đồng bằng Sông Hồng
Nhà ở của người dân châu thổ sông Hồng thời xưa được xây cất đan xen với những luỹ tre làng hay dưới các tán cây xanh, bên cạnh sông suối, ao hồ. Nhìn tổng thể, kiến trúc những ngôi nhà ở nông thôn vùng ĐBBB xưa rất giống nhau, chúng là những ngôi nhà một tầng thô sơ, nền làm sát mặt đất, vật liệu chủ yếu là tre, nứa lá, rơm rạ. Tuy nhiên, chúng có sự khác nhau về diện tích khu đất làm nhà ở, cách tổ chức tổng mặt bằng, vật liệu dựng nhà và mái lợp, đặc biệt là khác nhau về giàu nghèo của người dân.
Quá trình quy hoạch phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn giai đoạn này được quản lý chặt chẽ từ trung ương xuống địa phương. Nhà cửa đều được xây dựng trên cơ sở khuôn viên khu đất có diện tích bình quân từ 500 - 700 m2. Trong khuôn viên khu đất, người dân trồng cây dâm bụt xén tỉa hoặc xây bằng tường gạch đất nung, tường gạch đá ong làm hàng rào. Bên trong bố trí nhà chính từ 3 - 5 gian, tường xây gạch quét vôi trắng theo phong cách kiến trúc mới, mái lợp ngói hoặc tranh, đôi khi có nhà đổ mái bằng bê tông cốt thép hoặc đổ mái bằng một phần lồi và phần hiên. Nhà có sân rộng nhìn ra sân lát gạch, phía trước sân là ao rộng nuôi cá. Nhà phụ 2 - 3 gian, tường xây gạch, mái lợp ngói hoặc tranh. Các ngôi nhà ở đều được xây dựng một tầng cao ráo, thoáng mát, phù hợp với kiến trúc khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Nhà ở thường nằm trong khuôn viên được bao bọc bởi tường gạch hoặc rào dâm bụt cắt tỉa, cổng ra vào có mái che lợp ngói, cánh bằng gỗ; khu đất có diện tích rộng từ 3 – 5 sào (1.000 – 3.000 m2) bên trong gồm có nhà chính, các nhà phụ, sân gạch, ao cá, vườn cây, các công trình chuồng trại, nhà vệ sinh... Nhà chính, nhà phụ được xây dựng giữa khuôn viên khu đất và quay mặt về hướng Nam hoặc Đông.
Nhà chính từ 5 đến 7 gian, nhà hai mái hoặc hai chái, hai chái lợp ngói mũi, bên dưới có ngói liệt (cách lợp mái 2 lớp theo phương pháp này cho ta hiệu quả thông gió rất tốt về mùa hè). Kết cấu vì kèo của ngôi nhà bằng gỗ, vách tường gỗ hoặc xây bằng gạch đất nung, nền lát gạch bát. Gian giữa của ngôi nhà bố trí bàn thờ tổ tiên và bàn ghế tiếp khách, hai gian bên đặt giường ngủ cho chủ nhà và con trai lớn; hai phòng phụ còn lại, một phòng để đồ đạc quý hoặc lúa thóc, phòng kia là phòng ngủ của phụ nữ và con gái, sau này khi con trai lớn xây dựng gia đình thì phòng ngủ này sẽ dành riêng cho gia đình mới. Nhà chính quay mặt về hướng Nam nhìn ra sân rộng trước nhà; phía trước sân là ao, vườn cây ăn quả, bể nước mưa, giếng nước khơi... Phía vườn trước trồng cây cau, giàn trầu. Cây cau vừa có giá trị thẩm mỹ về cảnh quan, vừa lấy bóng mát về mùa hè ở, tán cây cau có tác dụng như cái ô che nắng nhưng vẫn cho gió nồm hướng Nam thổi vào trong nhà ở phía phần thân gỗ của cây cau. Phía sau ngôi nhà chính là hướng Bắc, là hướng gió lạnh về mùa đông, nên được trồng cây chuối có lá to bản, cây lại thấp nên có thể che bớt gió lạnh. “Chuối sau, Cau trước” là câu lưu truyền nhắc nhở các thế hệ sau này lưu tâm đến tổ chức cảnh quan ngôi nhà và cách giải quyết vi khí hậu cho ngôi nhà ở. Phía sau của ngôi nhà ở là các công trình phụ trợ như: chuồng trại chăn nuôi gia súc, nhà để dụng cụ làm nông nghiệp, nhà kho và nhà vệ sinh...
Nhà phụ hay còn được gọi là nhà ngang kéo dài 3 – 5 gian (từ 1 – 2 nhà), nền nhà phụ thường thấp hơn nền nhà chính, chiều cao mái cũng thấp hơn, mái lợp ngói đối với nhà giàu có và lợp rạ, cói đối với nhà trung lưu lớp dưới. Nhà phụ là nơi nấu ăn, bếp, phòng ăn, nơi ngủ của phụ nữ, người giúp việc trong nhà. Ngoài ra, nhà phụ còn là nơi làm các công việc thủ công lúc nông nhàn như dệt vải, dệt cửi, đan lát, thêu thùa; một không gian trong nhà phụ đặt cối xay thóc, cối giã gạo...
Một không gian nữa cũng cần được lưu ý vì nó chiếm diện tích khá lớn trong khuôn viên của ngôi nhà đó là sân phơi, nhà giàu thường có sân phơi rất rộng lát gạch bát, là nơi phới sản phẩm nông nghiệp vào ngày mùa và là không gian tổ chức đám cưới, đám ma của gia chủ. Từ sân lên nhà ở có một không gian đệm gọi là hiên, hiên có chức năng đệm ngăn gió lạnh về mùa đông và bức xạ về mùa hè.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top