doi ngoai

I. THÀNH TỰU ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG TA TRONG 20 NĂM ĐỔI MỚI:

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã thu được những thành tựu hết sức to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi bộ mặt của đất nước, tạo tiền đề và động lực cho Việt Nam tiến bước nhanh hơn, vững chắc hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoại giao Việt Nam rất vinh dự và tự hào đã có những đóng góp quan trọng và xứng đáng vào thắng lợi chung đó của đất nước.

Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế, Ngoại giao đã trở thành mặt trận quan trọng trong thời bình và đã góp phần giữ vững và củng cố môi trường hoà bình và tạo những điều kiện quốc tế ngày càng thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế và uy tín của nước ta ở khu vực và trên thế giới.

+ Thành tựu đối ngoại có tính chất bao trùm trong thời gian qua là từ chỗ bị cô lập về chính trị, bao vây cấm vận về kinh tế, Việt Nam đã chủ động, nỗ lực mở rộng hơn bao giờ hết quan hệ đối ngoại của mình theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Trong 20 năm đổi mới, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao thêm với 57 nước, nâng tổng số quốc gia có quan hệ chính thức lên 169 nước; và có quan hệ buôn bán với 224/ 255 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ.

+ Việt Nam đã tạo dựng được khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài và ngày càng đi vào chiều sâu với các nước láng giềng, khu vực; góp phần đáng kể vào việc duy trì môi trường an ninh xung quanh Việt Nam và phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế.

Các hiệp ước, hiệp định ký với Trung Quốc, Cam-pu-chia trong thời gian qua đã đã tạo cơ sở pháp lý cho việc biến đường biên giới chung Việt Nam với các nước láng giềng thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, thịnh vượng chung.

+ Thành tựu tiếp được coi là bước phát triển lớn, mang tính đột phá trong triển khai hoạt động đối ngoại thời kỳ Đổi mới. Đó là Việt Nam đã đi từ bình thường hóa quan hệ đến từng bước nâng cấp và xác lập khuôn khổ quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị lớn và các nước công nghiệp phát triển.

+ Trong triển khải chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tích cực và chủ động củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với các nước bạn bè truyền thống và các nước đang phát triển khác ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ La tinh.

+ Hoạt động ngoại giao đa phương đã có bước phát triển vượt bậc; góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và uy tín của Việt Nam tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế như Liên hiệp quốc, Phong trào Không liên kết, Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái bình dưong (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), từng buớc đưa Việt Nam hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.

+ Coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, công tác Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đã ngày càng phát huy vai trò; nội dung kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét trong mọi hoạt động chính trị đối ngoại. Ngoại giao đã kết hợp tốt giữa chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, góp phần tạo thêm nguồn lực từ bên ngoài, mở rộng thị trường, gia tăng đối tác, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

+ Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được thúc đẩy mạnh mẽ và đã thu được những kết quả tích cực, quan trọng. Số lượng bà con Việt kiều về thăm quê hương, tìm kiếm cơ hội đầu tư buôn bán ở trong nước ngày càng gia tăng.

Tổng hợp lại, Báo cáo Chính trị của BCH TW tại Đại hội X đã đánh giá: "Hoạt động đối ngoại được mở rộng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới".

II. MỘT SỐ BÀI HỌC RÚT RA TRONG CÔNG TÁC ĐỔI MỚI ĐỐI NGOẠI:

+ Một là, bài học về đổi mới về tư duy đối ngoại: thể hiện ở cách nhìn nhận, đánh giá tình hình thế giới, quan hệ quốc tế, xu thế của thời đại, mối quan hệ tác động qua lại giữa Việt Nam và thế giới, những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó đề ra đường lối chính sách và biện pháp đối ngoại đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế của tình hình thế giới; kết hợp tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới. Trong 20 năm qua, đường lối, chính sách đối ngoại ngày càng được hoàn chỉnh về mặt nội dung, phong phú về hoạt động thực tiễn, là định hướng đề ra các chủ trương, biện pháp để mở rộng quan hệ đối ngoại, xử lý các vấn đề nảy sinh, phục vụ có hiệu quả nhất những yêu cầu cấp thiết của đất nước qua mỗi giai đoạn cụ thể.

+ Hai là, bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ ,hòa bình, hòa hiếu, hợp tác để phát triển, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu: Điều này được thể hiện xuyên suốt trong đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu nhất quán là giữ vững và củng cố môi trường hoà bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được triển khai thực hiện một cách tích cực và hiệu quả.

+ Ba là, bài học về chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với giữ vững độc lập, tự chủ, thống nhất và bản sắc dân tộc. Trước hết là độc lạp tự chủ về đường lối, chính sách, có quyết sách để chủ dộng hội nhập, hội nhập có định hướng theo lộ trình hợp lý, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Độc lập tự chủ vè kinh tế còn có nghĩa là là một nền kinh tế có thực lực đủ mạnh, có thể ứngphó nhanh, kịp thời với những biến động khó lường của kinh tế thế giới và khu vực, là một nền kinh tế "mở" kết hợp nội lực với ngoại lực thành sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước, có sức cạnh tranh cao, không để bị lệ thuộc và bị chi phối từ bên ngoài, bảo đảm an ninh kinh tế.

+ Bốn là, bài học về tạo sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia quan hệ đối ngoại trên các lĩnh vực khác nhau và dưới các hình thức khác nhau, kết hợp ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao nhân dân, ngoại giao Quốc hội, ngoại giao an ninh, quốc phòng...

III. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐỐI NGOẠI VÀ HỘI NHẬP TRONG 5 NĂM TỚI.

- Tình hình thế giới và khu vực trong 5 năm tới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều chiều tới an ninh và phát triển của Việt Nam. Mặc dù có nhiều thách thức đặt ra, nhưng chúng ta đã và đang đứng trước những cơ hội và thuận lợi rất cơ bản. Đó là thành tựu của đất nước trong 5 năm qua và 20 năm đổi mới làm cho thế và lực Việt Nam mạnh lên nhiều; việc mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục công cuộc đổi mới, giữ vững và củng cố môi trường hoà bình, ổn định, để tập trung phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn.

Trên cơ sở đánh giá sâu sắc những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong thời gian tới, Đại hội X khẳng định phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

- Để thực hiện những nhiệm vụ to lớn trên, Đại hội Đảng X đã đề ra mục tiêu, đường lối, phương châm chỉ đạo hoạt động đối ngoại:

+ Nhiệm vụ đối ngoại: giữ vững và củng cố môi trường hoà bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

+ Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, đưa quan hệ quốc tế song phương và đa phương đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

+ Tiếp tục giương cao hơn nữa ngọn cờ hoà bình, hợp tác và phát triển; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và xây dựng của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

- Hoạt động đối ngoại trong thời gian tới sẽ được triển khai trên một số hướng chính sau:

Một là, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố và hoàn thiện khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các nước nhất là láng giềng khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác, tạo bước chuyển biến mới trong quan hệ hợp tác theo hướng đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, tạo ra sự tin cậy lẫn nhau.

Hai là, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương sau khi gia nhập WTO: thực hiện các cam kết với các nước về thương mại, đầu tư, mở cửa thị trường, chuẩn bị tốt các điều kiện để ký các Hiệp định thương mại tự do song phương với các nước, nhất là các nước lớn, ký các Hiệp định hợp tác kinh tế đa phương và khu vực. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước khu vực châu Á - TBD.

Ba là, tăng cường hơn nữa vai trò của hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút FDI, ODA, thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm thực hiện nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bốn là, xây dựng và củng cố đường biên giới hòa bình, hợp tác phát triển với các nước láng giềng, đặc biệt là đẩy mạnh hoàn thành việc phân giới, cắm mốc với Trung Quốc và Campuchia như mục tiêu đã đề ra, đồng thời kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Sẵn sàng đối thoại với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các luận điệu sai trái, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Năm là, cùng với các hoạt động ngoại giao song phương, tăng cường hơn nữa hoạt động trên các diễn đàn đa phương ở khu vực và trên thế giới, mở rộng sự hợp tác nhiều mặt với các tổ chức khu vực và quốc tế, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong các định chế quốc tế; trước mắt là tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC 14 vào cuối năm nay tại Hà Nội và tích cực hướng tới mục tiêu ứng cử làm uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc khoá 2008-2009.

Sáu là, Đại hội X tiếp tục khẳng định: đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tốc quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36 của BCT (tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ ổn định cuộc sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng, có các chính sách để hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước, thu hút, phát huy trí tuệ của trí thức).

Bảy là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và văn hoá đối ngoại, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sự hợp tác và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, góp phần làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về công cuộc Đổi mới, về đất nước và con người Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

Tám là : Phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của Đảng, của Quốc hội, ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân, đối ngoại quốc phòng-an ninh, chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại chung của đất nước./.

ại đây...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top