Chương 22 : Ta muốn làm hoàng đế (22)
Edit + Beta : YuanKit
Khi Hoàng đế bước vào đã thấy Đổng Thiệu đứng ở ngoài điện, sắc mặt ẩn ẩn khó chịu, dường như muốn đến khuyên răn, trong lòng gã liền dâng lên ba phần không vui, rốt cuộc vẫn nén nhịn, gọi ông tiến vào. Gã mở miệng trước: "Lúc trước hạ ý chỉ kia là trẫm suy xét không chu toàn. Một phụ nhân ngu muội đần độn, trẫm hà tất phải so đo. Coi như xí xóa."
Chân mày Đổng Thiệu buông lỏng, vẫn chưa chịu bỏ qua, một tay vén vạt áo, quỳ xuống khuyên nhủ: "Bệ hạ, cha con Trấn Quốc Công chết trận, sĩ tốt vô cùng đau xót, Thẩm gia lại chỉ còn mỗi một nữ nhi, chỉ nên ban ân an ủi chứ không nên khiển trách nặng nề! Đám võ tướng cứ thỉnh cầu bệ hạ tra rõ vụ án này không chỉ vì đòi công đạo cho Trấn Quốc Công mà còn vì hơn mười vạn tướng sĩ thành Xương Nguyên, vì bá tánh bị bọn Nhu Nhiên cướp bóc! Ngài mà giảng hòa vào lúc này, lại thúc nữ nhi Trấn Quốc Công hòa thân, tin truyền tới biên ải, các tướng sĩ chỉ e sẽ đột ngột tạo phản!"
"Đổng hầu." Hoàng đế giận dữ thét: "Ngươi đây là đang chỉ dạy trẫm làm việc à?!"
"Thần không dám." Đổng Thiệu dừng lại chút, miệng cáo tội nhưng vẫn nói: "Bệ hạ, Xương Nguyên bại trận là do bị nội tặc quấy phá, không phải lỗi của tướng sĩ, sau khi họ bình phục lại chưa chắc đã không thể chiến đấu. Hiện tại triều đình lại hòa giải với Nhu Nhiên, trái lại làm tổn thương lòng quân, mà việc hòa thân càng hoàn toàn không thể!"
"Lùi một vạn bước mà nói," Ông hết lời khuyên giải: "Dù cho bệ hạ có đưa công chúa đi hòa thân cũng còn đỡ hơn là đem nữ nhi Trấn Quốc Công đi."
"Nữ nhi của trẫm là cành vàng lá ngọc sao có thể đem gả đến cái nơi man rợ đó?!"
Hoàng đế nhất quyết cự tuyệt, tức giận phán: "Thẩm Bình Hữu là vị tướng trung thành với đất nước, một lòng trung nghĩa, nữ nhi ông ta đương nhiên cũng nên vì quân phân ưu, vì nước tận tâm!"
"Hơn nữa."Ngữ khí gã mềm mỏng lại: "Trẫm biết chuyện này không ổn, nhưng cũng chẳng còn kế sách nào. Chẳng nhẽ nước Đại Hạ, một bộ phận của Trung Quốc mà phải gọi bọn Nhu Nhiên mọi rợ kia là huynh? Nực cười!"
Đổng Thiệu vội lên giọng: "Bệ hạ, ngài ——"
Ông còn chưa nói xong đã bị một tên nội thị chạy vào quấy rầy: "Bệ hạ, có chuyện rồi!"
Hoàng đế thấy tên nội thị hoảng loạn như thế, trong lòng càng sốt ruột, đập bàn hỏi: "Làm sao vậy?!"
Tên nội thị đó cuống quít thưa: "Sau khi đánh đuổi viên nội thị tới truyền chỉ, Thẩm phu nhân liền lệnh người đến tửu lầu mua rượu thịt, nói là thà chết cũng không cho nữ nhi hòa thân với Nhu Nhiên, muốn cùng người trong phủ ăn bữa cuối, nói lời tạm biệt. Bên trong Thẩm gia vang lên tiếng vũ khí không dứt, có vẻ đã chuẩn bị đầy đủ để liều mạng, còn có mấy kẻ du hiệp đến Thẩm gia tương trợ. Âm thanh nghị luận ở Kim Lăng lại ào ra. Các sĩ tử càng phẫn nộ lạ thường, muốn tới cửa cung thị uy......"
"Phản rồi phản rồi!" Cơn giận Hoàng đế khó lắm mới đè xuống được lại dâng lên: "Bọn chúng muốn chống đối trẫm sao?!"
Hai bắp đùi tên nội thị phát run, không dám lên tiếng.
Đổng Thiệu thừa cơ chen vào: "Bệ hạ cũng biết câu 'Ai binh tất thắng'(*). Toàn bộ phủ binh Thẩm gia ở Kim Lăng dĩ nhiên chỉ là một hạt cát trong biển cả bao la nhưng ngộ nhỡ cả kinh thành nổi dậy chiến đấu, chém giết trung thần gia quyến, bệ hạ tuy giữ vững danh vọng trăm năm thì có làm được gì? Bữa nay bách tính cùng các sĩ tử đặc biệt phẫn nộ liền biết chắc việc hòa thân phải chấm dứt, càng chưa nói đến khi tình hình xấu hơn, binh lính cửa khẩu sẽ bất ngờ làm phản. Bệ hạ, xin hãy cân nhắc!"
* Ai binh tất thắng: đội quân bị áp bức, khi vùng lên chiến đấu thì nhất định sẽ chiến thắng.
"Bọn chúng đây là muốn áp chế trẫm, là cưỡng bức quân thượng. Kẻ nào cũng học theo bộ dạng này còn ra thể thống gì nữa?!"
Mặt Hoàng đế hết xanh lại trắng, qua một lúc mới cắn răng: "Việc Lâm thị nổi khùng tạo phản, không biết lễ nghĩa trẫm không tính toán với bà ta, cũng hy vọng bà ta tự giải quyết cho tốt. Duy có chuyện hòa thân là điều không thể sửa đổi! Truyền Mã Huy đến Thẩm gia, cực lực khuyên nhủ Vinh An quận chúa, bảo nàng lo mà rửa mắt, không cần nghe mấy lời đồn bậy về Trấn Quốc Công! Tiếp chỉ xong liền tiến cung sớm chút tạ ơn."
Người tên Mã Huy trong lời gã cũng một triều thần hết lòng cổ xuý đề nghị giảng hòa.
Đổng Thiệu nghe vậy chau mày, còn định nói mà tên nội thị lại đến gần, khách khí mà không bao dung cự tuyệt, mời ông ra ngoài. Trong lòng Đổng hầu không khỏi sinh ra một cỗ thất vọng, thở dài, chán nản bỏ đi.
......
Lão quản gia từ bên ngoài trở về, theo sau là mấy chục vị hán tử cường tráng. Nhìn từ xa, Yến Lang thấy hơi kỳ quái, tới gần nghe lão quản gia giải thích ngọn nguồn, thu liễm lại hành lễ: "Ta một lần nữa xin cảm tạ ân nghĩa to lớn của chư vị."
Mấy người hiệp khách vội vàng đáp lễ, miệng hô: "Không dám."
Sắc trời đã nhá nhem tối, mặt trời ngả dần về hướng tây, ánh chiều tà vàng óng chiếu vào trong viện soi sáng cả nhân tâm.
Lâm thị đứng dậy, nhìn đoàn phủ binh du hiệp, hốc mắt nóng bừng, nâng chén: "Hôm nay chư vị ở đây đã là ân nhân của Thẩm gia, ta cùng Tĩnh Thu lấy ly rượu cảm tạ tình cảm của chư vị!"
Mọi người đứng dậy cảm tạ, sau khi nâng chén hỏi thăm, ngửa đầu uống một hơi cạn sạch.
Thức ăn nóng hổi, rượu mạnh nóng hổi, tình người cũng ấm áp.
Yến Lang rót một ly rượu đưa lên miệng uống, trong lòng không thấy lo lắng, ngược lại còn có chút vui sướng, liếc Lâm thị, trên mặt mang theo vài phần ý cười.
Mà Mã Huy, thời điểm này mang theo ý chỉ của Hoàng đế đến trước cửa Thẩm gia.
"Không gặp." Yến Lang nghe nói người này thuộc phe giảng hòa, liền quả quyết từ chối: "Lời nói không hợp nhau, nửa câu e cũng quá nhiều. Ta không có gì để nói với ông ta."
Gia nô thưa vâng, bước nhanh ra ngoài, thuật lại lời này cho Mã Huy.
Mã Huy từng nghe người ta truyền nhau rằng người Thẩm gia như hít phải thuốc súng, ngay cả người được Hoàng đế phái đến còn dám đuổi đi. Y tưởng rằng tên nội thị kia sợ phải gánh vác trách nhiệm nên tô vẽ thêm, ai dè tới cửa Thẩm gia rồi mới rõ. Kỳ thực tên nội thị không làm quá lên một tí nào.
Y luôn ủng hộ kiến nghị giảng hòa, hiển nhiên cũng không hòa thuận với đương chủ Thẩm Bình Hữu. Giờ đây bị cản ở ngoài, trên mặt liền lộ ra vài ý cười lạnh, mềm mại mà cứng rắn lên tiếng: "Làm phiền ngươi báo cho quận chúa: ta đến truyền chỉ của bệ hạ là quan tài Trấn Quốc Công sắp đến kinh thành. Không lẽ ngài ấy không để ý chuyện này sao?"
Gia nô trở về truyền lời, mặt Lâm thị lập tức lạnh lẽo: "Ý ông ta là gì? Muốn lợi dụng thi thể của lão gia uy hiếp chúng ta?"
Đoàn phủ binh nhóm nghe lời tên gia nô truyền lại, trên mặt đều giận dữ, chỉ là ngại với quân quy nên không ai lên tiếng. Mấy tên du hiệp nhanh nhảu kết án: "Khinh người quá đáng! Để mỗ gia đi phân bua với ông ta!" Nói rồi hắn liền xách đao đứng dậy.
Yến Lang điềm đạm cười, cũng đứng dậy: "Ta đi cùng với chư vị."
Rồi cô quay sang nói với Lâm thị và những người còn lại: "Chúng ta tâm đầu ý hợp, lại vừa cùng nhau vui vẻ uống mừng, không thể để kẻ khác đến phá đám. Chư vị cứ tha hồ ăn uống, ta đi một lúc rồi về."
Mọi người thấy cô quyết tâm như vậy, lại thêm vài phủ binh du hiệp đi cùng nên đều đáp ứng.
Bầu trời đã có chút đen, Yến Lang cầm theo một chiếc đèn, đi nhanh tới trước phủ. Kẻ đứng chỗ cửa là một nam tử tầm bốn mươi tuổi, khuôn mặt nho nhã, chỉ có giữa chân mày giấu đi vài phần mỉa mai làm người xem thầm thấy khó ưa.
Yến Lang đoán được người nọ là Mã Huy. Cô đi đến phía trước quả nhiên thấy y tới gần thi lễ: "Mã Huy xin yết kiến Vinh An quận chúa."
Yến Lang nhàn nhạt gật đầu: "Mã đại nhân đến đây có chuyện gì?"
Mã Huy đáp: "Nô tài đến vì con dân thiên hạ."
Lòng Yến Lang không gợn sóng: "Lời này là từ đâu mà có?"
"Thiên hạ khổ cực vì chiến sự đã lâu. Tỉ lệ ngân khố quốc gia phải chi cho việc chinh chiến và đối ngoại càng lúc càng lớn, bá tánh lầm than, thê tử phải ly tán, mà mấy gã võ phu ngu dốt đó vẫn rêu rao đòi khai chiến." Mã Huy thẳng thắn mà nói: "Giờ đây quốc khố Đại Hạ trống không, lòng dân bất ổn, thật sự không nên khai chiến. Không bằng, hòa giải với Nhu Nhiên, nghỉ ngơi lấy sức rồi sau đó tìm mưu......"
"Oẹ!" Hệ thống ghê tởm: "Chiếc đồng hồ ta mới mua năm ngoái chắc nên tặng luôn ông ta!" (Ý là: ông này bảo nghỉ lấy sức từ từ tìm mưu nhưng mãi mà không có hành động gì.)
Yến Lang vẫn lạnh nhạt: "Cho nên?"
Mã Huy không ngờ phản ứng của cô lại lãnh đạm như vậy, mày nhăn lại: "Trấn Quốc Công vì nước mà hy sinh, tấm lòng trung thành đó ắt có trời đất chứng giám. Quận chúa thân là nữ nhi Trấn Quốc Công, lời nói và việc làm đều phải làm gương cho kẻ ở dưới, lẽ nào không biết vì nước phân ưu?!"
"Ngươi cũng biết phụ thân ta trung thành, trời đất chứng giám?" Yến Lang hỏi ngược lại y: "Nếu vậy sao ta không thấy ngươi dâng sớ thỉnh cầu bệ hạ tra rõ việc chậm trễ quân cơ ở thành Xương Nguyên, dẫn đến hậu quả là thất bại thảm hại của quân ta?"
Mã Huy kéo kéo da mặt, thẹn quá thành giận: "Một bên là mất đi một người, một bên là quốc gia đại sự, tất nhiên phải lấy đại cục làm trọng. Trấn Quốc Công còn sống cũng không muốn vì việc riêng của bản thân mà khiến cho triều thần lo lắng!"
Yến Lang nghe vậy lại cười: "Mã đại nhân chính nghĩa, vì nước vì dân như vậy, ta đây cũng cho ngươi một cơ hội. Chuyện hòa thân với Nhu Nhiên, cứu nước cứu dân tốt đẹp đều tặng hết cho nữ nhi nhà ngươi, được chứ? Không biết trong phủ ngươi có mấy nữ nhân nhỉ? Coi như đưa hết sang đi."
"Cái này, ngài làm thế sao được!" Mã Huy đỏ mặt, lắp ba lắp bắp: "Người sứ thần Nhu Nhiên muốn lấy là quận chúa, không phải nữ nhi của nô tài, càng không phải mấy nữ nhân dáng dấp như bồ liễu(1) phủ nô tài, khó ai có thể đánh đồng với quận chúa......"
Yến Lang cười lạnh, lửa giận kìm nén nãy giờ trong nháy mắt bộc phát. Cô vươn tay tát vào mặt hắn mấy cái: "Thì ra ngươi cũng biết không được! Thì ra ngươi cũng biết tiếc thương nữ nhi! Thì ra ngươi cũng biết bị gả qua đó chẳng có kết cục gì tốt!"
Bị trúng liên tiếp ba cái bàn tay vừa nhanh vừa tàn nhẫn, Mã Huy thậm chí còn chưa kịp phản ứng đã loạng choạng té ngã.
Yến Lang nâng chân lên đã y ngã nhào xuống bậc thang. Thấy y đã ngã chổng vó, cô mới đến gần gằn từng chữ tự: "Ngươi biết binh lính Nhu Nhiên hành hạ người dân vùng biên giới, giày xéo nữ nhân Đại Hạ thế nào không? Ngươi có biết hơn mười năm nay đường ranh giới biên ải chưa bị thay đổi như vậy là nhờ ai kiên trì à?!"
Mã Huy theo bản năng lấy tay chống đất, chật vật lui về phía sau. Yến Lang đứng trước, một chân đá y bay ra xa hơn: "Nếu không nhờ đám võ phu mà ngươi khinh thường kiên cường cố thủ biên ải, lão nương, lão bà ngươi cùng bọn tì thiếp, còn có nữ nhi như hoa như ngọc nhà ngươi đã sớm bị lính Nhu Nhiên làm cho hai chân không khép lại được!"
Mã Huy luôn tự xưng là quân tử đoan chính, chưa từng nghe loại ngôn ngữ dơ bẩn bực này, bất chấp cả người đau nhức, nổi điên: "Nói bậy, bẩn tai người nghe!"
"Mã đại nhân, ngươi mới nghe đã chịu không nổi, đâu biết rằng có bao người phải trải qua cơn ác mộng đó! Cầu hòa cầu hòa cầu hòa, đầu gối ngươi bị thiếu xương hay sao mà không quỳ liền thấy khó chịu?"
Yến Lang cười mỉa: "Không biết tí gì về quốc sự lại viện cớ vì nước vì dân mà khoa tay múa chân. Cái loại người như ngươi thật sự đáng chết!"
Mấy du hiệp biết Hoàng đế định bắt nữ nhi Trấn Quốc Công hòa thân, trong lòng đã rất là khó chịu, hôm nay lại thấy tên Hoàng đế phái người tới mới biết thế gian lại có kẻ mặt dày bỉ ổi như này, phẫn nộ lại gần: "Nghỉ ngơi lấy sức? Nhu Nhiên cho ngươi nghỉ chắc? Bữa nay chúng chia cắt năm thành, ngày mai mười thành. Việc các người cố tình kéo dài đã hại bao nhiêu bá tánh! Dưới khung cảnh Kim Lăng ca múa mừng hòa bình có biết bao giọt máu và nước mắt đã rơi!"
"Chúng ta chỉ là mấy kẻ thô kệch còn biết đạo lý này, uổng cho ngươi đọc sách thánh hiền mà lại không rõ! Quả thực vô cùng đáng giận!"
Bọn họ nói đến đây, lòng đầy căm phẫn, "Xoạch" rút đao ra khỏi vỏ, toan lấy mạng gã nhà nho này.
Mã Huy thấy thế hoảng hốt chạy ra ngoài, chợt nhớ tới chuyện gì, vội kêu lên: "Quận chúa, ngài không muốn quản hậu sự của liền Trấn Quốc Công nữa ư?!"
Y hét: "Ngày mai quan tài Trấn Quốc Công sẽ đến kinh thành!"
Tâm niệm của Thẩm Bình Hữu là nguyện ý cống hiến cho quân chủ. Yến Lang thầm cảm thấy hơi thê lương.
Thẩm Bình Hữu sau khi chết oan không những chẳng được biểu dương mà thân xác ông cũng không được thanh thản, trở thành tư sản cho Hoàng đế cò kè mặc cả.
Thế gian lại có chuyện hoang đường như vậy đấy.
"Không cần, kêu bệ hạ giữ lại đi."
Yến Lang trong lòng lạnh run nhưng vẫn cười nói: "Thời điểm phụ thân còn sống chẳng ai để ý, muốn hại chết liền hại chết, giờ ta cần gì phải để ý một cái thi thể? Ngươi hồi bẩm với bệ hạ rằng lão ta muốn làm gì thì làm. Quật xác cũng được, phanh thây cũng được, nghiền xương thành tro cũng đều được, đều không còn liên quan gì đến Thẩm gia nữa."
Mã Huy thấy sự kiên quyết của cô, không khỏi ngẩn người, đờ đẫn một lúc rồi lẩm bẩm: "Đại nghịch bất đạo(2), đại nghịch bất đạo......"
"Phụ thân nhất định sẽ hiểu cho ta. Yến Lang nhìn y: "Nếu ông ấy biết nữ nhi chỉ vì bảo toàn cho cái xác của mình mà gả cho kẻ thù giết cha, bị chúng chà đạp làm nhục thì ở nơi chín suối không biết ông ấy sẽ đau lòng đến nhường nào."
Trên mặt Mã Huy lộ vẻ xấu hổ, nhưng cũng chỉ chợt lóe qua. Y lồm cồm bò dậy, lúng ta lúng túng: "Nô, nô tài sẽ thuật lại chính xác tấm lòng của quận chúa cho bệ hạ."
" Trong《 Thượng thư 》có câu: Thiên tử là cha mẹ dân, được coi là vua thiên hạ. Nhưng mà bệ hạ chúng ta, đối với ngoài nước thì khom lưng uốn gối trước, đối với trong nước thì cưỡng bức uy hiếp. Theo ta thấy có lẽ gã không vực dậy nổi đâu."
Mã Huy nghe vậy biến sắc, ngón trỏ run rẩy chỉ vào cô, mãi chưa dám nói ra lời.
Yến Lang làm như không thấy, ung dung tiếp: "Thỉnh Mã đại nhân nói lại với bệ hạ, vụ hòa thân ta nhất quyết không chấp thuận, khỏi cần sai người đến khuyên. Nếu gã nghĩ Thẩm gia phản nghịch, tội đáng chết vạn lần, cứ phái cấm quân tới tịch biên, tru di tam tộc, Thẩm gia sẽ quyết tử quyết sinh, gồng mình lên mà chiến. Nếu sống sót thì quá tốt. Nếu chết, cũng quang minh chính đại mà mỉm cười nơi chín suối. Còn nếu gã muốn chém người Thẩm gia thành nghìn mảnh, lại e ngại miệng lưỡi người dân và tướng sĩ biên ải, không dám động thủ thì......"
Mã Huy lạnh lùng hỏi: "Vậy phải làm thế nào?"
Yến Lang nói: "Ba ngày sau là đại hội nghị triều đình, nếu gã dám, liền sai người tới truyền ta đi, công khai mọi chuyện cho toàn điện, đúng sai tự gã rõ ràng!"
Mặt Mã Huy hết trắng lại xanh, cuối cùng cười nhạt: "Chưa từng có nữ nhân nào được phép thượng triều. Quận chúa, ngài có suy nghĩ thật kỳ quặc......"
Yến Lang khinh bỉ liếc y: "Từ sau thời của ta liền có!"
---------------------------------------------------------------------------------
Giải nghĩa:
1, Bồ liễu ( 蒲柳 ) cây liễu dương, một thứ liễu mọc ở ven nước, cành lá ẻo lả, sắp thu đã tàn, nên hay dùng để gọi về thể sức con gái và người yếu đuối.
2, Đại nghịch bất đạo: tội do giai cấp phong kiến gán cho những ai chống lại sự thống trị và lễ giáo phong kiến.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top