MỘT SỐ PHÒNG TRANH - Phạm Việt Long - 12
Tại Mỹ, việc bán các tác phẩm mỹ thuật có giá trị hầu hết phải thông qua các phòng tranh do những nhà chuyên kinh doanh nghệ thuật tổ chức, chứ các tác giả thường không đứng ra bán tác phẩm của mình. Chính vì thế mà ở Mỹ, các phòng tranh mọc ra như nấm. Người ta chia ra nhiều loại phòng tranh: loại trưng bày tác phẩm của những hoạ sĩ đã nổi tiếng, loại của các hoạ sĩ mới, loại đã được giới thiệu và đang cần được tiếp tục giới thiệu để trở nên nổi tiếng. Người hướng dẫn cho chúng tôi đi tham quan các phòng tranh ở Niu-Yoóc là nữ giáo sư Sandra Lang, chủ nhiệm khoa quản lý mỹ thuật trường đại học Niu-Yoóc. Chị cho biết, nét đặc thù trong hoạt động của các phòng tranh là Giám đốc có trách nhiệm quan hệ chặt chẽ với các nghệ sĩ để lựa chọn hoặc đặt hàng các tác phẩm trưng bày. Người Mỹ thường coi trọng danh tiếng, vì thế người ta luôn luôn nói đến những cái nhất của mình hoặc của những đối tác của mình: có uy tín nhất, hiện đại nhất, lớn nhất, độc đáo nhất, có địa bàn hoạt động rộng nhất, có nhiều quan hệ với thế giới nhất, vân vân và vân vân. Chính vì vậy mà những người giầu có ở Mỹ hoặc ở các nước khác đến Mỹ muốn mua tranh thường tìm đến các phòng tranh nổi tiếng. Cũng chính vì vậy, các hoạ sĩ đều muốn trưng bày và gửi bán tranh của mình tại những phòng tranh lớn với những nhà sưu tập nổi tiếng. Và thế là hình thành cặp đôi cộng sinh: nhà sưu tập tranh và nghệ sĩ. Để đảm nhận tốt nhiệm vụ, Giám đốc phòng tranh phải có đôi mắt tốt để thẩm định tác phẩm, đồng thời phải có đôi tai tốt để nghe yêu cầu của thị trường, tạo uy tín cho phòng tranh của mình. Quan hệ giữa chủ phòng tranh và nghệ sĩ rất thoải mái và sòng phẳng: việc treo tranh được hai bên thoả thuận mà không có gì ràng buộc, thường treo từ 4 đến 6 tuần, khi bán được thì hưởng theo tỷ lệ 50/50 giá trị bức tranh. Nếu không bán được, nghệ sĩ đem tranh về và không phải thanh toán công treo tranh, cũng như không được nhận tiền "nhuận treo." Tuy có chung mô hình như vậy, nhưng phương thức hoạt động của mỗi phòng tranh lại có những nét riêng. Theo lời giới thiệu của nữ giáo sư Sandra Lang, ở khu vực này có tới 200 phòng tranh. Chúng tôi chỉ đi thăm 4 phòng tranh.
Phòng tranh thứ nhất có tên gọi DIE chỉ triển lãm tranh của những nghệ sĩ đã ổn định nghề nghiệp, nổi tiếng. Theo lời giới thiệu, hoạt động của phòng tranh này không nhằm lợi nhuận, nhưng giá vé vào cửa là 6 USD một người. Tầng một của phòng tranh được chia làm hai phòng, đều có trưng bày mỹ thuật. Người phụ trách tầng này cho biết người ta vừa mới cho tu sửa căn nhà này theo kiểu hiện đại và phù hợp với nơi trưng bày mỹ thuật. Lúc này, phòng tranh đang có một cuộc trưng bày khá lạ lùng: toàn bộ trần của hai phòng thuộc tầng một được chăng các dải lụa mầu vàng, đỏ chạy ngang dọc như mắc võng và có những dải rủ lòng thòng xuống phòng. Một đôi nơi, người ta thả thõng xuống từ trần nhà một chiếc micrô mà dưới sàn đối diện là một bệ gỗ. Đang ngơ ngác không hiểu đây là loại mỹ thuật gì, thì chúng tôi được giới thiệu là nơi này thể hiện sự kết hợp giữa mỹ thuật và công nghệ. Người hướng dẫn đứng vào một bệ gỗ, ghé miệng nói mấy tiếng vào chiếc micrô, lập tức từ các "vòm lụa" trên trần nhà dội lại một âm thanh âm âm. Những âm thanh mơ hồ ấy kết hợp với mầu sắc mạnh và đường nét rối rắm của các dải lụa tạo ra một ảo giác về một cõi thần bí. Tuy vậy, chúng tôi cũng khó có thể có cảm xúc với loại hình mỹ thuật này. Người hướng dẫn đưa chúng tôi lên tuốt sân thượng để "giới thiệu một tác phẩm mỹ thuật độc đáo". Đứng trên tầng thượng cao chót vót, gió lồng lộng, chúng tôi lại một lần nữa ngơ ngác không hiểu tác phẩm mỹ thuật độc đáo kia đâu. Người hướng dẫn đưa chúng tôi về phía giữa sân thượng, chỉ vào một "căn phòng" bằng kính và nói rất tự hào: "Đây là tác phẩm kết hợp thành công giữa nghệ thuật và công nghệ. Những tấm kính dùng để ghép căn phòng này có độ khúc xạ ánh sáng khác nhau, cho nên khi vào trong phòng nhìn ra, sẽ có những cảm giác siêu thực!". Trong khi chúng tôi thận trọng len theo hành lang nhỏ được tạo thành bởi những tấm kính, nữ hướng dẫn viên nói tiếp: "Lúc đầu, chúng tôi đặt hàng cho tác giả trưng bày tác phẩm này ở đây ba tháng, nhưng vì giá trị của nó được khẳng định mạnh mẽ quá, chúng tôi đã mua đứt tác phẩm này." Tôi đứng giữa phòng kính nhìn quanh, không thấy có gì đặc biệt. Nhưng khi nhìn kỹ về hướng Tây, thấy tấm kính in hình những đám mây chiều cuồn cuộn và xuyên qua tấm kính ấy là những ngôi nhà đồ sộ của Niu-Yoóc, thì một cảm giác kỳ ảo xuất hiện: cái khối nhà đồ sộ kia như đang nổi bồng bềnh trên mây và tôi như đang phiêu du trong cõi bồng lai! Lúc này thì tôi tin vào lời giới thiệu của nữ hướng dẫn viên. Chắc chắn là vào những giờ khác nhau, với cường độ ánh sáng và độ chếch khác nhau của mặt trời, người đứng trong phòng kính nhìn ra sẽ nhận được những hình ảnh khác nhau, tạo ra những cảm giác khác nhau. Xin ghi nhận tính độc đáo của sự tìm tòi kết hợp nghệ thuật và công nghệ. Chúng tôi được hướng dẫn đi theo cầu thang chứ không đi thang máy để xuống dần từng tầng mà xem các phòng tranh khác nhau. Tôi gặp mấy thanh thiếu niên cắp cặp và bút vẽ đi ngược lên. Có lẽ đấy là học sinh mỹ thuật tới để thực tập. Phòng trưng bày tiếp theo, không giới thiệu cũng thấy ngay tính độc đáo của nó: không có bức tranh nào, mà chỉ có 5 máy chiếu phóng hình ảnh xuống sàn nhà và tường. Thế là tạo ra một bức tranh không gian ba chiều sống động, trên đó là cảnh mùa thu vàng với những chú ong bay rộn rã. Thấy chúng tôi trầm trồ khen ngợi, cô hướng dẫn viên hào hứng: "Nghệ sĩ tạo ra bức tranh có một không hai trên thế giới này là một nữ hoạ sĩ kiêm kỹ sư. Chị ấy đã phải mất nhiều năm nghiên cứu và sáng tạo mới đi đến kết quả này. Nhưng các ngài cần lưu ý, ngay cả bức tường cùng hai cái cửa sổ kia, và cả ánh sáng tự nhiên nữa, mới làm nên một bức tranh hoàn chỉnh như thế này. Nữ hoạ sĩ đã phải thay đổi nhiều lần vị trí đặt 5 máy chiếu mới tìm được sự hài hoà đến tuyệt đốí giữa hình ảnh trong phim và bối cảnh thực như các ngài thấy đó. Khi ánh sáng thay đổi theo các giờ khác nhau thì bức tranh này cũng có những sắc thái khác nhau". Đến đây, tôi chợt nhớ tới tài liệu của quỹ FORD có nói đến mối tình của nước Mỹ với công nghệ. Trong thế kỷ 20, phim ảnh, truyền hình, radio, máy quay đĩa và và máy vi tính đã tạo nên một nền văn hoá đại chúng chiếm tỉ lệ rất lớn. Và bây giời, công nghệ đã tác động mạnh mẽ cả vào nghề vẽ vốn là một nghề không liên quan nhiều lắm đến công nghệ. Mối tình với công nghệ của Mỹ sẽ còn thắm thiết hơn nữa khi nó được biểu hiện trên lĩnh vực công nghệ thông tin mà Mỹ đang làm bá chủ.
Phòng tranh thứ hai có giám đốc tên là Max, một người có tính khôi hài. Ông cho biết phải là người đam mê nghệ thuật mới làm được chủ phòng tranh. Ông Max làm nghề này 30 năm nay, luôn luôn có sự cộng tác chặt chẽ với các hoạ sĩ. Các hoạ sĩ đã treo tranh ở đây thì không treo ở nơi khác nữa, nhưng nếu nơi khác muốn treo sẽ phải thông qua ông. Đó cũng là một biện pháp quản lý, không làm bão hoà thị trường tranh. Ông Max xác nhận đây là một phòng tranh thương mại, luôn phải nghĩ đến lợi nhuận. Tranh ở đây thường có khổ lớn và thể hiện bằng sơn dầu, có giá rất cao. Ví dụ bức tranh treo ở đưới tầng hầm mà chúng tôi hỏi là một bức sơn dầu rộng khoảng 2 mét X 2 mét rưỡi, vẽ phong cảnh, giá 130.000 USD. Mỗi năm phòng tranh này bán được khoảng 1.000 đến 2.000 bức tranh.
Chủ nhân phòng tranh thứ ba là một phụ nữ nhỏ nhắn, mới vào nghề 3 năm nay. Chị là một thạc sĩ về quản lý nghệ thuật, đã tốt nghiệp đại học mỹ thuật năm 1997 ở Đại học Niu-Yoóc và đã từng có một triển lãm nhỏ trưng bày những tác phẩm của mình. Phòng tranh tập trung vào những tác phẩm của những nghệ sĩ mới xuất hiện, chọn lọc những bức tranh đương đại, hiện đại, đòi hỏi người xem phải suy nghĩ nhiều. Chị cho biết tiêu chuẩn của phòng tranh là chọn những hoạ sĩ mà chị thấy thích và những hoạ sĩ yêu nghề, còn chị thích nhất là trường phái tối thiểu, tức là loại tranh rất đơn giản, giống như những bức tranh cổ động của Việt Nam, ít đường nét và nhiều màu, cũng giống như những phim hoạt hình của Mỹ. Những hoạ sĩ đã có tranh trưng bày tại đây thường giới thiệu những hoạ sĩ khác cho phòng tranh, nhờ đó, số lượng tác giả và tác phẩm cộng tác với phòng tranh ngày một tăng. Phòng tranh này độc quyền triển lãm tranh của những hoạ sĩ mới vào nghề. Tuy vậy, những hoạ sĩ này cũng có quyền đưa tranh đi trưng bày ở các phòng tranh khác trong và ngoài nước Mỹ. Được hỏi về tổng số vốn đầu tư vào phòng tranh, chị nói không thể tính được, vì đầu tư nhiều lần, từ bất động sản, các thiết bị treo tranh tại phòng này, đến các biện pháp quảng cáo giúp các hoạ sĩ thiết lập thị trường. Giá thuê nhà ở khu vực này là 50 USD một phít vuông một tháng, như vậy riêng tiền thuê nhà chị phải chi 120.000 USD một năm. Chị nói thật là dù muốn, cũng không có khả năng mua hết các tranh treo ở đây, do vậy chị chỉ giúp các hoạ sĩ thiết lập thị trường mà thôi. Giá tranh ở đây thấp hơn so với các phòng tranh khác, thường là 1.500 đến 2.000 USD một bức, loại rẻ thậm chí chỉ vài trăm USD, bức đắt cũng chỉ lên 5.000 USD, bức đắt nhất đã bán là 25.000 USD. Sở dĩ tranh ở đây giá rẻ vì tác giả của chúng còn trẻ, chưa nổi danh, mặt khác những tranh này lại khác lạ, người xem chưa thể hiểu ngay để mà thích được. Chị chủ phòng tranh hướng mắt về phía giáo sư Mác-tin Su-lơ-man và nói: "Ngay vị giáo sư này cũng nói rằng những bức tranh ở đây có rất nhiều thách thức đối với người xem, cho nên ông ấy cũng chưa có thể nói rằng chúng đẹp hay không đẹp, ông ấy thích hay không thích." Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói xen vào: "Dù có vì lợi nhuận hay không, thì ngoài tiền bạc ra, cũng phải có sự đam mê nghệ thuật nữa."
Phòng tranh thứ tư đã hoạt động 40 năm. Hoạ sĩ tham gia triển lãm tại phòng tranh này đều là những người nổi tiếng. Chúng tôi thấy phòng tranh này đang trưng bày tranh của A-lếch Kát, mà theo lời giám đốc phòng tranh giới thiệu thuộc "giữa trường phái trừu tượng và trường phái sau trừu tượng". Đó là những bức tranh màu dầu khổ lớn, có bức choán gần hết bức tường chính diện vẽ hình mấy nhóm người đứng trò chuyện trong vườn cây. Bên cạnh đó là một số bức tranh sơn dầu, mầu dầu cỡ nhỏ treo sát nhau. Giám đốc phòng tranh cho biết tranh của tác giả này giá bán khá cao, bức nhỏ có giá 12.000 USD, bức lớn giá mấy trăm nghìn USD. Phòng tranh còn có những tác phẩm giá trị của những hoạ sĩ bậc thầy đã qua đời, như Picátxô. Thấy tranh quá lớn, tôi hỏi ai có thể mua, thì được ông giám đốc trả lời: "Chúng tôi nhằm vào khách hàng là những công ty, hoặc những nhà sưu tập có phòng trưng bày rộng." Phòng tranh này mở cửa miễn phí cho mọi người vào xem, kể cả những người chỉ vào xem mà không có ý định mua tranh. Giám đốc tự gới thiệu đây là một trong những triển lãm thành công nhất tại khu vực này, mà nguyên nhân thành công là người chủ luôn luôn chú trọng đến nghệ sĩ. Chúng tôi được biết ông là một nhà chuyên môn cao, được chủ công ty thuê để phụ trách phòng tranh này. Ông có thái độ niềm nở và chu đáo. Thấy mọi người quan tâm đến cuốn sách giới thiệu phòng tranh, ông nói rằng đó là ấn phẩm thương mại, nhưng cũng có thể dùng để biếu tặng, và xăng xái lấy ngay ra mấy cuốn tặng chúng tôi. Ông nói với chúng tôi rằng uy tín của phòng tranh sẽ làm cho tranh bán được giá cao. Ông kể với chúng tôi rằng chủ nhân của phòng tranh này lúc đầu là sinh viên ở Bôx-tơn, chỉ có 10.000 USD để khởi dựng cơ nghiệp, không đủ tiền thuê nhân công, phải huy động cả vợ con ra treo tranh, lúc đó bán tranh với giá thấp, chỉ mấy nghìn USD một bức, vì phòng tranh chưa có danh tiếng, nếu như để đến bây giờ thì phải bán vài trăm nghìn USD một bức.
Qua 4 phòng tranh, tôi đều thấy sự chuẩn bị chu đáo về tuyên truyền. Phòng tranh nào cũng có áp phích quảng cáo, có ca-tơ-lô, thậm chí có những cuốn sách in rất đẹp giới thiệu các tác phẩm được bầy bán. Một đặc tính chung đáng quan tâm là mối quan hệ mật thiết giữa các giám đốc phòng tranh với nghệ sĩ, đó là mối quan hệ cộng sinh, nâng đỡ nhau trong hoạt động sáng tạo và thu lợi nhuận, mà trong đó, để bán được tranh với giá cao, bên cạnh giá trị nghệ thuật, còn có yếu tố cũng mang tính quyết định là uy tín của phòng tranh. Có lẽ ở nước ta, khó có hoạ sĩ nào chấp nhận tỷ lệ ăn chia 50/50 giữa người sáng tạo ra tác phẩm và người bán tác phẩm như thế này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top