CHƯƠNG II. HOA KỲ LÀ THẾ - Phạm Việt Long - 5
3. Thăm một số cơ sở văn hoá
Người Mỹ vẫn tự hào nói rằng Niu-Yoóc là trung tâm văn hoá thế giới. Tại Niu-Yoóc có rất nhiều công trình văn hoá tiêu biểu, nhiều cơ sở văn hoá lớn, nổi tiếng thế giới, như Trung tâm Văn hoá Lin-Côn, Bảo tàng mỹ thuật Mêtrôpôlitan, Thư viện công cộng Niu-Yoóc, dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc, trường đại học Niu-Yoóc... Đi thăm các cơ sở văn hoá này, có thể thấy một phần chiều sâu văn hoá Mỹ và các phương thức hoạt động văn hoá mang tính năng động, có hiệu quả của người Mỹ.
Trường đại học Niu-Yoóc
Nơi chúng tôi đến làm việc đầu tiên và nhiều lần là Trường đại học Niu-Yoóc. Cũng như hầu hết các trường học, trụ sở ở Niu-Yoóc, Trường đại học Niu-Yoóc nằm trong một khối nhà lớn nhiều tầng. Khách vào làm việc với trường đều được đăng ký trước và được làm thủ tục nhanh chóng khi qua bộ phận an ninh. Căn phòng mà các bạn Mỹ tiếp chúng tôi có kiến trúc dở cổ dở kim, không có chút gợi cảm thẩm mỹ nào. Nhưng những chủ nhân của nó thì lại tạo ấn tượng tốt đẹp cho chúng tôi từ đầu. Cùng với các bạn ở quỹ FORD, trường cử hai nữ giáo sư tiếp chúng tôi, đó là giáo sư Branwi và giáo sư Sandra Lang.
Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man, chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh, trình bầy về vấn đề quản lý nghệ thuật, về các tổ chức tài trợ cho văn hoá tại Niu-Yoóc, chương trình làm việc của đoàn tại Niu-Yoóc và cho biết tất cả các nơi mà đoàn đến tham quan, làm việc đều chờ đón đoàn với tình bạn, với lòng mong muốn hợp tác, mở rộng quan hệ trên phạm vi toàn cầu. Giáo sư nhấn mạnh rằng chúng tôi chỉ nên tham khảo những kinh nghiệm hoạt động về văn hoá tại Niu-Yoóc chứ không nên áp dụng máy móc vào công việc của mình, bởi vì sáng kiến đầu tiên là lấy được một ý tưởng chứ không phải là làm theo những kinh nghiệm.
Tôi quan tâm nhiều đến trường đại học Niu-Yoóc ở chỗ trường có những chương trình về quản lý nghệ thuật ở cả bậc đại học và trên đại học với 3 bộ môn: Quản lý nghệ thuật biểu diễn, Quản lý mỹ thuật, Quản lý âm nhạc. Mô hình về đào tạo cán bộ quản lý văn hoá nghệ thuật như vậy từ bậc đại học trở lên, ở Việt Nam chưa có. Tài liệu của Quỹ FORD giới thiệu về trường đại học Niu-Yoóc như sau:
"Từ năm 1978, chuơng trình Quản lý Mỹ thuật bắt đầu tồn tại như một thực thể riêng biệt và là chương trình đầu tiên của Hoa Kỳ tập trung đặc biệt vào những cơ hội trong mỹ thuật, trong cũng như ngoài phạm vi của bảo tàng mỹ thuật và phòng triển lãm. Nhận thức rõ những ảnh hưởng văn hoá và kinh tế của mỹ thuật đối với xã hội ở tầm quốc gia và quốc tế, chương trình này đào tạo ra các nhà quản lý có khả năng điều chỉnh để phù hợp với những đòi hỏi luôn thay đổi trong lĩnh vực này. Các bảo tàng mỹ thuật và phòng triển lãm ngày nay giới thiệu những ý tưởng về các trách nhiệm giáo dục và trách nhiệm xã hội. Sự tham gia của các tổ chức mỹ thuật gắn với các hoạt động thu thập các giá trị truyền thống và tài trợ triển lãm cũng như các chương trình sáng tạo nghệ thuật trong và ngoài cơ cấu tổ chức. Các triển lãm mỹ thuật, các nhà bán đấu giá và các chuyên gia tư vấn độc lập cũng có ảnh huởng ngày càng nhiều đến mỹ thuật. Khi các đơn vị và các công ty tìm đến mỹ thuật để tập trung vào các mục đích và nguyện vọng của cộng đồng thì việc quản lý mỹ thuật trở thành một sức mạnh giáo dục trong xã hội, giúp hình thành những giá trị văn hoá. Chương trình nhấn mạnh sự cân bằng giữa sự hiểu biết một cách toàn diện về mỹ thuật, những ý tưởng và những lực lượng có thể làm ảnh hưởng đến chúng, và phát triển quản lý một cách sắc bén, các kỹ năng tiếp thị và tài chính. Việc nghiên cứu sâu hơn về các phương tiện truyền thống luôn được kết hợp với việc xem xét đến các phương tiện và công nghệ mới có thể đưa các tổ chức mỹ thuật tiến vào thế kỷ 21. Chương trình cũng coi trọng sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành. Chương trình quản lý mỹ thuật trước hết hướng sinh viên tới phần phi lợi nhuận trong lĩnh vực mỹ thuật. Đối với những ai quan tâm đến thị phần mang tính thương mại, chương trình cũng cung cấp phần học tập trung vào thương mại. Kể từ năm 1990, chương trình đổi mới đầu tiên đã được cơ cấu lại và tập trung giảng dạy cho sinh viên những kiến thức cần thiết để có thể cạnh tranh trong một thị trường vì lợi nhuận, phù hợp với những người môi giới, những giám đốc triển lãm mỹ thuật, các nhà tư vấn, và các tổ chức bán đấu giá.
Cũng từ năm 1978, tồn tại với tư cách một chương trình riêng biệt, chương trình quản lý nghệ thuật biểu diễn đào tạo những người đang và sẽ làm công tác quản lý của các tổ chức nghệ thuật biểu diễn tại Hoa Kỳ và nước ngoài. Chương trình bao gồm các khoá học, những đề án đặc biệt được xây dựng cho quản lý nghệ thuật, trong các lĩnh vực quản lý nghệ thuật, phát triển nghệ thuật, tiếp thị nghệ thuật biểu diễn, luật và nghệ thuật, thống kê, các khoá học về thị trường, thương mại, về kinh tế, kế toán, khoa học hành vi và tiếp thị. Nhà trường còn tổ chức cho sinh viên đang theo học chương trình thạc sĩ tham gia những hội thảo định kỳ nhằm nâng cao kỹ năng về quản lý nghệ thuật. Một phần bắt buộc của chương trình học tập là đi thực tập với những nhà quản lý nghệ thuật hàng đầu. Trong những năm gần đây, với những khoản tiền lương không đáng kể, sinh viên được đi thực tập dưới sự hướng dẫn của các giám đốc của nhiều đơn vị nghệ thuật nổi tiếng như Carnegie Han, Liên hoan Xếch-xpia, Nhạc Viện Brôkin, Câu lạc bộ sân khấu Man-hát-tan và Tổ chức Quốc gia trợ vốn cho Nghệ thuật. Thêm vào đó, những giảng viên thỉnh giảng và những người có năng lực trong lĩnh vực này thường xuyên đến nói chuyện tại các diễn đàn do trường tổ chức".
Các giáo sư của trường đại học Niu-Yoóc còn giới thiệu với chúng tôi sự phối hợp của nhà trường với các cơ sở đào tạo khác để đào tạo những nhà quản lý nghệ thuật và nhấn mạnh rằng, người Mỹ coi quản lý nghệ thuật cũng là một nghề, cần được đào tạo cơ bản, không những vậy, còn phải được đào tạo ở trình độ cao. Chương trình Thạc sĩ về quản lý nghệ thuật được xây dựng từ sự kết hợp những lĩnh vực mạnh nhất của trường Đại học Car-ni-giơ Melơn, Đại học Mỹ thuật (CFA) và trường Chính sách và Quản lý Nhà nước. Chương trình này giúp cho sinh viên quen với môi trường hoạt động thực tế của các tổ chức nghệ thuật. Chương trình này được thành lập trên cơ sở niềm tin rằng tất cả các chức năng quản lý hành chính được sử dụng để phục vụ cho lý do tồn tại của các tổ chức nghệ thuật. Chương trình này cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết luôn phải tập trung vào đào tạo để đáp ứng được nhiệm vụ và nhu cầu của các nghệ sĩ. Và bởi vì các nhà quản lý phải là những người toàn diện, chương trình có tính chuyên môn và phân tích cao, rất cần thiết cho các vị trí lãnh đạo trong cộng đồng và các tổ chức không nhằm mục đích lợi nhuận. Chương trình đào tạo Thạc sĩ về quản lý Nghệ thuật rất linh hoạt, cho phép sinh viên tập trung vào những lĩnh vực đặc biệt mà mình yêu thích thông qua các môn học bắt buộc hoặc không bắt buộc, các chương trình thực tập nội trú và các chương trình hỗ trợ. Toàn bộ chương trình giáo dục quản lý nghệ thuật đều được rút ra từ kinh nghiệm thực tế. Các bài tập tình huống, dựa trên những vấn đề mà các tổ chức nghệ thuật tranh cãi nhiều, được sử dụng làm cơ sở cho việc phân tích và thảo luận trong lớp học. Giữa năm thứ nhất và năm thứ hai, các sinh viên phải hoàn thành đợt thực tập mùa hè của mình, cho phép họ ứng dụng những kỹ năng quản lý được học trong năm thứ nhất. Trong năm thứ hai, nhiều sinh viên ngoài việc học tập trên lớp còn tham gia chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực mà họ đã chọn là nghề nghiệp tương lai của mình. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị cách quyết định và tìm những giải pháp đảm bảo cho họ có thể đương đầu với những thách thức và nắm bắt cơ hội để nhanh chóng thành công và thăng tiến trong công việc. Đối với những người đã có kinh nghiệm làm việc trước đó, chương trình thạc sĩ quản lý nghệ thuật chuẩn bị cho họ có thể đạt được một chức vụ quản lý cao hơn trong nghệ thuật. Dù là học sinh chưa bao giờ đi làm hay đã có kinh nghiệm làm việc rồi, thì mọi sinh viên khi tham gia chương trình đào tạo này đều trông đợi có được những kinh nghiệm đầy thử thách nhưng cũng rất quý báu, sẽ cho phép họ trong tương lai tham gia vào việc hình thành cộng đồng nghệ thuật của ngày mai. Chỉ có một cơ sở, nhưng chương trình này vẫn được cả nước biết đến và liên hệ thông qua các buổi hội thảo và nhờ vào Uỷ ban Cố vấn những nhà quản lý nghệ thuật hàng đầu trong cả nước. Hơn nữa, các giảng viên của chương trình này còn phục vụ cho các hội đồng và các ban của khu vực, quốc gia và quốc tế, bao gồm Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia, Hiệp hội những nhà quản lý nghệ thuật và văn hoá quốc tế, Hội đồng Nghệ thuật Penxilvania. Các giảng viên thỉnh giảng từ khắp nơi trên cả nước cũng bổ sung thường xuyên cho chương trình giảng dạy. Những liên lạc dặc biệt của trường Đại học Mỹ thuật với các ngành nghệ thuật cung cấp cho sinh viên thạc sĩ quản lý nghệ thuật cơ hội tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghệ thuật trong nước và quốc tế. Chương trình này còn phục vụ như một mạng thông tin vô giá cho sinh viên tìm kiếm những chương trình thực tập nội trú, việc làm ổn định và cố vấn cho sinh viên.
Tôi nhận thấy việc đào tạo những nhà quản lý nghệ thuật là một điều mới mẻ đối với nước ta. Chúng ta chưa thực sự quan tâm đào tạo ra những nhà quản lý mà mới quan tâm đạo tạo ra những người làm nghề chuyên môn trong văn hoá nghệ thuật, hoặc những nhà chính trị. Các khoá học bắt buộc của trường đại học Mỹ thuật có những nội dung tối cần thiết cho người quản lý nghệ thuật mà chúng ta cần tham khảo gồm: Những nguyên tắc của quản lý nghệ thuật, Tiếp thị nghệ thuật, Gây quỹ cho các nhà quản lý nghệ thuật, Quản lý nguồn nhân lực cho nghệ thuật, Luật và nghệ thuật, Quản lý nghệ thuật biểu diễn hoặc quản lý Mỹ thuật, Phân tích kinh tế ứng dụng, Các phương pháp rút ra từ thực tế về chính sách và quản lý nhà nước, Phân tích tài chính, Hệ thống thông tin quản lý, Quản lý trong một xã hội đa văn hoá, Kỹ năng nói chuyện chuyên nghiệp, Kỹ năng viết chuyên nghiệp, Tổng hợp hệ thống. Bên cạnh đó, còn có các khoá học không bắt buộc nhưng lại được các sinh viên hay chọn: Nghệ thuật trong xã hội, Ngân sách và điều hành quản lý, Khoa học quản lý, Marketing, Đa truyền thông, Thương thảo, Chính sách và Chính trị, Các hội thảo trong thực hành chuyên nghiệp... Chỉ điểm qua đầu mục những môn học, cũng thấy đây là một biển kiến thức và phương pháp mênh mông còn khá xa vời với việc đào tạo cán bộ văn hoá ở nước ta.
Qua giới thiệu của các giáo sư đại học Niu-Yoóc, chúng tôi được biết một tổ chức khá đặc biệt của Mỹ, đó là Hiệp hội các nhà giáo dục quản trị nghệ thuật (AAAE), một tổ chức quốc tế hoạt động không vì lợi nhuận ở Mỹ. Nhiệm vụ của Hiệp hội là tổ chức các chương trình đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học về quản trị nghệ thuật, bao gồm đào tạo quản lý mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, văn học, báo chí, và quản lý các tổ chức dịch vụ văn hóa nghệ thuật. Ra đời năm 1975, Hiệp hội được thành lập để cung cấp một diễn đàn thông tin giữa các thành viên và để hỗ trợ cho việc đào tạo chính thức và các tiêu chuẩn giáo đục cao cho các nhà quản lý nghệ thuật. Hơn thế, Hiệp hội còn khuyến khích các thành viên theo đuổi, xuất bản, tiến hành và công bố các nghiên cứu về quản lý và quản trị nghệ thuật nhằm tăng cường hiểu biết về các vấn đề quản lý nghệ thuật trong các lĩnh vực học tập và công tác. Việc công nhận quản lý nghệ thuật cũng là một nghề đang là một xu hướng phát triển trong thời gian gần đây. Hiệp hội tin rằng giáo đục bậc cao vẫn là cách thức đúng đắn để đáp ứng được những đòi hỏi này cũng như những yêu cầu hiện tại và trong tương lai của nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật có thể tham gia vào Hiệp hội với các chương trình đào tạo đại học về quản trị nghệ thuật. Các đơn vị quan tâm đến việc tổ chức các chương trình tương tự như vậy, cá nhân vì lí do nghề nghiệp, sở thích, lý tưởng hoặc những lý do khác nếu có mong muốn cũng có thể tham gia liên kết với Hiệp hội và chia sẻ công việc của tổ chức này. Hiệp hội tổ chức hội nghị thường niên cho các thành viên, sinh viên, các nhà quản lý nghệ thuật, và bất cứ ai quan tâm đến việc phát triển của lĩnh vực này. Hội nghị năm 2001 được tổ chức ở Brisbane, Úc. Cuốn Hướng dẫn đào tạo và nghiên cứu quản trị nghệ thuật của Hiệp hội được xuất bản nhằm kết nối sinh viên giỏi có quan tâm đến nghề quản lý nghệ thuật và các tổ chức nghệ thuật với nhau. Hiệp hội các nhà giáo dục quản trị nghệ thuật được điều hành bởi một ban giám đốc bao gồm các trưởng bộ môn là thành viên đầy đủ hoặc những người do họ chỉ định, hoạt động theo điều luật đã quy định. Ban điều hành này sẽ được bầu vào cuộc họp thường niên theo biểu quyết đa số của các thành viên đầy đủ. Các cán bộ do Ban giám đốc cử ra.
Tác giả (trang phục sẫm màu) cùng đồng nghiệp tại Hoa Kỳ
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top