KÝ ỨC

               Mọi người trong công ty vẫn hỏi: "Tại sao mày có công việc văn phòng tử tế thế mà còn lê lết ở chợ buôn bán mấy thứ lặt vặt làm gì? mất hết cả sĩ diện". Hằng tươi cười lém lỉnh đáp lại: " Em tăng gia, không sản xuất được thì phân phối". Mặt hàng cô bán cũng thật "chợ búa" mỗi cuối tuần ra kết thân với mấy cô bán rau là Hằng lụp xụp áo chống nắng, quần đen, dép tổ ông, tóc búi cao, nhìn cô "khắm" chẳng khác nào đống cá mực khô bày trước mặt. Lối suy nghĩ lạc quan vô tư và tỉnh bơ đã giúp Hằng thấy cuộc sống của mình thật vui vẻ, bận rộn. Nhiều lúc nhìn các đôi ta trong tay, tay ôm eo, ríu rít đèo nhau đi chơi, Hằng cũng thấy tủi tủi, thèm thèm, nhưng rồi cảm giác ấy mau chóng qua đi khi cầm mớ tiền dành dụm được. "Sẽ có người phù hợp tới với mình thôi", cô tin là như vậy.

            Cách đây một năm, khi Hằng mới vào làm cho công ty phân phối hàng nội địa Nhật, cô chỉ là kế toán phụ giúp các em sale làm giấy tờ thủ tục. Trong một lần quá nhiều khách, Hằng được nhờ mang một chiếc lò nướng tới khu vực Văn Quán vào cuối giờ chiều. Trước khi đi, cô cẩn thận gọi cho người nhận để chắc chắn anh ta có nhà, thế mà lúc tới nơi, cửa cổng lại khóa ngoài. Gọi ba bốn cuộc không thấy ai nhấc máy, Hằng bực bội vô cùng, chỉ có thể rằng khách đang đi trên đường nên không bắt máy. Cố gắng đợi 10 phút rồi 20 phút. Hằng có thể ra về ngay lúc đấy, nhưng thằng Tuấn cứ năm lần bảy lượt năn nỉ " Đây là người quen của em, chị kiên trì giao giùm, kẻo tối nay nhà anh ấy có khách, cần nướng đồ"

           Sau ba mươi phút hết sức chịu đựng, Hằng tính đi về thì  một chiếc xe máy dừng ngay cạnh, trên xe là một người đàn ông tầm hơn ba mươi tuổi chở đằng sau hai đứa trẻ con. Anh ta nhanh nhẹn bước xuống và đon đả"

         - Em ở bên chỗ Tuấn mang lò nướng đến cho anh hả?

        - Vâng ....

       - Em đến lâu chưa?

       - Em chờ ba mươi phút rồi đấy ạ. Anh ...

         Đang định mắng anh ta một trận nhưng Hằng  kịp phanh lại, cô nghĩ hai đứa trẻ kia sẽ nghĩ thế nào nếu bố chúng mắc cái tội câu giờ người khác?

        - Ôi, anh xin lỗi, đã để em chờ lâu quá, anh vội đi đón hai đứa nên để quên máy ở nhà. Cứ nghĩ về ngay được thì lại tắc đường ngay cổng trường.

       - Dạ, không sao đâu ạ, anh nhận hàng giúp em.

       - Ờ đây ...

        - Đây là phiếu bán hàng, anh thanh toán giúp em luôn ạ

         - Uh .... Tối nay nhà anh có khách, có ít đồ cần nướng mà cái bếp cũ nhà anh tự dưng hỏng. Nó cũng lâu quá rồi.

          - Vâng, Tuấn nó bảo em nhất quyết phải đợi anh về cho bằng được, đáng lẽ ra là em phải phạt thêm phụ phí í chứ.

         - Được, được, em cứ phạt đi, hết bao nhiêu?

         - Hì ... Em đùa thôi, phạt của khách thì về công ty đuổi việc em.

         - À, hay tối nay em ở lại nhà anh dùng bữa đi

          - Thôi, thôi em phải về kẻo muộn lắm rồi ạ

          - Em có gia đình rồi hả? Vậy thì anh không giữ kẻo con cái là không lơ là được.

          - ...... (Kệ)

           Suốt chặng đường về nhà, Hằng miên man trong suy nghĩ về hai chữ "gia đình". Cô còn trẻ mà, giống người có gia đình lắm sao? Trong cô già đến thế ư? Thật là xát muối vào lòng tự ái nhan sắc của người khác. Cảm giác có gia đình nó thế nào nhỉ? Sẽ là cảnh tất bật với những đứa con. Cảnh vợ chồng cãi vã? Nhưng cũng đẹp làm sao giây phút mọi người quây quần bên nhau, con trai ra sức bảo vệ mẹ, con gái cũng nũng nịu nép vào ngực cha. Hằng không phải tuýp người thích trẻ con, nhưng cô cũng không ghét. Phải chăng là do Hằng chưa cảm nhận sự ấm áp do những thiên thần nhỏ ấy mang lại? Và hơn nữa, cô thấy mình muốn được một người đàn ông che chở. Cuộc sống tránh sao được những giây phút mệt mỏi, giống như ngày hôm nay đây, chạy xe nửa vòng thành phố, rồi đợi chờ sốt ruột, cô thấy khách hàng vui khi nhận đồ mà trong lòng lại thoáng nỗi cô đơn. Cô cũng cần một bờ vai, một bàn tay ấm áp, để con đường quay về không trống trải

           Sáng hôm sau tới văn phòng, nhìn thấy mặt Tuấn là Hằng lườm nó xém tóc. Nó biết cô chỉ lườm đùa nên cười hề hề, tay đút túi áo còn huých cùi chỏ vào lưng khiến cô dúi dịu về phía trước

             - Từ mai đừng có nhờ vả tôi việc gì.

           - Hi hi, gì mà khó tính thế, bảo sao vẫn FA

           - Khó tính bằng mẹ cậu chưa?

          - Ý chị là lấy chồng vào còn khó tính hơn phải không?

         - Chứ sao, đừng có động tới hai chữ FA nhạy cảm

         - Tôi cũng đang FA đây, đâu phải mỗi mình chị. Thế hôm qua đợi lâu không?

         - Ba mươi phút, rét run cả một số thứ vào, mà chả được miếng nước.

        - Thôi, thông cảm cho anh í, chắc bận gì đó

         - Đi đón con. Lần sau ông í bận thì bảo vợ ông í đi mà lấy nhá, đừng có sai tôi mang tới. Chả nhẽ lại ném nhờ ở nhà hàng xóm. Mà cái xóm đấy vắng thế, chẳng thấy ai mở cửa cả.

        - Có vợ thì chả cần chị mang hộ

        - Không có vợ thì móc đâu ra hai đứa con.

         - Li thân lâu rồi. Mỗi người nuôi một đứa con. Hôm qua là sinh nhật con lớn nên đón cả hai đứa về

          - Thế à .... nhìn cũng đàng hoàng có tướng thế mà bị vợ bỏ à?

          -  Vậy nên em nghĩ mình mãi FA thôi. Hôn nhân giờ vừa trói buộc bức bối, vừa mong manh dễ tổ thương.

          - Sặc ....

          Khi biết được hoàn cảnh của người đàn ông đó, không hiểu sao mọi sự tức ghét trong lòng Hằng lại tan biến hết, dành chỗ cho một chút thương cảm. Bố mẹ cô ở nông thôn, thỉnh thoảng vẫn cãi thậm chí là chửi nhau, đánh nhau, đuổi nhau từ trong nhà ra ngõ, nhưng rồi họ vẫn ở bên nhau. Cô chưa khi nào cảm thấy gia đình mình "mong manh, dễ vỡ" như thằng Tuấn lẻo mỏ nói. Cuộc sống bây giờ quá xô bồ, vội vã và gấp gáp nên thời gian tồn tại của một mối quan hệ không thể tính trước được? Một chiếc lò nướng Nhật Bản có tốt tới mấy cũng chỉ có hạn sử dụng nhất định, đấy là nếu con người sử dụng đúng cách. Hôn nhân nếu được xây dựng đúng cách, liệu có hạn tồn tại lâu bằng chiếc lò nướng ấy không? S sánh thật khập khiễng, vô lí, nhưng chưa chắc đã là sai nhỉ? Nhất là khi bây giờ, ai cũng có cái tôi riêng, và nó dễ dàng phá vỡ mọi mối quan hệ

          Chuyện anh bị vợ bỏ với cái lò nướng không làm Hằng vướng bận lâu, cô có cả hàng trăm khách hàng phải tiếp xúc, và hầu như lâu lắm mới gặp lại một người khi họ ưng một sản phẩm, rồi lấy một sản phẩm khác. Cô cứ sống nhìn cuộc sống và tích lũy cho mình thật nhiều cảm xúc, suy ngẫm cũng như kinh nghiệm, có trải nghiệm là mãi không thấy đâu. Bẵng đi mấy tháng, khi thằng Tuấn tổ chức sinh nhật tại nhà lẩu dê Nhất Li, cô đã gặp lại người đàn ông đó. Tuấn con út, nhà có điều kiện, bữa tiệc hoành tráng chả khác gì bữa ăn hỏi. Do số lượng khách đông, phải ngồi thành hai dãy nên ban đầu cô và anh không nhận ra nhau. Mãi tới giữa buổi tiệc, lúc Tuấn cầm rượu đi chúc hết lượt, nói bô bô: "Anh Tùng ơi, anh phải chúc chị Hằng một li đi, đợt trước chị í phải đứng ba mươi phút trước cửa nhà anh chỉ để đưa tận tay anh cái lò nướng đấy. Em còn chưa có dịp nào cảm tạ chị í". Hằng mãi nói chuyện không biết cho tới khi anh cầm chén rượu sang tận bàn cô. Hằng cứ thấy anh ngờ ngợ quen, cố moi trí nhớ mà không ra, khiến anh hơi bối rối.

       - Xin phép các bạn ở đây, trước hết tôi mời bạn Hằng một chén để cảm ơn bạn í lần trước đã nhiệt tình mang cho tôi cái lò nướng.

    - A..., ôi lâu quá em không nhận ra anh.

    - Bây giờ thì nhận ra rồi phải không? vậy anh chúc cô một li để bù cho khoản tiền phạt đứng chờ nhá.

        - Dạ vâng, em mời anh ạ

        - Cạn li đấy nhé.

         - Dạ.

          - ..........

         - ..........

   Anh quay sang đề nghị cả bàn nâng ly

      - Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Tùng anh họ của Tuấn. Họ hơi xa nhưng bắn tên lửa vẫn tới. Các bạn ở đây là đồng nghiệp của Tuấn nhưng cũng giống anh em của nó vậy. Tôi xin chúc mọi người một li nhé

      - .... nhất trí thôi (cả bàn đồng thanh)

      Sau khi uống xong chén rượu, anh rất lịch sự xin phép mọi người trở về chỗ ngồi. Phong thái đỉnh đạt ấy chỉ những người từng trải, có chút thành đạt và giao tiếp tốt mới có được. Mặc dù xung quanh Hằng không thiếu người giỏi, khéo léo hơn, nhưng cô vẫn thấy rất có cảm tình với cách anh tôn trọng cô và các bạn ngồi đó. Xem ra anh phải hơn cô tới chục tuổi, dáng người cao cân đối trong bộ sơ mi kẻ quần âu, tóc chưa bạc nhưng hơi quăn, ngắn có nguy cơ hói trong tương lai nếu không chăm sóc tốt. Vô tình thế nào mà Hằng lại quan sát anh thật kĩ cho tới khi anh khuất sau đám người đứng dậy hò dô trăm phần trăm. Hằng thấy vui vui. Có phải vì cô đã tự đặt mình vào tầng lớp thấp của xã hội, còn anh giống như ở tầng lớp cao. Một người nghèo hèn được một người cao sang tỏ thái độ tôn trọng thì cảm thấy hãnh diện. Anh làm thế có thể vì nể Tuấn, vì khách sáo, vì ngoại giao, ai cũng làm được, nhưng để cô có cảm tình thì anh là người đầu tiên. Cô tự hỏi: "tại sao anh li dị ...???"




Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #lanrua