DongPhuongThanThanhDeQuoc 83- 86

[Lịch sử] Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 83 : NHẬP CUNG DIỆN THÁNH

Lại nói, sau khi đề nghị liên minh, rồi cố dụng quân đều lần lượt bị từ chối, phía Louis Đệ Tam đành chấp nhận giải pháp cuối cùng : ký kết một hiệp định thương mại. Louis Đệ Tam thay mặt cho cha mình là Louis II de Anjou (Louis Đệ Nhị của xứ Anjou) cùng đại diện của Thương vụ bộ ký kết hiệp định, theo đó Đế quốc sẽ cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm cho Anjou, nếu cần cũng có thể cho vay.

Phía George Đệ Nhất, các thỏa thuận tiến hành dễ dàng hơn nhiều. Về mặt chính thức, Đế quốc đồng ý ủng hộ Công đồng Constance và phái sứ giả đến dự. Ngoài ra còn có 2 mật ước : Đế quốc thừa nhận Gregorius XII là giáo chủ hợp pháp của Công giáo La Mã, 2 giáo chủ còn lại là ngụy giáo chủ; Đế quốc ủng hộ sự độc lập của Trento, và sẽ gây sức ép đối với Frederick Đệ Tứ, Công tước Áo, Bá tước Tyrol, để quân đội Áo – Tyrolese không xâm chiếm Trento.

Các hiệp ước ký kết xong, cả Louis Đệ Tam và George Đệ Nhất mới có thời gian đi du ngoạn Gia Định Thành. Đầu tiên, bọn họ đi dạo một vòng thành thị, ngắm nhìn các cửa hiệu hai bên đường phố chất đầy hàng hóa. Hành trình này mất đến 3 ngày, và Louis Đệ Tam mua rất nhiều vật phẩm, đặc sản của phương đông, những thứ mà ở Âu châu vô cùng quý hiếm, như tơ lụa, gốm sứ, hương liệu, trà diệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là Louis Đệ Tam rất thích các loại đồ chơi đặc sắc của phương đông. George Đệ Nhất thì mãn nguyện vì mua được rất nhiều sách. Gia Định Thành là trung tâm học thuật của cả Đế quốc, nên văn hóa giáo dục rất phát triển, các thư quán, thư viện lớn nhỏ có ở khắp nơi trong thành. Thành ra tùy tùng của bọn họ phải tay sách tay mang rất nhiều thứ.

Đến ngày thứ ba, bọn họ đi xuống khu bến cảng, và gặp được David Ben Dayan đang bàn chuyện làm ăn ở đấy. Thế là mọi người hội họp cùng đến trà quán uống trà đàm đạo. Trà diệp là một đặc sản của phương đông, và rất quan trọng đối với người phương tây. Người phương tây ăn nhiều chất dầu mỡ, nên cần uống trà để giảm béo, đặc biệt là hồng trà. Văn hóa trà từ đó thâm nhập vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Âu Mỹ.

Sau một tuần trà, George Đệ Nhất nhìn cảnh nhộn nhịp của bến cảng, cảm thán nói :

- Dayan. Ta thật không dám tin đây là tòa thành thị chỉ mới được xây dựng hơn 10 năm trước. Dù ở Âu Châu cũng không có tòa thành thị nào sánh được với nơi đây, kể cả La Mã.

David Ben Dayan cười cười nói :

- Các hạ. Ngài nên biết rằng chủ nhân của thành thị này, và của cả Đế quốc rộng mênh mông này là một vị thần linh. Đối với nhân loại chúng ta xem là kỳ tích thì đối với thần linh cũng chỉ là chuyện bình thường.

Louis Đệ Tam nói :

- Cung điện của Hoàng đế thật vĩ đại. Chúng ta chỉ đi quanh một vòng thôi mà đã mất cả nửa ngày. Không biết bên trong còn lộng lẫy đến thế nào ?

David Ben Dayan nói :

- Không phải Hoàng đế. Đừng lầm lẫn giữa Thánh hoàng và Hoàng đế. Ở phương đông có nhiều tước vị, cao nhất là Hoàng, dưới Hoàng là Đế, rồi mới đến Vương. Hoàng đế là tước vị trung gian, nằm giữa Hoàng và Đế. Ở phương đông xưa nay chỉ có 4 vị Hoàng, trừ Thánh hoàng ra thì 3 vị còn lại đều sống ở thời viễn cổ, cách nay hàng vạn năm.

Dừng lời giây lát, David Ben Dayan mới nói tiếp :

- Trong Trường Thanh Cung tập trung toàn bộ bảo vật của Đế quốc, vàng bạc châu báu và các cống phẩm của các địa phương. Nghe đồn bên trong vàng bạc chất cao như núi, bảo vật không tính bằng rương mà bằng cung điện. Trường Thanh Cung đã mấy lần mở rộng vì không đủ chỗ chứa các cống phẩm.

George Đệ Nhất nói :

- Gia Định Thành dân cư thật đông đúc, chắc cũng phải trên chục vạn chứ không ít.

David Ben Dayan nói :

- Toàn tỉnh Gia Định có dân số gần 200 vạn, riêng Gia Định Thành ước khoảng 60 vạn.

Bọn George Đệ Nhất đều ngạc nhiên, trầm trồ về sự thịnh vượng của Gia Định Thành. Nên biết lúc này nước Anh dân số chỉ có 4 triệu, tức 400 vạn. Nước Pháp đang bị người Anh chiếm đóng gần một nửa lĩnh thổ, trăm năm chiến tranh vẫn đang diễn ra, cả nước hoang tàn. Còn Constantinople lúc này cũng chỉ có khoảng 5 vạn người. Trong khi thành La Mã (Roma) chỉ có 2 vạn (số liệu ước tính năm 1400).

George Đệ Nhất lại nói :

- Gia Định Thành có nền học thuật cực kỳ hưng thịnh. Mấy hôm nay ta thấy có rất nhiều thư viện ở khắp nơi.

David Ben Dayan nói :

- Đế quốc áp dụng chế độ khuyến khuyến giáo dục. Cơ sở giáo dục miễn phí trên toàn Đế quốc, những người không biết chữ phải đóng thuế cao hơn. Chính vì thế mà đại bộ phận thần dân của Đế quốc đều biết chữ. Học thuật không hưng thịnh sao được.

George Đệ Nhất giật mình hỏi :

- Ngươi nói Thần Thánh Đế quốc dạy chữ miễn phí cho mọi người dân ?

David Ben Dayan cười cười nói :

- Không phải !

George Đệ Nhất ngạc nhiên :

- Thế sao ngươi mới nói … ?

David Ben Dayan nói :

- Ta không nói dạy chữ miễn phí, mà là cơ sở giáo dục, tức là không chỉ dạy chữ, mà cả các môn cơ sở như Toán pháp, Ngữ pháp, Viết văn, … Giáo dục ở Đế quốc chia làm 3 cấp bậc chính là Sơ học, Trung học, Đại học. Mỗi thôn làng đều có lớp học, mỗi huyện đều có trường Sơ học, mỗi quận đều có trường Trung học, mỗi tỉnh đều có trường Đại học. Tối cao là Thái Học Viện ở Gia Định. Cấp Sơ học được dạy miễn phí.

George Đệ Nhất nói :

- Dù chỉ miễn phí cấp Sơ học thì tốn kém biết bao nhiêu mà kể !

David Ben Dayan nói :

- Bởi vậy, người Đế quốc hầu như ai cũng biết toán thuật, gian thương khó mà làm ăn được ở đây. Chỉ có người Do Thái chúng ta nhờ trung thực nên đi đến đâu cũng được hoan nghênh.

Bọn George Đệ Nhất cố nén cười. Người Do Thái ở Âu châu nổi tiếng là gian thương, thường cho vay nặng lãi nên tiếng tăm không được tốt (Cơ Đốc giáo không cho phép tín đồ cho vay, vì thế nghề cho vay gần như trở thành chuyên chức của người Do Thái).

Hôm nay bàn về Trường Thanh Cung, sáng hôm sau, bọn George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam đã được Đệ nhất trọng thần của Đế quốc là Quảng Tế Pháp sư mời vào trong cung dự yến. Yến tiệc gồm toàn các món ngon vật lạ của Đế quốc, do những đầu bếp tài ba nhất chế biến, nên cả bọn ăn đến no căng cả bụng, không tiếc lời khen ngon. Bọn họ đều là những người thuộc giới quyền quý nhất Âu châu, nhưng cũng chưa bao giờ được ăn những món ngon đến vậy. Cho đến lúc bấy giờ, ẩm thực ở Âu châu cũng vẫn còn khá đơn điệu.

Sau đó cả bọn được hướng dẫn tham quan cung điện. Dù không được nhìn thấy các kho vàng bạc, nhưng các bảo vật trong cung nhiều đến nỗi cả bọn chấn động cả tâm thần. Nhìn các bảo vật chứa đầy trong các cung điện, hết cung điện này đến cung điện khác, cả bọn chấn kinh không sao kể siết. Đến lúc này, bọn họ mới có cảm giác chân thực về sự giàu mạnh của Thần Thánh Đế quốc.

Bọn họ mất 2 ngày mới tham quan được một phần Trường Thanh Cung. Mấy ngày hôm đó bọn họ được nghỉ lại trong cung chứ không cần trở về khách sạn. Đến sáng ngày thứ ba, Quảng Tế Pháp sư thông báo cho cả bọn biết Thánh hoàng triệu kiến. Chỉ có George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo mới được đến Văn Nghi Điện diện thánh. Bọn tùy tùng không được phép đi theo.

Bước chân vào Văn Nghi Điện, cả George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo đều cảm thấy chấn kinh. Đừng nói các cung điện của quốc vương, hoàng đế, dù là các tòa thần điện lớn nhất Âu châu cũng không thể sánh bằng với nơi thiết triều của triều đình Thần Thánh Đế quốc. Không chỉ rộng lớn, sự tráng lệ nguy nga, chạm vàng khảm ngọc rực rỡ huy hoàng làm cả bọn lóa cả mắt. Và điều làm cả bọn kinh hãi hơn cả là những viên minh châu giá trị liên thành lại được khảm trên tường và trần để chiếu sáng. Quả là lộng lẫy xa hoa đến cực điểm.

Hai bên đại điện, văn vũ đại thần nhìn bọn Louis Đệ Tam, không hề thấy lạ lùng. Chịu ảnh hưởng của Giang Phong, trọng thương, nên gia tộc bọn họ ít nhiều đều có thương thuyền buôn bán giữa đông - tây phương, do đó đối với người Âu châu cũng chẳng xa lạ gì. Các đại thần của triều đình Đế quốc đồng thời cũng là các đại thương nhân, và Giang Phong chính là đệ nhất đại thương nhân. Thần Thánh thương hội của Giang Phong là đệ nhất thương hội của Đế quốc.

Đến trước long giai, George Đệ Nhất, Louis Đệ Tam và lão quản gia Ferdinand Caracciolo hướng về Giang Phong, chiếu theo tây phương lễ nghi hành lễ bái kiến :

- Thánh hoàng vĩ đại. Chúng thần đại biểu toàn thể Âu châu nhân dâng Ngài sự tôn kính tối cao và chân thành.

Lưỡng ban văn vũ đại thần đều lộ vẻ không hài lòng về cách hành lễ của bọn họ, nhưng Giang Phong đã cho phép nên không ai dám nói gì.

Trụ sở Ái Mộ Hội :

http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=46940

[Lịch sử] Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 84 : THU NHẬN NGHĨA TỬ

Trường Thanh Cung. Văn Nghi Điện.

Sau khi ba người bọn Louis Đệ Tam hành lễ bái kiến, Giang Phong truyền bình thân, rồi ngắm nhìn ba người bọn họ. Louis Đệ Tam mới 11 tuổi, tuấn tú thông minh, xuất thân quyền quý nên rất có phong thái quý tộc. Lão quản gia Ferdinand Caracciolo thì có bề ngoài của một thuộc hạ ít nói, trung thành, nhưng qua ánh mắt, Giang Phong cho rằng lão ta cũng là kẻ lắm mưu mô. George Đệ Nhất là một vị Giám mục, thường niên bố đạo, nên dung diện từ hòa, thần thái thân thiện, dễ được lòng người khác. Trong khi đó, bọn Louis Đệ Tam cũng len lén quan sát Giang Phong. Khi đối diện Giang Phong, bọn họ có cảm giác đối diện với một lực lượng thần bí siêu nhiên, giống như một vị thần linh từ trên cao dụng ánh mắt từ hòa phủ thị chúng sinh.

Nhìn thấy ba người bọn họ đột nhiên cúi đầu, Giang Phong không hề cảm thấy ngạc nhiên. Ngoài sự thần bí do Giang Phong tạo ra qua hình tượng thần linh, bản thân kiến trúc của Văn Nghi Điện cũng góp công đáng kể. Nơi long giai được xây dựng cao hơn phần còn lại của đại điện, chạm khắc nhiều hình ảnh, phù hào thần bí, cùng với sự kim bích huy hoàng đã gây nên ít nhiều áp lực đối với người bên dưới.

Giang Phong khẽ mỉm cười, hỏi George Đệ Nhất :

- Dường như Gregorius XII đã 90 tuổi rồi phải không ?

Tuy ba người bọn họ không dẫn theo phiên dịch, nhưng triều đình có phiên dịch, là quan viên của Thương vụ bộ. Nghe hỏi, George Đệ Nhất kính cẩn đáp :

- Hồi bẩm Thánh hoàng. Hết năm nay Đức Cha sẽ tròn 90 tuổi.

Tiếng Anh gọi là Pope, tiếng Latinh là Papal, nghĩa là Đức Cha (giáo dân người Việt gọi tôn kính là Đức Thánh Cha), có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp ‘papa’, nghĩa là ‘cha’. Đức Cha Gregorius XII tên thật là Angelo Corraro, sinh năm 1326, đến nay (năm 1414) là đã 89 tuổi, có thể nói là thượng thọ. Thời xưa hiếm có vị vua chúa nào có thể sống thọ đến thế, nhất là trong thời loạn lạc (Đức Gregorius XII từng phải rời giáo đô Roma vì bị Ladislaus chiếm đóng, sau đó không thể quay về).

Giang Phong lại nói :

- 90 tuổi, chẳng còn nhiều sức lực nữa, nên nghỉ ngơi an dưỡng là hơn.

George Đệ Nhất ngập ngừng hỏi :

- Ý Thánh hoàng là …

Giang Phong không trả lời, lại nói :

- Còn việc của Trento, trẫm sẽ viện trợ ngươi 3 nghìn vũ khí và 1 năm lương thực cho 3 nghìn người. Chỉ cần ngươi chiêu mộ dân chúng trong lĩnh địa, vũ trang và huấn luyện bọn họ, ít ra cũng có thể tự bảo được.

George Đệ Nhất cả mừng, vâng dạ tạ ơn. Đối với các cuộc chiến tranh ở Âu châu thời Trung Cổ, 3 nghìn quân cũng là một lực lượng đáng kể. Louis Đệ Nhị (cha của Louis Đệ Tam) đã từng suất lĩnh 1.500 kỵ binh tấn công Napoli vào năm 1409, chiếm lại được các vùng đất của Đức Cha (Papal States) bị Ladislaus chiếm trước đó, nhưng tấn công Napoli không thành công. Còn trong ‘Chiến tranh trăm năm’ (1337 – 1453) giữa Anh và Pháp, lực lượng đông đảo nhất của Pháp là dưới thời vua Charles VI (1415) thì cũng chỉ có 36.000 người (tương ứng quân Anh của Henry V có 12.000 người). Không giống với phương đông, mỗi cuộc chiến tranh là hàng chục vạn cho đến hàng trăm vạn quân. Cũng chính vì vậy mà chỉ với 2 vạn kỵ binh, người Mông Cổ đã có thể đánh đến tận Âu châu.

Sau đó, Giang Phong quay sang Louis Đệ Tam, hỏi :

- Hài tử. Con có em trai không ?

Louis Đệ Tam ngạc nhiên không hiểu sao Giang Phong lại hỏi thế, nhưng vẫn kính cẩn đáp :

- Hồi bẩm Thánh hoàng, con có em trai là René mới 5 tuổi.

Giang Phong mỉm cười nói :

- Trẫm không có nhi tử. Con có muốn làm nghĩa tử của trẫm không ?

Louis Đệ Tam ngơ ngác :

- Sao ạ ?

Giang Phong mỉm cười nói :

- Con có em trai, các tước vị ở Anjou hãy nhường lại cho em trai, còn các vùng đất bị người khác chiếm mất, như Napoli, Sicily, … trẫm sẽ giúp con giành lại. Con cũng sẽ là hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Và trẫm sẽ viện trợ lương thực vũ khí cho Anjou. Nghe nói quân Pháp Lan Tây đang bị quân Anh Cách Lan tấn công gấp lắm, tình thế nguy ngập lắm phải không ?

Louis Đệ Tam ngơ ngác nhìn lão quản gia Ferdinand Caracciolo. Lão ta khẽ hỏi :

- Ý thiếu chủ thế nào ?

Louis Đệ Tam hỏi :

- Theo lão ta có nên đồng ý không ?

Lão quản gia ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói :

- Nếu thiếu chủ đồng ý, thiếu chủ sẽ lập tức trở thành hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc, thân phận tôn quý. Thánh hoàng còn hứa giúp thiếu chủ khôi phục Napoli, Sicily, và còn viện trợ lương thực vũ khí cho Anjou để chống quân Anh Cách Lan. Tình hình của Pháp Lan Tây hiện nay không hay lắm, nếu sắp tới mà còn thất trận nữa thì Anjou sẽ bị uy hiếp. Nghe nói Công tước đại nhân còn dự định nếu tình hình không hay thì sẽ đưa phu nhân và tiểu thiếu chủ sang Provence lánh nạn. Do đó, theo lão thần thấy, nếu thiếu chủ đồng ý, về công hay tư đều có lợi cả. Chỉ có điều nếu vậy thì thiếu chủ sẽ phải xa Anjou.

Louis Đệ Tam ngẫm nghĩ giây lát, rồi bật cười nói :

- Cũng có sao đâu. Trước đây ta cũng vẫn ở Provence đó thôi. Hơn nữa, việc ta làm hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc cũng đâu có ngăn cấm ta về thăm mẹ và em trai ta.

Nói xong, Louis Đệ Tam quay sang nói với Giang Phong :

- Thánh hoàng. Con đồng ý ạ. Nhưng Thánh hoàng sẽ viện trợ cho Anjou thứ gì thế ạ ? Có nhiều không ?

Giang Phong mỉm cười :

- 1 vạn vũ khí, 1 năm lương thực cho 1 vạn quân, 1 tiểu hạm đội, có được không ?

Louis Đệ Tam nói :

- Sao lại là một tiểu hạm đội ạ ? Một đại hạm đội không được sao ?

Giang Phong cười nói :

- Tiểu hạm đội là theo tiêu chuẩn của Thần Thánh Đế quốc, tức là tổng tải trọng từ 1 ức (100 triệu) cân trở xuống. Thôi được rồi. Trẫm cho con được lựa chọn chiến thuyền, được không ? Nhưng đây không phải là trẫm viện trợ cho Anjou mà là tặng cho con. Còn con muốn tặng lại cho ai thì tùy ý con.

Louis Đệ Tam miễn cưỡng nói :

- Vâng ạ !

Giang Phong thấy vậy, chỉ mỉm cười. Sau đó Giang Phong cho Louis Đệ Tam khấu đầu lạy chín lạy, trước sự chứng kiến của văn vũ đại thần, chính thức trở thành nghĩa tử của Giang Phong, hoàng tử của Thần Thánh Đế quốc. Tên gọi tiếng Pháp Louis không thích hợp, Giang Phong cùng các đại thần bàn bạc, đổi lại là Long nhi, có âm gần giống, nhưng thích hợp hơn. Do vậy, từ đây Louis Đệ Tam có tên mới là Giang Long, gọi thân mật là Long nhi.

Giang Phong cho thu xếp một cung điện thật xinh đẹp trong Trường Thanh Cung cho Long nhi ở, đồng thời chọn thầy dạy học cho Long nhi. Lão quản gia Ferdinand Caracciolo cũng ở chung tại đó, hầu hạ thiếu chủ.

Hôm sau, Long nhi đến gặp Giang Phong, xin cho đi chọn chiến thuyền để thành lập hạm đội. Cậu bé muốn sớm xong việc để còn cho Ferdinand Caracciolo về Anjou báo tin. Giang Phong bảo Hải quân bộ bộ trưởng Đinh An Bình đưa cậu bé đi ra căn cứ hải quân ở bán đảo Long Sơn.

Khi đi, Long nhi thầm nghĩ phải nên lựa chọn thế nào, chợt nhớ rằng không có khái niệm 1 ức cân là bao nhiêu, liền hỏi lão quản gia :

- 1 ức cân là bao nhiêu vậy ?

Lão quản gia thầm tính toán một lúc, rồi nói :

- Thiếu chủ. Cứ 3 cân thì tương đương với 4 livre. Vậy 1 ức cân tương đương 133 triệu livre, hay 60 nghìn tấn Anh Cách Lan.

Thời Trung Cổ ở châu Âu, người Pháp sử dụng đơn vị đo khối lượng là livre (= 489,5 gam hệ SI), quintal (= 100 livre), once (= 1/16 livre), denier (= 1/24 once), grain (= 1/24 denier); người Anh thì sử dụng đơn vị pound (= 454 gam hệ SI), ton (hay tấn, = 2240 pound, tương đương 1016,96 kilôgam hệ SI), ounce (= 1/16 pound), dram (= 1/16 ounce), grain (= 1/7000 pound). Thần Thánh Đế quốc thì sử dụng đơn vị của phương đông, 1 cân = 16 lượng, 1 lượng = 10 chỉ = 100 phân = 1.000 ly, 1 tấn = 10 tạ = 100 yến = 1.000 cân (1 cân = 600 gam, 1 tấn = 600 kilôgam hệ SI).

Sau một lúc, lão quản gia lại nói thêm :

- Thiếu gia. Hiện nay, hải quân hoàng gia Anh Cách Lan có khoảng 180 chiến thuyền, tổng tải trọng cũng chỉ đạt hơn 20 nghìn tấn Anh Cách Lan. Các chiến thuyền Balinger lớn nhất cũng chưa đạt 100 tấn, thường có 40 người. Một chiến thuyền cỡ lớn thì tối đa cũng chỉ khoảng 200 tấn. Hải quân Pháp Lan Tây trước chiến tranh có hơn 200 chiến thuyền, nhưng giờ thì … mất hết cả rồi. Sau trận L’Ecluse hồi 74 năm trước (năm 1340), Pháp Lan Tây không còn hải quân nữa.

Long nhi cả mừng nói :

- Vậy thì tiểu hạm đội của ta sẽ lớn gấp 3 lần hạm đội của Anh Cách Lan ?

Lão quản gia nói :

- Vâng ạ. Nhưng nếu chiến thuyền của Đế quốc lớn thì số lượng chiến thuyền sẽ không nhiều.

Long nhi nói :

- Không sao. Thuyền lớn thì dễ đụng chìm thuyền nhỏ. Thà rằng có 1 chiến thuyền cỡ lớn còn hơn có 3 chiến thuyền cỡ nhỏ.

Đinh An Bình đứng gần đó, thông qua phiên dịch, biết bọn họ nói gì, không khỏi bật cười.

Trụ sở Ái Mộ Hội :

http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=46940

__________________

江懷玉

[Lịch sử] Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 85 : TÌNH HÌNH PHÁP LAN TÂY

Lại nói, khi nghe Long nhi và lão quản gia Ferdinand Caracciolo bàn bạc về hạm đội, Đinh An Bình không khỏi bật cười, bảo :

- Hạm đội của Hải quân Đế quốc chiến đấu không phải bằng cách đụng chìm địch hạm, mà là bắn chìm.

Long nhi ngạc nhiên hỏi :

- Bắn chìm là sao ?

Đinh An Bình nói :

- Đương nhiên là sử dụng thần công đại pháo bắn chìm.

Long nhi ngơ ngác hỏi :

- Thần công đại pháo ?

Đinh An Bình chỉ vào dãy thần công đại pháo nằm dọc hai bên mạn thuyền, cười nói :

- Đó chính là thần công đại pháo.

Bọn họ đi trên chiến thuyền của Hải quân, nên đương nhiên có trang bị thần công đại pháo. Trừ Thần Thánh Đế quốc, đối với thời bấy giờ, ở cả phương đông và phương tây, hải chiến vẫn là sử dụng chiến thuyền đụng nhau, hoặc cung thủ và chiến sĩ quyết chiến. Long nhi nghe nói, liền chạy đến bên một khẩu thần công đại pháo, xem thử, sờ thử, rồi hỏi :

- Nó lợi hại lắm à ?

Đinh An Bình cười nói :

- Nó có thể bắn vỡ địch hạm cách chúng ta hơn 5 dặm, điện hạ nghĩ có lợi hại không ?

Long nhi mở tròn mắt, kinh ngạc nói :

- Lợi hại thế cơ à ?

Đinh An Bình lại nói :

- Trước đây, khi tấn công các thành trì duyên hải, thần công đại pháo của Hải quân còn được sử dụng để bắn sập thành tường của các thành trì nữa kia. Thành tường bị phá, quân ta chiếm thành sẽ dễ dàng hơn.

Khi ra đến căn cứ Hải quân ở Long Sơn, nhìn các chiến thuyền nằm đầy trong vịnh, Long nhi cứ ngần ngừ mãi không biết nên lựa chọn thế nào. Đây chỉ là tiểu hình, trung hình chiến thuyền mà trước đây Giang Phong đã định cho thoái dịch, bán lại cho thương nhân dùng làm vũ trang thương thuyền. Nhưng những chiến thuyền dài 60 mét, 80 mét thì đối với Long nhi cũng là rất lớn, so với các chiến thuyền của Âu châu thời bấy giờ thường chỉ dài hơn 10 mét, tối đa cũng chỉ 20 mét là đã rất lớn. Chỉ về những chiến thuyền trong vịnh, Đinh An Bình nói :

- Thuyền nhỏ có tải trọng khoảng 700 vạn cân, thuyền lớn khoảng 1.700 vạn cân. Ngoài ra chiếc thuyền chúng ta vừa đi đó có tải trọng hơn 3.000 vạn cân. Tùy ý điện hạ lựa chọn, miễn sao không quá 1 ức cân thì thôi.

Long nhi cùng lão quản gia bàn bạc một lúc rồi quyết định chọn 1 chiếc đại hình chiến thuyền (3.000 vạn cân), 2 chiếc trung hình chiến thuyền (1.700 vạn cân) và 5 chiếc tiểu hình chiến thuyền (700 vạn cân), tổng tải trọng là 9.900 vạn cân. Đây là những chiến thuyền thời kỳ đầu, mỗi chiếc chỉ có từ 10 đến 20 khẩu thần công đại pháo. Tiểu hạm đội có 8 chiến thuyền, được Long nhi đặt tên là “Hạm đội Angers”, theo tên lâu đài của nhà Louis tại Anjou, cũng còn được gọi là trái tim của Anjou. Kỳ hạm, tức chiến thuyền chỉ huy, được đặt tên là “René de Anjou”, theo tên em trai của Long nhi, người sẽ thừa kế lĩnh địa Anjou và danh hiệu Công tước sau này (do Long nhi nhường lại). Hai chiếc trung hình chiến thuyền được đặt tên là “Comte de Maine” (Bá tước của Maine) và “Comte de Provence” (Bá tước của Provence), đều là các tước vị mà René sau này sẽ được thừa kế.

Sau khi đã thành lập Hạm đội xong, Đinh An Bình điều thủy thủ đến phục vụ tạm thời trên Hạm đội Angers, chờ sau này đến Âu châu sẽ bàn giao cho nhà Anjou, và giúp bọn họ huấn luyện tân thủy thủ. Tiếp đó là lương thực và vũ khí được chuyển lên các chiến thuyền.

Sau 10 ngày chuẩn bị, George Đệ Nhất và Ferdinand Caracciolo cùng đoàn tùy tùng lên thuyền trở về Âu châu. Đoàn thuyền rời Gia Định Giang, đi về phía nam đến Tân Thành, sau đó đi theo tuyến hàng hải đông tây, qua Tích Lan, Somali, Yemen vào Hồng Hải rồi đến Sinai. Đến thành Suez nằm bên bờ vịnh Suez, lương thực vũ khí được đưa lên bờ, rồi chuyển xuống thuyền nhỏ, theo kênh đào Suez đưa ra bờ Địa Trung Hải. Còn Hạm đội không thể vào kênh đào Suez, đành phải đi dọc theo bờ biển Phi châu, mất nhiều thời gian hơn.

George Đệ Nhất và Ferdinand Caracciolo dẫn đoàn tùy tùng khẩn cấp đi sang thành Sinai ở bên bờ Địa Trung Hải, bên bờ vịnh Buhayrat al Manzilah. Bọn họ thuê thương thuyền để đưa lương thực vũ khí vượt Địa Trung Hải về Provence và Trento.

Khi Ferdinand Caracciolo về đến Provence thì đã vào cuối mùa đông năm Giáp Ngọ, theo Tây Lịch thì đã vào đầu năm mới 1415. Từ năm ngoái, quốc vương Anh Cách Lan Henry V (lên ngôi năm 1413) đã từ chối đề nghị giảng hòa của phe Armagnac đang nắm quyền nhiếp chính triều đình Pháp Lan Tây. Do đó, mọi người đều đang chờ đợi một cuộc chiến tranh quy mô lớn tái bùng phát.

Giai đoạn từ năm 1389 đến năm 1415 này được các sử gia phương tây gọi là “giai đoạn hòa bình thứ hai” của cuộc “chiến tranh trăm năm”. Gọi là hòa bình, nhưng thực chất Pháp Lan Tây lâm vào cảnh nội chiến giữa phe Armagnacs do Công tước Louis I de Orléans đứng đầu (khác Louis I de Anjou, ông nội của Louis III) và phe Burgundy do Công tước Jean I de Burgundy đứng đầu, với sự hậu thuẫn của Anh Cách Lan. Nguyên nhân của cuộc nội chiến là sự xung đột giữa Jean I de Burgundy với Louis I de Orléans trong cách điều hành quốc gia, rồi dẫn đến chiến tranh, kéo theo đồng minh của hai phe tham chiến.

Khi quốc vương Pháp Lan Tây Charles VI de France bị bệnh tâm thần, đất nước được cai trị bởi một hội đồng nhiếp chính do vương hậu Isabeau de Bavière đứng đầu kể từ năm 1393. Vương hậu là người không có chủ trương và các thành viên có ảnh hưởng nhất trong hội đồng nhiếp chính là Công tước xứ Burgundy, Công tước xứ Orléans và Công tước xứ Anjou. Do Công tước xứ Anjou phải lo giành lại các đất đai của mình ở Napoli nên ít quan tâm triều chính, thành ra chỉ có Công tước xứ Burgundy và Công tước xứ Orléans tranh quyền với nhau (Công tước xứ Anjou có nhiều lĩnh địa nhất nên có địa vị siêu nhiên, Công tước phu nhân còn là người tài trợ cho những lực lượng chống quân Anh, trong đó có cả Joan de Arc sau này).

Trong thực tế, sự xung đột này là sự đối mặt giữa hai hệ thống kinh tế, xã hội và tôn giáo. Pháp Lan Tây là một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển với một hệ thống tôn giáo và chế độ phong kiến mạnh mẽ, các lĩnh chủ phong kiến có vai trò quan trọng và nhiều quyền lực. Trong khi đó, Anh Cách Lan có khí hậu ẩm, nhiều mưa, nhiều đồng cỏ và nghề nuôi cừu phát triển. Người Anh bán lông cừu cho xứ Flanders để dệt may thành quần áo. Do đó, ở Anh Cách Lan, giai cấp tư sản và các thành thị đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Công tước xứ Burgundy đồng thời cũng là Bá tước xứ Flanders, có quan hệ mật thiết với người Anh, ủng hộ mô hình kinh tế của người Anh với nền thương mại và giai cấp tư sản phát triển. Còn phe Armagnacs ủng hộ chế độ hiện thời, với sự thống trị quốc gia của các lĩnh chủ phong kiến. Ngoài ra, phe Armagnacs được sự ủng hộ của giáo chủ Clément VII ở Avignon, còn phe Burgundy được sự ủng hộ của giáo chủ Urbain VI ở Roma (người tiền nhiệm của Gregorius XII).

Sau khi Công tước Louis I de Orléans bị ám sát năm 1407, Paris bị kiểm soát bởi Jean I de Burgundy, và nội chiến quy mô lớn bùng phát. Sau nhiều cuộc chiến, song phương lúc thắng lúc thua, nên đã cùng ký kết hòa ước vào năm 1412. Đến mùa xuân năm 1413, Jean I de Burgundy tiến hành một cuộc cải cách ở Paris, gây ra cuộc nổi loạn Cabochiens, với xu hướng hạn chế quyền lực của chế độ quân chủ, tăng cường quyền lực cho giới tư sản. Nhưng sự lạm dụng của phe Burgundy và Capochiens, nhất là các cuộc thảm sát, đã khiến dân chúng bất mãn và nổi loạn. Khi bị đàn áp, họ đã kêu gọi phe Armagnacs về giải cứu Paris. Đến năm 1414, phe Armagnacs giành lại được quyền kiểm soát Paris và Công tước Burgundy bị đuổi chạy về vùng đông bắc. Đến lúc này, người Anh bắt đầu can thiệp giúp đồng minh của họ. Mọi người ai cũng biết chiến tranh giữa Anh Cách Lan và Pháp Lan Tây chắc chắn sẽ tái diễn.

Trong hoàn cảnh đó, lão quản gia Ferdinand Caracciolo vội khẩn cấp chinh binh, tuyển mộ nông dân từ các lĩnh địa của nhà Anjou, trước mắt là ở Provence, tổ chức thành quân đội, khẩn trương huấn luyện chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sắp tới. Nhà Anjou tuy không tham gia vào cuộc nội chiến, nhưng vẫn phải chống lại sự xâm chiếm của Anh Cách Lan, bởi các lĩnh địa Anjou và Maine nằm không xa Paris. Ngoài ra, lão còn gửi 1.000 người sang Sinai nhờ Hồng Long phân hạm đội giúp huấn luyện thành thủy thủ, để tương lai có thể phục vụ ở hạm đội Angers.

Nhận được tin báo, Louis II de Anjou cũng cử Công tước phu nhân Yolande de Aragon và René đến Provence chủ trì đại cuộc. Một vạn quân đội là một lực lượng rất đáng kể, nhất là trong hoàn cảnh lúc này. Do các xứ Napoli sẽ do Louis III, lúc này là Long nhi, giải quyết nên nhà Anjou có thể rảnh tay lo việc trong nước. Người dân Pháp Lan Tây đã quá mệt mỏi với sự tranh giành quyền lực của hai phe Armagnacs và Burgundy.

Trụ sở Ái Mộ Hội :

http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=46940

[Lịch sử] Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 86 : CÔNG ĐỒNG CONSTANCE

Trong lúc ở Pháp Lan Tây, nhà Anjou đang lo chỉnh bị binh mã, chuẩn bị cho chiến tranh, thì cũng cùng lúc này, Công đồng của Giáo hội Công giáo La Mã đã nhóm họp ở Constance, một thành thị miền nam nước Đức, từ ngày 16 tháng 11 năm 1414, với sự tham dự của 29 hồng y, 200 giám mục, 100 đan viện phụ, 300 nhà thần học và giáo luật, khoảng 8.000 giáo sĩ, Hoàng đế Sigismund của Đế quốc La Mã Thần Thánh dân tộc Đức (thường được gọi tắt là Đế quốc La – Đức) cùng 1.000 kỵ binh, nhiều quân vương, công tước, bá tước cũng có mặt. Thêm vào đó 7 vạn giáo dân các nơi cũng kéo về Constance tham dự. Mọi người đều hy vọng Công đồng có thể kết thúc được cuộc ly giáo đã kéo dài mấy chục năm qua.

Nguồn gốc của cuộc ly giáo có nguyên nhân sâu xa từ thời kỳ “cuộc lưu đày Avignon”. Đức Cha Bonifacio VIII (1294 – 1303) đã cố gắng củng cố một quyền tối thượng về cả thế tục và tôn giáo cho Giáo hội. Chính sách đó đã gây ra xung đội với các quân vương của Âu châu, chủ yếu là với Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức và quốc vương Pháp Lan Tây. Phản ứng lại với hành động của Giáo hội, quốc vương Philippe IV de France đã tấn công nước của Đức Cha (Papal of States), Bonifacio VIII vì tức giận mà qua đời. Trong khi Benedict XI được bầu lên kế vị thì Philippe IV de France công khai tuyên bố Bonifacio VIII là “dị giáo, mua bán đồ thánh, ma thuật và nô lệ của quỷ dữ”. Cùng lúc đó thì giới quý tộc La Mã lại tấn công lẫn nhau làm cho giáo đô Roma hỗn loạn. Benedict XI không can thiệp được và qua đời chỉ sau 8 tháng lên ngôi. Sau đó thì Clemente V người Pháp được bầu lên ở Lyon, và từ chối trở về Roma. Đến năm 1309, Đức Cha Clemente V chọn Avignon làm giáo đô mới. Có 7 vị Đức Cha đã trị vì tại đây, tất cả đều là người Pháp, và đương nhiên chịu ảnh hưởng của triều đình Pháp Lan Tây. Một số vị sau đó cố gắng để có thể quay về Roma, nhưng mãi đến năm 1376, dưới thời Gregorius XI mới thành công. Khi Gregorius XI qua đời năm 1378, người dân Roma nổi loạn đòi phải bầu ra một vị Đức Cha người Roma. Các hồng y vì lo sợ đám đông, đã bầu một vị giám mục người Napoli lên ngôi, tức là Urbano VI. Nhưng vì Ngài đa nghi, độc đoán và dễ nổi nóng nên các hồng y bất mãn, quay trở về Avignon bầu Clemente VI lên ngôi. Thế là Giáo hội có đến 2 vị Đức Cha. Các xứ Pháp Lan Tây, Aragon, Castile và León, Cyprus, Burgundy, Savoy, Napoli, Sicily và Tô Cách Lan ủng hộ Clemente VI ở Avignon. Còn các xứ Đan Mạch, Anh Cách Lan, Flanders, Đế quốc La – Đức, Hungary, bắc Italy, Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển thừa nhận Urbano VI ở Roma. Đến năm 1409, một số hồng y họp Công đồng ở Pisa, bầu lên vị Đức Cha thứ ba, Alexander V. Ba người đều tuyên bố mình là chính thống. Cho đến lúc này, có Gregorius XII (Urbano VI truyền cho Bonifacio IX, rồi đến Innocento VII và Gregocius XII) thường được gọi là Đức Cha La Mã, Benedict XIII (kế vị từ Clemente VII) được gọi là Đức Cha Avignon và John XXIII (kế vị từ Alexander V) được gọi là Đức Cha Pisa. Các vị quân vương, quý tộc và cả giáo dân đều mong muốn tình trạng ly giáo sớm chấm dứt. Giải pháp được ủng hộ nhiều nhất là cả 3 vị cùng thoái vị, để Công đồng bầu ra người mới.

Các phiên họp diễn ra trong thánh đường chính tòa Constance, do Đức Cha John XXIII ngồi ghế chủ tọa, với chương trình nghị sự gồm 3 điểm chính :

1. Tái lập sự thống nhất của Giáo hội Công giáo La Mã.

2. Chống dị giáo, kết án tử hình John Wiclif và Jean Huss (hỏa thiêu Jean Huss vào năm 1415). Trong bối cảnh ba vị Đức Cha (Papal), Jean Huss đã không coi Giáo hội cơ chế là Giáo hội thực. Bị kết án, nhưng ông vẫn được dân Boheme ủng hộ. Jean Huss mạnh dạn đến Công đồng Constancia, chứng minh ý kiến mình có căn bản Phúc Âm. Khi bị bắt giam, ông viết thư tự nhận mình tử đạo cho chân lý. Sự hỏa thiêu Jean Huss đã gây ra nội chiến nhiều thập niên, vì ngay khi đó, có 450 lĩnh chủ viết thư bênh vực ông là người chính thống về giáo lý. Nội chiến chỉ kết thúc khi tư tưởng của Jean Huss được Đế quốc La – Đức công nhận.

3. Cải cách Giáo hội : Công đồng tuyên bố “Quyền tối thượng thuộc về Công đồng” là hợp với đạo lý của Giáo hội (trước đây thì Quyền tối thượng thuộc về Đức Cha). Cuộc cải cách này gần giống với sự chuyển đổi từ chế độ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến.

Trong lúc cuộc hỏa thiêu Jean Huss đang làm xôn xao cả Âu châu thì Giám mục Trento George I thay mặt Đức Cha Gregorius XII đến mật đàm với các hồng y lãnh đạo của Công đồng. Đến chiều ngày 20 tháng 3 năm 1415, biết tin về cuộc mật đàm, John XXIII cảm thấy mình bị bỏ rơi, liền rời bỏ Constance. Việc này làm mọi người xôn xao, nhưng nhờ sự khéo léo và uy tín của Hoàng đế La – Đức Sigismund và nhiều vị hồng y khác mà Công đồng vẫn tiếp tục.

Sau nhiều phiên mật đàm, song phương đạt được thỏa thuận : Đức Cha Gregorius XII đồng ý thoái vị, Công đồng Constance đồng ý giữ lại tất cả các hồng y do Gregorius XII bổ nhiệm, và cử Ngài làm Giám mục Frascati, hiệu trưởng của Sacred College of Cardinals và thừa kế vĩnh viễn ở Ancona.

Ngày 29 tháng 5, Công đồng chính thức phế truất John XXIII.

Ngày 1 tháng 6, Trị an ty Chính sứ tỉnh Jerusalem của Thần Thánh Đế quốc là Dương Nghĩa thống suất 5.000 kỵ binh đổ bộ lên Provence (một lĩnh địa của nhà Anjou ở đông nam Pháp Lan Tây, bên bờ Địa Trung Hải), sau đó vượt qua Milan, Thụy Sĩ, đến đầu tháng 7 thì tiến vào Constance. Ngày 4 tháng 7, Dương Nghĩa cùng với 2 đại diện của Gregorius XII là hồng y Giovanni Dominici và Công tước Caroli Malatesta tham dự phiên họp thứ 14 của Công đồng. Sự có mặt của Dương Nghĩa cùng 5.000 kỵ binh đã làm giảm phần nào ảnh hưởng của Hoàng đế La – Đức Sigismund đối với Công đồng. Trong phiên họp, Công tước Caroli Malatesta đã thay mặt Đức Gregorius XII đọc diễn văn thoái vị. Sau đó, Công đồng lại tuyên bố phế truất Benedict XIII và cuộc ly giáo kết thúc. Tuy vậy, Công đồng vẫn tôn trọng Đức Gregorius XIII bằng cách chưa bầu ngay Đức Cha mới. Theo kế hoạch, Công đồng sẽ vẫn còn họp cho đến năm 1418, và sẽ bầu trước khi bế mạc.

Dương Nghĩa chỉ ở lại dự đến giữa tháng 7, sau đó rời Constance quay về Jerusalem, chỉ để lại đại diện của 4 cộng đồng hiện đang quản lý thánh địa.

Cuộc họp của Công đồng Constance đang thu hút sự chú ý của toàn Âu châu thì cuộc đại chiến mà mọi người chờ đợi sau gần một năm uân nhưỡng cuối cùng cũng đã bùng nổ.

Ngày 13 tháng 8 năm 1415 (Tây Lịch), quốc vương Anh Cách Lan Henry V of England đã suất lĩnh 12.000 quân đổ bộ vào vùng duyên hải phía bắc Pháp Lan Tây, tấn công thành phố cảng Harfleur. Tuy vậy, quân Pháp ở đấy đã chống cự rất ngoan cường, nhiều lần đẩy lùi quân Anh, khiến cho quân Anh không thể đánh nhanh thắng nhanh như dự kiến. Điều đó cũng có nghĩa là kế hoạch chiến tranh của Henry V of England đã đổ vỡ, và quân Anh lỡ mất cơ hội tiến thẳng vào Paris. Đến ngày 22 tháng 9, thành phố mới đầu hàng, và quân Anh đóng lại đó cho đến tháng 10. Sau trận này, quân Anh tử trận rất nhiều, chỉ còn lại khoảng 9.000, và Henry V of England quyết định chuyển đến thành phố cảng Calais, nơi mà bọn họ có thể tìm thấy những trang bị cho mùa đông.

Khi quân Anh đang bao vây Harfleur, quân Pháp đã tập hợp quân cứu viện, nhưng chỉ có được chưa đến 9.000 quân nên không thể cứu viện kịp thời. Triều đình Pháp Lan Tây đành kêu gọi các lĩnh chủ quý tộc đưa tư quân gia nhập quân đội. Khi đã tập hợp được 36.000 người, quân Pháp mới tiến lên phía bắc. Ngày 24 tháng 10, song phương gặp nhau tại Agincourt.

Quân Anh lúc này chỉ còn lại 8.500 người, thức ăn còn lại rất ít, đã hành quân 260 dặm Anh trong vòng 2 tuần rưỡi, và nhiều người bị bệnh kiết lỵ. Trong khi quân Pháp đông đến 36.000 người, và có khoảng 10.000 hiệp sĩ, 12.000 cung thủ. Chiến trường là dải đất hẹp nằm giữa các khu rừng Tramecourt và Agincourt. Quân Pháp trấn giữ phía bắc, ngăn không cho quân Anh đi đến Calais.

Sáng sớm ngày 25, Henry V of England đã triển khai quân đội thành 3 đạo, với 1.500 trường thương binh, và 7.000 trường cung binh. Đạo tiên phong do Công tước xứ York chỉ huy, đạo trung quân do đích thân Henry V chỉ huy, còn hậu đội do lĩnh chủ Camoys thống lĩnh. Ngoài ra còn có Sir Thomas Erpingham, hiệp sĩ hoàng gia nhiều kinh nghiệm chỉ huy các cung thủ ở hai bên bìa rừng. Do tình hình bất lợi, người Anh đã cầu nguyện trước cuộc chiến, hy vọng sẽ tránh được hình phạt ở địa ngục nếu tử trận.

Ngược lại, với lực lượng đông hơn gấp 4 lần, trang bị tốt hơn và có nhiều kỵ binh, người Pháp tin tưởng rằng bọn họ sẽ chiến thắng dễ dàng. Quân Pháp cũng chia làm 3 đạo. Đạo đầu tiên được chỉ huy bởi Charles de Albret, Marshal Boucicault, Công tước xứ Orléans và Bourbon, cùng với đội kỵ binh của Bá tước xứ Vendome và Hiệp sĩ Clignet de Brebant. Đạo thứ hai được chỉ huy bởi Công tước xứ Bar và Alencon, cùng với Bá tước của Nevers. Đạo thứ ba do Bá tước của Dammartin và Fauconberg chỉ huy. Người Pháp còn có khoảng 8.000 chiến xa hạng nặng. Trong quân Pháp có rất nhiều quý tộc và bọn họ đều rất hăng hái tham chiến.

Trụ sở Ái Mộ Hội :

http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=46940

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: