chương 3


  Một chú chó Bi Bi nhỏ từ nhà sau chạy ra, chú ve vẩy chiếc đuôi ngắn xù lông của nó trước mặt mọi người, theo sau là cô chủ Như Bình của nó. Như Bình là con gái lớn của dì Tuyết, lớn hơn tôi bốn tuổi, nhưng thuộc loại phụ nữ an phận. Nếu so với Mộng Bình, Như Bình có vẻ kém sút nhiều, cô ta không đẹp như em gái, không có vẻ sung mãn và thiếu tự tin hơn. Nhiều khi nói chuyện với khách Như Bình cứ lúng túng, thẹn thùng nói chẳng thành câu. Cô nàng lại không biết trang điểm và ăn mặc đúng cách nên dáng vẻ trông buồn cười làm sao. Lấy ví dụ ngay bây giờ, Như Bình đang mặc chiếc áo bông màu hành ta, nhưng lại mặc chiếc quần màu cà, trên cổ lại buộc chiếc khăn quàng sặc sỡ. Từ trong bước ra, trông cô nàng chẳng khác một cô đào cải lương đang làm tuồng. Có điều dù cho Như Bình có bê bối đi nữa, tôi vẫn thích cô ta hơn bất cứ nhân vật nào trong gia đình này, vì Như Bình có được một điều mà hầu như không có một người nào ở gia đình này có được đối với tôi, đó là sự thân mật dễ thương. Thấy tôi, Như Bình cười, rồi khẽ liếc về cha nói:

- Mọi người ở đây hết. Tôi không hay Y Bình đến, vì nãy giờ tôi ngủ trong phòng. Chà, lạnh quá.. Ủa, Y Bình, trời thế này mà vẫn mặc váy được sao? Tôi chắc chịu không nổi đâu, lạnh quá!

Như Bình ngồi xuống cạnh tôi, sau một cái ngáp dài, bàn tay cô ta tình cờ đặt lên chỗ bị dính bẩn ban nãy:

- Ủa... Đồ của Y Bình ướt hết rồi, vào trong lấy đồ của tôi thay đi!

- Không sao đâu, tôi về ngay mà.

Chú chó Bi Bi vẫy đuôi bước tới, nó cạ mõm nó vào chân tôi, tôi cúi xuống vuốt ve, tấm thân đầy lông mềm nằm ngoan ngoãn giữa hai ống chân tôi, Bi Bi ngước đôi mắt đen nháy lên yên lặng nhìn. Con chó trông thật dễ thương, tôi ao ước phải chi mình có một con chó như vậy để chăm nom.

- Bi Bi! Lại đây!

Nghe tiếng dì Tuyết gọi, Bi Bi thoát khỏi chân tôi chạy đi, dì Tuyết đưa tay sờ bộ lông ấm của nó, đột nhiên nói:

- Coi mày! Mới tắm mà lăn vào đâu để lấm đầy bùn thế này!

Tôi liếc dì Tuyết, lòng chợt dâng lên chút thù hận. Người đàn bà này lúc nào cũng tìm cách để ngạo báng tôi. Thật ra tôi khinh bà ta nhiều hơn là ghét. Một thứ đàn bà nhỏ nhen ích kỷ! Nhưng tôi vẫn yên lặng. Cha ngồi gọn trong ghế yên lặng hút thuốc, những làn khói mờ nhạt xuất hiện liên tục từ hai lỗ mũi của người. Chiếc mũi cao và thẳng. Theo lời mẹ thì thuở xưa cha đẹp trai lắm. Nhưng bây giờ người đã già, tóc và lông mi đã bạc, gương mặt dài ra, nhưng không làm mất đi vẻ bệ vệ ngày nào.

Cha ngồi trong ghế, mắt hướng về phía tôi và Như Bình. Bất giác tôi cảm thấy hình như người đang tìm kiếm một dấu tích gì trên thân tôi, tôi hơi khó chịu. Tôi đến đây, mục đích duy nhất là làm thế nào kiếm tiền đem về cho mẹ, chứ không mong mỏi gì khác.

Sau cùng tôi mở miệng:

- Thưa cha, mẹ bảo con đến xin tiền cha tháng này, tiền nhà đã hai tháng rồi chưa trả.

Cha đưa mắt lạnh lùng nhìn tôi, nụ cười thờ ơ hiện trên mép. Có phải người nhạo báng kiếp sống tầm gửi của chúng tôi không? Tôi chưa kịp phản ứng thì người đã quay sang dì Tuyết nói:

- Tuyết, có sẵn tiền bạc chưa?

Hỏi xong, ông lại quay sang tôi với đôi mắt tóe lửa:

- Tao nghĩ là nếu không vì đồng tiền, chắc chẳng bao giờ mày đến thăm tao cả.

Tôi cắn nhẹ môi, yên lặng nhìn chạ Cơn giận nhen nhúm trong lòng. ông còn đòi hỏi tôi phải làm sao hơn, khi sự liên hệ giữa ông và mẹ con tôi chỉ là mấy đồng tiền này không hơn không kém? Nếu không vì tiền tôi đến đây làm gì? Ở đây có ai ưa thích tôi đâu mà đến? Tình trạng mẹ con tôi hiện này là do ai tạo nên?

Dì Tuyết nhếch môi bảo Như Bình:

- Như Bình, mày vô tủ lấy một trăm ngàn ra đây cho tao.

Như Bình đứng lên vào trong lấy tiền. Tôi quýnh lên, số tiền đó quá ít so với những đòi hỏi của chúng tôi. Tôi vội hỏi:

- Thưa cha, tiền nhà hai tháng đã không đóng rồi, kỳ này không đóng nữa không được. Vả lại, trời đã nhuốm lạnh, mẹ và con cần phải mua áo ấm... Tết sắp đến mà mẹ chỉ có độc nhất một chiếc lụa, con cũng cần may thêm một ít. Nếu cha thấy không có gì quá đáng xin cha cho thêm ít nhiều.

Tôi nói xong chợt nghĩ đến những lời ăn mày vừa rồi mà mặt bừng đỏ. Cha hỏi, tôi lấy hết can đảm còn thừa trong người ra đáp. Da... khoảng hai trăm ngàn... Dì Tuyết chen vào với nụ cười ngạo mạn:

- Y Bình, có lẽ cô có bạn trai rồi chứ gì?

Tôi hơi ngạc nhiên, không hiểu rõ ý bà ta muốn gì. Dì Tuyết tiếp:

- Có bạn trai mới thích ăn mặc đẹp, chứ con Như Bình đó, suốt năm mặc có chiếc áo bông sắp rách rồi mà có đòi may thêm đâu. Đầu năm may áo mới cũng đâu có gì đáng nói, nhưng gia đình nào cũng có cái khổ riêng của nó, ở đây không giống như đằng mẹ cô, chỉ có hai người, muốn tiền có tiền, muốn áo có áo, mà ở đây còn thêm bốn miệng ăn nữa. Con Như Bình lớn nhất nên phải chịu thiệt thòi, may là không có bạn trai nên nó cũng không đòi hỏi gì nhiều, bằng không thì...

Tôi nghĩ đôi khi cái nhìn của ta cũng đủ khiến cho họ ngượng rồi, quả nhiên, dưới mắt của tôi, nụ cười trên môi bà ta biến mất và thay vào đó là nét giận dữ, bực tức. Cái nhìn của tôi đã đạt được kết quả. Tôi quay nhìn cha, người khó chịu ra mặt. Tôi hỏi:

- Thưa cha có được không ạ?

Cha ngẩng đầu lên:

- Bộ mày tưởng mày muốn lấy hai trăm ngàn ngay để cho mày là dễ lắm à?

Tôi không suy nghĩ gì cả nói ngay:

- Con không nghĩ thế, nhưng con nghĩ cha có thể bỏ ra cả trăm ngàn để mua cho Kiệt chiếc xe đạp mới toanh thì chắc lấy ra hai trăm cho mẹ con chắc cũng không đến nỗi nào khó khăn lắm!

Vừa nói xong, nhìn đôi mày chau lại của cha tôi biết mình đã đi sai nước cờ lần này kết quả coi bộ không như ý mẹ con tôi mong rồi.

- Thế mày tưởng mày có quyền xài tiền tao à? Tao muốn cho ai cái gì là tao cho, không có ai đòi hỏi, kêu ca gì cả.

Gương mặt giận dữ của dì Tuyết trở lại tươi tắn, thằng Kiệt nín khóc hồi nào không rõ. Tôi nuốt ực nước bọt xuống cổ, định chuộc lại lỗi lầm:

- Cha, còn tiền nhà tháng này. Không đóng họ đuổi. Không lẽ cha nỡ để cho mẹ con con phải chịu cảnh bơ vở

- Nhưng tháng này không có dư tiền, mày cầm đỡ một trăm đi, rồi gần tết tới lấy sau.

Tôi nói hấp tấp trong cơn giận:

- Mẹ con với con không thể ngồi đợi đến cận tết được, trừ trường hợp bịt miệng lại nhịn ăn.

Cha cau có:

- Tao không cần biết! Bây giờ tao không có tiền, tao chỉ có một trăm thôi. Chỉ có hai mẹ con phải tiện tặn chớ, lấy tiền nhiều quá để làm gì?

Dì Tuyết đột nhiên cười lớn, liếc tôi nói:

- Thế nữ trang của mẹ cô đâu? Để dành cho cô lấy chồng à? Mấy năm nay có lẽ mẹ cô để dành được một ít rồi, tôi biết bà ấy mà, bà ấy đâu cần phải làm gì, còn tôi, tôi phải làm hàm mới có nhai.

Tôi trừng dì Tuyết, tôi không hiểu tại sao một người như cha lại không thể nhìn ra cái khốn nạn và mất dạy của dì. Cố ngăn bao nhiêu cơn bực tức trong lòng xuống, tôi nói:

- Tôi đâu có được phúc lớn như Mộng Bình và Như Bình đâu, nếu nhà còn cái gì đáng giá bán được, có lẽ tôi đã không cần phải đến đây ngửa tay ra xin xỏ thế nàỵ

Dì Tuyết vẫn giữ nụ cười nham hiểm:

- Đó xem nó lanh không? Hèn gì mẹ cô chẳng sai cô đến đây đòi nợ. Nói mà tội, chắc khi cha cô không còn tiền cho mẹ cô, cô dám bảo là bị người ta bỏ bê mẹ con cô lắm à.

Như Bình từ trong bước ra, mang theo xấp giấy bạc trao cho dì Tuyết, rồi đến ngồi bên cạnh tôị Tôi không ghét Như Bình, nhưng hôm nay bỗng nhiên tôi thấy khó chịu làm sao ấy, nhất là khi nhìn thấy chiếc nhẫn hột xoàn màu lục trên ngón tay thon đang lấp lánh dưới ánh đèn. Đẹp và sang thật! Trong khi tôi lại xin xỏ từng ngàn bạc.

Dì Tuyết trao xấp giấy bạc cho cha, miệng châm vào:

- Này anh đưa cho nó đi. Tôi thấy có vẻ nó không muốn lấy rồi đấy!

Cha nhìn tôi với ánh mắt đe dọa:

- Sao lấy không?

Tôi cố dằn cơn giận xuống, hôm nay phải cố gắng xin được đủ tiền về cho mẹ, hàng việc cần tiền đang đợi ở nhà.

- Cha! Cha làm ơn cho con thêm. Đóng tiền nhà ít nhất cũng gần năm chục ngàn đồng rồi!

Cha trợn mắt:

- Mày nói thêm chẳng ích lợi gì, tao nói một trăm là một trăm, lấy thì lấy không lấy thì thôi, tao không ở không để cãi lý với màỵ

- Cha!

Tôi kêu lên mà nghẹn lời:

- Không có tiền đóng tiền nhà rồi con với mẹ ở đâu. Cha là cha con, con mới đến đây xin chứ con có dám cãi gì đâu!

Cha tôi cao giọng lên:

- Tao là cha mày, nhưng đâu phải là con nợ mà đòi hoài. Nếu là con nợ đi nữa, cũng chưa chắc gặp một chủ nợ dai như màỵ Tiền tao cũng phải làm ra mới có chứ đâu phải ảo thuật rồi được đu?ủ Một trăm đó, lấy thì lấy, không lấy thì về đi, tao không có đủ thời giờ để nghe mày lải nhải nữa! Mày chẳng khác mẹ mày tí nào, chỉ giỏi tài lải nhải, bực mình!

Tôi đứng bật lên khỏi ghế, máu nóng dồn lên mặt, cơn giận đè nén lâu ngày đã bùng nổ. Tôi trừng mắt nhìn mọi người, nhìn cả người đàn ông tôi phải gọi bằng chạ Không cần lưu ý gì nữa, tôi nói thẳng:

- Tôi đến đây không phải ăn xin, ông là cha tôi ông phải có trách nhiệm nuôi dưỡng tôị Nếu ngày xưa, ông đừng lợi dụng quyền lực ép uổng mẹ tôi làm vợ, thì đâu có tôi, thì đâu có kẻ đáng ghét thế này và tôi đâu phải khổ.

Giọng nói thật to, lời nói như dòng thác tuôn trào ngay chính tôi cũng ngạc nhiên. Tôi dám đương đầu với cha à? Một con người chưa bị ai làm nhục, thế mà... Cha tôi ngồi thẳng lưng lại, dọc tẩu rời khỏi môi, đặt lên kỷ trà. Đôi mắt tóe lửa nhìn thẳng vào tôị Hai hàng lông mi thật đậm đang chau lại, miệng hậm hự, hơi thở nặng nề. Gian phòng rơi vào bầu không khó ngột ngạt khó thở. Cha không nói gì nhưng bàn tay nắm chặt trên thành ghế của người đã nổi gân xanh. Tôi biết rằng mình đã làm người giận.

- Mày nói thế là sao?

Hình như Như Bình đang kéo nhẹ lai áo tôi, như muốn khuyên tôi chạy tộị Mộng Bình nằm dài trên ghế trố mắt nhìn. Tôi hơi hoảng, tiếng quát của cha lặp lại:

- Nói mau, mày nói thế là sao chứ?

Tôi giật mình, nhưng khi thấy dì Tuyết ngồi tựa lưng cười đắc ý và thằng Kiệt nằm trong lòng bà ta trố mắt nhìn cơn giận lại trở về. Tôi quên cả sợ hãi, quên cả người đang đứng trước mặt tôi đã một thời làm vua một cõi. Quên cả lời dặn dò của mẹ, tôi chỉ biết mình cần phải nói, phải trút hết bao nhiêu uất ức dồn nén từ bao nhiêu lâu nay:

- Con không có ý gì cả, con chỉ tiếc là mình đầu thai không đúng chỗ, tại sao tôi phải làm con của Lục Chấn Hoa chứ? Nếu tôi đầu thai lên gia đình khác thì tôi đâu phải ngửa tay xin tiền bố như kẻ ăn xin thế nàỵ Thú vật nó còn biết chăm sóc con nó, còn tôi, tôi có cha như không! Thưa cha, giả sử với con, cha chẳng có chút tình nghĩa nào đi, nhưng còn mẹ? Người cha đã từng yêu quý, đã từng trăm phương ngàn sách để chiếm đoạt, không lẽ cha cũng có thể để chết đói không màng sao?

Cha đứng dậy, chiếc dọc tẩu rơi xuống ghế, đôi mắt trừng trừng nhìn tôi. Cơn giận làm những sợi gân xanh trên mặt hiện rõ, ông lừ lừ tiến tới nói:

- Mày là giống gì mà dám hỗn láo với tao như thế chứ? Sáu mươi tám năm nay rồi, chưa một ai dám láo với tao như vậy. Kiệt đâu, vào lấy sợi dây thừng cho tao xem!

Bản năng khiến tôi lùi ra sau một bước, nhưng chiếc ghế đã cản chân tôi lại, tôi chỉ còn biết đứng đấy. Thằng Kiệt có vẻ thích thú, nó chạy nhanh vào trong... Tôi không hiểu cha định làm gì tôi, trói tôi chết à? Nỗi lo sợ nhen nhúm trong lòng. Như Bình cũng đang lo sợ cho tôi, nàng run rẩy làm chiếc ghế cũng run theo. Điều đó khiến tôi mất bình tĩnh, nhưng cơn giận đã giữ chân tôi lại. Kiệt đã mang dây ra, cha cầm lấy, tiến tới sát người tôi. Nhìn hình ảnh đó, tôi càng giận dữ, quát to:

- ông không có quyền đụng đến tôi, ông không đủ tư cách để làm chuyện đó. Bao năm rồi ông đã đuổi mẹ con tôi ra khỏi gia đình này, ông đã không làm tròn trách nhiệm làm cha của ông thì ông không có quyền!

- Vậy hả?

Cha tôi nghiến răng nói, sợi dây được quấn quanh tay ông mấy vòng, đưa lên cao, ông tiếp tục:

- Thử xem tao có quyền đánh mày không thì biết.

Vừa nói ông vừa quất mạnh sợi dây lên đầu tôi. Như Bình nhảy nhỏm lên, chạy trốn phía sau Mộng Bình. Bản năng khiến tôi né sang bên, đợi roi rơi ngay trên lưng tôi, nhờ chiếc áo khoác bên ngoài hơi dầy nên tôi cũng không đau lắm. Cơn giận sôi ngùn ngụt, tôi hét:

- ông là quỷ, một thứ quỷ không có nhân tính. ông cứ đánh tôi đi, tôi không né tránh đâu, nhưng tôi sẽ nhớ, nhớ mãi... và một ngày nào đó tôi thề sẽ trả thù, trời sẽ phạt ông để ông gặp báo ứng!

- Mày muốn báo thù tao cho mày báo thù. Hôm nay tao đập cho mày chết luôn cho hết dám láo với tao.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top