Chương 3
Ông Tám tức tốc chạy ra . Chốc sau lại trở vào , trên tay ông , một con mực tí tẹo đang thè lưỡi thở , chốc chốc lại sủa vang như còn ấm ức với hai người khách lạ . Theo sau ông Tám , hai chàng thanh niên trông nét mặt còn nhớn nhác pha lẫn hãi hùng . Một anh ăn mặc sang trọng , giữa trời nắng nóng như thiêu lại đóng bộ com-lê , trông trịnh trọng và nghiêm nghị ra vẻ một Việt kiều trí thức . Còn một anh lòng thòng lễnh thễnh áo dài khăn đóng , không phải dài dòng lý lịch , người ta cũng biết ngay là một Nho sinh cuối mùa , còn vướng chút dấu tích của tiền nhân trên chiếc áo vành khăn . Cả hai người có lẽ đã phải trải một phen đại chiến với con chó , nên ai nấy áo quần tuy sang trọng nhưng đã rách nhầu . Nhất là cái anh chàng Nho sinh , quần áo khăn khiếu rách bươm , trông như một đệ tử sáu túi của cái bang thuở nào còn Hồng Thất Công bang chúa !
Ông Tám bước trái ra cửa hông , đuổi con mực ra sau hè rồi trở vào . Ông xoa tay , nở một nụ cười tươi rói :
- Thiệt là xin lỗi . Thôi , mời hai cậu ngồi chơi !
Hai chàng còn đang đứng sớ rớ, mắt láo liên trông chừng con mực . Ông Tám hiều ý vội xua tay trấn an :
- Có tui ở đây nó hông dám làm hỗn nữa đâu . Hai cậu cứ yên tâm đi .
Anh chàng Việt kiều tuy trong bụng còn hồi hộp nhưng có mặt ông Tám , anh cũng thấy an tâm phần nào nên bước tới , chìa tay ra bắt tay với ông Tám rồi trịnh trọng nói :
- Hello sir bác ! How do you do , bác !
Ông Tám ngần ngừ chưa vôi bắt tay :
- Cậu nói cái gì đu đú , du đu đú vậy cậu em ?
Gã Việt kiều cười ruồi một nụ :
- Sorry bác Tám ! Bác khỏe không , today ?
Cái lối ăn nói lạ lời của anh chàng người Việt tha hương này càng làm cho ông Tám đâm bực . Ông nhìn gã Việt kiều , gắt nhẹ :
- Cái cậu này ! Nói cái giống gì mà cứ tiếng Anh tiếng U , qua nghe được nhưng hông có hiểu mô tê gì ráo . Người Việt Nam mà cậu hổng nói tiếng Việt Nam được sao cậu ?
Việt Kiều cười hề hề :
- Dạ , cháu nói tiếng Việt rành lắm mà bác . Nhưng vì cháu thạo nhiều ngôn ngữ quá đi , nên khi nói chuyện nó cứ bị “mix up” hoài . Cái này mình gọi nôm na là thứ ngôn ngữ “loạn xì ngầu” . Nhưng bác đã dạy thì cháu xin cố gắng dùng tiếng mẹ đẻ cho bác ….happy !
Ông Tám gật đầu :
- Ừ , mình là người Việt , dĩ nhiên nói chuyện với nhau phải dùng tiếng Việt , có như thế mới dễ thông cảm và hiểu nhau hơn . Cậu cứ tiếng Anh tiếng em hoài , tui đành chịu thua !
Nói như thế chứ ông Tám vốn là một cựu sĩ quan trong quân lực Việt Nam Công Hòa , cũng có một thời đến trường , và dĩ nhiên ông cũng tốn kém không ít thời gian cũng như công sức để trau chuốt ngoại ngữ . Ở cái cù lao Quốc Gia này , đối với ai thì không biết chứ ông Tám nhà ta thì chẳng phải tay vừa , với kiến thức tổng quát ít người bì kịp cộng với một bụng chứa đầy văn chương , thi phú và đặc biệt , hai môn ngoại ngữ Anh và Pháp , tuy không thông thạo gì mấy nhưng dùng để tán đào thì chắc cũng không thiếu thốn gì .
Như nhớ lại chuyện con mực làm hỗn , ông Tám súyt xoa nhìn hai chàng thanh niên :
- Cái con chó nho nhỏ của tui tuy nó nhỏ nhưng mà nó dữ lắm . Tui thiệt là lãng trí , mời hai cậu tới nhà mà quên phứt đi cái chuyện con chó dữ để cho ra nông nỗi . Mà hai cậu cũng tệ thiệt ! Con chó nó cắn sao cứ để yên cho nó cắn !
Nãy giờ anh Nho sinh mới chịu khai khẩu . Anh vuốt lại cái áo the nhầu nát , rách một mảnh lớn phía dưới mông rồi nở một nụ cười cầu tài :
- Dạ thưa bác ! Có câu là :”Đánh chó phải kiêng chủ nhà” . Thành ra cháu đâu có dám ra tay , e rằng thất lễ với bậc bề trên !
Gã Việt Kiều còn chêm vào :
- Còn ở phương Tây , người ta coi con chó con mèo còn trọng hơn cả cha mẹ ! Đánh chó đánh mèo là phạm pháp , đi tù là vì tội hành hạ súc vật chuyện đương nhiên ! Bởi vậy cháu tuy bị con Ki-Ki của bác cắn xé te tua nhưng vẫn cắn răng chịu trận chớ hông dám phạm pháp đâu bác !
Ông Tám cười xòa :
- Ồ , nói vậy cậu này đây là người từ bên đó về hen !
Rồi ông quay sang cậu Nho sinh :
- Vậy , cậu đây ở Bạc Liêu tới chớ còn ai , phải không ?
Gã Nho sinh khúm núm , cúi đầu thưa :
- Dạ đúng ạ ! Cái anh này là người cõi trên , còn cháu thì từ … cõi dưới ạ !
Ông Tám nhăn mặt ra chiều không hiểu , ông hỏi lại :
- Cái gì là người cõi trên , người cõi dưới ? Nghe ghê quá vậy hả cháu !
Là một môn sinh của Nho học , gã công tử từ Bạc Liêu thường tự hào là người chuyên chở vốn liếng của thánh hiền từ nghìn xưa truyền lại cho hậu sinh . Bởi vậy , anh ta lúc nào cũng lễ mễ phép tắc , nói năng nhã nhặn , có trước có sau , dài dòng văn tự . Thấy ông Tám thắc mắc , anh ra sinh trịnh trọng nhìn ông rồi từ từ giãi thích :
- Dạ thưa bác ! Cõi trên mà cháu muốn nói ấy có nghĩa là từ trên máy bay đáp xuống . Việt Kiều Canada về nước không đi bằng máy bay chẳng lẻ cuốc bộ ! Còn cháu , cháu ở dưới Bạc Liêu . Nếu so sánh trên bản đồ thì Bạc Liêu thuộc về phần ở cõi dưới , tức là miệt dưới hay nói khác hơn là vùng dưới đó bác !
Ông Tám coi ra cũng khoái cái lý sự kỳ cục của anh chàng Nho sinh và Việt Kiều nên ông gật đầu vuốt râu cười mĩm :
- Thiệt là hai cậu đây biết ăn nói hết sức nghen ! Qua chịu lắm rồi đa ! Nhưng mà cho qua hỏi thiệt nghen , trong hai cậu đây có cậu nào ăn thịt chó hông , sao mà con KiKi nhà qua nó ghét hại cậu quá vậy … ta ?
Gã Việt Kiều trỏ sang anh chàng Nho sinh :
- Chắc tại thằng cha này đó bác ! Chớ riêng cháu , thì cháu chỉ xực “hotdog” không hè !
Bị gã Việt kiều đổ thừa một cách lãng nhách , anh chàng Nho sinh bẻ mồm bẻ miệng cãi lại :
- Trời ơi Trời ! Sao ông biết tui là dân ăn thịt chó ? Năm khi mười họa , kẹt đạn , bạn bè nó rũ rê quá thì tui mới ráng ngồi lại với mâm thịt chó thôi . Nhưng khi nhập tiệc thì tui chỉ … húp nước cầm hơi chớ cái thì xin chừa ! Tui nghĩ chắc là tại ông đó , trông cái bản mặt cô hồn của ông tui còn ớn huống cho con chó nó hông ưa cũng phải . Nó ghét ông rồi nó cắn lây tới tui , tui hông bắt thường ông bộ đồ ăn nói này là may cho ông , còn ở đó đổ với thừa !
Đường đường là một Việt Kiều , mười mấy năm nai lưng cày tối tăm mặt mũi , gom góp của vay của mượn về Việt Nam lại bị thằng cha thầy đồ nhà quê nói năng xĩa xói , gã Việt kiều không quạu không được . Hắn trề môi , lớn tiếng :
- Chà ! Cái mặt của tui cô hồn ! Còn cái mặt mẹt của ông đạo đức dữ hén . Thịt chó thì chừa mà nước thì chan thì húp . Tổ cha người ta …
Ông Tám thấy tình hình không yên nên dang tay ra , can hai người :
- Thôi ! Cho qua xin hai câu . Qua mời hai cậu tới đây để nghe hai cậu thi thố tài nghệ văn chương thi phú chớ đâu phải nghe hai cậu đấu khẩu , chữi nhau như chó với mèo .
Rồi ông quay sang anh Nho sinh nói :
- Để tiết kiệm thì giờ , cậu này tên họ là gì , nghề nghiệp ra sao ? Quê quán nơi nào hãy khai ra cho qua biết !
Anh chàng Nho sinh nghe hỏi đến , mừng rỡ , trở lại nét mặt nghiêm trọng , khúm núm đáp :
- Thưa bác ! Cháu tên Trần-Hào-Sảng , thuộc dòng khoa bảng . Ông cố tổ ngày xưa thi đậu Bảng nhãn . Nhưng đến đời cháu thì việc học hành có hơi xao lãng nên đành làm bạn với vài trăm mẫu vườn nhản và cái hảng chuyên sản xuất dụng cụ dành cho …. thư giãn !
Nghe xong gã Việt kiều trề môi dài thậm thượt , chen vào :
- Xì ! Lại khoe của nữa . Gặp tay tổ thứ thiệt rổi đa ! Con dòng cháu giống không hè ! Nè ông bạn , ông có nghe người ta có cái câu là :”Sông có lúc , người có khúc” không ?
Ông Tám nhanh miệng xen vào :
- Hả ? Cậu nói cái gì ? Người sao lại có … khúc !
Gã Việt kiều còn ngớ ngẫn không biết mình nói sai nên nói :
- Thưa bác , ông bà mình nói sao thì mình nói theo y như vậy mà bác !
Ông Tám cười ngất :
- Của người ta là :”Sông có khúc , người có lúc” , cậu ơi !
Bị hớ nên anh Việt Kiều nói quanh , mục đích đổ thừa hoàn cảnh :
- Chắc tại cháu sống ở ngoại quốc lâu ngày nên cứ nói tiếng Mỹ hoài , tiếng Việt thỉnh thoảng mới dùng tới nên dễ quên đó bác . Xin bác và cô Hai thông cảm !
Hào Sảng trề môi :
- Xì , hổng biết thì nói đại là hổng biết đi cha non , cứ đổ thừa tại bị !
Đoạn hắn quay sang ông Tám , lễ phép thưa :
- Nói ra thì sợ bác đây cho cháu hay nổ . Chớ thiệt tình thì nếu bác xuống tới Bạc liêu , bác hỏi bất cứ người nào tới cậu Hai Hào Sảng ông chủ vườn nhản thì ai mà không biết cháu . Chừng nào có dịp , cháu mời bác và cô Hai tạm dừng chân tại tư gia nhà cháu để dùng bửa cơm … chay thân mật cho biết !
Nghe Hào Sảng có ý khoe khoang , ông Tám hơi chán nhưng vì con gái nên ông cũng xí xóa , cười và hỏi lại :
- Quí hóa quá ! Không ngờ cậu đây còn trẻ mà cũng biết tu tâm dưỡng tánh và biết ăn chay nữa à ?
Tự dưng Hào Sảng vọt miệng nói suông :
- Dạ ! Cháu nấu cho ai ăn thì ăn , còn cháu thì ăn mặn !
Ông Tám lắc đầu cười xòa :
- Cái cậu này nói chuyện sao nghe vui tai quá hén .
Rồi như nhớ đến một chuyện quan trọng , ông quay lại chiếc bàn , lấy lá thư của Hào Sảng , bốc ra và hỏi hắn :
- Qua có một chuyện muốn nhờ cậu giãi thích giùm . Số là trong lá thư của cậu , ngay cái mục nghề nghiệp , cậu lại viết là : Thủ quỹ kiêm ngân tiêu . Ngân tiêu sao qua nghe nó hao hao giống như cái nghề trong truyện kiếm hiệp ngày xưa là bảo tiêu quá vậy cậu ? Qua suy nghĩ nát óc mà rốt cuộc cũng không biết ngân tiêu là cái nghề gì . Nhờ cậu giãi thích hộ cho qua nhờ !
Hào Sảng cười híp mắt :
- Có gì mà nghĩ không ra hả bác ! Ngân là tiền , tiêu là xài , là mua sắm nhậu nhẹt ! Ngân tiêu là xài tiền đó bác !
Thật là hỏng bét ! Một gã thầy đồ hay một tên du thủ du thực ? Chắc đây cũng là một công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu đây . Tuy nghĩ như vậy nhưng ông Tám cũng thấy tức cười cho sự thắc mắc bấy lâu của mình . Ông cười giòn :
- Thiệt là tình ! Chỉ như vậy thôi mà qua nghĩ hoài nó hông ra . Cậu thiệt là người thông thái hiếm có trên đời này à nghen , đến ngay cái nghề cũng quí hiếm vô cùng !
Hào Sảng cung kính nhún nhường :
- Dạ ! Bác quá khen !
Ông Tám vói tay lấy lá thư còn lại trên bàn và quay sang anh chàng Việt kiều . Nãy giờ anh ta còn đang đứng sớ rớ , vẫn chú tâm nhìn sâu vào bức màn , nơi cửa buồng riêng , mà anh ta chắc chắn rằng trong ấy có cô Hai Mận đang … nhìn mình . Ông Tám khều nhẹ một cái làm anh ta giật mình quay lại . Tiếp theo , ông Tám hỏi luôn :
- Còn cậu này ở bển về đó he ? Cậu này cũng quá quắc không kém chi cái cậu ở Bạc Liêu à nghen . Đơn xin cưới vợ , viết bằng tiếng Việt Nam đàng hoàng nhưng mà hông chịu bỏ dấu bỏ mũ chi ráo làm sao mà qua đọc cho ra đây ? Chỉ có cái tên của cậu thôi nó đã làm cho qua nhức bưng cả đầu . Cậu nói cho qua biết , chẳng hay cậu tên họ là gì mà cậu viết xuống là CU TO kỳ cục vầy nè ?
Nghe ông Tám nói tới đó , Hào Sảng chợt cười thành tiếng , xen vào :
- Cha nội này , hồi nãy cha nói tui khoe của . Tui khoe của có một còn ông , ông khoe cả mười . Từ trong ra ngoài , từ trên xuống … dưới !
Nói xong hắn cười ngất , quên bẵng đi hôm nay mình đang coi vợ và đang đứng trước mặt ông già vợ tương lai vừa cay cú vừa khó khăn . Mặc cho Hào Sảng cười giòn , gã Việt Kiều lễ phép bước thêm một bước , đến gần ông Tám , từ tốn giãi thích :
- Thưa Bác Tám ! Vì hàng ngày cứ viết cứ nói tiếng Tây nó quen tay nên khi viết tiếng Việt , cháu lại quên bỏ dấu . Mà không bỏ dấu thành ra bác mới hiểu lầm , gọi cháu là CU TO ! Xin bác thông cảm cho cháu nhờ . Sự thật , cháu họ Tô , tên là Văn Cự ! Tô Văn Cự là tên cúng cơm của cháu . Khi sang Canada , cháu bỏ chữ lót là Văn nên còn lại là Tô Cự . Ở nước ngoài người ta thường gọi cái tên đi trước cái họ nên tên cháu được gọi là Cự Tô . Cự Tô mà không bỏ dấu mới trở thành Cu To như bác tưởng . Thật ra cháu hông có phải là CU TO đâu bác ạ .
Ông Tám vỡ lẽ cười không dứt , nhưng chợt nhớ lại còn một cái tên Tây của hắn nữa nên ông nheo mắt chỉ tay vào cuối trang thư , hỏi Cự :
- Rồi còn cái giống gì mà Đít To nữa đây ông ? Sao tên họ của cậu toàn là những bộ phận khó kêu trên thân thể quá vầy nè !
Tô Cự cười theo ông Tám :
- Hổng phải là đít bác ơi ! Cái này là tên Tây của cháu . Dick To , mà Dick đọc ra giọng Việt thành thử nghe hơi kỳ kỳ chớ thật sự đó là một tên đẹp đó bác !
Ông Tám gật gù :
- May cho cậu là cậu họ Tô đó nghen ! Nếu mà cậu mang họ Kim thì chắc bỏ mùa rồi nghen cậu !
Tô Cự thắc mắc không biết ông Tám muốn ám chỉ cái gì nên hỏi lại :
- Sao họ Kim là hông tốt hả bác ?
Ông Tám vuốt vuốt hàm râu mép rồi nói nhỏ :
- Dễ hiểu thôi . Cậu họ Tô tên Cự , viết theo cái lối không dấu không mũ của cậu thành Cu To . Còn nếu họ Kim , thì cậu sẽ đi từ to tới bé , tức là Cu Kim ! Hỏi cậu một câu , nghe tên biết người , còn có cô nào dám can đảm ưng cậu làm chồng hông cho biết !
Tô Cự nghe ông Tám có ý như trêu mình , gã quê quê nói cho khỏa lấp :
- Bác Tám nói chuyện vui quá hén !
Rồi ông Tám trở lại với bộ mặt nghiêm và buồn , một bộ mặt ăn tiền của một ông giám khảo chuyên nghiệp . Nhìn Tô Cự , ông nói :
- Thôi , bỏ qua chuyện tên họ đi . Cu To hay Đit To gì cũng được . Cũng vì cái tên lạ đời của cậu mà con Mận nhà qua nó cứ nôn nao , đốc thúc qua phải mời cậu tới nhà cho bằng được để cho nó coi tướng coi tá gì đó hổng biết . Và để bắt đầu cho cuộc khảo sát hôm nay , trước tiên , qua hỏi cậu , vì động cơ nào thúc đẩy mà cậu từ một nơi xa xôi lại quay gót về đây tìm vợ vậy cậu Cu ?
Tô Cự bình thản sửa lưng ông Tám :
- Dạ , Cự ! Thưa bác , Cự chớ hông phải Cu !
Rồi hắn lại tiếp câu hỏi của ông Tám :
- Bác muốn biết động cơ nào thúc đẩy mà cháu vượt mấy chục ngàn cây số về đây tìm vợ phải không ? Dạ , đó là động cơ Boing 747 thúc đẩy cháu về tới đây đó bác !
Ông Tám ngẫn người một chốc , khi nghĩ ra ông lại cười hì hì :
- Hổng phải là qua muốn hỏi cái động cơ của chiếc máy bay đâu . Ý của qua là vì lý do nào mà cậu lại về quê hương tìm vợ ? Bộ ở bển hổng có con gái sao ?
Tô Cự cười ngất khi hiểu ra , hắn nhanh nhẩu :
- Sorry Sir ! Khi cháu nghe đến động cơ thì cứ tưởng là máy móc hoặc phương tiện chuyên chở cháu về đây chớ . Thì ra cái ý của bác là muốn hỏi cháu lý do nào mà phải bôn ba về tận nơi này xin cưới cô Hai . Dạ ! Thưa bác Tám , có câu là :”Go home take bath at home – Enjoy or not , at home … better !” . Tức là “Ta về ta tắm ao ta – Dù “sâu” dù “cạn” ao nhà vẫn hơn” đó bác . Ở bên ấy con gái đâu có thiếu gì , nhưng cháu chỉ muốn về nhà mình để tắm ao ta thôi ! Đó là cái lý do cháu xin đầu quân về cắm sào ở cái ao của cô Hai nhà bác !
Nghe chàng Việt Kiều đọc câu ca dao bằng hai ngôn ngữ , ông Tám hết hồn . Và khi nghe hắn đọc sai , ông liền sửa lưng ngay lập tức :
- “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” cậu ơi ! “Trong đục” chớ hông phải “sâu cạn” nghen cậu . Cậu mà đọc như vậy lỡ có người đầu óc đen tối người ta hiểu bậy thì nguy !
Rồi ông chăm chú nhìn vào lá thư một phút , đoạn quay sang Cự :
- Còn một chuyện thắc mắc nữa , qua muốn cậu giãi thích giùm luôn thể . Ngay cái mục nghề nghiệp , cậu lại viết là “PHU TA DIEN” . Nói thiệt , qua hông hiểu đây là nghành nghề gì . Phu tá điền phải hông cậu ?
Cự gãi đầu , từ từ giãi thích :
- Thưa bác , ở Canada làm gì có phu tá điền hả bác ! Nghề của cháu là phụ tá điện đó bác . Bác trông cháu tướng tá sang trọng quí phái như thế này mà làm phu tá điền sao cho xứng bác Tám !
Ông già Tám hơi nóng mặt , nhìn chăm chăm gã Việt Kiều :
- Thì cũng tại cậu hết chớ ai ! Viết chữ Việt mà không chịu bỏ dấu thì mụ nội của tui có sống lại cũng hông đọc ra . Là phụ tá điện à ! Mà phụ tá điền là cái gì vậy cậu Cự ?
- Phụ tá điện là phụ giúp cho thợ điện đó bác ! Tức là khi nào ông thợ cần gì thì mình leo lên đưa cho ổng cái nấy . Kềm , mõ lết , ốc vít , bù lon chẳng hạn . Hoặc khi nào ông ta cần nối hai mối điện thì cháu giữ đầu mối cho ông ấy nối . Công việc tuy nhàn nhã nhưng cũng đòi hỏi phải là một tay nghề cứng và có trình độ kỷ thuật cao như cháu mới đảm trách được !
Ông Tám quăng cái lá thư xuống bàn , quay sang cửa sổ nhìn trời rồi lầm bầm :
- Hừm ! Thợ vịn thì nói cha là thợ vịn .
Rồi ông nhìn thằng vào Cự :
- Ôi , ba cái nghề thợ vịn này ai mà làm hổng được , nó có khó khiếc gì đâu mà phải đòi hỏi kỷ thuật cùng tay nghề cao . Cậu sao nói quá !
Không ngờ ông Tám dám ăn ngay nói thiệt làm gã Việt Kiều bị ê mặt , nhưng hắn vẫn còn mạnh dạn chống chế :
- Nếu không có tay nghề cao , sơ xuất sẽ bị điện giật , nguy hiểm lắm đó bác !
Ông Tám ỡm ờ :
- Thì phụ thợ điện thôi , có khó khăn gì ! À , mà cậu ơi ! Cậu có bao giờ bị điện giật chưa ?
Gã Việt Kiều vốn là một tay tổ khoe khang khoác lác nhưng cái tính ngu ngơ cố hữu vẫn còn y nguyên như thuở nào còn chăn trâu nơi quê nhà . Dĩ nhiên hắn đâu có hiểu đó là câu hỏi móc lò của ông Tám , bởi vậy Cự nhanh miệng trả lời ngay - Sơ sơ cũng vài ba lần bị điện giật rồi bác !
Ông Tám gật gù :
- Hèn gì câu nói chuyện lúc nào cũng …ăn trét như mấy người bị …. Thôi ! , để bắt đầu cho cuộc chiêu phu hôm nay là phần so tài của hai cậu . Qua thì sao cũng được , nhưng ngặt đứa con gái cưng của qua nó lại đòi hỏi cho được một tấm chồng học cao hiểu rộng , giỏi giang chữ nghĩa văn chương thi phú . Vậy trong hai cậu đây , cậu nào giỏi hơn tất nhiên là được vợ . Đề tài của cuộc thi rất đơn giản . Cậu Việt kiều ! Để mở đầu phần thi phú , cậu hảy ứng khẩu làm cho qua nghe một bài thơ tự giới thiệu về mình đi ! Nhớ là phải đúng với niêm vận của Đường luật nghen hông !
Tô Cự mừng rỡ khi được ông Tám cho phép mở màng cuộc thi , hắn hí hửng nhập đề ngay :
- Để ra mắt bác Tám và cô Hai , cháu xin trân trọng kính dâng lên một bài Đường thi đại khái về lý lịch của mình . Và để cho bác và cô Hai thấy được cái biệt tài độc đáo của cháu , đây , bài thất ngôn bát cú thật đặc biệt mà cháu vừa nghĩ ra , chỉ toàn là một chữ “T” . Mời bác và cô Hai cùng thưởng thức :
“Tại tôi thuở trước thích tà tà !
Tới trường thơ thẩn , thiếu thiết tha ,
Thầy thương , thấy thế , thầy thường trách
Trách tại thằng tôi … thiếu thật thà !
Tủi thân , tức tối , trường tôi trốn !
Trốn theo tặc tử , thói tữu trà …
Thành thử tứ thời , tôi tay trắng
Tiền thiếu , thân tàn , ta … trách ta !” .
Ông Tám nghe xong vỗ tay khen lấy khen để . Từ xưa đến nay tuy ông thỉnh thoảng cũng ngồi lại nặn óc làm vài ba bài thơ cho vui , nhưng ông chưa hề nghĩ đến bài thư khá đặc biệt như vừa rồi . Nó đặc biệt ở chỗ chỉ có một chữ “T” gói ghém trong 8 câu ngắn ngủi mà đã lột tả được cái quá trình học vấn của gã . Ông cho rằng , có lẽ trên thế gian này chỉ có gã Việt kiều tên Tô Văn Cự đã năm ba lần bị điện Canada giật mới có thể ứng khẩu làm nên một bài Đường thi bất hủ này !
Ông vuốt vuốt hàm râu mép và gật đầu , phán :
- Quả thật là một thiên tài , xuất khẩu thành thơ , thế gian này ít ai bì kịp !
Rồi ông quay sang anh Công tử Bạc Liêu Trần Hào Sảng :
- Còn cậu này ! Trổ tài cho qua nghe thử cái coi !
Hào Sảng đang ngồi nhịp nhịp giò , tay rờ cằm , mân mê vài sợi râu thưa lún phún . Nghe ông Tám gọi tới phiên mình , hắn đứng lên , sửa khăn áo và nhìn chàng Việt Kiều “hứ” nhẹ một tiếng như không phục :
- Tưởng dữ dội cỡ nào ! Ai dè mần ba cái thơ một chữ dễ ợt này , nói thiệt bác Tám nghe , trong vòng ba bước thôi , cháu sẽ cho cái cha Việt Kiều này khầu phục tâm phục !
Nói đoạn Sảng lại quay sang Cự , giọng hách dịch :
- Nghe mà học hỏi nè ông bạn ! Bảo đảm thơ của tui hổng có cái vụ thân tàn , thiếu tiền và thiếu thuốc như của ông bạn đâu !
Việt Kiều vẫn hiu hiu tự đắc cho mình là số một nên cũng thách thức :
- Có giỏi thì làm ngay đi ! Quảng cáo hoài ai mà tin chớ !
Hào Sảng nhìn vào cửa buồng , đằng hắng lấy giọng rồi ngâm nga :
- Tổ Tông Thế Tộc thuở tiền trào
Tài thông , trí tuệ , tiếng thanh tao .
Tôi tuy tuổi trẻ , theo truyền thống
Thành thuộc Tứ Thư , thạo tích Tàu
Thừa tiền , tôi thích theo thời thượng
Thích thành tài tử , thích thể thao
Tía tôi thấy thế thì thường trách :
“Tứ thời trác táng …. tốn tiền tao” !” .
Ông Tám kinh ngạc đến thè lưỡi ra lâu lắm mới rút vào được . Ông không ngờ trên thế gian này còn có một tay tổ “chơi thơ” như thế này . Ông vỗ đùi hét lớn rằng :
- Trời ơi ! Hôm nay có rồng tới nhà tôm mà tôm không biết . Hai cậu đây quả là bậc đại thi sĩ . Trong hai người ai cũng giỏi cả . Đúng là kẻ tám lạng , người nửa cân à nghen !
Tô Cự hiu hiu tự đắc :
- Tại bác ở quê nhà nên hông biết đó thôi . Ở bển cháu đây là một thi sĩ nổi tiếng đó bác !
Ông Tám tròn mắt :
- Ồ , vậy à ! Như vậy cậu đã cho ra đời tất cả là bao nhiêu tác phẩm rồi cậu Cư ?
Việt Kiều Tô Văn Cự vuốt nhẹ mái tóc , mím môi như đang moi óc nhớ lại . Rồi hắn nói chầm chậm , như người ta đang bàn một chuyện gì quan trọng lắm :
- Nói về tác phẩm của cháu thì nhiều lắm , cháu không thể nào nhớ hết được là mình sinh ra bao nhiêu đứa con rồi …
Ông Tám ngắt ngang :
- Cậu lấy vợ bao giờ mà có con ? Bộ cậu lẹo tẹo lắm sao mà hông nhớ nổi có bao nhiêu đứa con của mình !
Gã Việt Kiều lắc đầu lia lịa :
- Đâu có , đâu có ! Cháu có lấy vợ bao giờ đâu bác . Ở bển cháu phơi củ cải cả mười năm nay , có ai thèm cháu đâu mà lấy ! Con ở đây . ý cháu muốn nói đến những đứa con tinh thần . Mỗi bài thơ của cháu là một đứa con tinh thần mà bác . Cháu nói là cháu không thể nào nhớ hết cháu đã cho ra đời được bao nhiêu đứa con tinh thần rồi . Nói hông phải nổ với bác nghen , cháu thì tiền bạc đâu có thiếu gì ! Việt kiều mà bác ! Bởi vậy những tác phẩm của cháu chỉ tặng không cho đồng hương thưởng thức mà thôi . Tình nghĩa là chính , còn tiền bạc là chuyện … khỏi lo !
Ông Tám thân mật vỗ vai Việt Kiều :
- Vậy à ! Cháu thiệt là người có tình có nghĩa với đồng bào mình . Đáng khen , đáng khen ! Qua chịu cậu ở cái chỗ đó đa !
Được ông Tám khen nức nở , lòng Tô Cự như vừa uống xong ly nước đường . Hắn hí hửng bồi thêm :
- Bác biết không , tác phẩm của cháu cho in ra thành nhiều tập để đầy ngoài các siêu thị người Việt . Hễ ai mua một bao gạo thì tặng không một tập thơ tình lãng mạng của cháu đó bác !
Ông Tám suýt xoa :
- Chà ! Vậy thì chắc chắn gạo ở Siêu Thị đó bán chạy như tôm tươi hén cậu ?
Việt Kiều đưa mắt ngó quanh rồi kê miệng gần tai ông Tám , đáp nhỏ :
- Nếu được như vậy thì mấy ông chủ của Siêu Thị đâu có hầm hầm cái mặt đi tìm cháu làm gì !
Ông Tám càng ngạc nhiên , ông chưa hiểu ý của anh Việt Kiều này là gì nên hỏi lại cho chắc :
- Ủa ! Sao lại hầm hầm cái mặt đi tìm cậu để làm gì ? Bộ cậu không cung cấp kịp tác phẩm của cậu sao mấy ổng lại hầm hầm tìm cậu ?
Việt kiều buông thỏng một câu :
- Nếu được như vậy thì còn gì bằng ! Đàng này mấy ổng tìm cháu để phàn nàn là từ ngày có tập thơ của cháu xuất hiện ở các Siêu thị người Việt , bà con trong vùng ùn ùn kéo nhau đi mua mì gói để ăn … trừ cơm hết trọi !
Ông Tám cười ngất :
- Thôi thôi ! Qua biết rồi , người ta ăn mì để khỏi mua bao gạo có tặng tập thơ của cậu chớ gì !
Hào Sảng khoái trá , vỗ đùi cười khanh khách :
- Trời ơi là Trời ! Vậy mà nãy giờ nổ rang làm tui run muốn chết ! Ông bạn ơi là ông bạn ! Ông bạn thiệt tình là còn phải học hỏi nhiều ở thằng này nè . Nói thiệt nghe … chơi nghen , tui đây cũng là một đại thi hào ở Bạc Liêu nè ! Tác phẩm của tui thì phải cho là hết ý chớ hông phải như cái tác phẩm bất hủ của anh chàng thi sĩ … gạo này đâu nghen !
Ông Tám trố mắt nhìn chòng chọc vào Hào Sảng :
- Ủa ! Nói vậy cậu đây cũng là thi sĩ nổi tiếng nữa sao ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top