VIỆN GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT TRUNG TÂM LIN-CON - Phạm Việt Long - 9
Mặc dù đến muộn, chúng tôi vẫn được đón tiếp chu đáo bởi một dàn cán bộ của Viện, toàn là phụ nữ. Các chị em giới thiệu với chúng tôi tấm bảng đồng ghi lời người sáng lập ra Trung tâm này rồi mới mời vào phòng làm việc.
Những ý tưởng tốt đẹp cho sự hình thành và hoạt động của Viện bắt nguốn từ thực tế. Người ta vẫn hay lưu truyền những câu chuyện về sự thiếu hụt trong nhận thức về nghệ thuật của học sinh, coi đó là chuyện khôi hài, cần phải khắc phục. Nữ giám đốc thông tin của Trung tâm kể với chúng tôi rằng, 13 năm trước, có một học sinh 13 tuổi sau khi xem múa Ấn Độ đã tỏ ra rất nuối tiếc, vì em nói rằng trên thế giới có một nền nghệ thuật độc đáo như thế này mà nay em mới được biết đến! Bà Giám đốc chương trình giáo dục cấp cao nhắc đến ông Mát Trubát, người sáng lập Trung tâm Lin-côn (ông mất cách đây một năm rưỡi) với thái độ kính trọng, và kể: Lúc đầu, khi tổ chức cho học sinh xem biểu diễn một chương trình nghệ thuật, ông Mát Trubát đã ngồi chung với khán giả và được nghe lời trao đổi giữa thầy giáo và học sinh như sau:
- Em có hiểu người ta đang diễn gì không?
- Thưa thầy không! Còn thầy?
- Thầy cũng không hiểu gì cả!
Từ lời hội thoại ấy, ông Mát Trubát nhận ra rằng nếu chỉ đưa nghệ thuật đến diễn tại trường thì không có hiệu quả, mà phải có sự giáo dục nghệ thuật, muốn vậy, đầu tiên phải từ các thầy giáo. Từ đấy, định hướng hoạt động của Viện là kết hợp người nghệ sĩ với người làm công tác giáo dục để phổ cập nghệ thuật trong học sinh, từ lớp mẫu giáo đến cấp 2,3 trong bối cảnh nước Mỹ không bắt buộc giáo dục nghệ thuật trong các trường học.
Các chương trình đưa nghệ thuật vào giáo dục cho học sinh và giáo viên được thực hiện thông qua việc hợp tác với các cụm trường học ở Niu-Yoóc, Connéchticút và Niu Giơ-sây, đào tạo các nhà giáo dục để họ sẽ cùng với học sinh của mình tìm hiểu về nghệ thuật thông qua những hình thức đi thực tế có tác dụng hỗ trợ cho việc học hỏi nhiều hơn trong chương trình giảng dạy.
Trong 25 năm qua, Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn đã xây dựng và chuẩn hoá cách tiếp cận với nghệ thuật và giáo dục riêng rất nổi tiếng của mình, đó là thách thức học sinh phải học về nghệ thuật và học thông qua nghệ thuật. Cùng hợp tác với các nhà giáo, Viện đã phát triển những nghiên cứu thực tế tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm múa, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và kiến trúc. Cách thức dựa vào quá trình này thể hiện vai trò toàn diện mà nghệ thuật có thể và nên giữ trong giáo dục. Bằng cách khuyến khích học sinh hỏi và tìm hiểu, Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn hỗ trợ việc học trong suốt chương trình học, xây dựng kỹ năng tư duy phân tích phê bình và khuyến khích khả năng cảm nhận và sáng tạo của học sinh. Kết quả là, nhiều mối liên kết được tạo ra không ngờ, nhiều quan điểm khác nhau được cân nhắc, những điều phức tạp được tìm hiểu và cánh cửa đến với những thế giới tưởng tượng mới mẻ được mở ra.
Hoạt động của Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn dựa trên nguyên lý giáo dục mỹ học. Dựa vào những bài viết của những nhà giáo dục cách tân như Giôn Đơuây, Mắc-xin Grin và Hô-uốt, Gát-nơ, ''giáo dục mỹ học'' mở rộng giớí hạn truyền thống của giáo dục tiên tiến tới thế giới nghệ thuật. Nguyên lý đó phát biểu rằng các tác phẩm nghệ thuật cung cấp một nguồn vô tận cho việc tìm hiểu, suy xét, và thấu hiểu. Mỗi cá nhân, không phân biệt tuổi tác, đều có khả năng phản hồi trước một tác phẩm nghệ thuật theo những cách phản hồi thách thức lại những quan điểm đã định trước, khuyến khích những cái nhìn tươi mới, và khuyến khích những hiểu biết sâu hơn. Không bị hạn chế bởi những câu trả lời "đúng" hay "sai", quá trình phản xạ này xây dựng khả năng nhận thức theo những cách thức cơ bản và có sức mạnh. Đồng thời, giáo dục mỹ học cũng phát triển một khả năng hiểu biết nội tại những lựa chọn nghệ thuật đóng góp cho bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Học sinh biết đánh giá sâu sắc nghệ thuật, có được những phân tích thực tế trước bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào, tăng cường những kỹ năng cơ bản ví dụ như tư duy trừu tượng, kỹ năng giải quyết khó khăn và sẵn sàng áp dụng những kỹ năng đó vào học tập và vào cuộc sống.
Cách làm việc thông qua kinh nghiệm thực tế này của Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn đã thực sự lôi cuốn các em vào tìm hiểu, nghiên cứu, tư duy và thảo luận. Để đảm bảo việc học nghệ thuật có liên quan đến những mục đích đào tạo chung được nhấn mạnh trong chương trình giảng dạy cơ bản, Viện đã kết hợp các nhà sư phạm với các nghệ sĩ đến giảng tại các trường học. Được hỗ trợ bằng cách lập thời gian biểu thích hợp, mối hợp tác giữa họ sẽ thiết kế nên những hoạt động trong lớp học để học sinh được học thật kỹ một tác phẩm nghệ thuật, đồng thời thiết lập những mối liên kết trong suốt chương trình giảng dạy. Bằng cách này, giáo viên không chỉ đóng góp những am hiểu của mình với tư cách là những nhà giáo dục chuyên nghiệp, mà còn tham gia với tư cách học viên vào không khí học tập hào hứng.
Hiện Viện Giáo dục nghệ thuật đang hợp tác với 255 trường trong 61 cụm trường học trong 3 bang của nước Mỹ. Nó cũng đã phát động một số phong trào mới được phát động để biến giáo dục nghệ thuật thành một phần kinh nghiệm học tập của mỗi học sinh, bao gồm Dự án tập trung hợp tác trường học làm việc với 8 trường ở Niu-Yoóc, cố gắng đào sâu và mở rộng việc thực hành đưa nghệ thuật vào giáo dục từ chỗ học các tác phẩm nghệ thuật ở trong mỗi lớp thành việc cả trường tham gia, Dự án tập trung hợp tác trường học bậc cao cố gắng đưa giáo dục nghệ thuật vào chương trình giảng dạy ở một số trường sư phạm có lựa chọn; Hội thảo các nhà giáo toàn quốc dành cho giáo viên và các nhà quản lý trên khắp mọi miền đất nước; Hội thảo Thường xuyên về phát triển nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của các trường học hoặc cụm trường học cụ thể.
Từ khi thành lập đến nay, Viện đã được đánh giá là một tổ chức đi đầu trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật trong học sinh và là một nguồn khuyến khích những đổi mới trong lý thuyết lẫn thực tế đưa nghệ thuật vào giáo dục. Nó là mô hình cho 21 tổ chức tương tự, trong đó có 19 tổ chức ở Mỹ, 2 tổ chức ở Úc. Những viện này nay được tổ chức thành Hiệp hội các Viện giáo dục mỹ học, một tổ chức quốc tế phục vụ cho việc tăng cường và thúc đẩy tầm quan trọng của giáo dục mỹ học như một thành tố quan trọng của hệ thống giáo dục.
Với những thành tựu nổi bật trong hoạt động như trên, các nhà quản lý Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn tự khẳng định rằng Viện là tổ chức đi đầu trong phong trào đấu tranh cho vai trò của nghệ thuật trong giáo dục không những ở Mỹ mà còn ở thế giới.
Hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của Viện là Trung tâm Thông tin. Với khối lượng lớn tư liệu gồm sách, báo, tạp chí, băng, đĩa, tranh ảnh... Trung tâm Thông tin là nơi mà các nghệ sĩ làm công tác giáo dục sử dụng suốt trong năm học. Trung tâm xuất bản một loại sách có tên gọi Cửa sổ nghệ thuât giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ, quá trình sáng tác, dàn dựng, bối cảnh xã hội, văn hoá, phản hồi đánh giá tác phẩm. Mỗi năm Trung tâm xuất bản 7 đến 9 cuốn sách như thế. Những tác phẩm được giới thiệu trong Cửa sổ nghệ thuật thuộc các loại hình múa, âm nhạc, sân khấu, là những tác phẩm đã được khẳng định theo thời gian, ít nhất đã được trình diễn 350 buổi. Những nhà biên tập còn giới thiệu trong sách các tài liệu tham khảo, nhưng không bao giờ đưa chương trình giảng dạy cũng như nội dung giảng dạy vào sách này. Khi đến Trung tâm Thông tin, giáo viên xem sách, băng hình rồi tự quyết định đưa nội dung gì vào giáo án, từ cảm thụ tác phẩm nghệ thuật rồi chuyển thành bài giảng cho học sinh.
Được hỏi về nguồn tài chính cho hoạt động, bà phó Giám đốc Viện Giáo dục nghệ thuật cười và nói: "Hơn 90% dân số Hoa Kỳ tin rằng cần đem âm nhạc vào chương trình giáo dục. Nhưng khi bàn đến ngân sách thì số người ủng hộ giảm dần. Vì vậy, chúng tôi phải tự tạo ra tiền để thực hiện ý tưởng của mình". Bà cho biết có nhiều nguồn tài chính khác nhau: Thu từ các trường (trường nào tiếp nhận chương trình giáo dục vủa Viện thì trường ấy bỏ tiền để tổ chức đào tạo) - đây là nguồn thu quan trọng vì nó chiếm hai phần ba nguồn thu, còn lại là tài trợ từ chính phủ, từ các tổ chức và cá nhân. Mức thu đối với các trường được quy định cụ thể, ví du: 1 trường học cử 5 giáo viên học 2 tác phẩm thì phải đóng góp 6.000 USD để trả công cho nghệ sĩ biểu diễn và người giảng dạy. Bà giải thích thêm: "Sự phối hợp giữa chúng tôi với các trường trong việc đào tạo cũng linh hoạt, như chúng tôi đã phối hợp với 2 trường đại học đào tạo thạc sĩ, và 2 trường đó cấp bằng thạc sĩ, hoặc chúng tôi cấp chứng chỉ cho người đã học ở đây để họ tích luỹ trong quá trình học cao học. Những người học xong đại học mà chưa làm giáo viên thì có thể học ở chỗ chúng tôi để trở thành giáo viên nghệ thuật".
Nhìn chung ở Niu-Yoóc, có sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục nghệ thuật cho học sinh, mà biện pháp hữu hiệu là thông qua đội ngũ giáo viên được đào tạo và có phương pháp sư phạm hiện đại khiến cho học sinh tiếp thu nghệ thuật một cách chủ động và sáng tạo. Qua giáo viên và qua các nghệ sĩ, học sinh được dẫn dắt vào đời sống nghệ thuật bằng nhiều phương thức, từ đơn giản đến phức tạp, như sưu tầm các bài báo viết về một tác phẩm nghệ thuật, bình luận về những bài báo đó, nghe và tập phân tích tác phẩm... Theo lời những người quản lý Viện và những người quản lý đơn vị nghệ thuật, thì đây cũng chính là biện pháp đầu tư vào khán giả, tạo lớp khán giả đông đảo cho nghệ thuật từ đội ngũ học sinh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top