Đời con mọi (bản demo) - Hàn Băng Vũ
Đời con mọi
1.
"Cuộc đời này thật là nhầy nhụa", nó thường nhổ toẹt một bãi nước bọt vào cái bóng của mình và lẩm bẩm câu ấy. Nó là một thằng đầy bất mãn mà từ lúc còn bé ranh con, vắt mũi chưa sạch đã biết chửi đời và oán giận cuộc đời này đã sinh ra nó. Nó cảm thấy nhục nhã và ghê tởm với chính bản thân mình chỉ vì nó có bố và nó có mẹ. Điều ước lớn nhất của nó khi sống ở trên đời chính là được nứt từ khe đá ra giống như Tôn Ngộ Không, điều ước lớn thứ nhì là nó chết quách đi hoặc đừng sinh ra đời này, miễn sao chỉ cần nó không có bố mẹ để oán trách là được.
Nó bị bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn, phải sống với dì ruột. Lớn lên trong sự đay nghiến xỉ vả về một người mẹ có thân phận "làm đĩ" và một người cha "tù tội" mà nó chưa được bế ẵm lấy một lần làm cho nó có cảm giác tủi nhục. Khuôn mặt nó tỏ rõ sự ương nghạnh, cái trán dô bướng bỉnh với những nếp nhăn xô vào nhau, gờ lông mày cao trên cặp mắt lồi nhìn rất dữ tợn. Mái tóc của nó xoăn tít, cắt cụn ngủn sát cái đầu nhỏ thó, đôi môi dầy thâm xì cùng với một vết bớt lớn trên má phải làm nó càng có vẻ thô kệch và lấc cấc.
Người ta quen gọi nó là "Mọi" (mọi rợ) mà không ai còn nhớ tên thật của nó là gì. Nó bỏ học từ năm lớp 3, ở nhà giúp việc cho dì dượng. Suốt ngày người ta chỉ nghe được từ căn nhà đó tiếng cãi chửi, đập phá mà người hứng chịu mọi hậu quả đều là nó. Nó sống lầm lũi và trơ lỳ, khuôn mặt luôn buồn rười rượi. Nó không biết khóc cũng chẳng biết cười. Bình thường thì cậy miệng nó ra, nó cũng chẳng thèm nói lấy một câu. Nó quen với đòn roi và những lời cay nghiệt của dì dượng, nếu không thì cũng là:
- Mọi dọn cái này đi
- Mọi vào đổ bô cho em
- Mọi nấu cơm đi
- ....v.v...
Mỗi khi làm việc gì đó không vừa ý dì dượng là cái mặt nó lại hứng chịu đủ những cái tát bôm bốp vào mặt. Nó chẳng bao giờ cãi lấy một câu, cũng chẳng phản kháng hay bỏ chạy, người nó đầy những vết sẹo như từ thời trung cổ mà nó cũng thản nhiên như chẳng có việc gì, đôi khi cười một cái nhạt thếch, nhổ toẹt một bãi nước bọt, lầm bầm mấy câu khinh rẻ cuộc đời rồi thôi.
Rồi thì nó cũng lớn tồng ngồng lên, cũng đã 17 tuổi và nó cũng đã bắt đầu chán cái cảnh dơ duốc bị coi như một kẻ ăn bám bẩn thỉu. Không chờ ai đuổi thì tự nó cũng bỏ đi (mà nó biết là nếu nó có ở lại cũng chẳng ai dại gì mà đuổi nó để mất đi 1 người làm quần quật từ sáng tới khuya mà không mất một xu tiền công).
2.
Nó chỉ mang đi theo vài bộ quần áo và mấy trăm ngàn móc từ ngăn tủ (nó cũng chỉ dám lấy có thế, vì từ bé tới giờ nó đã được cầm số tiền lớn đến như thế bao giờ đâu). Nó với thằng em hàng xóm, kém nó 2 tuổi cùng bỏ đi ra ngoài để "biết mùi đời" (thằng em vốn dĩ không hiểu chyện, thấy nó nói đi ra ngoài thì cũng láu táu đòi theo chứ chẳng biết sẽ đi đâu, làm gì) . Hai thằng trú mưa bên vạ đường, bộ quần áo trên người đã ướt sũng, khuôn mặt lấm lem đầy buồn đất. Trời tối dần mà trời vẫn mưa không dứt, thằng em bắt đầu sợ nên đổi ý, nằng nặc đòi về. Nó nghiến răng rồi gằn giọng:
- Từ chiều đến giờ ông bà ấy đi tìm không thấy tao với mày mà bây giờ mò về thì không bị đánh tan xác cũng bị què chân. Mày về đi, tao đ*o về đâu.
- Nhưng ra ngoài thì cũng chết đói - Thằng em lí nhí sợ sệt
- Sao mày ngu thế? Có chân có tay để làm gì?
Nó bực tức lấy tay đập vào đầu thằng em rồi lừ mắt dọa, thằng em sợ không dám ho he nói thêm câu nào (nó mạnh miệng thế nhưng thực ra thì nó cũng sợ, sợ không kiếm được việc gì làm lại phải mò về thì lại mang cái mặt ra để hứng đủ lời nhục nhã). Cả đêm hai thằng ngồi ôm lấy đầu gối mà chẳng ai nói câu nào,cũng chẳng chợp mắt được mà chỉ mải suy nghĩ (cái bụng đói sôi sùng sục làm nó không ngủ được chứ nó cũng biết là nghĩ ngợi cũng chẳng được gì) Ngoài trời mưa rơi tầm tã và tối đen như mực, cuộc đời đầy giông bão và tối đen cũng đang chờ đón nó. Chẳng ai biết rồi cuộc đời nó sẽ đi về đâu.
3.
Hai thằng lang thang vạ vật làm thuê mãi, nay đây mai đó rồi cũng dạt vào đến tận trong Sài Gòn. Khổ nỗi cái bản mặt của nó không ai tin dùng nó được vào việc gì. Vật vờ mãi rồi hai thằng xin được làm bảo vệ ở quán bia (cái mặt xấu xí và dữ tợn của nó bây giờ mới có tác dụng), lương bổng chẳng được bao nhiêu nhưng được cái là có chỗ ăn chỗ ngủ hơn là lúc màn trời chiếu đất nằm ngoài chợ. Ở đây nó cũng bị sai vặt việc nọ việc kia, cũng bị nhiếc móc chửi bới và thỉnh thoảng bị vài ba cái bạt tai. Nó vẫn vậy, lầm lũi cam chịu, chẳng nói cũng chẳng cười. Nhiều lúc nó cũng thấy bất mãn rồi lẩm bẩm chửi đời vài câu nhưng trong lòng nó thì nó thấy đây cũng là thiên đường rồi, ít nhất thì nó cũng kiếm tiền bằng công sức của nó chứ chẳng phải mang ơn ai. Ở đây người ta gọi nó là Thiết chứ không ai còn gọi là mọi và cũng chẳng ai còn coi nó như là đồ mọi rợ nữa, chẳng ai thèm đếm xỉa xem bố mẹ nó là ai mà ném vào nó mấy lời thương hại rẻ mạt nên nó lấy thế làm hài lòng.
Nhiều đêm hai thằng nằm ngủ ngoài hành lang, nhìn trời qua cái màn vá chằng chịt mà vẫn thủng lỗ chỗ. Tiếng muỗi vo ve bên tai khiến nó chẳng thể nào chợp mắt, lại thêm tiếng thằng em ngáy o o bên cạnh khiến nó trở mình mãi. Nó ngước nhìn bầu trời đầy sao đến cay xè mắt mà lại thấy nghẹn ở cổ họng, cuộc đời nó cũng như cái màn ấy, chắp vá mãi cũng chẳng vẹn nguyên. Những vết chắp vá của đời nó hằn sâu vào tâm hồn đã khuyết thành những vết sẹo chẳng bao giờ có thể phai nhạt. Nhìn thứ gì bị bỏ rơi, nó cũng thấy hình ảnh của mình. Từ những con mèo hoang đến những chiếc bình lọ sứt mẻ, nó thấy cuộc đời mình cũng mỗi lúc một sứt mẻ đi mà chẳng gì hàn gắn lại được. Những lúc ấy nó hết chửi đời rồi chửi mình, cái mặt nó câng câng nhìn vào khoảng không vô định, vết bớt trên má sậm màu lại càng làm cho nó xấu xí tới mức khó coi. Nó là cái tội, cái nợ mà nó phải trả để có mặt trên đời này. Nhiều khi trong giấc mơ, nó cũng thèm khát được đường hoàng về lại nơi người ta đối xử với nó như kể bần tiện, mà cầm sấp tiền ném vào mặt những kẻ từng coi khinh nó. Nó tin nhất định rồi cái ngày đó sẽ đến.
Có lúc thằng em hỏi nó:
- Anh tuổi con gì?
- Tuổi con lừa
- Làm gì có tuổi con lừa
- Cái thân tao không tuổi con lừa thì chắc cũng là tuổi con trâu, con chó thôi. Làm việc như trâu ngựa, rồi bị chửi ngu như chó. Mà vừa ngu, vừa ưa việc nặng thì chỉ có con lừa chứ còn gì nữa
- Anh có nhớ nhà không?
- Thằng này mày hỏi ngu thế nhỉ? Tao làm gì có nhà mà nhớ.
Thằng em hỏi vu vơ thế mà cũng làm nó quay quắt ruột. Nó nhớ cái góc bếp chất đầy hàng hóa mà nó vẫn chui vào trốn hồi nhỏ, có lúc ngủ quên béng đi, đến lúc tỉnh dậy thì trời đã tối và nó cũng bị một trận no đòn vì trốn việc. Nó nhớ cả mảnh vườn, cả con chó suốt ngày quẫy đuôi theo nó. “Mẹ kiếp, cái nhà ấy chỉ có mỗi con chó là quý mình”. Cuộc đời với nó đúng là thứ gì đó nhầy nhụa thật.
4.
Ở đó được ít lâu thì quán bị đóng cửa (nghe đâu ông chủ cá cược thua nên phải đem quán ra gán nợ, cả nhà cũng chẳng còn). Hai thằng lại bị tống ra đường, vạ vật và lang thang thêm một lần nữa.
Có bà chủ quán bia bên cạnh cũng tỏ ý thương hại nó, muốn nhận nó vào làm rồi che chở cho nó nhưng ông chồng giẫy nẩy lên không chịu, sợ bà ấy phải lòng ‘trai tơ”. Bà ấy có ý bảo nó van lơn ông ta mấy câu nhưng nó không chịu, lắc đầu quầy quậy rồi bỏ đi. Nó bị ám ảnh vì cái thân phận ở đợ từ nhỏ nên có nói thế nào cũng không nghe. Bà ta tặc lưỡi ngao ngán rồi thì cũng để cho nó đi.
Sau mấy lần bị đánh nhừ tử thì hai thằng nhập hội được với bọn du côn ở chợ. Nó tham gia cả vào những vụ ẩu đả tranh giành và đôi khi là cướp giật, trộm cắp. Người nó lại thêm nhiều những vết sẹo vì đâm chém. Một lần, nó bị bắt quả tang khi đang cố bẻ khóa chiếc xe máy trên vỉa hè. Sau khi bị đánh thừa sống thiếu chết, nó bị dẫn đến đồn công an. Người ta hỏi dồn nó đủ mọi câu hỏi và nó đều đáp vẻn vẹn hai từ “không biết” cũng chẳng có giấy tờ tùy thân hay ai bảo lãnh nên nó bị khép thêm tội “chống người thi hành công vụ” và bản án 2 năm tù. Thằng em từ đó cũng biệt tăm biệt tích, nó chẳng còn gặp lại được nữa.
5.
Vào tù, nó cũng nhanh chóng tỏ ra biết điều, quen lề, quen luật nhưng vẫn thỉnh thoảng bị đánh cho một trận bầm dập cả mặt mũi. (Nghe đâu đại ca nhìn cái vết bớt trên mặt nó thấy ngứa mắt nên cho mấy thằng em thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để giải khuây). Mỗi lần người khác có người nhà đến thăm là nó cũng nhấp nhổm, hi vọng thằng em tìm đến. Nhưng mãi chẳng thấy nên nó cũng quên cái việc ấy đi. Chắc thằng em xin được việc làm hoặc sợ xanh mặt bỏ về nhà rồi.
Lúc trong xà lim bị đánh đập là vậy nhưng nó vẫn cam chịu mà chẳng phản kháng lần nào (nó nhỏ con biết không phải là đối thủ của mấy thằng lớn xác nên cắn răng chịu chứ thời gian ở ngoài, nó không còn là thằng cù lần cam chịu nữa). Cả bọn đè nó ra xăm trổ khắp mình mẩy rồi cho nó vào hội, không bắt nạt nó nữa. Cả bọn xăm lên mặt nó cả một đàn khuyển dương chạy vòng quanh (lúc đầu nó không biết khuyển dương là gì, mãi về sau này mới biết là chó nên cũng ít nhiều ấm ức nhưng quên ngay).
Lúc nó ra tù, được đại ca thương tình nên cho nó cái địa chỉ bảo đến đấy nhờ vả. Nó lấy nhưng cũng chẳng cảm ơn lấy câu nào ra hồn, cũng chẳng định nhờ vả ai. Nhưng rồi ra ngoài, chật vật mãi chẳng làm được việc gì ra hồn nên nó cũng lần theo địa chỉ ghi trên giấy đến đó là một quán Karaoke (có mấy chữ nó không biết đọc nhưng cũng hỏi thăm được đến nơi)
6.
Bà chủ là nhân tình cũ của đại ca, mới đầu đối xử với nó cũng có vẻ tử tế nhưng được mấy bữa rồi cũng quên béng nó đi. Nó được xếp chỗ ăn chỗ ngủ nhưng sau này quen thân được với thằng anh cùng làm thì dọn về ở chung. Buổi nào được nghỉ ở nhà là hai thằng lại chén chú, chén anh đến say bí tỉ mới thôi. Thằng anh có vẻ già đời, nó tỏ ra rất kính nể, gọi là anh đoàng hoàng chứ không có kiểu cá mè một lứa nên thằng anh cũng quý. Mỗi lúc ngà ngà say là thằng anh bắt đầu lảm nhảm đủ thứ trên đời. cuộc đời thằng anh cũng khốn nạn như nó nên cũng có câu cửa miệng là “Đ*t m* đời”. Những lúc ấy nó chỉ biết ngậm miệng lại tỏ vẻ chăm chú nghe nên thằng anh được đà cứ lải nhải cho đến lúc say gục đi mới thôi.
Thằng anh dạy cho nó đủ thứ trên đời rồi bắt đầu dạy cho nó biết đến mùi đàn bà. Lần đầu tiên, thằng anh lôi từ quán về con nhỏ mặt trán đầy phấn son lòe loẹt, tống cổ hai đứa vào phòng rồi bỏ đi. Chân tay nó tê cứng, đứng đờ người ra, chẳng biết phải làm gì. Nếu ra ngoài thì thế nào cũng bị con nhỏ cười thối mũi. Tần ngần một lúc rồi nó cũng leo lên giường đè bẹp con nhỏ xuống hôn tới tấp lên mặt lên mũi. Nó phải chịu đựng lắm mới không nôn ra, mùi phấn son làm nó thấy tởm.
Con nhỏ nháy mắt đưa tình rồi cười khúc khích hỏi nó:
- Lần đầu tiên của anh à?
Nó bị nói trúng tim đen nên ấp úng:
- Tất nhiên là không rồi.
Mặt nó đỏ bừng lên, không muốn tỏ ra nhà quê nhưng chẳng biết phải làm như thế nào nên đành răm rắp làm theo những gì con bé bảo. Đến lúc xong việc thì thấy thằng anh ngồi vắt chân lên ghế đang phì phèo điếu thuốc đợi sẵn. Nó vẫn chưa hết ngại, chờ thằng anh ném tiền cho con nhỏ rồi mới đến ngồi gần, rót cốc nước rồi tu ừng ực. Thằng anh hất hàm lên hỏi nó:
- Thế nào?
- Nhột lắm anh ạ. Mà mùi phấn của nó làm em buồn nôn. Ghê ghê
- Thích không?
- Thích
- Rồi cũng quen thôi.
Con nhỏ đem kể chuyện của nó với tất cả bọn gái ở trong quán làm trò cười khiến nó bực mình. Nhưng cũng nhờ thế mà nó được lên giường lần lượt với tất cả đám đó. Cũng có thể là do tò mò, cũng có thể là do thương hại, muốn “đào tạo” cho nó. Nó đếch quan tâm, cho thì nó nhận.
7.
Có con bé nhà quê mới đến xin vào chỗ làm, thằng anh liền chạy ra xem. Được một lúc thì đã chạy vào xua tay rồi lè lưỡi nói vẻn vẹn đúng 3 từ "xấu phát ớn". Nó cũng tò mò chạy ra xem, nhìn con bé đúng là xấu như thằng anh nói thật nhưng không tới mức "ma chê quỷ hờn". Dáng người cũng có vẻ dong dỏng cao nhưng hơi mập, bộ ngực quá khổ nhìn khó coi. Con nhỏ ngồi trên cái ghế nhựa vẫn chưa chịu đi, vừa nhìn thấy nó đã nặn ra ngay được một nụ cười gượng, để lộ hàm răng vàng khè. Một bên mắt con nhỏ bị lé, nhìn trắng dã. Cái mặt đen lại sần sùi, cái mũi to lại thêm hai cánh mũi cứ phập phồng bỗng dưng làm nó ngại quay mặt đi luôn rồi cũng chạy vào trong.
- Thế nào? - Thằng anh cười khoái trá nhìn nó
- Đúng là trăm nghe không bằng một thấy - Nó cũng cười theo, nheo đôi mắt lại. Cái đầu xoăn tít gật gù theo.
- Trăm thấy không bằng một sờ chứ. - Thằng anh đá mắt sang nó pha trò, cười đắc trí.
- Khiếp. Cái của ấy cho em, em cũng chẳng thèm. Sờ với soạng cái gì.
Nó lè lưỡi ra khi thoáng nghĩ tới chuyện chung chạ với con bé rồi phì cười một mình.
Đến khuya mà con bé vẫn lởn vởn ở gần quán mà không chịu đi. Vừa thấy nó là con bé cứ lẽo đẽo chạy theo sau, đuổi thế nào cũng chẳng chịu đi nên nó đành cho theo về đến nhà, định bụng cho tá túc một đêm rồi sáng mai đuổi đi cũng không muộn. Nó mủi lòng khi thấy con bé cũng đáng thương, lang thang vật vờ như nó ngày xưa.
Đến nhà, nó mới nhìn kĩ lại con nhỏ. Hai bên cổ tay nó đầy những vết cắt nham nhở, trên vai và cánh tay đầy vết sẹo sâu hoắm nhìn ghê rợn. Nó lẩm bẩm "đồ cà chớn" rồi hất hàm về phía con nhỏ:
- Phe hành xác à?
(Lớp trẻ bây giờ có một trào lưu mới là châm những điếu thuốc đang cháy dở vào người để xả stress hoặc chứng tỏ bản lĩnh, họ gọi những người này là phe hành xác)
Con bé nhà quê bối rối tỏ vẻ không hiểu nên nhăn mặt lại. Cơ mặt nó cũng giãn ra khẽ lẩm nhẩm là con nhỏ không tới mức khùng dở như nó tưởng. (đối với nó, những đứa con gái lắm tiền thích hành xác là những đứa khùng dở cả) Nó không có ý định hỏi nữa thì tự con bé thủ thỉ tâm sự:
- Ông bố dượng của em đấy.....
Nó khó chịu khi thấy con nhỏ sụt sịt nên xua tay, ý điều bảo con nhỏ im miệng nhưng con nhỏ vẫn thủ thỉ nói tiếp:
- Mỗi lần ông ấy hứng chí lên, là ông ấy lại rít điều thuốc rồi châm lên người em
Nó bắt đầu cảm thấy ngao ngán, hình ảnh bị đánh đập thuở nhỏ lại hiện lên "chẳng lẽ con nhỏ cũng trơ lỳ tới mức không biết chạy". Con nhỏ có vẻ hiểu ý nên vẫn cái giọng thủ thỉ ấy ra điều giải thích:
- Em mà có chạy được thì ông ấy cũng đánh mẹ em cho thân tàn ma dại. Tháng trước bà ấy không chịu được, bỏ đi một mình nên em mới trốn đi.
- Thế bây giờ có chỗ nào để đi không?
Con bé lắc đầu buồn bã. Nó thấy bực mình vô cớ rồi đấm tay vào tường, nhổ một bãi nước bọt rồi lẩm bẩm "cuộc đời thật là nhầy nhụa".
Đêm đó, nó cho con bé nằm dưới đất nhưng con bé cũng không ca thán gì. Sáng ra còn dọn dẹp tươm tất đâu ra đấy rồi nấu bữa sáng bê ra mời nó với thằng anh. Thằng anh ghé vào tai nó:
- Thế cũng thèm rồi đấy hả?
Nó huých vào tay thằng anh không nói gì. Thằng anh cười khẽ liếc nhìn con bé:
- Có nhà để về không?
Con bé lắc đầu thì thằng anh nói tiếp:
- Cứ ở tạm đây mấy ngày, tìm được việc rồi ra ngoài cũng được.
Con bé gật đầu rối rít cảm ơn. Con bé nói là 19 tuổi, ở nhà người ta gọi nó là “téng” vì mắt bị lé nhưng tên nó là “Thương”. Nó cũng thương con bé nhưng thấy bất tiện nên tỏ ra khó chịu ra mặt. Buổi chiều nó chạy qua mấy chỗ tìm việc cho con bé để con bé đi cho đỡ áy náy. Nhưng mấy ngày sau tìm được việc cho con bé ở quán cơm bụi thì nó lại không muốn đuổi con bé đi nữa. Mấy ngày có con bé nên nhà cửa tươm tất, lại có tiếng cười nên nó cũng quen. Nó bàn với thằng anh cho con bé ở lại thì thằng anh cũng ầm ừ cho qua chuyện vì chẳng mấy khi ở nhà.
8.
Mấy tháng đầu thì hai đứa qua lại phòng nhau thậm thụt vào ban đêm nhưng lúc có thằng anh thì nó lại tỏ ra ghét con bé ra mặt. Mấy tháng sau thì con bé dọn luôn vào phòng nó ở chung. Con bé được cái chịu khó lại hiền lành, chẳng cãi nó bao giờ. Hôm con bé chẳng may làm đổ cà phê lên áo nó, nó vả luôn vào mặt con bé mấy cái mà con bé cắn răng không nói lời nào, cũng chẳng khóc lóc. Đánh con bé xong, nó thấy ân hận nên lúc về mua cho con bé đủ thứ để an ủi. Trong lòng nó cũng thương con bé nên tự nhủ là chẳng bao giờ động chân động tay hay quát mắng con bé nữa nhưng nó cũng chẳng bao giờ nói với con bé được một câu lọt tai. Vậy mà con bé lúc nào cũng nghe theo răm rắp rồi hớn hở cười với nó.
Buổi chiều hôm đó nó về nhà, thấy con bé đang lúi húi trong bếp. Nó bước vào thì con bé đã te tởn chạy ra ôm lấy nó. Nó đẩy ra ngay rồi lẩm bẩm ‘đúng là đồ đàn bà” nhưng trong bụng thì cũng thấy vui vui. Đến bữa cơm, con bé bày ra đủ món. Nó không hỏi gì, trong nghĩ bụng “con bé lại bày trò khoe tài nấu nướng đây mà”.
Con bé khoe với nó là có thai làm nó sặc sụa, phì cả thức ăn trong miệng ra. Nó không nói năng gì, buông đũa đứng dậy. Đến sau bữa tối, con bé lần vào trong phòng ngồi bên giường nó thì nó đưa cho con bé mấy tờ tiền bảo “đi bệnh viện đi”. Con bé giãy nảy lên không chịu, khóc lóc rồi nói đủ điều. Nó bắt đầu bực mình:
- Sinh con ra để làm tình làm tội nó hả? cơm không có đổ vào mồm thì lấy gì mà nuôi con.
- Mình cố gắng là được mà. Con có bố có mẹ khỏe mạnh thì nhất định là nó sẽ không khổ đâu.
Thấy con bé khóc rưng rức, lòng nó cũng quặn thắt mà nghĩ lại, kéo tay ôm con bé vào lòng vỗ về. “ừ thì không bỏ nữa”. Đêm ấy, nó trằn trọc mãi rồi cũng đi vào giấc ngủ. Trong mơ nó thấy mình được làm bố, mua cho con nó những món đồ chơi đủ sắc màu mà yêu thương chăm chút. Rồi con nó sẽ không còn phải khổ như đời làm con mọi của nó nữa. Con nó sẽ được hạnh phúc.
Jenerosa – Hàn Băng Vũ
Ngày 24.04.2011
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top