doi eien cai chet-1

KHI HÒA THƯỢNG RA ĐI

Cách đây một tuần, toàn thể quý Tăng, Ni và Phật tử trong nước rất đau buồn khi hay tin Hòa thượng Thích Đổng Minh viên tịch. Hơn bốn mươi năm qua, HT. Thích Đổng Minh đã đóng góp rất nhiều cho Phật giáo Việt Nam. Có thời gian Hòa thượng làm giám đốc hãng nước tương của GHPGVNTN, nhằm tạo ngân quỹ hỗ trợ cho thế hệ Tăng, Ni du học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Cùng với HT. Đổng Minh còn có quý HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Thiện Châu, HT. Thích Huyền Vi, HT. Thích Phước Huệ, HT. Thích Thiền Định v.v…

 Hơn mấy mươi năm qua, nền tảng chấn hưng Phật giáo nước nhà nhờ vào sự đóng góp công sức của Tăng, Ni và Phật tử. Một trong những người trực tiếp đóng góp tích cực nhất là HT. Thích Đổng Minh. Ngài đã hy sinh nhiều thời gian, công sức cho việc kinh doanh phát triển xưởng chế biến nước tương, nhằm tạo thêm nguồn ngân sách cho hoạt động của Giáo hội.

 Lúc sắp viên tịch, với thái độ thản nhiên, Hoà thượng nằm nghiêng, hướng mặt về phía mặt trời, trong tư thế sư tử nằm (tức là nằm nghiêng mình về phía bên phải giống như đức Phật Thích Ca lúc nhập Niết-bàn). Mặc dù tu theo Bắc tông, nhưng Hoà thượng thường mặc chiếc y truyền thống. Ai diễm phúc được chứng kiến lúc ngài lâm chung, chắc hẳn không thể không ấn tượng khi nhìn thấy ngài ra đi với cách thế an tường và thư thái. Điều ấy làm cho chúng ta nhớ đến truyền thống “sống an, chết an” của đức Phật ngày xưa.

 Những người mắc bệnh ung thư trong giai đoạn cuối thường bị những cơn đau hành hạ vật vã không thể yên thân, hoặc đi đến tai biến, hôn mê, não bộ hoạt động bất bình thường. Riêng đối với Hòa thượng, mặc dù với căn bệnh hiểm nghèo như vậy, ngài đã ra đi một cách nhẹ nhàng, tĩnh tại, đó là nhờ vào sức thiền định. Chúng ta hãy lấy việc chống lại cơn đau bằng thiền định của HT. Đổng Minh làm bài học tu tập cho bản thân.

Cách đây gần một tháng, HT. Thích Nguyên Ngôn cũng ra đi trong cách thế tương tự. Chúng tôi có duyên được học Phật pháp gia giáo với Hòa thượng trong thời điểm mười mấy năm về trước. Việc học Phật trong giai đoạn đó không thuận duyên lắm, do những khó khăn khách quan từ biến cố lịch sử. Hòa thượng ra đi vào ngày 14-04 âl, trước đại lễ Phật Đản một ngày. Ngài ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản không khác gì HT. Thích Đổng Minh. Khi bệnh tim tái phát, các bác sĩ, Phật tử ở bệnh viện Chợ Rẫy đến thỉnh cầu Hòa thượng vào bệnh viện điều trị, nhưng ngài từ chối bảo rằng: “Tôi biết tôi sắp ra đi, thời gian còn lại rất ngắn. Xin cảm ơn tấm lòng của quí vị, cứ để tôi ở lại chùa lo đại lễ Phật Đản.” Chỉ vài giờ sau, Hoà thượng trút hơi thở cuối cùng trong trạng thái an tường…

Chúng ta nên nhớ rằng, khi có quá trình tu tập đúng phương pháp thì vấn đề sống, chết không còn là cản lực nữa. Tuy cái chết vẫn tạo ra cú sốc tâm lý thể hiện qua nỗi khổ niềm đau, khổ thọ cho thân, nhưng nếu biết dụng công tu tập, hành giả có thể chiến thắng được khổ đau bằng con đường thiền quán, bằng phương pháp niệm Phật“nhất tâm bất loạn”, hoặc bằng phương pháp trì chú để đạt “tam nghiệp tương ưng” v.v… Nói chung, tất cả các pháp môn trong Phật giáo đều có khả năng bảo hộ dòng cảm xúc, tạo sự an lạc, thảnh thơi cho hành giả trong bất cứ tình huống nào.

 Trong bài pháp thoại này, chúng tôi xin phân tích và chia sẻ về vấn đề nghiệp chung, nghiệp riêng và sự chuẩn bị cần thiết cho người bệnh. Tôi nghĩ rằng, chuẩn bị cho người bệnh mà chưa hiểu tiến trình của cái chết thì vẫn chưa đủ định lực căn bản để vượt qua sự khủng hoảng và sợ hãi. Điều cần thiết đối với đời sống chính là đối diện cái chết. Con người luôn bị khủng hoảng, sợ hãi, và bất an trước cái chết. Tôi xin chia sẻ một số quan điểm theo kinh điển Phật giáo về vấn đề vừa nêu, nhằm giúp hành giả ôn lại lời Phật dạy, lấy đó làm hành trang trên con đường tu học của mình.

DIÊM VƯƠNG SỢ CHẾT

Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, kể lại câu chuyện vui về nỗi sợ chết của vua Diêm Vương như sau:

 Một lần nọ, Diêm Vương bị cơn bệnh nặng. Vì tuổi cao, sức yếu, nên trong lòng ông cảm thấy buồn, lo lắng, bởi có thể lần này ông phải đối diện với cái chết; và như thế cũng đồng nghĩa với việc ngôi vị Diêm vương của ông cũng chấm dứt. Càng lo âu, suy nghĩ, dòng cảm xúc trong ông càng giằng xé dữ dội với nỗi sợ hãi. Diêm Vương cho triệu tập tất cả quan thần và ban khẩu dụ đến bảo rằng: “Nếu trong các ngươi, ai tìm được vị thầy thuốc giỏi để chữa trị cho ta khỏi bệnh, người đó sẽ được phong chức vị quan trọng nhất trong triều.” Nghe thế, một vị quan bèn tâu:

- Thưa Diêm Vương, ngài muốn chúng tôi tìm vị thầy thuốc Đông y hay Tây y?

- Các ngươi cứ tìm một vị chữa bệnh giỏi, miễn sao chữa hết bệnh cho ta là được.

 Thế là các quan thần chia nhau đi khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi, thậm chí ngay cả tù nhân trong ngục nghe tin này cũng hào hứng xin cung cấp thông tin về thầy thuốc, nhằm lấy công chuộc tội để sớm ra khỏi ngục. Họ đã bủa ra tìm kiếm khắp nơi đến hàng tháng trời mà vẫn chưa tìm được. Trước tin này, Diêm Vương càng sốt ruột, buồn rầu. Ông tiếp tục họp các quần thần lại và đưa ra mẹo mới:

- Thời gian đã khá lâu, các ngươi vẫn chưa tìm được thầy thuốc, vậy bây giờ các ngươi hãy đi tìm manh mối ở đâu có thầy thuốc giỏi, đến những nơi như trạm xá, phòng mạch, nhất là những bệnh viện lớn. Nơi nào các ngươi thấy không có oan hồn kêu khóc đòi mạng, chắc chắn nơi đó có thầy thuốc giỏi, hãy mời hết tất cả họ về đây cho ta. Nếu các ngươi chậm trễ để cho ta phải chết trở thành hồn ma thì oan uổng cho ta lắm.

Theo ý Diêm Vương, lần này họ chia nhau đi khắp những nơi khám chữa bệnh, nhất là các bệnh viện lớn nổi tiếng trên trần gian, nhưng tìm mãi vẫn không thấy nơi nào không có oan hồn kêu than oán trách thầy thuốc. Quay trở về tâu với Diêm Vương, ông lại tiếp tục yêu cầu họ tìm đến những nơi có oan hồn ít, nơi đó chắc chắn sẽ có thầy thuốc giỏi hơn. Có như thế, may ra sự sống của ông còn hy vọng.

May thay, tốp quan thần nọ tìm thấy một nơi khám chữa bệnh của hai vị bác sĩ chỉ có vài oan hồn đang kêu khóc. Họ bèn yêu cầu hai vị ấy đến gặp Diêm Vương. Hai vị bác sĩ khi biết mình được yêu cầu xuống âm phủ để chữa bệnh cho Diêm Vương thì vô cùng sợ hãi. Vì họ là bác sĩ mới ra nghề, chưa có kinh nghiệm nhiều, không biết mình có thể chữa trị khỏi bệnh cho Diêm Vương hay không, và nếu không chữa  được thì điều gì sẽ xảy ra? Trên đường đi, hai vị này mang tâm trạng rối bời.

Vừa đến nơi, quan thần bèn đưa họ ra mắt Diêm Vương ngay. Nghe tin hai vị này được cho là giỏi nhất trần gian đến diện kiến, Diêm Vương vô cùng mừng rỡ, bắt tay thân thiện nói:

 - Ta chúc mừng cho hai ngươi, tuổi còn trẻ mà đã có thành tích lớn trong việc mang lại sự sống cho nhiều người. Hôm nay, ta cho phép hai ngươi có cơ hội trị bệnh cho ta. Nếu hai ngươi chữa trị, cứu ta thoát chết sẽ được ban tặng ân huệ, ngay cả người thân của các ngươi cũng được trường sinh bất tử. Ngược lại, nếu không chữa được, để ta phải chết thì các ngươi phải chịu chung số phận với ta.

Nghe Diêm Vương phán thế, hai vị bác sĩ hoảng sợ điếng người, cố trấn tĩnh mà tâu rằng:

- Chúng tôi không phải danh y, không phải thầy thuốc giỏi nên không thể chữa hết bệnh cho ngài. Xin ngài hãy tha tội chết cho chúng tôi. Nếu không, cha mẹ và vợ con chúng tôi sẽ không có người chăm sóc. Ngài muốn chúng tôi bồi thường cái gì cũng được, miễn đừng bắt chúng tôi phải chết.

Nghe vậy, Diêm Vương liền quay sang hỏi lại:

- Các ngươi nói sao? Tại sao nơi khám chữa bệnh của các ngươi chỉ có vài oan hồn, vậy mà lại bảo mình không phải là thầy thuốc giỏi. Thế các ngươi hành nghề bao lâu rồi?

Hai vị bác sĩ vội trả lời:

- Dạ thưa ngài, chúng tôi mới vừa khai trương chữa bệnh cách đây đúng một giờ đồng hồ thôi ạ!

 Diêm Vương sửng sốt:

- Mới khai trương một giờ mà có đến vài oan hồn rồi à?  Thế thì ta …

Cứ tưởng rằng người trên dương thế mới sợ chết, còn người nắm phần hồn, quản lý đời sống dưới âm phủ thì không sợ. Qua câu chuyện này, rõ ràng họ cũng sợ chết chẳng kém gì người trên cõi dương.

Giáo lý đạo Phật không chấp nhận có chuyện Diêm Vương quản lý linh hồn dưới âm phủ. Đó chỉ là câu chuyện hư cấu hoàn toàn không có thật, dân gian Việt Nam lưu truyền nhằm phê phán quan niệm sai lầm này, hoặc nếu có thì Diêm Vương chính là người sợ chết hơn ai cả.

Việc có hay không Diêm Vương cai quản linh hồn dưới cõi âm, ta không cần bàn đến, nhưng qua câu chuyện trên cho thấy, sợ chết là nỗi ám ảnh lớn với những ai đang có sự sống. Phật giáo quan niệm rằng, khi có mầm sống thì ngay lúc đó cũng đã có mầm chết. Nhiều người do vì không hiểu nên không muốn chấp nhận cái chết. Trái lại, người có tuệ giác, hiểu biết về cái chết thì sống một cách ung dung, tự tại, thanh thản và có ý nghĩa. Sống trên đời, nếu ai hiểu thấu về sự chết sẽ cảm thấy thảnh thơi, an lạc, không bị lệ thuộc vào tính thời gian có mặt dài hay ngắn. Chỉ cần hiểu giá trị sự sống để sống có ý nghĩa, mang lại hạnh phúc, an vui cho mình và những người xung quanh mà thôi.

 Câu nói của Diêm Vương với hai vị bác sĩ đáng để lưu tâm và suy ngẫm:“Nếu các ngươi chữa được bệnh, giúp ta không phải chết sẽ được ban cho ân huệ, các ngươi và người thân cũng được trường sinh bất tử.” Rõ ràng bản thân Diêm Vương đã không thể trường sinh bất tử thì làm sao có thể ban tặng cho người khác điều ấy? Đó cũng là vấn nạn cho những người “tham sanh uý tử” trên thế gian này.

Thành Cát Tư Hãn là người rất giỏi về chiến thuật, chiến lược, được xem là người bách chiến, bách thắng. Chiến thắng nhiều nơi, mộng bá quyền thành tựu, nhưng ông vẫn mang nặng nỗi khổ đau, ám ảnh về cái chết. Chính điều này thôi thúc ông tìm mọi cách để được trường sinh bất tử. Lúc bấy giờ, ông tìm đến các nhà đạo sư tâm linh của đạo Lão nổi tiếng nhất Trung Quốc để giúp ông đạt được ước nguyện. Ông mời Khưu Sử Cơ - một đạo sĩ lỗi lạc, danh tiếng thời bấy giờ, chỉ thua Trương Tam Phong thời trước, còn người đương thời thì không ai có thể sánh bằng.

 Biết ý nguyện của Thành Các Tư Hãn, đạo sĩ Khưu Sử Cơ đã dạy cho Thành Cát Tư Hãn phép thuật làm cho tâm lắng dịu, sống hài hòa giữa qui luật âm dương bằng phương pháp luyện tập điều dưỡng tinh, khí, và thần. Đây là ba mấu chốt quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ, đi ngược lại qui luật tất yếu của vũ trụ về phương diện vật lý, nhưng không thể nào không chết được.

 Nghệ thuật trường sinh bất tử được truyền tụng ở Trung Quốc thời bấy giờ tưởng chừng như tuyệt vời, nhưng trên thực tế Trương Tam Phong không thể sống trên 104 tuổi, và Khưu Sử Cơ lại còn ít hơn thế nữa. Trên căn bản của học thuyết trường sinh bất tử có những lổ hỗng khá lớn. Ai cũng muốn sống trên đời thật lâu, nhưng lại quên đặt câu hỏi: Sống lâu để làm gì? Có lợi lạc gì cho bản thân và cho nhân quần xã hội?

Nhiều người đến tuổi về già bị nhiều khổ đau giằng xé ghê gớm, mà trong đó khổ đau lớn nhất là sống vô vị, cô đơn, hẩm hiu, không người chăm sóc, giúp đỡ, con cháu bất hiếu, nhất là khi thân thể bị bệnh tật hành hạ, đau đớn thân xác. Như vậy, nghệ thuật trường sinh bất tử có thực sự mang lại giá trị an lạc cho con người hay đó chỉ là mơ ước? Thói thường, khi con người có đời sống vật chất đầy đủ, sung túc lại muốn được sống lâu để duy trì sự hưởng thụ, để được mệnh danh là người hạnh phúc trên đời.

 Thực ra, bản chất của trường sinh bất tử chỉ nhằm nuôi hy vọng, mở mang lòng tham hưởng thụ dục lạc thế gian, nó không phải là niềm an lạc và hạnh phúc thực sự. Nhiều người Trung Hoa đã quan niệm sai lầm trong vấn đề này, cứ nghĩ trường sinh bất tử là sẽ thành Tiên, Thánh, hay được đưa vào sách sử muôn đời. Vì lẽ đó, nhiều người đã nỗ lực tìm kiếm sự sống bằng thuật trường sinh bất tử, song lại bị khổ đau vì không thể tìm được. Bởi ngay cả người tạo ra học thuyết ấy cũng không thể sống lâu, huống hồ chi những người theo học.

Quan điểm của Phật giáo thiết thực hơn, đánh giá đời sống con người dựa trên nền tảng đời sống đạo đức và tuệ giác. Đạo đức và tuệ giác giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết. Sống có lương tâm, với lòng từ ái cao cả, phù hợp với luật pháp, Phật giáo gọi đó là sống với trạng thái “vô úy”, nghĩa là sống không sợ hãi.

Cũng như trong chúng ta, nếu ai có tì vết về đạo đức mới sợ bị người khác phê phán, rêu rao điều không tốt của mình trước quần chúng, sợ bị tù đày, bị truy tố hay trả thù v.v… Ngược lại, ai không làm điều xấu ác, trái đạo lý, phi đạo đức thì nỗi sợ hãi không thể xảy ra, hoặc nếu có cũng sẽ được khống chế dễ dàng. 

 Để có được đời sống đạo đức tương đối hoàn hảo, đạt đến những giá trị nhất định, đòi hỏi ta phải có tuệ giác và tri thức để tu tập, làm cho đời sống tốt đẹp, toàn hảo hơn. Đó cũng là lý do tại sao Phật giáo lại không chú trọng đến tuổi thọ đời người, bởi việc sống thọ hay chết yểu đều tùy thuộc yếu tố nhân và duyên. Vì thế mà đức Phật cũng chỉ sống đến tám mươi tuổi, trong khi hiện nay, có người lập kỷ lục thế giới về tuổi thọ sống đến một trăm hai mươi tuổi.

Ngày xưa vào thời của đức Phật, ngài A-nan đã sống đến một trăm hai mươi tuổi. Ngài sống thọ là điều vô cùng cần thiết, bởi kho tàng đồ sộ của những từ điển bách khoa về Phật pháp, pháp môn và con đường hành trì đều cần đến tuệ giác, sự ghi chép của ngài. Nếu thiếu ngài A-nan, bao nhiêu thế hệ Tăng, Ni, Phật tử đời sau sẽ mất nhiều giáo lý, giá trị về sự hành trì của đức Phật. Có thể từ góc độ đó, ngài đã phát nguyện sống thọ để ai cần đến giáo pháp của đức Phật, ngài có thể tường thuật lại rành mạch, chi tiết và hướng dẫn cho hành giả hành trì có kết quả.

Còn chúng ta, không có nguyện vọng như ngài A-nan thì chẳng cần phải sống quá lâu để làm gì. Sống lâu như thế, các giác quan nhận thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều phải mỏi mòn, chậm lụt, chưa kể chúng bị hư hỏng. Chính vì thế, con người sống thọ mà trong tình trạng sức khỏe không đủ, chỉ mang lại cảm giác khổ đau, thối tâm Bồ-đề, chán nản, thất vọng và bế tắc mà thôi.

CÁC TÌNH HUỐNG CHẾT

Tâm lý học Phật giáo dạy con người cách thức đối diện với nỗi sợ hãi trước cái chết. Vậy học thuyết đó ra sao? Kinh điển đạo Phật đưa ra bốn tình huống về mạng sống con người không thể kéo dài. Dựa vào học thuyết đó, ta không thể cho rằng, ai sống thọ là người có phước. Việc có phước hay không tùy vào cách thức sống có ích cho cuộc đời với hạnh nguyện phục vụ và dấn thân. Bốn tình huống kết thúc mạng sống bao gồm: tuổi thọ viên mãn, nghiệp kết thúc, tuổi thọ và nghiệp kết thúc, và tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Tình huống thứ nhất, khi mạng sống con người viên mãn, sự viên mãn là khái niệm không đặt trên chiều kích thời gian dài hay ngắn, nó phụ thuộc nhiều vào hoạt động của nghiệp, liên hệ đến tuổi thọ mà người đó đã tạo ra. Có người chỉ mong sống đến năm mươi tuổi, bởi vì với số tuổi vừa phải như thế, họ có đủ sức để làm được nhiều việc, rồi ra đi tái sanh ở đời sau. Rồi mấy mươi năm kế tiếp, họ tiếp thu gia tài tâm linh, công đức đã từng gieo trồng ở đời trước.

 Thông thường, người đời làm việc đến sáu mươi hoặc sáu mươi lăm tuổi thì về hưu. Ngược lại, những vị cao Tăng đến bảy, tám mươi tuổi vẫn có thể làm Phật sự tốt, vì tâm trí các ngài vẫn còn sáng suốt, minh mẫn, các căn không bị mờ ám. Các ngài làm việc hiệu quả nhờ vào sự hỗ trợ của chiều kích tâm linh trong quá trình tu tập, càng lớn tuổi thì kinh nghiệm tu tập lại càng sâu, nên có thể hướng dẫn cách thức tu tập và hành trì giỏi và tốt hơn lúc còn trẻ.

Lịch sử của mười ba đời Đạt-lai Lạt-ma ở Tây Tạng chưa có vị nào sống trên bảy mươi tuổi, thậm chí một số vị chỉ sống đến bốn mươi mấy tuổi là đã đi tái sanh. Do đó, không thể căn cứ vào yếu tố tuổi tác để nhận định rằng vị này có phước hay không, mà điều quan trọng là mạng sống phù hợp với chu kỳ và hạnh nguyện của vị đó, rồi lại tiếp tục ra đi làm Phật sự ở nơi khác đang có nhu cầu. Bằng không, nơi khác sẽ thiếu đi sự có mặt của các ngài, và đồng thời nhu cầu cũng khó được đáp ứng một cách trọn vẹn.       

Tình huống thứ hai, khi nghiệp kết thúc thì mọi hoạt động đều phải chấm dứt. Nghiệp được xem là chất sống của chúng sinh, dù nó thuộc về ý thức hay sự có mặt của thức dưới hình thức tái sinh, tâm kế tục, tâm đầu thai v.v…Chức năng của nghiệp là thúc đẩy con người có mặt trong cuộc đời, và khi nghiệp kết thúc thì mạng sống con người cũng được kết thúc theo. Nhiều vị có hạnh nguyện dấn thân phục vụ, đến lúc các hạnh nguyện đó hoàn tất thì các vị ấy cũng thanh thản ra đi, không sợ hãi và luyến tiếc.

Hoàng hậu Ma-da sau khi ban tặng cho thế giới Ta-bà vị thái tử Tất-đạt-đa đã từ bỏ cõi trần mà ra đi. Vị thánh - thái tử Tất-đạt-đa xuất hiện, mang lại nhiều giá trị an lạc về tâm linh không chỉ cho riêng người Ấn Độ, mà còn cho nhiều dân tộc khác trên thế giới từ hơn 26 thế kỷ trước cho đến thế hệ của chúng ta ngày nay. Theo kinh điển mô tả, sau bảy ngày thái tử Tất-đạt-đa hạ sanh thì hoàng hậu Ma-da đã ra đi một cách an tường, sanh về cảnh trời Đao Lợi. Lúc đó, đức Phật Thích Ca chưa thuyết giảng về pháp môn Tịnh độ, kinh A-di-đà, và kinh điển cũng không mô tả bà sanh về Tây phương Tịnh độ, chỉ đề cập đến cõi trời Đao Lợi để có cơ hội tiếp tục tu hành.

Hai yếu tố về tuổi thọ và sự dứt nghiệp là hai dữ liệu quan trọng quyết định sự sống con người trong thời gian dài hay ngắn có mặt trên cõi đời.

 Tình huống thứ ba, khi nghiệp hết và tuổi thọ kết thúc, trường hợp này sẽ tạo nên cái chết nhanh chóng, nhẹ nhàng và an tường. Người ra đi không bị đau đớn xác thân vì bệnh tật, mà chết một cách giản đơn chẳng hạn khi ngủ thì chết luôn, hoặc trải qua một chứng bệnh nho nhỏ chẳng đau đớn gì, rồi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ ngàn thu. Muốn có được cái chết giản đơn và nhẹ nhàng như thế, ta cần đầu tư có phương pháp và nghệ thuật theo đúng tinh thần đức Phật dạy.         

Tình huống thứ tư, chết hoạnh tử (chết ngang). Người chết trong tình huống này đang sống mạnh khoẻ nhưng gặp nạn chết ngang, mà dân gian thường gọi là chết bất đắc kỳ tử, tức là nghiệp chưa dứt, tuổi thọ vẫn còn mà bị chết ngang.

 Nền văn học Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là kinh Dược Sư có đề cập đến chín tình huống chết hoạnh tử như: chết oan, chết bị vu khống, chết do núi đè, chết do tai nạn giao thông, chết do lũ lụt, chết do thiên tai v.v… Mặc cho họ có nguyện vọng sống lâu, có nỗ lực tu tập, sự nghiệp và hạnh phúc, thế mà vẫn không thể kéo dài được mạng sống, phải chịu một trong những tình huống chết ngang trái, không phù hợp với qui luật sanh tử.

Kinh Nikaya không liệt kê rõ chín tình huống chết cụ thể như kinh Dược Sư, chỉ đề cập những cái chết không liên hệ đến nghiệp và tuổi thọ. Ví dụ, khi ra đường gặp mưa to, gió lớn bị cây ngã đè chết, đang đứng bên đường thì bị xe lao vào tông chết, hoặc đang tắm biển thì bị sóng nhấn chìm v.v… như cơn sóng thần ở các nước Đông Nam Á vừa qua, gây cái chết cho khoảng mấy trăm ngàn người. Tất cả những cái chết như thế đều do nhiều yếu tố tác động của môi trường và thiên nhiên.

Đặt câu hỏi: tại sao lại có tình huống hoạnh tử cùng một lúc nhiều người đến như vậy? Câu trả lời là bởi hoạt dụng của nghiệp rất đa dạng và phức tạp, con người gieo hạt giống về tuổi thọ thì ít nhưng phá hoại sự sống thì nhiều. Chẳng hạn nạn phá rừng, giết hàng loạt động vật hoang dã, quý hiếm, hoặc trong một kiếp nào đó, người ta đã ăn quá nhiều loại động vật mà không biết rằng thực hiện những hành vi trên là đã gieo  nghiệp sát. Nếu cảm thấy hạnh phúc trong việc tàn phá, giết hại thì nghiệp sát sanh được kích hoạt theo cách thức cái nào mạnh, cái đó sẽ chi phối đời sống con người. Vì vậy, có người nghiệp sống và tuổi thọ vẫn còn, nhưng do bị phủ trùm bởi những nghiệp trên, đành phải chịu hậu quả chết ngang (bất đắc kỳ tử).

Tôi có dịp xem người ta dạy cách câu cá trên truyền hình, chỉ học cách câu cá mà người học cũng phải chi trả khá nhiều tiền. Trên chiếc thuyền, người đứng, kẻ ngồi, họ cho thuyền chạy ra xa đến nơi có nhiều cá, và mỗi người cầm một cần câu, sau đó quăng dây câu có móc mồi xuống. Mỗi vùng có một cách câu khác nhau, có vùng dùng cần câu dài khoảng bốn, năm tấc, và có vùng thì dùng cần câu dài đến hai, ba thước.

Các trường dạy câu cá (Fishing School) xem việc câu cá như là niềm vui, chúc mừng nhau khi câu được cá. Người thì tiếp tục quẳng con cá xuống nước; người lại để con cá đong đưa, vùng vẫy mãi lấy làm thích thú, đến khi quẳng nó xuống nước thì cá đã hoặc sắp chết rồi. Tại Việt Nam, gần đây cũng có thói quen câu cá tương tự. Ở vùng ngoại ô Sài Gòn như Nhà Bè, Thủ Thiêm, Thanh Đa v.v…người ta tổ chức nhiều điểm câu cá giải trí với giá vé khoảng vài trăm ngàn đồng cho mỗi lượt vào câu, được miễn phí một bữa ăn, được phát cần câu, mồi và có người hướng dẫn cách câu.          

Việc tìm thú vui trong câu cá cũng giống như bỏ tiền ra để mua nghiệp sát. Người ta đâu hiểu những trò chơi như thế góp phần tạo ra nghiệp sát sanh rất nặng. Nghiệp sát sanh này hoạt dụng như một cản lực, chặn đứng nghiệp sống thọ của con người.

Đức Phật đưa ra bốn tình huống chết vừa nêu nhằm nhắc nhở con người không nên cắt đứt mạng sống của các loài động vật một cách cố ý, cần biết gieo trồng hạt giống sự sống và tình thương. Nếu ta có cơ hội, nên bảo hộ một cách có ý thức bằng cách dấn thân vào những hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái.

Các trường hợp hoạnh tử xảy ra phần lớn nằm trong hai tình huống. Thứ nhất, tình huống do chính mình tạo ra bằng hành động sát sanh, tạo nghiệp một cách có ý thức. Thứ hai, tình huống do người khác tạo ra cho mình. Có những tình huống tạo ra cái chết cho nhiều người cùng một lúc, khiến ta hoảng sợ không dám xuất hiện ở đám đông. Từ năm 1997-1999 tại Ấn Độ, nạn bạo động, khủng bố diễn ra khắp nơi dưới hình thức xung đột ý thức hệ tôn giáo cuồng tín. Người ta nhẫn tâm giết hại lẫn nhau một cách không do dự, nơi nào có đám đông là nơi đó bị đánh bom, nổ mìn, sát hại hàng loạt. Nỗi sợ hãi về cái chết được gieo rắc, phủ trùm khắp cả vùng rộng lớn.

Sự kiện tòa tháp đôi của nước Mỹ bị tấn công vào ngày 11-9-2001 cũng là do phần tử cực đoan của Hồi giáo gây ra, cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Sự kiện khủng bố đó khiến cho cả thế giới bị ám ảnh, chưa có nỗi sợ hãi nào lớn hơn và để lại nhiều di chứng lâu dài về sau, đến độ mỗi khi nhìn thấy thảm họa đau khổ đó được chiếu lại trên truyền hình, không ít người vẫn phải rơi lệ. Ngoài ra, người ta còn sát hại lẫn nhau bằng nhiều hình thức khác như: gửi phong bì có chất độc hóa học, gởi một chiếc cặp có chứa mìn, tẩm thuốc độc trong thực phẩm, hoặc tấn công, khống chế máy bay v.v…

Thiếu chất liệu từ bi của Phật giáo thì sự hận thù, trả đũa sẽ còn gieo rắc khắp mọi nơi, nhất là đối với thân nhân của những nạn nhân bị chết trong thảm họa đau xót ấy. Vì vậy, cần tìm giải pháp ứng xử mềm dẻo, tốt đẹp hơn để ngăn chặn sự gieo rắc của hạt giống sát hại.

 Năm 1999, Pakistan và Ấn Độ tranh giành nhau chủ quyền tại vùng đất Kasmir, gây sự giết chóc cho biết bao nhiêu  người. Trong thời gian đó, số người bị giết chết cứ tăng dần lên từng ngày, từng giờ, và không chỉ binh lính của hai bên mà còn có cả dân thường với nhiều phụ nữ và trẻ em vô tội. Trong  cuộc giao tranh, giết chóc ấy, có một nghĩa cử mà tôi cho rằng  phù hợp với tinh thần đạo Phật. Các binh sĩ Ấn Độ giáo sau khi giết chết đối phương, họ giữ xác lại để làm lễ tụng kinh, cầu nguyện, ngồi vài giờ đồng hồ trong thiền định, sau đó mới hạ huyệt chôn xác kẻ địch, và làm mộ bia lưu lại danh tánh.

Có người cho rằng hành động của binh sĩ Ấn Độ giáo chỉ là nghĩa cử ngoại giao, nhằm mục đích lên án tội ác của người Pakistan. Thực tế, dù dưới bất kỳ hình thức nào, ta vẫn thấy đó là cách thức và nghĩa cử cao đẹp. Quả thật, đó là hành vi, biểu hiện của tình người, làm cho cuộc đời hướng về những điều cao cả, tốt đẹp hơn. 

Nhìn từ góc độ cuộc chiến, khi hai bên sẵn sàng sát hại lẫn nhau, đứng trước cái chết tức tưởi của những con người đang tràn đầy nhựa sống, nhìn thấy thân phận bất hạnh, khổ đau của họ, người còn sống nên lấy tình nghĩa con người để đối xử với nhau; được như thế thì sự hận thù trong nghiệp sát sẽ được giảm đi rất nhiều. Mặt khác, chính điều này cũng làm giảm tối đa hoạt dụng tạo ra các tình huống chết hoạnh tử cho bản thân.

Khi sự phát triển tâm linh của con người ở mức độ cao sẽ không còn là kẻ thù của nhau nữa. Con người hận thù nhau do bởi lòng sân hận, và nó được kết thành bởi lòng tham và lòng si. Khi lòng sân hận trỗi dậy, ngay lúc ấy cũng bắt đầu xuất hiện lòng si mê. Người có tuệ giác có thể ngăn chặn ngay cơn sân hận đó, bằng không sẽ xuất hiện ngay tâm lý tự ngã, muốn làm điều gì đó để trở thành trục xoay quan trọng trong đối tác. Nếu tình huống đối tác không đáp ứng đòi hỏi ấy thì tỏ ra khó chịu, bực dọc. Từ đó, ba yếu tố tham, sân, si phối hợp lại và tác động với nhau, làm cho ta sống không hạnh phúc và chết  không bình an.

CÁI CHẾT CỦA TỬ TÙ

Đối diện cái chết là nhu cầu lớn về mặt tâm linh, ngay cả  người làm công tác thực thi pháp luật chẳng hạn như người xử bắn tù nhân nơi pháp trường cũng cần tu tập, quán niệm về sự chết. Bởi nó liên hệ đến vấn đề nhân quả, tuy rằng vì tính chất, yêu cầu của công việc mà họ phải thực hiện theo phán quyết của tòa án, nhân quả vẫn có thực.

Khi đưa tử tù ra hành quyết, người xử bắn thường dựa vào yếu tố tâm lý nhằm giảm bớt khổ đau, nên những cuộc hành quyết được diễn ra trong khoảng thời gian từ giữa khuya cho đến bốn, năm giờ sáng. Vì thời điểm đó ít người tham dự, khổ đau không bị gieo rắc, nhất là người thân không phải chứng kiến cảnh tử tù bị bắn mà không có cách nào cứu được, còn tử tù không bị nỗi khổ đau tăng lên gấp bội lần, có khi bị khống chế tâm lý trên các phương diện:

Thứ nhất là mặc cảm tội lỗi. Họ cho rằng mình đã tạo quá nhiều tội lỗi, lúc này muốn kết thúc mạng sống cho rồi.

Thứ hai là nuối tiếc sự sống. Nếu họ vượt qua được mặc cảm tội lỗi, có sự hướng dẫn tâm linh của các bậc đạo sư, mong kéo dài tuổi thọ để chuộc lại lỗi lầm đã tạo ra một cách có ý thức mà luật pháp lại không cho phép, vì luật pháp không tin rằng, trong tâm của họ có sự thay đổi tích cực. Đối với luật pháp, họ phải nhận bản án tương thích với các tội danh mà họ đã tạo ra cho xã hội là lẽ công bằng.

Khi tâm tiếc nuối sự sống mà phải đối diện với cái chết, họ thường đong đo thời gian theo cấp số nhân “một giờ bằng cả trăm năm” ,thấy thời gian trôi qua quá nhanh. Bấy giờ họ sống với sự tác động của thời gian tâm lý, không còn là thời gian vật lý nữa. Càng sợ hãi cái chết nhiều chừng nào thì ảo giác về thời gian càng rút ngắn chừng đó.

 Ví dụ, khi người tử tù còn ba ngày nữa sẽ bị hành quyết, họ cảm thấy thời gian còn lại như chỉ có ba giờ hoặc chỉ có ba mươi giây thôi. Nếu ai có dịp quan sát gương mặt của các tử tù lúc ra pháp trường, sẽ thấy cặp mắt của họ đỏ ngầu. Có người nghĩ rằng, do cảm xúc mặc cảm tội lỗi nên họ khóc nhiều. Thực ra, đó là phản ứng sinh học của cơ thể khi phải đối diện cái chết mà họ chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chấp nhận. Đến khi cảm xúc dâng trào, họ không ngủ được, cặp mắt bị đỏ, cảm xúc bị bế tắc. Vì vậy, có người đã tìm đến cái chết trước khi hành quyết bằng cách tự sát, bởi họ không chịu nỗi cái cảm giác mình bị xử bắn trước mặt nhiều người.

Chuyện thiền Nhật Bản kể rằng có một tù nhân đã bị tuyên án tử hình, thời gian anh ta sống chỉ còn vỏn vẹn mười ngày. Theo truyền thống luật pháp của Thánh Đức Thái Tử, các tử tù có quyền mời các vị chức sắc tôn giáo đến hướng dẫn tâm linh trước khi thi hành án lệnh. Người bị xử tử là một tín đồ Thần đạo, có thiện cảm với đạo Phật. Trong thời gian ở tù, anh ta có cơ hội liên lạc với một Phật tử. Biết anh là một tử tù, vị Phật tử ấy khuyên anh nên mời một nhà sư Phật giáo (đặc biệt là một thiền sư) giúp anh sống tự tại, không chết một cách khổ đau.

Nghe vị Phật tử nói, anh ta rất mừng và nghĩ rằng mình sắp được cứu sống. Trong lúc đang khốn quẩn, anh muốn mời nhà sư Thiếu Lâm Tự võ công xuất chúng đến phá nhà giam, giúp mình thoát ra, sống một cách thoải mái. Người Phật tử khuyên anh nên ghi một mẫu giấy gửi đến người có trách nhiệm của trại giam, với mong muốn xin thỉnh một vị trụ trì ở Đông Kinh Tự đến giúp. Khi bức thư được gửi đến chùa Đông Kinh thì vị thiền sư đang chuẩn bị đi Phật sự xa. Ngài báo lại cho người tử tù biết rằng, năm ngày sau ngài sẽ có mặt ở nhà tù để giúp anh.

Được tin, anh vô cùng đau khổ vì nghĩ rằng, khi gặp được Thiền sư thì thời gian sống của mình chỉ còn lại năm ngày, như vậy là quá ít. Liên tưởng đến điều đó, anh mất ngủ, khổ đau và bị tai biến mạch máu não, bại liệt nửa người. Đúng năm ngày sau, vị thiền sư đến trại giam gặp người tử tù ấy, nói với anh rằng:

- Cái chết là ảo vọng và cái sống cũng là ảo vọng. Nếu anh hiểu quan niệm về sự ảo vọng, anh sẽ thảnh thơi sống tùy duyên với sự hiện hữu của nó.

Nghe xong, anh ta vô cùng thất vọng và nói rằng:

- Nếu biết ngài đến đây chỉ dạy có chừng ấy thôi thì tôi đã không mời ngài đến làm gì. Bản thân tôi vẫn biết sự sống là ảo vọng, bởi chỉ còn năm ngày nữa là tôi hết sống rồi. Vì vậy, tôi  không thể chấp nhận cái ảo vọng như ngài vừa nói. Tôi đã bị liệt nửa người, ngài bảo tôi quán ảo vọng làm sao tôi có thể quán được.

  Thiền sư lại bảo:

- Nếu anh không chấp nhận sự hành trì đó thì anh sẽ phải khổ đau nhiều hơn. Bây giờ anh hãy tạm quên cái thời gian chỉ còn sống năm ngày đó đi. Đừng nghĩ đến thời điểm mình phải chết mà cứ nghĩ rằng, tôi đang sống với giờ phút hiện tại và đang sống có ý nghĩa. Tôi sống với tất cả bầu không khí trong lành cùng những người bên cạnh trong giờ phút hiện tại. Tôi sống với người đang hỗ trợ tinh thần cho tôi.

 Anh hãy thực tập điều này ngay bây giờ và liên tục trong suốt thời gian còn lại. Chỉ thực tập bấy nhiêu đó thôi, anh sẽ sống an lạc, sẽ thấy tất cả ý nghĩa của cuộc sống là ở đây.

 Lần này, anh không còn phản ứng, thực hiện câu nói của vị thiền sư và nó chảy vào dòng cảm xúc trong anh. Từ đó, nỗi khổ đau về cái chết trong tâm hồn anh đã tan biến. Anh thức mãi, không thể ngủ được cho đến ngày cuối cùng, không phải do sợ hãi mà thức để cảm nhận sự sống, ít nhất là trong một ngày, một đêm có ý nghĩa.

Mấy ngày sau, sắp đến giờ hành quyết, bỗng nhiên có một người đại diện cơ quan hành pháp mang quyết định xóa án tử hình đến trao cho anh. Vì trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã ghi nhận được những công lao đóng góp của anh đối với xã hội. Cho nên, anh chỉ chịu mức án tù chung thân mà thôi. Bấy giờ, anh ta mới hiểu được ý nghĩa mà vị thiền sư chỉ dạy “hãy sống trong hiện tại”, vì ý nghĩa và giá trị của cuộc sống nằm ở ngay nơi đó, chứ không phải sự sống được kéo dài càng lâu thì tốt.

 Kể từ đó, anh bắt đầu nỗ lực tu tập, tập luyện một cách chuyên cần, miên mật, và chỉ trong vài tháng, anh đã khắc phục được căn bệnh bại liệt. Trong nhà tù lúc bấy giờ, anh trở thành một biểu tượng của chuyển hóa mầu nhiệm cho nhiều phạm nhân noi theo. Từ một phạm nhân với tội giết người, anh đã trở thành một người hiền lương, tỉnh thức nhờ sự hướng dẫn tu tập của vị thiền sư.

Thường khi có hạnh phúc, con người dễ bị chìm đắm và tự mãn với hạnh phúc mình đang có, nhưng trong khổ đau cùng cực, đôi khi con người tỉnh thức và giác ngộ ra nhiều điều, làm cho họ sống có kinh nghiệm và dày dạn hơn. Ta không nên đau buồn hay sợ hãi trước cái chết, buồn khổ và sợ hãi không mang lại lợi lạc gì, chỉ làm cho cái chết diễn ra thêm khủng hoảng và đau đớn hơn mà thôi. Liên tưởng đến cái chết với sự sợ hãi, nó sẽ làm cho cường độ cảm xúc tiêu cực gia tăng. Nếu sự gia tăng khổ đau đến quá mức, có người không chịu nổi, muốn kết thúc cuộc sống sớm hơn, đó cũng là một hình thức hoạnh tử. Nghĩa là xung lực chặt đứt mạng sống không phải do tuổi thọ đã hết, mà do sự ức chế tâm lý của dòng cảm xúc tiêu cực dâng trào quá lớn tạo ra.

Trong kinh, khi trao đổi với một vị vua về cách biết được nỗi khổ đau của vọng tưởng, đức Phật bảo nhà vua hãy quan sát nỗi khổ đau của người tử tù bằng tuệ giác. Thời đó, khi xét xử tội phạm thường áp dụng nhiều hình thức như: chém đầu, chém ngang lưng hoặc tứ mã phanh thây (cho bốn con ngựa kéo ra bốn hướng để xé xác). Tùy theo loại hình tội phạm mà áp dụng các hình phạt khác nhau. Miễn sao những hình phạt ấy làm cho cảm xúc của người bị xét xử rất khổ sở và những người chứng kiến rùng rợn mà không dám phạm tội. 

Đức Phật kể rằng trong quá khứ, khi còn là một vị Bồ-tát, Ngài đã chứng kiến sự việc rất hãi hùng, trước khi bị đem ra hành quyết, người tử tù ấy phải chứng kiến cảnh tượng giết chết tội nhân bằng thủ thuật ảo tưởng. Họ cho người tử tù nhìn thấy cái chết của các tử tù khác cách trước mặt khoảng chừng hai mét. Người tử tù kia bị hành quyết bằng các đao phủ, cùng một lúc người hành quyết dùng ba thanh đao chém người tử tù ra làm ba mảnh, hoặc nhìn thấy người tử tù khác bị trói tay, trói chân, bịt mắt, rồi dùng nhiều thanh gươm sắc nhọn đâm vào thân thể, hay xẻo từng mảng da, miếng thịt v.v…

 Khi chứng kiến cảnh tượng bị xử chết bằng những hình thức ghê rợn như vậy, người tử tù sắp bị xử sẽ có cảm giác vô cùng sợ hãi, khủng hoảng tinh thần, rất dễ tạo ra ảo giác. Nếu cảm giác lúc ấy là khổ thọ thì ảo giác khổ đau sẽ gia tăng gấp nhiều lần. Chẳng hạn, trước lúc hành quyết, họ bị bịt mặt bằng một cái khăn nhúng nước, các giọt nước thấm chảy xuống, họ ảo giác rằng máu mình đang chảy ra. Họ nghĩ là một vài phút nữa, mình sẽ ngã quỵ vì hết máu, đầu óc họ trở nên bấn loạn, họ có thể bị đứng tim hay tắt thở trước khi hành quyết.           

 Qua câu chuyện trên, đức Phật chỉ cho nhà vua nhìn thấy nỗi sợ hãi về cái chết của con người rất lớn. Đức Phật khuyên nhà vua:

- Thay vì trừng phạt bằng cách giết chết họ, Đại Vương nên đưa họ vào con đường đạo lý, để họ có cơ hội làm mới lại cuộc đời. Nếu Đại Vương giết chết họ, họ không còn cơ hội trở thành người lương thiện từ bỏ các việc ác, làm các việc lành, có lợi cho xã hội.

Rất tiếc, nhà vua đã không nghe lời khuyên của đức Phật. Nhà vua cho rằng, một người phạm tội nghiêm trọng thì cần phải trừng trị bằng hành quyết để đền tội. Như thế là lẽ công bằng. Giết chết người phạm tội chỉ là công bằng nhỏ, nhưng lại tạo bất công lớn. Nhất là đối với những người trực tiếp hành xử tội nhân, phải mang lấy nghiệp giết người.

Mặc dù họ giết người vì phục vụ công lý, bảo đảm an ninh xã hội, trừng phạt kẻ giết người để làm gương cho người khác sợ mà không dám phạm pháp. Họ đâu có biết, giết người dù với mục đích gì họ cũng phải mang lấy nghiệp sát sanh. Người trực tiếp thi hành án hay xử án tử nhằm tạo yên bình cho xã hội có thể tạo sự bất bình cho nhiều người, nhưng nếu hiểu được tình thương khi thực thi nhiệm vụ thì nghiệp sát sẽ được giảm nhiều. 

Khi đối diện cái chết, tần số cảm xúc của con người rất mạnh, không một lực cản vật lý nào có thể ngăn chặn được. Nếu người hành quyết khởi lên cảm xúc của lòng từ bi thì người bị hành quyết sẽ không có nỗi hờn oán. Đồng thời, cái gút của nghiệp sát giữa người hành quyết và người bị hành quyết không được thiết lập. Do đó, nghiệp chết của người hành quyết trong tương lai sẽ đẩy lùi khuynh hướng hoạnh tử hay yểu thọ.

Phật giáo dạy khá nhiều kỹ năng gieo hạt giống tình thương có trong nghi thức Tỳ-ni mà người xuất gia phải học và ứng dụng hằng ngày. Có thể quí vị nhìn những người xuất gia cũng giống như mình, ăn, mặc, sinh hoạt không khác chi. Những ai không nghiên cứu về truyền thống tu tập của đạo Phật thì sẽ nhận dạng và đánh giá sai lầm về họ.

Những chú tiểu, cô tiểu, từ lúc cạo tóc vào chùa đã được huấn luyện cách hành trì Tỳ-ni, gồm các bài kệ bốn câu được trích ra từ phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm dạy về lòng từ bi, cách nhiếp tâm, thiền quán, tĩnh tâm và lòng vô ngã, vị tha lớn. Ví dụ, bài kệ đầu tiên dạy rằng, khi vừa mở mắt ra, bắt đầu cho một ngày mới, đặt bước chân đầu tiên xuống đất sẽ thấy hạt giống tình thương và lòng từ bi của người xuất gia.

Các vị xuất gia được dạy: Tôi biết rằng, khi tôi mở mắt ra, bước chân xuống giường, đi chân không, hay đi bằng dép thì tôi cũng đã đạp vô số loại côn trùng mà mắt thường không thể nhìn thấy và cũng không có cách nào để tránh giẫm đạp các chúng sinh đó. Vì vậy, vô tình tôi đã mang lại khổ đau, chết chóc cho các loài nhỏ bé ấy. Tôi mong rằng, những chúng sinh đó được siêu sanh, thoát hoá. Sau đó đọc thêm câu thần chú vãng sanh làm cho năng lượng lòng từ bi được gia tăng với sự nhiếp tâm cao độ.

  Cùng một hành động vô tình giẫm đạp giết hại sinh linh của các chúng sanh bé nhỏ, nhưng người tu hành phải thực tập gieo rắc lòng từ bi theo phương pháp Tỳ-ni. Làm như vậy để nghiệp sát được nhẹ và cái chết bất đắc kỳ tử của các loài ấy không ảnh hưởng đến đời sống của họ. Học và làm theo cách này, người tu tại gia vẫn làm được, chỉ cần thuộc bốn câu kệ Tỳ-ni là quí vị có thể trở thành người hành trì.

CÁI CHẾT CỦA TÀO THÁO

  Trong truyện Tam Quốc Chí có một chi tiết khá hay liên hệ đến nhân vật Tào Tháo. Ông là người thông minh, tài giỏi, nhưng có tính đa nghi, đã giết lầm nhiều người vô tội và chân chính. Ông đưa ra triết lý rất rùng rợn: thà giết oan chứ không thả oan, thà giết lầm chứ không thả lầm. Từ quan điểm đó, Tào Tháo đã tạo nghiệp sát vô cùng lớn. Ông ý thức rõ về việc giết chóc tàn nhẫn của mình là để phục vụ cho ước mơ, tham vọng. Tào Tháo tham vọng trở thành ông vua thống nhất sơn hà Trung Hoa.

Tào Tháo là người không tin vào các thần linh. Nghe nhiều người kháo nhau rằng cây đa cổ thụ bên cạnh nhà ông có các vị thần linh đến ngự, ông liền sai người chặt bỏ cây đa ấy. Một số cận thần khuyên ông không nên chặt bỏ, vì cây đa ấy là nơi ngự nghỉ của thần linh. Nếu chặt bỏ cây đa ấy thì mạng sống của ông sẽ không được an toàn. Tào Tháo vẫn không tin và bảo rằng:“Ta chặt bỏ cây đa này để xem ai chết trước sẽ biết.” Thật chẳng may, sau khi chặt bỏ cây đa, Tào Tháo ngã bệnh. Các quần thần vào thăm, nhắc lại chuyện cũ:“Nếu ngài nghe chúng tôi, không đụng vào cây đa ấy thì hôm nay ngài đâu phải khổ đau thế này.”

Nghe các quan nhắc đến chuyện ấy, Tào Tháo tức giận đuổi họ ra ngoài. Khi các quan đi rồi, ông cảm thấy khủng hoảng, ray rứt, ăn năn, hối hận về việc làm của mình. Ông bắt đầu sợ thần linh bắt chết, càng lo lắng và sợ chết, ông càng khủng hoảng, tinh thần suy sụp, thể lực tiêu hao. Thế là chỉ mấy ngày sau Tào Tháo vĩnh biệt cõi đời.

Cái chết của Tào Tháo được người Trung Hoa lý giải là do ông chặt phá cây đa, bị các thần linh nổi giận lấy mạng ông. Theo tâm lý học Phật giáo, cái chết của Tào Tháo không phải do thần linh nổi giận hãm hại, mà là do ảo giác hại ông, ông đã tự hại mình. Tào Tháo ngã bệnh do tuổi già là lẽ thường tình, là qui luật đương nhiên của cuộc sống. Con người có xác thân là phải bị bệnh, già hay trẻ đều cũng thế, nhưng người già thì dễ bị bệnh và khi bệnh lại khó khỏi hơn người trẻ. Vậy việc con người bị bệnh là một sự thật của cuộc sống, là qui luật không ai phủ định được.

Người gieo nghiệp sát quá nhiều như Tào Tháo thì khi về già phải chết một cách đau đớn. Sách sử Trung Hoa ghi lại, lúc sắp chết Tào Tháo la hét rất ghê gớm, trong khi ngủ, hễ nhắm mắt lại là ông thấy có nhiều người cầm cây, cầm gậy, vung đao, múa kiếm đánh, chém, hay vác đá ném vào ông. Thế là ông vùng dậy chạy quanh nhà, có lúc ông quỳ xuống xin tha mạng; đây là hiện tượng có thật. Những ai không hiểu về diễn biến của ảo giác sẽ cho rằng, các sử gia Trung Hoa đã cường điệu hóa câu chuyện.

 Sự kiện gần đây nhất ở Cam-pu-chia là tội ác diệt chủng của Pôn-pốt, người cầm đầu phe Khơ-me đỏ. Pôn-pốt là một Phật tử, nhưng không hiểu đạo Phật. Do nhận thức sai lầm, Pôn-pốt đã rơi vào con đường tội lỗi. Ông chủ trương giết người vô số kể, xác chết chất thành đống. Bởi vậy, trong những năm tháng cuối đời, Pôn-pốt phải sống với nỗi thống khổ của bệnh tật, phải trốn chui, trốn nhủi trong rừng sâu, hang thẳm, cơm không đủ no, chăn không đủ ấm, thậm chí có lúc phải lấy cây cỏ làm thức ăn.

 Năm 2001, tôi được xem những thước phim tư liệu về Pôn-pốt, quay rất rõ về cuộc sống của ông trong rừng sâu. Ông bị bệnh tai biến, phải ngồi xe lăn, nỗi khổ đau của ông lúc ấy vô cùng lớn. Ông nói rằng, bên tai lúc nào cũng nghe tiếng la hét đòi đền mạng, điều đó khiến ông bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Lúc chết, hai tay ông bị co rút, người ta phải dùng một loại rượu đặc biệt xoa bóp, nhưng cũng  không kéo thẳng được, ông tắt thở chỉ sau vài phút. Lý giải thế nào về phương diện khoa học hay pháp y đối với tường hợp vừa tắt thở mà bị co cứng như Pôn-pốt?

Trong thời gian kiệt quệ sức lực, ông cho phép các phóng viên đài BBC đến phỏng vấn, ghi lại những giờ phút cuối đời. Ông chấp nhận việc đó với điều kiện là trả cho ông năm ngàn đô la Mỹ, vì bấy giờ ông quá nghèo khổ. Đến lúc ấy mà ông vẫn còn nói với các phóng viên một câu rất lạnh lùng: “Lương tâm tôi luôn trong sáng, tôi không ân hận khi mang đến cái chết cho nhiều người.”

Đây là điều đáng buồn, vì là một Phật tử mà ông không hiểu đạo lý của nhà Phật. Có lẽ, ông chỉ là Phật tử trên danh nghĩa hay trên truyền thống mà thôi. Cho nên ông đã không ngần ngại gây đau thương, bất hạnh cho đồng bào của mình. Có người trong cuộc đời làm nhiều việc bất thiện. Đến khi đối diện cái chết biết hồi tâm thức tỉnh, ăn năn, hối hận. Tuy nhiên, cũng có những tình huống con người lại trở nên ngoan cố hơn, mà Pôn-pốt là một điển hình.

Với những người có tâm ngoan cố, khi kẻ thù đã ngã xuống dưới mũi tên, làn đạn của mình rồi mà vẫn không mở được chút lòng tha thứ nào, đôi lúc lại còn chỉa súng vào xác chết mà bắn cho tan nát. Theo sự vận hành của nghiệp, nếu ta dùng súng giết chết một người bằng một trăm viên đạn có ý thức thì nghiệp sát sẽ tăng lên một trăm lần. Đừng nghĩ giết một người chỉ là một đơn vị sát sinh, mà nghiệp sát tùy thuộc vào thái độ sát sinh của ta rất nhiều.

Đạo lý nhân quả đặt trên nền tảng vật lý cộng với tâm, tâm là mấu chốt làm cho giá trị nhân quả diễn ra tốt hay xấu, nhẹ hay nặng, và nhiều hay ít. Do đó, cần thực tập lòng từ bi để không bị rơi vào tình trạng ấy.

HẬN THÙ NGƯỜI ĐÃ CHẾT       

Lịch sử Trung Hoa hoặc Việt Nam cũng từng ghi lại những câu chuyện về người còn sống trả thù người đã chết. Do lòng căm hận mà họ làm cho người chết đã nằm dưới mồ không được yên. Trong đời sống có sự thù hận với ai đó, đến khi có đủ điều kiện để trả thù thì người ấy đã chết rồi, thế là họ không ngần ngại quật mồ, lôi hài cốt người ấy lên để bằm, chém, để giết lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư cho hả giận.

Trong nền tâm lý học hiện đại phương Tây có phương pháp xả hơi. Phương pháp này theo tâm lý học Phật giáo là điều nguy hiểm. Phương pháp xả hơi giống cách thức tạo ống khói trong ngôi nhà. Nếu không có ống khói thì ngôi nhà không còn chất oxy để thở, bởi không thể phóng thích khói ra ngoài. Người ta nói rằng, khi nỗi khổ niềm đau gia tăng, dòng cảm xúc bị khống chế, lúc ấy bằng mọi cách phóng thích nó ra bên ngoài để giảm bớt khổ đau. Có người nói rằng, nên đẩy tất cả nỗi khổ niềm đau vào trong bao cát, rồi liên tưởng với đối tượng gây ra đau khổ, hoặc liên tưởng người kia như một trái banh, rồi lấy búa đập cho tan nát, nổ tung để thỏa mãn cơn sân và cảm thấy hạnh phúc. Thay vì giết người phải ở tù, làm những hành động ấy vẫn thỏa mãn được lòng căm giận mà không vi phạm pháp luật.

Ở Ấn Độ, người ta có thói quen hành hạ hình nộm để thoả mãn các cơn sân hận. Ví dụ, khi quá ghét ông thủ tướng, họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm Mỹ kim thuê người làm hình nộm ông thủ tướng, rồi đem ra trước đám đông, tự xưng mình là quan tòa đọc cáo trạng, tố cáo,  chửi vả, sỉ nhục, vạch tội cho mọi người nghe. Sau đó, mọi người dùng dao đâm vào cơ thể hình nộm, hoặc chặt ra thành nhiều mãnh, tẩm xăng đốt. Những hành vi như vậy, mặc dù không trực tiếp giết người, nhưng cái tâm niệm ấy nó mang cái nghiệp sát giết người là rất rõ, bởi vì hành động chém giết ấy, là biểu hiện cụ thể của tâm. Phóng thích sân hận trong trường hợp này là điều vô cùng nguy hiểm, tạo nghiệp rất nặng.

Trong cuộc sống hiện tại, nếu không may phải mang nghiệp làm binh sĩ hay nhiệm vụ hành quyết người phạm tội, ta cần phải biết gieo rắc lòng từ bi. Bởi vì, chỉ cần chứng kiến nỗi đau của người sắp chết, ta cũng có thể mang di chứng khổ đau cho tâm. Đến lúc về già, ta không còn làm việc ấy nữa, nhưng những oan hồn đó vẫn quanh quẩn theo ta, dễ chạm vào hệ thần kinh của ta, gây bất ổn cho cơ thể. Nó chạm vào mắt thì mắt có thể bị mờ, thế là khi ta nhìn người khác chặt con gà, ta cứ  tưởng họ chặt đầu mình v.v...

Có cơ hội thăm bệnh viện tâm thần Chợ Quán ta sẽ được nghe kể rất nhiều chuyện về ảo giác. Có trường hợp chúng ta mang quà đến tặng họ, họ lại khẩn khoản cầu xin mình đừng đem thuốc độc đến giết họ, có người khi thấy mình đến, liền bỏ chạy v.v... Nhìn những tình huống đó, chúng ta có thể biết, do trước kia họ đã từng có hành động dùng thuốc độc giết hại người khác. Sau khi hành động, lương tâm họ bị ray rứt, không tìm thấy lối thoát, rơi vào bế tắc. Từ đó, họ bị bấn loạn và luôn ảo giác rằng, người khác sẽ hành động tương tự để trả thù mình, hoặc họ đã chứng kiến người thân bị giết hại vì thuốc độc, nỗi khổ niềm đau gia tăng qúa mức nên họ bị tâm thần…

Sự liên tưởng về cái chết quá khủng khiếp có thể làm cho con người bị ảo tưởng, dẫn đến cái chết một cách đau đớn. Đức Phật dạy:“Tâm niệm con người trong sự sát hại quyết định tuổi thọ, hạnh phúc, khổ đau của người liên hệ trực tiếp đến hành động đó.”

Kinh Tương Ưng, đức Phật dạy: “Khi quán tưởng dòng cảm xúc chỉ đơn thuần là dòng cảm xúc.” Đơn thuần nghĩa là không để cho ý thức phân biệt can thiệp vào, cũng không để cho sự suy luận, tổng hợp, qui nạp, nhận định, đánh giá làm tác động, chi phối. Lúc đó, nỗi khổ niềm đau trước cái chết có thể có mặt, nhưng không ảnh hưởng đến tâm lý. Đây là một trong những phương pháp đức Phật dạy “vô hiệu hoá” sự khủng hoảng đang đến với mình. Dĩ nhiên, phương pháp này đòi hỏi sự tập trung và lòng an định rất cao thì mới thành công được.

Duy Thức học có đề cập đến khái niệm “hiện lượng,” tức là trực quan. Trực quan là dòng nhận thức chưa có ý thức can thiệp. Chẳng hạn, khi đứng trước mặt quí vị, chúng tôi biết người ngồi đầu tiên mặc áo vàng, người ngồi sau mặc áo lam, người kế nữa mặc áo nâu, áo đen v.v… không nói đến áo vàng này đẹp, áo đen kia xấu, áo kia kiểu Tây hay kiểu Việt Nam, cái này theo thời trang hay kiểu cổ điển v.v… Tức là sự nhận thức chưa có đánh giá gì cả. Đây thuộc về hoạt dụng bình thường của ý thức, chưa có hoạt dụng của chấp ngã mà tâm lý học Phật giáo gọi là thức Mạt-na.

 Ví dụ, ta đã từng có mặc cảm với người mặc chiếc áo vàng, khi nhìn thấy bất kỳ ai mặc chiếc áo vàng là ta không thích, không ưa người ấy. Lúc đó, dòng cảm xúc đi theo hướng lệch lạc. Hoặc người yêu của mình trước kia hay mặc áo dài, áo bà ba màu trắng, nay thấy ai mặc kiểu áo hơi giống, mình cảm thấy mến thích v.v.. Cho nên, người ta thường nói: “Khi thương, thương cả đường đi lối về.”

Tất cả những tình huống kéo theo đó là do tâm lý chấp thủ của thức Mạt-na. Do đó, kinh Tương Ưng, đức Phật dạy: “Hãy quán niệm dòng cảm xúc chỉ đơn thuần là dòng cảm xúc, không có hoạt dụng của ý thức và thức Mạt-na chấp trước xen vào đối tượng nhận thức.”

 Tương tự, dù trong quá khứ ta đã chứng kiến người bị giết chết bất cứ hình thức nào, ta cũng không cho những hình ảnh đó hiện về tác động, chi phối tâm lý, được vậy dòng tỉnh thức, sự an tĩnh trong ta mới được thiết lập. Nếu trong giờ phút nào đó hình ảnh ấy hiện về, ta nên quán tưởng lòng từ bi, khi  thấy người chết đau đớn, bất hạnh, ta cũng liên tưởng đến lòng từ bi,  trong lúc đi đường, vô tình ta thấy người bị tai nạn, ta liền khởi lòng từ bi.

Tuy nhiên, lòng từ bi còn phụ thuộc rất nhiều vào nền văn hoá và luật pháp nơi ta sống. Như ở Việt Nam, ra đường gặp người bị nạn, ta có thể đỡ người kia đưa đi bệnh viện, nhưng ở phương Tây ta không dám làm việc ấy, vì sợ liên can đến pháp luật. Do những quy định của pháp luật, ta có thể bị phiền phức, tốn kém thời gian vì sự liên quan ấy. Vì thế lòng từ bi của ta bị teo hẹp dần.

  Luật pháp mỗi nơi mỗi khác, nhân quả bị biến dạng từ hình thức này qua hình thức khác. Ở Việt Nam, khi ta thấy người bị tai nạn đã chết, ta có thể niệm thần chú và liên tưởng lòng từ bi, cầu mong cho người chết được siêu thoát, còn ở phương Tây, tốt nhất là ta gọi báo cho cảnh sát để họ lo. Trong trường hợp cần thiết, ta cũng nên làm nhân chứng để có sự công bằng. Biết rằng, đôi khi làm nhân chứng dẫn đến sự phiền hà, hoặc vụ kiện kéo dài làm ảnh hưởng đến công ăn, việc làm, nhưng ta vẫn nên làm. Bởi có trường hợp luật pháp cần có nhân chứng, mà ai cũng sợ phiền phức thì người kia sẽ gặp điều bất hạnh.

Ở đất nước Cam-pu-chia ngày nay, các loại xe được phép sử dụng gồm có hai dạng: xe sử dụng có đăng ký với cơ quan công quyền (xe có bảng số do cơ quan nhà nước cấp) và xe sử dụng không đăng ký với cơ quan nhà nước (xe không có bảng số). Trong những lần Phật sự ở Cam-pu-chia, có lần tôi được các sư ở đây cho biết, ba phần tư xe đang lưu hành trên xứ sở này không đăng ký với cơ quan nhà nước. Vì nghĩ rằng xe lưu hành không đăng ký có mấy điều lợi, thứ nhất, không phải đóng thuế, thứ hai, không tốn tiền bảo hiểm, thứ ba, nếu lỡ đụng ai chết thì cứ việc bỏ trốn, cảnh sát không tìm ra, nên nhiều người tại Cam-pu-chia đã liều mạng.

Trên đường đi, chúng tôi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông rất thảm thương. Nạn nhân bị xe cán nát đầu. Chứng kiến tai nạn trên, chúng tôi không biết phải làm sao? Khi gây tai nạn, họ bị khủng hoảng tâm lý, không dám tin rằng tai nạn kia xảy ra trước mắt mình. Các tài xế khi gây tai nạn thường bỏ trốn, vì họ sợ người thân của người bị nạn giận dữ, hành hung, có khi giết chết mình. Tuy nhiên, nếu bỏ chạy mà biết cách thì lòng từ bi vẫn có mặt được.

Ví dụ khi gây tai nạn, ta thành tâm cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ-tát cứu cho người ấy thoát chết, nếu được như thế thì dù có phải chi trả một khoảng tiền đền bù rất lớn, ta cũng sẵn sàng. Trong mọi trường hợp xảy ra, người khéo tu sẽ chuyển được những khổ đau trở thành những công đức, hoặc nhứt tâm niệm chú vãng sanh nếu quí vị tu theo pháp môn Tịnh độ.

Nếu là hành giả tu theo các pháp môn khác thì hãy vận dụng công năng tu tập của mình trong pháp môn ấy để chuyển hóa tình huống. Từ đó, cái nghiệp oan khiêng giữa mình và người kia có thể sẽ được hoá giải ngay trong đời hiện tại, không còn mang theo đến kiếp sau. Nếu biết được thân phận của người bị nạn, ta sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật, không trốn tránh, bởi vì người gây tai nạn trốn tránh có thể an phận trong hiện tại, nhưng trong nhân quả, nghiệp báo người ấy không sao tránh được mà vẫn phải trả trong tương lai.

  Cách đây 12 năm, tôi có xem bộ phim mang tựa đề “Ngôi sao hiểu lòng tôi”. Phim đề cập về một nhân vật bi kịch, đó là một người phụ nữ có 5 đứa con, chồng làm nghề tài xế. Chẳng may, trong một lần tai nạn giao thông, ông bị chấn thương khá nặng, rồi qua đời. Người gây tai nạn cho ông bỏ trốn, các cơ quan chức năng đã cố gắng hết sức, nhưng không tìm ra manh mối, tông tích gì về người gây ra tai nạn. Bởi vì người gây tai nạn đã lánh sang một tỉnh khác của Trung Hoa sinh sống. Trước khi trốn thoát, ông ta đã kịp lấy các giấy tờ tùy thân của người bị nạn để biết về quê quán, xứ sở người bị nạn ở đâu. Hàng tháng, ông ta âm thầm trích ra ba phần tư số tiền thu nhập của mình gửi cho gia đình người bị nạn.

Vợ của người bị nạn đều đặn mỗi tháng nhận được một khoản tiền nhất định như vậy, nhưng không biết ai là người đã mở lòng từ bi với gia đình mình. Bà ta vô cùng cảm động trước nghĩa cử cao đẹp ấy. Lúc đầu, bà có ý định đem số tiền đó giúp cho các em trong cô nhi viện, nhưng rồi bà lại nghĩ, nếu mình gửi hết số tiền ấy cho cô nhi viện thì lấy gì nuôi cả gia đình trong lúc khó khăn này. Cuối cùng, bà chấp nhận chi dùng số tiền không rõ tông tích ấy, trong lòng bà thầm cảm ơn người giúp tiền ấy rất nhiều. Bà không hề biết rằng, người gửi tiền chính là người đã tạo ra oan khiên, đau khổ cho gia đình mình.

Từ câu chuyện trên, ta học được cách thức thể hiện trách nhiệm làm giảm bớt nỗi đau của tha nhân. Nếu lỡ rơi vào trường hợp tương tự, chúng ta cũng biết cách san sẻ khổ đau của gia đình nạn nhân để trong tương lai nhân quả được nhẹ nhàng. Lúc còn trẻ, còn sức lực, cơ hội tạo ra của cải vật chất, cần  phải đối đầu với nhân quả, mong cho các hạt giống xấu đã gieo trồng trong quá khứ cứ trổ ra càng nhiều càng tốt. Hiện tượng này được gọi là “đổ nghiệp”. Đối với một số người chưa am tường về luật nhân quả, khi đổ nghiệp đồn dập, dễ thối tâm và sẽ không đến chùa, không làm Phật sự nữa.

 Khi hiểu rõ qui luật “vay trả, trả vay”, ta nên hoan hỷ chấp nhận sự thật trả quả, mà không vay lại. Nó cũng giống như qui luật vay nợ trên đời, khi ta vay tiền mà thiếu nợ lâu ngày thì tiền lời sẽ gia tăng. Nếu để lâu quá “lãi mẹ đẻ lãi con” thì ta khó mà trả nổi. Nếu ta chịu thắt lưng, buột bụng, chấp nhận trả nợ thì nợ sẽ mau hết. Biết chấp nhận nỗi khổ niềm đau sẽ dập tắt nhanh đau khổ. Bằng không, những vướng mắc, phiền phức, khổ lụy cứ đeo bám theo, ta sẽ khó thành công trong cuộc đời.

BIẾT CHẾT ĐỂ KHÔNG SỢ CHẾT

Đối diện cái chết là một trong những thách thức rất lớn đối với con người. Phật giáo dạy con người cần phải có bản lĩnh để chấp nhận sự thật đó. Bản lĩnh xuất khởi từ nhận thức của tuệ giác rằng, chết là một sự thật hiển nhiên, là một định luật mà ai cũng phải một lần trải qua. Nhất quyết không sợ chết, bởi cái chết tùy thuộc vào nghiệp của mỗi người sớm hay muộn. Con người sinh ra và trải qua kiếp sống trong thời gian bao lâu, một ngày, một tháng, một năm, hai hay trăm năm là tuỳ theo nghiệp về tuổi thọ mà người đó đã gieo trồng từ kiếp trước, cộng với số nghiệp lành được gieo trong đời hiện tại.

Cần ý thức lời Phật dạy trong kinh: “chết là một qui luật,  đã có sự sống, tất phải có chết. Đừng khởi tâm mong cầu vượt khỏi cái chết”. Đây là điều được đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi. Sanh, già, bệnh tật, khổ đau và chết là một qui luật hiển nhiên. Do đó, ta không mong rằng, ta không bệnh tật và không khổ đau. Hiểu được điều đó, chúng ta không mong thoát khỏi bệnh tật và chết thì khi cái chết đến, chúng ta không sợ hãi, không cường điệu nó lên.

Có người, do cường điệu cái chết quá mức, đến nỗi hoảng hốt, gào thét, bứt tóc, đấm ngực… Chính vì những cảm xúc lo lắng, sợ hãi cái chết quá mức làm cho thân bằng, quyến thuộc bị ảnh hưởng theo tiến trình tạo cảm xúc ấy. Từ đó, khi chết đi nghiệp thức của họ không thể sanh về cảnh giới tốt đẹp, an lành. Trong đời sống, người thân của ta là người biết làm lành, lánh dữ thì khi đứng trước cái chết, ta nên khởi tâm vui mừng và tin chắc rằng, họ sẽ được sanh về cõi giới an lành.

 Để biểu hiện tình cảm, sự tôn trọng của mình đối với người chết, khi ra đường gặp đám tang, ta hãy dừng bước, gỡ nón mũ ra để chào tiễn biệt, hoặc khi dự đám tang nên ăn mặc giản đơn, kín đáo, lịch sự để bày tỏ tấm lòng yêu kính của mình đối với người quá cố. 

 Khi nghe tin đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn, phản ứng trong Tăng đoàn rất đa dạng. Ngài A-nan đến bạch Thế Tôn, xin Ngài đừng ra đi, Ngài ra đi chúng con sẽ không còn chỗ để nương tựa. Còn các vị thánh A-la-hán vẫn với thái độ điềm nhiên, vì các vị ấy biết rõ lý do tại sao Như Lai phải ra đi? Những gì cần nói cho cuộc đời, Thế Tôn đã nói hết trong bốn mươi chín năm hành đạo (theo Bắc Tông), hoặc bốn mươi lăm năm (theo Nam Tông). Nếu còn ở lại cuộc đời, đức Phật cũng không nói điều gì khác hơn những điều đã nói. Tất nhiên, đức Phật ra đi tạo ra sự nuối tiếc về tâm lý cho những người còn lại phải cố gắng tu tập, hành trì để được lợi ích.

 Vì không kềm chế được cảm xúc, ngài A-nan đã khóc than thảm thiết. Thấy vậy, ngài A-nâu-lâu-đà  đến nói với A-nan rằng:

- Thôi ông đừng khóc. Ông khóc làm cho các Phật tử sẽ khóc theo. Ông khóc như vậy, người đời bảo rằng, Thế Tôn dạy thế nào mà các đệ tử đứng trước cái chết cũng đau khổ, khóc than như thế.

 Ngài A-nâu-lâu-đà nói tiếp:

- Khi còn tại thế, Thế Tôn đã làm biết bao công đức cho cuộc đời, được mọi người tôn xưng là cội nguồn của sự sống, là hạnh phúc của cuộc đời, công đức vô biên, vô lượng. Vì thế, chúng ta không nên khóc. Nghe A-nâu-lâu-đà nhắc nhở, ngài A-nan vẫn thụt thịt khóc, không thể kiềm chế dòng cảm xúc.

Khi đối diện cái chết, ta sẽ biết được tần số tâm linh của mình ở mức độ nào? Có biến cố ấy ta mới biết được, chứ lúc đang an tường, hạnh phúc, thành công sẽ không thể biết được điều ấy. Bởi vì cái ảo giác an toàn khống chế toàn bộ cảm xúc của ta. Đức Phật dạy, thỉnh thoảng ta nên đến những khu mồ mả, khu điểu táng để quan sát cái chết, xem có sợ không? Có dám ngủ một mình ngoài gò mả hay không? Ngủ ngoài gò mã là một trong mười hạnh đầu đà.

Trong nền văn hoá Ấn Độ, đối với một số người chết, họ không chọn thổ táng mà là điểu táng (quăng xác người chết vào rừng hoặc treo lên cây cho chim ăn thịt). Khi các loài chim rừng ăn hết thịt người chết chỉ còn lại bộ xương, người tu khổ hạnh đến nằm kề bên những khúc xương đó mà ngủ. Đó là  cách thức luyện tập để người tu hành không sợ hãi về cái chết.           

Đứng trước cái chết, ta không nên khóc mà cần trưởng dưỡng lòng từ bi. Lúc ấy, ta cần quán tưởng, mong cho người chết sớm được siêu sanh về cõi giới an lành. Tuy nhiên, điều này người nào hiểu sai lệch, ứng dụng không đúng sẽ làm cho tâm bị chai cứng trước cái chết, nhất là đối với cái chết của người xa lạ.

Đối với một số người, lòng từ bi có chăng chỉ phát khởi khi người thân của mình qua đời mà thôi, còn đối với người xa lạ thì cho dù họ có bị chết thê thảm thế nào, bị chôn vùi bởi các trận động đất, hay các cơn hải chấn cũng không xao động, hoặc khi nghe các tổ chức vận động cứu trợ, chia sẻ nỗi khổ đau với người không may lâm nạn, vì tiếc nuối của cải vật chất, có người không hề hưởng ứng. Nếu thế thì tình cảm mà ta dành cho người thân chỉ là cảm xúc tình người, không phải là lòng từ bi. Biểu hiện của lòng từ bi rất khác, khi nghe có sự chết chóc, đau đớn của bất kỳ ai, lòng từ bi của ta sẽ khởi lên và truyền đến họ bằng những cách mà mình có thể làm được. Chẳng hạn, giúp họ bằng tiền, bằng hiện vật, bằng tấm lòng hay bằng sự cầu nguyện, vận động người khác cùng làm để cứu giúp.

  Khi hiểu được cái chết, ta không sợ hãi mà xem đó là chuyện bình thường. Giống như quan niệm của một số người tự tin cho rằng, chết là cởi chiếc áo cũ để thay áo mới, đổi chiếc xe cũ, để tạo chiếc xe mới, hay ta bỏ kiếp sống trần gian thế tục để về thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà, hay về Đông Phương cực lạc của Phật Dược Sư, hoặc ước nguyện trở lại cõi người làm một nhà sư để dấn thân phụng sự cho cộng đồng và xã hội v.v... Kiếp sau ta sẽ là cỗ xe Đại thừa có sức chứa hàng ngàn, hàng vạn người tiến về cuộc sống của hạnh phúc và an lạc.

Nếu có niềm tin vững chắc về sự tái sanh, thực hành được các điều tốt đẹp giữa cuộc đời này, chắc chắn rằng, ta sẽ được an nhiên, tự tại trước sự sống và cái chết. Ngược lại, nếu sinh lòng sợ hãi trước cái chết thì cảnh giới ra đi là mù mịt, vô định, không biết đâu mà lần.

  Những điều đức Phật dạy về cái chết thì rất nhiều, trên đây chỉ xin trình bày một số kinh nghiệm đối diện với cái chết, Hãy thực tập những lời Phật dạy, chuẩn bị cho mình một số kỹ năng, huấn luyện cho tâm mình được vững chãi trước khi từ bỏ cuộc đời và sau khi lâm chung, chúng ta sẽ về cõi giới an lành một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: