ĐÔNG DƯƠNG (1923-1924) CUỘC KHÁNG CHIẾN
ĐÔNG DƯƠNG (1923-1924)
CUỘC KHÁNG CHIẾN
Mặc dầu bọn vua chúa ươn hèn, mặc dầu địch đang chiếm ưu thế và mặc dầu chế độ quân chủ đã làm cho dân chúng quen lạnh nhạt, bàng quan, dân chúng cũng không thể chịu ách ngoại bang mà không bền bỉ chống lại. Lúc mới thấy các tàu chiến lớn và súng ống tinh xảo thì ngạc nhiên, nhưng khi cảm giác đầu tiên ấy đã qua thì những người yêu nước An Nam liền tổ chức đấu tranh. Cuộc xâm chiếm Đông Dương bắt đầu từ năm 1858 mãi đến 1909 mới kết thúc. Chính trong thời kỳ này, khi nhà ái quốc Đề Thám chết thì công cuộc chống Pháp có tổ chức và có vũ trang chấm dứt. Người anh hùng dân tộc ấy cùng với một ít nghĩa quân kiên quyết của ông đã chiếm lĩnh cả một tỉnh nhỏ và đương đầu với thực dân Pháp trong nhiều năm. Trong thời kỳ chiến tranh ở châu Âu, nhiều cuộc bạo động đã nổ ra nhưng lại bị dẹp tắt ngay trong biển máu. Trong số các cuộc khởi nghĩa đó, cần chú ý đến cuộc nổi dậy của binh lính An Nam - binh lính sắp được đem sang Pháp - do ông vua trẻ Duy Tân tổ chức. Sau khi âm mưu bại lộ, vua Duy Tân bị phế và đày sang châu Phi.
Trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng của một dân tộc bị áp bức có nhiều hành động oanh liệt và nhiều sự hy sinh lớn, giá kể được ở đây để các bạn biết thì hay lắm, nhưng không thể nói hết được trong phạm vi nhỏ hẹp của buổi nói chuyện này của chúng ta. Vậy nên tôi chỉ có thể nhắc lại đây một đoạn hồi ký của phó đô đốc Rêvâye như sau:
"Nếu chúng ta đánh giá một người qua phẩm chất đạo đức chứ không phải qua những tri thức của người đó, thì chúng ta sẽ bớt kiêu căng về tính chất cao đẳng của chúng ta đối với người Viễn Đông, những người biết hy sinh một cách có ý nghĩa.
Năm 1862, chúng tôi được phái đi đàn áp một cuộc khởi nghĩa. Viên tư lệnh V. sai một trung uý đem quân chặn đường rút lui của nghĩa quân sau khi họ bại trận.
Mặt trời vừa lặn thì viên trung uý đem lính trở về, rất mệt mỏi, người đẫm bùn. Không thấy tù nhân, thấy nét mặt ai cũng có vẻ bối rối, chúng tôi biết ngay là cuộc chinh phạt này không kết quả. Những người An Nam dẫn đường, đầu cúi xuống, tay bị trói, đang đi giữa bốn người lính mang súng. Thân thể họ, gần như trần truồng, mang đầy vết thương. Viên trung uý bước tới trước viên tư lệnh và lúng túng nói:
- Thưa quan tư lệnh, từ sớm những người đưa đường đã dẫn chúng tôi khắp nơi, lội bùn ngập đến bụng, nhưng chúng tôi không tìm thấy một người chạy trốn nào cả.
Viên tư lệnh cho gọi hai người An Nam đến hỏi.
Hai người này là hai anh em vì họ giống nhau lắm. Chỉ có người anh trả lời những câu hỏi của viên tư lệnh:
- Chúng mày biết chỗ, chúng mày đã thú nhận rồi kia mà.
- Có, chúng tôi có biết chỗ.
- Tao đã giải thích cho chúng mày rất kỹ việc hướng dẫn lính đi tìm ở đâu và bằng cách nào rồi. Chúng mày đã khai hiểu rõ hết.
- Chúng tôi hiểu.
- Tao có nói: "Nếu chúng mày dẫn quân lính đi đúng đường thì chúng mày sẽ thoát chết; nếu đem họ đi lạc thì chúng mày sẽ bị xử bắn", có đúng tao đã nói như thế không?
- Ông chỉ huy có nói như vậy.
- Chúng mày đã cố tâm làm lạc hướng cả đội quân trong đồng lầy.
Hai chàng thanh niên đứng im lặng.
- Lúc ra đi, tao đã nói trước rằng chúng mày sẽ bị bắn, nếu chúng mày không đưa đúng đường... Có phải như thế không? Trả lời đi.
- Ông chỉ huy có bảo như vậy, người anh cả trả lời.
- Vậy chúng mày biết trước chúng mày sẽ bị xử bắn chứ ?
- Chúng tôi đang chờ đây.
Người Nam Kỳ ấy trả lời với một thái độ chịu đựng rất thản nhiên của người Á Đông. Thấy tra vấn đã xong, hai người An Nam chào đi ra.
Viên tư lệnh gọi một tên cai người Thổ Nhĩ Kỳ và bảo: "Lấy bốn lính và đem bắn hai tên tù này sau trại".
Tên cai Thổ Nhĩ Kỳ vẫy hai người An Nam hai người này đi theo không hề ngập ngừng và cũng chẳng kêu ca gì. Một lát sau, tiếng súng nổ.
Viên tư lệnh mặt bừng đỏ, quay về phía chúng tôi nói: "Thật là anh hùng... Ở Hy Lạp có lẽ người ta phải dựng tượng họ đấy, còn tôi, tôi phải bắn họ".
Đến sáng, nhìn ra ngoài pháo thuyền, chúng tôi thấy bên bờ một tấm biển lớn đóng vào thân cây. Người thông ngôn dịch lại cho chúng tôi nghe một đoạn như sau:
"Các ông đã chiếm mất nhiều tỉnh của chúng tôi để làm giàu thêm cho đế quốc các ông, để cho thanh danh các ông càng thêm rạng rỡ. Các ông có đòi chúng tôi chuộc lại đất đai không ? Chúng tôi sẵn sàng trả, miễn là các ông đừng đánh nhau với chúng tôi nữa và đem quân trở về nước.
"Nhưng nếu các ông từ chối, chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu để tuân theo ý trời. Chúng tôi cũng có chút e ngại trước thế lực của các ông, nhưng chúng tôi sợ trời hơn sức mạnh của các ông. Chúng tôi nguyện sẽ chiến đấu mãi mãi không nghỉ. Khi không còn gì nữa, chúng tôi sẽ lấy cành cây làm cờ, làm gậy để vũ trang cho quân đội chúng tôi. Lúc đó các ông làm thế nào mà có thể sống được với chúng tôi?".
Đây không phải là những lời nói suông: chưa có một dân tộc nào dám tổ chức kháng chiến trong một tình trạng nguy nan như thế.
Lúc phái quốc gia hấp hối, tôi bắt được một tù nhân có mang theo một khẩu súng lục. Tôi tiếc không giữ lại khẩu súng ấy. Súng làm bằng một cái ô! Tay cầm cán ô dùng làm báng súng; cán ô cắt ngắn còn chừng hai mươi xăngtimét làm nòng súng; trên nòng có đục một lỗ nhỏ để cắm ngòi thuốc nổ.
Với những khí cụ như vậy, và sau những tai biến khủng khiếp, những người chủ trì còn lại của một dân tộc đã bị dồn đến bước đường cùng - vẫn chiến đấu chống lại quân đội phương Tây. Đôi khi họ giết một vài người chúng tôi bằng cạm bẫy, nhất là họ đã làm cho chúng tôi chết vì bệnh tật, vì phải đuổi theo họ trên những cánh đồng lầy uế khí, dưới ánh nắng gay gắt.
Có nhiều lần đuổi theo bắt những người yêu nước đó mà chúng ta thường gọi là kẻ phiến loạn, tôi cảm thấy vô cùng thương xót cho cả dân tộc ấy và cảm phục những người chỉ huy của họ, những người vững lòng tin ở công lý và có một nghị lực bất khuất.
Cuộc đại chiến kết thúc, dân tộc An Nam cũng như các dân tộc khác đã bị mê hoặc theo những lời tuyên bố rộng rãi của Uynxơn về quyền dân tộc tự quyết. Một nhóm người An Nam trong đó có tôi, đã gửi cho nghị viện Pháp và tất cả những đoàn đại biểu ở Hội nghị Vécxây một bản yêu sách sau đây:
YÊU SÁCH CỦA NHÂN DÂN AN NAM
Từ ngày Đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Văn minh chống Dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ.
Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông - Pháp, xin trình bày với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và tự do hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ;
Cuối bản yêu sách, chúng tôi có viết thêm rất nhiều câu ca tụng nhân dân và nhân đạo.
Nhưng sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng "chủ nghĩa Uynxơn"59 chỉ là một trò bịp bợm lớn. Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top