drphan Gout
ĐIỀU TRỊ & DỰ PHÒNG BỆNH GÚT
Trước đây bệnh gút được xếp vào loại bệnh ít gặp ở nước ta, nhưng những năm gần đây số người mắc bệnh gút tăng cao, ngày càng phổ biến. Việc chẩn đoán bệnh nhiều trường hợp không đúng theo đó việc sử dụng thuốc tùy tiện kéo dài làm tốn kém và có thể gây nhiều biến chứng cho người bệnh.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh
Bệnh gút là một loại bệnh lý về khớp, triệu chứng đặc trưng lúc đầu rất đặc biệt: Xuất hiện đột ngột như: sưng, nóng, đỏ, đau ở một khớp, thường là đau dữ dội, hay gặp nhất là khớp ngón chân cái; và có thể ở các khớp khác như khớp cổ chân, khớp gối… rất hiếm gặp ở các khớp của bàn tay. Đi đôi với các triệu chứng ở khớp, người bệnh có thể sốt cao, lạnh run, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn… Đợt viêm cấp tính này kéo dài từ vài ngày đến vài tuần rồi tự khỏi hoàn toàn, không để lại dấu vết gì. Nếu được điều trị kịp thời, đợt viêm sẽ ngắn hơn, nhẹ hơn.
Sau đợt đầu lại xuất hiện các tái phát với những triệu chứng như đợt viêm trước. Giữa các đợt viêm cấp có những giai đoạn khớp khỏi hoàn toàn, giai đoạn này lúc đầu có thể một vài năm, thậm chí có khi kéo dài tới 10 năm.
Sau 5-7 năm bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ở một số bệnh nhân, bệnh không có giai đoạn cấp mà cứ từ từ âm ỉ rồi diễn biến thành mãn tính. Ở giai đoạn này hiện tượng viêm khớp kéo dài không dứt, ảnh hưởng đến nhiều khớp, đối xứng hai bên, gây biến dạng, hạn chế vận động các khớp cả chân và tay. Đặc biệt, quanh các khớp nổi lên nhiều u cục gọi là hạt Tophy, có kích thước khác nhau từ vài mm đến vài cm. Các u cục này không đau, ở dưới lớp da mỏng, có thể nhìn thấy cặn trắng, thường ở khớp khuỷu, vành tai… đây là các acid uric lắng đọng thành các tinh thể muối urat. Các thể này còn lắng đọng ở nhiều tổ chức khác nhau, đặc biệt ở ống thận gây sỏi thận, và ở nhu mô thận gây viêm thận. Hiện tượng viêm thận dẫn đến suy thận tiềm tàng và đây là nguyên nhân chính gây tử vong và giảm tuổi thọ cho bệnh nhân bị bệnh gút.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh gút là loại bệnh thường gặp nhất trong nhóm bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa. Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa chất purine dẫn đến làm tăng lượng acid uric trong máu. Ở người bình thường hai quá trình tạo ra và thải trừ acid uric luôn luôn cân bằng, duy trì lượng acid uric trong máu khoảng 3-5mg%. Khi quá trình chuyển hóa các acid nhân bị rối loạn, gây tăng acid uric trong máu và từ đó gây nên bệnh gút khớp.
Lượng acid uric trong máu tăng trên 7mg% khi có một điều kiện thuận lợi như: Lạnh ẩm, gắng sức, chấn thương, nhiễm khuẩn, uống rượu bia, ăn nhiều protein… Acid uric lắng đọng ở các tổ chức dưới dạng các vi thể và gây các biểu hiện bệnh lý. Thứ nhất là ở khớp và các phần mềm quanh khớp gây nên các cơn viêm khớp - gút cấp, sau này có thể trở thành viêm khớp - gút mãn. Thứ hai là ở ống thận và cầu thận gây sỏi thận và suy thận mãn.
Chỉ có khoảng 5-10% người có lượng acid trong máu cao biểu hiện bệnh gút cần phải chữa trị. Trên 90% còn lại là các trường hợp tăng acid uric máu đơn thuần không có triệu chứng lâm sàng về khớp
Bệnh gút thường gặp ở nam giới với tỷ lệ 90-95%, đa số là sau tuổi 30. Ở nước ta, trong 121 bệnh nhân gút ở bệnh viện Bạch Mai thì nam giới chiếm 97,5% chỉ có 3 bệnh nhân nữ. Còn ở bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) có 128 bệnh nhân gút, nam chiếm 97%.
Điều trị và dự phòng đối với gút
Gút là một loại bệnh khớp, đáp ứng tốt với điều trị.
Điều trị đợt viêm cấp tính bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau như corticoid hoặc không chứa steroid, các thuốc này không nên dùng kéo dài vì có nhiều tác dụng phụ. Colchicine dùng để điều trị các cơn gút cấp tính và đề phòng cơn gút của bệnh gút mãn tính rất tốt. Allopurinol làm giảm tổng hợp acid uric máu. Desuric làm tăng thải trừ acid uric. Các thuốc này phải dùng liên tục và dài hạn dưới sự theo dõi của thầy thuốc.
Về chế độ ăn uống: không nên ăn các thức ăn chứa nhiều nhân purine như: Tim, gan, thận, óc của bò và lợn, trứng vịt, cá trích, cá đuối… hạn chế lượng protid hàng ngày (< 50g protid và 200g thịt nạc). Không nên uống rượu, hút thuốc lá, gắng sức, dầm mưa lạnh, thức quá khuya, chống stress. Duy trì lượng acid uric máu luôn ở mức bình thường 3-5mg%.
Phải kết hợp điều trị tích cực các bệnh kèm theo như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đái tháo đường, béo phì…
Khi bệnh đã chuyển sang mãn tính, cần có chế độ luyện tập thường xuyên, kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để tránh teo cơ, cứng khớp và biến dạng khớp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top