CHƯƠNG II. HOA KỲ LÀ THẾ - Phạm Việt Long - 4
Vì chương trình làm việc tại Niu-Yoóc khá dầy đặc, chúng tôi chỉ có thời gian một ngày thăm thủ đô Oa-sinh-tơn. Xuất phát từ 5 giờ 30 sáng, xe chúng tôi bon bon trên đường cao tốc rộng và nhẵn với 4 đến 6 làn đường. Phải nói người Mỹ rất biết bảo vệ thiên nhiên của mình, cho nên dọc đường xe là những cánh rừng nối dài, lá xanh, lá đỏ, lá vàng rực rỡ như bức tranh sơn dầu khổng lồ. Biết giữ thiên nhiên cho mình nhưng Mỹ không hề quan tâm đến môi trường chung của cả thế giới. Mỹ là nước chiếm một phần tư lượng khí thải công nghiệp trên toàn thế giới, nhưng vào đầu năm nay, Tổng thống Busơ đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Nghị định thư Ki-ô-tô vì cho rằng Nghị định này không công bằng và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ở Mỹ. Chẳng qua, Nghị định này quy định các nước công nghiệp phải giảm lượng khí thải do hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó giảm khí thải độc hại carbon dioxide xuống mức trung bình 5,2% từ năm 1990 đến năm 2012. Vậy là Mỹ tự cho phép mình tha hồ thải chất độc hại vào không khí, mặc cho hàng trăm nước khác đang ra sức giảm thiểu sự đầu độc môi trường do sản xuất công nghiệp gây ra.
Dọc đường xe có những trạm bán xăng cùng với cửa hàng điểm tâm, giải khát. Đi được gần nửa đường, xe ghé vào một trạm để đổi lái xe. Ở Mỹ, có quy định lái xe chở khách không được phép chạy liên tục nhiều giờ cho nên có những trạm để lái xe chờ thay ca. Một lái xe đã cứng tuổi, cao to, xách túi từ trong một căn phòng nhỏ của ngôi nhà trệt đi ra, lên xe, và lái xe của chúng tôi xách túi, vào thế chỗ ở căn phòng đó. Anh ta sẽ nghỉ ngơi, chờ đến khi xe chúng tôi quay lại, sẽ lại lái xe về Niu-Yoóc. Xe chạy tới sông Pô-tô-mác, dòng sông êm ả trải rộng trước mắt khiến tôi nhớ tới hồi Mỹ còn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, có anh Mô-ri-xơn, công dân nước Mỹ, đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh đó, và nhà thơ Tố Hữu của chúng ta đã có bài thơ về anh với dòng sông Pô-tô-mác này. Ngày nay, Mỹ tiến hành chiến tranh ở Áp-ga-nit-xtan, lại xuất hiện những người Mỹ yêu hoà bình, phản đối chiến tranh. Trên đường phố Oa-sinh-tơn, tôi đã nhìn thấy một đoàn người đi bộ căng biểu ngữ đòi Mỹ chấm dứt ném bom Áp-ga-nitx-tan. Nhìn chung, cảnh sắc Oa-sinh-tơn êm ả hơn Niu-Yoóc: nhà thưa hơn, thấp hơn, nhiều cây và những khoảng trống, cùng sông, hồ, đỡ huyên náo và ngột ngạt. Có những hồ nước mênh mông gợn sóng, những bãi cỏ xanh rì, những vườn cây toả bóng mát và những chú sóc xuống tận bãi cỏ nhảy nhót. Người dân vẫn bình thản đi dạo trên đồi Ca-pi-tơn, thăm khu tưởng niệm Lin-côn, thăm các bảo tàng, thăm nhà Quốc hội. Chỉ có lực lượng an ninh là làm việc căng thẳng. Hồi nãy, gần với khu đồi Ca-pi-tơn, tôi thấy hai xe cảnh sát chạy ép một xe dân sự vào vệ đường, lôi ra hai người đàn ông mặc quần áo đen, còng tay và đẩy ngã dúi xuống bãi cỏ. Không rõ hai người đó phạm tội gì, hay chỉ là kẻ bị tình nghi?
Dọc các phố, chỗ nào cũng thấy xe cảnh sát và từng tốp cảnh sát trang bị súng ống, máy bộ đàm làm nhiệm vụ. Đặc biệt khu vực Lầu Năm góc bị phong toả bởi lực lượng quân đội, cảnh sát, cho nên chúng tôi chỉ được quan sát từ xa, thấy một góc nhà đen xạm. Tại khu vực Nhà Trắng, lực lượng cảnh sát được bố trí dầy hơn và mọi người chỉ được quan sát Nhà Trắng từ ngoài rào, không được vào tận nơi như trước đây. Khu vực nhà Quốc hội khá vắng. Nhà Quốc hội đang đóng cửa do chính quyền Mỹ tuyên bố có bệnh than thâm nhập. Tuy vậy, những người đến thăm nhà Quốc hội vẫn vào sát toà nhà vãn cảnh và chụp ảnh. Có một tốp nghệ sĩ nào đó còn dăng máy phóng thanh, hát hò ngay sân trước sảnh nhà Quốc hội. Thế mà qua các phương tiện tuyên truyền, chính quyền Mỹ đang gây cảm giác cho thế giới là nhân dân Mỹ đang hoảng loạn trong chiến dịch khủng bố bằng sinh học! Không, bệnh than không hoành hành dữ dội nước Mỹ như người Mỹ công bố, đó chỉ là lối tuyên truyền khuyếch đại nhằm hướng dư luận vào nước Mỹ, lo ngại cho nước Mỹ mà quên mất nhân dân Áp-ga-nít-xtan đang xương tan thịt nát dưới bom đạn của Mỹ. Thử so sánh con số 2 người Mỹ chết vì bệnh than với trên một nghìn người dân Áp-ga-nitx-tan chết vì bom đạn Mỹ trong cùng một thời gian, con số nào gây khủng khiếp hơn? Lẽ nào một mạng người Mỹ lại giá trị gấp cả trăm lần mạng người Áp – ga – nix – tan?
Chúng tôi đến thăm khu tưởng niệm lính Mỹ chết ở Việt Nam và ở Triều Tiên. Tới tận ngày hôm nay, tôi vẫn thấy nhiều người Mỹ đến dò tìm những dòng tên trên bảng đá ghi danh lính Mỹ tử trận tại Việt Nam, trong đó có một phụ nữ luống tuổi chăm chú áp mảnh giấy trên một hàng chữ và chà bút chì để in lại họ tên một lính Mỹ nào đó. Xong việc, bà ngồi xuống, nâng niu mảnh giấy, mắt rưng rưng lệ. Không hiểu người chết được ghi tên trên bảng đá lạnh lùng kia có quan hệ gì với bà và tại sao bây giờ bà mới tới thăm viếng anh ta được? Chính quyền Mỹ có biết rằng, trong lúc tiến hành chiến tranh xâm lược, gieo đau thương tang tóc cho các dân tộc khác, thì đồng thời cũng là gieo đau thương, tang tóc cho chính nhân dân nước mình?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top