[ Hạ ] Tình này ôn lại còn thương cảm

 "Tình này ôn lại còn thương cảm

           Một thuở đau lòng chữ nợ duyên."(1)

Ta chậm rãi bước lên những bậc thang dẫn đến cửa chính Hàn Thủy Tự, trong lòng thầm nghĩ liệu rằng nhiều năm về trước, có phải y từng hằng ngày nhặt củi trở về theo lối này hay không? Vào đến sân chùa, ta đảo mắt nhìn một lượt, khắp nơi cơ hồ đều lưu lại dáng hình y thuở thiếu thời. Cây cổ thụ bên góc tường phải chăng từng có người trèo lên ngồi đón gió. Mấy cái nia tre đặt trên sạp gỗ y cũng từng để phơi dược liệu? Nghĩ đến đây bỗng tự cười mình, thời gian ngần ấy, thương hải tang điền(2), sao còn mong người xưa chốn cũ có thể mãi mãi giữ nguyên dáng vẻ ban đầu?

Ta tiến vào chính điện, thắp hương lễ bái chư Phật rồi đến cầu kiến Vô Thiền đại sư nay đã là trụ trì của Hàn Thủy Tự. Vô Thiền mời ta ngồi lại dùng một chén thiền trà, sau khi hàn huyên mấy câu, ta chắp tay, cúi đầu nói:

- "Thật không dám giấu, Tiêu Sắt hôm nay đến thăm, ngoài lòng bái Phật còn có một vấn đề mong được đại sư chỉ giáo."

Người kia chắp tay đáp lễ: "Xin thí chủ cứ nói, bần tăng nguyện ý lắng nghe."

Ta trước bái tạ sau mới tỏ bày:

- "Từng nghe muôn sự tan hợp ở đời đều là do duyên phận. Vậy xin hỏi duyên đến từ đâu, bản chất ra sao?"

- "Duyên phận do trời định, trong mệnh đã có an bài, không thể cưỡng cầu, không thể né tránh."

- "Hữu duyên là khi nào?"

- "Gặp nhau, quen nhau giữa biển người mênh mông chính là duyên, lưu lạc giữa hồng trần lại không quên lãng chính là duyên."(3)

- "Duyên sâu hay cạn liệu có thể vì nhân tình mà cải biến?"

- "Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu.(4)Vậy nên Phật dạy: "Tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên". Duyên đến nên quý, duyên hết nên buông. Tuy vuông mà tròn, thử hỏi chỗ nào không tự tại?"

- "Kiến giải của đại sự thật đúng đắn, tại hạ thụ giáo."

Đành rằng hữu thủy vô chung(5), nay tìm kiếm người ở khắp cõi hồng trần nhưng hoài chẳng biết cố nhân tại phương nào? Lời này giữ lại trong lòng, biểu hiện sau câu nói chỉ là tiếng thở dài rất khẽ.

Lúc đưa ta rời khỏi thiền phòng, Vô Thiền chợt cất lời:

- "Nhiều năm như vậy rồi, thật khiến lòng người hoài niệm.", đoạn hướng mắt về phía Phật điện, chắp tay ôn tồn nói: "Bần tăng biết người thí chủ muốn gặp là ai nhưng ta chỉ có thể nói với ngài, sư đệ mười mấy năm trước ly khai Hàn Thủy Tự, từ đó bặt vô âm tín, không thấy trở về. Còn vị tông chủ ở phương xa, cách đây nửa năm quả thật cũng đã lâm bệnh, viên tịch. Cho đến hôm nay, người sống duy nhất là một hòa thượng ngày ngày ở dưới gốc bồ đề quét lá, niệm kinh mà thôi."

Sau cuộc trò chuyện với Vô Thiền, ta thẩn thờ lê bước qua dãy hành lang chạy dọc các sảnh điện. Trong lòng suy tưởng miên man, không biết là vui hay buồn. Tựa như ngàn nước trôi về biển cả, tựa như cỏ cây ươm mầm giữa đất trời. Cứ thế chẳng rõ đã đi bao lâu đến khi bước chân dừng lại trước một thiền viện nhỏ. Qua nguyệt môn(6)nhìn vào khoảng sân, nơi có cây bồ đề trăm tuổi tỏa cành lá che rợp cả một vùng. Bên dưới gốc cây ấy còn có một người khoác áo đạm thanh(7)đang chậm rãi quét dọn những đám lá khô rơi trên mặt đất. Trong giây lát, y dừng tay, quay đầu nhìn về hướng vị khách vừa mới đến. Thời khắc này, ta tưởng chừng lại thấy được dáng vẻ của thiếu niên năm đó. Người đứng giữa sân im lặng, mà đôi mắt ấy nhìn ta tựa như có ngàn vạn lời muốn nói...

-------------------------------------

[ Đoạn kết ]  

Mười chín năm trước, Tiêu Sở Hà và Diệp An Thế quả thật vô duyên. Còn Tiêu Sắt và Vô Tâm lại là hữu duyên vô phận.

Mười chín năm sau, ta và người cửu biệt trùng phùng. 

Một kiếp trần ai, đến đây xem như đã được viên mãn.

-------------------------------------

*Chú thích:

(1) "Cẩm sắt" – Lý Thương Ẩn, bản dịch thơ của Vương Thanh

(2) Ý nói thế sự đổi thay, khiến lòng người nuối tiếc, ngậm ngùi

(3) Trích "Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất" - Bạch Lạc Mai

(4) Ý nói điều đã được sắp đặt sẵn ắt sẽ đến đúng thời điểm, bằng ngược lại thì không ai có thể làm nó xảy ra, vậy cần gì phải cố sức để thay đổi nó?

(5) Nghĩa là có bắt đầu nhưng không có kết thúc, đối lại với "hữu thủy hữu chung". Ở đây chỉ sự dang dở.

(6) Nguyệt môn: là một loại hình cửa đi lại đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa. Đây là một bức tường trong khu vườn hoặc trong nhà mà có một lối đi có dạng hình tròn giống như hình Mặt Trăng tròn, loại cửa này không có chức năng đóng mở, chủ yếu dùng để trang trí.

(7) Đạm thanh: màu xanh nhạt

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top