Hồi ức chiến tranh...

   - Đoản này có thể sẽ khá nhàm chán. Nhưng mình mong rằng các bạn có thể đọc đến những dòng cuối cùng.

   - Khả năng có hạn, cần phải học hỏi thêm nhiều. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.

   
 

   
  
 

Chiến tranh... là thứ vô nghĩa nhất mà con người tạo ra.
  
   
   
  
  

   Khi tôi trở về từ chiến trường, thứ tôi nhận được không phải cờ hoa, không phải sự chào đón nồng nhiệt của người dân, không có sự tôn vinh dành cho những đứa con hy sinh xương máu cho Tổ quốc mà là sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, thậm chí ngay trong chính gia đình của mình, sự khinh bỉ và xa lánh của xã hội. Những người lính như chúng tôi giống như vật thừa thãi, là rác thải đáng ghê tởm. Bởi vì chúng tôi đã cầm súng, đã chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa.

   Tôi sinh ra và lớn lên tại một đất nước lấy dân chủ và tự do làm đầu. Chính vì vậy khi biết được ở phía bên kia địa cầu, tại một đất nước còn lạc hậu. Người dân ở đó không hề có quyền lợi, phải chịu áp bức của chế độ cũ, cuộc sống khó khăn đến cùng cực. Năm đó tôi hai mươi ba tuổi mới tốt nghiệp đại học. Nghe theo tiếng gọi của cái gọi là chính nghĩa, tôi hăng hái nhập ngũ. Ôm trong lòng niềm tin mình sẽ đến, chiến đấu, đem lại ánh sáng tự do cho những người dân khốn khổ kia. Ba năm chiến đấu. Dưới mưa bom bão đạn, dưới sự chống trả kịch liệt của người dân tại đó, tôi đã từng hoài nghi về những gì mà mình từng được nghe trước kia. Rốt cuộc thì trong cuộc chiến này phe nào mới đại diện cho chính nghĩa? Nhưng sự hoài nghi đó chưa đủ lớn để tôi tìm hiểu mục đích thật sự khi ở nơi này.

   Ngày 18 tháng 12 năm 1972 vào lúc chín giờ sáng, tôi cùng một số phi công khác nhận lệnh dùng máy bay thả bom xuống một số tọa độ đã định sẵn. Cấp trên nói đó là cứ điểm quân sự, nơi những người lính bên kia chiến tuyến đem người dân nơi này ra hành hạ, tra tấn,... sau đó đem toàn bộ tội lỗi đổ lên đầu chúng tôi, để người dân hiểu sai mục đích của chúng tôi. Trước đó việc rải bom này đã được thực hiện nhiều lần, trong nhiều ngày liên tiếp. Có nhiều máy bay đã bị bắn hạ, nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh. Nếu hạ được những cứ điểm này chúng tôi sẽ chiến thắng, cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc. Hôm đó tôi cầu nguyện trước Chúa, hy vọng người che chở và giúp đỡ cho chúng tôi.

   Khoảng mười chín giờ ba mươi phút, tôi lên máy bay lái đến tọa độ đã định. Đi cùng với tôi là năm đồng đội khác. Ngoài ra còn có thêm một số máy bay được chỉ định rải bom ở những tọa độ gần đó, một số khác đã xuất phát khoảng vài tiếng trước. Đúng hai mươi giờ, những quả bom đầu tiên được thả xuống theo lệnh của sở chỉ huy. Tôi không nhớ mình đã thả bao nhiêu quả bom trong ngày hôm đó. Quá nhiều... Ban đầu chúng tôi không gặp bất kỳ trở ngại nào từ đối phương. Nhưng khoảng mười phút sau, những người phía bên kia phản công dữ dội. Chiếc máy bay tôi lái bị trúng tên lửa, hư hỏng nặng. Có dấu hiệu mất lái và không điều khiển được. Tôi ra lệnh cho tất cả nhảy dù. Khi vừa nhảy ra khỏi máy bay thì nó phát nổ và rơi xuống. Còn tôi lơ lửng giữa trời rồi mắc kẹt trên một cây cổ thụ, may mắn chỉ trầy xước chút ít. Tảng sáng tôi bị bắt. Những người lính áo xanh băng bó rồi đưa tôi đi. Tôi cho rằng cuộc sống của tôi sẽ kết thúc tại đây. Họ sẽ hành hạ, sẽ róc da, xẻ thịt tôi, tra tấn tôi bằng những trò bẩn thỉu nhất. Nhưng không phải như vậy.

   Khi họ đưa tôi đi trên đường, những người dân xung quanh xông tới, ánh mắt rực lửa căm thù, phẫn nộ đến cực độ. Dường như họ muốn xé xác tôi ra ngay lập tức. Tôi nhớ đến lúc mới tới đây khi tôi đưa cho một đứa trẻ làng quê mặc quần áo bẩn thỉu rách rưới vài chiếc kẹo. Đứa bé đó cũng nhìn tôi bằng ánh mắt như vậy, ném những chiếc kẹo kia xuống đất và lấy chân dẫm lên chúng. Nó nhổ nước bọt vào tôi, nói những lời gắt gỏng. Một người phụ nữ lo lắng bế vội nó đi trước sự khó hiểu của tôi. Sau này khi tôi hiểu được ngôn ngữ nơi này tôi biết được đó là những lời mắng chửi thậm tệ nhất. Những người lính kia ra sức bảo vệ tôi tránh bị thương tổn. Khi đã lên xe, một người lính khá trẻ có gương mặt lạnh lùng, đôi mắt hạnh của người đó như xói sâu vào tôi khiến tôi nghẹt thở.

   - Tất cả những người dân khi nãy đều muốn giết anh. Ngay cả tôi cũng vậy. Nhưng tôi không thể làm thế. Nếu tôi làm vậy tôi cũng sẽ giống bọn các anh.
   Cậu ta nói bằng ngôn ngữ của đất nước chúng tôi, phát âm rất chuẩn và không ngắc ngứ. Tôi im lặng cúi gằm mặt xuống không nói gì. Tôi đã nghĩ rằng mình là kẻ thua trận, có ra sao thì tôi cũng sẽ đón nhận tất cả và tự hào vì mình đã đấu tranh cho chính nghĩa. Nhưng tôi đã tin lầm vào sự chính nghĩa được tuyên truyền rả rả trên báo chí và truyền hình.

...

..

.

   - Anh tên gì? Bao nhiêu tuổi?

   - Lam Hi Thần. 29 tuổi

   - Anh là người Trung Quốc sao?

   - Cha tôi là người Trung Quốc.

   - Vì sao anh nhập ngũ? Vì sao lại đến nơi này tham chiến?

   - Tôi muốn đấu tranh vì chính nghĩa, muốn đem dân chủ tới những vùng đất lạc hậu trong chế độ cũ.

   - Thứ chính nghĩa mà anh nói thật đáng ghê tởm.

...

..

.

   Tôi được chữa trị, sau đó bị giam giữ cũng những đồng đội khác. Chúng tôi an ủi lẫn và vực dậy tinh thần đang u uất, nặng nề. Ai cũng suy nghĩ xem thứ đợi chúng tôi trong những ngày sau này là gì? Liệu có phải là những cây thập giá treo chúng tôi lên như khi Chúa bị xử tử, hay những vạc dầu, máy chém như trong thế kỷ mười ba? Một số người đã nghĩ tới việc bỏ trốn để tránh những việc đó. Nhưng không... Chúng tôi được đối xử rất nhân đạo. Bọn họ cung cấp đầy đủ những nhu yếu phẩm cần thiết, từ quần áo, thuốc lá, kinh thánh và sách báo. Ngay cả giấy bút hay màu vẽ nếu cần. Chúng tôi được ra ngoài chơi thể thao, được khám sức khỏe thường xuyên. Được dạy cách trồng rau, thậm chí còn được tự nấu ăn theo ý thích. Được nhận thư và bưu phẩm của gia đình. Không tra tấn, không nhục mạ,... Tất cả đều ngạc nhiên vì điều này. Trên thế giới có lẽ sẽ không có một nhà tù nào đối xử với tù nhân như vậy. Những thứ chúng tôi nhận được còn nhiều hơn cả những người lính đang canh giữ ngoài kia. Và trong quãng thời gian đó có những khi chúng tôi cũng đã phải chui rúc xuống hầm trú ẩn, bịt chặt hai tai để không phải nghe thấy những tiếng bom nổ đùng đoàng văng vẳng suốt đêm ám ảnh chúng tôi sau này.

   Chúng tôi ở đó, sống và sinh hoạt bình thường. Một hôm chúng tôi được đưa đến một căn phòng lớn. Ở trong đó treo đầy những tấm ảnh nhà cửa công trình đổ nát, những xác chết la liệt không còn nguyên vẹn, những đứa trẻ khóc lóc bên xác của cha mẹ... Cùng với chú thích đó là những hậu quả của việc rải bom suốt thời gian qua. Một số người tỏ ra hối hận, một số khác lại cho rằng đó là bịa đặt và lớn tiếng chửi thề. Người lính lần trước bắt tôi về như thể đang rất kiềm chế, tôi thấy cậu ta thở mạnh, nắm chặt nắm đấm. Phải một lúc sau cậu ta mới lên tiếng.

   - Nếu các anh không tin. Chúng tôi sẽ cho các anh thấy.
   Giọng nói của cậu ta rất nghiêm nghị, nhìn thẳng vào người cao lớn phía trước không hề sợ hãi. Phải thú thực rằng tôi đã bị người lính trẻ này thu hút. Tôi đã tự hỏi nếu không có chiến tranh tôi với cậu ta liệu có thể là bạn bè?

...

..

.

   - Cậu tên gì? Cậu bao nhiêu tuổi rồi?

   - Giang Vãn Ngâm. 26 tuổi.

   - Cậu có còn đi học không? Sao cậu lại đi lính? Tôi không ngờ cậu có thể nói rành rọt ngôn ngữ của chúng tôi.

   - Khi tôi đang học đại học, tôi đã từng mong muốn sẽ được đến đất nước của anh. Đất nước của sự dân chủ, bình đẳng, tự do và phát triển.

   - ...

   - Thế rồi quân đội của đất nước anh đến và giày xéo, chia cắt đất nước này áp bức, bóc lột kìm kẹp sự phát triển của chúng tôi. Hại những người dân nước tôi tới bước đường cùng cực. Không biết đã có bao nhiêu người đã ngã xuống dưới nòng súng của các anh. Tổ quốc rỉ máu, kêu gào đau đớn từng ngày thử hỏi làm sao tôi có thể ngồi yên học tập.

   - ...

...

..

.

   Chúng tôi được đưa lên xe. Cậu ta ngồi ngoài cùng ngay cửa bên cạnh tôi. Tôi thấy người cậu ấy run nhẹ. Chúng tôi đi đến những con phố, những trường học, đài phát thanh và cả bệnh viện... Tất cả đều chung một hiện trạng đó là đổ nát. Những mảng tường lớn chắn ngang giữa đường, những ngôi nhà xập xệ không còn nguyên trạng, những cành cây cháy đen... Máu loang lổ khắp nơi, mùi của chất nổ vẫn còn trong không khí.

   - Ngày 22/12 các anh bắn phá bệnh viện, lúc đó có khoảng ba trăm bệnh nhân chưa kể y tá, bác sĩ. Nhiều người bị mắc kẹt trong hầm vì cửa hầm bị những tảng bê tông bịt kín. Chúng tôi ở bên ngoài cố gắng đào bới, nghe tiếng những người bên trong kêu cứu đần dần tắt hắn. Đến lúc mở được cửa hầm đã chẳng còn ai sống xót. Đêm ngày 26/12 một khu phố bị bom của các anh san phẳng, hơn hai trăm bảy mươi người tử nạn, gần một trăm tám mươi đứa trẻ vì thế mà mồ côi. Tôi chỉ nói đến hai ngày như vậy. Các anh đã nhận lệnh ném bom bao nhiêu lần? Đã thả xuống bao nhiêu tấn bom? Không chỉ riêng thành phố này có đúng không? Các anh nhìn thử xem là thật hay giả? Chúng tôi vô nhân đạo đến mức tự mình tàn sát đồng bào để lừa dối các anh sao? Các anh nói rằng đất nước chúng tôi nghèo khó người dân không đủ ăn. Vậy chúng tôi lấy đâu ra nhiều bom đạn để làm như thế?
   Một số người úp hai tay lên mặt cố dấu đi những giọt nước mắt. Người vừa rồi cho rằng đó là điều bịa đặt đã tự đấm vào mặt mình thật mạnh miệng liên tục xin lỗi. Anh ta là người đã rải bom xuống khu phố nọ. Thế là rõ. Chúng tôi bị lừa. Chỉ có thể là như thế. Họ bảo chúng tôi là ném bom mục tiêu quân sự. Đánh liền bốn lần vào một bệnh viện lớn, một khu phố... với hàng chục, hàng trăm tấn bom thì không thể gọi là nhầm lẫn được.

...

..

.

   Đêm Chúa giáng sinh an lành. Không có tiếng bom rơi đạn nổ, không có tiếng phi cơ gầm rú trên bầu trời. Cha sứ giảng kinh và ban phước lành. Tất cả như những kẻ ngoan đạo cúi đầu cầu nguyện hy vọng chiến tranh sớm kết thúc. Không phải vì chán cảnh tù đày mà do chán ghét chiến tranh. Bữa tiệc tối yên lặng, trầm lắng. Hôm nay họ không cần phải xuống hầm trú ẩn. Không có sự tấn công của đồng đội ở bên kia chiến tuyến. Phải chẳng mọi chuyện sắp chấm dứt?

   Trời đã về khuya, cái rét như cắt da cắt thịt. Những người lính chỉ mặc một chiếc áo trấn thủ, bên trong mặc vài chiếc áo mỏng đã sờn rách đối chọi với cái rét cần mẫn làm nhiệm vụ. Cạnh một gốc cổ thụ ở sâu trong góc vườn, có một người gục mặt ngồi đó. Hắn thấy động liền bước tới, ngồi đối diện người kia cất tiếng.

   - Lam Hi Thần. Đáng lẽ anh phải về buồng giam rồi chứ?
   Nghe tiếng nói liền ngẩng mặt lên, thấy người trước mặt liền vội ôm lấy. Người này nhỏ gầy nhưng đầy ngạo khí, chưa từng khom lưng cúi đầu dù cho gặp chuyện gì đi chăng nữa.

   - Vãn Ngâm. Tôi thực sự hối hận, tôi chưa bao giờ thích chiến tranh... chưa bao giờ thích giết chóc... Nhưng tôi đã giết người, rất nhiều người, họ đều là người dân vô tội... Tôi là một kẻ máu lạnh, một kẻ sát nhân... Tôi không thể nào tha thứ cho bản thân mình... Tôi thật đáng chết.
   Hắn cảm nhận được vai áo của mình bị thấm ướt. Lam Hi Thần giống như dựa dẫm vào hơi ấm của người trước mắt để cố gắng ổn định lại tinh thần đang hỗn loạn. Có một bàn tay vỗ về lưng của mình, bên tai nghe tiếng an ủi nhẹ nhàng.

   - Anh không sai, lỗi không phải do anh. Có trách thì trách những kẻ đã phát động cuộc chiến này. 

...

..

.

   Tôi ở trại giam đó chưa đầy hai tháng. Theo hiệp ước đã được ký kết chúng tôi được trao trả tự do. Tất cả đều hết sức vui mừng bởi vì có người đã ở đây gần mười năm trời. Tuy nhiên cũng có nhiều nuối tiếc. Một số người bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại giúp đỡ để chuộc lại lỗi lầm nhưng nếu không làm đúng quy ước thì việc lập lại hòa bình của đất nước này sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi được bọn họ chuẩn bị cho quần áo, giày dép, túi xách rất tươm tất và lịch sự không hề giống tù nhân mới ra tù mà giống như một người khách mới trải qua chuyến du lịch của mình.

   Trước ngày hôm đó bọn họ tổ chức liên hoan chia tay cho chúng tôi. Tặng chúng tôi những món quà của đất nước này làm kỷ niệm. Chỉ có điều cậu ấy không ở đó. Tôi không biết cậu ấy đi đâu. Thời gian không lâu nhưng tôi và cậu ấy trao đổi với nhau rất nhiều chuyện về nhiều vấn đề. Thân thiết giống như hai người bạn. Tôi ngập ngừng đến cạnh một người quản giáo hỏi thăm:

   - Ừm... Cậu ấy không tới sao? Ba ngày nay tôi không thấy cậu ấy?

   - Ý anh là Vãn Ngâm sao? Cậu ấy được điều chuyển công tác khác. Đã vào mặt trận tiền phương rồi.

...

..

.

   - Anh vẽ gì vậy?

   - Hòa bình. Tôi muốn đất nước cậu được hòa bình và thống nhất như cậu hằng mong ước.
   Cánh chim câu trắng muốt ngậm cành oliu trên nền trời xanh thẳm. Những người lính rồi cả người già, người trẻ... dẫm lên súng đạn, những đống đổ nát hướng về phía mặt trời. Tất cả đều nở nụ cười hạnh phúc.

   - Đúng vậy, chúng tôi nhất định sẽ hòa bình và thống nhất.

   - Nếu như hòa bình lập lại, cậu có còn muốn đến thăm đất nước của tôi?

   - Đương nhiên là có. Những người lính như anh cũng chỉ làm theo mệnh lệnh. Rất nhiều người của đất nước anh tham gia phản đối chống chiến tranh tại đây. Chúng tôi chiến đấu vì tự do, vì lý tưởng của mình, vì nhu cầu chính đáng của người dân không có nghĩa là chúng tôi thù hằn tất cả. Tôi muốn thấy sự phát triển, sự thịnh vượng của các anh. Rồi sẽ có một ngày đất nước của chúng tôi cũng sẽ lớn mạnh như vậy.

   - Chắc chắn sẽ như vậy. Khi cậu đến tôi sẽ đón cậu.

   - Được.

...

..

.

   Hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn thần kinh (PTSD). Trải qua thời gian tham chiến tại Việt Nam. Rất nhiều người trong chúng tôi đã mắc phải hội chứng này. Tôi cũng vậy. Di chứng về tâm lý còn nặng nề hơn cả về thể xác. Ám ảnh chúng tôi trong cuộc sống thường ngày. Tôi đã nghiện rượu và thuốc lá sau khi trở về, sức khỏe của tôi kém đi rất nhiều. Nhưng cũng không thể khiến tôi giảm bớt cảm giác tội lỗi của bản thân và nỗi sợ của chính mình. Trong suốt những năm sau đó, tôi chưa bao giờ được một đêm tròn giấc. Có nhiều đêm tôi ôm đầu chui xuống gầm giường la hét như một đứa trẻ. Tôi mơ thấy những ngày tháng ác liệt đó, thấy những con người ngã xuống, máu và lửa. Tôi nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ, tiếng của những chiếc phi cơ tân tiến mang theo hàng nghìn tấn bom ngang dọc trên bầu trời. Tiếng than khóc cùng những người dân vô tội. Những hình ảnh đó những âm thanh đó chưa bao giờ chấm dứt, giống như một cuộn băng phát đi phát lại không dừng.

   "Anh không sai, lỗi không phải do anh. Có trách thì trách những kẻ đã phát động cuộc chiến này."
   Tôi nhớ hơi ấm của người đó, tôi thèm một sự an ủi. Tôi rất muốn gặp lại cậu ấy. Một người đã từng coi nhau là kẻ thù đứng trên hai chiến tuyến.

...

..

.

   - Tôi sắp phải rời khỏi nơi này. Tôi sẽ nhớ quãng thời gian tại đây. Tôi hy vọng sẽ được quay lại.

   - Nếu như anh không mang đến chiến tranh mà là tình bằng hữu và sự giao hảo thật lòng thì chúng tôi sẽ luôn chào đón một cách nhiệt tình.

   - Cậu sẽ đón tôi chứ?

   - Nếu như anh báo trước thì tôi sẵn sàng. Tôi sẽ đưa anh đến thăm những cảnh đẹp của nơi này, sẽ dẫn anh đi ăn nhưng món ăn ngon, sẽ kể cho anh về lịch sử của đất nước tôi...

   - Hứa nhé.

   - Được. Tôi hứa.

...

..

.

   Hơn hai thập kỷ trôi qua, chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng tới tận bây giờ hai nước mới bình thường hóa quan hệ. Tôi trở lại đất nước này cùng với những người đồng đội khác vào một ngày đầu thu. Bầu trời như cao hơn, xanh hơn, cũng tươi sáng hơn. Có lẽ là vì đất nước này đã được hòa bình một cách đúng nghĩa. Chúng tôi thăm lại nhà giam cũ, gặp lại những người trước kia hết lòng chăm sóc chúng tôi. Những kỷ niệm như hiện ra lần nữa, tất cả đều rơm rớm nước mắt nhớ về quá khứ. Nhưng tôi không hề thấy cậu ấy trong buổi gặp mặt.

   Tôi đến thăm nhà cậu ấy vào chiều cuối tuần. Đó là một ngôi nhà ngói tại một góc phố nhỏ. Bước vào nhà ngay lập tức thấy ban thờ nghi ngút khói hương. Những tấm ảnh thờ đặt ngay ngắn trang nghiêm. Bằng khen và huân chương được treo đầy trên tường. Tôi đã thấy cậu ấy, trên ban thờ kia bức ảnh cuối cùng góc bên trái.

   - Ông tìm ai?
   Một bà lão bước ra, người bạn của cậu ấy bước tới đỡ lấy bà và nói mục đích của tôi. Bà là mẹ của cậu ấy. Bà không hề tỏ ra kích động hay ghét bỏ như tôi nghĩ. Bà niềm nở đón tôi như đón một người con đi xa trở về. Bà kể cho tôi nghe chuyện về gia đình mình. Về người chồng nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc tham gia Cách Mạng đấu tranh từ những ngày đầu, về ba đứa con nối tiếp chí hướng của cha mà không ngại hy sinh. Bà cho tôi xem những hình ảnh đen trắng quý báu về chồng bà những đứa con của mình. Bà chiêu đãi tôi bằng những món ăn dân giã, cùng tôi đi thăm quan thành phố. Tôi đã hỏi bà khi mất đi chồng cùng ba đứa con bà có đau khổ không thì bà ấy cười và nói:

   - Cha con họ hy sinh xương máu cho đất nước. Tổ Quốc còn đây thì họ còn đây, Tổ Quốc có bị đánh cướp thì họ vẫn sẽ bám trụ lại mà giúp đỡ đồng bào sao có thể gọi là mất được. Mà có mất gì thì mất nhưng chúng tôi nhất định không để mất nước.
   Tôi đã phải quay đi để lau nước mắt. Vì hai chữ hòa bình đất nước này đã mất mát quá nhiều. Trước khi về nước, tôi xin bà một tấm ảnh của cậu ấy. Dù không muốn nhưng cuối cùng bà cũng đồng ý. Một người thanh niên mười tám tuổi nở nụ cười vui vẻ vì nhận được giấy báo đỗ đại học. Cậu ấy cười trông thật đẹp, đôi mắt như có hồn khiến cho tôi thấy yên bình đến lạ. Nếu không có chiến tranh có phải nụ cười này sẽ luôn xuất hiện trên gương mặt cậu ấy?

...

..

.

   - Sao tôi không thấy cậu cười bao giờ?

   - Trong hoàn cảnh này, theo anh tôi có thể cười vui vẻ sao?

   - ...

   - Khi nào chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, hòa bình lập lại. Khi đó tôi sẽ cười, cười thật tươi, thật vui vẻ, thật hạnh phúc.

...

..

.

~ Hết. ~

   
 

  
   - Mình hy vọng có bạn nào đó đoán được trong đoản này cài cắm một vài sự kiện lịch sử trong chiến tranh Việt Nam.

    Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Phía Mỹ gọi là chiến dịch Linebacker II. Mục tiêu của chiến dịch này là đánh phá Hà Nội, các vùng lân cận như Hải Phòng, Thái Nguyên,... bằng việc dùng B-52 rải bom vào các địa điểm dân sự có đông dân cư nhằm tạo áp lực cho Việt Nam trên bàn đàm phán tại hiệp định Paris. Sảy ra vào ngày 18/12/1972 kéo dài trong 12 ngày đêm. Tất nhiên Mỹ đã không đạt được mục đích và đã phải chịu tổn thất rất nhiều.

   Việc ném bom diễn ra liên tục từ ngày 18/12 đến ngày 24/12. Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom 2 lần, ngoài ra còn có đài phát thanh, trường học, nhiều khu dân cư bị phá hủy hoàn toàn, thương vong không ít. Ngày 25/12 phía Mỹ ngừng ném bom bởi vì lễ Noel. Sang tối ngày 26/12 lại bắn phá ác liệt hơn. 22h B-52 rải bom tại phố Khâm Thiên - Hà Nội, khiến nơi này bị san bằng. Có 287 người chết ngay tại chỗ, 290 người bị thương và để lại 178 đứa trẻ mồ côi. Hiện nay tại phố Khâm Thiên vẫn còn đài tưởng niệm các nạn nhân đã không may nằm xuống năm xưa. Trong các ngày tiếp theo phía Mỹ vẫn dùng máy bay tiêm kích, cường kích các loại và B-52 tấn công, thả bom ở miền Bắc Việt Nam. Dưới sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta nên chiến dịch Linebacker II của Mỹ hoàn toàn thất bại. Thiệt hại nhiều máy bay, đặc biệt là B-52 được mệnh danh là pháo đài bay (34 chiếc bị bắn hạ trong đó 16 chiếc rơi tại chỗ) cùng nhiều máy bay chiến đấu các loại.

   Quân đội ta khi đó các khí tài quân sự đều thua kém về số lượng và chất lượng nhưng không vì thế mà phía ta nao lòng. Quân và dân ta đã rất linh hoạt, sáng tạo trong chiến đấu. Xây dựng và phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nêu cao sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù. Bằng những khẩu trung - đại liên, pháo cao xạ, tên lửa SAM-2, SAM-3, máy bay MIG 17, MIC-21 (đa phần do Liên Xô hỗ trợ) với số lượng ít ỏi. Ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch ta đã bắn hạ 6 máy bay địch các loại trong đó có 2 chiếc B-52 rơi tại chỗ. Hay như 21 giờ ngày 20/12/1972, tại Trận địa Vân Hồ (Hà Nội), các chiến sỹ Đại đội tự vệ của 3 nhà máy (Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và cơ khí Lương Yên), bằng 19 viên đạn 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy báy F.111 của địch. Đặc biệt, đêm 27/12/1972 phi công Phạm Tuân đã lái máy bay MIG-21 bắn rơi pháo đài bay. Ngày 28/12/1972 sau khi bắn hai tên lửa không hạ được B-52, phi công Vũ Xuân Thiều đã có hành động anh hùng cảm tử là lái máy bay lao vào tiêu diệt B-52... Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến thắng giòn giã nhất trong chiến tranh chống đế quốc của Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc ký kết hiệp định Paris. Là mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

   Trước chiến dịch Linebacker II, từ những năm 1964 phía Mỹ đã tổ chức nhiều chiến dịch ném bom và bắn phá miền Bắc mà ta gọi là chiến tranh phá hoại nhằm ngăn cản việc chi viện cho miền Nam và sự phát triển của XHCN tại Miền Bắc. Từ khoảng thời gian đó đến cuối những năm 1972 ta đã bắt được hàng trăm phi công Mỹ làm tù binh (Đương nhiên không có phi công Mỹ nào mang tên Lam Hi Thần). Các phi công này được giam tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), trại Hy vọng (Sơn Tây) và một số trại giam khác ở miền Bắc Việt Nam. Chính phủ ta khi đó đã đối xử với những phi công này một cách nhân đạo. Đa phần đã nêu ra trong đoản ở trên. Chính vì việc này chúng ta có lợi thế trong việc đàm phán tại hiệp định Paris, tạo được hình ảnh tốt đẹp trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

   Ngày 27/01/1973 hiệp định Paris được ký kết sau nhiều năm đàm phán (từ ngày 13/05/1968). Nội dung hiệp định khá dài và nhiều đề mục, trong đó có một điều là trao trả tù nhân chiến tranh giữa các bên trong vòng 60 ngày kể từ khi hiệp định được ký kết. Các phi công này được trao trả vào các đợt cuối tháng 2 và tháng 3/1973. Ngày 29/03/1973 những tù binh phi công cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam đã được trao trả cho phía Mỹ. Lính Mỹ tại Việt Nam sau khi trở về rất nhiều người mắc phải hội chứng "Hậu chấn tâm lý" hay còn gọi là "Rối loạn căng thẳng sau sang chấn thần kinh" (PTSD).


   Ngày 30/04/1975 giải phóng Miền Nam  - thống nhất đất nước. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại. Nước ta gặp rất nhiều trở ngại về đối ngoại với một số nước đặc biệt là Mỹ. Đến tận ngày 11/07/1995 Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Các cựu chiến binh Mỹ đã đóng góp rất nhiều trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước.

   - Xin khẳng định một lần nữa ta chỉ lấy bối cảnh và một số sự kiện lịch sử Việt Nam. Không hề có lính hoặc phi công Mỹ nào bị bắt mang tên Lam Hi Thần. Hay một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tên Giang Vãn Ngâm đâu nhé. Đừng hiểu sai.

   - Khi viết xong đoản này, quả thực có chút khâm phục bản thân. Dù có thể sẽ không nhiều bạn thích kiểu như thế này. Không biết trước kia đã có ai viết truyện về cp giả tưởng theo dòng lịch sử có thật chưa. Phải thú thật lịch sử là một môn học khô khan (Cũng có thể là do cách truyền đạt của giáo viên) cho nên khi đi học chưa bao giờ mình thích môn học này. Nhưng không vì thế mà ghét lịch sử dân tộc. Đôi khi rảnh rỗi cũng nên đọc và tìm hiểu một chút. Không biết nhiều thì biết ít. Hoặc cũng có thể dựa vào những việc mình yêu thích để có thể ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Cảm ơn các bạn vì đã đọc hết.
  
  
  
  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top