thể nói chuyện với tôi đã là tốt lắm rồi. Trong đầu thầm nghĩ: Khúc Tử là chỗ nào vậy hả trời? Từ lúc tôi rơi xuống đến giờ đã bảy tám tiếng rồi, thế mà vẫn không biết được nơi chốn lẫn thời đại lịch sử. Haizzz, mang tiếng là nghiên cứu sinh khoa lịch sử của trường đại học có “máu mặt” hẳn hoi mà như thế này, còn mặt mũi đâu vác xác về nhà nữa chứ.

“Cỗ, tễn gội?”

“Hả?” Tôi đơ ra, không hiểu. Cậu ta lại hỏi lại một lần, tôi mới hiểu ra tễn gội nghĩa là tên gọi.

“À, tôi tên là Ngải Tình”

Tên của tôi luôn bị người khác đem ra trêu chọc. Hồi bé còn bị đặt một nickname là Love. Mấy đứa con trai luôn thích đùa giỡn gọi tôi: Ohh, my love! Tôi đòi cha mẹ đổi tên nhưng lần nào cũng bị bọn họ gạt đi. Thế mà gọi lâu thành quen, tên là tình yêu thì có làm sao. Chỉ tiếc là gọi nhiều năm như thế mà tôi vẫn còn chưa thấy được mặt mũi tình yêu của mình nó ngang dọc thế nào.

(Trong tiếng Trung, chữ Ái và chữ Ngải đồng âm với nhau. Chữ “Tình” trong tên của chị là 晴 có nghĩa là trời trong, khác chữ “tình” 情 trong tình ái nhưng phát âm giống nhau. Tóm lại thì tên “Ngải Tình” khi đọc lên giống “ái tình”, có nghĩa là tình yêu)

“Tôi tên là…”

Cậu ta tuôn ra một tràng rất dài, tôi không thể nhớ nổi, miệng méo xệch nhìn cậu. Cậu rất tốt bụng nói đến ba lần. Tôi dựa vào phát âm của cậu ta, tìm ra các từ tiếng Hán tương ứng: Khâu – Mạc – Nhược – Cát – Ba, khó đọc dã man. Tôi dốc sức nhớ kỹ: Khâu Mạc Nhược Cát Ba, Khâu Mạc Nhược Cát Ba, Khâu Mạc Nhược Cát Ba,…

Khóe miệng cậu ta run run, rồi phì cười. Tiếng cười sảng khoái trong trẻo, như tiếng suối chảy rào rạt trong sơn cốc. Nghĩ đến chuyện mình vừa mới cười tiếng Hán của người ta xong, giờ lại bị người ta cười lại, tự dưng cảm thấy máu nóng bắt đầu dồn lên mặt.

Cậu ta chỉ cười một lúc, rồi bắt gặp khuôn mặt xấu hổ của tôi, vội vã dừng lại, nghiêm mặt chỉ người đẹp ni cô phía sau: “Tôi, mâu thẫn, Cát Ba.”

Giờ đây tôi đã bắt đầu quen với giọng địa phương của cậu ta, tự động chuyển mâu thẫn thành mẫu thân.

Không ngờ người đẹp này lại là mẹ của cậu ta! Người nhà Phật á. Không khỏi suy đoán: Cậu ta còn trẻ như thế, có phải là bị buộc đi theo mẹ vào cửa Phật không? Trong lòng thấy tiêng tiếc, nhưng lại rất nhanh chóng gạt đi những suy nghĩ không nên có trong đầu. Cát Ba? Không biết đây là tên của bà hay là cách xưng hô. Tôi thử kêu bà một tiếng: Cát Ba, bà gật đầu lễ phép.

“Cỗ tự tự nghĩ ngợi, sảng mai, chúng ta, khợi hành” (Dịch: Cô từ từ nghỉ ngơi, sáng mai, chúng ta, khởi hành)

Sau khi hòa thượng và ni cô rời khỏi, tôi ở lại trong lều với bốn người phụ nữ khác. Tuy không hiểu được bọn họ đang nói gì, nhưng người nào cũng tỏ ra rất thân thiện. Tôi không thể mặt dày đòi thêm đồ ăn, đành phải nằm xuống tấm thảm ấm áp mà bọn họ vừa trải ra cho mình.

Tự dưng lâm vào tình cảnh bỡ ngỡ như thế, không hiểu được tiếng cũng không biết mình đang ở đâu. Trong đêm khuya yên tĩnh, ngoài cửa lều, tiếng gió quét qua sa mạc rít lên từng hồi, như kể lể như than khóc. Tôi thực ra không hề mạnh mẽ như bề ngoài, vừa nhắm mắt lại đã cảm thấy nhớ nhà khôn xiết, vùi đầu xuống gối. Để khỏi khóc vì nhớ cha mẹ, tôi phải áp dụng biện pháp thôi miên vẫn hay dùng:

Điểm qua trong đầu hình ảnh những đồ vật xung quanh mà tôi đã quan sát được trước lúc ngủ, rồi lần lượt gọi tên chuyên môn cho từng cái: thảm tôi nằm là thảm hoa văn hình thoi bằng nhung, gối là gối hoa văn hươu trong vòng tròn nhỏ, chăn là chăn lông hoa văn tam giác, bình nước vừa uống là bình gốm một quai hoa văn lưới, bát đựng bánh là bát gốm làm từ đất sét.

Tôi nghĩ chắc là mình đã đến cổ đại rồi, bởi vì kỹ thuật chế tạo những đồ gốm này còn rất thô sơ. Dựa theo trình độ kỹ thuật làm gốm của vùng Trung Nguyên thì ít nhất từ hai nghìn năm trước đã có loại kỹ thuật thô sơ như thế rồi, không biết ở đây thì thế nào.

Trong tiếng gió vi vút bên ngoài lều và tiếng ngáy khe khẽ trong lều, kiệt sức vì những mệt mỏi gian nan cả ngày hôm nay, quấn chăn lại sát người, cuối cùng tôi cũng nặng nề chìm vào giấc ngủ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: