DSoTM
Darkside of the moon là album đỉnh cao của Pink Floyd - trên toàn thế giới nó được xếp hạng 5*- nghĩa là vào dạng những siêu phẩm vượt không gian thời gian , tuyệt tác của mọi thời đại . Album nói về một sinh mạng từ lúc bắt đầu sinh ra cho tới khi kết thúc , sự kết thúc này gần như không liên quan đến cái chết sinh học,mà là một cái chết ảo tương tự như sự bốc hơi của nhân vật Pink trong The Wall - tự dưng không liên quan gì đến con người đó nữa , anh ta 'bốc hơi' rất đột ngột . Dưới tác động của sức ép từ nhiều phía trong xã hội công nghiệp hiện đại , con người dần đánh mất mối liên hệ với thực tại và với chính mình ,hoá điên và chôn vùi cuộc sống của mình trong bệnh viện tâm thần .
SPEAK TO ME
Chúng ta có gì ở đây? Speak to me !! Phần lời dễ hiểu , nhưng quan trọng hơn nó đóng vai trò gì trong concept này ? Bạn hãy đọc những lời ngắn ngủi của nó : I've been mad for fucking years..... I know I've been mad, like the most of us...very hard to explain why you're mad, even if you're not mad..." . Cái này có nghĩa là gì . Hãy nhớ lại Wall . Mở đầu là một lời tiên báo định mệnh cho suốt cuộc đời của Pink "Nếu mày muốn tìm ra cái gì đằng sau những đôi mắt lạnh lẽo kia (=nếu mày muốn tồn tại ), mày phải tự cào ra lột ra con đường của mày dưới mọi nguỵ trang giả tạo của cuộc sống (=mày phải đánh vật với trò đời để tồn tại ) Và tôi nghĩ Speak to me cũng đóng vai trò tiên báo của Darkside, và thông điệp tiên báo thì ngắn thôi: " Sau những năm tháng khốn nạn của cuộc đời mày , mày sẽ điên !!! " . Tôi nghĩ cũng như Pink của The Wall đã thất bại trong cuộc chiến với cuộc sống và chính mình để tồn tại , nhân vật của Darkside cũng sẽ thất bại và hệ thần kinh bị phá huỷ hoàn toàn. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng so với Wall , Darkside trừu tượng hơn nhiều ,Wall có diễn biến trong đời thực , còn Darkside thì là diễn biến trong hệ thần kinh .
Bạn hãy lắng nghe những âm thanh trong ca khúc này, tiếng máy đếm tiền, tiếng cười điên dai ,tiếng đồng hồ tích tắc chạy không ngừng nghỉ báo hiệu bàn tay tàn nhẫn của thời gian.... Tập hợp âm thanh này được tạo ra từ đôi tay Nick Mason . Chỉ một vài khoảnh khắc ngắn ngủi đó thâu tóm cả cuộc đời của kẻ điên này lần lượt được trình bày trong những ca khúc tiếp theo ,tạo ra một cái link, một mạch ngầm chảy lặng lẽ suốt album, điều này đã thể hiện phần nào tính chất concept của Darkside. Như vậy từ lúc sinh ra đến khi biến mất đây là một cuộc sống hoàn chỉnh với đủ cả Thời gian , Tiền bạc , Thất vọng, Chiến đấu , Điên loạn ... Tôi nghĩ một album tái hiện được tất cả những cái này đáng được gọi là một album của cuộc sống.
BREATHE Hãy nghe tiếp , ngay sau tiếng người nói của Speak to me là nhịp đập của trái tim, rồi một tiếng thét kinh hoàng vang lên. Một người bạn của tôi nói rằng đó là tiếng người phụ nữ thét lên đau đớn khi sinh đẻ , nhưng tôi phủ định . Vang lên ngay sau lời tiên báo của số phận và nhịp đập mà tôi cho rằng đó là nhịp đập trái tim của cái bào thai , âm thanh đó phải là tiếng khóc chào đời của đứa hài nhi - chính xác hơn là tiếng thét chào đời kinh hoàng và định mệnh . Và ngay sau đó là tiếng nói vang lên trong tâm can người mẹ với đứa con mình : "Breathe , breathe in the air , dont be afraid to care " Đơn giản thôi , hãy thở đi con yêu , đừng e ngại , hãy thở đi . Ngay sau đó là " Leave , but dont leave me , look around and chose your own ground " Động từ Leave tôi nghĩ là chỉ hành động tách ra khỏi cơ thể người mẹ của đứa trẻ , còn dont leave me là chỉ sự không chia tách về tinh thần của tình mẫu tử , dù đứa con này sẽ lớn , sẽ sống con đường riêng của nó .
Ngay sau đó , album này đi vào một phép tu từ ổn định . Nếu bạn đã đọc tiểu thuyết Cái trống thiếc -Nobel văn học 1999 của nhà văn Đức Gunter Grass sẽ nhận ra một sự tương đồng : Trong câu chuyện luôn có hai vai : Vai người đứng ngoài nhìn vào và gọi nhân vật của câu chuyện bằng You , và vai ngôi thứ nhất của chính câu chuyện là I , hai vai này hoàn toàn thay thế nhau xen kẽ nhau trong cùng một đoạn văn , ở đây là cùng 1 bài hát , thậm chí cùng 1 đoạn lời ( Như trong Brain Damage sẽ nói tới sau ).Trong Breathe , đoạn tiếp theo là ở vị trí người ngoài cuộc nói ra đóng vai trò như tiếp nối lời tiên tri số phận ở trên : " Run, rabbit run. Dig that hole, forget the sun, And when at last the work is done Don't sit down it's time to dig another one. For long you live and high you fly But only if you ride the tide And balanced on the biggest wave You race towards an early grave.
Đây là ý nghĩa của nó : Trong suốt cuộc sống của mày , việc làm thật sự của mày là đào một cái lỗ huyệt (cho chính mày ), và khi đào xong nó , thì việc tiếp theo là đào một cái lỗ huyệt khác .Mày có thể chiến đấu với khó khăn và làm chủ hoàn cảnh trong một số tình huống , nhưng kết cục hành động đó chỉ dẫn mày tới cái lỗ huyệt của mày càng sớm hơn thôi .Breathe như thế là đã phủ một cái bóng tối tăm u ám lên toàn album . Định mệnh là như thế rồi không chạy đi đâu được .Điều đáng nói , liên kết với Speak to me , ta thấy rằng ngôi You này không nhằm vào chỉ riêng đứa trẻ mới ra đời , nó nhằm vào tất cả mọi người , nhằm vào thậm chí chính mỗi kẻ chúng ta . Như vậy không hề đi ra ngoài luồng thế giới quan của Pink Floyd : Một thế giới nhiều khuyết tật , với những số phận nhục nhằn và những kết cục bi thảm.Tôi nghĩ đây hoàn toàn không thể là một thế giới quan tích cực , nhưng nó làm nên tinh thần và hơi thở của Pink Floyd. Ca khúc này là "tài sản" trong solo The Body của Roger. Tuy nhiên nó đã được điều chỉnh lại cả về âm nhạc và ca từ cho phù hợp với không khí của Darkside . Phần vocal do Dave và Wright đảm nhận.
Đến đây cuộc đời đi vào mô hình của nó :
ON THE RUN Thật khó tìm được mối liên hệ từ ca khúc này tới cái đống hỗn độn vô hình mà album đã bắt đầu bày ra trước con mắt hoang mang của người nghe, đặc biệt khi đây chỉ là một khúc nhạc không lời , một mảnh cảm xúc câm lặng không tuyên ngôn, nếu không kịp nhận ra ý nghĩa của nó chúng ta sẽ lập tức đánh mất ngay khả năng theo sát diễn biến của concept .
Bắt đầu là tiếng một người phụ nữ trên loa phát thanh thông báo giờ bay lịch bay của một chuyến bay đã bắt đầu cất cánh, tiếng chân chạy gấp gáp của một người đàn ông trên con sảnh dẫn ra đường bay với hơi thở nặng nề thất vọng ,sau đó là một tràng những tiếng ha ha ha ha đứt quãng như điên dại gây cảm giác rợn tóc gáy . Những âm thanh này vang lên trên nền một hệ thống âm thanh dồn dập liên miên khó có thể gọi là âm nhạc, nó như một phép cộng cơ học âm thanh gì đó như bánh xe quay liên hồi hối hả , tiếng vù vù hun hút của các nhạc cụ điện tử tạo cảm giác như máy bay xé không khí khi đang chạy trên đường băng, tiếng guitar điện rú rít tạo cảm giác như các bánh xe miết sát mặt đường băng khi tới khúc cua.... ,và rồi đột nhiên một giọng nam nói cụt lủn một câu " Live for today, gone tomorrow... "được nối tiếp bằng những tràng cười ngây dại ghê rợn nửa như phủ định nửa như chế giễu .
Tới khi cái phép cộng cơ học những âm thanh gấp gáp đó kết thúc tựa như tiếng máy bay thực sự rời bánh khỏi đường băng và xé gió bay lên, tiếng bước chạy dừng lại đột ngột , tôi mới hiểu toàn bộ những sinh vật nhỏ bé cựa quậy trong cái tập hợp hối hả chết dẫm này muốn nói lên điều gì . Nó là guồng quay cuộc sống. Mỗi bước đi trong cuộc đời là một bước dấn thân vào những vòng đua vô hình mà thậm chí chính bản thân không thể ý thức được , và guồng quay hối hả của thời gian đó nuốt chửng mọi nỗ lực , kết thúc : con người luôn chậm một bước với nhịp quay của bánh xe thời gian , như người đàn ông đã chậm một bước lỡ chuyến bay tới Rome của anh ta . Điều đó xứng đáng nhận được cái gì hơn ngoài tràng cười chế giễu điên loạn kia ???
"Live for today and gone tomorrow, that's me." "Ha, ha, ha, ha!"
Tôi đã được xem một live show của Pink Floyd trong đó có ca khúc này . Giữa luồng ánh sáng lộng lẫy,trên một màn hình tròn trung tâm sân khấu hiện lên đoạn phim một người đàn ông bất động từ cổ trở xuống trên chiếc giường trong bệnh viên tâm thần , chiếc giường có bánh xe bắt đầu tự động chạy với tốc độ ngày càng nhanh trên một hành lang sâu hun hút dưới sức đẩy của một thế lực vô hình , hai bên chiếc giường ma nhập đó các ảo ảnh thực có hư có loang loáng vút qua. Trên khuôn mặt người đàn ông hiện lên vẻ sợ hãi hoảng loạn tột cùng, nhưng anh ta bất lực không thể chống chọi lại sức mạnh vô hình đó , tần số của bánh xe quay trùng với tần số của tiếng trống và các nhạc cụ điện tử ở trên . Hành lang đó kết thúc cũng là một phi trường , sự trùng hợp có sắp đặt đó càng củng cố niềm tin của tôi rằng sức mạnh vô hình đáng sợ kia chính là guồng quay cuộc sống, con người không thể thoát ra khỏi sức cuốn của nó . Và thất bại là cái chờ chúng ta ở cuối con đuờng.
Lỡ một bước trong vòng đua đó , phản ứng tức thời của sinh linh này là nuối tiếc thời gian bị lãng phí. Đây là một nhịp cầu tuyệt vời nối thẳng sang Time. Đây cũng là 1 phần trong những lí do vì sao tôi cho rằng Darkside of the moon là một album concept thượng thừa với độ liên kết chặt chẽ tới từng tế bào của nó.
TIME
Time là ca khúc nổi tiếng vào bậc nhất của Pink Floyd, cùng với Money và Comfortably numb đã chiếm ba thứ hạng cao chót vót trong top 100 guitars solo của mọi thời đại .Tuy nhiên khi đặt vào vị trí ngay sau On the run trong album này giá trị của nó tăng lên hàng ngàn lần .Lời ca của Time là một sự chiêm nghiệm về thời gian. Nó là thứ chúng ta đánh mất đi sau từng giây phút của cuộc đời mình , mà những giây phút của cuộc đời này trong nhân sinh quan của Pink Floyd là một chuỗi ngu xuẩn nhạt nhẽo phung phí .Những hình ảnh quá quen thuộc trong nhạc của Pink Floyd xuất hiện như một hệ thống nhân chứng trong ca khúc này : một ngày ngu xuẩn, phung phí thời gian, quanh quẩn trong một khoảng sân nhỏ ,chờ đợi vô vọng một đột phá mới , nằm dưới ánh mặt trời, ngồi ù lì trong nhà ngắm mưa.... Ý tưởng về mảnh sân nhỏ bé cuộc đời tù túng sau đó 2 năm được chấm phá một lần nữa trong tuyệt tác Wish you were here : "Chúng ta chỉ như hai tầm hồn lầm lạc, bơi quẩn trong một cái bể cá, chạy quẫn trong một mảnh sân nhỏ, chúng ta đã tìm thấy những gì : Những nỗi kinh hoàng cũ !!!" (We're just two lost souls swimming in a fish bowl, year after year. Running over the same old ground, what have we found ? THE SAME OLD FEAR !!! )
Và rồi bỗng nhiên một ngày, mười năm tuổi trẻ của bạn đã chảy tuột mất.
And you run and you run to catch up with the sun, but it's sinking And racing around to come up behind you again The sun is the same in the relative way, but you're older Shorter of breathe and one day closer to death
Đây là ý nghĩa của nó : Mày cứ chạy, chạy mãi, để đuổi bắt mặt trời , nhưng nó đang chìm xuống và xuyên qua nửa kia trái đất để lại mọc lên sau lưng mày . Và thời gian qua đi mặt trời vẫn đắc thắng như thế, nhưng mày thì già hơn và tàn úa , ngọn nến sinh mạng cháy ngắn đi và gần kề cái chết hơn. Hình ảnh tuyệt vời này ném thẳng vào loài người một cái nhìn trực quan về sự hoang phí thời gian của họ .Những ước mơ hoài bão mãi luôn là "những kế hoạch còn dang dở hoặc một bản thảo gạch đầu dòng những việc cần làm ( không bao giờ làm được )Có một mệnh đề khó hiểu trong ca khúc : Plans that either come to naught or half a page of scribbled lines ,hanging on in quiet desperation is the English way.[/i] "English way" là gì ? Một thứ tính từ phân biệt với American way, Italian way.. thể hiện một thoáng tinh thần tự tôn dân tộc nhỏ nhoi của Pink Floyd ?Chưa hẳn là vậy. Tôi nghĩ với cái khung treo câm lặng cho những hoài bão ước mơ cũ kĩ phủ đầy bụi kia , trong hoàn cảnh này "is the English way" có nghĩa là " chuyện tất nhiên phải xảy ra "
Time nối liền với Breathe- reprise, một chút thanh bình nhỏ trong suốt dòng thác cuồn cuộn chảy của album , với sự xuất hiện của một mái nhà trú ẩn, một lò sưởi yên ả nơi con thú hoang có thể sưởi ấm xương cốt rệu rã đã bị vắt kiệt sau những vòng đua . Nhưng cảm giác bình an đó không được bao lâu, đằng xa tiếng chuông giục giã của thời gian không chờ đợi lại vang lên, lời nguyền ma lực của số mệnh "[i]the softly spoken magic spell" lại kéo những kẻ tín ngưỡng mù quáng đào thoát theo những vòng đua tới sự huỷ diệt .
THE GREAT GIG IN THE SKY Đây tiếp tục là một thứ biểu tượng khó hiểu tới mức vô nghĩa : Cái xiên lơ lửng trên bầu trời . Cùng với đó là tiếng người nói u ám: "And I'm not frightened of dying. Any time will do, I don't mind. Why should I be frightened of dying?. There's no reason for it, you've gotta go sometime."
Phần nhạc của ca khúc có thể nói là gần với tên album nhất .Nó hướng người nghe tới bầu trời tối đen đặc quánh đầy hăm doạ, với một tự kỉ về cái chết trong đầu. Chất giọng rên xiết quằn quại của Clare Torry lên xuống rất lắt léo, phát ra những thanh âm trừu tượng , đưa linh hồn tới một thế giới không còn các định nghĩa khái niệm , chỉ còn một màu tối đen và một vật thể kì quặc lơ lửng giữa trời, một thứ cảm giác vừa phản ứng dữ dội, vừa ngây ngô thần phục trào lên.
" If you can hear this whispering you are dying."
Đây là một thứ ám thị mà Pink Floyd gieo rắc vào trong đầu người nghe. Gã dở sống dở chết này nghe thấy tiếng nói khe khẽ đáng sợ bên tai : "Nếu mày nghe thấy lời thì thầm này, nghĩa là mày đang chết" . Tôi nhớ tới một quan niệm về cái chết của phương Tây, khi đứng trên bờ vực sinh tử mỗi người có thể nghe thấy tiếgn nhạc văng vẳng đón chào họ bước vào thế giới của những linh hồn, dàn nhạc giao hưởng của cái chết. Nếu nghe thấy tiếng nhạc đó thì chắc chắn là cái chết đang đến, vì người chết mới nghe được người sống thì không thể, tuyệt nhiên không còn đường sống. Trường hợp này có điểm tương đồng. Thay cho tiếng nhạc là thông điệp khoái trá ác nghiệt của Số Mệnh. Tuy nhiên cần lưu ý, đây không phải là cái chết sinh học, thật khó mà giải thích được cơ chế nào lại khiến một kẻ đã chết vẫn còn ương ngạnh cãi cùn cố bám vào một điều mà thậm chí hắn đã mất lòng tin vào nó :
"I never said I was frightened of dying."
Sau đó , kì quặc thay , mạch album lại chuyển thẳng sang hiện thực ., cuộc sống tiếp tục diễn ra với vẻ trần trụi ghê tởm của nó với Money bất chấp nội dung thoát ly của Great gig. Đây có lẽ là chỗ lở tường long móng duy nhất của concept rất tốt này. Dù sao, ngừoi nghe cũng được kinh qua cảm giác " dying" trong một thoáng chốc .
Tôi đã đọc rất nhiều ý niệm về " cái xiên", chính xác là loại xiên dùng để đâm cá của dân cư một số bộ lạc sống cạnh sông trong những rừng rậm nhiệt đới miền Trung Mỹ. Một ý kiến đặc sắc cho rằng cái xiên đâm cá trong trường hợp này được coi như biểu tượng cho "lưỡi hái của tử thần", bởi chúng cùng đem lại sự chết chóc, ăn nhập khá tốt với chủ đề về cái chết của bản nhạc. Tôi thấy ý kiến này hợp lí nhất . Có ý kiến cho rằng "gig" là chuyến xe đơn độc đưa tiễn người chết sang thế giới bên kia, tương tự như khái niệm bản nhạc của cái chết, thấy nó nghĩa là cái chết đã đến rồi , ý tưởng này cũng có cơ sở nhất là khi trong định nghĩa của Gig cũng có nghĩa là " chuyến xe độc mã". Ý kiến của tôi thì cho rằng làm rõ ra gig là cái gì là việc vô nghĩa, vì bản thân gig với tất cả những nghĩa có trong từ điển của nó, chỉ là một thứ không ăn nhập không bao giờ có thể bay lơ lửng trên trời, khi điều vô nghĩa đó xảy ra trước mắt thì có nghĩa kẻ chứng kiến không còn trong thực tại , đã hoá điên hoặc bước sang thế giới của cái chết. Roger Waters cố tình đặt ra thứ đồ kì quặc này chỉ với mục đích làm tăng cảm giác về cái chết và sự vô thực .Bạn có thể tham khảo thêm nhiều cách hiểu khác nhau .
Đây là bản soạn nhạc duy nhất của tay keyboard Wright có sự tham gia của nữ ca sĩ Clare Torry. Nguyên bản nó là một ca khúc của cô với cái tên Mortality Sequence .
MONEY
Album chuyển sang một mạch nhạc khác hẳn, tôi nghĩ sự chuyển mạch này có thể làm bối rối đôi tai một số người nghe, bởi bản thân tôi có phản ứng rất khó chịu khi đang trôi dạt đâu đó trong không gian tối tăm huyền ảo của Great gig lại bị quẳng bộp một cái xuống một đống tiền xu xủng xoẻng rơi ra từ một cái máy đếm tiền. Cái vô thực và thực tế va chạm nhau ác quá, chính cách chơi nhạc cũng khác hẳn. Cái link xuyên suốt album dường như đứt gãy đâu đây và buộc người nghe phải "cố gắng" mới "lắp" được các chi tiết tiếp theo của concept vào với phần đầu. Tuy nhiên may mắn thay sự đứt gãy này không nằm trong bản thân các bài hát , nó chỉ hơi lỏng tay một chút ở đoạn nối giữa Money và Great gig thôi. Dù sao tôi rất tiếc cho mối lỏng này trong một album hoàn hảo đến thế.
Bù vào đó , Money lại cống hiến cho người nghe môt thứ triết lý sắc bén cay nghiệt về đồng tiền và một đoạn solo thuộc dạng độc địa nhất của Pink Floyd, tôi sẵn sàng xếp ca khúc này vào top 10 ca khúc tuyệt nhất của ban nhạc( mặc dù kẻ cầm lead là David Gilmour nhưng tôi lấy làm ngạc nhiên rằng đôi tay của một nhân cách trầm tĩnh như anh lại có thể buông ra những nốt nhạc giễu cợt nhạo báng đến thế , điều này giống với tính cách của Roger Waters hơn) .Qua những ca từ báng bổ trong Money, đồng tiền hiện lên như một thế lực hùng mạnh : có thể đem lại từ những giấc mơ bé nhỏ như đi du lịch, trứng cá caviar, xe ô tô mới, tới hẳn những chuyện mơ tưởng ngớ ngẩn của cả một đời như lọt vào giai cấp thượng lưu, mua cả một đội bóng hay một chiếc máy bay quí tộc ...Tư thế của những kẻ sung bái vật chất cũng thật lố bịch : cào quắp lấy đống tiền và tìm một xó chui lủi để che giấu, luôn có tư tưởng nhòm ngó tiền bạc của người khác, tự bản thân chúng luôn rao giảng một sự thật " Money is the root of all evils today", tiền là tai hoạ tội lỗi , nhưng nếu muốn xơ múi một chút cái gọi là nguồn gốc tai hoạ đó thì câu trả lời sẽ là : Đừng động một chút nào vào phần chia CỦA TAO.(don't take a slice of my pie ).Bản thân ca khúc là thành công rất lớn của ban nhạc, có ít nhất 780 buổi trình diễn khắp nơi trên thế giới đã trình bày ca khúc này từ 1973.
Nhìn từ nhiều phía người ta nhận ra những trạng thái tinh thần khác nhau của nhiều đối tượng với đồng tiền: tôn sùng, nô lệ, thèm khát, khư khư giữ của , coi thường, khỉnh bỉ , giễu cợt ...Các thế giới quan đó va chạm nhau đồm độp. Từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn kinh tế, mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn chính trị ... điều được phát triển và khắc hoạ rất toàn diện trong ca khúc tuyệt vời tiếp theo Us and them. Concept của album mạch lạc hơn bao giờ hết .
Cuối ca khúc là một đoạn đối thoại khó hiểu. Một gã đàn ông say mèm bò từ quán ruợu về nhà với những vết thâm tím trên người, kết quả của một cuộc ẩu đả ngu ngốc,nức nở trong cơn say rằng mình không sai chút nào cả , hoàn toàn đúng , chỉ hơi say rượu một chút thôi. Một người già ( có thể là bố hoặc mẹ của anh ta ) vừa dỗ dành rằnh anh ta hoàn toàn đúng như dỗ một đứa trẻ oan ức, vừa kiểm tra những vết thương trên người hắn đầy thương xót.( huh huh I was in the right. Yeah absolutely in the right. I was certainly in the right.... You're definitely right ..). Sự tình là hắn đã say bét nhè ,trong cơn lèm bèm cố tình lao vào một cuộc tụ tập mờ ám của những kẻ mờ ám nào đó trong quán rượu và nhận lấy kết quả là một trận đòn lên bờ xuống ruộng.
US AND THEM
"Chắc chắn là tôi đã không làm gì sai!! " - Người đàn ông nức nở trong cơn say mèm. "Tại sao không ai can chúng nó? " - Người già lo lắng và trách móc hỏi . "Lúc đó tôi không hiểu trong cái đám đó đứa nào say ( nên không biết giúp con bà như thế nào )" - Một kẻ đi cùng tên say kia về tới nhà . Đoạn đối thoại kia nối liền Money và Us and them, có thể bạn sẽ thấy nó thật lẩm cẩm chẳng liên quan gì tới album, nhưng đây chính là một mắt xích rất chặt trong concept hoàn hảo này . Từ một vụ ẩu đả nhỏ nhặt trong đội ngũ nghiện ngập, Us and them đột ngột kéo tấm phông màn hiện ra thế giới khổng lồ với muôn ngàn mâu thuẫn khúc mắc từ chiến tranh tới tình trạng ăn xin bên lề xã hội . Hãy theo dõi ba khúc phim cận cảnh :
- Cảnh quay thứ nhất : trên chiến trường, những người lính cuối hàng rên xiết lên khi đồng đội ở hàng trên gục ngã "..he cried as the front rank died" , đó là cái giá của chiến thắng . Máy quay lia sang bộ phận chỉ huy, trong một căn phòng an toàn, viên thống tướng ngồi xuống , vùng đất đó đã chiếm được . Ông ta vạch một đường trên tấm bản đồ tác chiến, biên giới của họ mở rộng thêm một khoảng "the General sat, and the line on the map moved from side to side" . Đoạn nhạc cay đắng này gợi lên một mối liên tưởng chính xác với ca khúc When the Tigers broke free trong siêu phẩm The Wall với phần lời tương đồng kì lạ :" Mảnh dất Anzio chiếm được là sự đánh đổi của vài trăm mạng sống của những tên lính tốt đen thí mạng vô danh, thật chẳng xá gì". Ta có thể thấy hồi ức ấu thơ về chiến tranh kinh hoàng của Roger Waters, khi cha anh chính là một trong những quân lính tốt đen đã gục ngã trên mảnh đất Anzio năm 1944 trong chiến tranh thế giới II.
- Cảnh quay thứ hai : Tiếp tục của cuộc đối thoại trên đây, người lạ đi cùng cúi xuống nhìn những vết thâm tím của tên say (black and blue ) và nói đủ nhỏ qua kẽ răng : "Tao nói đây, chúng nó có định giết mày đâu, nếu mày tử tế thì chúng nó sẽ không đánh mày nữa ." "I mean they're not gonna kill ya... so iff you give'em a short sharp shock they wont do it again".Rồi hắn quay lên nói với người già đang lo lắng kia hăm doạ kín đáo qua lời lẽ: "Nó đã may mắn mà thoát đấy , lẽ ra nó đã ăn một nhát rạch vào cổ , nhưng thay vào dó chỉ bị bạt một cú thôi ..Chỉ là vấn đề quan điểm, ông bà hiểu chứ , biết điều một chút cũng có cái giá của nó" "I think he gets off lightly... good manners don't cost nothing do they ?". Kẻ bị ăn đòn hoàn toàn bất lực .
- Cảnh quay thứ ba : Trên một vỉa hè, một người đàn ông già ăn xin hấp hối trong cơn đói, dù chỉ mong một lát bánh, một hớp nước ( a tea and a slice) . Hàng trăm người đi qua ông già, trong đầu bận bịu những dòng chảy suy nghĩ của họ, "I've got things on my mind" không mảy may quan tâm . Người đàn ông chết ".The old man died".
Thông điệp của ba cảnh quay đó : Chúng ta và họ , không khác gì nhau . Viên tướng thắng trận và những tên lính vô danh tiểu tốt bị chết - Kẻ bị đánh và tên mafia - Người ăn xin chết đói và những kẻ no đủ thiếu tình người . Trên một phương diện nào đó khi đứng từ ngoài tập hợp này nhìn vào , tất cả đều giống nhau , đều là nguyên tố cấu thành nên một thế giới khuyết tật . Chúng ta "tưởng" là họ khác nhau , ta khác họ, sai rồi , đó chỉ là quan điểm, chỉ là bị đánh lừa bởi ma trận từ ngữ "war of words" .Tất cả , như nhau, đều là thành viên của một nhân loại đáng nguyền rủa .
Bạn sẽ khó tin vì chưa thể hiểu ngay được những điều này thông qua vốn từ vựng tối tăm của ca khúc, nhưng tôi đã tốn rất nhiều thời gian mới hiểu được và thấy không có cách hiểu nào khác thuyết phục hơn. Nếu bạn nghĩ khác, hãy nói cho tôi, và với bằng chứng xác thực .
Ca khúc nguyên bản được Wright viết cho một ca sĩ khác độ dài lên tới 21 phút với cái tên The Violent Sequence .Khi đứng trong album nó hoàn toàn khác với tiếng Sax của Dick Parry , chất giọng huyền ảo nhẹ nhàng là của Dave và Wright. Trước kia tôi đã nghĩ rằng ca khúc này rất có khả năng không phải của Roger bởi cảm xúc của nó là trăn trở ( giống nhịp điệu cảm xúc trong The Division Bell sau này khi Roger đã rời bỏ nhóm ) , chứ không phải điên loạn như phong cách của Roger , điều này bây giờ tôi khẳng định chắc chắn . Điều này một phần chứng tỏ vai trò không thể thiếu của 1 bất kỳ trong 4 thành viên của bộ tứ huyền thoại này .
ANY COLOR YOU LIKE
Cuộc sống , thời gian , tiền bạc , sự già nua , sự điên loạn ,mâu thuẫn, thờ ơ... thế giới tật nguyền của chúng ta được tạo thành từ những điều đó sao ? Tôi cảm thấy mình là nhân vật của Darkside, lúc nghe những nốt nhạc ngang ngang khó chịu của Any color you like , dường như mình đang bước vào trong lòng một cái ống kính vạn hoa một không gian trong suốt hàng trăm chiều không có lối ra , bước đi một bước lại thấy hàng trăm ánh sáng rọi tới hàng trăm ngả đường mở ra nhưng không có con đường nào đưa được về với thế giới thực tại . Có phải nhân vật của Darkside đã bắt đầu tâm thần phân liệt ở chính tại nơi đây trong cái thế giới hoang tưởng bằng kính này không ? Đằng sau lưng tôi còn có lối thoát là lùi lại đường cũ , nhưng đằng sau lưng hắn thì đã bị bít bằng chính những vật liệu trong suốt điên khùng đó rồi . Tôi dám chắc trong suốt album nếu có đoạn nào của dòng chảy có khả năng làm người nghe tan tác cả lí trí, hồn xiêu phách lạc thì đó một là Any color you like, hai là The Great gig in the sky .
Tôi có một người bạn , đó là người đã đưa tôi đến với thứ nhạc mà tôi đang nghe . Một hôm bạn ấy hỏi tôi đã hút thử cái gì chưa , tôi ngỡ ngàng còn chưa kịp hiểu câu hỏi đó thì nhận được một cái cười nửa thương cảm nửa giễu cợt . Tôi được biết thêm một điều rằng có những người đã dùng cái gì đó như Mary Jane , hay nhẹ hơn là cần sa để bay cùng với Pink hoặc thứ rock 'n roll tung tẩy của Led Zeppelin , và cùng với cảm giác bay bổng hoang đường của ma tuý ,người ta nói rằng : " cứ chịu khó nghe thì đến lúc nhạc dừng lại rồi mình vẫn còn đang bay , đang lơ lửng rơi ". Không giấu rằng có lúc tôi đã thèm thử một chút cần sa , hay ít ra là một vài điếu thuốc lá để nếm trọn cái cảm giác bay bổng và lơ lửng rơi như thế , bởi vì người ta bảo với tôi rằng khi đã thử rồi thì sau đó nghe nhạc không cảm giác cứ như là ăn chay thôi vậy .Cảm giác thèm muốn này có đến với tôi lần nữa khi nghe Comfortably numb , hạnh phúc quá , được chết lịm đi trong ma tuý và rơi thẳng vào quá khứ , tiềm thức , tuổi thơ của mình , được thoáng lắng nghe thoáng chớp lấy những lời tiên đoán mà định mệnh gửi đến cho LINH HỒN , nhưng lại không thể chớp được , 'turned to look but it was gone , I can not put my fingers on it now...The dream is gone ....Đến đoạn cuối khi âm thanh lắng xuống êm ả và chuyển mạch sang Brain Damage thì cũng là lúc quá trình siêu thoát khỏi thực tế đã hoàn tất. Nhân vật của câu chuyện chính thức bước vào thế giới của những kẻ điên đi lang thang ngớ ngẩn trong bênh viện tâm thần.
Ngoài lề : Đây là bản nhạc hiếm hoi có sự tham gia trọn vẹn của Dave, Nick và Rick hoàn toàn không có sự tham gia của Roger trong thời kì thống trị của thiên tài điên loạn này ở Pink Floyd . Cái tên của nó xuất phát từ một khẩu hiệu quảng cáo của hãng ô tô Ford : "Any color you like so long as its black" . Tên ca khúc khó dịch thấu đáo với sự hàm xúc của nó, chỉ có thể nói nó biểu hiện sự mất liên hệ với thực tại ở mức rất cao .
BRAIN DAMAGE : Ca khúc hoàn toàn mạch lạc và dễ hiểu nhất trong toàn album. Nó bày ra trước mắt người nghe một khung cảnh bệnh viện tâm thần với những người điên đi thơ thẩn khắp nơi. Kẻ điên trong câu chuyện của chúng ta lúc thì thơ thẩn trên bãi cỏ, lúc thì ngẩn ngơ trên hành lang, cười vu vơ hiu hắt, những trò chơi đờ đẫn , khắp các phòng trong trại điên có những dây xích sắt ngu ngốc để xích những bệnh nhân khi họ lên cơn, những đồ chơi vô hồn kì dị bằng giấy gấp rơi vương vãi mọi nơi, một khung cảnh hoang tàn tang tóc. Qua những gì trong album tôi nghĩ những món đồ chơi bằng giấy đó chỉ là một trong những thứ sau : máy bay giấy, thuyền giấy, xe ngựa giấy, được kẻ điên kia gấp trong những hồi ức thác loạn về những gì đã trải qua trong quá khứ. Hình ảnh kẻ điên trong ca khúc này là cái bóng của Syd Barret, người thủ lĩnh bị bỏ quên của Pink Floyd giờ phút này cũng đang vật lộn với những ảo giác hoảng loạn trong bệnh viện tâm thần , sau này còn tiếp tục ám ảnh trong những album kinh điển của Pink Floyd như Wish you were here hay The Wall.
Ngay giữa khung cảnh thơ thẩn đó, cơn điên của kẻ lạ này đột nhiên bùng phát , như một đập nước vỡ bờ "the dam breaks", cả quá khứ lẫn những ảo ảnh tương lai đen tối "dark forboding" vần vũ trong đầu óc hắn , những kí ức loé lên như tia sáng loé lên từ lưỡi dao lam "you raise the blade"... khiến bộ não hắn như muốn nổ tung "your head explodes", sấm chớp giật điên cuồng bên tai hắn và những đám mây mờ mịt trong não bị xé toang... "the cloud bursts, thunders in your ears". Cảnh tượng đó thật bi thảm, hậu quả của việc con người không thích nghi được với sự cằn cỗi lạnh lẽo của cuộc sống hiện đại tới mức điên loạn , loài người trở thành nạn nhân của chính hệ thống giá trị vô nghĩa mà họ tự tạo ra như tiền bạc, thời gian, guồng đua , đẳng cấp, xung đột ...Đỉnh điểm của cơn điên dại là sự mất ý thức về chính mình "there's someone in my head, but it's not me".Tôi nghĩ cảm giác này kinh hoàng cả với những người chứng kiến nó như chúng ta, chứ đừng nói đến bản thân những kẻ phải trải qua nó như tên điên trong concept này. Thứ nhạc của Pink Floyd hoàn toàn xa lạ với sự điên loạn cuồng nộ của metal. Sự giận dữ của nó không được thể hiện bằng những câu solo tru tréo hay nhịp trống dồn vũ bão , cũng không mãnh liệt như muốn đập tan mọi gánh nặng trong lòng. Nó cứ từ từ , ảm đạm , chậm chạp xâm lược tiềm thức người nghe, như lưỡi dao cắt rất ngọt vào tim, tôi thấy cách giết người này tinh vi thâm thuý hơn nhiều so với bạo lực kiểu Metal, bạn thấy mình đang chết dần chết mòn mà không biết mình đã bắt đầu chết từ lúc nào .Cuối cùng khi vũ trụ nổ tung trong cơn điên đó, một câu hát ngơ ngác cô độc hiện ra , gây cú sốc như một lời trăng trối , nhưng đồng thời cũng là một trong những hình ảnh đẹp bất diệt trong nhạc Pink Floyd: :
And if the band you're in starts playing different tunes I'll see you on the dark side of the moon.
Chào nhé, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi nào đó ngoài hiện thực . Bề tối của mặt trăng !!!Kết thúc ca khúc là một giọng nam vô cảm :
I can't think of anything to say, except..." ..."Ha, ha, ha, ha, ha, ha!"... ..I think it's marvelous! Ha, ha, ha!".
Có quá nhiều những câu nói vu vơ những đoạn đối thoại không ăn nhập trong suốt dòng chảy của Darkside . Câu nói vô nghĩa không nhằm vào một cái gì của kẻ điên này , theo tôi là một dạng lảm nhảm. Hãy tưởng tượng hắn ta đang cầm chiếc máy bay bằng giấy ( hoặc cái gì đó ngớ ngẩn tương tự ) , vi vu lượn theo những lộ trình điên khùng trong óc, những động tác vô nghĩa đó đi kèm với những lời nói nhảm . Marvelous có lẽ chỉ sự thích thú ngây dại của hắn với món đồ chơi vô vị trên tay. Trò chơi tiếp diễn với bóng kẻ điên đi xa dần trong tràng cười man dại ,và hắn bị xoá sổ trong thế giới tỉnh táo của loài người .Cái bệnh viện tâm thần trở thành một tinh cầu khép kín, mồ chôn sống những linh hồn trơ trọi, những đồ phế thải của cuộc sống văn minh công nghiệp.
Với tôi, khi đã đi tới chặng đường này của Darkside, tôi cũng không biết nói gì hơn về album và bản thân ca khúc . I can't think of anything to say, except .... I think it's marvelous !!!
ECLIPSE :
Hãy nhớ về cái từ "Biến Mất" mà tôi vừa nói ở trên , nếu coi đó là một cái chết ảo , thì Eclipse vừa là lời điếu văn ( nói từ vị trí một người ngoài cuộc ) , vừa là lời trăng trối ( nói với cương vị kẻ sắp bốc hơi kia ).Sau một cuộc sống vất vả để tồn tại , được đúc kết lại bằng một hệ thống động từ khô đọng :All that you touch ----> see -----> taste ------> feel ------>love ------>hate ------>distrust -------> save ------->give----->deal ------>buy, beg, borrow or steal ------->create ------>destroy ----->do ------>say ----> eat ------> meet------>slight -----> fight ---->be now -------> gone ----->come . Hãy nhìn cách cuộc sống được cô lại thành những giọt khô không khốc. Đó , bản chất cuộc sống của chúng ta là như thế, nếu có chút màu mè gì thì có nghĩa là chúng ta đã đặt thêm những trạng từ đuôi -ly trước hoặc sau những động từ đó , và chính những trạng từ đó là thứ làm cho cuộc đời của tôi khác với cuộc đời của bạn , của anh ta.
Khác với cuộc đời của chính kẻ sắp biến mất sau đây .
Sự biến mất này chỉ được nói qua hai câu hát : câu cuối cùng trong Eclipse : " and everything under the sun is in tune but the sun is eclipsed by the moon" và lời đề tựa nổi tiếng : "There is no dark side of the moon really as a matter of fact it's all dark." Đây là một trong những giây phút quan trọng nhất trong thế giới của tôi với Pink Floyd . Bạn có hiểu đó là gì không ?
Tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng bản chất mặt trăng là một hành tinh tối tăm lạnh lẽo , hoang vu không ánh sáng . Tất cả vẻ đẹp , hào quang và ánh sáng tươi tắn của nó đều là do được phản chiếu từ ánh sáng mặt trời . Nói một cách khác , mặt trăng đã ăn cắp ánh sáng từ ánh thái dương và tự tạo cho mình một vẻ đẹp gian dối , lừa đảo tất cả nhân loại từ hàng ngàn năm nay. Như vậy , khi đọc đến câu cuối cùng " the sun is eclipsed by the moon" , tôi cảm thấy thế này : cái hữu danh vô thực chiếm hữu hoàn toàn , xoá tan cái hữu thực , và do đó tự huỷ diệt chính nó . Cái mà trong thực tế hướng vào mắt của mọi người trên trái đất là bề tối của Mặt Trăng ( bề kia có ánh sáng do được mặt trời chiếu vào không quay về phía chúng ta) , nhưng cái bề tối đó đã hoà lẫn vào bóng đêm .Mà trên thực tế như đã nói , dùng từ "Bề Tối" là hoàn toàn không chính xác , bởi mặt trăng không có cả bề sáng lẫn bề tối , tất cả chỉ là Bóng Đêm thôi . As a matter of fact it is ALL DARK .
Phải hiểu bóng đêm đó là gì ? Là Hư vô , Chấm Dứt , Biến Mất . Cái cuộc đời nhiều động từ với các thành phần Money , Time , Brain Damage kia đã đi đến hồi kết . Câu nhạc kết thúc ca khúc vút lên rồi tan biến, ngắn gọn và mẫu mực khó ngờ làm một cú khép góc ngoạn mục cho một album concept hoàn hảo .
Dĩ nhiên theo tôi sau đó , nhân vật này có thể sống tiếp tục , nhưng hoàn toàn là đời sống thực vật , bởi hệ thần kinh của anh ta đã không còn hoạt động nữa rồi .
Điều kinh hoàng nhất bạn còn chưa nhận ra : All that is now..All that is gone . ALL THAT TO COME .Mọi thứ đến, và đi, nhưng rồi " SẼ ĐẾN NỮA" . Kiếp luân hồi sẽ tiếp tục phần việc của nó, loài người sẽ không bao giờ thoát khỏi bi kịch này. Tư tưởng luân hồi đáng sợ này của Roger Waters còn được khắc hoạ rõ ràng hơn trong The wall.
Có một điều mà Wall và Darkside giống nhau . Kết thúc ca khúc Eclipse lại là tiếng đập của trái tim , giống hệt tiếng đập trong intro của ca khúc đầu tiên Speak to me . Điều này có nghĩa là nếu bạn để chế độ return sau ca khúc cuối cùng thì toàn bộ album biến thành một vòng tròn khép kín .Tôi nghĩ bản thân việc biến mất vào darkside dường như mang ý nghĩa nào đó là một sự hoài thai mới ở không gian tối tăm trong bụng một người mẹ khác của một đứa trẻ khác , khi lớn lên nó cũng sẽ bị time , money ám ảnh và kết cục sẽ trở thành một lunatic , rồi trải qua tình trạng Brain Damage và lại biến mất . Ở Wall cũng vậy , kết thúc Outside the wall là tiếng nhạc khe khẽ văng vẳng và nó chính là tiếng nhạc khe khẽ văng vẳng đầu ca khúc intro In the Flesh . Trên bộ phim the Wall , kết thúc là cảnh nhũng đứa trẻ bê những viên gạch đi lang thang , liệu đó có phải là những other bricks in the wall của riêng chúng trong tương lai không ? Có phải thế hệ sau Pink cũng sẽ tiếp tục tự nhốt mình sau những bức tường cảm xúc và tiềm thức để trốn tránh cái cuộc sống vốn quá khắc nghiệt này không ? ------>Có nghĩa Wall cũng là một vòng đời khép kín !!!
Điều này có nghĩa là gì : là ý niệm về sự luân hồi . Hai nhân vật chính của album này đều có một cuộc sống nhục nhằn và điên loạn , song khi chúng kết thúc không có nghĩa là hết . Sự kết thúc đó lại là mở đầu cho một kiếp sống khác tồi tệ không kém , có thể của chính họ , có thể của những thế hệ sau họ , và cái vòng luẩn quẩn đó cứ kéo dài mãi không dứt .
Kinh khủng !! tư tưởng của Pink Floyd kinh khủng . Nhiều khi tôi cứ nghĩ hay là họ vô ý mà được như thế , chứ nếu là dụng ý sáng tạo của con người thì vĩ đại quá , không thể ngờ được !!! _____________________ Dark Side of the Moon 1973 : album đầy ắp cảm giác bất an , nỗi lo sợ rình rập , sự cằn cỗi lạnh lẽo của cuộc sống hiện đại .Hãy cho tôi nói vài lời về một thứ mà tới bây giờ tôi mới lờ mờ bắt được cái bóng mờ nhạt của nó . Song tôi nghĩ rằng các bạn cũng chỉ như tôi thôi , không bao giờ bắt được nguyên bản của cái bóng đó đâu , bởi vì nó quá TRỪU TƯỢNG . Muốn hiểu chỉ có cách hỏi Roger, nhưng con sói già này chỉ luôn mỉm cuời im lặng và giễu cợt .
There's no Darkside of the moon really as a matter of fact it is ALL DARK.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top