CHƯƠNG NĂM

Hai ngày sau, tôi sang thăm Đubôtôpkơ. Tôi không muốn đi, nhưng Nađêia nói: “Ngài cứ đi đi, tôi ra lệnh đấy. Ở lại đây một mình tôi sẽ không sợ đâu”.

Đường tôi phải đi hướng về phía đông nam tòa lâu đài. Một rặng cây rậm rạp, hai bên là khu vườn âm u như rừng, dẫn tôi đến tường rào. Chỗ này mất một thanh sắt rào (đó là điều bí mật của Nađêia mà nàng đã hé cho tôi biết), có thể chui qua được. Vì vậy tôi không phải đi vòng lên hướng bắc theo rặng cây đã đưa tôi đến lâu đài, không phải đi vòng khắp khu vườn để ra con đường dẫn đến nhà Đubôtôpkơ. Tôi chui qua lỗ hổng, bước ra một bãi phẳng. Bên trái và trước mặt tôi là những bãi lau lách hoang vu vô tận, lác đác vài gốc cây, bên phải là những bụi rậm, tiếp đến một dải sông con, bên kia sông là một cánh rừng bị sình lầy làm đổ nghiêng ngả, xa nữa, có lẽ là đến những sình lầy hiểm nghèo. Xa tít bên kia khu bãi hoang, lô nhô những ngọn cây, chắc ở trang ấp của Đubôtôpkơ.

Tôi bước chậm rãi trên bãi hoang, thỉnh thoảng mới tìm ra đường mòn. Mặc dù bãi hoang ngày thu trông ảm đạm, cô liêu, mặc dù đã hai lần một con quạ to tướng bay vù trên đầu tôi, nơi đây vẫn dễ chịu hơn ở Rừng Tùng Đầm Lầy. Cảnh vật xung quanh đều quen thuộc: những đám rêu xanh trên các mô đất, lau sậy khô cằn, một chú chuột nhắt đang tha những bông lau trắng vào lót ổ, sẵn sàng đón mùa đông tới.

Tôi đến nhà Đubôtôpkơ thì trời đã nhá nhem tối, các ô cửa sổ đã sáng rực ánh đèn. Ngôi nhà cũng bình thường như mọi ngôi nhà sliăctich khác: kiểu cổ, thấp bé, ô cửa kính nhỏ, mái lợp gỗ ván, tường quét vôi sạch sẽ, có bậc thềm bốn cột tròn. Nhà kiến trúc tỉnh lẻ hẳn không nắm được một bí quyết phổ biến, cho nên các cột tròn trông như hơi phồng ở đoạn giữa, giống như những thùng rượu. Quanh nhà trồng một hàng cây đa cao to, đã già lắm, lá rụng gần hết. Phía sau nhà có một vườn cây ăn quả, sau vườn là một vạt ruộng mới cày.

Có lẽ tôi đến hơi muộn, vì trong nhà đã ồn ào nhiều giọng nói. Tôi được đón tiếp rất nồng hậu.

- Ôi Cha mẹ ôi! Chư vị thánh nhân tuẫn tiết ôi! - Đubôtôpkơ hét oang oang. – Vậy là cũng đến nơi rồi kia, đứa con lạc đàn đến rồi. Mời vào bàn mau, Antôxơ, bay đâu rồi, cái quân tay chiêu đập niêu không vỡ? Một cốc đầy mời khách “Khởi động”, mau! Một lũ quỷ sứ, quên cả chào thượng khác, một cốc mừng khách xuống ngựa, cũng quên nốt. Ôi cái lũ ngu độn...

Ngồi quanh bàn tiệc có chừng mươi người, toàn đàn ông, trong đó đã quen biết tôi chỉ có Xvetilôvich, Alêxi Vôrôna và Xtakhốpxki. Hầu như tất cả đã chuếnh choáng hơi men, và không hiểu tại sao đều ngắm nghía tôi hơi quá chăm chú. Bàn tiệc đầy đồ ăn thức uống: rõ ràng Đubôtôpkơ là một điền chủ quý tộc giàu có trong vùng. Tuy nhiên, sự sung túc của ông ta cũng chỉ tương đối. Đồ ăn thức uống có thừa, nhưng nhà cửa, xét theo những gian phòng tôi đã đi qua, bầy biện không thuộc loại sang trọng. Tường quét vôi trắng, cửa chớp đều chạm trổ và sơn màu sặc sõe, bàn ghế giường tủ đều cổ, nặng nề và không lấy gì làm đẹp lắm. Nếp sống điền chủ quý tộc tỉnh lẻ lộ ra khắp xó xỉnh. Trong phòng ăn không bày biện gì ngoài một chiếc bàn gỗ sồi to rộng, những chiếc ghế bành kiểu gai óng mượt, màu xanh, hai chiếc ghế bành kiểu Đanzich bọc da dê màu vàng, và một tấm gương đứng ba mặt, khung màu nâu trang trí cảnh thành phối với những nóc quả bồng của các nhà thờ. Các vị khách ăn mặc lòe loẹt vẫn mải tò mò ngắm nhìn tôi.

- Sao lại trố mắt ra cả lũ thế kia? – Đubôtôpkơ quát to. – Chưa được thấy người kinh đô bao giờ hay sao, hở lũ gấu rừng? Nào, tiếp đồ ăn cho khách quý đi, tiếp nhiều vào, tùy khẩu vị mỗi anh.

Những cái mõm xồm xoàm nhăn nhở cười, những cẳng tay bắt đầu động đậy. Chỉ một loáng, trên đĩa tôi đã ngự cả một chú ngỗng to tướng, tần với nước sốt việt quất, một cái tỏi gà tây hấp táo, nấm muối chua, chục chiếc bánh khoai nhân thịt, vậy mà khắp tứ phía vẫn tiếp tục những lời mời mọc!

- Bánh xèo với tỏi nữa này... Xin mời pan nếm thử một miếng chân giò lợn rừng tẩm ớt, cay xé miệng đây. Xin thề mồ ma cụ bà tôi – ngon tuyệt... Đây nữa, nhất hạng... Đây nữa này, ngon thượng hảo hạng...

Đó, ở quê Bêlôruxia ta, đãi khách như vậy đó, - chủ nhân cười ha hả khi thấy tôi bối rối.

Cả một núi thức ăn mọc lên trước mặt tôi. Tôi cố chối từ, nhưng chỉ làm cho các vị khách rầm rầm phản đối (một vị còn nhỏ cả mấy giọt nước mắt nữa, tuy nhiên, ông ta đã say mềm). Tôi đành khuất phục.

Anh chàng Antôxơ bưng ra trên khay một bình rượu “khởi động”. Tửu lượng tôi vào loại khá, vậy mà tôi vẫn phát hoảng. Trong bình có đến cả một chai thứ nước vàng vàng trong vắt.

- Tôi chịu thôi.

- Chịu là thế nào? Chỉ có gái tơ mới “Chịu thôi”, nhưng cô ả cũng lại đồng ý ngay ấy mà.

- Nhiều quá, pan Đubôtôpkơ ạ.

- Nhiều, ấy là khi có ba mụ vợ trong một nhà cơ, mà cũng còn tùy xem đối với thằng chồng nào... Ê – ê, anh em ơi, người ta khinh anh em ta. Thỉnh cầu thượng khách đi chứ!

- Chúng tôi xin ngài... Xin mời ngài, - các quan khách há hốc những mõm gấu đồng thanh gào lên!

Tôi đành phải uống cạn. Rượu vào như thiêu đốt hết ruột gan tôi, mắt nổ đom đóm, đầu óc quay cuồng, nhưng tôi cố không nhăn mặt.

- Quả xứng mặt trượng phu!

- Rượu gì vậy? – nuốt chửng một miếng chân giò to tướng, tôi hỏi.

- Hô! Biết rượu xtacka Ba Lan, biết vôtka Nga, biết cả xpôtưkat Ukraina, mà lại không biết “tơrít Livinirit” xứ ta. Cái của này, anh bạn trẻ ạ, theo tiếng Litva là “ba lần chín”, tức vôtka ngâm hai mươi bảy vị cỏ thuốc. Dân ta lấy được bí quyết rượu này của bọn Litva từ mấy thế kỷ trước đây kia. Ngày nay chính bọn Litva đã quên biến bí quyết ấy rồi, nhưng dân ta vẫn nhớ. Uống nữa đi, anh bạn, rồi ta sẽ còn thết anh món rượu mật ong nữa.

- Món gì thế này? – Tôi xọc dĩa vào một món gì đen đen.

- Anh bạn yêu quý ơi, món môi nai ngâm dấm chua ngọt đấy. Ăn đi, anh bạn, cho nó khỏe người. Món ăn của các tráng sĩ đấy. Tổ tiên chúng ta, cầu cho các cụ mồ yên mả đẹp, các cụ đâu có ngu ngốc. Ăn đi, đừng có mà lười, ăn đi.

Một phút sau, quên phắt là vừa mới quảng cáo “món môi”, ông ta lại oang oang:

- Không được, anh bạn, anh không thể chuồn khỏi tay ta mà chưa nếm thử món bánh rán nhồi gan ngỗng. Antôxơ!

Antôxơ tiến lại với cả mâm bánh. Tôi thử chối từ.

- Bay quỳ xuống dưới chân thượng khách, mau! Giập cái đầu ngu đần của bay xuống mà van xin thượng khách đừng chê ta nghèo khó.

Chẳng bao lâu, cả tôi nữa cũng đã chuếnh choáng. Quanh bàn đều la hét, hát hò. Đubôtôpkơ níu lấy vai tôi mà lúng búng điều gì đó trong mồm, nhưng tôi không chăm chú nghe lắm. Gian phòng bắt đầu chao đảo.

A-ha ta cạn chén nhất

A-ha ta cạn chén hai

Tiếng ai đó gào lên. Bỗng tôi sực nhớ đến tòa lâu đài trong rừng tùng nơi xa, những thân cây mốc thếch, cái lò sưởi và cạnh nó là một bóng người nhỏ nhắn, rầu rĩ. Một nỗi buồn đột ngột xâm chiếm lòng tôi. “Ta chỉ là một con lợn say mèm, tôi thầm nhắc đi nhắc lại, - không thể ăn chơi thỏa thích khi người khác đang đau khổ”. Tôi thấy thương nàng đến phát khóc lên được và... ngay lập tức tôi tỉnh rượu.

Các quan khách đang lục tục rời bàn tiệc.

- Xin chư vị dạo chơi cho một lát, - Đubôtôpkơ nói. Phải dọn lại cái bàn một chút.

Lạy chúa tôi, ra đây mới chỉ là khởi đầu! Vậy mà, họ đã say khướt cả một lũ. Mới tám giờ tối. Không sao. Còn sớm chán. Tôi biết nếu đã đột ngột tỉnh rượu ngay tức khắc thì hôm nay tôi sẽ không say nữa, nhưng tuy vậy tôi vẫn quyết định sẽ uống dè dặt: lỡ sa vào sình lầy thì lôi thôi to.

Các quan khách nghỉ ngơi, trò chuyện. Đubôtôpkơ đem khoe một bộ sưu tập các vũ khí cổ. Ông ta hết lời khen một thanh gươm cổ mà ông xin được của Rôman Janốpxki. Ông bảo: thép “bulat” của Nga chặt đứt tấm đồng, thép “Zichmun” Ba lan chặt đôi các đinh khá dày, thép gươm này của xứ sở ta, bí quyết luyện nó bọn Tacta đem đến xứ ta từ thời Đại công tước Vitôptơ kia. Trong lòng lưỡi thép là thủy ngân, nhát chém mạnh đến nỗi chẳng những chặt đứt đồng tấm mà còn chặt đôi cả một súc gỗ to. Mọi người tỏ vẻ không tin. Đubôtôpkơ nổi nóng, quát gọi Antôxơ khiêng vào một khúc gỗ ngăn to gấp ba lần cái cổ người và đặt xuống sàn.

Tất cả đều im bặt. Đubôtôpkơ nhằm nhằm, bỗng nhe răng, lưỡi gươm vung lên, vẽ một hình bán nguyệt lên không trung.

“Hự” một tiếng tận trong ruột. Đubôtôpkơ giật mạnh lưỡi gươm về phía mình, chặt chéo súc gỗ làm đôi. Mọi người im lặng, kinh ngạc.

- Phải như vậy đấy, - Đubôtôpkơ buông thõng một câu.

Lúc ấy tôi rủ được Xvetilôvich ra bậc thềm và sau khi đã nhắc lại lời anh nói, tôi kể hết cho anh nghe những điều đã xảy ra ở Rừng Tùng Đầm Lầy.

Anh tỏ ra rất xúc động. Anh bảo trước đây có nghe nói đến những chuyện ấy, nhưng anh không tin lắm.

- Bây giờ anh tin chứ?

- Tôi tin anh, - anh đáp giản dị. – Và xin thề: tôi còn sống thì không một kẻ nào đụng được đến một sợi tóc trên đầu nàng. Đó là quỷ thần hay hồn ma hay cái gì khác nữa tôi cũng sẽ chẹn ngang đường nó.

Chúng tôi thỏa thuận sẽ cùng nhau điều tra vụ này và hai ngày nữa anh sẽ đến kể cho tôi biết nhứng điều anh tìm hiểu được ở các xóm làng quanh vùng (những lời đồn đại, thêu dệt nhiều khi cũng có ích chút ít đấy). Chúng tôi cũng nhất trí chưa vội cho Đubôtôpkơ biết chuyện: ông lão có thể quá kích động và theo tính nết ông, cứ phang bừa thẳng cánh thì hỏng.

Bữa tiệc lại tiếp tục. Lại ăn, lại uống. Tôi nhận thấy Đubôtôpkơ rót đều rượu cho mình và cho tôi, vừa uống vừa nhìn tôi, dò xét. Mỗi lần tôi uống cạn cốc, ông tỏ ra rất hài lòng. Cứ như thể một cuộc thách thức đua tài. Xen giữa những cốc rượu, ông mời tôi nào bánh bột hấp với nước sốt “masanka”, nào bánh “stônich” nhân thịt thả chảo mỡ, các bậc thánh nhân cũng chưa từng được nếm. Rõ ràng ông ta đang tìm hiểu tôi về mọi mặt. Tôi vẫn uống và hầu như không say.

Những người khác, trừ Xvetilôvich, đều đã đến độ không còn nghe ai nói nữa, người nốc rượu cứ nốc, người kể chuyện tình cứ kể, người thứ ba hò hét để mọi người phải lưu ý đến một chi tiết hay ho trong lai lịch bản thân, người thứ tư hồi tưởng thân mẫu anh ta hiền hậu biết bao, vậy mà anh ta, một thằng bợm rượu, một đồ đê tiện đang bôi nhọ thanh danh bà do lối sống sa đọa của mình.

Họ hát hò, ôm hôn nhau, ai đó rền rĩ:

Vợ trẻ chờ nhà,

Mà tôi lang bạt

Rượu nốc từng bát

Bò bán chủ quán

Hồn gán Sa tăng.

Một giọng khác ê a:

Bớ bà con nói giùm tôi biết.

Chồng tôi nay chăn gối nơi đâu?

Nếu đường xa sương gió dãi dầu

Tôi cầu chúa rủ lòng cứu giúp

Nếu nơi giường quả phụ ôm nhau

Tôi cầu chúa thẳng tay trừng phạt.

Nếu nơi giường quả phụ ôm nhau...

Một vị khách đang gục đầu trên bàn tiệc, bổng ngửng lên hát tiếp câu cuối vừa mới tự biến tấu:

Cầu chúa cũng một tay trợ giúp.

Tất cả cười hô hố.

Bỗng Đubôtôpkơ lắc lắc đầu như muốn trút bỏ men say, đoạn đứng dậy tuyên bố:

- Rốt cuộc ta đã tìm ra một trang sliăctich chân chính. Anh ta uống rượu nhiều hơn ta, ta say còn anh ta vẫn tỉnh như sáo. Cả lũ các anh ở đây có lẽ cũng không nốc nổi lấy một nửa chừng ấy, chín trong mười anh sẽ lăn đùng ra sàn, anh thứ mười thì sẽ khóc rống lên như chú bê non. Chứ đây – đường đường một trang nam nhi! Một đấng trượng phu! Anh ta, chỉ một mình anh ta, mới xứng được ta nhận làm “bằng hữu thủa thiếu thời” mà thôi.

Tất cả cùng đồng thanh hét “Vẻ vang thay!”. Riêng Vôrôna vẫn nhìn tôi, móc mói và hằm hè. Họ nâng cốc chúc mừng tôi, chúc mừng giai tầng sliăcta “muối của đất” (*), chúc mừng người vợ tương lai của tôi.

(*) Tức “những người ưu tú” (N.D.).

Khi cơn nồng nhiệt đã tạm lắng, Đubôtôpkơ nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi với một giọng tâm tình:

- Sắp lấy vợ chứ?

Tôi lắc đầu, tảng lờ, mặc dù hiểu rất rõ ý của ông hỏi. Rõ ràng ông ta tin chắc vào điều đó, mà tôi thì không muốn làm ông phải thất vọng. Ông lão quý tôi, lại đang say, nên rất có thể sẽ phật lòng, nếu tôi trả lời thẳng thừng là chưa hề nghĩ đến và không muốn nghĩ đến chuyện đó.

- Nó xinh đấy chứ, - Đubôtôpkơ nói tiếp, đoạn thở dài, quay mặt đi.

- Ai? – tôi hỏi.

- Con cháu đỡ đầu của ta ấy.

Câu chuyện đã đi quá xa, tảng lờ nữa không được. Tảng lờ nữa, vô tình tôi sẽ bôi nhọ thanh danh cô gái.

- Tôi chưa hề nghĩ đến chuyện ấy, - tôi nói. – Mà giả thử đã có nghĩ đến thì chuyện đâu phải chỉ phụ thuộc vào tôi. Trước hết, phải hỏi ý kiến tiểu thư đã chứ.

- Anh lẩn tránh câu trả lời thẳng thắn, - bỗng Vôrôna rít qua kẽ răng những lời châm chọc. (Tôi không ngờ y có thể nghe lỏm câu chuyện nhỏ to giữa hai chúng tôi). – Anh không dám trả lời thẳng thắn và công khai trước mặt những người đứng đắn là anh chạy theo tiền, đang đeo đuổi một mụ vợ danh giá chứ gì.

Tôi bắt đầu sôi lên. Cố giữ bình tĩnh, tôi đáp:

- Tôi chưa có ý định lấy vợ. Và nói chung, tôi cho rằng giữa một đám đàn ông say rượu mà bàn tán về một người con gái – điều đó không xứng đáng với danh dự một sliăctich chân chính. Tôi yêu cầu pan Vôrôna chấm dứt ngay, không đem một cô gái trinh bạch ra làm đề tài đàm tiếu giữa đám đàn ông say rượu, không bôi nhọ danh dự nàng. Nếu được như vậy, tôi sẽ tha thứ cho ngài những lời nhục mạ kinh khủng mới rồi.

- Hô! – Vôrôna thốt lên. – Hắn mà đòi tha thứ cho ta – cái con mèo đực ghẻ, cái của cặn bã này!

- Ông im đi! – tôi quát lên. – Ông xúc phạm tiểu thư khi nói những lời lẽ như vậy. Ông thử nghĩ kỹ mà xem!

- Hai ngài! Xin hai ngài! – Đubôtôpkơ can chúng tôi. – Vôrôna, anh say rồi đấy!

- Mi nghĩ đi thì hơn. Ta đã một lần tha tội cho mi, lần nữa, quyết không!

- Đồ đê tiện! – Tôi phát khùng, quát lên.

- Ta ấy à?

- Phải, ông! – Tôi quát to đến nỗi những người ngủ gục bên bàn tiệc cũng phải ngửng đầu dậy. – Tôi sẽ buộc ông phải câm họng.

Một lưỡi dao ăn bay vèo trên không, sống dao đập vào tay tôi. Tôi chồm dậy túm lấy ngực Vôrôna, lắc mạnh. Ngay lập tức, Đubôtôpkơ tóm vai hai chúng tôi, tách xa nhau, đẩy mạnh vào vai Vôrôna.

- Thật xấu hổ, Alêxi! – Tiếng ông vang như sấm. – Anh chỉ là một con chó ghẻ... Hòa giải đi, mau!

- Không, khoan đã, Đubôtôpkơ. Chuyện này nghiêm trọng. Đi quá xa rồi. Chạm đến danh dự của tôi. – Vôrôna rít lên.

- Cũng chạm đến cả danh dự của ta với tư cách là chủ nhân. Từ nay còn ai dám đến với ta nữa. Mọi người sẽ bảo: Đubôtôpkơ không thết đãi rượu ngon, chỉ mời món đấu súng thôi.

- Thì mặc xác ông. – Vôrôna nhe răng hét.

Đubôtôpkơ lẳng lặng giáng cho y một cái tát.

- Giờ thì trước hết anh phải đấu gươm với ta, vì ngài đây mới chỉ thộp ngực anh, - ông thì thào mà khiến nhiều kẻ phải rùng mình. – Ta sẽ làm cho thượng khách của ta rời khỏi nơi đây, toàn mạng và nguyên vẹn.

- Ông tính nhầm đấy, - Vôrôna đáp, giọng hầu như bình thản. - Ai lăng nhục trước, kẻ đó sẽ đấu trước. Sau đó tôi xin đọ gươm hầu ông, ông có giết tôi cũng được.

- Alêxi, - Đubôtôpkơ gần như van xin. – Đừng làm ô nhục mái nhà ta.

- Hắn phải đọ sức với tôi. – Vôrôna cương quyết.

- Thôi được, - chủ nhân đột ngột đồng ý. – Không sao cả, thưa pan Bêlôrétxki. Mong ngài hãy dũng cảm. Con lợn kia say đến độ cầm khẩu súng không xong. Có lẽ tôi sẽ đứng cạnh ngài. Nơi có mặt tôi sẽ là vị trí an toàn nhất.

- Không đời nào, thưa ngài Đubôtôpkơ... – Tôi đặt tay lên vai ông. – Không cần thiết. Tôi có sợ đâu. Tôi cũng xin ngài hãy dũng cảm lên.

Vôrôna chằm chằm nhìn tôi bằng cặp mắt đen ngòm như mắt tử thần.

- Tôi còn chưa nói xong. Cuộc đọ súng sẽ diễn ra không phải ở trong vườn, e rằng tên công tử kia chuồn mất. Và không phải là vào ngày mai, vì hắn có thể đi khỏi đây. Cuộc đọ súng sẽ diễn ra tại đây, ngay bây giờ, trong gian phòng bỏ không gần nhà nuôi ong. Mỗi bên bắn ba phát. Trong bóng tối hoàn toàn.

Đubôtôpkơ định phản đối, nhưng lòng tôi đang ngấm ngầm một nỗi căm giận điên khùng. Tôi bất cần tất cả, tôi căm thù con người kia, tôi đã quên khuấy cả Nađêia, cả sự nghiệp, cả bản thân mình.

- Tôi phục tùng ý muốn của ông. – Tôi đáp, giọng châm chọc. – Nhưng liệu ông có lợi dụng bóng tối để chuồn khỏi tay tôi không nhỉ? Thôi tùy ông.

- Quả là một sư tử! – Tôi nghe thấy giọng xúc động của Đubôtôpkơ.

Tôi liếc nhìn ông và lấy làm kinh ngạc. Trông ông lão thật đáng thương. Mặt ông nhăn nhó, mắt đầy vẻ buồn rầu và xấu hổ, xấu hổ đến nỗi độn thổ được... Ông suýt phát khóc, một giọt nước khả nghi đã cheo leo đầu mũi. Thậm chí, ông không dám nhìn thẳng vào mặt tôi nữa, khoát tay, quay vội đi.

Nhà nuôi ong dựng kế tiếp ngôi nhà ở. Đó là một nhà ngang rộng lớn, rêu bạc phủ kín các hốc tường. Mạng nhện tựa những súc vải trải ra, treo rủ từ mái tranh xuống đất, đung đưa theo bước chân chúng tôi. Hai vị sliăctich cầm nến đưa chúng tôi vào gian phòng cạnh nhà nuôi ong, một gian phòng trống hoàn toàn, không một ô cửa sổ, tường xám ngoét bẩn thỉu. Trong phòng nồng nặc mùi hôi tổ chuột và mùi rêu mốc.

Nói thực tình, tôi sợ, thậm chí rất sợ. Trạng thái tinh thần của tôi chỉ có thể đem so với trạng thái của con bò trong lò sát sinh hay của một người ngồi chờ bị vặn răng: vừa kinh khủng, vừa ghê tởm mà không thể bỏ chạy được.

“Hắn mà bắn thủng bụng ta thì sẽ ra sao nhỉ? Trời, như vậy thật khủng khiếp! Giá như nấp kín được vào đâu nhỉ!”

Không hiểu sao lúc ấy tôi đặc biệt thấy sợ bị thương vào bụng. Tôi lại vừa mới ăn no như vậy.

Thiếu chút nữa thì tôi rên lên vì tuyệt vọng và kinh tởm. May sao tôi kịp sực tỉnh khi ngước mắt nhìn Vôrôna. Y cùng hai nhân chứng đứng cạnh tường đối diện, tay trái đút túi áo đuôi tôm màu đen, tay phải cầm khẩu súng lục chúc đầu xuống đất. Hai khẩu khác giắt túi quần. Bộ mặt vàng ệch, khô khan của y bình thản, pha chút ghê tởm. Về phía mình, tôi không dám chắc tôi có được vẻ mặt tương tự.

Hai nhân chứng của tôi (một là Đubôtôpkơ) đưa tôi một khẩu súng. Hai khẩu nữa họ nhét vào túi quần tôi – tôi không hề để ý tới họ, tôi chỉ chăm chú vào bộ mặt của kẻ tôi sẽ phải giết, nếu không y sẽ giết tôi. Tôi nhìn y với một sự chăm chú khó giải thích, dường như mong hiểu ra vì lẽ gì y định giết tôi, tại sao y căm thù tôi.

- “Thế còn mình, sao mình định giết y? – Tôi thầm nghĩ, làm như thể chỉ có tôi đang cầm súng trong tay. – Không, không nên giết y. Vả lại vấn đề không phải ở đó, mà là ở chính cái cổ mảnh mai này kia – một cái cổ quá ư yếu ớt của con người, cho nên dễ vặn gẫy nó lắm”. Tôi cũng không muốn chết, vì vậy quyết định sẽ làm cho Vôrôna bắn đủ ba phát rồi kết thúc cuộc đấu súng.

Các nhân chứng ra hết, để mình hai chúng tôi lại trong phòng, đóng cửa lại. Lát sau, có tiếng hô của một trong hai nhân chứng phía Vôrôna:

- Bắt đầu đi.

Tôi lập tức đưa chân trái bước hai bước về bên trái, sau đó nhẹ nhàng đặt chân trở lại vị trí cũ. Tôi ngạc nhiên thấy mọi sự xúc động vụt biến hết, tôi hành động như một cái máy, nhưng nhanh nhẹn và sáng suốt như chưa từng hành động bao giờ khi có sự giám sát của trí tuệ. Không phải là tai tôi, mà chính là da tôi cảm giác sự có mặt của Vôrôna trong phòng, ở đầu kia cạnh bức tường đối diện.

Cả hai cùng im lặng. Bây giờ mọi sự phụ thuộc vào mức độ kiên gan của mỗi người.

Một ánh lửa lóe lên rọi sáng gian phòng. Vôrôna không chịu đựng nổi. Viên đạn rít lên đấu đó bên trái tôi, đập vào tường. Tôi có thể nổ súng ngay khoảnh khắc đó vì trong ánh lóe sáng tôi thấy rõ nơi Vôrôna đứng. Nhưng tôi không bắn, chỉ đưa tay sờ sờ chỗ viên đạn đập vào. Không hiểu tôi làm như vậy để làm gì. Tôi vẫn đứng nguyên vị trí cũ.

Có lẽ Vôrôna không thể nào ngờ rằng tôi lại sử dụng thủ thuật cũ lần thứ hai. Tôi nghe rõ tiếng y thở hổn hển.

Lại một phát súng nữa của Vôrôna vang lên. Tôi lại không bắn. Tuy nhiên tôi không còn đủ sức để đứng bất động, hơn nữa tôi nghe thấy rất rõ Vôrôna đang lần men theo tường tiến về phía tôi.

Thần kinh tôi không chịu đựng nổi nữa, tôi cũng bắt đầu thận trọng di chuyển. Bóng tối nhìn tôi bằng cả nghìn họng súng. Điểm nào cũng có thể có họng súng, tôi có thể va bụng vào nó, hơn nữa tôi đã mất hút kẻ thù, thậm chí không còn xác định được đâu là cửa, đâu là tường.

Tôi đứng lại nghe ngóng. Ngay khoảnh khắc ấy, một linh cảm nào đó bắt tôi đổ ập xuống sàn.

Phát súng nổ ngang trên đầu tôi, thậm chí tưởng như thổi tung cả tóc.

Tôi còn nguyên ba phát đạn. Trong giây lát, một niềm vui mừng man rợ tràn ngập lòng tôi, nhưng tôi sực nhớ đến cái cổ mảnh khảnh của con người nên hạ súng xuống.

- Trong đó ra sao rồi? – Có tiếng hỏi sau cửa. – Sao chỉ có một người bắn. Một người bị rồi hay sao? Bắn nhanh lên chứ! Thôi cái trò nấy “kulaga” (*) ấy đi!

(*) Để làm món “kulaga” phải để cho bột chua ít nhất một ngày một đêm (chú thích của tác giả).

Lúc ấy tôi mới giơ súng lên, hướng nó ra xa, chỗ Vôrôna đứng khi bắn phát thứ ba, đoạn bóp cò, thì cũng phải nổ một phát chiếu lệ chứ.

Thật bất ngờ cho tôi, một tiếng rên vang lên cùng tiếng thân người đổ xuống.

- Vào đây, mau lên! - Tôi kêu. – Mau lên! Giúp tôi với! Hình như tôi giết chết anh ta rồi.

Một vệt sáng vàng chói lòa hắt xuống sàn. Khi mọi người bước vào, tôi trông thấy Vôrôna nằm ngửa, sóng sượt, bất động. Tôi lao lại bên anh ta, khẽ nâng đầu lên. Tay tôi chạm phải cái gì âm ấm, lầy nhầy. Da mặt Vôrôna càng vàng ệch ra.

Không chịu nổi nữa, tôi bóp má anh ta, cúi sát mặt, lay gọi:

- Vôrôna! Vôrôna! Tỉnh lại đi! Tỉnh lại đi nào?

Đubôtôpkơ, cau có và lầm lì từ đâu đó như từ trong sương mù hiện ra. Ông bắt đầu loay hoay cạnh Vôrôna, sau đó nhìn vào tận mắt tôi và bỗng phá lên cười hô hố. Tôi tưởng mình phát điên. Tôi đứng dậy, bàng hoàng, gần như mê đi, tay tự động rút khẩu súng thứ hai trong túi ra. Một ý nghĩ thoáng qua là chỉ việc đưa họng súng lên thái dương và...

- Tôi không muốn, tôi không muốn gì nữa sất!

- Thôi mà, anh bạn trẻ, thôi mà người anh em quý mến, - tôi nghe văng vẳng tiếng Đubôtôpkơ. – Đâu có phải là bạn lăng nhục hắn, chính hắn định làm nhục bạn với ta đấy chứ. Không sao, bạn còn hai phát nữa. Gớm chưa kìa, trông anh bạn đến khổ! Chưa quen đó thôi, tay còn sạch, lương tâm còn trong trắng mà. Thôi nào, thôi mà... Bạn đã giết chết hắn đâu. Chưa! Hắn mới chỉ bị choáng như chú bò bị búa ở lò sát sinh thôi. Trông này, bạn chơi hắn một cú cừ khôi đấy. Xơi tái một mẩu tai với lại lột một miếng da đầu nữa. Không sao, chỉ nằm một tuần hắn lại đâu hoàn đấy thôi.

- Tôi không cần hai phát ấy nữa đâu. Tôi không muốn, tôi hét lên như một đứa con nít, suýt thì dậm chân đành đạch. – Tôi biếu không anh ta hai phát ấy đấy!

Một nhân chứng của chúng tôi cùng sliăctich nữa, anh chàng có bộ mặt chỉ thấy độc cái mũi to tướng – khiêng Vôrôna đi đâu không biết.

- Ừ thì cho không hắn hai phát đạn ấy.

Chỉ đến lúc này tôi mới hiểu ra giết một con người là một việc làm kinh khủng chừng nào! Có lẽ thà mình tự nhận lấy cái chết còn hơn. Không phải vì tôi là một thánh nhân đâu. Chẳng thà trong xung đột, nơi chiến  trận, trong cơn điên khùng – nó đi một nhẽ. Chứ đằng này – một căn phòng tối om, và một con người phải trốn tránh anh như con chuột trốn tránh chó săn. Tôi nổ liền hai phát vào tường, vứt súng xuống đất và ra thẳng.

Lát sau, khi bước vào gian phòng nơi đã xảy ra cuộc xích mích, tôi thấy mọi người đã lại tề tựu quanh bàn. Vôrôna được bố trí nằm tĩnh dưỡng tại một phòng ngủ, có thân nhân Đubôtôpkơ túc trực chăm sóc. Tôi định ra về ngay tức khắc nhưng mọi người không cho. Đubôtôpkơ kéo tôi ngồi cạnh, bảo:

- Không sao đâu, anh bạn ạ. Do thần kinh cả thôi. Hắn còn sống, vết thương sẽ lành nganh, còn cần gì hơn nữa? Từ nay hắn sẽ biết đường cư xử với các bậc quân tử. Đây, uống đi... Ta nói thực tình, anh là một sliăctich chân chính. Hành động khôn ngoan như quỷ sứ, can đảm chờ đợi cả ba phát súng nhằm vào mình – cái đó chả phải anh nào cũng làm nổi đâu. Rất tốt là anh tỏ ra cao thượng như vậy, anh hoàn toàn có quyền bắn chết hắn với hai phát đạn còn lại, nhưng đã không làm như vậy. Từ nay cả nhà ta sẽ hàm ơn anh cho đến ngày tận số.

- Nhưng dẫu sao cũng ghê gớm quá, - một sliăctich nói. – Gan lì đến mực ấy, đâu phải là người.

Đubôtôpkơ lắc đầu.

- Lỗi tại hắn, đồ lợn ấy. Tự hắn, cái thằng ngu nát rượu, gây sự chứ. Còn ai có thể nghĩ đến móc mói chuyện tiền nong ngoài hắn ra? Chắc anh bạn cũng có nghe hắn từng cầu hôn Nađêia, nhưng được nhận bí ngô (*) chứ? Ta tin rằng pan Bêlôrétxki đây gia cảnh sung túc hơn nhà Janốpxki. Anh bạn ta có cái đầu thông minh, đôi tay thành tạo và công việc chắc chắn. Cô gái cuối cùng của dòng họ Janốpxki thì chỉ được thừa kế một gia tộc sản phải ôm giữ khư khư như chó canh đống rơm, có mà chết đói nhăn răng trên cái đống tiền ấy.

(*) Phong tục một số vùng Bêlôruxia và Ukraina: Khi người con gái từ chối lời cầu hôn thì sai bảo người nhà đem bí ngô biếu người đến cầu hôn (N.D.).

Đoạn, ông quay ra nói với tất cả:

- Thưa chư vị, ta hy vọng nơi danh dự chư vị. Ta thiển nghĩ nên im lặng về những chuyện đã xảy ra ở tại đây. Chẳng vẻ vang gì cho Vôrôna - ừ thì mặc xác hắn, hắn đáng phạt tội đồ, cái chính là chẳng vẻ vang gì cho ngay cả chư vị, cho đứa con gái bị thằng hề say rượu đem tên họ ra đàm tiếu... Đối với ta lại càng chẳng vẻ vang gì. Người duy nhất đã xử sự đúng tư cách một người quân tử, chính là pan Bêlôrétxki, và đương nhiên với tư cách một người quan tử, pan sẽ không bao giờ bép xép.

Mọi người đều đồng ý. Và các quan khách bữa ấy chắc hẳn đều biết giữ mồm giữ miệng bởi vì khắp vùng xung quanh không một lời xì xào về chuyện đã xảy ra.

Khi tôi ra về, Đubôtôpkơ tiễn chân ra đến thếm, dừng tôi lại, hỏi:

- Bảo thắng ngựa nhé, bạn Anđruxơ (*)?

(*) Cách xưng hô thân mật, gia đình (N.D.)

Tôi đi ngựa không tồi, nhưng giờ đây muốn đi bộ dạo chơi cho khuây khỏa. Vì vậy, tôi từ chối.

- Thôi thì tùy bạn...

Tôi về nhà theo đường mòn qua bãi hoang. Đêm đã khuya, mảnh trăng lưỡi liềm lẩn vào mây đen, một ánh sáng xam xám lờ mờ bao trùm khắp bãi. Thảng hoặc một đợt gió tràn qua làm lau sậy khô lao xao, rồi cảnh vật lại càng tĩnh mịch hơn. Cạnh đường đi đó đây lù lù những tảng đá lớn. Một con đường hắc ám. Bóng đen từ những tảng đá hất xuống mặt đường từng mảng tối sẫm. Cảnh vật u ám, buồn thảm. Tôi bắt đầu buồn ngủ, nên phát hoảng khi nghĩ đến chặng đường dài phải đi qua: phải vòng tránh khu vườn, rồi tránh Bãi thụt Khổng lồ. Hay là cứ xuyên thẳng qua bãi hoang rồi tìm lỗ hổng bí mật của Nađêia ở hàng rào?

Tôi rời mặt đường, rẽ xuống bãi và lập tức sa vào một bãi lầy, lấm bê lấm bết mới leo lên được chỗ khô ráo, lại sa vào bãi lầy, cuối cùng đứng sững lại trước một dải sình lầy khá dài. Tự rủa mình vì tội vòng vèo loanh quanh, tôi rẽ sang trái, hướng tới những bụi rậm ven sông (tôi biết ở đó phải khô ráo hơn vì các con sông thường hút khô đất trên hai bờ). Lát sau, tôi lần ra đến con đường mòn đã dẫn tôi đến nhà Đubôtôpkơ. Đi đã cách xa nhà ông ta chừng nửa dặm, tôi men theo vạt bụi cây đi về phía Rừng Tùng Đầm Lầy. Xa xa, cách khoảng dặm rưỡi đã thấp thoáng đường nét lờ mờ của khu vườn, thì bỗng một linh cảm khó hiểu dừng tôi lại: không hiểu thần kinh tôi đã quá căng thẳng do rượu, do mối nguy hiểm vừa trải qua hồi buổi tối, hay là một cảm giác thứ sáu nào đó ngầm báo cho tôi biết rằng không phải chỉ có mình tôi trên cánh đồng ruộng hoang vu.

Kẻ thứ hai nữa là cái gì, là ai, tôi chưa rõ, nhưng biết chắc rằng nó còn ở xa. Tôi rảo bước hơn và một lát sau vòng qua đầu dải sình lầy vừa nãy tôi bị sa vào, bị nó chắn ngang đường. Hóa ra tôi đứng hầu như ngay cạnh đám bụi rậm, ngay trước mắt tôi, cách chừng một dặm là khu vườn Rừng Tùng Đầm Lầy. Dải sình lầy rộng độ mươi mét ngăn cách tôi với chỗ tôi đứng và sa lầy bốn mươi phút trước đây. Bên kia dải sình lầy là bãi hoang trải ra bằng phẳng dưới ánh sáng mờ ảo, cuối bãi hoang là con đường. Ngoái nhìn lại, xa tít về phía phải, tôi trông thấy ánh lửa hồng thanh bình nhấp nháy trong ngôi nhà Đubôtôpkơ. Về bên trái, cũng xa tít, ở tận sau cái bãi hoang, khu rừng cấm của dòng họ Janốpxki sừng sững như một bức tường đen ngòm. Khu rừng ấy xa lắm, tận ranh giới giữa bãi hoang và sình lầy.

Tôi đứng lắng tai nghe, mặc dù một cảm giác lo lắng nhắc nhở tôi: nó đã gần hơn hồi nãy. Nhưng tôi không muốn tin vào linh cảm: phải có một nguyên nhân hiện thực nào đó cho tâm trạng hiện thời của tôi. Tôi không trông thấy cũng không nghe thấy một điều gì khả nghi cả. Vậy thì đó là cái gì, cái tín hiệu báo động ấy từ đâu tới? Tôi nằm xuống đất, áp tai nghe và cảm thấy mặt đất khẽ rung rung đều đặn. Tôi không dám tự nhận là một người rất can đảm, bản năng tự vệ ở tôi có lẽ còn phát triển hơn ở người khác, nhưng tôi bản tính tò mò ham tìm hiểu. Tôi quyết định sẽ chờ xem. Lát sau, tôi đã được thỏa trí tò mò. Từ phía khu rừng một đám gì đó đen đen đang di chuyển khá nhanh ra các bãi hoang. Thoạt tiên tôi không đoán ra đó là cái gì. Lát sau, nghe rõ tiếng vó ngựa phi băm đều đều. Tiếng lau sậy lao xao. Sau đó tất cả biến mất, đám đen có lẽ đã khuất dưới một lũng nào đó. Khi nó lại xuất hiện thì không còn nghe tiếng vó ngựa nữa. Nó phóng đi không một tiếng động, như thể bay trên không trung và tiến đến mỗi lúc một gần hơn. Một giây sau, tôi rướn cả người về phía trước mà nhìn. Trong những làn sương mù trong suốt bập bềnh hiện lên rõ mồt một hình bóng những kỵ sĩ đang phóng nước đại, bờm ngựa tung bay trước gió. Tôi đếm được đúng hai chục. Kỵ sĩ thứ hai mươi mốt phóng ngựa ở trước đội hình. Tôi còn đang bán tín bán nghi thì một cơn gió đưa vọng lại từ đâu đó xa xa tiếng tù và đội săn. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc khắp sống lưng tôi.

Những bóng đen mờ ảo phóng ngựa từ đường cái rẽ xuống lũng lầy. Những tà áo choàng hiệp sĩ bay phấp phới, các kỵ sĩ ngồi cứng đờ trên yên như thể những hình nhân. Không một tiếng động nhỏ vọng lại. Chính sự câm lặng ấy mới kinh khủng. Có những chấm sáng gì đó nhảy nhót trong sương mù. Kỵ sĩ thứ hai mươi mốt vẫn phóng ngựa đi trước, ngồi bất động trên yên, chiếc mũ cắm lông công chụp sát mắt, gương mặt nhợt nhạt, u ám, môi mím chặt.

Chỉ nghe tiếng lau lách lao xao dưới vó ngựa.

Tôi chăm chú nhìn những chiếc mũi nhọn thò ra dưới vành mũ, những cặp chân ngựa thon dài, phần dưới mọc đầy lông – chân một giống ngựa rất lạ.

Đội săn của Quốc vương Xtác đang lặc lẽ phóng ngựa lướt đi trên lau lách, các kỵ sĩ hồn ma xám xịt hơi ngả người về phía trước.

Tôi không hiểu ngay ra là họ lang thang trên sình lầy tìm dấu chân tôi. Bây giờ họ đã tìm thấy rồi, đang phóng đuổi theo đòi linh hồn tôi đó. Họ dừng ngựa, cũng không một tiếng động, cạnh nơi tôi bị sa lầy. Tôi đứng chỉ cách họ chưa đầy hai chục mét sình lầy, thậm chí tôi còn nhận ra ngựa của họ, những con ngựa mờ ảo, đều mã ngựa ô và khoang, song vẫn không nghe một tiếng động nhỏ nào, chỉ đâu đó gần khu rừng cấm vẫn văng vẳng tiếng tù và. Tôi thấy một kỵ sĩ cuói xuống xem xét các dấu chân rồi lại thẳng ngay người ra. Kỵ sĩ thủ lĩnh vẫy tay về phía tôi vừa mới đi qua để vòng tránh dải sình lầy. Đội săn lập tức phóng đi. Chỉ mười lăm phút nữa, vòng tránh dải sình lầy, họ sẽ có mặt ở chỗ tôi đang đứng. Một sự tức giận lạnh lùng sôi lên trong tim tôi: đừng hòng, bọn bay là hồn ma hay là gì đi nữa, ta cũng sẽ đón tiếp đàng hoàng! Khẩu côn này sáu viên đạn, để rồi xem. Tôi thọc nhanh vào túi và... toát mồ hôi lạnh: Khẩu súng không có đấy. Bây giờ tôi mới sực nhớ là để nó ở nhà, trong ngăn bàn.

“Thế là hết” – tôi nghĩ.

Nhưng tôi vốn không có thói quen buông xuôi tay chờ kết cục. Mười lăm phút nữa, họ sẽ đến đây. Địa hình quãng này gập ghềnh, xen lẫn những hố thụt nhỏ, tôi có thể nhảy chuyền qua các mô đất, chứ đội kỵ sĩ có thể sa lầy. Như vậy tôi có cơ chạy thoát. Tuy nhiên nếu hỏ quả là những hồn ma thì sẽ bay qua những chỗ nguy hiểm.

Tôi cởi bỏ giày để tiếng chân bước không làm những kẻ truy đuổi chú ý, tôi len lén bước đi. Khi dải lầy đã khuất sau vạt bụi rậm, tôi rảo bước hơn. Tôi đi vòng vèo, chân đạp lên lau sậy. Chân tôi ướt đẫm sương đêm. Mới đầu, tôi chạy dọc theo dải sình lầy, sau đó quay ngoặt về phía Rừng Tùng Đầm Lầy. Tôi chạy bừa qua vũng nước, vũng bùn: còn tâm trí đâu mà để ý đến những điều vặt vãnh ấy nữa. Lát sau, tôi lại đã ra đến đường mòn. Ngoái nhìn lại, tôi thấy đội săn đã sáng đến phía bên này dải sình lầy. Họ kiên trì lần theo dấu chân tôi. Cuộc truy đuổi vẫn tiếp tục, bờm ngựa, áo choàng tung bay trong gió.

Lợi dụng những bụi rậm che khuất và đường đang xuống dốc, tôi biểu diễn một tốc độ chạy đua không tiền khoáng hậu. Gió rít ù ù bên tai, ngực như tắc thở, mồ hôi chảy xuống mắt cay xè. Đội săn vẫn bám sau lưng tôi và tiến đến mỗi lúc một gần hơn. Chẳng bao lâu, tôi tưởng sắp gục ngã đến nơi và sẽ không đứng dậy được nữa (tôi quả cũng đã vấp hai lần). Nhưng tôi vẫn chạy, chạy, chạy miết. Khu vườn tối đen nhích lại quá chậm, mà tiếng vó ngựa thì đến gần sao nhanh thế.

May cho tôi, tôi đã ăn nhịp chân, rồi chạy theo đường thẳng, vượt qua hố qua khe, vòng tránh những ngọn đồi, sợ họ dễ phát hiện. Tiếng vó ngựa nghe lúc gần lúc xa, lúc bên trái, khi bên phải. Không còn thì giờ để ngoảnh lại, vậy mà một lần tôi vẫn ghé nhìn qua bụi rậm. Họ, các kỵ sĩ đội săn, vẫn đang lướt theo tôi trong màn sương mù trắng đục bay là là mặt đất.

Ngựa phi rạp mình trên không, kỵ sĩ ngồi bất động, lau sậy xao xác dưới vó ngựa. Trên đầu họ, giữa mảnh trời quang mây, một ngôi sao lấp lánh sáng chói.

Tôi lao xuống dốc, vượt qua con đường mòn khá rộng, nhảy xuống con hào và chạy dọc theo lòng nó. Con hào cách hàng rào không xa. Lên khỏi hào, tôi nhảy một bước đến hàng rào. Họ còn cách tôi chừng bốn – năm chục mét, nhưng mất hút dấu chân tôi nên khựng lại chốc lát, do đó tôi kịp chui qua lỗ hổng ở hàng rào và nấp vào bụi tử đinh hương. Trong khu vườn tối om, vì vậy khi phóng ngựa trên đường mòn, chạy ngang qua chỗ tôi nấp, tôi không nhìn rõ họ. Nhưng tôi nghe rất rõ kỵ sĩ thủ lĩnh rên lên: “Ra Bãi thụt”.

Đội săn phóng đi tiếp. Tôi ngồi bệt xuống đất. Tim tôi đập như trống đổ hồi. Nhưng tôi lại chồm dậy ngay vì sực nhớ là không nên ngồi sau khi vừa mới chạy. Tôi biết là chỉ mới được tạm tha thôi. Họ có phóng ngựa đi đường vòng thì cũng sẽ đến lâu đài trước khi tôi về tới nơi bằng đường thẳng. Bởi vậy tôi lại chạy. Chân tôi sây sước hết, bật máu, tôi ngã dúi mấy lần vì vấp phải rễ cây, à luôn bị cành tùng quất vào mặt. Tòa lâu đài vụt hiện ra trước mắt tôi, đột ngột, đồ sộ. Ngay lúc đó, tôi cũng nghe thấy tiếng vó ngựa ở phía trước mặt. Nó lại vang lên, nó rền gấp, tôi cảm thấy bằng da thịt mình là họ phóng một nước đại nhanh kinh khủng.

Tôi đánh bài liều. Tôi có thể nấp kín trong khu vườn, nhưng trong tòa lâu đài còn có cô gái có lẽ đang chết khiếp. Tôi phải ở cạnh nàng, ở đó còn có vũ khí của tôi.

Tôi nhảy liều mấy bước dài đến tận thềm và đập cửa gấp gấp:

- Nađêia! Tiểu thư Nađêia! Mở cửa mau!

Nàng có thể ngất đi vì tiếng gọi cửa thất thanh của tôi. Nhưng tiếng vó ngựa đã dồn dập đâu đây, cạnh tòa lâu đài. Nên tôi lại đập cửa thình thình.

Cánh cửa mở tung ra đột ngột. Tôi nhảy vào nhà, khóa trái cửa và đã định lao đi lấy súng, nhưng qua lỗ quan sát tôi thấy bầy ngựa mờ ảo phóng vụt qua và mất hút sau chỗ rẽ ngoặt trong hàng cây.

Tôi nhìn Nađêia, rồi nhìn vào tấm gương. Chắc nàng phát hoảng vì diện mạo của tôi: quần áo tả tơi, mặt mũi chân tay sây sước rớm máu, đầu tóc rối tung. Tôi lại đưa mắt nhìn sang Nađêia: mặt tái mét, nhắm nghiền, nàng hỏi:

- Bây giờ nàng tin có đội săn của Quốc vương Xtác chứ?

- Bây giờ thì tôi tin là có, - tôi cau có đáp. – Vậy mà tiểu thư không ngại mở cửa vào lúc ấy ư?! Quả là một trái tim nhỏ dũng cảm...

Đáp lại, nàng khóc nức nở:

- Pan Bêlôrétxki... pan Anđrêi... Anđrêi. Tôi sợ quá, tôi sợ cho ngài quá. Lạy chúa... Lạy chúa. Lạy chúa tôi. Con xin Chúa hãy gọi mình con đi thôi!

Hai tay tôi nắm chặt lại.

- Thưa tiểu thư Nađêia, tôi không rõ đó có là những hồn ma hay không. Hồn ma thì không thể thực đến như vậy, mà người thì không thể huyền ảo đến thế, không thể hằn học mờ ám đến thế. Nhưng tôi xin thề với tiểu thư: vì sự khiếp sợ của tiểu thư, lũ chúng sẽ phải trả với tôi một giá rất đắt. Tôi xin thề với tiểu thư như vậy.

Tận đâu đó xa xôi, tiếng vó ngựa phi gấp gấp tắt dần...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: