BẢO TÀNG MỸ THUẬT METROPOLITAN- Phạm Việt Long - 13

Với địa chỉ: số 1.000 Đại lộ 5 phố 82, Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan nằm ở một khu vực có nhiều cây cối xanh tươi vào loại nhất của Niu-Yoóc. Phần trưng bày về kiến trúc của bảo tàng này còn được đặt ngoài sân, tiếp giáp với một công viên, tạo một cầu nối giữa hiện vật trưng bày và cỏ cây hoa lá ngoài trời, làm cho bảo tàng gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên, tạo nên một cảm giác dễ chịu cho người xem sau khi đã khá mệt mỏi vì "lùng sục" qua các phòng trưng bày ngồn ngộn những hiện vật.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan là Mary Bét-thơ O-re-ly, một phụ nữ khoảng 50 tuổi, dáng người đậm nhưng khá nhanh nhẹn và rất tận tâm. Đáng nể, chị không phải là nhân viên ăn lương của bảo tàng, mà là một tình nguyện viên hướng dẫn tham quan. Chị cho biết mỗi ngày ở đây có 4 tua tham quan có hướng dẫn, nhưng khách có thể tự đi xem những nơi mình thích mà không theo tua cũng được. Vào bảo tàng, tôi gặp rất nhiều học sinh. Các em đi thành từng tốp, có giáo viên hướng dẫn. Dọc các hành lang, người ta đặt nhiều ghế băng, thậm chí cả sàn gỗ lớn, để khách nghỉ chân. Người hướng dẫn cho biết chúng tôi sẽ đi thăm bảo tàng chỉ trong vòng 45 phút, cho nên chỉ có thể thăm những nơi đáng quan tâm nhất.

Chúng tôi được giới thiệu khái quát về bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan như sau:

Với hơn 5 triệu lượt khách hàng năm, Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan (thường gọi là "The Mét") là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Niu-Yoóc.

Được thành lập năm 1870, bộ sưu tập của Bảo tàng hiện gồm hơn 2 triệu tác phẩm nghệ thuật các loại từ thời cổ đại cho đến hiện đại. Bảo tàng phân loại và trưng bày các hiện vật theo nội dung như sau:

Bộ sưu tập Nghệ thuật trang trí Mỹ gồm có đồ đạc, đồ bạc, thiếc, thuỷ tinh, gốm và hàng dệt may từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, cũng như nền kiến trúc trong nước được thể hiện trong những căn phòng được bố trí theo từng thời kỳ, cùng với các bức chân dung, tranh phong cảnh, tranh về lịch sử, tĩnh vật, nghệ thuật dân gian và điêu khắc từ thời thuộc địa đến đầu thế kỷ 20.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Cận Đông cổ đại gồm các tác phẩm chạm khắc và điêu khắc bằng đá, ngà voi và các hiện vật làm bằng các kim loại quý từ rất nhiều nơi và rất nhiều thời kỳ khác nhau - từ xứ Anatôli đến thung lũng In-đớt, từ thời kỳ đồ đá mới (8.000 năm trước Giáo hội Anh quốc) đến thời kỳ chinh phục của người Ảrập (thế kỷ thứ 7 Giáo hội Anh quốc).

Bộ sưu tập Vũ khí và các loại xe bọc thép bao gồm các loại thiết giáp, chiến xa, cộng với vũ khí và trang phục võ thuật với vẻ đẹp trang trí và điêu khắc đến từ Châu Âu, Châu Á, Trung Đông và Châu Mỹ.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Châu Phi, Châu Đại Dương và Châu Mỹ bao gồm các vật làm lễ và các tác phẩm tưởng niệm, tư trang, dụng cụ sử dụng hàng ngày đến từ ba lục địa và hàng loạt các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, từ 2.500 năm trước Giáo hội Anh quốc đến hiện tại.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Châu Á bao gồm các bức tranh, thư pháp, in ấn điêu khắc, gốm, đồng, ngọc, sơn mài, dệt và màn the từ cổ chí kim của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Á và Đông Nam Á.

Bộ sưu tập Các nhà tu, ghi lại nghệ thuật và kiến trúc Châu âu thời Trung cổ, bao gồm điêu khắc, các chữ viết cổ có thuyết minh, thuỷ tinh nhuộm, tác phẩm từ kim loại, men, ngà, các bức hoạ và các thảm.

Viện Trang phục trưng bày quần áo thời trang của 7 thế kỷ và 5 châu lục, trang phục vùng, và các đồ dùng dành cho nam giới, phụ nữ, trẻ em từ xưa đến nay.

Bộ sưu tập Các tác phẩm vẽ và in bao gồm nghệ thuật đồ hoạ thời Phục hưng và sau đó, trong đó có các tác phẩm in theo mọi kỹ thuật, từ những bức phác hoạ cho đến những tác phẩm hoàn thiện, sách có minh hoạ và những tác phẩm trên giấy khác.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Ai Cập bao gồm tượng, chạm khắc, bia khắc, các đồ vật trong lễ tang, đồ trang sức, đồ dùng hàng ngày và kiến trúc thời Ai Cập tiền sử qua các Vương quốc Tiền, Trung và Hậu đến thời kỳ La Mã (thế kỷ thứ 4 Giáo hội Anh quốc).

Bộ sưu tập Hội hoạ Châu Á bao gồm các khung tranh, panô, tranh bộ ba, bích hoạ do các bậc thầy người Ý, người F-lan-đơ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... sáng tạo từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19.

Bộ sưu tập Nghệ thuật điêu khắc và trang trí châu Á bao gồm những tác phẩm điêu khắc, đồ đạc, gốm, thuỷ tinh, kim loại, các dụng cụ khoa học, hàng dệt và các phòng bố trí theo từng thời kỳ của các nước Tây Âu từ thời Phục hưng đến đầu thế kỷ 20.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Hy Lạp và La Mã trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp, La Mã, E-tru-ria, Síp cho đến thế kỷ thứ 4 Giáo hội Anh quốc, bao gồm đá cẩm thạch, điêu khắc bằng đồng và bằng sành, lọ hoa, các bức bích hoạ, đồ trang sức, ngọc chạm, thuỷ tinh và các vật dụng.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Hồi giáo bao gồm các mẫu chữ viết tay, các bức tiểu hoạ, thảm, các vật trang trí phức tạp các kiểu, và các yếu tố kiến trúc có từ khi Hồi giáo được thành lập từ thế kỷ 7 Giáo hội Anh quốc trở đi, từ Marốc đến Ấn Độ.

Bộ sưu tập Rôbớt Lê-man là một bộ sưu tập cá nhân các bức tranh. bức vẽ và nghệ thuật trang trí được hiến tặng cho Bảo tàng, trong đó có rất nhiều tác phẩm có từ thời Phục Hưng- Italia và phương Bắc cho đến thế kỷ 20.

Các thư viện tra cứu có các xuất bản phẩm in lần thứ nhất rất hiếm, các chuyên luận và sổ tay của các nghệ sĩ, át lát có minh hoạ, vở dán bài rời, các bìa sách đẹp đẽ và các tác phẩm đầu tiên về lịch sử nghệ thuật

Bộ sưu tập Nghệ thuật trung cổ trưng bày các tác phẩm Châu Âu, đế quốc La Mã phương Đông, triều đại Phờ-ranh được Cha-lơ-meng tìm thấy, kiểu Roman thịnh hành vào thời kỳ giữa cổ điển và Gô-tíc có từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 16, bao gồm điêu khắc, thảm thêu, áo quan, những đồ vật đựng đồ tế lễ...

Bộ sưu tập Nghệ thuật hiện đại bao gồm các bức hoạ của Mỹ và Châu Âu, các tác phẩm trên giấy, điêu khắc, thiết kế và kiến trúc, đại diện cho những trào lưu nghệ thuật chính từ năm 1.900.

Những bộ sưu tập quan trọng khác gồm có: Bộ trưng bày các nhạc cụ có tầm quan trọng về mặt lịch sử, kỹ thuật và xã hội, có gá trị cả về âm thanh và hình ảnh, có từ đàn ắccorđêông đến đến đàn tam thập lục. Bộ ảnh trưng bày những bức ảnh có từ khi kỹ thuật chụp ảnh mới xuất hiện, các tác phẩm tiên phong của Mỹ và Châu Âu, và các bộ sưu tập đương đại đến từ khấp nơi trên thế giới; Trung tâm hàng dệt Atonio Ratti có các thảm thêu, nhung, tác phẩm thêu, ren, vải thêu mẫu, may chần, len và vải in từ tất cả các thời kỳ và các nền văn minh có từ 3.000 năm trước Giáo hội Anh quốc.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có một trang web giới thiệu khoảng 3.500 hiện vật, trong đó có 50 hiện vật đẹp nhất từ mỗi bộ phận chính của bảo tàng cũng như từ bộ phận Tranh Châu Âu. Với đặc tính tương tác cao, trang web của Bảo tàng giúp độc giả có thể tra cứu về hiện vật của bảo tàng theo tác giả, thời kỳ, phong cách hoặc những từ quan trọng.

Điểm qua như trên cũng đủ thấy sự phong phú, đa dạng của bảo tàng này. Đó thực sự là một bảo tàng mang tầm cỡ thế giới.

Nơi mà chúng tôi được giới thiệu kỹ nhất là khu vực bảo tàng mỹ thuật Hy Lạp thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Tại đây có rất nhiều tượng đá lớn nguyên bản, nguyên dạng, tuy có bị sứt mẻ ít nhiều. Hướng dẫn viên tình nguyện Me-ri Bét O-ri-li dừng lại khá lâu trước một bức tượng nam giới khoả thân trong tư thế đứng và giảng giải rất kỹ về giá trị mỹ thuật cũng như giá trị lịch sử của nó. Gần nhóm chúng tôi, cũng đứng trước một bức tượng đá khá lớn là một tốp học sinh và một người đàn ông cao lớn, có lẽ là giáo viên. Tôi thấy người đàn ông nói gì đó với học sinh khiến các em cười vui vẻ, sau đó một em đến sát bức tượng và cũng giảng giải về giá trị bức tượng. Có lẽ đây là hình thức học tập tại bảo tàng, một cách học trực quan khá phổ biến tại Mỹ. Thăm khu vực trưng bày các tác phẩm mỹ thuật của Mỹ, tôi chú ý đến một bức tranh lớn bằng kính các mầu. Tác phẩm này của một hoạ sĩ Mỹ làm theo đơn đặt hàng của một ông chủ vào năm 1920, thể hiện phong cảnh mùa thu khá gợi cảm. Người Mỹ rất tự hào về tác phẩm này bởi giá trị nghệ thuật của nó và tính độc đáo trong việc ứng dụng công nghệ vào sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Nghệ sĩ người Mỹ này đã học tập cách thức dùng chất liệu thuỷ tinh của nhà thờ để làm tranh, nhưng có sáng tạo trong cách xử lý, ví dụ đã tạo cảm giác về sự thô ráp của một thân cây bằng cách nung chảy thuỷ tinh và khi thuỷ tinh chưa đông đặc lại đã dùng hơi nóng sấy khô, làm cho bề mặt thuỷ tinh gợn lên. Một lần nữa tôi được thấy biểu hiện rõ nét một đặc tính của người Mỹ - họ rất giỏi trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào đời sống. Người Mỹ cũng ưa sự mạnh mẽ, cho nên cách thức xây dựng nhà cửa, trang trí, các tác phẩm nghệ thuật đều được làm theo hướng hoành tráng, tạo mảng, khối.

Tại gian trưng bày sưu tập Nghệ thuật Ai Cập có một ngôi đền cổ Ai Cập bằng đá có độ tuổi 2.060 năm "được tặng cho nước Mỹ như sự biết ơn vì nếu không có người Mỹ khai quật thì có thể nó đã bị mất rồi. Ngôi đền này đại diện cho kiến trúc của các ngôi đển cổ Ai Cập" - hướng dẫn viên tự hào giới thiệu như vậy.

Sau 45 phút thăm các phòng trưng bày, chúng tôi về phòng trao đổi công việc. Những người phụ trách bảo tàng thông báo với chúng tôi về hoạt động của bảo tàng. Người Mỹ có sự phân công rạch ròi, cho nên từ hôm đến đây đến giờ, làm việc ở đâu tôi cũng được nghe nhiều người trong một cơ quan thông báo công việc, mỗi người nói về công việc của mình, không giống ở bên ta thường thường thường thủ trưởng đơn vị bao sân tất cả, những người khác chỉ "bổ sung". Tại Bảo tàng này, tôi được nghe tới 5 người thông báo về các nội dung khác nhau: hoạt động chung của Bảo tàng, công tác lưu trữ, công tác vận chuyển hiện vật sưu tập về Bảo tàng, công tác phát triển, công tác thông tin. Đáng chú ý là Bảo tàng có lối làm ăn năng động, tạo được nhiều nguồn lực để tồn tại và phát triển.

Ông Pitơ M. Ke-my, Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật trang trí Mỹ thuộc bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan, giới thiệu như sau: "Từ năm 1924, những người xây dựng bảo tàng đã có ý tưởng xây dựng một bảo tàng mỹ thuật Mỹ để lưu giữ những giá trị thuần Mỹ. Từ đó, chúng tôi đã sưu tầm được những bộ sưu tập cổ rất có giá trị gồm 15.000 hiện vật (hội hoạ, điêu khắc, trang trí, những yếu tố kiến trúc bằng bạc, kim loại...) từ thế kỷ thứ 17 (1600-1690). Hiện nay chúng tôi có 10 người phụ trách các nội dung khác nhau: gốm, sứ, dệt, kim loại, thuỷ tinh, hội hoạ, điêu khắc... Cùng với phần trưng bày, chúng tôi còn xuất bản sách, lưu trữ các tài liệu trên mạng máy vi tính. Hoạt động của chúng tôi mang tính dân chủ. Chúng tôi cũng giới thiệu các nhà sưu tập đến mua cổ vật tại các cuộc bán đấu giá, rồi đến lúc nào đó, chúng tôi lại vận động các nhà sưu tập ấy hiến cho bảo tàng. Đổi lại, những người hiến tặng sẽ được ghi tên danh dự vào hiện vật và được miễn giảm thuế. Hệ thống thuế ở Mỹ rất tích cực hỗ trợ cho các bảo tàng." Ông cho biết ở Mỹ, có hai cách đào tạo về quản lý bảo tàng: đào tạo tập trung trong các trường chuyên về bảo tàng, và không tập trung qua hình thức mở lớp cấp chứng chỉ. Về ngân sách, bảo tàng của ông được cấp 130.000 USD cho các hoạt động, chưa kể lương, đồng thời còn có 2 nguồn tài trợ chính là tài trợ cho xuất bản 1 triệu USD một năm, tài trợ để mua các bộ sưu tập 250.000 USD một năm. Ngoài ra, khi có việc xây dựng thì phải dự trù, để được cấp. Bảo tàng cũng quyên góp được nhiều từ các cá nhân. Có của ăn của để, bảo tàng đã thiết lập được quỹ trợ vốn, tạo ra lãi để bổ sung cho việc chi tiêu. Khi tôi hỏi lại ông Giám đốc về tính thuần Mỹ được biểu hiện trong Bảo tàng thế nào, ông trả lời: "Đó là bức chân dung Tổng thống Lin-côn, Oa-sinh-tơn, những hiện vật có liên quan đến các vị Tổng thống này, hoặc phòng các Tổng thống uống trà tại Philadenphia. Và không gian, không khí trong bảo tàng cũng gợi ra cuộc sống Mỹ trong lịch sử..." Sau đó, như nhớ lại tính hợp chủng quốc của Hoa Kỳ, ông giám đốc nói tiếp: "Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi không nhấn mạnh vào ý tưởng thuần Mỹ nữa. Ngay trong các trường học, ngày nay cũng không còn các bài giảng về thuần Mỹ."

Stela Pôn, nhà giáo dục về bảo tàng, giới thiệu: "Tôi đại diện cho bộ phận giáo dục của Bảo tàng này. Có 60 nhân viên, đây là bộ phận lớn nhất trong Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan. Năm 2.000, chúng tôi đã đón tiếp 5,5 triệu lượt khách tham quan. Chúng tôi phải cung cấp thông tin cho khách bằng nhiều hình thức, như thông qua các ấn phẩm, đồ lưu niệm, các cuộc hội thảo... Chúng tôi đã tổ chức 20.000 buổi nói chuyện trong bảo tàng và tại các phòng học, đón nhận vài trăm nghìn sinh viên đến tham quan, học tập hàng năm. Những người đến với mục đích học tập, nghiên cứu rõ ràng, nghiêm túc, hoặc các đoàn khách quốc tế được chúng tôi phục vụ miễn phí. Việc xuất bản phục vụ cho giáo dục bảo tàng rất lớn, bằng cả ấn phẩm in trên giấy và ấn phẩm điện tử." Sơ-te-la Pôn giới thiệu với chúng tôi một hình thức huy động nhân lực phục vụ Bảo tàng rất Mỹ: "Nhiều bảo tàng ở Mỹ có các chương trình khai thác tình nguyện viên. Đó là những người đã về hưu hoặc rỗi việc nhưng có sức khoẻ và có khả năng, tình nguyện vào làm việc trong các bảo tàng mà không đòi hỏi đãi ngộ. Bảo tàng này có khoảng 1.000 tình nguyện viên, trong đó có 800 người tình nguyện làm các công việc giấy tờ, trả lời điện thoại, 200 người tham gia giảng dạy. Thời gian đầu, chúng tôi phải mất rất nhiều công sức để huấn luyện và giám sát họ, giúp họ làm quen với các công việc của bảo tàng. Riêng đội ngũ những người tình nguyện giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động giáo dục của chúng tôi. Hỗ trợ cho hoạt động giáo dục là 20 thư viện trong bảo tàng, với rất nhiều sách của Mỹ và thế giới về bảo tàng."

Qua phẩn trao đổi, chúng tôi rất quan tâm đến việc tạo ngân sách cho hoạt động của bảo tàng này. Các bạn Mỹ đã giải thích rất rõ ràng như sau: Bảo tàng có nhiều hình thức tạo ngân sách, trong đó có ba nguồn thu quan trọng là thu từ phí hội viên, thu từ các khoản tài trợ, và thu từ bán vé. Tôi hết sức sửng sốt khi thấy các khoản thu được ở đây quá lớn: mỗi năm riêng các khoản tài trợ, quà tặng là 48 triệu USD, tiền phí hội viên cũng lên tới 18 triệu USD. Khi tổ chức từng cuộc triển lãm, Bảo tàng còn kêu gọi các công ty tài trợ và luôn luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Năm 2.000, Bảo tàng đã thu được 6,5 triệu USD cho các cuộc triển lãm. Đáp lại, Bảo tàng in tên các công ty tài trợ trong các ấn phẩm, các phương tiện quảng cáo giới thiệu các cuộc triển lãm đó.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên ở phương thức tổ chức hoạt động của Bảo tàng. Tôi đã đi nhiều bảo tàng trên thế giới, nhưng đến nước Mỹ này mới được nghe giới thiệu về các hội viên của một bảo tàng với số lượng lên tới 110.000 người, đã đóng góp cho Bảo tàng nguồn kinh phí lớn như đã nói ở trên. Người ta chia mức phí hội viên thành nhiều loại, loại đóng thấp nhất là 50 USD một năm được phép truy cập trang web của Bảo tàng, loại đóng 80 USD một năm được hưởng nhiều quyền lợi hơn, như được vào tham quan bảo tàng bất cứ lúc nào, được mời xem trước hoặc dự khai mạc những cuộc trưng bày quan trọng, được nhận những ấn phẩm mới giới thiệu về các bộ sưu tập, được giảm giá khi mua hàng lưu niệm... Trong số hội viên, nhóm liên hợp từ các bang khác là đông nhất, gồm 42.000 người, đóng Hội phí 45 USD một năm. Bên cạnh đó, có những công ty cũng tham dự với tư cách hội viên tập thể, không chỉ ông chủ công ty mà toàn thể thành viên của công ty đều được hưởng quyền lợi của một hội viên.

Về mặt tổ chức, Bảo tàng có hai bộ phận cũng rất quan trọng. Đó là bộ phận Phát triển, gây quỹ với 50 người, và bộ phận Quản lý hội viên với 50 người. Những bộ phận này hoạt động có chương trình, kế hoạch và phương pháp sát hợp, tạo hiệu quả cao. Họ thường xuyên tiếp cận với công chúng để mời chào làm hội viên, để huy động tài trợ, thông qua nhiều hình thức, như gửi thư, trao đổi qua thư điện tử, điện thoại, gặp gỡ trực tiếp... Trong hoạt động của mình, bộ phận phát triển, gây quỹ tập trung nhiều nhất vào các cá nhân, rồi đến các quỹ. Coi tất cả những người quan tâm đến Bảo tàng là thành viên của mình, họ rất hiểu tâm trạng, sở thích những người này và có những cách thức ứng xử phù hợp. Có những ông chủ giầu có cần uy danh, Bảo tàng mời vào Hội đồng chủ tịch của Bảo tàng. Riêng những thành viên danh dự của Hội đồng này mỗi năm đã tài trợ cho Bảo tàng 40 triệu USD. Đối với những người quan tâm đến các chuyên đề, Bảo tàng tổ chức những chương trình dành riêng cho nhu cầu của từng nhóm, ví dụ nhóm ưa thích nghệ thuật cổ La Mã, nhóm ưa thích nghệ thuật Hồi giáo... Phương châm của Bảo tàng là: Hãy tạo cho những người đến Bảo tàng có cảm giác là thành viên của Bảo tàng, phải quan tâm đến người ta để người ta quan tâm đến mình, để người ta đóng góp cho Bảo tàng như đóng góp cho gia đình họ. Được hỏi về vai trò của chính quyền trong hoạt động của Bảo tàng, ông Pi-tơ cho biết: Thành phố Niu-Yoóc hỗ trợ cho các chi phí về nước, cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, mức hỗ trợ đã bị giảm đáng kể, trước kia chiếm 20% chi phí về nước và hạ tầng cơ sở của Bảo tàng, nay chỉ còn 14%. Ông nói thêm: "Gần đây ở Mỹ có tình trạng sáp nhập các công ty, do đó số đầu công ty tài trợ cho Bảo tàng cũng bị giảm đáng kể. Đó là những thử thách mới khiến chúng tôi phải nỗ lực hơn trước."

Như hầu hết các cơ sở văn hoá ở Mỹ, Bảo tàng có bộ phận kinh doanh tạo ra lợi nhuận. Được thành lập ngay từ ngày Bảo tàng ra đời, hệ thống kinh doanh hoạt động rất hiệu quả, hàng năm tạo ra thu nhập 70 triệu USD cho Bảo tàng. Đây thực sự là một doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, tạo ra lợi nhuận cao, nhưng được miễn thuế. Phương thức kinh doanh cũng như các mặt hàng ở đây rất độc đáo, không phải chỉ tập trung kinh doanh trong khuôn viên Bảo tàng, mà còn mở rộng ra ngoài xã hội, nhưng tập trung vào những gì liên quan đến Bảo tàng và phục vụ khách tham quan. Giống như nhiều Bảo tàng khác, bán đồ lưu niệm cho khách tham quan là một cách tạo nguồn thu cho Mêtrôpôlitan. Có điều đặc biệt là việc bán đồ lưu niệm được định hướng rõ - hàng phải mang nội dung của bảo tàng, mục đích bán hàng lưu niệm là để giáo dục, tạo liên tưởng đến bảo tàng; 90% số hàng lưu niệm bán ra là do Bảo tàng sản xuất. Tư tưởng này được thực hiện triệt để, và tôi để ý rằng ngay cả trong các bao bì đựng tặng phẩm tặng đoàn chúng tôi, cũng đều in những hình ảnh hoặc lời giới thiệu về bảo tàng này. Người phụ trách kinh doanh cho chúng tôi biết, ngoài cửa hàng bán hàng lưu niệm tại chỗ, Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan còn có 19 cửa hàng rải ra khắp nước Mỹ. Không những vậy, Mêtrôpôlitan còn liên doanh với các nhà kinh doanh trên thế giới bán đồ lưu niệm của bảo tàng này. Tôi nhẩm tính, với khối lượng trên 5 triệu lượt người vào tham quan mỗi năm, chỉ cần mỗi người mua hoặc được tặng một đồ lưu niệm, thì đã tiêu thụ hết trên 5 triệu văn hoá phẩm, cộng với lượng hàng hoá được bán ngoài bảo tàng, số lượng chắc lớn lắm. Cũng cần nói thêm rằng, số lượng người đến tham quan bảo tàng được tính chính xác đến hàng đơn vị chứ không áng chừng như ở ta, vì Bảo tàng này có máy đếm tự động, và các dữ liệu đều được lưu vào hệ thống máy vi tính. Muốn đáp ứng được yêu cầu cung cấp hàng lưu niệm, chắc chắn Bảo tàng này phải tổ chức một bộ phận sản xuất đủ mạnh. Chúng tôi còn được giới thiệu cửa hàng sách của Bảo tàng là cửa hàng sách bằng tiếng Anh lớn nhất thế giới. Một nguồn thu quan trọng khác là phục vụ ăn uống cho khách tham quan (Tôi chợt liên hệ đến nước ta, việc kinh doanh ăn uống trong bảo tàng thường bị dư luận phê phán, coi là làm "uế tạp" các giá trị văn hoá). Như rất nhiều nước xứ lạnh khác, mọi công việc ở Mỹ đều bắt đầu rất muộn, thường là từ 9 giờ hoặc 9 rưỡi sáng, cho nên người ta thường làm việc thông tầm và cũng vì vậy, việc ăn trưa thường diễn ra ngay tại công sở. Bảo tàng này cũng mở cửa muộn, nội dung tham quan lại phong phú, cho nên ăn trưa tại bảo tàng là nhu cầu thiết yếu đối với hầu hết khách tham quan. Cũng vì thế, bảo tàng có một cửa hàng ăn ngay trong lòng toà nhà lớn nhất, với đủ loại món ăn, và lượng người đến ăn đông tới mức chúng tôi phải phân công người "xí" chỗ ngồi trước rồi mới xếp hàng mua đồ ăn sau. Nếu ăn một cách bình dân, cũng phải mất khoảng chục USD, còn ăn có món cá hồi thì chi đến 18 USD cho một suất. Nếu so sánh với mức thu nhập của một lái xe bình thường là 1.200 USD một tháng (trừ các khoản phải nộp rồi thì còn khoảng sáu, bẩy trăm USD), thì đây là giá "cắt cổ". Thế nhưng, người ăn cứ nườm nượp, đến nỗi mấy thùng rác to đùng đựng đồ phế thải do khách ăn uống ném vào luôn luôn phải thay vì nó đầy lên một cách nhanh chóng.

Một điều phổ quát trong hoạt động của tất cả các cơ sở văn hoá mà tôi được biết ở nước Mỹ này, là công tác thông tin được coi trọng và được tiến hành một cách tuyệt hảo. Bảo tàng Mêtrôpôlitan này cũng vậy, có thể nói là công tác thông tin đã đem lại thành công lớn cho bảo tàng. Bộ phận này đã đảm nhận trách nhiệm sưu tập 2 triệu hiện vật về cho Bảo tàng, ngoài ra còn mượn hiện vật trên thế giới khi có triển lãm lớn. Cung cấp thông tin cho báo chí, bộ phận thông tin phải biên tập nội dung cần tuyên truyền và liên hệ với 6.000 người đưa thông tin lên mạng. Hàng năm, bộ phận thông tin in ca-tơ-lô, gửi đến khoảng 4 triệu khách hàng. Sau thảm hoạ 11/9, khách đến bảo tàng giảm 60%, thì việc cung cấp thông tin về hoạt động của bảo tàng là một việc làm bức thiết. Bộ phận thông tin đã làm hết sức mình: thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi thư điện tử, thông báo trên trang web... để mọi người trên thế giới hiểu rằng bảo tàng vẫn mở cửa bình thường, đường đến Niu-Yoóc vẫn thông suốt và an toàn, và nhờ vậy, số khách đến bảo tàng tăng dần, cho đến nay chỉ còn giảm 25% so với cùng thời kỳ năm trước.

Điều mà các nhà lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan muốn nhấn mạnh với chúng tôi là, nhìn tổng thể, hoạt động của Bảo tàng là không vì lợi nhuận, nhưng mỗi thành viên của Bảo tàng đều phải nghĩ ra và thực hiện bao nhiêu cách phụ trợ để kiếm ra tiền, có thế mới tồn tại và phát triển được.

Thăm bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan, tôi suy nghĩ nhiều. Những điều đáng ghi nhận là phương thức hoạt động linh hoạt, hiện đại, tập trung cho mục đích chính, tạo hiệu quả xã hội cao. Tuy vậy, chính từ bảo tàng này, tôi cũng nhận ra tư tưởng bá chủ thế giới của Hoa Kỳ. Người Mỹ đã thu thập về cho đất nước mình nhiều hiện vật quý giá của các nước trên thế giới, tạo nên một Bảo tàng lớn, với hơn 2 triệu hiện vật, thu hút cả trăm triệu lượt khách tham quan. Về công sức mà nói, người Mỹ quả đáng tự hào vì đã chuyên chở được một khối lượng hiện vật lớn về nước mình, trong đó có những hiện vật khổng lồ như ngôi đền cổ của Ai Cập bằng đá lớn khủng khiếp mà tôi đã nói ở trên, trong đó có những hiện vật do họ bỏ tiền ra mua, nhưng cũng có những hiện vật do họ chiếm đoạt của các nước bị xâm lược. Về mặt văn hoá, lẽ nào cứu một di tích của dân tộc khác khỏi bị quên lãng bằng cách đem nó về đất nước mình lại là biện pháp đáng tự hào? Bảo tàng có tới 36.000 hiện vật cổ của Ai Cập, Hy lạp, trong khi đó chỉ có 15.000 hiện vật của nước Mỹ. Và cái cách tỉnh khô khi giới thiệu những hiện vật chiếm đoạt được từ khắp nơi trên thế giới như đó là lẽ tất yếu, như là của chính mình mới đáng sợ làm sao. Trong khi đó, người Mỹ lại xuất khẩu ra thế giới những sản phẩm văn hoá đồi truỵ, bạo lực, làm biến dạng nền văn hoá của nhiều dân tộc khác. Phải chăng, đây chính là tội ác của việc xâm lược, cưỡng bức, đồng hoá và cướp đoạt văn hoá mà loài người cần lên án, chứ không riêng gì lên án hành động cướp bóc vật chất, tiến hành chiến tranh!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top