Chương I: Câu chuyện đầu tiên
Ở Sài Thành, có một cặp vợ chồng vô cùng giàu có, và họ nổi tiếng về sự giàu có của mình đến mức các vùng ngoại ô quanh Sài Gòn cũng nghe tiếng tăm lừng lẫy của họ.
Giàu có là thế, song hai vợ chồng không hề hống hách, ngược lại còn chăm chỉ tích đức làm việc thiện.
Họ thường lui tới cô nhi viện trong một hẻm cụt ít người.
Người xưa có câu, ông trời không cho không ai cái gì, quả thật vậy.
Tiền tài, quyền lực hai người không thiếu, chỉ là mắc bệnh hiếm muộn, rất khó để sinh con.
Sắp tới là sinh nhật của người đàn ông, nên hai người quyết định đến cô nhi viện mình thường ghé thăm nhận nuôi một đứa trẻ, xem như người tiếp tục sự nghiệp của họ.
Hai ông bà dậy từ sớm, sau khi dùng bữa sáng, bà căn dặn đám người ở trong nhà:
“ Nhớ trang hoàng lại nhà cửa sao cho coi được, dọn dẹp cái phòng trên tầng 2 sạch sẽ chuẩn bị đón cậu Hai, nghe chưa”
Mấy người đồng thanh đáp: “ Dạ, chúc ông bà chủ đi đường thuận lợi.”
Trên đường đi, lòng hai ông bà rộn ràng không thôi. Âu cũng là tâm lý chung, hơn 50 tuổi rồi mới có một đứa nhỏ trong nhà, ai mà chẳng vậy.
Như đã bàn bạc trước đó, họ sẽ nhận nuôi một bé trai độ chừng 5 tuổi - cái tuổi vừa đủ để ông bà không cần nhọc công chăm con mà vẫn trải nghiệm được niềm vui khi có con. Thế mà đến nơi, sau khi xem qua những đứa trẻ ở đó, ông lại cứ khăng khăng đòi nhận một con bé hơn 10 tuổi đứng lẻ loi ở cuối hàng. Con bé đó thuộc dạng gầy yếu, có lẽ do điều kiện ở viện này không được tốt; mặt nó hốc hác và vẫn luôn cúi gằm xuống từ lúc được gọi tới sảnh chính. Hai ông bà bắt đầu tranh cãi về đứa trẻ đó:
“ Tính ông sao sáng nắng chiều mưa vậy? Rõ ràng đêm qua hai vợ chồng mình đã nói là nhận nuôi một thằng nhỏ để vừa tiếp quản sự nghiệp vừa nói dõi tông đường mà?” Bà phu nhân họ Trần khẽ quát
Ông cũng không chịu lép vế mà đáp lại: “ Thì tôi với bà đúng là đã nói trước nhận con trai, nhưng mà giờ tôi thấy con nhỏ này nó tội nghiệp, vả lại con trai hay con gái thì cũng như nhau thôi, miễn mình dạy nó đàng hoàng thì sợ chi mất cái gia sản này. Mình đã làm phước thì làm cho trót, người ở trên người ta mới chứng giám cho, không lẽ giờ bà thấy con nhỏ nó khổ vầy mà bà không rủ lòng thương được?”
Bà vẫn còn muốn nói tiếp, nhưng nghĩ ở chỗ đông người không thuận tiện nên đành bấm bụng để ông dẫn con bé đó về nhà làm con. Không hiểu sao mà nhìn nó bà lại cảm thấy không mấy thiện cảm, cho dù nhìn nó khốn khổ và bần hàn cỡ nào. Nói thẳng ra là bà không thể cho nó tình thương yêu của một người mẹ.
Từ hồi dẫn nó về, ông cưng chiều nó hết mực. Nhưng nó cũng không đòi hỏi gì quá đáng, chỉ có nhu cầu như một đứa nhỏ bình thường. Hơn nữa nó cũng rất ngoan, biết lấy lòng người khác và chẳng ức hiếp ai. Vì được cái tính cái nết đó nên ông đặt tên cho nó là Thu Hiền luôn. Người ngoài nói con bé tốt số, được nhận nuôi vào gia đình giàu có lại được ba yêu thương. Còn bà thì vẫn giữ nguyên thái độ không mặn không nhạt như lúc mới nhận con về, bà thật sự không hiểu nổi mình nữa. Nó dễ thương, ngoan ngoãn, hiền lành, gần như không có tật xấu, thì cớ gì mà bà vẫn không thấy thương nó? Thậm chí suốt mấy năm nay bà cũng chưa từng ôm nó hay dỗ nó ngủ bao giờ, vì cứ mỗi lần muốn gần gũi thì bà cứ cảm giác ớn lạnh sao sao đó....
Cho đến năm nó mười lăm tuổi. Thu Hiền bắt đầu trổ mã thành một cô gái xinh đẹp, được các chàng trai xung quanh để mắt đến. Có một bữa nó đi chơi về muộn, bình thường nó chưa từng như thế, hay nói trắng ra là không dám. Ông Trần tuy là cưng con nhưng cũng không mù quáng, vẫn có đặt ra nề nếp kỷ cương dạy dỗ con rõ ràng. Bữa đó về, hai ông bà gặng hỏi nó đi đâu, nó chỉ liếc hai người rồi không nói gì mà chạy lên phòng riêng rồi đóng cửa sầm một tiếng.
“ Dạo này tôi thấy nó hay đi chơi đêm, ông coi khuyên bảo nó đi, nhìn nó hành động thế kia chắc là chơi với bạn bè không tốt rồi bắt chước đây mà” Bà Trần nói.
Ông thấy con cư xử lạ lùng cũng hơi ngạc nhiên rồi dặn bụng sớm mai phải nói chuyện lại với con bé.
Đến tận trưa hôm sau, Thu Hiền không hề bước ra khỏi cửa nửa bước. Bà đi chợ phiên về thấy nó như vậy cũng hơi bực mình, bèn sai người lên gọi nó dậy. Bà định bụng phải la nó một trận cho ra hồn thì nghe tiếng con hầu hét vọng xuống dưới nhà:
“ BÀ ƠI! CHỊ THU HIỀN NGẤT XỈU RỒI!!!”
Bà vội chạy lên coi con gái, trước đó không quên kêu người chạy đi tìm ông "đốc-tờ". Con Thu Hiền nằm sõng soài dưới nền đất, quần áo nhăn nhúm như vừa thoát khỏi một trận ẩu đả không nhỏ. Đồ đạc trong phòng bị vứt lung tung, chậu hoa dạ lan hương bày trên tủ cũng bị đập vỡ. Cái đáng nói là trong phòng không có bàn ghế cao quá nửa mét, tủ quần áo xấp xỉ hai mét rưỡi thì con bé đập bình hoa bằng cách nào? Và tiếng động lớn như thế lẽ nào bà ngủ say đến mức không hay biết gì hay sao?
Khi bà vẫn còn bàng hoàng không hiểu chuyện gì thì ông đốc-tờ tới. Ông ấy bảo con hầu và bà Trần ra khỏi phòng để tiện thăm khám. Trước khi rời khỏi, bà vô tình nhìn thấy ở cổ Thu Hiền như bị ai siết chặt, để lại năm dấu tay hãy còn đỏ thẫm. Bà hoảng sợ, dụi dụi mắt, cố trấn an bản thân rằng mình đã nhìn nhầm. Dù bà biết năm nay mình chỉ mới năm mươi ngoài, thị lực không đến mức kèm nhèm như thế. Bà có linh cảm chẳng lành, nhưng không biết nên nói thế nào cho phải.
Lúc con bé được ông đốc-tờ khám xong, trời đã sập tối. Bà Trần vì phép lịch sự nên mời ông ta ở lại nhà ăn bữa cơm rồi ngủ lại để tiện cho việc săn sóc đứa con gái nuôi của bà. Ông Trần đi buôn bán về nghe tin con bị ngất xỉu thì rất lo lắng, toan vào xem con gái thì bị bà ngăn lại
“ Đốc-tờ vừa mới khám cho nó xong, nó vẫn chưa tỉnh đâu, ông đi nghỉ ngơi đã. Con bé sẽ khoẻ lại thôi mà” Bà Trần dịu giọng.
Ông bày ra vẻ mặt hơi buồn rầu, nhưng rồi cũng đi tắm rửa.
Sáng hôm sau, cô tiểu thư nhà họ Trần vẫn chưa tỉnh dậy, ông đốc-tờ vào phòng xem tình trạng của Thu Hiền một lúc. Trước khi ra về ông nói:
“ Cơ thể không có gì bất thường, ông bà đừng lo lắng quá kẻo sanh bệnh, cháu nó có lẽ còn hơi mệt người nên chưa gắng dậy được, nay mai chắc sẽ dậy thôi.”
Nhận tiền của ông bà Trần xong xuôi, ông đốc-tờ rời đi.
Mấy ngày nữa lại trôi qua, Thu Hiền không có dấu hiệu tỉnh lại. Hai ông bà lo chạy vạy khắp nơi tìm thầy thuốc, từ người chuyên thuốc đông y đến tây y, gần như giáp cả cái Sài Gòn, vậy mà ai đến cũng lắc đầu không khám ra bệnh. Lòng ông nóng như lửa đốt, bà cũng sốt ruột, nhưng người ta đã nói thế thì chỉ biết trông chờ vào tổ tiên phù hộ, chứ cũng chẳng còn cách nào khác.
Đã ba năm kể từ ngày con Thu Hiền mắc căn bệnh quái lạ. Nó vẫn thở đều, nhưng mãi mà không tỉnh. Lạ ở chỗ: nó không ăn không uống gì mà vẫn duy trì được sự sống tới bây giờ. Năm đầu tiên, có người đồn đoán con nhỏ bị quỷ bắt hồn nên mới không tỉnh, cần phải mời thầy về làm phép mới cứu nó được. Mà ngày xưa thì hầu như ai cũng tin mấy chuyện tâm linh bói toán, nhất là người phụ nữ. Bạn bè của bà cũng rỉ tai bà về chuyện ấy, khuyên bà nên giải quyết theo hướng tâm linh. Mưa dầm thấm lâu, ban đầu bà không hề nghĩ đến chuyện có ma quỷ hại con gái mình, nhưng nghe mãi cũng lung lay. Bà tâm sự chuyện đó với chồng thì bị ông gạt phăng:
“ Mấy người đó muốn hại con gái mình mà bà cũng tin! Tôi thấy bà bị người ta làm cho đầu óc mụ mị rồi, trên đời này làm gì có ma quỷ!! Tụi thầy bói pháp sư đó chỉ là tụi lừa đảo, lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin như bà vầy nè. Tụi nó giả bộ làm khùng làm điên qua mặt bà để lấy tiền bà, chưa kể là tính mạng con gái mình còn bị nguy hiểm nữa. Bà dẹp cái suy nghĩ tào lao đó đi, đừng bao giờ nhắc đến chuyện trừ tà trừ yêu trước mặt tôi nữa nghe chưa ?!”
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top