Chương 3: Hầm mộ 56 Thung lũng Vương Gia


Hôm nay, Carol cùng bạn bè đi thực tế khu vực đền Abu Simbel (tức đền thờ Pharaoh Ramesses II) (1). Hít thở một hồi, giáo sư Brown thao thao bất tuyệt về sự vĩ đại của Ramesses II khi từ chức vị tướng quân nhảy cái vèo lên ngôi hoàng đế:

"Các em biết không? Ramesses II đã cho xây dựng nhiều công trình dọc theo sông Nile để ghi lại những chiến công của mình, trong đó nổi tiếng nhất là đền Abu Simbel, tức là chỗ các em đang đứng bây giờ. Ngôi đền này được khởi công xây dựng ngay khi triều đại của ngài bắt đầu và hoàn tất trong khoảng thời gian 24 năm. Nơi đây thờ thờ 3 vị thần quan trọng bảo hộ nhà nước Ai Cập, Amun-Re, Ptah và Re-Horakhty và chính bản bản thân Ramesses II cũng có tượng thờ trong đó..."

Vừa giảng bài, ông vừa xúc động:

"Các em là những người hạnh phúc vì vừa được xem, vừa được sờ vào lịch sử cả một nền văn minh. Chả bù cho các thầy ngày xưa, chỉ được học qua khách vở khô khan..."

Có lẽ để chứng minh mình xuất thân từ cái lò của chủ nghĩa kinh viện mà giáo sư Brown luôn đóng bộ complet bất chấp nhiệt độ đang nóng dần lên khiến lũ học trò vừa mệt mỏi vừa toát mồ hôi đốc thúc thầy dạy cho nhanh để còn đi quan sát. Tằng hắng mấy cái, giáo sư Brown giảng tiếp:

"Trong thập niên 1960, Abu Simbel được UNESCO trợ giúp để thoát khỏi mối đe dọa do công trình xây dựng đập Aswan gây ra. Từ năm 1964 đến 1968 cả hai ngôi đền Abu Simbel được tháo dỡ và lắp ráp lại trên độ cao 65m so với địa điểm ban đầu. Khi người ta chạm trổ đền từ đá rắn, họ phải cắt đá thành từng phiến dễ cầm: Đền lớn được cắt thành 807 tảng đá khổng lồ, mỗi tảng nặng trung bình 20 tấn. Những tảng này được lắp ráp trên một khung sườn bằng bêtông cốt thép bên trong một ngọn núi nhân tạo với chi phí khoảng 40 triệu USD..."

"Quả nhiên chẳng có gì khác với sách giáo khoa!" Carol nghĩ bụng. Cô quyết định đánh trống lãng bằng một câu hỏi về chữ tượng hình. Trong lúc thầy Brown say mê diễn thuyết, cô nàng lại đi sang phía bên hông của đền Abu Simbel chép lấy chép để đống chữ tượng hình. Chép chưa đủ phê, cô nàng móc chân vào thanh xà ngang treo ngược người chép tiếp.

Đang chép ngon lành thì thằng cháu nội James Brown (hay còn gọi thân mật là Jimmy) của giáo sư mò lại, hò hét nguy hiểm gì đấy và nắm lấy cái quần ngắn cũn cỡn của Carol kéo lên. Suýt chút nữa nguyên khoa khảo cổ được xem phim con heo... à không, màn thoát y vũ miễn phí của quý tiểu thư nhà Reed.

Tuy nhiên, Carol chưa kịp tức giận thì ông anh thứ hai đẹp trai-nhưng-cực kỳ-vô dụng Rody Reed xuất hiện, thông báo về một hầm mộ mới được khai quật nằm phía sau hầm 55 của vị Pharaoh cuồng cải cách tôn giáo Akhenaten. Tất cả sinh viên đều hào hứng muốn đi nhưng chỉ có 1 chiếc xe Jeep nên chỉ có Carol và hai ông cháu nhà Brown cùng lên xe với Rody tiến tới khu vực Thung lũng Vương Gia.

Thung Lũng Vương Gia còn gọi là Thung Lũng Cổng Vào Các Vị Vua nằm cận kề Thung Lũng Vương Hậu, là một khu lăng mộ, di tích khảo cổ cực kỳ nổi tiếng của Ai Cập. Bước sang thời kỳ Tân Vương Quốc, không biết có phải mấy vị pharaoh nhận ra việc xây dựng kim tự tháp chẳng những tốn kém mà còn có khi không kịp chôn cất nên đã nhanh chóng hướng về địa điểm mai táng mới là Thung Lũng Vương Gia (hay còn gọi là Thung Lũng Các Vị Vua).

Thời cổ đại, nơi đây mang tên "Ta-sekhet-aat" có nghĩa là Cánh đồng vĩ đại. Khu vực này được bao quanh bởi những ngọn núi như kim tự tháp với đỉnh nhọn được gọi Giác Sơn (el-Qurn). Địa thế hiểm trở, lượng mưa ít ỏi nhưng lũ quét xuất hiện thường xuyên khiến khu vực này suốt một thời gian dài tương đối yên ổn tránh khỏi sự dòm ngó của thiên hạ (trừ bọn trộm mộ). Nói là tàm tạm bình yên là bởi vì nó cũng được viếng thăm bởi người Hy Lạp và La Mã nhưng ngoài để lại lưu bút ngày xanh thì họ vẫn để cho các Pharaoh an giấc điệp. Thế nhưng sau đó, những vị linh mục, tu sĩ truyền giáo đổ đến kéo theo những nhà Ai Cập học và cả bước chân xâm lược của hoàng đế Napoleon nước Pháp đã khiến cho cả thung lũng không thể nào say ngủ được nữa.

Đến đầu thế kỷ XX, khi cái xác của hoàng đế Tutankhamun tại khu vực 62 được khai quật thì cơn sốt thám hiểm du lịch Ai Cập chính thức bắt đầu. Và thế là lần lượt các xác ướp bị lôi ra khỏi hầm mộ của mình bị xuất khẩu sang trời Tây, bị lột hết vải vóc quấn quanh trần trùng trục hay thậm chí cắt rời thân thể để nghiên cứu. Nhân danh khoa học, người ta có thể làm tất cả vì suy cho cùng, mấy vị Pharaoh ấy chẳng liên quan gì ráo đến huyết thống của mấy nhà khảo cổ học. Còn chuyện người này kẻ kia chết vì lời nguyền thì phải nói do họ xui xẻo khi đóng vai trò quân tiên phong làm gì.

Và điều đó càng chẳng ý nghĩa đối với các tỷ phú Mỹ vốn lắm tiền và thừa sức thể hiện lại mang trong mình tôn giáo khác. Điển hình là nhà Reed.

Một này nọ, khi đào bới sâu hơn vào lăng mộ của vị Pharaoh Akhenaton (vốn nổi tiếng về khoản cải cách tôn giáo từ đa thần sang đơn thần khiến tư tế bất mãn mà lật đổ), người ta phát hiện ra một lăng mộ bằng vàng với nhiều đồ vật quý giá của một Pharaoh trẻ tuổi. Phát hiện này khiến cho Ryan hào hứng để ngoài tai những lời khuyên của mấy công nhân mà kêu luôn em gái tới lăng mộ xem cho nóng bất chấp lúc ấy đám công nhân mới chỉ phát hiện cửa vào.

Đám công nhân nghèo khổ chỉ biết chép miệng, miễn không phải mình là người đầu tiên vào hầm là được. Họ chỉ cầu cho gia đình Reed được bình an vì mớ tiền công hậu hĩnh sắp được nhận mà thôi.

Phía xa xa, trên đỉnh núi, những hậu duệ mang trong người dòng máu Ai Cập thuần khiết không pha tạp (ấy là họ tự cho là thế) đang ra sức nguyền rủa:

"Bọn khốn nước ngoài đang phá giấc ngủ của hoàng đế. Nhưng chúng mày có vào cũng không ra được đâu. Bởi vì... ANUBIS (3) SẼ TRỪNG TRỊ KẺ NÀO PHÁ RỐI GIẤC NGỦ CỦA HOÀNG ĐẾ!"

-----------------------------------------

(1) Trang 10 bản truyện cũ của Kim Đồng có hình Abu Simbel

(2) Lý do tui chọn khu vực 56 ở Thung Lũng Vương Gia vì đây là căn phòng có thật ngoài đời bằng vàng khối nhưng không xác định được của Pharaoh thuộc niên đại nào, khá khớp với Memphis nhỉ?

(3) Nguyên văn là "thần chết sẽ trừng trị kẻ nào phá rối giấc ngủ của hoàng đế" nhưng nếu là người Ai Cập phát ngôn thì phải là Anubis mới đúng




Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: