Chưa đặt tiêu đề 1


Tôi sinh ra đã là một đứa tầm thường, chẳng có gì đặc biệt hay nổi trội, lại thêm cả đôi mắt đã yếu từ khi mới lọt lòng.

Năm vào lớp một, tôi bắt đầu biết mình rất kém toán, cái môn mà ai ai cũng xem là nhất. Đến cả sau này cũng không tiến bộ hơn được. Thấy thế, mẹ tôi liền rất lo lắng, bà tìm đủ mọi cách, mọi môi trường học để tôi không phải chịu áp lực từ các môn tự nhiên kia. Cách tốt nhất chính là phải rẽ hướng sang một con đường khác, mang tên "Âm nhạc". Vậy là, vài năm sau, Tôi bắt đầu theo học Violin cùng một thầy giáo tại Nhạc Viện thành phố Hồ Chí Minh, với mong muốn tôi đậu chính quy tại ngôi trường danh giá này của mẹ.



Khác với tưởng tượng của nhiều người, buổi học đầu tiên lúc nào cũng vui vẻ và thú vị, nhưng với tôi, nó thật khó khăn và gò bó. Ngày hôm ấy, thầy đứng sát cạch tôi, hướng dẫn cẩn thận cách cầm Archet, tư thế cầm đàn cho tôi. Tôi tiếp thu bài học một cách chán nản, tay chân mỏi nhừ vì đứng lâu, trong lòng rất khó chịu khi liên tục bị thầy chỉnh sửa mà mỗi tiếng đàn phát ra đều thật kinh khủng, xấu xí, lúc to lúc nhỏ lại chẳng đúng cao độ.

Vài ngày sau buổi học, cứ mỗi lần tập luyện, tôi lại chỉ muốn ném ngay cây đàn phiền phức đó đi, tôi căm ghét cái thứ âm thanh dở tệ kia, ghét cả những quy tắc đầy rắc rối bắt buộc luôn phải ghi nhớ. Vì những khó khăn ấy mà tôi dần lười biếng, hay bỏ bê việc luyện tập. Mỗi ngày, mẹ tôi đều nhắc nhở tôi tập đàn, có đôi khi còn là la mắng, nhưng tất cả những điều này đều vô nghĩa, nó chẳng giúp tôi yêu cây đàn của mình hơn, cũng không làm bản thân tôi chăm chỉ hơn. Cứ đứng được vài phút là tôi lại hạ cây vĩ cầm xuống rồi bỏ đi chơi, khi mẹ hỏi, tôi lại thản nhiên nói:

"Con tập xong rồi ạ"

Đúng là không có sự nỗ lực thì chẳng thể thành công. Vào những buổi học tiếp theo, tôi liên tục bị thầy giáo chê trách và bản thân cũng càng ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đàn hoàn chỉnh một tác phẩm nào đó, dù là bài dễ và ngắn nhất. Nhưng khi ấy, tôi chỉ luôn nghĩ rằng vì việc học đàn là quá sức với mình nên mới không tiến bộ được chứ chẳng hiểu rằng là vì chính tôi đã không cố gắng hết sức.

Tuy tôi lúc ấy chẳng thích thú gì với việc học hành thế này nhưng phải thừa nhận rằng mình có một người thầy hoàn hảo nhất thế gian. Thầy là một người rất hiền lành, ân cần và có cách dạy bảo thật đặc biệt so với nhiều người lớn khác và đôi khi tôi nghĩ rằng nó hay hơn rất nhiều cách của ba mẹ tôi. Ngoài những lúc rầy la, mẹ còn thường nói với tôi rằng:

"Con mà không chịu tập thì mai bị thầy mắng, vậy nhé."

Nhưng điều đó lại chưa từng xảy ra. Người thầy tuyệt vời ấy không bao giờ nặng lời với tôi hay nói thẳng ra theo kiểu "Con là đồ lười biếng", thay vào đó, ông chỉ cười mỗi khi tôi không thuộc bài và khẽ bảo tôi:

"Con mở sách ra đi".

Ngay thời khắc tôi nghe thấy câu nói ấy, hàng tá câu hỏi và suy nghĩ khác nhau tuôn trào trong đầu tôi, tôi không tin vào điều mình vừa nghe được. Bạn thử suy nghĩ mà xem, làm gì có người thầy, người cô nào không tức điên hay thất vọng nếu học trò của mình cứ luôn xem thường việc học và hầu như buổi học nào cũng quên bài liên tục. Thậm chí, nếu là tôi, chắc chính tôi cũng có thể sẽ nổi trận lôi đình rồi có lẽ, còn tìm mọi cách để tống khứ đứa nhóc phiền phức ấy đi. Không những chẳng tránh mắng, thầy còn rất hiểu tôi. Chính vì vậy, thật may mắn khi được làm học trờ của thầy tôi.

Nếu như câu chuyện của tôi cùng cây đàn vĩ cầm chỉ dừng lại ở chữ "gian nan" thì thật là tầm thường quá. Câu chuyện vẫn sẽ nhàm chán như thế, kể cả với chính tôi nếu không có vài bước ngoặt mới mẻ này. Vào năm 2020, một khoảng thời gian cực kỳ căng thẳng đối với tôi, đây cũng chính là lúc tôi phải gồng mình ôn luyện để có thể thi tuyển ở Nhạc Viện vào năm sau. Trớ trêu thay, đúng thời điểm ấy, đại dịch covid bùng phát nặng nề khắp nơi nơi, không chỉ những người lớn bị ảnh hưởng mà ngay cả học sinh như tôi cũng không tránh khỏi những thay đổi trong cuộc sống. Đầu tiên, trường học của tôi thông báo về việc cho học sinh nghỉ học, kể cả việc học đàn cũng phải tạm dừng lại. Sau đó không lâu, chúng tôi quay trở lại việc học nhưng là qua màn hình máy tính chứ không còn được gặp trực tiếp nhau nữa. Ban đầu, tôi đã tự tập violin tại nhà và chẳng có ai chỉ dẫn. Nhưng về lâu dài, tôi vẫn cần phải tiếp tục học cùng thầy để hoàn thiện kỹ năng của mình, vậy là mẹ tôi đã bàn bạc với thầy về việc học Online và thầy đã đồng ý.

Ngày đầu tôi học đàn theo cách này thật mới mẻ và có vẻ nó khá dễ chịu. Tôi đã học tập như thế suốt nhiều tháng liền, cũng bắt đầu làm quen với những bài rất dài, cả hai ba trang giấy và đương nhiên là cũng cực kỳ khó. Tuy vậy, tôi lại tìm được một dấu hiệu tốt hơn cho . Khi ấy, dù biết mình sẽ phải luyện tập vất vả hơn với bài tác phẩm dài như vậy nhưng tôi đã khá thích thú và tôi đã bật đi bật lại rất nhiều lần bài nhạc đó đến mức thuộc lòng.

Đọc đến đây chắc bạn sẽ nghĩ rằng có lẽ tôi đã bắt đầu tìm thấy được giai điệu đẹp của chính mình nhưng đáng tiếc rằng mọi thứ lại không được êm xuôi như vậy. Chỉ mấy ngày sau khi tập những đoạn đầu tiên, chứng lười biếng của tôi đâu lại vào đấy. Khác với thầy, mẹ tôi lại không đủ kiên nhẫn mà tha thứ hay nhẹ nhàng khuyên bảo, tôi thường xuyên bị mắng rất nhiều. Đỉnh điểm là vào một hôm nọ, khi tôi đang xem phim cùng em gái thì tôi bị mẹ kéo lên tập đàn. Vừa chán nản lại cộng thêm đang mải chơi nên dĩ nhiên, tôi bực bội, vùng vằng đi vào phòng với thải độ thật thậm tệ. Khi vừa chơi được vài nốt, mẹ tôi liền quát:

"Đàn nhanh lên"

Tôi phụng phịu nghe theo, nhưng đầu óc thì như ở trên mây, chẳng chú tâm gì vào bài nhạc, từng nốt một bay tứ tung trong đầu nên thành ra cũng chẳng ra được giai điệu gì. Rồi điều tồi tệ nhất cũng đến, vì tức tối nên tôi đã hất mạnh Archet một cái, khiến đầu của cây vĩ đập vào kính cửa sổ, mẹ tôi thấy vậy thì như nước tràn ly, bà đứng bật dậy, hét thật to:

"Mày có muốn học nữa không hả?".

Tôi lạnh toát cả người vì sợ, lúc đó tôi chỉ muốn đáp trả ngay một câu: "Con không muốn, con ghét nó", nhưng tôi đã không dám nói trước cơn thịnh nộ của mẹ. Tôi chỉ lí nhí nói:

"Con lỡ tay thôi mà".

"Mày tập đàn hay phá đàn. Tao tốn bao nhiêu tiền cho mày, không học được thì nói một câu". Mẹ lại tiếp tục, còn tôi thì cứ đứng trơ ra đó:

"Tao cho mày học bao lâu, vậy mà mãi vẫn chỉ như cái đứa mới nhập môn. Lười biếng như thế thì khi nào mới khá được". Mẹ vẫn tiếp tục: "Người ta tập một ngày ba, bốn tiếng. Còn mày thì chưa được mười phút đã hạ đàn."

Nước mắt tôi bắt đầu tuôn trào, tôi chẳng biết làm gì, cứ đứng đó khóc lóc và trong đầu tôi, cả miệng tôi lúc ấy cũng lẩm nhẩm vô cùng nhỏ: "Không muốn học nữa đâu". Cả hai mẹ con cứ đứng như vậy rất lâu, rồi mẹ tôi bỏ đi còn tôi thì vẫn đứng đó mà khóc. Cứ tưởng mọi chuyện đã qua, ngay tối hôm đó, tôi lại bị ép tập đàn, lúc ấy thái độ của tôi còn tệ hơn khi sáng. Tôi vùng vằng đến trước mặt mẹ, nói lí nhí:

"Sáng con tập rồi mà".

"Mày tập được bao lâu mà nói hả?" Bà ra lệnh: "Cầm đàn lên mau".

Cây đàn của tôi bắt đầu miễn cưỡng cất lên những âm thanh đầu tiên. Tôi cố tình đàn thật chậm, thật tệ nhất có thể vì khi đó tôi nghĩ rằng làm vậy có thể tỏ rõ sự bất bình trong lòng. Nhưng nó không làm người khác thấy thương hại tôi, họ chỉ cảm thấy cực kỳ khó chịu vì thái độ cứng đầu này. Sau này, khi em gái cũng ôn luyện như tôi, bản thân tôi thấy việc chống đối này hết sức ngớ ngẩn. Thậm chí, không chỉ dừng lại ở thái độ ban đầu mà sau mỗi khi bị mắng vì lười tập luyện vậy là tối đó, tôi sẽ trằn trọc với một suy nghĩ rằng, chỉ cần chờ đến lúc lớn lên, khi đã không còn cần ba mẹ bao bọc, nuôi dưỡng và quản thúc nữa thì sẽ tự tay đập đi cây đàn Violin của mình.

Tỏ ra cứng đầu, bất kham là vậy nhưng biết làm thế nào được, tôi vẫn phải học tiếp, càng muốn không phải cực khổ thì càng phải học vì nếu thi rớt, tôi sẽ lại phải luyện tập điên cuồng hơn nữa để thi lại vào năm tiếp theo. Tuy nhiên, bạn không thể hiểu nổi được đâu, ngay cả chính tôi còn thấy khó hiểu, dù có vẻ lúc đó thật sự ghét cái việc phải cầm đàn lên nhưng tôi nghĩ bản thân lại khá tự mãn, hãnh diện khi biểu diễn đàn trên lớp hay những lúc kể cho các bạn về việc học của mình. Không thể phủ nhận rằng âm nhạc cũng mang cho tôi nhiều rất cơ hội tốt. Đầu tiên, tôi được bạn bè, thầy cô tung hô mỗi khi chơi cây đàn, vào năm học lớp bốn, tôi đàn tặng cả lớp vào ngày liên hoan cuối năm và dù tôi biết bản thân đã đàn lỗi rất nhiều nhưng, theo tôi nghĩ, chẳng ai thèm để ý đến nó, họ vẫn dành những lời khen tặng tốt đẹp nhất cho tiết mục của tôi. Điều thứ hai, học âm nhạc vô tình giúp tôi có những trải nghiệm rất vui vẻ và đáng tự hào. Tôi từng được đóng một vai phụ trong bộ phim nổi tiếng. Các thầy cô giáo âm nhạc tại trường luôn yêu mến, thích thú và rất ấn tượng vì những hiểu biết về âm nhạc của tôi hơn hẳn những học sinh khác. Còn một điều cuối cùng mà mãi sau này tôi mới nhận ra, đó là tôi đã có được những mối quan hệ đáng trân quý.

Vất vả bao lâu, cuối cùng thời khắc quan trọng nhất cũng đến, chính là lúc tôi phải ghi lại những tác phẩm dự thi của mình và nộp về Nhạc viện. Tôi may mắn hơn những thí sinh của năm trước, vì dịch bệnh mà năm ấy, tôi không thể thi trực tiếp, điều này giúp tôi bớt lo lắng, căng thẳng.

Trong suy nghĩ thì đơn giản, những thực tế đâu như vậy. Không chỉ có tôi nỗ lực tập luyện cho những ngày cuối cùng này, mà cả mẹ nữa. Mẹ tôi ngồi bên máy tính suốt nhiều hôm liền để nghiên cứu cách chỉnh sửa video sao cho bắt mắt, tìm một góc quay đẹp trong nhà cho tôi. Bài thi của tôi gồm ba phần và tôi có gần hai tuần để quay. Ngày đầu tiên, mẹ cùng tôi dựng một "hậu trường" trông cực kỳ lạ lùng và buồn cười, hai mẹ con chồng một cái thùng bia lên cái ghế cao, rồi lại thêm một cái ghế bé hơn lên trên, cuối cùng là cái giá đỡ điện thoại. Sở dĩ phải cất công làm như vậy và vì nếu cầm quay bằng tay, video sẽ không đẹp, bị rung lắc nhiều. Sau cùng, mẹ hướng dẫn cho tôi cách giới thiệu bản thân và tác phẩm của mình. Tôi đọc đi đọc lại nó nhưng đến lúc quay, cả người bỗng run rẩy và tôi đọc lỗi rất nhiều. Video bị làm hỏng vì những sai lầm vớ vẩn của tôi, nào là không trôi chảy, giọng đọc gượng gạo, khi quay thì tôi cứ vừa nói, tay lại không ngường đan vào nhau, mân mê bên còn lại. Ban đầu, tôi định sẽ mỗi ngày quay hai phần bài thi nhưng thời gian lại vượt quá dự định khiến mẹ với tôi quá mệt. Xem xét lại, mỗi hôm cũng chỉ quay được một bài.

Buổi thứ hai chật vật hơn cả, tôi phải quay bài etude, một dạng "khúc luyện" ngắn, thường được tập luyện và biểu diễn để thể hiện kỹ thuật nhiều hơn là giai điệu và cảm xúc. Đây là một dạng bài khó nhất của tôi, chính vì vậy tôi cũng đã chắc rằng mình không thể đàn hoàn hảo ngay lần đầu tiên. Tôi đứng vào vị trí trước điện thoại với sự lo lắng đầy ắp trong lòng. Mẹ vừa ra dấu bắt đầu, cả người tôi lặng toát, tay và chân cũng hơi run lên. Tôi đã chơi lần đầu ấy hết sức nhưng vừa đến đoạn nhanh, cao trào thì tôi lại vấp và dừng lại giữa chừng. Mẹ bình tĩnh bấm máy cho tôi lần thứ hai nhưng vẫn phải ngưng lại khi vừa đàn được vài ô nhịp đầu. Rồi cứ tiếp diễn như thế hết lần ghi này đến lần khác. Tôi bắt đầu kiệt sức và mẹ thì cũng đã mất kiên nhẫn. Bà dặn dò:

"Nếu sai thì con cứ lướt qua".

Tôi gật gù trả lời: "Vâng ạ", nhưng bản thân vẫn chưa hiểu phải làm thế nào. Khi đã đứng vào chỗ, tôi hít thở sâu một cái rồi mới bắt đầu. Lúc ấy, tôi cũng đã tự ý thức là phải tập trung cao độ, không cho phép mình được sai thêm lần nào nữa thì chuyện này mới kết thúc. Tuy vậy, càng tự nhắc lại câu: "Không được sai. Không được phạm lỗi nữa" thì lại càng mắc nhiều lỗi hơn, tôi đã cố gạt qua nhưng ngay lúc tôi phạm đến sai lầm thứ ba, mẹ tôi đột ngột tắt điện thoại. Bà gắt gỏng mắng:

"Thôi, dừng lại đi. Mày đàn kiểu gì thế hả, vấp lên vấp xuống gần cả chục lần. Đi học lại ngay. Hôm nay không quay gì nữa hết".

Tôi buồn bực về phòng tập lại thật nhiều lần nữa nhưng ngày tiếp theo vẫn kết thúc bằng mấy lời la rầy của mẹ. Gần một tuần trôi qua, tôi chỉ tự tập luyện một mình và không quay bài ấy nữa. Tôi chuyển qua hai phần Gam, đây vốn là bài tập rất dễ nên chỉ với hai lần ghi hình là tôi hoàn thành xong.

Bước qua tuần cuối để hoàn thiện video và chỉnh sửa, không còn có thể trì hoãn thêm nữa, dù chưa chắc bản thân đã sẵn sàng chưa nhưng tôi vẫn phải đàn lại. May mắn thay, tiến bộ hơn những lần trước, sau nhiều lần thì tôi cũng có được một bài khá tốt, hoàn chỉnh hơn. Vậy là chỉ còn đúng một phần duy nhất nữa, đó là một bài tác phẩm, còn được gọi là Concerto, có giai điệu hay, dễ chơi, dễ tiếp thu nhưng lại quá dài và cực kỳ khó thuộc lòng. Chính vì thế, theo cảm nhận của tôi suốt nhiều năm, đây là bài mà tôi hay phạm lỗi nhất.

Tôi dành hẳn một ngày trước khi quay để tập lại Concerto, tối hôm ấy, không biết hiểu vì sao tay tôi đánh đàn, kéo Archet vô cùng trơn tru, khiến bài nào tôi chơi cũng rất hay. Ngay cả mẹ cũng phải khen ngợi: "Hôm nay, con chơi hay quá!", mẹ nói đùa: "Mong ngày mai quay cũng được thế."

Ước gì hôm đó tôi đã không phân vân mà chọn ghi hình ngay lập tức thì mọi việc đã nhẹ nhàng rồi. Sang ngày hôm sau, tôi lại đâu vào đó, run cầm cập, đàn sai rất nhiều khiến mẹ nổi giận. Có nhiều lúc thật kỳ cục, tôi đàn được đoạn đầu, nhưng lỗi phần sau và cũng có khi ngược lại. Tuy nhiên, vẫn có duy nhất một lần quay, tôi đàn được đến cuối cùng khi cố gắng bỏ qua những lỗi sai và đi tiếp. Dù không muốn lấy một bài lỗi như thế nhưng tôi cũng phải chấp nhận, bởi lẽ chẳng còn thời gian nữa.

Sau hai hôm chỉnh sửa video, mẹ cho tôi xem một bài thi thật hoàn chỉnh và đẹp mắt. Vào đúng buổi mở hệ thống để nộp bài, máy nhà tôi đột nhiên bị lỗi hoặc có thể vì điều gì đó mà Video của tôi chẳng cách nào tải lên được. Trong lòng hai mẹ con lo âu vô cùng nhưng cuối cùng mọi chuyện đã xong. Khi dòng chữ: "Đã nộp thành công", hai mẹ con thở phào nhẹ nhõm.

Những ngày sau đó, đối với tôi như là thiên đường thật sự. Tôi ngủ, chơi suốt ngày, cũng chẳng có một sự hồi hộp nào về kết quả. Sau đó ba hôm, tôi thi nốt phần "Thẩm âm", một loại kỹ năng trong âm nhạc. Tôi sẽ giải thích cho bạn một chút nhé, đơn giản rằng, giám khảo sẽ cho bạn nghe một đoạn nhạc bất kỳ nào đấy, có ba lần nghe để ghi nhớ giai điệu, tiết tấu, sau đó bạn sẽ phải hát lại nó, giống và chính xác nhất có thể. Nghĩ thì có vẻ là khá phức tạp nhưng chỉ cần mỗi ngày tập một chút thôi, tôi đã có thể thi đậu phần này chỉ trong vài phút hát lại.

Tạm khép lại những chuỗi ngày tập luyện gian nan của tôi. Sau đó, tôi hầu như đã để cây vĩ cầm đóng băng một chỗ mà không thèm đụng đến nữa. Thời gian trôi qua đã nhiều tháng, tôi còn quên bẵng đi hết mọi thứ, chỉ có thể nói rằng, kết quả đến với tôi như một điều bất ngờ hạnh phúc nhất. Vào ngày hôm ấy, tôi cũng chẳng nhớ chính xác là lúc nào, tôi đang ngồi xem phim trên máy tính để chờ tiết học tiếp theo của mình, đột nhiên, màn hình của laptop hiện thông báo về tinh nhắn hình ảnh của mẹ lên nhóm chung của gia đình, sau khi liếc qua thông báo, tôi cũng phớt lờ mà chẳng xem qua nó là gì, chỉ đến lúc mẹ nhắn một giòng chữ in đậm thật đặc biệt:

"Con đậu Nhạc viện rồi nhé."

Tôi không thể miêu tả cảm xúc của mình khoảnh khắc ấy, nếu như là một người lớn, chắc họ đã bật khóc rồi, nhưng tôi thì không. Tôi nhắn cho nhiều bạn bè của mình để khoe, một việc làm mà sau này khi ngẫm lại tôi thấy thật lạ lùng và rất khác so với tính cách ngày thường của tôi. Sau ấy, tôi chạy thẳng một mạch xuống nhà, lúc đến cầu thang, tôi còn điên rồ nhảy nhót, chút nữa là ngã. Khi tôi nói tin mừng này cho bà ngoại và em gái, cả hai đều có chút bất ngờ, khá hoảng hốt nhưng rồi cũng khen ngợi tôi hết lời.

Kể từ hôm đó, tôi cảm thấy tình cảm của mình với âm nhạc khác xa trước đó, tôi quá đỗi hãnh diện vì thành tích này. Tôi tập đàn mà không lấy một lần phàn nàn, dù là nói ra hay suy nghĩ trong đầu. Tôi hay nói đùa với bà rằng: "Con thấy từ khi trúng tuyển, con có vẻ luôn 'nghênh ngang' và làm lơ với các môn học khác, nhất là những môn con học tệ". Chẳng cần đến một bữa tiệc hoành tráng hay những lời nói hoa mỹ hơn, tôi vẫn cực kỳ sung sướng. Tôi nhìn nhận âm nhạc ở một góc độ tốt đẹp chưa từng có.

Càng về những ngày sau đó, tôi càng thấy mọi thứ thú vị hơn. Không chỉ học môn chuyên môn, violin, tôi còn được tìm hiểu hai môn hoàn toàn mới lạ: Hợp xướng và ký xướng âm.

Vì vẫn còn dịch bệnh, nên tôi được học tại nhà, dù vậy mọi thứ cũng rất vui. Tôi hào hứng đến nỗi đã mặc một bộ quần áo đáng yêu, chải đầu, buộc tóc tỉ mỉ dù chỉ là ngồi trước máy tính. Tôi cười hầu như suốt tiết học đầu tiên của môn hợp xướng. Tối đó, tuyệt diệu không thể tả nổi, tôi chăm chỉ lắng nghe về những điều mới mẻ mà mình chưa được biết qua bao giờ, sau đó, tôi lại luôn miệng kể lại cho gia đình vào giờ ăn cơm.

Đến môn thứ hai: Ký xướng âm thì khá khó và cũng chán hơn, nhưng điều đó không làm tôi nản chí nữa. Tôi chợt nhận ra rằng, không có bất kỳ điều gì trong cuộc sống này là nhàm chán nếu ta luôn cố gắng mỉm cười và cố tìm ra một điều thú vị trong công việc ấy. Khi bạn đã sống với một người nào đó, một thứ gì đó đủ lâu, bạn sẽ hiểu được thật nhiều điều. Tôi cũng vậy, khi học đàn càng nhiều, tôi biết rằng trên thế gian chẳng tồn tại một giai điệu dở tệ nào cả. Khi chỉ vừa nghe thoáng qua, nếu là một bài nhạc cổ điển không mang nhiều điểm nổi bật, bạn sẽ thấy chán ngay. Tuy nhiên, nếu đặt chúng ta vào vị trí của người tạo ra những âm thanh đó, bạn sẽ dần dần thấy nó thật hay, thật kỳ diệu biết bao bởi dù gì, con người làm nên âm nhạc cũng chính là tạo ra phép thuật vậy, chỉ là có thể con người không nhìn thấy nó thôi.

Tôi trải qua học kỳ một của năm nhất tại Nhạc viện rất tuyệt. Mỗi lần đi học về, mẹ tôi lại tươi cười hỏi: "Hôm nay học sao rồi con?" và tôi cũng cười rất tươi, trả lời: "Vui lắm ạ". Trước đây, tôi chưa từng tưởng tượng rằng sẽ có một ngày tự bản thân mình thay đổi cách suy nghĩ, trở nên yêu quý việc học nhạc đến vậy.

Bước sang học kỳ tiếp theo, mọi chuyện lại không được suôn sẻ cho lắm. Tôi thi rớt môn Ký xướng âm và phải thi lại trong hè. May mắn thay, năm ấy lịch thi lại khá trễ nên tôi vẫn có gần một tháng đi chơi với gia đình. Sau đó, mẹ nhờ một cô giáo dạy thanh nhạc có con gái học cùng khóa với tôi và chúng tôi cũng rất thân nhau để ôn cho tôi. Hằng ngày, ba chở tôi đến nhà cô từ sáng sớm và để tôi học ở đó cả ngày, đến tối mới về nhà. Lúc đầu, tôi thấy thật xui xẻo khi phải luyện tập rồi thi lại lần nữa nhưng sau đó, tôi thấy khá may mắn khi mình đã không qua môn, bởi vì nhờ có lần ấy, mà tôi mới biết mình bị yếu lý thuyết và tiết tấu khá nghiêm trọng. Vào những ngày đầu, cô giáo hầu như phải dạy tôi lại toàn bộ những điều căn bản nhất. Cô còn từng nói đùa một câu khiến tôi rất sốc và xấu hổ: "Cô không biết làm sao con có thể thi đậu vào trường nữa". Tôi chẳng khóc hay oán trách đâu, có lẽ vì tôi chỉ là một đứa con nít, mà trẻ con thì đâu biết giận hờn lâu bao giờ, chỉ vài giây sau là lại vui ngay. Nhưng cũng có thể là tôi thấy cô nói thật đúng, vì thế mà càng quyết học lại từ đầu để sau này không còn ai dám chê bai tôi nữa, đến lúc đó sẽ hả hê biết bao. Khoảng thời gian chỉ có gần một tháng nhưng tôi lại thấy nó dài vô cùng, ngày nào cũng chỉ học mỗi một môn, hát đi hát lại vài bài trong sách đến thuộc lòng. Dù đến gần hôm thi, tuy tôi vẫn chưa thật tự tin là sẽ nắm chắc điểm cao trong tay nhưng đúng là có sự khác biệt hẳn so với ban đầu. Tôi bình tĩnh nghe từng nốt nhạc, ghi chép, làm bài cẩn thận nhưng đột nhiên lại quên mất điều quan trọng, thậm chí tuy đã cố ngồi suy nghĩ nhưng vẫn không nhớ ra. Vì sắp hết giờ nên tôi đành ghi đại những gì mình nghĩ, và đúng là nó đã sai. Đến phần hai, tôi lại làm rất tốt, hát đúng và trôi trảy để gỡ lại phần đã sai. Kết quả ngoài mong đợi, tôi không chỉ đã thi qua mà điểm còn ở mức khá. Thật vui và nhẹ nhõm trong lòng.

Bạn thấy đấy, câu chuyện của tôi có lẽ vẫn chưa thực sự hấp dẫn và tuyệt vời, nhưng với chính tôi thì khác, đây lại là những kỷ niệm đầu tiên, khó khắn có, vui vẻ hạnh phúc cũng có và tôi nghĩ rằng, đó chính là bước ngoặt lớn nhất trong đời mình. Tôi không có ước mơ quá lớn lao khi đi theo âm nhạc, tôi chỉ đơn giản mong muốn một cuộc sống nhẹ nhàng với cây đàn của mình. Tôi có thể sẽ trở thành nhạc sỹ, nghệ sỹ hoặc chỉ đơn thuần là một cô giáo cũng không sao cả. Những ai có âm nhạc là bạn đồng hành thì đã là một người có đầy đủ hạnh phúc rồi, chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này và thời gian còn lại là để yêu thương những người xung quanh ta. Tôi từng nghe qua một câu nói rất hay của nhà văn Victor Hugo:

"Âm nhạc thể hiện những điều không thể nói nhưng cũng không thể lặng câm."

Quả thật là như vậy, khi ta có điều muốn nói nhưng lại không làm được, hãy để âm nhạc giúp bạn làm điều đó. Giống như khi còn nhỏ, chúng ta thường hát những bài ngắn vào ngày sinh nhật của cha mẹ và tất nhiên, họ rất hạnh phúc. Đó là phép thuật mà âm nhạc đã tạo nên. Hay kể cả khi các bạn trưởng thành, ta có thể dạy những đứa trẻ của mình hát, nhảy múa, chơi nhạc. Rồi căn nhà của bạn sẽ vui vẻ suốt ngày, khi đó, chính chúng ta sẽ là người được nhận những phép màu nhiệm ấy.

Vào năm sau, em gái tôi cũng sẽ thi tuyển vào Nhạc viện như tôi ngày xưa, tôi chỉ có vài lời ngắn gửi cho em:

Gửi em gái thân yêu của chị!

Chị hiểu rằng, có lẽ bây giờ, em cũng đang rất giống chị trước đây vậy. Khó chịu, bất mãn, chán nhản và ghét việc phải ngồi đàn vài tiếng mỗi ngày. Nhưng em thân mến! Hãy cố lên và vượt qua khó khăn lần này vì trước mắt em về sau sẽ là một cách cửa rộng mở với biết bao điều tốt đẹp. Khó khắn là thứ mà không ai có thể tránh được và càng nhiều thử thách thì con người chúng ta sẽ càng được tô luyện thành người vững vàng hơn, có được cuộc sống tốt hơn. Từ nay về sau, mỗi khi muốn từ bỏ âm nhạc, em hãy nhớ lại những giai điệu, những bài hát mà em thích và thử tưởng tượng rằng, nếu học tập chăm chỉ, đến một ngày nào đó, em sẽ chẳng cần phải nghe khúc nhạc mình yêu quý qua tiếng đàn của một ai khác nữa. Em sẽ tự chơi lại cho chính mình, tự cảm nhận, biến tấu theo ý mình. Chị chắc rằng em sẽ phải yêu âm nhạc thôi. Hãy vững tin rằng âm nhạc là phép màu em nhé!

Chị yêu của em

Còn bây giờ, sau khi chúng ta đã đi cùng nhau cả một quãng đườngdài, cũng đến lúc đèn phải tắt và màn phải hạ nhưng câu chuyện của tôi sẽkhông bao giờ có thể kết thúc được, tôi chỉ có thể nói tôi sẽ mãi mãi yêu âm nhạc.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: